Linh mục Vinh Sơn – Nhà truyền giáo
Robert Maloney, CM
Chúa Giêsu là linh mục của Tân Ước. Ngoài Ngài ra, không còn chức linh mục nào khác. Ngài nói với chúng ta: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Ngài là Lời mang xác phàm của Thiên Chúa, và mạc khải Chúa Cha cho chúng ta nơi bản thân Ngài. Như tác giả thư gửi tín hữu Hipri viết, Chúa Giêsu là Đấng đã dâng hiến tế “một lần mà vĩnh viễn” (Hr 9,12.26; 10,12.14). Ngài cũng là Đấng chăn giữ đoàn chiên. Chúa Giêsu cũng nói trong sách Tin Mừng Gioan: “Ta là mục tử nhân lành,” “Ta là cây nho,” “Ta là cửa chuồng chiên,” “Ta là ánh sáng,” “Ta là bánh đích thực từ trời xuống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ sống muôn đời.” Mọi chức linh mục thừa tác đều là sự thông dự vào chức linh mục của Chúa Giêsu.
Với những dòng trên, tôi đã minh định những điều căn bản nhất thuộc về chức linh mục. Để phục vụ Nước Chúa và phục vụ Giáo hội là dấu chỉ của Nước Chúa, chức linh mục có nguồn gốc và khuôn mẫu nơi cuộc đời, cuộc tử nạn, và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu.
Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu quan điểm thần học của thánh Vinh Sơn về chức linh mục, và rút ra một số suy gẫm từ khuôn mẫu linh mục mà ngài đã chọn.
I. Nhiều khuôn mẫu khác nhau
Giống như tất cả các mầu nhiệm khác, chức linh mục rất giàu ý nghĩa, và được biểu lộ qua nhiều cách thức khác nhau. Công đồng Vatican II trình bày chức linh mục qua ba tiêu đề truyền thống: giảng dạy, thánh hóa, và cai quản.[1] Trong một bài viết nhận định về Công đồng Vatican II, sau 25 năm kết thúc, cha Avery Dulle đề cập năm khuôn mẫu của chức linh mục, đó là:[2] giáo sĩ, mục tử, người chủ tọa, người rao giảng, và người phục vụ. Nhận thấy tất cả các khuôn mẫu trên đều thiên về các chức năng của linh mục và cảm thấy sự thiếu xót trong cách tiếp cận chức năng, ngài phác họa thêm một khuôn mẫu tổng thể về chức linh mục, mà ngài gọi là khuôn mẫu “đại diện.” Theo ngài, dù với chức năng nào, vị linh mục cũng đại diện Chúa Kitô, Đấng là Đầu của thân thể Giáo hội.[3] Qua kinh nghiệm phong phú của ngài với các linh mục, cha Walter Burghardt mô tả các khuôn mẫu thẩm phán, thờ phượng, mục vụ, ngôn sứ, và đan tu của chức linh mục.[4]
Qua các trình bày trên, chúng ta thấy một điều rất rõ rệt: Chức linh mục bao hàm nhiều chức năng khác nhau, và không chức năng nào có thể diễn tả đầy đủ chức linh mục. Tùy thời đại, tùy môi trường văn hóa, và nhất là tùy mỗi vị linh mục, các chức năng trên sẽ được các linh mục thể hiện một cách đậm nhạt khác nhau.
II. Các vai trò của linh mục trong Tân Ước
Trong cuốn sách rất nổi tiếng Priest and Bishop (Linh mục và Giám mục),[5] cha Raymond Brown liệt kê bốn vai trò chính của vị linh mục thừa tác Kitô giáo, và mô tả mỗi vai trò này như sau:
1. Môn đệ
Chúa Giêsu kêu gọi nhóm mười hai để sống mật thiết với Ngài: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,14). Như vậy, dưới cái nhìn của Giáo hội, bổn phận đặc biệt của các linh mục là trở nên những môn đệ trung tín của Chúa Giêsu. Nếu các Kitô hữu được kêu gọi trở nên ánh sáng cho trần gian, vị linh mục được kêu gọi trở nên ánh sáng cho các cộng đoàn Kitô giáo.
Như được trình bày rõ ràng trong Tân Ước, mọi Kitô hữu đều được Chúa Giêsu kêu gọi trở thành môn đệ của Ngài, nhưng Chúa Giêsu cũng trao vai trò lãnh đạo cho một số người riêng biệt, và kèm theo những đòi hỏi đặc biệt đối với những người này.
2. Tông đồ
Vị linh mục không chỉ được kêu gọi ở với Chúa Giêsu; ngài còn được sai đi đến với người khác nhân danh Chúa Giêsu. “Tông đồ” nghĩa là nhà truyền giáo, và là người chuyển động. Sứ vụ chính yếu của ngài là phục vụ. Vị linh mục trước hết phục vụ Chúa Giêsu, trong tư cách là sứ giả của Ngài, và kế đến là phục vụ tha nhân. Tân Ước liệt kê nhiều hình thức phục vụ khác nhau mà vị tông đồ đảm nhận: rao giảng, giáo huấn, khuyên bảo, cầu thay nguyện giúp, an ủi, sửa dạy, thăm viếng, trở nên bạn hữu, đồng lao cộng khổ, lạc quyên, lao động chân tay.
3. Giám mục
Giám mục là một người định cư. Ngài chịu trách nhiệm chăm sóc một Giáo hội địa phương. Ngài có bổn phận tổ chức, ổn định, và cai quản tốt một cộng đoàn. Cai quản là một trong những trách nhiệm chính của ngài. Ngài phải cai quản như một mục tử hết lòng chăm sóc đoàn chiên được giao phó cho ngài.
Hầu hết các cấu trúc quyền bính của chức linh mục Kitô giáo được triển khai dựa trên hình ảnh này, nhưng chúng cũng được bổ sung bằng các hình ảnh người môn đệ và người phục vụ của vị linh mục.
4. Người chủ tọa cử hành Thánh Thể
Ý nghĩa phong phú của Bí tích Thánh thể và sự phát triển tiệm tiến các hình thức cử hành Thánh Thể đều được tìm thấy trong các sách Tân Ước. Trước thế kỷ thứ nhất, như được trình bày rõ ràng trong sách Didache, Bí tích Thánh Thể đã được xem là một hy tế của Chúa Giêsu. Khi đó, vai trò chủ tọa Thánh Thể cũng được coi là một hành động thuộc về chức linh mục. Vị giám mục chính tòa là người thường xuyên chủ tọa Thánh Thể, để nói lên vai trò hiệp nhất cộng đoàn của ngài.
Trước thời thánh Inhaxiô Antiôkia (qua đời khoảng năm 110), bốn vai trò của vị linh mục, mà cha Brown mô tả ở trên, đã được kết hợp với nhau, và khái niệm đầy đủ về chức linh mục thừa tác Kitô giáo đã được hình thành. Vị linh mục mang nhiều chức năng khác nhau, đôi khi chức năng này được nhấn mạnh hơn chức năng kia, nhưng chung quy cũng để nhắm một mục đích duy nhất là làm chứng cho Chúa Giêsu: “Hãy bắt chước tôi vì tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1).
III. Một quan điểm thần học đương đại
Ngày nay, có lẽ cha Karl Rahner là nhà thần học có những tư tưởng sâu đậm nhất về chức linh mục thừa tác.[6] Quan điểm của ngài có thể được tổng hợp như sau:
Chức năng đầu tiên của vị linh mục là công bố Lời hữu hiệu để hình thành và nuôi dưỡng cộng đoàn Kitô giáo. Ngài chia sẻ sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến để loan báo Nước Thiên Chúa. Do đó, linh mục là tôi tớ của Nước Chúa, và của Giáo hội – dấu chỉ của Nước Chúa. Cử hành phụng vụ, nhất là cử hành Bí tích Thánh Thể, là đỉnh cao trong sứ vụ của ngài. Trong cử hành phụng vụ Thánh Thể, ngài công bố hữu hiệu Lời Chúa Giêsu: “Đây là Mình Thầy,” “Đây là Máu Thầy.” Chính khi đó, Chúa Giêsu thực sự hiện diện dưới hình bánh rượu để nuôi dưỡng và củng cố dân Ngài. Cha Rahner tóm tắt quan điểm của ngài như sau: “Lời hữu hiệu này đã được ủy thác cho vị linh mục. Lời Chúa đã được trao cho ngài; và bởi vậy, ngài trở thành linh mục.”[7]
Trong vai trò lãnh đạo cộng đoàn Kitô giáo, vị linh mục cũng được mời gọi trở nên vị ngôn sứ. Ngài được mời gọi công bố Phúc Âm, không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng chính đời sống của ngài. Ngài được mời gọi sống Lời ngài rao giảng, và “bắt chước điều ngài cử hành.” Theo đó, chức năng linh mục Kitô giáo được liên kết mật thiết với các chức năng ngôn sứ và tư tế của thời Cựu Ước.
Trong việc xây dựng cộng đoàn, vị linh mục đóng nhiều vai trò và thể hiện nhiều chức năng khác nhau. Theo truyền thống, đó là vai trò và chức năng giảng dạy (“ngôn sứ,” tận hiến cho Lời Chúa), cai quản (“vương đế,” “mục tử đoàn chiên,” tận hiến cho việc lãnh đạo mục vụ), và thánh hóa (“tư tế,” tận hiến cho việc cử hành các bí tích và các buổi cầu nguyện khác).
Theo cách tiếp cận của cha Rahner, căn tính linh mục dựa trên việc ngài công bố Lời hình thành cộng đoàn của Thiên Chúa. Các chức năng linh mục truyền thống phát sinh từ căn tính này. Điều này có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất khi ngài rao giảng và dạy dỗ (“ngôn sứ”). Nhưng sứ vụ cử hành các bí tích (“tư tế”) cũng là một khía cạnh trong vai trò của vị linh mục, khi ngài đem Lời hữu hiệu của Chúa vào trong những thời khắc quan trọng của đời sống người tín hữu. Cũng vậy, với vai trò lãnh đạo mục vụ (“vương đế”), ngài biện phân Lời Chúa để đưa ra những quyết định phù hợp với thánh ý Chúa, và áp dụng Lời Chúa vào những trường hợp cụ thể của đời sống cộng đoàn.
IV. Chức linh mục đối với thánh Vinh Sơn
Thánh Vinh Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các người thầy của ngài, cũng như bởi các luồng tư tưởng đương thời. Hồng y Bérulle – người thánh Vinh Sơn rất thụ ơn, nhưng cũng là người mà thánh Vinh Sơn về sau không cùng chung tư tưởng – tập trung linh đạo của ngài vào chức linh mục.[8] Trong các thư từ và các buổi huấn đức của thánh Vinh Sơn, chúng ta có thể nhận ra rất nhiều cụm từ và cách nhấn mạnh về chức linh mục mà hồng y Bérulle, cha Olier, và thánh John Eudes đã dùng trong các tác phẩm của các ngài. Trên hết, các ngài nói về tính cách trung tâm của Chúa Kitô, và về đòi buộc các linh mục phải tự hủy chính mình để “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13,14). Các ngài khuyến khích các linh mục sống “tương quan giao ước với Chúa giữa lòng Giáo hội.”[9] Các ngài cũng ý thức vai trò “cao quý” của chức linh mục, và đòi buộc các linh mục phải sống thánh thiện.[10]
Cùng với các ngài và các nhà lãnh đạo Giáo hội khác thời đó, thánh Vinh Sơn tham gia vào việc canh tân hàng giáo sĩ, và là một trong những người nổi bật nhất trong cuộc canh tân này. Trong quan điểm của ngài về chức linh mục, giống như trong quan điểm về những vấn đề thần học khác, một mặt thánh Vinh Sơn chịu ảnh hưởng bởi những người thầy của ngài; mặt khác ngài cũng triển khai những điểm riêng, nhất là những điểm liên quan đến Tu hội ngài sáng lập.
Đối với thánh Vinh Sơn, Chúa Giêsu Linh mục trước hết là nhà truyền giáo của Chúa Cha, và là Đấng Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Ngài biết, trong Giáo hội, đã có những linh mục học giả lớn – chẳng hạn, thánh Giênônimô, thánh Albertô Cả, thánh Tôma Aquinô; đã có những linh mục nổi tiếng chuyên về mục vụ – chẳng hạn, thánh Ambrôxiô, tháng Basiliô, và thánh Gioan Kim Khẩu; đã có những linh mục đan sĩ rất tốt lành – chẳng hạn, thánh Bênêđíctô; đã có những linh mục canh tân giáo xứ hiệu quả – chẳng hạn, thánh Bellaminô; đã có những linh mục đường phố nhiệt thành – chẳng hạn, thánh Philip Nêri; và đã có những linh mục giáo sư giỏi giang – chẳng hạn các cha Dòng Tên. Tất cả các vị linh mục này đều ảnh hưởng trên suy nghĩ của thánh Vinh Sơn về chức linh mục. Nhưng, với cái nhìn từ Tu hội Truyền giáo ngài sáng lập, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh một khuôn mẫu khác của chức linh mục: Linh mục – nhà truyền giáo.[11]
Dù vậy, thánh Vinh Sơn không viết nhiều về chức linh mục. Ngài cũng không nói nhiều về chức linh mục một cách có hệ thống thần học. Như thói quen của ngài, ngài luôn đề cao những gì mang tính thực tế. Một phần nào đó, ngài vẫn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của những người thầy của ngài, nhất là hồng y Bérulle. Nhưng phần khác, ngài dần dần phát triển những tư tưởng riêng của ngài. Về chức linh mục dưới nhãn quan của thánh Vinh Sơn, chúng ta có thể trình bày những điểm sau:
1. Thánh Vinh Sơn rất phê phán cách sống của các linh mục thời ngài – nước Pháp, đầu thế kỷ 17
Phần lớn các linh mục thánh Vinh Sơn gặp đều rất kém cỏi. Cuộc sống của họ không mấy gì là gương mẫu. Nhiều giám mục chỉ lo cho bản thân, và ít quan tâm đến đoàn chiên. Năm 1642, một vị linh mục tâm sự với ngài: “Càng quyền cao chức trọng bao nhiêu, người ta càng gây ra những tai tiếng lớn bấy nhiêu. Và thật sự, tính xác thịt loài người đã phủ lấp Phúc Âm và tinh thần của Chúa Giêsu Kitô.”[12] Theo thánh Vinh Sơn, các giám mục và các linh mục chính là nguyên nhân của những suy đồi trong Giáo hội.[13] Thậm chí, trích lời của thánh Gioan Kim Khẩu, ngài cho rằng chỉ một số ít linh mục được cứu độ.[14]
Dĩ nhiên, thánh Vinh Sơn ý thức rằng chính ngài cũng đã từng coi chức linh mục là một nghề nhàn hạ; chính ngài cũng đã xoay sở để được chịu chức linh mục lúc mới 19 tuổi. Nhưng nhờ các biến cố Chúa gửi đến, ngài đã được thay đổi hoàn toàn trong cái nhìn về thừa tác vụ linh mục. Ngài thấy mình không xứng đáng với chức linh mục cao quý. Năm 1656, ngài viết như sau: “Trên trần gian, không gì cao trọng bằng chức linh mục, bởi vì chính Chúa Giêsu đảm nhận và sống chức linh mục. Về phần tôi, tôi đã chịu chức linh mục một cách khinh xuất. Nếu tôi đã hiểu chức linh mục là gì như hiện nay tôi hiểu, tôi thà đi cày đất chứ không dám dấn thân vào đời sống đáng kinh sợ như vậy. Ngày nay, các linh mục có lý do để sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bởi vì không những họ phải chịu trách nhiệm về các tội lỗi của mình, mà còn phải chịu trách nhiệm về tội của giáo dân, do họ đã chểnh mảng trong nhiệm vụ Chúa trao cho họ. Tệ hơn nữa, Chúa sẽ buộc các linh mục phải chịu các cuộc thanh luyện mà giáo dân phải chịu… Chúng ta có thể nói rằng tất cả những xáo trộn đã gây tổn thương cho Hiền thê thánh thiện của Đấng Cứu thế có căn nguyên nơi đời sống tội lỗi của các linh mục…”[15]
Trong buổi huấn đức ngày 6 tháng 12 năm 1658, thánh Vinh Sơn thốt ra những lời sau: “Không ai cao trọng hơn vị linh mục, bởi vì Chúa đã ban cho ngài mọi năng quyền trên thân thể tự nhiên và huyền nhiệm của Ngài, chẳng hạn năng quyền tha tội, vv. Ôi, lạy Chúa, một năng quyền quá sức cao trọng! Ôi, một phẩm chất quá sức cao vời!”[16]
2. Tự bản chất, vị linh mục tham dự vào chức linh mục của Chúa Giêsu.[17] Ngài trở nên khí cụ của Chúa
Trong một buổi huấn đức về đào tạo hàng giáo sĩ, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh rằng các linh mục thông phần vào chức vụ linh mục của Con Chúa. Và bởi vậy, tư cách của các linh mục là hoàn toàn thần linh và khôn dò thấu.[18]
Qua việc ngài thường xuyên nhấn mạnh điều đó, chúng ta thấy thánh Vinh Sơn luôn đặt mình trong truyền thống của Giáo hội. Chúa Giêsu là linh mục. Tất cả các linh mục chia sẻ chức linh mục của Chúa Giêsu. Các ngài là khí cụ của Chúa Giêsu.[19] Vì thấu hiểu nguyên tắc thần học này, thánh Vinh Sơn lấy làm sửng sốt về phẩm giá của chức linh mục,[20] và nhắc đi nhắc lại đến hằng trăm lần[21] rằng nếu ngài chưa chịu chức linh mục, ngài sẽ không bao giờ dám làm linh mục.
Dựa trên tư tưởng của hồng y Bérulle và cha Olier, thánh Vinh Sơn viết cho một linh mục trong Tu hội như sau: “Ôi! Cha thật hạnh phúc biết bao vì được là khí cụ của Chúa Giêsu trong công tác đào tạo các linh mục tốt lành, và là khí cụ của Chúa Giêsu để soi sáng và đốt lửa mến nơi các linh mục! Thật ra, cha đang làm công việc của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Đấng duy nhất soi sáng và thắp lửa mến nơi các tâm hồn. Hay nói chính xác hơn, chính Thần Khí Thánh thiện và Thánh hóa đang làm những công việc đó qua cha, vì Ngài cư ngụ trong cha và hoạt động trong cha. Chúa Thánh Thần hành động như vậy không chỉ để cho cha được sống đời sống thần linh của Ngài, mà còn để cho các ứng viên linh mục này cũng được sống và hành động như Ngài. Các ứng viên linh mục được kêu gọi vào sứ vụ cao quý nhất trên trần gian, đó là thực thi hai nhân đức cao trọng của Chúa Giêsu: Lòng hiếu thảo đối với Chúa Cha, và lòng bác ái đối với tha nhân.” [22]
Bởi vì đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu là khuôn mẫu cho các linh mục, nên đối với các linh mục Vinh Sơn, việc “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” có một ý nghĩa rất cụ thể là thủ đắc các nhân đức của Chúa Giêsu, nhất là năm nhân đức truyền giáo mà thánh Vinh Sơn đã đề ra. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải trung tín cầu nguyện với Chúa Cha và lắng nghe Lời Ngài. Ngày 30 tháng 1 năm 1660, thánh Vinh Sơn nói với cha William Desdames rằng mọi nhân đức đều thuộc về Chúa Kitô, và “nếu cha mở lòng ra với Chúa Giêsu, Ngài sẽ thực hiện các nhân đức trong cha và cho cha.”[23]
3. Truyền giáo – khía cạnh nổi trội trong khuôn mẫu linh mục của thánh Vinh Sơn[24]
Khác với giáo huấn của vị thầy cũ – hồng y Bérulle, thánh Vinh Sơn dứt khoát lựa chọn một khuôn mẫu linh mục cho ngài: Đối với ngài, linh mục phải là nhà truyền giáo, bởi vì “Như Chúa Cha đã sai Con Một Ngài đi cứu độ các linh hồn như thế nào, Ngài cũng sai các linh mục như vậy.”[25] Rõ ràng, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh khuôn mẫu “tông đồ” hay “truyền giáo” của các linh mục, mà cha Raymond Brown cho là rất đặc nét trong Tân Ước. Thánh Vinh Sơn nói với các linh mục Tu hội Truyền giáo như sau: “Thưa anh em, những ai được gọi là các nhà truyền giáo thì cũng được gọi là các tông đồ. Bởi vậy, chúng ta phải hành động như các vị tông đồ, bởi vì giống như các ngài, chúng ta đã được sai đi để giáo huấn người ta. Nếu chúng ta muốn trở thành các nhà truyền giáo và muốn bắt chước các tông đồ và bắt chước Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải ra đi trong sự dịu hiền và đơn sơ.”[26]Cha Luigi Mezzadri diễn giải lập trường của thánh Vinh Sơn một cách rất cô đọng như sau: “Giữa khái niệm của nhà thần học Pseudo Dionysius về vị linh mục là “con người thờ phượng” và khái niệm của thánh Augustiô về vị linh mục là “con người sứ vụ,” thánh Vinh Sơn đã dứt khoát chọn khái niệm thứ hai.”[27]
Thánh Vinh Sơn nhắc lại chủ đề đó như sau: “Đây là cách các linh hồn tông đồ rao giảng và hành động: Được hoàn toàn thánh hiến cho Thiên Chúa, họ mong muốn mọi người trên thế gian nhận biết và yêu mến Con Ngài là Chúa Giêsu; họ cũng muốn trở nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã đến thế gian để sống và chịu chết cho mọi người. Lòng nhiệt thành của các nhà truyền giáo phải vươn tới mức đó, bởi vì mặc dầu họ không thể đi đến mọi nơi, cũng như không thể làm mọi điều tốt họ mong muốn, họ vẫn có thể khao khát những điều đó và dâng mình cho Chúa để trở nên khí cụ hoán cải các linh hồn cho Ngài.”[28]
4. Linh mục truyền giáo thuộc về người nghèo
Toàn bộ đời sống của vị linh mục truyền giáo phải thuộc trọn về người nghèo. Thánh Vinh Sơn hết sức nhấn mạnh điều đó như sau: “Việc các linh mục hết lòng tận hiến mình cho người nghèo – chẳng phải đó cũng chính là tâm tình của Chúa Giêsu và của vị thánh lớn sao? Chúa Giêsu và các vị thánh của Ngài không những mời gọi người khác giúp người nghèo, mà còn đích thân an ủi, băng bó và chữa lành người nghèo. Chẳng phải những người nghèo khó và đau khổ cũng là những chi thể của Chúa Giêsu hay sao? Chẳng phải họ là anh chị em của chúng ta hay sao? Và nếu các linh mục bỏ rơi họ, anh em nghĩ ai sẽ là người giúp đỡ họ? Bởi vậy, nếu ai trong anh em nghĩ rằng mình thuộc Tu hội Truyền giáo chỉ để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chứ không phải để giúp đỡ họ, hoặc chỉ để cung cấp các nhu cầu thiêng liêng cho người nghèo, chứ không phải các nhu cầu vật chất, thì tôi xin nói ngay rằng: Chúng ta phải giúp đỡ họ về mọi phương diện.”[29]
Thánh Vinh Sơn dạy chúng ta phải thể hiện một đức ái thực tế và cụ thể, cũng như phải thể hiện một sự sẵn lòng tìm đến những người nghèo khổ nhất, dù họ ở bất cứ nơi đâu. Ngài nói như sau: “Ôi! Thật tuyệt vời làm sao công việc đem Chúa đến cho người nghèo, công việc loan truyền Chúa Giêsu Kitô cho người nghèo, và công việc rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần cho người nghèo!”[30] Ngài còn nói như sau: “Chúng ta có thể hỏi Con Thiên Chúa: ‘Tại sao Chúa đến trần gian?’ ‘Ta đến để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, vì đó là lệnh truyền của Cha các ngươi…’ Khi nói rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chúng ta không chỉ muốn nói chúng ta đem ơn cứu độ cho họ, mà còn phải hoàn thành những công việc mà các tiên tri đã loan báo, đó là làm cho Tin Mừng trở nên hữu hiệu và cụ thể.”[31]
V. Một vài suy gẫm về sứ vụ linh mục Vinh Sơn ngày nay
Qua sự lựa chọn khuôn mẫu linh mục truyền giáo của thánh Vinh Sơn, tôi xin suy gẫm một số điều về sứ vụ linh mục Vinh Sơn chúng ta ngày nay.
1. Sau Công đồng Vatican II, nhiều người đã chỉ ra hiện tượng các linh mục dòng được cử đi coi xứ. Các giám mục, nhất là ở những nước thiếu linh mục địa phận, thường nhờ các linh mục dòng và các linh mục tu đoàn tông đồ coi sóc các giáo xứ. Đó là điều dễ hiểu nếu nhìn từ quan điểm của các ngài. Các ngài cần các linh mục sở tại để lo các công việc mục vụ cho giáo dân trong giáo phận; và khuôn mẫu linh mục của các ngài là định cư và lo việc mục vụ (khuôn mẫu thứ ba của chức linh mục mà cha Raymond Brown trình bày ở trên). Nhưng, nếu nhìn từ quan điểm của một tu hội chuyên về truyền giáo như Tu hội của chúng ta, việc coi sóc giáo xứ đồng nghĩa với việc gắn chặt vị linh mục vào một địa điểm, trong khi đặc sủng truyền giáo đòi ngài sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu trên thế giới vì lợi ích của người nghèo. Ở những bài viết khác, tôi đã viết nhiều về quan điểm của thánh Vinh Sơn đối với việc coi sóc các giáo xứ.[32] Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng Tu hội, và tất cả các tỉnh dòng trong Tu hội, phải hết sức cố gắng duy trì sự chuyển động, ngay cả khi phải đáp ứng yêu cầu coi sóc các giáo xứ của các giám mục.
2. Khi thánh Vinh Sơn nhấn mạnh sự cao trọng của các linh mục vì được tham dự vào sứ vụ của Chúa Kitô, ngài muốn các linh mục lấy đó làm nền tảng của đời sống khiêm nhường, bởi vì, tự bản chất, các linh mục không hề xứng đáng với “chức vụ của Con Thiên Chúa.”[33] Với ngài, các linh mục được truyền chức cao quý không có nghĩa là để các ngài thăng tiến trong địa vị và quyền lợi xã hội. Các linh mục luôn luôn phải là những người phục vụ. Là các linh mục truyền giáo, đời sống của chúng ta phải minh nhiên thể hiện điều đó. Dĩ nhiên, trong các ngày lễ truyền chức và tạ ơn, chúng ta có lý do để vui mừng và phải cử hành sao cho trang trọng. Nhưng chúng ta không được lẫn lộn điều đó với cách tổ chức hào nhoáng và xa xỉ trong dịp lễ truyền chức và tạ ơn. Các lễ truyền chức và tạ ơn của chúng ta cần nhấn mạnh tính cách truyền giáo và sứ vụ lưu động của anh em, chứ không phải tính cách của việc thăng tiến địa vị (ngoại trừ địa vị người tôi tớ).
3. Trong khi các linh mục và các giám mục địa phận nhất thiết phải tập trung vào một Giáo hội địa phương, các nhà truyền giáo phải luôn nuôi dưỡng và phát triển một cảm thức hướng về Nước Chúa và Giáo hội phổ quát. Người ta rất ngưỡng mộ thánh Vinh Sơn về cảm thức đó. Trong thời ngài, hầu hết người ta sống và chết trong phạm vi mười cây số nơi chôn nhau cắt rốn; vậy mà ngài đã sai các anh em đi truyền giáo ở Ba Lan, Ý, Algeria, Madagascar, Ai Len, Scotland, Hebrides, và Orkneys. Ngày nay, khi Gia đình Vinh Sơn chúng ta đã lan rộng đến hơn 135 quốc gia, chúng ta càng bị buộc phải có tầm nhìn toàn cầu về vấn đề truyền giáo.
4. Là các nhà truyền giáo, chúng ta có một tương quan đặc biệt với các giám mục. Cuộc đời của thánh Vinh Sơn thể hiện rất rõ tương quan đó: Ngài vừa vâng phục vừa độc lập. Ngài luôn dạy rằng khi chúng ta đến truyền giáo trong một địa phận, chúng ta phải được thường quyền sở tại mời gọi, và phải vâng phục các ngài. Nhưng đồng thời, ngài nhất quyết không để Tu hội bị địa phận hóa. Thật vậy, trong một thời gian dài, ngài đã phải lao công khổ tứ để Tu hội chúng ta được quyền miễn trừ khỏi thường quyền sở tại, qua đó bảo tồn được căn tính chuyển động và truyền giáo của chúng ta. (Ngài cũng làm như vậy và cũng đạt được kết quả tương tự cho các Nữ tử Bác ái). Trong lịch sử Giáo hội, giữa các dòng miễn trừ và các thường quyền sở tại luôn có một căng thẳng nào đó.[34] Bởi vậy, các bề trên dòng cần biết hóa giải căng thẳng này sao cho phù hợp. Một mặt, khi chúng ta tham gia một sứ vụ tông đồ trong địa phận, chúng ta phải phục quyền vị giám mục. Mặt khác, các vị bề trên của chúng ta có quyền quyết định chúng ta đến địa phận nào, chúng ta ở bao lâu và với điều kiện nào, và chúng ta rút lui khi nào. Dĩ nhiên, trong những vấn đề này, chúng ta cần bàn hỏi rõ ràng với các vị giám mục, nhưng chúng ta cần cương quyết bảo tồn và thăng tiến đặc sủng truyền giáo của Tu hội.
5. Sau một khoảng thời gian ban đầu rất ít hiểu biết về chức vụ linh mục, thánh Vinh Sơn đã trở thành một nhà cải cách lớn; ngài rất thường xuyên nói với các linh mục và nói về các linh mục. Trong các buổi huấn đức cho các anh em trong Tu hội Truyền giáo, nhất là trong những dịp sai các anh em đi truyền giáo, thánh Vinh Sơn luôn nhắc nhở họ phải sống thánh thiện. Nếu chúng ta muốn chia sẻ ơn gọi truyền giáo của Chúa Giêsu, chúng ta đương nhiên phải “cố gắng hết sức rập khuôn đời mình vào các nhân đức mà Vị Thầy chí thánh, bằng cả lời nói và việc làm, đã hết lòng dạy dỗ chúng ta.”[35]
5. Thay cho lời kết bài viết này, tôi xin gợi ý mười đặc tính của vị linh mục Vinh Sơn – nhà truyền giáo ngày nay.
* Ngài là một nhà truyền giáo lưu động, cháy lửa rao truyền Tin Mừng.
* Ngài cưu mang một nhãn quan quốc tế, một tầm nhìn toàn cầu.
* Ngài có khả năng hội nhập sống động với nền văn hóa của quốc gia mà ngài phục vụ.
* Ngài thông thạo ngôn ngữ của dân ngài phục vụ.
* Ngài bén rễ sâu trong Kinh Thánh.
* Ngài sáng tạo trong việc đáp ứng nhu cầu của người nghèo.
* Ngài hiểu rõ các giáo huấn xã hội của Giáo hội.
* Ngài tích cực tham gia vào việc thường huấn.
* Ngài là con người của Thiên Chúa, bén rễ sâu trong Chúa Kitô.
* Ngài sống năm nhân đức của nhà truyền giáo: Đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình, và nhiệt thành.
Là nhà truyền giáo – đó là ơn gọi của các linh mục Vinh Sơn – để hít thở thật sâu tinh thần truyền giáo mà thánh Vinh Sơn đã chuyển tải cho Tu hội, để tinh thần truyền giáo thấm đẫm trí hiểu và con tim chúng ta, và sau đó ra đi như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Phaolô Phạm Quang Hoàng, CM chuyển ngữ
[1] Presbyterorum Ordinis 1, 4-6; cf. Lumen Gentium 28.
[2] Avery Dulles, “Models for Ministerial Priesthood,” America 20 (#18; October 11, 1990) 284-289.
[3] As Vatican II puts it, the priest acts “in persona Christi capitis” (Presybterorum Ordinis, 2).
[4] Walter Burghardt, “On Turning Eighty: Autobiography in Search of Meaning,” Woodstock Report (#41; March 1995) 2-11.
[5] Raymond Brown, Priest and Bishop (New York: Paulist, 1970).
[6] Cf. Karl Rahner, Servants of the Lord (New York: Herder and Herder, 1968); “Understanding the Priestly Office,” in Theological Investigations XXII (New York: Crossword, 1991) 208-213.
[7] Karl Rahner, “Priest and Poet,” in Theological Investigations, III translated by Karl-H. Kruger and Boniface Kruger (New York: Helicon, 1967) 303.
[8] René Deville, “L’École française de spiritualité (Paris: Desclée, 1987) 112. Cf. Michel Dupuy, Bérulle et le sacerdoce. Étude historique et doctrinale. Textes inédits (Paris: Lethielleux, 1969).
[9] Cf. J.-J. Olier, Introduction à la vie et aux virtus chrétiens, (Edition Amiot, 1954) 7-9.
[10] Cf. “A Letter on the Priesthood,” cited in Bérulle and the French School, Selected Writings edited with an introduction by William M. Thompson (New York: Paulist Press, 1989) 184.
[11] Cf., SV XII, 262.
[12] SV II, 282.
[13] SV XI, 308-309.
[14] SV VII, 463.
[15] SV V, 568.
[16] SV XII, 85.
[17] SV XI, 7, 344.
[18] SV XI, 7.
[19] SV XII, 80.
[20] SV VII, 463; XI, 93.
[21] SV VII, 463.
[22] SV VIII, 231.
[23] SV VIII, 231.
[24] SV XI, 67.
[25] SV VIII, 33.
[26] SV XI, 267.
[27] Luigi Mezzadri,op. cit., 348; cf. also, “La conversione di S. Vincenzo de’ Paoli. Realtà storica e proiezione attuale,” in Annali della Missione 84 (1977) 176-182.
[28] SV VII, 333.
[29] SV XII, 87; cf. XI, 202, 391; XII, 84.
[30] SV XII, 80.
[31] SV XII, 84.
[32] Cf. Robert P. Maloney, “On Vincentian Involvement in Parishes,” in Vincentiana N° 2 (March-April) 1997, 105-116.
[33] SV XII, 80.
[34] Cf. De institutis coenobiorum et de octo principalium vitiorum remediis 11.18 (ed. J.-C. Guy, SC 109.444; tr.
- C. S. Gibson, NPNF, 2nd series, 11.279.
[35] Luật Chung I, 1.