CỘNG TÁC TRONG ĐÀO TẠO

0
1029

VĂN BẢN KẾT THÚC – CAM  KẾT SỐ 3

IGNACIO FERNANDEZ MENDOZA, CM

Phù hợp với thời đại của chúng ta

Các văn kiện hậu Công đồng của Giáo hội đề cập đến việc đào tạo những người khao khát sống đời linh mục và tu trì, thường đề cập đến 4 chiều kích đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và tông đồ. Điều này cũng được nói đến trong Hiến Chương Đào Tạo dành cho Nội Chủng Viện và Đại Chủng Viện của Tu Hội Truyền Giáo. Theo hoàn cảnh riêng, chiều kích cộng đoàn và đào tạo Vinh Sơn cũng được nhắc đến trong Hiến Chương Đào Tạo dành cho Đại Chủng Viện. Trong Tu Hội Truyền Giáo, việc đào tạo Vinh Sơn mang màu sắc của tất cả các khía cạnh đào tạo. Theo một mức độ phù hợp, điều này cũng liên quan đến các Nữ Tử Bác Ái và giáo dân Vinh Sơn trong những gì Huấn Quyền của Giáo Hội xem xét ở mức độ nào đó về các kế hoạch đào tạo của các nhóm khác nhau trong Gia Đình Vinh Sơn.

Chúng ta sẽ đề cập ngắn gọn các yếu tố khác nhau của việc đào tạo, cho thấy rõ trong mỗi khía cạnh ấy những gì đi theo quan điểm Vinh Sơn về việc đào tạo.

Mục đích cuối cùng của việc đào tạo nhân bản không chỉ là sự trưởng thành cá nhân ở mức độ cao mà còn là hỗ trợ hoạt động tông đồ. Trong lãnh vực đào tạo này, trên hết, các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn phải phát triển tất cả các giá trị chắc chắn như là: tôn trọng con người, lòng trắc ẩn, sự chấp nhận và quảng đại.

Đào tạo thiêng liêng làm cho cá nhân và tập thể trở nên giống Chúa Giêsu Kitô. Mặc dù điều này là chung đối với tất cả các tín hữu, nhưng việc sử dụng một số phương tiện nào đó để đạt được sự đào tạo thiêng liêng như nghe lời Chúa, đời sống bí tích và cầu nguyện, trong trường hợp của một thành viên Vinh Sơn, việc đào tạo thiêng liêng đòi hỏi một phẩm chất phản ánh đặc sủng nhận được từ Đấng Sáng Lập và chia sẻ với hiệp hội mà mỗi người thuộc về. Vậy điều này giả định rằng các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn, khi họ được đào tạo thỏa đáng về thiêng liêng, sẽ nỗ lực trên hết để hướng năng lực của họ vào việc phục vụ bác ái, để phát triển một tình yêu hiệu quả và thiết thực đối với người nghèo.

Việc đào tạo tri thức nhằm đạt được sự hiểu biết đầy đủ chắc chắn về sứ điệp Kitô giáo để bảo đảm đức tin của mình và loan báo Tin Mừng. Dù rằng ở một mức độ nào đó, thành viên Vinh Sơn biết rõ nội dung của Kinh Tin Kính, nhưng họ cũng phải nắm chắc học thuyết xã hội của Giáo Hội để đánh giá nguyên nhân của sự nghèo đói, và bất cứ điều gì đề cập đến hội nhập văn hóa trong đức tin.

Việc đào tạo tông đồ cho các ngành khác nhau của Gia Đình Vinh Sơn cố gắng hướng các năng lực cá nhân và nhóm vào việc Phúc Âm hóa người nghèo, đặc biệt qua việc phục vụ và loan báo Tin Mừng. Để đạt được một nền đào tạo tông đồ thích hợp, cần phải suy tư và nghiên cứu, đối diện với các vấn đề mục vụ thực tế của môi trường xã hội nghèo đói. Cũng vậy, tất cả những người Vinh Sơn tuân theo những quy tắc này, phải phát triển lương tâm truyền giáo cá nhân cũng như cộng đoàn.

Đào tạo Vinh Sơn phải được xem là nền tảng và hoàn toàn cần thiết. Mục đích của việc đào tạo này là làm cho tất cả các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn, theo đặc sủng riêng của họ, trở thành người bước theo Đức Giêsu Kitô, Đấng loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Việc đào tạo Vinh Sơn không chỉ giới hạn trong một thời điểm cụ thể trong cuộc đời của một người, mà phải được trau dồi suốt đời. Nó liên quan đến suy tư, nghiên cứu, một cách thực tiễn cụ thể và thiết thực của hoạt động bác ái. Việc đào tạo Vinh Sơn phải thấm nhuần và thâm nhập vào toàn bộ quá trình đào tạo cá nhân và nhóm để toàn thể Gia Đình Vinh Sơn có thể sống mãnh liệt kinh nghiệm của thánh Vinh Sơn. Việc đào tạo phải có ý nghĩa và hợp nhất tất cả các khía cạnh của nó. Không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn là kinh nghiệm và tình yêu thiết thực với người nghèo cũng góp phần để đạt được điều này.

Ngoài ra, tất cả các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn có trách nhiệm đặc biệt chú ý khám phá và phân tích lịch sử quá khứ và hiện tại của hội đoàn mà họ thuộc về.

Lời mở đầu của Tổng Đại Hội năm 1998

Việc quan tâm đến Gia Đình Vinh Sơn đã tăng lên rất nhiều trong giai đoạn giữa các Tổng Đại Hội của Tu Hội Truyền Giáo năm 1992 và 1998, nhưng đặc biệt là trong Tổng Đại Hội cuối cùng này. Bề trên Tổng quyền và hội đồng của ngài đã thúc đẩy sự năng động mới này trên bình diện phổ quát. Tất nhiên, đối với một số lượng lớn các nhà truyền giáo, điều này không có gì mới. Ngược lại, nhiều người khác với sự giúp đỡ của những hoàn cảnh mới hơn, đã khám phá ra một thế giới mà họ chưa biết đến: đó là Gia Đình Vinh Sơn. Cả hai đều nhận ra rằng khái niệm và thực tế của Gia Đình Vinh Sơn đã đạt đến một mức độ mà trước đây họ chưa từng biết đến.

Việc thực hành và suy tư sau đó về Gia Đình Vinh Sơn trong những năm gần đây đã tiến triển theo những hướng bổ sung. Một số nghiên cứu đã đề cập đến các tiêu chí như tư cách thành viên, mô tả về mỗi nhóm, các dấu hiệu của sự đổi mới hậu Công Đồng, căn tính của từng ngành, đặc biệt sự thúc đẩy đối với đời sống và việc tông đồ của Gia Đình Vinh Sơn. Trong thập niên này, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, các khái niệm về sự hiểu biết và hiệp thông lẫn nhau, về sự hiệp nhất trong sự đa dạng của đặc sủng, về sự cộng tác và về sứ vụ thích hợp của mình, đã lan truyền trong Gia Đình Vinh Sơn. Lĩnh vực đã thu hút nhiều sự quan tâm là việc đào tạo. Và đó là chủ đề của bài viết này.

Trách nhiệm của Tu Hội Truyền Giáo

Ba hội đoàn quan trọng nhất do thánh Vinh Sơn thành lập cho các mục đích tông đồ là Hội Bác Ái, Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Dựa trên nền tảng của nó và cũng theo thực tiễn lịch sử, chúng ta có thể khẳng định một cách đúng đắn rằng Tu Hội Truyền Giáo luôn đảm nhận trách nhiệm góp phần vào linh hoạt tinh thần Vinh Sơn và vào việc đào tạo của hai hội đoàn còn lại. Theo năm tháng, chính vai trò ấy hoặc tương tự sẽ được thực hiện trong mối tương quan với các nhóm giáo dân Vinh Sơn khác xuất hiện theo thời gian. Mức độ thân thiết và sự tham gia của mỗi nhóm trong số này, trên thực tế là không ngang nhau, không chỉ do các cơ sở pháp lý mà các mối quan hệ này được thiết lập, mà còn do mức độ đồng cảm lớn hơn hoặc ít hơn giữa Tu Hội Truyền Giáo và các nhóm Vinh Sơn khác.

Ngày nay, trong Hiến pháp, Quy chế và các tài liệu bắt nguồn từ các Tổng Đại Hội, Tu Hội Truyền Giáo công khai khẳng định trách nhiệm của mình đối với việc cung cấp một nền đào tạo Vinh Sơn thỏa đáng cho các hiệp hội do thánh Vinh Sơn sáng lập hoặc các hiệp hội thể hiện tinh thần của ngài.[1]

Cộng tác trong đào tạo

Theo từ điển, cộng tác có nghĩa là: làm việc với những người khác trong một nhiệm vụ chung, giúp đạt được một mục tiêu xác định. Do đó, sự cộng tác được coi là tiến hành một dự án, được đảm nhận bởi một số người với ý định thực hiện nó. Có hai yếu tố: số lượng người hoặc tổ chức, và kết quả hoặc mục tiêu cần đạt được, mà trong trường hợp của chúng ta chỉ đơn giản là đạt được một sự đào tạo cơ bản tốt vì lợi ích của các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn.

Chúng tôi không có ý định đi vào chi tiết quá mức liên quan đến việc đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi muốn đề cập đến một vài khái niệm, vì chúng tôi đang giải quyết một vấn đề phức tạp, cần thiết và cấp bách.

Việc đào tạo có các yếu tố chung và riêng. Đó là một tiến trình trong đó một người hoặc một nhóm người dần dần trở nên giống với Đức Kitô, đồng thời nhận ra sự phù hợp với đặc sủng của hội đoàn mà mỗi người thuộc về. Một số giá trị Kitô giáo mang tính cá nhân và cộng đoàn đều được tìm kiếm, đồng thời tôn trọng sự đa dạng của xã hội và văn hóa của mỗi địa phương.

Mặt khác, việc đào tạo tìm kiếm sự phát triển toàn diện của con người. Tuy nhiên, điều này không chỉ giới hạn ở các khía cạnh cá nhân, mà là phát triển năng lực sống và hoạt động như một bộ phận của cơ thể. Đồng thời, việc đào tạo cố gắng cung cấp cho mỗi người một kế hoạch cụ thể, chắc chắn, mở ra cho một xã hội đang biến đổi sâu sắc, luôn phù hợp với ơn gọi của một người. Việc đào tạo được thăng tiến qua thông tin, qua kiến ​​thức về Đấng Sáng Lập và lịch sử của hiệp hội, qua những kinh nghiệm tông đồ tương ứng. Việc phát triển cảm thức lịch sử và kinh nghiệm về sứ vụ cụ thể của việc đào tạo ngày nay là một phần đáng kể trong quá trình đào tạo trong các học viện Vinh Sơn.

Văn kiện báo cáo của Tổng Đại Hội         

Tổng Đại Hội được tổ chức ở Rôma từ ngày 6 đến ngày 31 tháng 7 năm 1998. Từ 9 đến 14 đại diện khác nhau của Gia Đình Vinh Sơn tham gia vào các phiên họp. Đây là cách làm mới mẻ và rất có giá trị. Văn kiện kết thúc mang tựa đề: “Cùng với Gia Đình Vinh Sơn, chúng ta đối mặt với những thách đố của sứ vụ trước ngưỡng cửa của Thiên niên kỷ mới.” Văn kiện đã được phê duyệt với nhiều đóng góp đề cập đến Gia Đình Vinh Sơn, tất cả đều dựa trên các nghiên cứu được thực hiện trong suốt thập kỷ qua. Văn kiện bao gồm một số phần: giới thiệu, thách đố, xác tín, cam kết và kết luận. Văn kiện nhắm trực tiếp đến Tu Hội Truyền Giáo, nhưng cũng bằng cách hướng dẫn và với giọng văn mời gọi rõ ràng, nhắm đến các thành phần khác nhau của Gia Đình Vinh Sơn.

Sau hai hoặc ba tháng tương đối lắng xuống sau Tổng Đại Hội, Tu Hội Truyền Giáo hiện đang gấp rút phổ biến và áp dụng Văn kiện ở nhiều nơi và nhiều nền văn hóa khác nhau trong Gia Đình Vinh Sơn. Để thực hiện văn kiện của Tổng Đại Hội cần có thời gian, phương pháp đầy đủ, nhưng trên hết là tầm nhìn quản trị và tinh thần trách nhiệm cao.

Làm cho các quyết định trở nên hữu hiệu

Những thách đố được chỉ ra trong Văn kiện kết thúc tổng hợp một số dấu chỉ thời đại mà Tu Hội Truyền Giáo phải ghi nhớ khi thực hiện các hoạt động truyền giáo của mình: người nghèo, những chân trời văn hóa mới, và việc Tân Phúc Âm hoá. Các xác tín cố gắng cá nhân hóa một số động lực mang tính Tin Mừng và Vinh Sơn để nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của Tu Hội Truyền Giáo: Chúa sai các tông đồ, sức sống của đặc sủng Vinh Sơn, trung thành theo Chúa Giêsu Kitô, và đức ái mục vụ.

Có 5 cam kết được Tổng Đại Hội thông qua, đặt Tu Hội vào những thái độ được định sẵn trước khi đối mặt với tương lai: cộng tác với Gia Đình Vinh Sơn, đáp ứng trước những khó khăn của thời đại chúng ta, cộng tác trong việc đào tạo, truyền giáo quốc tế và việc sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền giáo. Thông qua các quyết định được chấp nhận và nêu trong Văn kiện kết thúc, Tổng Đại Hội đã dự kiến một phương án truyền giáo mới cho Tu Hội, mà giờ đây Tổng Đại Hội dự định sẽ thực hiện cùng với các thành phần khác của Gia Đình Vinh Sơn. Vì lý do này, không quá lời khi gọi thời điểm hiện tại là thời điểm hy vọng. Giờ đây, trách nhiệm thực hiện 5 cam kết này thuộc về tất cả các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo; các linh mục, tu huynh, chủng sinh.

Cam kết thứ ba: Cộng tác trong đào tạo

Phần này đề cập đến việc đào tạo sơ khởi và trường kỳ của các thừa sai của Tu Hội Truyền Giáo và giáo dân Vinh Sơn. Để khắc phục sự bất tiện có thể xảy ra khi xảy ra sự đồng nhất quá mức của các ngành Vinh Sơn khác nhau, văn kiện mời gọi chúng ta tôn trọng kinh nghiệm lịch sử và truyền thống của mỗi ngành Vinh Sơn. Văn kiện cũng ám chỉ đến sự hợp tác lẫn nhau trong việc đào tạo mà không quên sự tự trị của mỗi ngành.

Như đã thấy rõ, Tổng Đại Hội lặp lại nhiều lần yêu cầu Tu Hội Truyền Giáo cộng tác trong việc đào tạo, nhưng luôn bày tỏ thái độ tôn trọng tối đa những đặc điểm riêng biệt của mỗi ngành Vinh Sơn.

Đồng thời phần này của văn kiện khẳng định, bằng một giọng khiêm tốn, rằng đây không phải là gợi ý bất kỳ thay đổi tuyệt vời và mới lạ nào. Mục đích của văn kiện là tận dụng các hoàn cảnh hiện có và cung cấp cho các thành phần khác nhau của Gia Đình Vinh Sơn một cảm thức mạnh mẽ của việc thuộc về, như đã được nhấn mạnh trong thập kỷ trước. Sau phần giới thiệu ngắn, cam kết thứ ba này gồm có 3 phần: việc đào tạo chính chúng ta, các nhà đào tạo và Gia Đình Vinh Sơn.

Đào tạo sơ khởi và trường kỳ của chúng ta

Phần này tác động trực tiếp đến tất cả các thừa sai của Tu Hội Truyền Giáo, dù họ ở giai đoạn đào tạo sơ khởi hay trường kỳ. Nói chung, Tổng Đại Hội mở rộng phạm vi đào tạo hiện có của chúng ta một cách mạnh mẽ, để từ nay trở đi các chương trình của chúng ta sẽ bao gồm tất cả những gì liên quan đến Gia Đình Vinh Sơn, và đặc biệt mối quan hệ của Tu Hội Truyền Giáo với những hiệp hội có chung đặc sủng với chúng ta, để xây dựng một nền tảng vững chắc của các mối quan hệ lẫn nhau. Phần của chúng ta trong mục đích này, không gì có thể tốt hơn là cố gắng hiểu rõ hơn về các ngành khác, để giúp họ phát triển theo ý thức thuộc về và dĩ nhiên là mở ra cho họ cơ hội phục vụ và truyền giáo cho người nghèo.

Văn kiện của Tổng Đại Hội còn tiến xa hơn. Những người thừa sai hiến mình cho việc đào tạo người khác nên đồng thời hiểu biết về chủ thể của họ. Các ngành Vinh Sơn có nhiều điều để dạy cho các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo. Họ thường giúp chúng ta khám phá ra sự tươi mới và tính thức thời của đặc sủng Vinh Sơn. Họ thường có thể cho chúng ta thấy những hình thức và cách cư xử mới để hiện thực hóa đặc sủng của chúng ta trong nhiều môi trường văn hóa và xã hội khác nhau trên thế giới. Thật ích lợi để nhắc lại rất nhiều mẫu gương cho điều này. Số lượng Nữ Tử Bác Ái và giáo dân Vinh Sơn ngày ngày đang giảng dạy trong các nội chủng viện và đại chủng viện của Tu Hội Truyền Giáo ngày càng tăng. Đồng thời, tên của họ được nêu lên trên các chương trình họp, hội thảo, đại hội và các khóa đào tạo cho toàn thể Gia Đình Vinh Sơn, bao gồm cả các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo. Và không phải hiếm, khi chúng ta thấy Nữ Tử Bác Ái giảng tĩnh tâm cho các thừa sai của Tu Hội Truyền Giáo.

Sau đó, Tổng Đại Hội nêu lên một số nguyên tắc mà các Tỉnh dòng phải xem xét trong kế hoạch đào tạo của họ: nguyên nhân nghèo đói, nghiên cứu ngôn ngữ, học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, tham gia khóa CIF và các hoạt động tương tự. Bằng cách này, việc sử dụng các phương tiện ấy sẽ mang lại lợi ích cho việc đào tạo và cuối cùng là cho chính sứ vụ.

Tại sao điều này lại được Tổng Đại Hội nhấn mạnh như là một phần của việc đào tạo sơ khởi và trường kỳ của các thành viên của chúng ta? Câu trả lời không nên xúc phạm bất kỳ ai. Trước hết, chúng ta cần có nhiều nhà đào tạo hơn. Việc thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực đào tạo như đã được biết đến ở một vài Tỉnh dòng của Tu hội. Điều này một phần là do sự từ bỏ dần dần của các chủng viện nơi các thừa sai của chúng ta từng giảng dạy. Một nguyên nhân khác là việc đóng cửa các Đại Chủng Viện tại nhiều tỉnh dòng, các chủng viện nơi các ứng viên của chúng ta được đào tạo triết học – thần học. Trên thực tế, phần lớn các sinh viên của Tu Hội Truyền Giáo đến học tại các trung tâm không do Tu hội điều hành. Thực tế này có thể được coi là bình thường và thậm chí là thuận lợi. Nhưng điều không thể chấp nhận được là chỉ có một số lượng ít các thành viên Vinh Sơn giảng dạy ở các trung tâm này. Theo cách tương tự, chúng ta có thể quy sự thiếu chuyên môn cho ít nhất một nhóm các thừa sai có khả năng ở mỗi tỉnh vào yếu tố thứ ba: lựa chọn cho một số công việc mục vụ cụ thể, ví dụ công việc giáo xứ, mà sự hiểu biết về việc đào tạo là rất ít.

Tổng Đại Hội nhận thấy rằng việc thiếu các nhà đào tạo ảnh hưởng đến Tu Hội Truyền Giáo, nên đã mời các tỉnh dòng áp dụng những biện pháp cần thiết để tìm ra một giải pháp thỏa đáng. Vì vậy, để nâng cao trình độ đào tạo sơ khởi và trường kỳ, trên hết cần phải có sự hợp tác của các tỉnh dòng. Đó là bổn phận của các Hội Đồng Tỉnh, và đặc biệt các Giám tỉnh và Ban Cố Vấn, để xem xét tình hình và đi đến các quyết định thống nhất với các quyết định mà Tổng Đại Hội đưa ra.

Kế đó, sự kêu gọi của Tổng Đại Hội là do sự thiếu hụt nhà đào tạo Vinh Sơn, đã nhiều lần được chứng minh, và nhất là về kiến thức đầy đủ và cảm thức thuộc về Gia Đình Vinh Sơn. Trên thực tế, một số các thừa sai của Tu Hội Truyền Giáo vẫn xa lạ với những sự kiện cụ thể gần đây của Gia Đình Vinh Sơn, và do đó có rất ít hoặc không có kinh nghiệm về sự gần gũi thân mật và hiệu quả của các ngành khác nhau Gia Đình Vinh Sơn. Do đó, chúng ta có thể thấy lợi ích của sự khuyến khích mà Tổng Đại Hội đưa ra đối với việc đào tạo các thừa sai nhằm tăng cường mối quan hệ và sự cộng tác với những người còn lại của Gia Đình Vinh Sơn. Bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể tìm thấy chính mình trong Tu Hội Truyền Giáo, khi có cơ hội chúng ta phải theo tiếng nói của Tổng Đại Hội, khuyến khích mọi điều đề cập đến Gia Đình Vinh Sơn, để tất cả chúng ta cùng nhau thực hiện với sự đảm bảo thành công hơn trong việc truyền giáo ở thiên niên kỷ thứ ba.

Đào tạo những nhà đào tạo của chúng ta

Tổng Đại Hội đã nói đến vấn đề này một cách kiên quyết và rõ ràng. Không hão huyền khi tuyên bố rằng không sớm thì muộn Tu Hội Truyền Giáo phụ thuộc vào một mức độ nhất định việc đào tạo các thừa sai trẻ, và điều này có thể xảy ra với những người sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong tương lai gần. Các tỉnh dòng được mời gọi thực hiện tất cả các phương tiện cần thiết, bao gồm cả kinh tế, để đưa ra sự chuẩn bị tốt nhất có thể cho các nhà đào tạo hiện tại và tương lai. Hơn nữa, Tổng Đại Hội còn kêu gọi sự hợp tác liên tỉnh dòng để đảm bảo việc đào tạo các nhà đào tạo. Tổng Đại Hội đưa ra ba con đường cần tuân theo: tính lưu động và thay thế lẫn nhau của các nhà đào tạo, cung cấp trợ giúp kinh tế cho các tỉnh khó khăn, các tỉnh chấp nhận các thành viên từ các khu vực địa lý khác. Bề Trên Tổng quyền yêu cầu sau khi xem xét những ưu và khuyết điểm, và nếu nó được đánh giá là cơ hội, thì cần có những biện pháp đặc biệt để bảo đảm việc đào tạo những nhà đào tạo. Tổng Đại Hội gợi ý hai cách khả thi: thành lập một hoặc nhiều trung tâm đào tạo quốc tế, và một nhóm chuyên gia lưu động sẽ đến thăm các tỉnh hoặc khu vực địa lý nơi các thừa sai của Tu Hội Truyền Giáo làm việc. Không có cánh cửa nào đóng lại. Thời gian và hoàn cảnh cụ thể sẽ cho biết những gì nên làm tại mỗi thời điểm. Khi kêu gọi sự cộng tác này, Bề Trên Tổng quyền và Hội đồng của ngài ghi nhớ những gì Tổng Đại Hội đã thông qua, đã khởi xướng một tiến trình phân định với mục đích đi đến các quyết định thích hợp trong vấn đề này.

Tổng Đại Hội không đi vào quá nhiều chi tiết, phân biệt giữa việc đào tạo các giáo sư và các nhà đào tạo. Không loại trừ cái trước, nó liên hệ đặc biệt đến cái sau. Vì lý do này, nó ám chỉ đến một số nghĩa vụ đặc biệt của nhà đào tạo Vinh Sơn. Đó là đồng hành và hỗ trợ ứng sinh trong sự trưởng thành toàn diện của ứng sinh: ơn gọi của mỗi ướng sinh, sự lựa chọn cho chức linh mục hoặc tu huynh, linh đạo Vinh Sơn, và đời linh mục truyền giáo.

Chúng tôi tự hỏi: Liệu lời kêu gọi kiên quyết của Tổng Đại Hội để chuẩn bị các nhà đào tạo có đáp ứng nhu cầu thực sự cần thiết không? Điều đó có thích hợp trong thời điểm hiện tại? Có phải chúng ta đã lơ là trong suốt những thập kỷ gần đây đối với hoạt động mang tính quyết định này, đó là việc đào tạo các nhà đào tạo?

Cho phép chúng tôi trả lời, không dựa trên những lý thuyết đã biết ít hay nhiều, mà dựa trên kinh nghiệm của người viết khi giữ chức vụ Tổng Phụ Tá, và bởi những người đã khẳng định thực tế bất biến và rõ ràng của phần lớn hơn của Tu Hội Truyền Giáo.

Tu Hội Truyền Giáo đưa ra bằng chứng bằng chính cuộc đời của mình về một sự kiện mới. Khi thiên niên kỷ thứ II kết thúc và thiên niên kỷ thứ III sắp bắt đầu, Tu Hội Truyền Giáo đang di chuyển từ Bắc bán cầu sang Nam bán cầu. Như các chuyên gia dự đoán, trong 25 năm tới Tu Hội Truyền Giáo sẽ có một sự phát triển đáng chú ý ở các quốc gia Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á, trái ngược với những gì sẽ diễn ra ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Trong phần lớn các tỉnh dòng của Tu Hội, không loại trừ Châu Âu và Hoa Kỳ, việc thiếu hụt các nhà đào tạo là rất rõ ràng. Theo mọi quan điểm rõ ràng hơn nhiều ở hầu hết (nhưng không phải tất cả) các tỉnh của Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh có sự khan hiếm trong mọi mặt các nhà đào tạo được chuẩn bị tốt và đủ tận tụy. Chính xác là ở những nơi mà số lượng ứng sinh đến gõ cửa các ngôi nhà của chúng ta ngày càng tăng.

Giám tỉnh của mỗi tỉnh dòng đang gặp phải những vấn đề và khó khăn trong việc thiếu nhà đào tạo, và không tìm ra phương pháp lý tưởng để giải quyết một thách thức lớn như vậy. Không sớm thì muộn, giải pháp sẽ được tìm thấy ngay tại những nơi mà vấn đề tồn tại. Nhưng trước mắt chúng ta tạm thời chấp nhận giải pháp trong sự hợp tác liên tỉnh dòng cho đến một thời điểm nhất định. Sự giúp đỡ của các tỉnh dòng có nhân sự và đôi khi cả phương diện tài chính cho các tỉnh gặp khó khăn là hoàn toàn cần thiết vào lúc này khi chúng ta thiết lập và củng cố sự hiện diện của Tu Hội Truyền Giáo tại các châu lục nói trên. Đây là một trong những mục tiêu mà Tu Hội Truyền Giáo phải đối mặt với quyết định chắc chắn khi chúng ta bắt đầu thiên niên kỷ thứ III.

Chúng ta không nên ngạc nhiên khi Tổng Đại Hội phải đối mặt với quá nhiều thực tế và nhu cầu cấp thiết, nên đã thúc giục Tu Hội Truyền Giáo thực hiện ngay hành động thích hợp này. Những tỉnh dòng không có người đào tạo nên quan tâm đến nhiệm vụ đào tạo này trước, và do đó sắp xếp các kế hoạch của tỉnh và phân bổ nhân sự. Việc chuẩn bị các nhà đào tạo đòi hỏi phương diện kinh tế và thời gian. Kẻ thù số một của việc này là khả năng ứng biến, đặc biệt là ở những tỉnh mà số lượng ơn gọi đã giảm đáng kể và về mặt lý thuyết họ nên chuẩn bị sẵn các nhà đào tạo. Thực tế lại khác. Khi giảm sút các nhà đào tạo, trong nhiều trường hợp các Giám tỉnh không có người được chuẩn bị và động lực để đảm nhận nhiệm vụ tế nhị này.

Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng mà chúng ta đang đối mặt. Trong ba thập kỷ đầu tiên sau Công Đồng Vatican II, ưu tiên của các thừa sai là dành cho các công việc mục vụ trực tiếp. Sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với việc suy tư về linh đạo Vinh Sơn và đặc biệt là mục tiêu của Tu Hội Truyền Giáo đã khiến không ít người nghĩ rằng mục vụ, với việc chăm sóc các linh hồn, thực sự thích hợp hơn với tư tưởng của Đấng Sáng Lập hơn là việc đào tạo các nhà đào tạo của chúng ta. Một yếu tố khác, có bản chất khác phải được thêm vào: mục vụ giáo xứ, trong những năm cuối cùng của thế kỷ này, đã thu hút một số lượng lớn các thành viên hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử của chúng ta. Chắc chắn, qua các giáo xứ, một công cuộc truyền giáo vĩ đại đã được thực hiện, thường xuyên ở những vùng thực sự nghèo. Tuy nhiên, mặc dù ở địa vị này rất thích hợp để truyền giáo nhưng đã mang lại một số kết quả bất tiện. Ngày càng có nhiều thừa sai cảm thấy miễn cưỡng chấp nhận các thừa tác vụ khác, chẳng hạn như việc đào tạo các ứng sinh của chúng ta và của các giáo phận. Đây là yếu tố đáng chú ý nhất. Một thừa sai làm việc trong giáo xứ thường xuyên (nhưng không luôn luôn) nhận thấy kết quả nhanh chóng và tích cực của những nỗ lực mục vụ của mình. Kinh nghiệm dạy rằng điều tương tự không xảy ra trong trường hợp của những người tận tâm trong đào tạo, những người phải đợi hàng năm trời để đo lường thành quả của những nỗ lực của họ. Đây chắc chắn là một yếu tố, được đánh dấu cho những điều đã được đề cập, đã góp phần gây ra sự xa cách và bất mãn nhất định giữa nhiều thừa sai đối với công việc đào tạo.

Xem xét những gì chúng tôi đã viết, và thực tế là chúng ta thấy mình sắp bắt đầu thiên niên kỷ tiếp theo, theo lời của Tổng Đại Hội chúng ta cảm thấy thôi thúc để chuẩn bị các nhà đào tạo. Chúng ta phải tận dụng thời điểm này để thực hiện các bước cần thiết đưa đến một giải pháp thỏa đáng trong lĩnh vực đào tạo của chúng ta.

Đào tạo trong Gia Đình Vinh Sơn

Trong một thay đổi mang tính chiến lược, Tổng Đại Hội hình dung các ngành khác nhau, các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn gõ cửa Tu Hội Truyền Giáo để tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc đào tạo họ. Điều này xảy ra thường xuyên trong thực tế. Tổng Đại Hội nghiêm túc đề nghị các tỉnh thực hiện các bước cần thiết để đáp ứng nhu cầu này. Sức sống của các nhóm khác nhau ở mức độ lớn hay nhỏ là chân thực và nhu cầu của họ nảy sinh và thể hiện rõ trong môi trường xung quanh họ. Giải pháp cho những nhu cầu gần hoặc tùy hoàn cảnh này thường nằm trong tay của những người hiểu biết. Theo Tổng Đại Hội có vẻ như không đủ nếu nhìn vào các thực thể ở khoảng cách xa về mặt địa lý và văn hóa, khi giải pháp thực sự gần trong tầm tay.

Giảm dần các chi tiết, Tổng Đại Hội đề cập đến việc đào tạo các nhóm Vinh Sơn khác nhau dưới hai tiêu đề: sơ khởi và trường kỳ. Đại Hội nhắc nhở các thừa sai về khả năng cố vấn giúp đỡ các nhóm hiện có đang chùn bước vì thiếu sức sống. Họ cũng mời các thừa sai đồng hành với các nhóm địa phương đang hoạt động tốt, vì việc đào tạo trường kỳ phải được coi là cơ hội cho mọi người và mọi lúc.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là lời kêu gọi của Tổng Đại Hội thành lập các Nhóm đào tạo gồm các thừa sai của Tu Hội Truyền Giáo và các thành viên của các nhóm khác trong Gia Đình Vinh Sơn, các Nữ Tử Bác Ái và giáo dân. Bằng cách này, Tổng Đại Hội vượt ra ngoài thời đại khi việc đào tạo Gia Đình Vinh Sơn bao gồm hai nhóm: thường là Tu Hội Truyền Giáo và nhóm được đào tạo, gồm các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn. Tổng Đại Hội rất khôn khéo bác bỏ tầm nhìn trước đây của vấn đề và lựa chọn thành lập các nhóm đào tạo chung. Chắc chắn vào thời điểm hiện tại, và thậm chí trong vài năm tới, nhiệm vụ đào tạo thiêng liêng và linh đạo Vinh Sơn của các giáo dân Vinh Sơn sẽ tiếp tục được thực hiện bởi phần lớn là Tu Hội Truyền Giáo và các Nữ Tử Bác Ái.

Từ những gì đã nói, chúng ta đi đến kết luận: vị giảng tĩnh tâm, các thừa sai, các Nữ Tử Bác Ái, và bất cứ ai trong tương lai sẽ tham gia nhóm này phải hiểu biết linh đạo Vinh Sơn và đồng thời những đặc tính của các hiệp hội mà họ sẽ cộng tác với vai trò đào tạo. Họ sẽ bảo đảm rằng đặc tính và các sinh hoạt của những hiệp hội này vượt lên trên mọi nghi ngờ về nền tảng Vinh Sơn, tránh mọi sự trộn lẫn với các tinh thần khác.

Văn kiện kết thúc tiến xa hơn một bước. Nó mời gọi các tỉnh của Tu Hội Truyền Giáo mở cửa cho các hội đoàn hiện có để nhận được việc đào tạo trường kỳ. Nếu được chấp nhận thì không nghi ngờ gì kho báu này sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Đôi khi các hội đoàn được thiết lập cảm thấy chán nản vì không được sử dụng thích đáng. Ảnh hưởng của các nhóm mới có thể góp phần hồi sinh những nhóm này. Ngay cả một nhóm muốn thực hiện đầy đủ các mục tiêu của mình cũng có thể được hỗ trợ bởi việc mở rộng địa bàn hoạt động nếu theo cách này, nhóm đó đến được các ngành khác nhau của Gia Đình Vinh Sơn. Văn kiện kết thúc mời gọi chúng ta xem xét những điều này và những lựa chọn khác đề cập đến sự hợp tác lẫn nhau.

Kết luận

Tổng Đại Hội đã trao cho các thừa sai Tu Hội Truyền Giáo một văn kiện trong đó có thể tìm thấy cam kết cộng tác trong việc đào tạo, cùng những vấn đề khác. Nhưng vẫn còn tuỳ vào việc đón nhận và thực hiện các cam kết này của các thừa sai. Không nghi ngờ gì nữa, đây là thời gian đầy ân sủng cho Gia Đình Vinh Sơn. Tu Hội Truyền Giáo đã mở rộng tầm nhìn mục vụ của mình. Nó rõ ràng đã đảm nhận một trách nhiệm cụ thể: cộng tác với phần còn lại của Gia Đình Vinh Sơn trong việc đào tạo. Sự hợp tác này tác động đến Tu Hội Truyền Giáo, nhưng đồng thời nó cũng mở ra cho các thành phần khác của Gia Đình Vinh Sơn. Về phần mình, người thừa sai không những sẵn sàng để cho đi mà còn sẵn sàng để nhận lại. Anh ta nhận ra rằng anh ta là một tác nhân của việc đào tạo, nhưng cũng là một người được đào tạo. Anh đối mặt với sự khởi đầu của một thiên niên kỷ, cộng tác chặt chẽ với các Nữ Tử Bác ái và giáo dân. Các thành viên của Gia Đình Vinh Sơn được đào tạo tốt đảm bảo việc truyền giáo cho người nghèo trong tương lai rất gần.

Thánh Vinh Sơn đánh giá cao thừa tác vụ đào tạo. Trong buổi nói chuyện với các thừa sai, ngài mời họ chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô, Đấng rao giảng Tin mừng cho người nghèo, nhưng cũng đã đào tạo các môn đệ và một nhóm phụ nữ. Thánh Vinh Sơn nói với các thừa sai: “Thật là một hồng ân cao cả của Thiên Chúa khi thấy mình ở trong tình trạng giống như Con của Cha Hằng Hữu, là chúng ta hướng dẫn một số phụ nữ phụng sự Chúa và tha nhân theo cách tốt nhất của họ.”[2]


[1] HP 17; QC 7, 1; Tài liệu kết thúc, Tổng Đại Hội 1992 & 1998

[2] SV. XI, 193