Cầu nguyện, đức tin và thái độ sống trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay

0
1781

Cao Viết Tuấn, CM

Truyền thống Giáo hội từ thời các thánh giáo phụ đã có châm ngôn, mà cho đến bây giờ vẫn còn giá trị: “Lex Orandi, Lex Credendi”. Về sau, người ta đôi khi còn thêm: “…lex vivendi”. Dịch nghĩa là: Luật cầu nguyện là luật tin, là luật sống. Theo nghĩa rộng, chúng ta có thể hiểu: cách chúng ta cầu nguyện diễn tả đức tin, và tất cả được phản ánh trong đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy xem loại đức tin nào đang ẩn chứa đằng sau những lời cầu nguyện mà chúng ta thường thấy. Để rồi, chúng ta tìm ra thái độ cầu nguyện nào phù hợp với Đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa Toàn Năng, Người Cha giàu lòng thương xót, chúng ta có một đời sống đầy tín thác và bình an trong mọi biến cố đời sống.

Trong những ngày dịch bệnh này, việc cầu nguyện được nhắc tới rất nhiều. Trong đó, có một quan niệm rất phổ biến: ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, từ bỏ tội lỗi, chia sẻ yêu thương … ĐỂ ĐƯỢC THIÊN CHÚA LẮNG NGHE VÀ CHO DỊCH BỆNH CHẤM DỨT. Ví dụ: “Để được Thiên Chúa lắng nghe, chúng ta thành tâm dâng lên Người những hy sinh hãm mình, những nghĩa cử bác ái và quyết tâm cải thiện đời sống trong các tương quan gia đình, bạn hữu, giáo xứ và môi trường làm việc.” Người ta đang nỗ lực cố gắng làm mọi cách với mục đích là: THIÊN CHÚA CHO CHẤM DỨT DỊCH BỆNH.

Theo quan niệm đó, có phải Thiên Chúa đang cho dịch bệnh hoành hành vì con người tội lỗi, kiêu ngạo, xấu xa, cần phải biết thế nào là lễ độ để con người biết ăn năn hối cải rồi mới cứu? Tương tự như cha mẹ đang đánh đập một đứa con hư hỏng để mong nó từ bỏ tính hư nết xấu và trở nên ngoan hiền hơn. Quan niệm này rất thông dụng trong các tín ngưỡng dân gian. Ví dụ con cháu phải cúng kiến ông bà tổ tiên đàng hoàng thì ông bà mới độ trì cho con cháu mạnh khoẻ làm ăn khấm khá. Nếu con cháu làm điều có lỗi hoặc không chu toàn bổn phận hương hoả thì sẽ bị ông bà giáng phạt. Hoặc như quan niệm cho rằng người ta sẽ bị thần linh trừng phạt nếu xúc phạm đến thần linh. Khi đó, người cần thành kính dâng lễ vật xin lỗi thần linh để được tha. Hay trong Cựu ước, sách Các Vua quyển thứ 1 (1 V 18,20-40) thuật lại cho chúng ta biết câu chuyện bốn trăm tư tế của thần Baal đã đấu với Ngôn sứ Êlia. Họ đã kêu gào, rạch mình cho máu chảy để thần Baal nhận lời.

Với cách cầu nguyện nói trên, Thiên Chúa mà chúng ta đang tin có khác gì các thần linh của các tín ngưỡng khác? Vậy chúng ta cần có tâm tình cầu nguyện nào trong hoàn cảnh hiện nay? Bài giảng của Đức giáo hoàng Phanxicô trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi lúc 6g chiều ngày 27 tháng 3 năm 2020 vừa qua  (giờ Vatican) sẽ gợi lên cho chúng ta những điều thiết yếu hơn việc đơn thuần cầu xin cho dịch bệnh chấm dứt.

Đoạn Tin Mừng thánh Marco được đọc trong giờ cầu nguyện thuật lại sự kiện các môn đệ đang ở trên tàu, khi Chúa Giêsu đang ngủ, thì giông bão nổi lên. Các môn đệ hoảng sợ, đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giêsu đã truyền cho sóng im biển lặng và ngài bảo họ “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4,35-41)

Trong bối cảnh hiện nay, điều chúng ta cần xét lại là đức tin của mỗi người chúng ta. Đức giáo hoàng chia sẻ: “Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức môn đệ kêu cầu: ”Thưa Thầy, Thầy chẳng quan tâm gì đến sự kiện chúng con sắp chết sao?” Các môn đệ chỉ băn khoăn lo lắng về vấn đề “bão tố”, còn sự hiện diện của Chúa Giêsu dường như không quan trọng. Họ nghĩ rằng Chúa không quan tâm, không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc họ. Đức giáo hoàng cho rằng việc các môn đệ nghĩ rằng Chúa Giêsu không quan tâm gì đến các ông làm tổn thương cả Chúa Giêsu. Vì chẳng có ai quan tâm đến chúng ta hơn Ngài.“ Chúng ta cũng đang quá lo lắng về dịch bệnh mà quên đi điều quan trọng và ý nghĩa hơn đối với cuộc đời chúng ta: Thiên Chúa đang ở bên cạnh chúng ta. Điều cốt lõi của đức tin chính là sự tiếp xúc cá nhân thân mật giữa chúng ta với Thiên Chúa bằng cầu nguyện riêng tư và tĩnh lặng. Đó là tất cả những gì chúng ta cần lúc này!”

Thời gian này là lúc thuận tiện cho việc hy sinh, cầu nguyện, ăn năn sám hối, thay đổi đời sống. Đó không phải là điều kiện để được Thiên Chúa nhậm lời cầu xin của chúng ta, nhưng là những việc chúng ta cần phải làm. Dịch bệnh là lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại cuộc sống đầy tội lỗi và đam mê của chúng ta và thế giới, như lời của Đức giáo hoàng: “Chúng con đang tiến bước rất mau lẹ, cảm thấy hùng mạnh và có khả năng trong mọi sự. Chúng con ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã. Chúng con không dừng lại trước những lời nhắc nhở của Chúa, không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới, chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng. Chúng con cứ tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh. Giờ đây, trong lúc chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!” Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta tin tưởng vào Chúa, khiêm nhường nhìn nhận con người của mình. Chúng ta hoán cải, vì chúng ta đã phạm tội và đi sai đường!”

Sau đây là những trích đoạn khác từ bài giảng của Đức giáo hoàng:

Không phải chỉ tin Chúa hiện hữu cho bằng hãy đến cùng Chúa và tín thác nơi Chúa. Trong Mùa Chay này vang dội lời kêu gọi cấp thiết của Chúa: ”Hãy hoán cải”, ”hãy hết lòng trở về cùng Ta” (Gl 2,13). Chúa gọi chúng con hãy đón nhận thời điểm thử thách này như ‘một thời điểm chọn lựa’. Đây không phải là thời điểm phán xét của Chúa, nhưng là lúc chúng con phải suy xét: thời điểm chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua, tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Lạy Chúa, đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân.

Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó thác cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Ngài chiến thắng chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, thuyền sẽ không bị đắm. Vì sức mạnh của Thiên Chúa là: tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, cả những điều bất hạnh, đều mưu ích cho chúng ta. Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết. […] Chúa đặt câu hỏi cho chúng ta, giữa bão tố của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng, có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những lúc này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa thức dậy để đánh thức và hồi sinh niềm tin của chúng ta nơi sự phục sinh.”

Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cách ly, trong đó chúng ta đang thiếu thốn tình cảm quí mến và những cuộc gặp gỡ, chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn, một lần nữa chúng ta nghe lời loan báo cứu độ: Chúa đã sống lại và Ngài sống cạnh chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta, từ trên thập giá của Ngài, hãy tìm lại cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, và hãy nhìn đến những người đang kêu chúng ta hãy củng cố, nhìn nhận và khởi động ơn thánh đang ở trong chúng ta. Đừng dập tắt tim đèn còn ngún khói (Xc Is 42,3), không bao giờ yếu liệt và hãy để cho niềm hy vọng được bùng lên.

Đón nhận thập giá của Chúa có nghĩa là tìm lại can đảm để đón nhận tất cả các nghịch cảnh của thời điểm hiện nay, tạm bỏ sự lo lắng của chúng ta về sự toàn năng và chiếm hữu, để nhường chỗ cho tinh thần sáng tạo mà chỉ có Thánh Linh mới có khả năng khơi dậy. Điều này có nghĩa là tìm lại can đảm mở ra những không gian trong đó tất cả mọi người đều thể cảm thấy được kêu gọi và thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và liên đới. Trong thập giá của Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường khả dĩ giúp chúng ta bảo tồn bản thân và giữ gìn. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, giải thoát khỏi sợ hãi và mang lại hy vọng.

”Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?” Anh chị em thân mến, từ nơi này, nhắc nhớ đức tin kiên vững của thánh Phêrô, tối hôm nay tôi muốn phó thác tất cả anh chị em cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là sức khỏe của dân Ngài, là Sao biển giữa bão tố. Từ những hàng cột này như vòng tay ôm lấy thành Roma và thế giới, ước gì phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em như một vòng tay an ủi. Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi cho tâm hồn. Chúa dạy chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô, ”chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu, vì Chúa chăm sóc chúng con” (Xc 1 Pr 5,7).