“Hạnh Phúc” của một tang lễ

0
1242

Kể về “HẠNH PHÚC” của một tang lễ, tôi chẳng hề có ý châm biếm nào theo kiểu “Hạnh Phúc của một tang gia” của nhà văn Vũ Trọng Phụng đâu bạn ạ. Tôi chỉ xin nói lên chút suy gẫm về niềm “hạnh phúc” của tang lễ cha Giuse Trần Ngọc Diệm, CM., vị bề trên cộng đoàn Vinh Sơn – Đà Lạt.

Bạn cảm thấy khó tin sao? Nhưng thực tế, anh em trong học viện Durando cảm thấy rất vui, ấm lòng vì được tổ chức một tang lễ cho một Bề Trên như cha Giuse. Chẳng phải vì cha là một vị “tai to mặt lớn”, quyền cao chức trọng, cũng chẳng phải vì cha quá khó tính quá, chẳng thể sống cùng ai, nhưng vì cha sống quá dễ thương với mọi người.

Anh em trong học viện Durando vẫn thường gọi cha Giuse là “Tía”, một cách gọi thân thương, gần gũi của dân miền tây, về người “cha”. Tía Diệm là Bề Trên mà Tía ngồi nói chuyện rất thân mật với anh em. Mỗi khi nói chuyện phiếm, Tía hay xưng “mày”, “tao” theo lối nói thể hiện sự thân thiện, chất phác của người miền tây.  

Anh em muốn tổ chức hội thao để mừng lễ à? Tía Diệm trao giải thưởng ngay.

Lần nọ, có một anh em có tướng to lớn như Tía, khen cái áo vest Tía đang mặc đẹp quá và hỏi Tía:

– “Tía còn cái áo nào không? Cho con xin một cái mặc cho đỡ lạnh.”

Ai ngờ, hỏi chơi mà Tía cho thật. Tía cởi cái áo vest đó và đưa ngay:

– Ừ. Mày lấy cái này nhé.

Người anh em to béo kia ngại quá trước sự quảng đại của Tía. Sợ Tía cảm lạnh, người anh em đó khéo léo hẹn Tía hôm khác sẽ nhận áo.

Mà Tía không chỉ sống tốt với anh em chủng sinh, những người nhỏ hơn Tía. Một cha trong Tu Hội, lớn hơn Tía 2 lớp ngậm ngùi kể lại:

 – Cha Diệm rất tốt bụng. Ngày còn làm thầy, cha thấy mình không biết ủi đồ, cha ủi dùm luôn. Cha Diệm ủi nhanh và thẳng lắm. Không những thế, cha bảo, lần sau nếu cần, cứ đưa cha ủi dùm cho.”

Nhiều cha trong cộng đoàn Vinh Sơn cũng công nhận:

– Cha Diệm sống rất dễ thương, chẳng khi nào làm phiền, oán trách ai bao giờ. Dù công việc của cha nặng nề đến đâu, cha cũng chẳng hề than van. Ai lo lắng cho sức khỏe cha vì phải làm việc nhiều, cha chỉ cười xòa và chỉ xin một điều là, cầu nguyện thêm cho cha.

Quả đúng như lời thánh vịnh 133 đã nói:“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” Hơn nữa, như thánh Phaolô đã nói: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3,5) Vâng. Chính vì lòng cảm kích, thương mến dành cho cha Giuse, mà anh em cảm thấy vui mừng, hạnh phúc khi được cùng nhau chuẩn bị lễ tang, cùng nhau cầu nguyện cho một người cha, người anh rất đáng kính, đáng mến, trong gia đình Tu Hội Truyền Giáo, vừa nằm xuống.

Không chỉ có anh em “hạnh phúc”, nhưng có lẽ, cha Giuse cũng là người hạnh phúc, an tâm, khi ra trước nhan thánh Chúa.

Cha Giuse hạnh phúc chẳng phải vì cha đang giữ chức vụ to lớn khi Chúa gọi cha về, cũng chẳng phải vì cha đang xây dựng một căn nhà thờ đồ sộ khi Chúa cất cha đi, càng không phải vì cha có nhiều tiếng tăm, uy tín nơi Tu Hội, trong Giáo xứ lẫn ngoài xã hội, nhưng cha hạnh phúc, như nhiều người đã nói, vì cha đã sống hết tình với những người mà cha gặp gỡ.

Bên cạnh đó, nhiều người bảo rằng:

– Cha Giuse Diệm đã sống quá nhiệt tình với Tu Hội, với Giáo Hội, đến độ cha quên cả việc bảo vệ sức khỏe của mình.

Cũng có người bảo:

– Cha bề trên đã sống hết mình như câu châm ngôn khi chịu chức linh mục của cha: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Cha đã cố gắng hết sức mình, còn công việc, công trình đang còn dang dở của Cha, căn nhà thờ kia, Chúa có muôn nghìn cách để Chúa lo.

Chúng ta cùng nhớ lại lời Thánh Phêrô: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi. (1Pr 4,8). Thế nên, Cha Giuse có thể vui mừng trước nhan thánh Chúa không phải vì cha đã làm nhiều công việc lớn lao, theo lối nhìn của người đời, mà chính vì cha đã sống tình yêu tràn đầy của người môn đệ Chúa, cũng như lòng nhiệt thành của một thừa sai Vinh Sơn.

Nhưng niềm vui của Cha Giuse Diệm trước nhan Chúa còn lớn hơn, vì cả một đời, cha đã sống gắn bó với Chúa.

Anh em chúng tôi vẫn thường trầm trồ:

 – Dù đi công tác về khuya, cha vẫn luôn dành thời gian dâng lễ một mình trong nhà nguyện. Âm thầm mà gắn bó biết bao!

Qua đó, chúng ta có thể thấy cha Giuse đã biết kín múc sức mạnh từ Thiên Chúa cho những hoạt động mục vụ của mình. Nay cha được Chúa gọi về, hẳn đây là ngày hạnh phúc của cha. Đứng trước nhan Chúa, cha Giuse có có thể ca lên câu thánh vịnh: “Lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng, ngay từ độ thanh xuân”(Tv 71,5).

Tang lễ cha Giuse Trần Ngọc Diệm, CM còn là “hạnh phúc” của Tu Hội Truyền Giáo.

Như đã nói trên, cha Giuse Diệm đã được nhiều người trong Tu Hội lẫn ngoài xã hội thương mến vì lòng quảng đại, nhiệt thành, vui tươi của ngài. Đó chẳng phải là niềm hãnh diện, niềm hạnh phúc lớn lao dành cho “Mẹ Tu Hội” sao?

Tôi chợt nhớ lại một hình ảnh mà ai đó đã dùng. Một cây cổ thụ bị bật gốc, đổ xuống, gây ra tiếng động dữ dội trong khu rừng. Tuy nhiên, sau đó, chung quanh cây cổ thụ đổ xuống đấy, có rất nhiều những cây nhỏ mọc lên, một cách âm thầm, nhưng mạnh mẽ.  

Cũng thế, cha Giuse qua đời, như một cây to lớn chợt bị long rễ đổ xuống, gây một tiếng vang lớn, rúng động cả khu rừng Tu Hội Truyền Giáo. Nhưng sau đó, thiết nghĩ, nếu các thế hệ đàn em của cha Giuse, trong Tu Hội Truyền Giáo, như chúng tôi, biết “lòng bảo lòng”, cố gắng sống yêu thương, nhiệt thành và vui tươi như cha Giuse, bậc cha anh trong Tu Hội đã khuất, thì niềm hạnh phúc dành cho Tu Hội Truyền Giáo, cho Giáo Hội còn lớn lao hơn rất nhiều.

Cha Giuse là mẫu gương cho anh em chủng sinh về lòng yêu mến, sự vui tươi, nhiệt thành trong đời dâng hiến. Với một cuộc sống như thế, trong niềm cậy trông nơi Chúa Phục Sinh, thì biến cố đau buồn này đã trở thành niềm vui rạng rỡ, sự chia ly này đã biến thành niềm hạnh phúc tràn đầy. Giờ đây, chúng ta hãy cùng cảm nghiệm không khí của buổi lễ tang. Bạn thấy không khí hôm nay thế nào, có giống buổi lễ phong chức không? Hay giống ngày lễ đặt viên đá đầu tiên nhà thờ? Hoặc giống một buổi lễ cưới, lễ cưới của cha Giuse cùng Đức Kitô Phục Sinh…?

F.A.Đằng Giao