Đời sống nội chủng viện quốc tế tại Philippines
Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoát đã 7 tháng kể từ ngày hai anh em tập sinh chúng tôi được gửi sang Philippines để tham dự khóa nhà tập chung quốc tế với những tỉnh dòng khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương như Indonesia, Australia, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và đặc biệt là chủ nhà Philippines. Cách đây không lâu, có một bài đăng trên trang vinhson.net nói về ngày chúng tôi được vào nhà tập, và kể từ ngày đó không một bài đăng nào khác nữa về chúng tôi. Chắc hẳn một vài người quan tâm sẽ thắc mắc rằng hai hai anh em chúng em hiện giờ đang sống như thế nào và đời sống nhà tập chung như thế có khác với đời sống nhà tập tại Việt Nam hay không?.. Nhiều câu hỏi được đặt ra và chưa được giải đáp. Hôm nay, hai anh em tập sinh chúng tôi xin được phép chia sẻ đôi chút về cuộc sống hằng ngày trong môi trường nhà tập quốc tế với đa văn hóa, đa ngôn ngữ và đa quốc gia. Một cộng đoàn chỉ vỏn vẹn có 9 tập sinh nhưng có tận đến 6 quốc tịch (Việt Nam, Indonesia, Philippines, Fiji, Papua New Genea, Solomon).
Sống trong môi trường đa văn hóa với những chủng sinh đến từ những nơi khác nhau đã mang đến cho chúng em những trải nghiệm quý giá. Chúng tôi được biết thêm các nền văn hóa mới với những khác biệt về đời sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… Từ việc “sống chung”, “tiếp xúc” và “đụng chạm” giữa những con người của những nền văn hóa khác nhau đã giúp chúng tôi có cái nhìn rộng hơn và thăng tiến hơn về nhiều mặt, đặc biệt là trong cách cư xử. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc sống chung giữa nhiều nền văn hóa như thế cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong cách suy nghĩ và làm việc. Tôi xin đưa ra một ví dụ nho nhỏ: người ta thường nói người Việt Nam mình hay có giờ dây thung, ý chỉ rằng chúng ta hay đến trễ hay chậm chạp. Nhưng thiết nghĩ nếu so với người Philippines thì chúng ta còn cách xa họ. Chẳng hạn có lần chúng tôi được thông báo rằng buổi tĩnh tâm bắt đầu lúc 1h chiều. Đúng 1h chiều hai anh em chúng tôi có mặt. Thế nhưng trong hội trường chẳng thấy một chủng sinh người Philippines nào. Khoảng 1 tiếng sau mới có một vài người đến. Và cuối cùng buổi tĩnh tâm bắt đầu lúc 2h30′ chiều. Hoặc một ví dụ khác như: các chủng sinh Indonesia rất thích ăn cay và tất cả mọi món ăn họ đều bỏ ớt, đến nỗi có món chỉ nhìn thấy màu đỏ của ớt… Đôi khi thật khó để chấp nhận, nhưng rồi qua những lần như thế chúng tôi nhận ra rằng mình không thể nào ép buộc người khác phải theo lối sống của mình, suy nghĩ giống mình. Và ngược lại cũng thế, họ cũng không thể thể bắt chúng ta sống theo họ. Không một nền văn hóa nào cao hơn hay văn minh hơn nền văn hóa nào, tất cả đều có những đặc trưng và giá trị khác nhau. Tất cả cùng làm nên con người của nền văn hóa đó. Vì thế, chúng ta phải cư xử với họ bằng tất cả sự tôn trọng và bình đẳng.
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giao tiếp hằng ngày của chúng tôi. Đối với những anh em đến từ vùng Thái Bình Dương, vì đất nước họ từng là thuộc địa của Anh nên họ sử dụng tiếng Anh rất tốt. Còn đối với anh em vùng Châu Á như Việt Nam hay Indonesia thì việc sử dụng Tiếng Anh còn nhiều hạn chế. Thế nên, ngoài thời gian học hằng ngày, chúng tôi phải dành số thời gian còn lại để trau dồi thêm những kĩ năng giúp mình giao tiếp được lưu loát hơn và hiểu hơn. Những khó khăn chỉ đến với chúng tôi trong khoảng thời gian mới qua. Bây giờ, sau bao cố gắng thì chúng tôi đã nói tiếng Anh tốt hơn, có thể viết những bài suy niệm bằng tiếng anh hay thậm chí thuyết trình.
Về giờ giấc sinh hoạt ở đây thì không khác biệt mấy so với giờ giấc của nhà tập ở Việt Nam. Mục đích chính của năm nhà tập chính là giúp cho tập sinh hiểu sâu hơn về linh đạo của nhà Dòng cũng như đi sâu vào đời sống thiêng liêng với Chúa, đặc biệt là cầu nguyện. Chúng tôi có những giờ cầu nguyện vào các buổi sáng, chiều và tối. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chu toàn hầu hết các giờ kinh trong ngày. Ngoài các giờ đọc kinh và cầu nguyện, chúng tôi cũng trau dồi thêm kiến thức cho mình bằng những giờ học chung với Cha Giám Tập. Ngài dạy chúng tôi thêm những môn về tu đức, đời sống thiêng liêng, văn hóa, cầu nguyện, Thánh Vinh Sơn và đoàn sủng… Nhìn chung, tất cả các môn học đều bổ ích và cần thiết không những trong thời gian này mà còn như những hành trang giúp chúng tôi trên bước đường truyền giáo mai sau. Tiếp đến, một hoạt động không thể thiếu trong ngày sống của chúng tôi chính là giờ thể thao. Đây là lúc chúng tôi chơi các môn thể thao mình thích như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ. Và đặc biệt là môn thể thao cực kì khó mà chúng tôi đang tập chơi, đó chính là Tennis. Qua những giờ chơi, chúng tôi có thể giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi và nhất là giúp chúng tôi có thể hiểu nhau hơn. Sau tất cả mọi hoạt động chung của một ngày sống, chúng tôi có giờ học tập riêng sau kinh tối. Đây là lúc chúng tôi trao dồi thêm vốn kiến thức Tiếng anh của mình hay đọc sách thiêng liêng. Cùng với đó, Cha giám tập cũng khuyến khích chúng tôi viết nhật kí mỗi ngày. Ngài nói rằng việc viết nhật kí sẽ giúp chúng ta nhìn lại một ngày sống, nhớ lại những gì mình đã và chưa làm được với anh em cũng như với Chúa. Từ đó rút kinh nghiệm đặt mục tiêu cho ngày sống kế tiếp.
Tôi xin nói thêm về đời sống thiêng liêng, đặc biệt là cầu nguyện. Thời gian đầu chúng tôi cảm thấy chút ít khó khăn. Trong lúc cầu nguyện, đôi khi chúng tôi khi thường bị sao nhãng bởi những hoạt động hoặc những tư tưởng. Nhưng sau một vài lần được hướng dẫn bởi Cha Giám Tập cũng như có những buổi học riêng về cầu nguyện, chúng tôi cảm thấy việc cầu nguyện của mình được tốt hơn và không cảm thấy khó khăn mỗi khi cầu nguyện. Chúng tôi cảm nhận được Chúa đồng hành với mình trong mỗi giờ cầu nguyện. Ngoài ra, được giới thiệu về những cách cầu nguyện bởi những nhà chiêm niệm lớn trong giáo hội như Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá, Têrêsa Lisieux… Và từ đó, chúng tôi cũng bắt chước và đang dần tạo nên cho mình những cách cầu nguyện mang tính cách cá nhân, gặp gỡ thiêng liêng với Chúa hơn, để từ đó chúng tôi có thể có được mối liên hệ cá nhân mật thiết với Ngài. Kín múc nơi Ngài nguồn mạch ân sủng và ơn lành, để có thể sống tốt không những trong năm nhà tập mà còn cho những năm đào tạo sau này.
Đấy là những gì chúng tôi đã làm được trong suốt 7 tháng qua. Một năm nhà tập chỉ vòn vẹn 12 tháng và chúng tôi đã đi được một nửa chặng đường. Trong quãng thời gian sắp tới, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội được đi ra ngoài để tham gia các hoạt động bác ái và mục vụ. Chẳng hạn chúng tôi được cộng tác với các Cha cũng như các Sơ trong hai Tu hội để đi giảng Đại phúc ở những vùng nghèo tại Philippines hay đi mục vụ các tại các Giáo Xứ để hiểu thêm về cách làm việc mục vụ. Chúng tôi thiết nghĩ đây là cơ hội tốt để chúng tôi trau dồi những kinh nghiệm mục vụ cho mình sau này. Cuối cùng, hai anh em chúng tôi xin được cám ơn quý Cha, Thầy ở Việt Nam vẫn luôn quan tâm và cầu nguyện cho hai anh em trong suốt quãng thời gian qua. Xin chúc quý Cha, Thầy thật nhiều sức khỏe và ơn Chúa. Đặc biệt là dưới sự cầu bầu của Cha Thánh Tổ phụ Vinh Sơn giúp quý Cha, quý Thầy ngày càng hăng hái và nhiệt thành trên con đường phục vụ người nghèo.