Đại phúc dành cho các đôi vợ chồng trẻ

0
948

Bartolomeo Monge, C.M.

Lời mở đầu

“Có những sứ vụ thuộc về truyền thống, thường bị loại bỏ cách hấp tấp song vẫn không thể thiếu được nếu chúng ta mong muốn canh tân đời sống Kitô giáo cách mãnh liệt và định kỳ.”[1]

“Hoạt động dạy Giáo Lý của gia đình có một đặc tính riêng biệt, theo một nghĩa là không thể thay thế được… Trong bối cảnh gia đình, các Kitô hữu làm cha làm mẹ còn phải cố gắng tuân theo và áp dụng việc giảng dạy có phương pháp hơn đã lãnh hội được từ nơi khác.”[2]

“Ơn của Thần Khí là luật sống cho đôi bạn Kitô hữu, và đồng thời là động lực hướng dẫn họ hướng đến sự hiệp thông lẫn nhau, để luôn thăng tiến trong mọi khía cạnh: thể xác, tính tình, con tim, trí tuệ, ý chí, linh hồn, hầu biểu lộ cho Hội Thánh và cho thế giới thấy sự hiệp thông mới mẻ về tình yêu do ân sủng Đức Kitô ban tặng trong Bí tích Hôn nhân.”[3]

Dựa theo những chỉ dẫn này của Huấn Quyền, theo hướng đi của các cuộc đại phúc Vinh Sơn, chúng tôi đang cố gắng dành riêng những cuộc gặp gỡ đặc biệt cho gia đình, nhờ đó phát triển và hướng tới sự trưởng thành tròn đầy không chỉ về đời sống thường nhật của họ, mà còn là một đời sống đức tin cụ thể.

Suy ngẫm dựa theo chủ đề trên

1. Mô tả kinh nghiệm

Trong quá trình thực hiện các cuộc đại phúc, chúng tôi sắp đặt một vài buổi tối dành cho một số cuộc gặp gỡ với suy tư dựa trên các chủ đề liên quan đến đời sống của cặp vợ chồng và việc giáo dục con cái. Chúng tôi thường trù định ba hoặc bốn buổi tối, tập trung vào đời sống của các cặp vợ chồng cũng như các vấn đề gia đình, cách làm cha mẹ có trách nhiệm, những phương cách giúp niềm tin giữa vợ chồng được tăng trưởng đều đặn, điều này vốn là nền tảng cho đời sống đức tin trong gia đình. Trong những cuộc gặp gỡ này, chúng tôi đặc biệt mời các cặp vợ chồng trẻ, là những người hiện ở trong các cộng đoàn Kitô giáo ở Ý. Họ là những người gặp nhiều khó khăn nhất trong việc thực hành đức tin trong chính cộng đoàn mình đang sống, và cũng là những người phải gánh chịu việc giáo dục con cái trong những năm đầu đầu đời của chúng.

Tài liệu “Chăm sóc Mục Vụ Gia Đình” được ban hành bởi Hội đồng Giám mục Ý, đề ra ba điểm cần nhấn mạnh:

        • tìm kiếm những cặp vợ chồng trẻ,
        • thừa nhận tầm quan trọng của sự hiện diện của họ trong cộng đồng.
        • đồng hành cùng tất cả các cặp vợ chồng trẻ, để giúp họ sống theo ơn gọi và sứ mệnh của họ, vượt qua những “khủng hoảng” ban đầu có thể nảy sinh.

Các cuộc đại phúc Vinh Sơn tuân theo quy trình này:

a) trong giai đoạn tiền đại phúc (là thời điểm cha xứ và hội đồng giáo xứ cần phải tìm kiếm các cặp vợ chồng trẻ),

b) trong thời gian đại phúc (tiếp đón các cặp vợ chồng trong các cuộc gặp gỡ được dành cho họ cách đặc biệt ),

c) trong thời gian hậu đại phúc (đề xuất thành lập một nhóm sẽ nghiên cứu về linh đạo gia đình, nhằm đi theo những đường hướng mới được mở ra trong kỳ đại phúc).

2. Kết quả thu được và các vấn đề gặp phải

Một khi những cuộc gặp gỡ này đã được lên chương trình, và cha xứ cùng với Hội đồng giáo xứ đã hoàn tất việc tìm kiếm và mời gọi các cặp vợ chồng đến các cuộc gặp gỡ, những người đồng ý tham dự phải luôn tỏ thái độ rất quan tâm đến các chủ đề học hỏi.

Người ta có thể nói rằng thực sự có một sự nghiên cứu chân thành dưới ánh sáng Lời Chúa và Huấn Quyền của Giáo Hội, để có thể sống những năm tháng đầu tiên kinh nghiệm gia đình Kitô hữu trong niềm vui và bình an.

Với cách thức gặp gỡ các cặp vợ chồng này, những khó khăn lớn nhất gặp phải là nhiều người trong số họ có xu hướng sống tách biệt với người khác; vấn đề làm thế nào để “tìm thời gian” chia sẻ trong những cuộc gặp gỡ này: đôi khi là “không đủ hiểu biết” về sự hiện diện của họ, theo mức độ mà chính cộng đoàn Kitô giáo được quan tâm.

Đại phúc thường là cơ hội để “khám phá” những cặp đôi này và khởi đầu một cách thức gặp gỡ mới.

3. Bài học trong tương lai

Là những nhà truyền giáo Vinh Sơn, chúng ta có thể:

a) là một tác nhân sinh động các cộng đoàn Kitô giáo, giúp họ chú ý đến việc Phúc Âm hóa cho các gia đình trẻ,

b) trong thời gian đại phúc, khêu gợi lên một “trải nghiệm vui tươi” về những cuộc gặp gỡ dành cho chính các cặp vợ chồng trẻ, một kinh nghiệm sẽ tiếp tục diễn ra sau đại phúc như là một “linh đạo nhóm gia đình”.

4. Làm thế nào có thể đáp ứng vấn đề của những người “xa nhà thờ”

Các cặp vợ chồng trẻ có những kinh nghiệm đức tin khác nhau, và đôi khi có những giai đoạn rời xa đức tin. Đề xuất một đường lối suy tư là một cơ hội quý giá để “tái khám phá” các giá trị đã trở nên chán ngán nhưng có thể được làm cho trở nên nhiệt tình và mạnh mẽ. “Linh đạo nhóm gia đình” này có thể kéo dài trải nghiệm đã được sống trong thời gian đại phúc, và sẽ hỗ trợ cho việc tái khám phá trên cũng như trợ giúp giai đoạn củng cố.

5. Một đóng góp vào việc hiện thực hóa sứ vụ Vinh Sơn

Làm việc trong lĩnh vực của các cặp vợ chồng trẻ luôn kích thích sự mới mẻ trong việc loan báo Tin Mừng, vì nó buộc nhà truyền giáo phải sát gần hơn với những tình huống cụ thể của cuộc sống; điều này dẫn đến một sự đổi mới liên tục trong các lĩnh vực khoa học nhân văn khác nhau và trong việc làm đào sâu thêm tính thiêng liêng đặc thù của Hôn nhân Kitô giáo.

Trong cuộc đại phúc, một không gian rộng lớn có thể được mở ra với sự hợp tác hữu hiệu của các cặp vợ chồng trẻ tham gia vào việc cổ vũ cho những cuộc gặp gỡ cụ thể này giữa các cặp vợ chồng trẻ.

Đây là một cách thức mới để hiện thực hóa những mối quan tâm của thánh Vinh Sơn trong thời đại của ngài, đối với tất cả các tầng lớp dân chúng mà ngài đã rao giảng Tin mừng. Đó là cách thức liên quan đến một trong những “dạng thức đói nghèo mới” trong thời đại chúng ta, trong lãnh vực đời sống tinh thần và đời sống đức tin.


[1] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, số 47.

[2] Ibid, số 68.

[3] Gioan Phaolô II , Tông huấn Gia Đình Kitô Giáo, số 19.