Giáng Sinh Nơi Ngoại Biên

0
856

Sau hai tuần lễ thi học kỳ I căng thẳng, toàn thể sinh viên phân khoa thần học của trường Đại học Adamson đã có buổi dã ngoại tặng quà Giáng Sinh cho một bộ tộc cách Manila khoảng 200 km về phía bắc. Đây là một vùng núi sâu hẻo lánh và coi như vùng ‘ngoại biên’ là đối tượng mà tôn chỉ của trường đã đặt trọng tâm trong hoạt động mục vụ. Người thổ dân nơi đây sống rất cách xa với các vùng dân cư khác. Nhà cửa được làm rất đơn sơ chỉ chủ yếu bằng cây và lá rừng và lối sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Lương thực chính là khoai mì, khoai lang, bắp và các loại cây củ ở rừng mà họ có thể ăn được. Nhóm bộ lạc này vẫn duy trì nạn tảo hôn tức là kết hôn với nhau chỉ từ 12- 20 tuổi mà thôi, quá đôi mươi mà chưa kết hôn coi như là ‘lỡ thì’. Vì vậy có thể thấy những cảnh ‘mẹ trẻ em bế trẻ em.’ Có lẽ mấy đặc điểm này cũng giống như người dân tộc H’Mông ở Phình Hồ hay Giàng La Pán ở Yên Bái, Việt Nam. Mỗi tháng người dân nơi đây chỉ có một thánh lễ Chúa nhật duy nhất mà thôi hoặc nhiều khi cũng không được thường xuyên mỗi tháng.

Sinh viên chúng tôi đã tổ chức buổi gặp gỡ tại một trường tiểu học giữa các làng ở đây. Sở dĩ ban đại diện sinh viên trường đã chọn nơi đây là điểm tập kết vì chúng tôi muốn nói lên một thông điệp về giáo dục và sự liên đới với người nghèo. Món quà mà các sinh viên mang đến để tặng không chỉ là những gói quà vật chất không mà thôi mà còn muốn nói lên tinh thần khích lệ việc học hành nơi người dân bộ lạc nơi đây. Vì sống phụ thuộc thiên nhiên và cách biệt nên họ chỉ sống theo nhóm với nhau và không coi trọng việc học hành cũng như còn duy trì nhiều lối sống rất hoang sơ. Hy vọng rằng chuyến viếng thăm này sẽ khích lệ các giáo viên và người dân nơi đây trong việc chăm lo cho giáo dục.

Điều này làm tôi luyến tiếc cho những gì mà các thành viên Vinh Sơn đã làm trước đây cho việc giáo dục. Tỉnh dòng Việt Nam trước đây đã có các thế hệ cha anh phải bị tù đày vì chăm lo cho sứ vụ giáo dục. Nhà trường thì bị biên tịch còn nhân sự thì bắt giam. Quả là một sự hy sinh to lớn và tấm gương sáng của các thế hệ cha anh cho các thế hệ đi sau. Thật tiếc thay cho một lối hành xử bất công và vô nhân đạo của một thể chế đã làm cho sứ vụ giáo dục này kết thúc cách oan uổng.

Sinh viên, các giáo sư và nhân viên của khoa cũng đã cùng chia sẻ bữa trưa với tất cả người dân trong làng theo lối ăn truyền thống. Trước bữa ăn cha trưởng khoa Pilario, C.M đã nhắc nhở các sinh viên “các bạn đừng ăn trưa một mình mà hãy mời những ‘người cha, người mẹ’ chúng ta cùng ăn trưa và hãy nắm tay họ lại chỗ mình.” Tôi rất ấn tượng với lời nhắc nhở này của ngài vì thánh Vinh Sơn gọi người nghèo là “thầy và là chủ của chúng ta” (CDD: XII, 4) nhưng cha trưởng khoa còn cảm nhận người nghèo là còn cha và là mẹ nữa.

Thực ra tất cả những gì chúng ta đang làm thì thánh Vinh Sơn đã làm ở Paris cách đây vài thế kỷ, chúng ta chỉ đang làm cho đoàn sủng mà thánh Vinh Sơn đã lãnh nhận được trải rộng đến khắp mọi nơi mà thôi. Tuy nhiên, điều này các thành viên Vinh Sơn được mời gọi để làm cho người nghèo như thánh Vinh Sơn đã nói “nếu có bất kỳ ai trong chúng ta nghĩ rằng họ có sứ vụ để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo chứ không phải để xoa dịu những đau khổ của họ, để phục vụ những nhu cầu tinh thần chứ không phải là những nhu cầu vật chất, tôi xin nói rằng chúng ta phải trợ giúp họ trong mọi cách bởi chúng ta và bởi người khác.” (CDD: VII, 77). Về người nghèo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng tại Nhà thờ Chánh Toà Manila khi ngài đến thăm đất nước này  năm 2015 đã nói “người nghèo là trung tâm của Tin Mừng, là con tim của Phúc Âm, nếu chúng ta lấy người nghèo ra khỏi Tin Mừng, chúng ta không thể hiểu toàn bộ sứ điệp của Đức Giêsu Kitô.”

Nhân dịp này chúng ta hãy nhìn qua năm khái niệm về nghèo khó điều mà có thể đang liên quan tới các thành viên Vinh Sơn trong đoàn sủng của mình.  Đó là các thành viên Vinh Sơn đã và đang được kêu mời để sống ba chiều kích nghèo khó cuối để mang Tin Mừng hai hình thức nghèo khó đầu theo năm hình thái sau đây:

  • Nghèo khó về vật chất (material poverty): tức là hình thức thiếu thốn về của cải, vật chất, nhu cầu cơ bản trong lĩnh vực kinh tế xã hội. Điều này còn được gọi là hình thức đói nghèo nguyên cấp.
  • Nghèo khó về tinh thần (spiritual poverty): đó là các hình thức như các nhu cầu về tôn giáo, về nhân bản, các hình thức thiếu thốn về mặt tinh thần như được tôn trọng, quyền lợi, giáo dục vv… Trong xã hội ngày nay đang tồn tại nhiều hình thức của hình thái nghèo khó về tinh thần này. Hay điều này còn được gọi hình thức đói nghèo thứ cấp.
  • Nghèo khó cách tự nguyện (voluntary poverty): đây là sống cách nghèo khó vì yêu mến một lối sống như lời khấn khó nghèo nơi những linh mục, tu sĩ.
  • Liên đới với người nghèo (solidarity with the poor): tức là cùng chia sẻ với người nghèo tất cả những khó khăn mà họ đang trải qua bằng cách sống một hoàn cảnh tương tự như họ hay đón nhận một sự thiệt thòi nào đó để lấy điều ấy giúp cho người nghèo.
  • Nghèo khó như những người thảo kế hoạch của chính lịch sử (poor as shapers of own history): tức là sống nghèo như những nhà truyền giáo, những người rao giảng Tin Mừng vì chính họ đã chọn lựa để sống điều này.[envira-gallery id=”2584″]

Manila, December 7, 2019
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, C.M