Con Người – Sự Chết – Thiên Chúa

0
819

Cao Viết Tuấn, CM

Đứng trước cái chết của một thanh niên, chúng ta giải thích như thế nào? Cái chết là điều phi lý, vô nghĩa, không thể chấp nhận và không thể hiểu được, hoà hợp như thế nào với niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót? Và các mô hình tôn giáo xuất hiện để an ủi con người: tôi phải làm gì để Thiên Chúa không làm khổ gia đình tôi, hoặc người ta phủ nhận Thiên Chúa và đi vào học thuyết vô thần. Để giải quyết mâu thuẫn này, chúng ta cần đến mặc khải về sự sống lại.

Thật sự, cái chết là giới hạn sau cùng và tuyệt đối của kiếp nhân sinh. Dù vậy, nếu sau cái chết, con người vẫn hiện hữu, vẫn sống trong Thiên Chúa, Đấng Ban Sự Sống, thì khi ấy cái chết không còn vô nghĩa, nhưng là cánh cửa để đi vào cuộc sống viên mãn. Tất cả mọi biến cố trong đời sống, bao gồm cái chết, cần phải được  quy chiếu về cuộc sống đời đời, thì khi đó, chúng ta dễ dàng thấu hiểu và đón nhận.

Ví dụ sau đây sẽ minh hoạ cho những điều vừa trình bày.

Một kiến trúc sư được người ta giao cho xây dựng một ngôi biệt thự trong một vườn cây tuyệt đẹp bên cạnh dòng suối trong lành. Anh ta lập bản thiết kế và bắt tay vào xây dựng cùng với đội thi công. Vườn cây bên cạnh dòng suối trở nên công trường, một số cây cối bị phá hỏng, đất bị đào bới, vật liệu bừa bộn, đường đi lầy lội, các vũng nước dơ bẩn, tiếng ồn ào thay thế cảnh êm đềm trước đây. Thấy thế, chủ nhân phiền trách anh kiến trúc sư: Anh xem phải làm sao, chứ mọi thứ đảo lộn như thế thì coi sao được! Tôi thất vọng về anh quá! Anh chỉ là một tên phá hoại!

Anh kiến trúc sư không biết nói gì liền đưa bản vẽ cho ông chủ coi và chỉ cho thấy ngôi biệt thự khang trang nhìn dòng suối êm đềm cùng với các lối đi rải sỏi sạch sẽ, những bãi cỏ xanh rì, hàng rào, cổng… Nhưng mọi thứ sẽ trở thành hiện thực khi đã hoàn tất công trình. Còn bây giờ mọi người phải cùng nhau làm việc theo bản vẽ đã có sẵn.

Để hiểu rõ hơn các biến cố trong đời sống, chúng ta cần khám phá kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua các biến cố. Kế hoạch ấy không dừng lại ở đời sống hiện tại, nghĩa là làm cho con người không đau khổ ở đời này, không có bất công, hận thù, tham lam… nhưng là con đường đưa con người đến hiệp thông với Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu. Khi đó, sự sống lại là chìa khoá giải quyết vấn đề về các biến cố nhất là sự chết.

Thiên Chúa vắng mặt là điều mà chủ thuyết vô thần sử dụng để chống lại tôn giáo. Trong khi đó, người tin nhận ra đó là điều kiện để con người xác tín vào Thiên Chúa bằng tất cả tự do của mình, để khi kết thúc đời sống trên trần gian, con người được sống trong Chúa. Đức tin chấp nhận những thách đố của cuộc sống mà không thất vọng hay sụp đổ khi biết rằng những nỗ lực của con người trên trần gian là để tiến về cõi vô biên.

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá cho thấy sự bất lực đến tận cùng của con người lẫn Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không hành động để cứu Đức Giêsu, người công chính, ra khỏi cái chết nhục nhằn. Thật là hụt hẫng và thất vọng biết bao! Điều này cho thấy Thiên Chúa Toàn Năng không phải là một người hùng mạnh nhất giữa những người hùng mạnh như cách con người phóng chiếu, nhưng là “hoàn toàn khác”, nên Ngài vượt ra khỏi mọi phạm trù của con người.

Chính vì sự hoàn toàn khác này, Thiên Chúa đã dùng chính sự chết để giải quyết vấn đề sự chết để đưa con người đến sự sống vĩnh cửu nhờ sự phục sinh của Con Thiên Chúa. 

(Viết lại theo Francois Varone, trong Vấn đề từ Thiên Chúa vắng mặt)