Thiên Chúa Trong Kinh Coran của Hồi Giáo

0
3667

DẪN NHẬP

Có một nền tảng chung giữa các tôn giáo độc thần (Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo) là tin vào một Thiên Chúa duy nhất – Đấng tạo dựng vũ trụ – xét về mặt tạo dựng. Nhưng Hồi giáo lại phủ nhận sự Nhập Thể của Thiên Chúa trong Ki-tô giáo. Mỗi một tôn giáo đều có cuốn thủ bản của riêng mình, và Hồi giáo cũng vậy. Nhưng điểm cần lưu ý là cuốn kinh thánh của Hồi giáo, kinh Coran, là thánh thư được chính Thiên Chúa mạc khải và truyền dạy. Người ta cũng nhận thấy trong kinh Coran có rất nhiều điểm tương đồng với kinh thánh của Do Thái giáo và Ki-tô giáo; thậm chí có thể đã được lấy từ nguồn Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước và hiệu chỉnh lại cho phù hợp với hoàn cảnh và dân tộc Ả-rập thời tiên tri Mahomet, xét về mặt chính trị và tôn giáo. Vậy liệu Thiên Chúa của Hồi giáo có phải cũng là Thiên Chúa của Ki-tô giáo? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này qua những khía cạnh: 1/ Nguồn gốc và bối cảnh. 2/ Tiên tri Mahomet. 3/ Kinh Coran. 4/ Nền tảng giáo lý. 5/ Sự hiện hữu của Thiên Chúa. 6/ Thiên Chúa duy nhất. 7/ Các thuộc tính của Thiên Chúa.

I. SỰ RA ĐỜI CỦA ISLAM

1. Nguồn gốc và bối cảnh

         Danh xưng “Islam” (hay còn gọi là Hồi giáo) có nghĩa là “sự tùng phục” (ý Chúa). Hồi giáo ra đời tại miền Ả-rập. Ả-rập khi đó còn là một xã hội bộ lạc và khá lạc hậu so với những vùng đất xung quanh. Hầu như mỗi bộ lạc đều có những vị thần của riêng mình và cũng có nhiều bộ lạc còn thờ cúng những vị thần của các bộ lạc khác mà họ tin tưởng. Thành phố Mecca của Mahomet là một trung tâm thương mại và là điểm thu hút vô số những khách hành hương; nó thiêng liêng và thần thánh ở chỗ đây chính là nơi trú ngụ của rất nhiều vị thần của các bộ lạc. Ở Ả-rập cũng có những người theo Ki-tô giáo và Do Thái giáo; nhiều người vào thời đó còn hiểu rõ một điều là Thiên Chúa trong Ki-tô giáo và Do Thái giáo là một vị thần “ưu việt” hơn các vị thần của họ; chính điều này đã giúp cho các dân tộc theo Ki-tô giáo và Do Thái giáo đoàn kết được dân tộc và nhờ vậy, họ xây dựng được các đế chế hùng cường vào thời bấy giờ (đế chế Byzantine, Ethiopia, Ba Tư).

Các thương nhân Mecca có tinh thần dân tộc và nhiệt thành nhận thấy được hiện trạng đang rạn nứt cách sâu sắc trong con người họ. Họ thấy cần phải có một học thuyết mới và một nền luân lý mới, chúng phải đáp ứng được các giá trị vụ lợi, nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân và đề cao cá tính mà vẫn giữ được sự thống nhất trong dân tộc Ả-rập. Tôn giáo độc thần của các cường quốc đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, chính trong khung cảnh đó rõ ràng đã ảnh hưởng đến tư tưởng của Mahomet sau này.

2. Tiên tri Mahomet

Mahomet là người thành phố Mecca, miền Trung Tây Ả-rập. Ông sinh ngày 20 tháng 04 năm 570, trong một gia đình thương nhân, thuộc bộ tộc Quraysh. Mặc dù Quraysh là một bộ tộc danh giá ở Mecca, nhưng gia đình Mahomet lại rất nghèo. Cha của Mahomet đã mất trước khi ông ra đời; mẹ của ông cũng chết khi ông được sáu tuổi. Mahomet được ông nội, và sau đó là ông chú nuôi nấng. Có giả thuyết cho rằng, do không được học hành tử tế nên ông không biết đọc biết viết. Năm hai mươi lăm tuổi, ông kết hôn với bà Khadija, một góa phụ giàu có và hơn ông mười lăm tuổi; kể từ lúc đó, cuộc sống của ông đã trở nên dễ chịu hơn và có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về các vấn đề của dân tộc mình. Hai người có với nhau được sáu người con.

Mahomet là một con người nghiêm túc, hay suy nghĩ và sống không chan hòa với họ hàng. Trước năm 40 tuổi, cuộc sống của ông không có gì đặc sắc hoặc khác lạ so với các thương nhân khác cùng thời, ngoại trừ việc ông thường xuyên suy tư về cuộc đời trong hang núi. Ông bất mãn với tôn giáo của bộ tộc mình, vì thấy họ quá mải mê với việc kiếm tiền, thường xuyên đánh nhau, căm thù nhau và sống tàn bạo, ích kỷ. Khi đứng trước những bất công trong xã hội và những phong tục vô luân mà tôn giáo cho phép họ làm như bỏ chết những bé gái mới sinh, ông đã có những phản ứng khá mạnh về vấn đề này. Và ông cũng cực lực lên án tất cả những hình thức cho vay nặng lãi và lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Vì cũng là một thương nhân nên Mahomet có cơ hội đi nhiều nơi và có nghe nói đến người Do Thái và người theo Ki-tô giáo chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Ông bắt đầu tìm hiểu và nghiền ngẫm về hai tôn giáo này. Ông bắt đầu tin và có nghe biết rằng vị Thần đó đã mạc khải về chính Người và những chân lý của Người cho dân tộc Do Thái và các tín hữu theo Ki-tô giáo qua các ngôn sứ.

Vào năm 610, Mahomet bắt đầu trải nghiệm một sự kiện khác thường khi đang một mình miên man suy nghĩ trong một hang động dưới chân núi Hira, thì bỗng nhiên thấy sứ thần Gabriel hiện ra với ông và trao cho ông sứ mạng là trở thành một ngôn sứ. Chính ông là người đã đặt nền móng cho Hồi giáo, thay thế việc thờ phượng các thần bằng hình thức chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa. Cũng chính trong thời kỳ này, các tín đồ của ông chuyển từ hình thức đa thần sang độc thần.[1] Sau đó, ông còn nhận được mạc khải nhiều lần nữa trong suốt những năm còn lại của ông.

Trong những năm từ năm 611 đến năm 621, Mahomet đã bắt đầu giảng thuyết cho dân thành Mecca, kêu gọi mọi người chấp nhận một Thiên Chúa độc tôn, tôn trọng công bằng đối với những người nghèo khó, hoạn nạn và phê phán việc thờ thần tượng của dân tộc. Với nhiều người, thông điệp của ông là một mối đe dọa cho công việc sinh lợi từ việc thờ thần tượng của họ, vì thế họ căm ghét ông. Trước thái độ bị nhiều người chống đối, ông buộc phải rời bỏ Mecca di cư sang Medina[2] vào ngày 22 tháng 09 năm 622. Chính tại đây, Mahomet đã có điều kiện để củng cố phát triển tôn giáo của mình, và ông đã trở thành một người có thế lực tại thành phố này, một thủ lãnh về tôn giáo cũng như về chính trị. Năm 630, ông cùng với các tín đồ hành quân tiến chiếm Mecca và đặt Mecca làm thủ phủ của Hồi giáo. Ông qua đời ngày 08 tháng 06 năm 632.

II. THIÊN CHÚA TRONG KINH CORAN

1. Kinh Coran

1.1. Đặc điểm

Đối với nhiều tín đồ Hồi giáo, kinh Coran chính là dấu chỉ[3] của Thiên Chúa trong thế giới tự nhiên này và là phương tiện hữu hiệu giúp cho họ biết cách phải sống và cư xử như thế nào trong những hoàn cảnh không có chỉ dẫn rõ ràng; đồng thời, họ còn xác tín rằng, kinh Coran chính là sự mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa, chứa đựng tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn tiết lộ cho con người và được viết bằng tiếng Ả-rập. Do đó, không được phép dịch ra các ngôn ngữ khác (có thể dịch để nghiên cứu riêng, nhưng lại không có giá trị trong phạm vi phụng tự)[4], vì các bản dịch không diễn tả hết được tính thần khải của bản văn và người ta không thể thưởng thức được vẻ đẹp tinh tế trong nhạc điệu và lời lẽ của nó. Coran, theo nguyên ngữ Ả-rập, al-quran, có nghĩa là “đọc” hoặc “thuật lại” hoặc “thu thập những điều được kể lại”.

Mahomet tin rằng, có sự tương quan chặt chẽ giữa kinh Coran và kinh thánh Cựu ước của người Do Thái và Tân ước của Ki-tô giáo, vì cùng đặt trên một nền tảng là cuốn sách nguyên gốc trên Thiên đường. Vì thế, chúng có một sự trùng khớp từng phần với những gì mà bản thân Mahomet đã truyền dạy. Cũng bởi thế, kinh Coran khẳng định những gì đã được mạc khải trước đó: lề luật được trao ban cho Mô-sê, các sách Tin Mừng, và những chủ đề ngôn sứ khác. Những đoạn trích trong kinh Coran được viết dưới dạng văn xuôi hoặc thơ ca, điều đó giúp ích cho việc ghi nhớ dễ dàng hơn.

Kinh Coran gồm 114 chương (gọi là surah), chia thành các tiết (gọi là ayah). Tiêu đề của các chương lấy từ các ayah trong chương đó. Không giống như kinh thánh của Do Thái giáo hay Ki-tô giáo, kinh Coran không phải là một tập hợp các tư liệu lịch sử và khải thị đa dạng được góp nhặt lại trong suốt hàng ngàn năm. Toàn bộ nội dung của kinh Coran đều được hình thành trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 20 năm (từ năm 611 cho đến năm 632). Các chương trong kinh Coran có độ dài không tương xứng với nhau, và chúng hoàn toàn có thể đứng tách biệt một mình, vì không có mối liên hệ nào giữa các nội dung với nhau, nên người Hồi giáo không xem trọng việc sắp xếp giữa các chương với nhau. Bản chính thức đầu tiên của kinh Coran xuất hiện vào khoảng năm 650, gần hai mươi năm sau khi Mahomet qua đời.

1.2. Nội dung

Kinh Coran chứa đựng tất cả những thiên khải mà Mahomet đã nhận lãnh được từ sứ thần Gabriel. Nó chứa đựng các nội dung liên quan đến đời sống của con người: sự khôn ngoan, giáo lý, thờ phượng, sự giao dịch, luật pháp… Nhưng chủ đề căn bản của kinh Coran chính là mối tương quan giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài.[5] Đồng thời, kinh Coran đưa ra các nguyên tắc và hướng dẫn căn bản để có một xã hội công bằng, một hệ thống kinh tế bình đẳng, và một nền đạo đức sâu sắc.

Mahomet đã thuyết giảng về một Thiên Chúa độc tôn là Đấng sáng tạo nên vũ trụ muôn loài và con người, trong đó Thiên Chúa đã ban cho con người những thứ tốt đẹp của thế giới này; và là Đấng đã thần khải về chính mình trước hết qua các ngôn sứ của dân tộc Israel và sau đó là qua Đức Giê-su; và là Đấng thưởng phạt về những hành vi của con người trong cuộc sống trần thế này.

Điểm cần lưu ý ở đây là: khi Mahomet đến Medina, tính chất của các mạc khải cũng như vai trò của ông cũng đã thay đổi. Các chương (surah) bắt đầu liệt kê một danh sách rất dài về các luật lệ và quy định áp dụng cho cộng đồng tín đồ đang phát triển của ông. Chế độ ly dị và đa thê được thiết lập. Những tục lệ Do Thái, trong đó có việc quay mặt về một hướng trong khi cầu nguyện, cấm ăn thịt heo và cắt bì cho con trai cũng được đề cập đến.

Về sau, Mahomet đã gộp những câu chuyện có trong kinh thánh của Do Thái giáo và Ki-tô giáo vào trong kinh Coran của mình. Ông kể về Adam và Evà, về Noê và lụt đại hồng thủy, về Abraham và các con trai của Giacob, Giuse và những anh em của Mô-sê và về các ngôn sứ đến sau Abraham. Tất cả những câu chuyện này được kể theo một văn phong rất riêng của kinh Coran, và một vài câu chuyện trong số đó đã được sửa đổi để cho những người Ả-rập có thể đọc và hiểu. Mahomet đã tuyên bố con trai của Abraham – Ismael – chính là ông tổ của những người Ả-rập. Ông cũng công nhận Đức Giê-su là một ngôn sứ vĩ đại, nhưng lại phủ nhận thiên tính của Đức Giê-su, là Con của Thiên Chúa tối cao. Ông còn công nhận các sách Tin Mừng là do Thiên Chúa mạc khải.

1.3. Sunna và Hadith

Theo nghĩa văn tự thì Sunna được hiểu như là con đường, cách thức thực hành tôn giáo được thiết lập bởi nhà tiên tri Mahomet và các cộng sự của ông ta. Mặc khác, Hadith lại có nghĩa là ghi lại những lời nói, sự diễn giải, sự tường thuật hay sự đóng góp của nhà tiên tri Mahomet và các cộng sự của ông.[6]

2. Nền tảng giáo lý của Hồi giáo

Tất cả giáo lý của Hồi giáo được chứa đựng trong hai động từ thờ phượngtuân phục, vì nhờ hai hành động này mà con người sẽ được giải cứu. Linh mục F. Varillon trong tác phẩm của mình khi bàn về Hồi giáo, đã viết:

“Toàn thể tôn giáo này được chứa đựng trong hai động từ thờ phượng và vâng phục. Do đó người Hồi giáo hành động khi lệnh đến với họ nhân danh Thiên Chúa, dù đó là sự sống bình thường, dù đó là những giai đoạn khủng hoảng, ví dụ như những cuộc thánh chiến, bởi lẽ khi phát động nó hay tham gia nó, người Hồi giáo vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa”[7].

Như thế phải chăng Hồi giáo theo thuyết tiền định chăng? Nhiều người Hồi giáo nhấn mạnh đến sự toàn năng của Thiên Chúa nên không tin vào sự tự do của con người. Thiên Chúa làm tất cả, mọi người chỉ biết tuân phục mà không một lời than vãn, kể cả sự chết. Nhưng sự thật họ chấp nhận quyết định của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa muốn điều gì thì họ sẵng sàng vâng phục. Điều đó không hẳn là theo thuyết tiền định. Như thế, Hồi giáo quá nhân lên đặc tính siêu việt và toàn năng của Thiên Chúa mà bỏ qua tự do của con người, nhưng theo Kinh thánh Cựu ước, Thiên Chúa dựng nên con người có tự do. Vài so sánh sau đây cho thấy rõ điều đó.

Trong kinh Coran, Thiên Chúa dạy cho ông Ađam đặt tên cho mọi loài thụ tạo, trong khi Kinh thánh chỉ cho thấy chính Ađam tự đặt tên cho các thụ tạo[8]. Một so sánh khác nữa có thể trưng dẫn ở đây là câu chuyện của tổ phụ Abraham. Khi Abraham muốn xin ơn tha thứ cho thành Sô-đô-ma, thì kinh Coran đã trình bày rằng, Thiên Chúa nói mọi sự đã được quyết định, không thể cầu xin gì được nữa. Ngược lại trong Kinh thánh, Abraham đã cầu xin thật khiêm tốn, và Thiên Chúa đã lắng nghe đến cùng[9]. Như thế, so với Kinh thánh, kinh Coran của Hồi giáo nhìn Thiên Chúa với một ý tưởng kém phần nhân loại, nếu không nói là phi nhân hay bất nhân.

Hành vi thờ phượngvâng phục có thể được triển khai dưới hai khía cạnh: các trụ cột đức tin (tín điều) và các trụ cột thực hành tôn giáo (thờ phượng).

  • Các trụ cột đức tin[10]

a. Tin vào Thiên Chúa

Các tín hữu Hồi giáo tin vào tính chất thuần nhất của Thiên Chúa, một khái niệm được biết đến với một cái tên bằng tiếng Ả-rập: Tawhid. Thuật ngữ này không chỉ nói đến tính thống nhất của Thiên Chúa mà còn muốn nói đến sự xác nhận tính thống nhất của nơi con người.[11] Tính chất thuần nhất của Thiên Chúa thường xuyên được xác thực trong kinh Coran, ta có thể trích dẫn ra đây ở chương 112, với tiêu đề: Sự thuần khiết (Al-Ikhlas):

Hãy bảo, Ngài, Allah, là Một và Duy Nhất. Allah là As-Samad (Đấng Tự Hữu, Độc Lập, Đấng Thuần Khiết, Đấng nuôi dưỡng vạn vật). Ngài không sinh ra ai, và cũng không do ai sinh ra. Và không một ai có thể so sánh (ngang bằng) với Ngài được.[12]

Đoạn trích từ kinh Coran này cho chúng ta thấy rằng, Đấng Allah là tác giả của công trình tạo dựng; Ngài tạo dựng nên con người và ban cho họ có khả năng lựa chọn và thực hiện điều thiện cũng như điều ác. Con người có thể nhận biết Allah qua các thuộc tính của Ngài (chẳng hạn như lòng nhân từ, sự công bằng, lòng trắc ẩn…) nhưng thuộc tính tối thượng của Allah thì vẫn không thể nhận biết được.

b. Tin vào lời tiên tri và ngôn sứ

Các tín đồ Hồi giáo xác tín rằng, Allah luôn mong muốn liên lạc với con người và Ngài đã chọn một số người để mạc khải lời của mình cho họ. Thật vậy, sự liên kết giữa Allah và con người chính là lời tiên tri. Lời mạc khải có hai loại: anbiya (sứ điệp) và rusul (ngôn sứ hoặc tiên tri). Người Hồi giáo cũng tin vào các ngôn sứ được nhắc đến trong Kinh thánh Do Thái giáo cũng như Đức Giê-su và Mahomet là vị cao trọng nhất; đồng thời còn xem Đức Giê-su như là vị ngôn sứ báo trước sự xuất hiện của Mahomet.

c. Tin vào sự mạc khải

Tín hữu Hồi giáo tin rằng, Allah đã mạc khải Kinh thánh cho con người qua trung gian các vị ngôn sứ. Có bốn loại Kinh thánh như vậy đã được công nhận: kinh Torah được mạc khải cho Mô-sê, Cựu ước cho vua David, Tân ước cho Đức Giê-su và kinh Coran cho Mahomet.[13]

d. Tin vào thiên thần

Các tín đồ Hồi giáo còn xác tín rằng, các thiên thần thật sự tồn tại và Thiên Chúa đã tạo dựng các ngài để thực thi ý định của Người. Một trong những nhiệm vụ của thiên thần là chăm sóc và ghi chép lại từng hành động của con người; và thiên thần nổi danh nhất chính là Gabriel, vị thiên thần có vai trò trung gian trong việc truyền tải sứ điệp của Thiên Chúa cho Mahomet; và đối lập với vị thiên thần này chính là Iblis, một thiên thần đã từng là vị đứng đầu trong tất cả các thiên thần nhưng bị đuổi ra khỏi Thiên đường vì tội không vâng phục Thiên Chúa. Sau đó, thiên thần này đã biến thành Satan và không ngừng lôi kéo, cám dỗ con người ra khỏi con đường thánh thiện.

e. Tin vào ngày phán xét và cuộc sống đời sau

Điểm xác tín cuối cùng là đối với tín đồi Hồi giáo, mục đích tối hậu của cuộc đời là sống hài lòng Thiên Chúa để đạt được Thiên đường. Giống như các Kitô hữu, Hồi giáo cũng xác tín rằng, linh hồn tiếp tục tồn tại sau cái chết; và sẽ có một ngày chung thẩm để xét xử tùy theo hành vi của từng người khi còn sống, một là phần thưởng thiên đường, hoặc là bị trừng phạt dưới hỏa ngục.

Sáu mấu chốt của niềm tin

(1) Một Thiên Chúa, (2) Sứ giả của Thiên Chúa, (3) Sách của Thiên Chúa, đặc biệt là kinh Coran, (4) Tiên tri của Thiên Chúa, đặc biệt là Mahomet, (5) Ngày phán xét hay cuộc sống đời sau, (6) Uy quyền của Thiên Chúa hay sự tiền định.[14]

Không có một tín biểu chính thức nào mà một tín đồ Hồi giáo buộc phải tuân theo. Tất cả đều được yêu cầu phải tin và tuyên xưng niềm tin (Shahada): “Không có Đấng Tối Cao nào ngoài Thiên Chúa-Allah, và Mahomet là ngôn sứ của Ngài”. Vượt ra ngoài cái cốt lõi của niềm tin ấy, giáo lý Hồi giáo thường được tóm tắt trong sáu mấu chốt của niềm tin. Nhiều tín đồ Hồi giáo còn cho rằng việc tuân giữ các mấu chốt ấy mới được coi là một tín đồ thật sự.

  • Các trụ cột thực hành tôn giáo

a. Tuyên xưng niềm tin (Shahadah)

Cột trụ đầu tiên của Hồi giáo là việc tuyên xưng niềm tin hay Shahadah.[15] Shahadah theo nghĩa đen là “làm chứng” và là dạng thức viết tắt của mệnh đề Kalimat at-shahadah. Lời tuyên xưng đức tin này được dịch nghĩa như sau: “Không có Thiên Chúa nào khác ngoại trừ Allah, và Mahomet là ngôn sứ của Ngài”. Đó là một lời tuyên xưng có ý thức và tự nguyện về niềm tin của người Hồi giáo. Nửa đầu của Shahadah có thể khiến cho một người trở thành tín đồ của một tôn giáo độc thần (Do Thái giáo, Ki-tô giáo) nhưng không nhất thiết là của tín đồ Hồi giáo. Nửa sau của Shahadah sẽ phân biệt tín đồ Hồi giáo với các tín đồ tôn giáo độc thần khác. Shahadah tóm lược toàn bộ cốt lõi của niềm tin Hồi giáo và nó được ví như nền tảng cho các cột trụ niềm tin và các trụ cột thực hành đức tin đứng vững.

b. Cầu nguyện ( Salah)

Cột trụ thứ hai của Hồi giáo là việc cầu nguyện hay Salat. Một ngày sống của họ có năm lễ nguyện Salah vào các giờ đã được ấn định để người Muslim[16] duy trì sự kết nối với Đấng Tạo Hóa của mình. Và trong các giờ dâng lễ nguyện Salah, những người Muslim (nam giới) phải cùng nhau dâng lễ tập thể tại Masjid (Thánh đường), ngoại trừ những ai có lý do chính đáng không thể đến được.

Các buổi dâng lễ nguyện tập thể biểu hiện sức mạnh đoàn kết giữa các tín đồ, kết chặt tình hữu nghị và yêu thương giữa các trái tim, không phân biệt giai cấp sang hèn, trí thức hay không trí thức, cấp lãnh đạo hay dân thường đều bình đẳng và như nhau, bởi vì tất cả các tín đồ Muslim đều đứng thành hàng ngũ sát cạnh bên nhau cùng hướng mặt về một Qiblah trong các giờ nhất định để nghiêm trang trình diện và phủ phục trước Allah.

c. Bố thí (Zakah)

Đây là một phần tài chính nhỏ trích từ nguồn tài chính của mỗi người Muslim khá giả khi hội đủ điều kiện theo qui định dùng để trợ cấp cho những anh em đồng đạo có hoàn cảnh nghèo và khó khăn. Theo lệnh của Allah, mỗi người Muslim khi nào nguồn tài chính và của cải của mình đã đạt đến mức khá giả và giàu có theo qui định, thì phải trích một tỉ lệ phần trăm nhỏ từ nguồn tài chính và của cái đó đem bố thí cho những anh chị em đồng đạo kém may mắn hơn mình.

Mục tiêu của Hồi giáo là khơi dậy và duy trì tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng tín đồ Muslim, qua đó, người nghèo sẽ được hỗ trợ và vượt qua được thời điểm khó khăn của mình, còn người giàu sẽ được tẩy sạch tâm hồn khỏi sự keo kiệt, ích kỷ và hẹp hòi; đồng thời người nghèo cũng được tẩy sạch tâm hồn khỏi sự ganh ghét và hận thù khi họ nhìn thấy người giàu tương trợ và cư xử tốt với họ.

d. Ăn Chay (Ramadan)

Một tháng trong năm, tất cả những tín đồ Muslim phải nhịn chay dưới hình thức là nhịn ăn, nhịn uống, nhịn “gần gũi” vợ chồng từ lúc rạng đông cho đến khi mặt trời lặn khuất. Đây không phải là điều luật mới cho Hồi giáo mà nó là một điều luật đã được Allah ban xuống cho các tôn giáo trước đây. Allah, Đấng Tối Cao phán:

Hỡi những ai có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho những người trước các ngươi, mong rằng các ngươi sẽ ngay chính và ngoan đạo. (Chương 2 – Albaqarah, câu 183).

Nhịn chay là sự chiến đấu giữa bản thân với nhu cầu ham muốn của mình, qua đó, người Muslim sẽ cảm nhận được cái thực tế về sự khó khăn, đói khát của những anh em đồng đạo nghèo khổ có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình để đùm bọc và tương trợ họ.

e. Hành hương đến Mecca (Hajj)

Hajj là cuộc hành hương đến ngôi đền Ka’bah tại Masjid Al-Haram (ở Makkah thuộc vương quốc Ả rập Xê-út), còn gọi là ngôi nhà của Allah. Nó gồm các nghi thức nhất định được thực hiện tại các địa điểm nhất định vào những thời gian nhất định, nhằm phục tùng mệnh lệnh của Allah. Mỗi tín đồ Muslim nam nữ trưởng thành bắt buộc phải thực hiện chuyến hành hương Hajj một lần trong đời khi đã hội đủ điều kiện (sức khỏe, tài chính, và phương tiện…) để thực hiện nó.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

Và để phụng mệnh Allah thì bắt buộc con người phải đi hành hương Hajj tại ngôi đền thiêng liêng Ka’bah khi có điều kiện, và kẻ nào phủ nhận và bất tuân thì quả thật Allah là Đấng Giàu Có nhất trong toàn vũ trụ. (Chương 3 – Ali-‘Imran, câu 97).

Hajj được coi là nơi triệu tập lớn nhất các tín đồ Muslim ở khắp mọi nơi trên thế giới tại một địa điểm trong một thời gian nhất định của Hồi giáo. Những tín đồ Muslim đồng loạt cầu nguyện và khấn xin đến một Thiên Chúa duy nhất, họ cùng mặc một kiểu quần áo, cùng thực hiện chung những nghi thức được qui định, không có sự phân biệt giữa người giàu hay người nghèo, quý phái sang trọng hay bần hàn, da trắng hay da đen, người Ả rập hay không phải người Ả rập, tất cả đều như nhau, đều là bề tôi của Allah, đều là anh em đồng đạo đang thực hiện mệnh lệnh của Allah.

3. Sự hiện hữu của Thiên Chúa

1.1 Kinh nghiệm về vật chất, nội tâm và tâm linh của nhân loại

Tất cả các cuốn sách tôn giáo hầu như khi nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa đều là một chân lý hiển nhiên. Tuy nhiên, kinh Coran có vô số những luận cứ tiến bộ để chứng minh về sự hiện hữu của Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo và Kiểm Soát vũ trụ này. Nói chung những luận cứ này có ba dạng thức. Thứ nhất, có những luận cứ được rút từ việc tạo dựng có liên quan đến kinh nghiệm vật chất của con người; thứ hai, bằng chứng của bản tính nhân loại có liên quan đến kinh nghiệm nội tâm của nhân loại; và thứ ba, có những luận cứ dựa trên nền tảng mạc khải thần linh và dạng thức này được gọi là kinh nghiệm tâm linh của nhân loại.

1.2 Luật tiến hóa như một bằng chứng của ý định và sự khôn ngoan

Luận chứng thứ nhất, được rút ra từ việc tạo dựng, đặt trọng tâm vào từ Rabb. Tiên tri Mahomet đã nói với các môn đồ của mình rằng: “Hãy đọc nhân danh Rabb là Đấng Tạo Dựng” (96:1). Từ Rabb được chuyển dịch cách thông thường là Thiên Chúa và mang một ý nghĩa rất khác biệt. Theo các học giả nổi tiếng về ngôn ngữ học Ả-rập, thì Rabb có nghĩa là sự kết hợp hai ý nghĩa: sự thúc đẩy, nuôi dưỡng và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thành[17]. Do đó, ý tưởng cơ sở này có nghĩa là các thụ tạo đang được thúc đẩy từ một tình trạng thô (crudest state) tiến dần đến tình trạng hoàn thiện cao hơn, nói cách khác nó có nghĩa là sự tiến hóa. Ta có thể đưa ra một giải thích đầy đủ về Rabb ở đây: Thiên Chúa tác tạo nên vạn vật và đặt để cho chúng tiến dần đến tình trạng hoàn thiện; Ngài tạo dựng mọi vật trong sự giới hạn và chỉ cho chúng cách thức mà nhờ đó chúng có thể đạt đến sự trọn hảo. Ý niệm về sự tiến hóa được phát triển đầy đủ nơi tính duy nhất của hai hành động, sáng tạo và hoàn thành, ngõ hầu mọi vật Thiên Chúa dựng nên phải đạt đến được cách hoàn toàn cùng đích của chính nó.

1.3 Lời chỉ dẫn qua bản tính nhân loại

Dạng thức thứ hai của luận cứ chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa có liên quan đến phần tinh thần của con người, rằng có một ánh sáng nội tâm nơi từng con người nói với họ về sự tồn tại của một Đấng Tối Cao, một Thiên Chúa, một Đấng Tạo Hóa. Luận chứng nội tâm này thường được trưng dẫn dưới hình thức một câu hỏi. Nó giống như tiếng nói của chính nội tâm con người. Và câu trả lời cho câu trả lời này đôi khi lại bị bỏ ngõ, như thể là con người được mời gọi để đào sâu hơn về tư tưởng, suy nghĩ của mình: “Phải chăng các thụ tạo được tác thành mà không cần một lực sáng tạo nào đó? Phải chăng chúng tự thân là những nhà sáng tạo (của chính tâm hồn mình) nào đó? Phải chăng chúng tạo dựng nên trời và đất nào đó?” (52:35, 36). Và đôi khi câu trả lời khả dĩ có thể đưa ra là: “Nếu như các ngươi hỏi chúng, ai là Đấng tác thành nên thiên đường và trái đất? Chúng sẽ nói: Đấng Toàn Năng, Đấng Toàn Tri đã đã tác tạo nên chúng tôi” (43:9). Ở một thời điểm khác, câu hỏi có thể đi trực diện đến tâm hồn của con người qua chính Thiên Chúa.[18] Đây hẳn là một luận chứng rõ ràng của bản tính tự nhiên nhân loại mà tự bên trong chúng nói lên như thể là: “Đấng Allah đã tác tạo và xếp đặt bản tính tự nhiên của con người” (30:30). Đôi khi ý thức này thuộc một phần của tâm hồn con người được đề cập đến trong những thuật ngữ gần như là phi thường đối với Thần Linh: “Chúng ta đang tiến gần hơn đến nguồn sống của Thiên Chúa” (50:16). Và một lần nữa: “Chúng ta đang tiến gần hơn đến tâm hồn của Thiên Chúa” (56:85). Chính ý niệm Thiên Chúa tiến gần hơn tới bản chất riêng của từng con người chỉ ra rằng ý thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi tâm hồn nhân loại thậm chí còn rõ ràng hơn việc ý thức về sự hiện hữu của chính mình.[19]

1.4 Lời chỉ dẫn qua mạc khải Thần Linh

Dạng thức thứ ba của luận chứng được tìm thấy trong kinh Coran, minh chứng cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, có liên quan đến mạc khải Thần Linh – một luận chứng chắc chắn nhất và rõ ràng nhất – điều này không những xác minh chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa mà còn tuôn chảy như một luồng sáng về các thuộc tính Thần Linh mà sự tồn tại của Đấng Hiện Hữu sẽ mãi không chỉ là một tín điều. Chính nhờ mạc khải các thuộc tính Thần Linh mà niềm tin vào Thiên Chúa trở thành nhân tố quan trọng thiết yếu trong sự tiến triển của con người, bởi lẽ sự hiểu biết về các thuộc tính này giúp con người thiết lập một ý tưởng cao thượng cho chính mình về việc bắt chước các phẩm chất của Ngài; như vậy chỉ điều đó không có nghĩa là con người có thể nâng cao phẩm chất luân lý. Thiên Chúa là Đấng Nuôi Dưỡng vạn vật, vì vậy các thụ tạo phải phụng thờ Ngài hết sức lực mình không chỉ con người mà thôi mà còn tất cả mọi sinh vật. Thiên Chúa luôn yêu thương và trìu mến với các thụ tạo của mình, vì vậy những ai đặt niềm tin nơi Ngài sẽ được thúc đẩy bởi một xung lực của tình yêu và lòng trìu mến hướng về các tạo vật của Ngài. Thiên Chúa là Đấng thương xót và tha thứ, vì vậy các bề tôi của Ngài cũng phải có lòng thương xót và tha thứ đối với anh em đồng loại. Thật vậy, chính nhờ mạc khải mà con người nhận biết được các thuộc tính tuyệt hảo của Thiên Chúa và cũng là một ý tưởng cao thượng mà con người có thể đặt ra cho chính mình; và nếu không có ý niệm này thì cuộc sống của con người chỉ là trống rỗng, thiếu đi tính linh thánh và khao khát hướng thượng.

Mặt khác, mạc khải này còn giúp cho con người tiến gần hơn tới Thiên Chúa và làm cho sự hiện hữu của Ngài trở thành một thực tại trong cuộc sống của mình; những điều đó đã được cụ thể hóa qua những con người thánh thiện, những người đã giữ vững mối thông hiệp của mình với Đấng Hiện Hữu. Thiên Chúa là Thực Tại, là Chân Lý – một thực tại vĩ đại nhất trong vũ trụ này – và con người có thể cảm nhận được sự hiện diện và nhận thức về Ngài trong từng giây phút của mỗi ngày sống, và có những mối tương quan thân thiết nhất với Ngài. Một dạng nhận thức như thế về Đấng Hiện Hữu sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người, khơi gợi trong tâm khảm con người một sức mạnh vô hình không thể cưỡng lại được; đây không phải là một kinh nghiệm đơn độc của một cá nhân hay một quốc gia, nhưng là kinh nghiệm phổ quát của tất cả con người thuộc mọi đất nước, mọi thời đại.

4. Thiên Chúa duy nhất

4.1 Một Thiên Chúa duy nhất

Mọi nguyên lý nền tảng của Hồi giáo được đề cập cách đầy đủ trong kinh Coran, và đó cũng là giáo lý đức tin vào Thiên Chúa, một đá tảng góc tường tòa nhà Hồi giáo, là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất (tauhid). Sự diễn tả phổ biến nhất của sự Đơn Nhất Thần Linh có nghĩa bao gồm việc tuyên xưng la ilaha ill-Allah; được chuyển dịch sang tiếng anh có nghĩa là “không có vị thần nào khác ngoại trừ Đấng Allah”, và truyền tải một thông điệp: chẳng có điều gì xứng đáng để được tôn thờ ngoại trừ Allah. Thiên Chúa duy nhất theo kinh Coran, ngụ ý rằng Thiên Chúa là Một trong ngôi vị, là Một trong các thuộc tính và Một trong các công trình của Ngài. Sự Một trong ngôi vị của Thiên Chúa có nghĩa là không có nhiều vị thần cũng không có nhiều ngôi vị về một Thiên Chúa có Ba Ngôi; sự Một trong các thuộc tính của Thiên Chúa hàm ý rằng không có một hoặc nhiều hơn các thuộc tính Thần Linh hoàn hảo nào khác; sự Một trong các công trình của Thiên Chúa ngụ ý rằng không có một ai có thể thực hiện các công trình đó ngoại trừ một mình Thiên Chúa.[20]

4.2 Tính nghiêm trọng của đa thần

Đối lập với sự Duy Nhất (Tauhid) là đa thần (shirk). Trong kinh Coran, shirk thường chỉ về sự liên hợp của các vị thần với Thiên Chúa. Shirt được nói đến ở đây ám chỉ về sự nghiêm trọng của tội: “một cách chắc chắn, quy những đối tượng đó cho Thiên Chúa là một tội ác nghiêm trọng” (31: 13). Theo kinh Coran, con người chính là phản ảnh của Thiên Chúa nơi trần gian này (2: 30), và điều này chỉ ra rằng con người được trao ban sức mạnh để thống trị các thụ tạo trên trái đất này, và thậm chí con người còn trổi vượt hơn các thiên thần (2: 34). Vậy nếu con người được tạo dựng để cai trị vũ trụ và được ban tặng sức mạnh để chế ngự vạn vật, thì con người không được phép đánh mất đi giá trị của mình qua việc theo các thần, qua việc cúi mình trước các thụ tạo, mà trong khi con người đã được tạo dựng để chinh phục và thống trị. Đây là một luận cứ mà chính kinh Coran đã đưa ra nhằm chống lại shirk, “Tôi có nên tìm một vị thần nào khác trổi vượt hơn Allah, trong khi Ngài là Chúa Tể của vạn vật” (6: 165). Do đó, shirk là tất cả những tội mang tính nghiêm trọng nhất bởi vì nó làm giảm giá trị của con người và làm cho mình trở nên thiếu tư cách trong việc đạt được vị thế trổi vượt nhất mà đã được dự định cho con người trong kế hoạch Thần Linh này.

4.3 Những dạng thức khác của đa thần

Những dạng thức này được tóm kết trong một đoạn sau đây: “Chúng ta không nên tôn thờ ai ngoài Đấng Allah, không được đặt ai bên cạnh Ngài và không được tôn xưng lẫn nhau là Chúa của kẻ khác mà quên đi Allah” (3: 63). Có ba hình thức của shirk – còn cái thứ tư được đề cập cách độc lập, tách biệt. Hình thức rõ ràng nhất của shirk là ngoài Allah ra thì bất kỳ thụ tạo nào cũng có thể được thờ phượng, chẳng hạn như núi đá, các ngẫu tượng, cây cối, thú vật, các thế lực tự nhiên hoặc con người mà được giả định rằng là á thần hoặc thần hoặc là sự nhập thể của Thần hoặc là con trai hoặc con gái của Thiên Chúa. Hình thức thứ hai của shirk thì ít rõ ràng hơn, là việc đặt những sự vật khác ngang hàng với Ngài, nghĩa là xác định rằng những sự vật và hữu thể khác có cùng những thuộc tính như Đấng Hiện Hữu. Nhiều tín hữu tin rằng có ba ngôi vị nơi một Thiên Chúa, và rằng người Con và Thánh Linh là Thiên Chúa, là Đấng Tuyệt Đối và Thông Tri giống như chính Thiên Chúa, như trong tín biểu của Ki-tô giáo đã tuyên xưng, hoặc có Thần Ác và Thần Thiện cùng tồn tại chung với nhau như trong đạo Thiện cách tân (Zoroastrianism)[21], hoặc thân xác và linh hồn cùng tồn tại vĩnh hằng với Thiên Chúa và tự hiện hữu như chính Ngài như trong Ấn Độ giáo. Hình thức sau cùng của shirk có nghĩa là một vài người nào đó được tôn xưng là các vị thần của mình. Ý nghĩa của dạng thức này được giải thích bởi chính nhà tiên tri Mahomet: “Chúng tôn thờ các học giả, các thầy dòng mà không màng đến Đấng Allah” (9: 31) – ‘Adiyy ibn Hatim, một người theo Ki-tô giáo trước đây nhưng đã cải đạo sang Hồi giáo, đã nói với vị tiên tri rằng Do Thái giáo và Ki-tô giáo không tôn thờ các học giả và các thầy dòng. Nhà tiên tri hỏi tiếp ông ta rằng nếu điều đó không phải là sự thật thì chúng đã vâng lời họ một cách mù quáng theo những gì họ đã ra lệnh và những gì họ cấm và ‘Adiyy đã trả lời được câu hỏi của nhà tiên tri. Cuộc đối thoại này chỉ ra rằng việc đi theo những con người vĩ đại cách mù quáng này cũng được xem như là shirk. Còn dạng thứ tư của shirk được đề cập đến trong một đoạn sau đây: “Ngươi có thấy kẻ xem dục vọng của họ như là thần thánh hay không?” (25: 44).

Một hình thức khác của shirk là ngẫu tượng (idolatry). Idolatry được trích dẫn khá nhiều và bị lên án trong kinh Coran, bởi vì đây là hình thức ghê tởm nhất của shirk và cũng là dạng thức lan tràn nhất khắp thế giới tại các sự kiện quan trọng của Hồi giáo.

Chúa Ba Ngôi cũng bị kết án như là một dạng thức của shirk: “Vì thế hãy tin tưởng nơi Allah và các sứ giả, chớ nói: ‘Họ có cả thảy Ba Người’. Hãy phủ nhận điều đó thì sẽ có lợi cho các ngươi. Allah quả thật là Thiên Chúa duy nhất” (4: 172). Và đương nhiên cũng phủ nhận đạo lý Thiên Chúa có những người con cũng bị lên án và đây cũng là hình thức của shirk.

5. Các thuộc tính của Thiên Chúa

Allah là tên riêng – ism dhat – của Đấng Hiện Hữu và được tách biệt khỏi mọi danh xưng khác – asma al-sifat, hoặc những tên biểu thị các thuộc tính. Đó cũng là danh hiệu cao trọng nhất và được biết đến nhiều nhất của Thiên Chúa (ism a`zam). Danh xưng này không chứa đựng bất kỳ ý nghĩa nào nhưng đơn thuần chỉ là tên riêng là Đấng Hiện Hữu, và chứa đựng mọi thuộc tính khác của Thiên Chúa. Chúng ta có thể tìm thấy danh xưng Allah xuất hiện khoảng 2800 lần[22] trong kinh Coran.

Các thuộc tính của Thiên Chúa thì khác với những tên gọi của Ngài. Chúng xuất phát từ chính cái tinh túy của Thiên Chúa nhưng không đồng hóa với chúng và không phải là những thực tại tách biệt khỏi Ngài. Thiên Chúa có 99 danh xưng được coi là “rất đẹp”; và tên lớn nhất của Thiên Chúa Allah là tên thứ 100. Ta có thể kể ra đây một vài tên: Đấng Quyền Năng, Khôn Ngoan, Tận Cùng, Khoan Hồng, Hay Thương Xót, Thánh, Cứu Chuộc, Trung Thành, Bảo Vệ, Ưu Việt, Chiến Thắng, Tối Cao, Đáng Sợ…

Người ta có thể phân biệt các thuộc tính của Thiên Chúa thành tám phẩm tính[23]: sự sống, sự thông suốt, toàn năng (trong trật tự thể lý cũng như đạo lý), thị giác và thính giác (hai phẩm tính này ăn khớp với sự thông suốt mọi sự: Thiên Chúa biết tất cả, do đó nhìn thấy và nghe thấy tất cả), lời (Thiên Chúa đã nói với các ngôn sứ), ý muốn, quyền năng tác tạo.

 KẾT LUẬN

Qua những gì vừa trình bày, chúng ta nhận thấy Hồi giáo là một tôn giáo mang đậm chất độc thần, nhìn nhận Thiên Chúa, với danh xưng cao trọng là Allah, là Đấng Tuyệt Đối và Chủ Tể của vũ trụ. Thiên Chúa trong kinh Coran là một Thiên Chúa duy nhất, độc tôn và ngoài Ngài ra không có một vị thần nào khác; đó cũng là một Thiên Chúa mang nhiều sắc thái cảm xúc như con người: yêu thương, tha thứ, thương xót và ngay cả ghen tương khi con người tôn thờ các ngẫu tượng; đó cũng là một Thiên Chúa rất sống động, phong phú, được thể hiện qua các thuộc tính Thần Linh và các danh xưng của Ngài; đó cũng là một Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người qua các vị trung gian, chẳng hạn như qua Mô-sê, Đức Giê-su, và nổi bật nhất chính là tiên tri Mahomet; đó cũng là một Thiên Chúa tác tạo nên con người và trao ban cho con người thẩm quyền cai quản các công trình do Thiên Chúa sáng tạo.

Khi so sánh, đối chiếu với Kinh Thánh của Ki-tô giáo, chúng ta có thể đưa ra một hệ luận: Thiên Chúa của Hồi giáo không phải là Thiên Chúa của Ki-tô giáo, bởi vì Thiên Chúa của Hồi giáo không phải là Thiên Chúa Tam Thể Nhất Vị; và nếu Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì Đức Giê-su minh nhiên không phải là Thiên Chúa và niềm tin vào việc Nhập thể chỉ là ảo tưởng mà thôi. Vậy tại sao kinh Coran lại dứt khoát chối từ và gạt bỏ tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi? Câu trả lời chỉ có thể và duy nhất chính là tín đồ Hồi giáo chỉ tin vào sự duy nhất của Thiên Chúa, và đương nhiên không thể tương hợp với tính Tam Vị của một Thiên Chúa. Có thể nói rằng, Mahomet đã không đạt tới được chiều sâu của triết lý và sự linh thiêng vốn giúp hiểu rằng tính Duy Nhất đích thực, đơn thuần của tình yêu, đó là Tam Vị, nghĩa là Thiên Chúa Ba Ngôi là sự trọn hảo của tính đơn nhất.[24] Ki-tô giáo và Hồi giáo có thể nhất trí với nhau về vấn đề tạo dựng; tuy nhiên, đối với Ki-tô giáo thì mầu nhiệm tạo dựng được soi sáng bởi mầu nhiệm Nhập Thể, và đi xa hơn nữa chính là mầu nhiệm Ba Ngôi.

Như vậy, dù có những điểm tương đồng (nhất trí với nhau về vấn đề tạo dựng) nhưng Hồi giáo và Ki-tô giáo khó có thể dung hòa được. Theo các nhà Hồi giáo học và truyền giáo thì việc trở lại của người Hồi giáo là điều bất khả thi.[25] Còn về sự hòa giải đối với những quan điểm Hồi giáo và Ki-tô giáo thì không thể có, bao lâu người Hồi giáo còn từ chối cách thẳng thừng không tin có Thiên Chúa Ba Ngôi.

Vì giới hạn phạm vi bài làm và mức độ hiểu biết, nên vấn đề vẫn chưa được khai triển sâu sắc cũng như chưa đạt tới tầm mức của nó. Hy vọng trong những nỗ lực sắp tới, tôi có thể khai triển đề tài này sâu rộng hơn nữa để qua đó giúp tôi có một cái nhìn đa diện hơn về Hồi giáo.  

NĐT.

THƯ MỤC

  1. Denny, Frederick Matthewson. An Introduction to Islam. New York: Macmillan Publishing Company, 1994.
  2. —. Islam And The Muslim Community. New York: Harper Collins Publishers, 1987.
  3. Farah, Caeser E. Islam: Beliefs and Practies. Woodbury, NY: Baron’s Educational series, Inc., 1970.
  4. Esposito, John L. What Everyone Needs to Know About Islam. New York: Oxford University Press, 2002.
  5. Maulana Muhammed Ali. The Region Of Islam. Book Crafters, Michigan. 1990.
  6. Francois Varillon. Một Ki-tô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009).
  7. Phan Tấn Thành. Đời Sống Tâm Linh [tập 4]. Nxb Tôn Giáo.
  8. Nguyễn Bình. Đạo Hồi Tri Thức Cơ Bản. Nxb Từ Điển Bách Khoa.
  9. Van Baaren. Hồi Giáo. Dg. Trịnh Huy Hóa. Tp. HCM: Nxb Trẻ.
  10. Dominique Sourdel. Hồi Giáo. Dg. Mai Anh, Thi Hoa, Thu Thủy, Thanh Vân. Hà Nội: Nxb Thế Giới, 2002.
  11. Malise Ruthven. Dẫn Luận Về Hồi Giáo. Dg. Thái An. HCM: Nxb Hồng Đức.

[1] Denny, Frederick Matthewson. An Introduction to Islam. New York: Macmillan Publishing Company, 1994.

[2] Medina là danh xưng người ta gọi sau này. Ban đầu nó là một thành phố tên là Yathrib, sau đó được đổi thành al-Madinah al-Munawwarah (thành phố Sáng láng) hay Madinat al-Nabi (thành phố của ngôn sứ).

[3] Mỗi câu trong kinh Coran được gọi là Ayat (nghĩa đen là dấu chỉ).

[4] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, tập 4, nxb Tôn Giáo, tr. 239.

[5] —. Islam And The Muslim Community. New York: Harper Collins Publishers, 1987.

[6] Farah, Caeser E. Islam: Beliefs and Practies. Woodbury, NY: Baron’s Educational series, Inc., 1970.

[7] X. Francois Varillon, Một Ki-tô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn (Hà Nội: nxb Tôn Giáo, 2009), tr. 82-89.

[8] X. St 2, 19-20.

[9] X. St

[10] Các tín điều này có giá trị độc lập và ngang nhau nên việc đánh số thứ tự không cần theo một trật tự nhất định nào.

[11]X. Nguyễn Bình, Đạo Hồi Tri Thức Cơ Bản, nxb Từ Điển Bách Khoa, tr. 84.

[12] Ibid., trang 84-85.

[13] Ibid., trang 87.

[14] Esposito, John L. What Everyone Needs to Know About Islam. New York: Oxford University Press, 2002.

[15] Farah, Caeser E. Islam: Beliefs and Practies. Woodbury, NY: Baron’s Educational series, Inc., 1970.

[16] Nhiều tín đồ Hồi giáo quan niệm rằng, Hồi giáo là sự tùng phục những phép tắc thần thánh, và bất cứ điều gì cho phép những phép tắc này chi phối được gọi là Muslim (nữ giới gọi là Muslima).

[17] Maulana Muhammed Ali, The Region Of Islam, Book Crafters, Michigan, 1990, p. 102.

[18] Ibid., p. 105.

[19] Ibid., p. 105.

[20] Ibid., p. 109.

[21] Đạo do nhà tiên tri Ba Tư Zoroaster khởi xướng, chủ trương thờ phượng Ormazd trong cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái thiện và cái ác trên toàn vũ trụ.

[22] Ibid., p. 119.

[23] Francois Varillon, Một Ki-tô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn (Hà Nội: nxb Tôn Giáo, 2009), tr. 77.

[24] Ibid., tr. 100.

[25] Ibid., tr. 112.