Aarón Gutiérrez Nava, CM
Tổng Phụ Tá
Fx. Đức chuyển ngữ
Chương trình sống chủ yếu của các thành viên Vinh Sơn thuộc Tu Hội Truyền Giáo chúng ta từ Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường cho đến Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ III 17/11/2019, là một sự đào tạo nghiêm túc và liên tục. Vì thế, chúng tôi mong muốn chia sẻ với anh em chủ đề trong Khoá CIF tại Paris: Đào Tạo Thừa Sai Vinh Sơn Quốc Tế. Chúng tôi muốn tiếp tục duy trì tinh thần truyền giáo trong mọi bình diện của Tu Hội Nhỏ và trao cho các thành viên – những ai không thể di chuyển – một cơ hội nâng cấp và đào tạo chính mình từ xa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã định xác định mục tiêu của Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 100 Tông thư Maximum Illud – Về việc truyền bá đức tin trên toàn thế giới – là Tái khám phá chiều kích truyền giáo trong niềm tin của chúng ta và Chúa Giêsu Kitô (Sứ điệp cho ngày thế giới truyền giáo 2019). Tựa đề cho sứ điệp của Đức Thánh Cha là “được rửa tội và sai đi…” tuy nhiên, dù có những khác biệt, các bản văn nổi bật nói về việc dấn thân truyền giáo (x. Mt 28,19; Mc 16,15; Lc 24,47-48) lại nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đào tạo vốn sẽ dẫn đưa những ai lắng nghe các nhà truyền giáo rao giảng, đi đến với đức tin. Đức Giêsu đã chỉ cho các tông đồ thấy tính cấp bách của việc giảng dạy và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… Mọi tiến trình đào tạo Kitô giáo trước hết phải cân nhắc xem những kẻ được đào tạo đó có lựa chọn Đức Giêsu Kitô hay không, và rồi từ đó, có tìm thấy ý nghĩa trong sứ mạng của Thiên Chúa hay không.
Truyền giáo không đơn giản chỉ là một hoạt động trong số vô vàn những hoạt động khác lên quan đến tiến trình Phúc âm hoá. Truyền giáo là ơn ban: truyền giáo gắn liền với Chúa Cha, Đấng muốn cứu loài người; truyền giáo gắn liền với Chúa Con, Đấng được Chúa Cha sai đến để làm cho những ai còn xa cách Thiên Chúa nhận biết triều đại của Người; truyền giáo cũng gắn liền với Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Kitô sai đến nhân danh Chúa Cha để thực hiện công trình cứu độ trong các tâm hồn và làm cho Giáo Hội tăng triển thêm mãi (Ad gentes, 4). Chúa Ba Ngôi chính là nguồn mạch cho Tu Hội Truyền Giáo hấp thụ và nuôi dưỡng căn tính truyền giáo của mình (Hp 77-78). Người cũng là quy luật cho việc đào tạo nhận thức của các nhà truyền giáo. Truyền giáo phải được thăng tiến dưới dấu chỉ của Đức Ái được sống trong sự tròn đầy (Hp 1,1; Gaudete et Exsultate, 21; CCD:XI:142-143). Các nhà truyền giáo sẽ đáp ứng mục đích của Tu Hội khi khoác lấy nơi mình sức năng động nơi sứ mạng của Ba Ngôi.
Truyền giáo cũng gắn liền với Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi để tiếp nối sứ mạng của Người dưới sự thúc đẩy và đồng hành của Chúa Thánh Thần (Hp 10; cf. Evangelii Nuntiandi, 14). Do đó, truyền giáo là trung tâm của đời sống Kitô hữu và đời sống Giáo Hội, giúp nuôi sống của những người được rửa tội bằng dưỡng chất của nó. Bởi lẽ mọi thành viên trong Tu Hội Truyền Giáo đều đã được rửa tội nên họ đều được mời nên thánh và đều được sai đi: Bất cứ vị thánh nào cũng đều có một sứ mạng; ngài chính là một dự án của Thiên Chúa, để vào một thời điểm nhất định, sẽ phản ánh trên thế giới một khía cạnh nào đó của Tin Mừng, cũng như tạo cho khía cạnh đó một hình hài cụ thể (Gaudete et Exsultate, 19). Đoạn văn này tóm kết mục đích của việc đào tạo nhà truyền giáo, tức là, các nhà truyền giáo phải học để trở thành một sự phản chiếu khuôn mặt nhân từ của Chúa Cha. Mỗi một nhà truyền giáo, Giáo Hội và Tu Hội đều phải mặc lấy Đức Giêsu Kitô – nhà truyền giáo của Chúa Cha, khuôn mẫu và quy luật sống cho mọi việc phục vụ nhân danh tiến trình loan báo Tin Mừng. Đây cũng chính là sự am hiểu mà thánh Vinh Sơn đã truyền lại cho các thành viên thuộc Tu Hội Truyền Giáo (Hp, 5). Ngay từ thời sơ khai, những người được rửa tội phải đạt được một sự hiểu biết rằng mọi khía cạnh hoạt động của họ đều liên hệ đến việc truyền giáo. Việc đào tạo trường kỳ không ngừng tái xác nhận nhận thức đó. Truyền giáo là mô hình hiện thời của Giáo Hội hoàn vũ và như thế, chúng ta được nhắc nhớ về thánh Vinh Sơn – nhà đào tạo các nhà truyền giáo. Việc đào tạo các nhà truyền giáo là một điều gì còn hơn cả việc đưa là các bài thuyết trình thất thường về truyền giáo học. Việc đào tạo như thế không chỉ xảy ra vào một giai đoạn nhưng là một nhiệm vụ kéo dài suốt cuộc đời (Hp 81)… – một nhiệm vụ khiến ta phải suy ngẫm về các đề nghị của Công đồng Vatican II: Như những thừa tác viên tốt lành của Chúa Kitô, những ai được sai đến với các dân tộc phải được nuôi dưỡng bằng “lời lẽ đức tin và giáo lý cao đẹp” (1 Tm 4,6) mà họ kín múc trước hết từ Thánh Kinh, trong khi đào sâu Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Đấng họ phải rao giảng và làm chứng. Bởi vậy, phải chuẩn bị và đào tạo các nhà truyền giáo – linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân – tuỳ theo điều kiện riêng của mỗi người để có đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của công việc họ sẽ thực hiện (Ad Gentes, 26).
Đào tạo truyền giáo Vinh Sơn bao gồm toàn bộ đời sống cá nhân và việc tận lực mặc lấy tinh thần Đức Kitô (Hp 1,1). Do vậy, những giải pháp có sẵn thì không thích hợp. Nếu có nơi nào đòi hỏi một sự hoán cải liên lỉ thì đó chính là lĩnh vực đào tạo. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng mỗi người có một cách thức riêng để khám phám ra dấu chỉ mà Thiên Chúa mời gọi họ canh tân theo tinh thần của Đức Kitô. Những khuôn mẫu làm sẵn thì hạn hẹp và cản trở sự sáng tạo. Các nhà truyền giáo được mời gọi trở nên sáng tạo trong việc bước theo sứ mạng của Chúa Cha. Chúng ta phải luôn chất vấn chính mình: chúng ta phải chuẩn bị cho các nhà truyền giáo tương lai như thế nào để họ không ngừng dâng hiến cuộc sống cho Đức Kitô – Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo (Hp, 1)? Đâu là những phương thế chúng ta cung cấp cho các chủng sinh để giúp họ tràn đầy tâm tình và thái độ của Đức Kitô, và hơn thế nữa, chính tinh thần của Người, được biểu lộ đặc biệt rõ nét qua các phương châm Tin Mừng (Hp 4)? Chúng ta phải làm cách nào để bảo đảm cho các thành viên trong tương lai của Tu Hội là các nhà truyền giáo, từ trong căn tính của họ?
Để trở thành những chứng tá tốt lành, Công đồng Vatican II xác định về việc đào tạo các nhà truyền giáo dưới ba khía cạnh nền tảng: a) thần học truyền giáo, b) linh đạo truyền giáo, c) Phương pháp truyền giáo. Do đó, điều quan trọng là các nhà truyền giáo tương lai trong Tu Hội phải biết đến giáo huấn của Giáo Hội về hoạt động truyền giáo, biết sự khác biệt giữa truyền giáo và Phúc âm hoá, phải học biết nội dung của giáo huấn và chia sẻ các mục đích của giáo huấn ấy. Họ cũng phải thoáng thấy những nẻo đường mà qua dòng lịch sử, những sứ giả Tin Mừng đã đi và nhờ đó, khám phá trong tinh thần của Đức Giêsu Kitô những thái độ bên trong cũng như bên ngoài của người đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Họ cũng phải biết sắm cho mình một kinh nghiệm tâm linh riêng để nhờ đó nhận ra đâu là ý Thiên Chúa muốn nói với họ ngang qua đời sống của những con người thánh thiện khác (Gaudete et Exsultate, 22). Họ cũng phải học trở nên gắn bó với sứ vụ trong “sự kết hiệp thân mật với Chúa Kitô”. Điều quan trọng là họ phải học biết về bối cảnh truyền giáo trong hiện tại và những phương thế mà ngày nay được xem như là hữu hiệu nhất để chuyển trao Tin Mừng. Họ phải được cung cấp vững chắc về mặt phương pháp để có thể là những tông đồ đầy sáng tạo, được huấn luyện đầy đủ trong lĩnh vực thần học, có khả năng nâng đỡ các nhà truyền giáo mới trong những cộng đoàn mà họ được Thiên Chúa sai đến (Hp 78,2.3.4.5). Các nhà truyền giáo phải biết làm cách nào để khích lệ các người môn đệ mới, cũng như làm cách nào để thức tỉnh những ai còn “mê ngủ” cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ (Hp 79-81). Trong Tu Hội, một lần nữa, chúng ta được nhắc nhở rằng theo gương thánh Vinh Sơn, tinh thần và thừa tác vụ của chúng ta phải nuôi dưỡng lẫn nhau (Hp 8 & 77). Với tất cả những điều trên, chúng ta có thể nói rằng từng thành viên và từng cộng đoàn địa phương phải nghe thấy tiếng gọi cấp bách của việc hoán cải không ngừng và nỗ lực đáp trả tiếng gọi ấy, ngõ hầu sống kinh nhiệm tâm linh của thánh Vinh Sơn như thể đó là kinh nghiệm của riêng mình (Những đường hướng hành động của Tổng Đại Hội 1986, 7&10).
Từ rất sớm, thánh Vinh Sơn đã có kinh nghiệm về việc đào tạo những người trẻ được giao phó cho ngài. Mặc dù ngài đã thực hiện điều này nhằm kiếm kinh phí trang trải cho việc học hành, tuy nhiên, chúng ta phải có khả năng tìm ra ý nghĩa của công việc đào tạo con người. Rõ ràng thánh Vinh Sơn đã hiểu thấu sự cần thiết của việc này bởi lẽ hơn một lần, ngài đã nói rằng tình trạng suy đồi của hàng giáo sĩ là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Giáo Hội (CDD:XI:279). Thánh Vinh Sơn cũng rất ý thức rằng tình trạng dốt nát đã khiến người nghèo bị luận phạt. Phẩm giá của những người con kém may mắn này của Thiên Chúa đã thức tỉnh nơi thánh Vinh Sơn sáng kiến truyền giáo. Vị sáng lập thánh thiện này đã không tằn tiện sức lực trong việc đào tạo trường kỳ các giáo sĩ và các tiến chức để giúp họ rao giảng Tin Mừng một cách hiệu quả. Ngài xem công việc đào tạo này như là điều kiện tất yếu cho những kẻ theo ngài cam kết dấn thân vào tiến trình loan báo Tin Mừng. Thánh Vinh Sơn biết rằng nếu được tinh thần truyền giáo của Đức Giêsu thúc đẩy, việc đào tạo sẽ sinh ra hoa trái hữu hình, đáng tin và đầy ý nghĩa… cũng như những nhà truyền giáo tràn đầy Thần Khí và nhiệt thành với Tin Mừng.
Đối với chúng ta, sự quan tâm sâu sắc của thánh Vinh Sơn về việc đào tạo các tông đồ đích thực đủ để là động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực rèn luyện bản thân cho sứ vụ truyền giáo, và như thế, có thể “trợ giúp đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân”, hầu dẫn họ đến “sự tham gia trọn vẹn hơn vào công cuộc loan báo Tin Mừng”. Nếu như trên đây là những gì chúng ta buộc phải làm cho người khác, vậy thì Thánh Vinh Sơn sẽ mong đợi chúng ta làm gì cho việc đào tạo các thành viên tương lai của Tu Hội chúng ta?
Chữ viết tắt:
- Hp: Hiến Pháp
-
CDD: Bộ sách của Cha Pierre Coste, C.M gồm 14 tập, bản tiếng Anh: Vincent de Paul: Correspondence, Conferences, Documents; (CCD III, 6: chữ CCD chỉ sách, tiếp đến chỉ số tập, và cuối cùng là số trang).