Cao Viết Tuấn, CM
42. Trên hòn đảo này, phương tiện di chuyển truyền thống vốn được sử dụng từ khi con người biết đi – đi bộ- vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay. Bất kể xa gần, người ta không ngần ngại.
Đối với chúng ta, 10-15 phút đi bộ đã là vấn đề, nhưng đối với người dân ở đây, 2-3 tiếng đi bộ là bình thường, bất kể trời mưa hay nắng. Mà thật ra, họ không có ý niệm xa hay gần, điều đó vô ích và vô nghĩa, bởi vì cứ đi là tới, không cần suy nghĩ.
43. Kể chuyện ăn thịt heo
Mỗi con heo ở đây là cả một gia tài (2000kina, 15 triệu đồng VN), nên trong năm người ta chỉ ăn thịt heo vài ba lần theo định kì: Noel, lễ hội khoai mỡ, bổn mạng giáo xứ. Ngoài ra còn có những đợt giết heo đột xuất như: đám tang và đánh nhau lớn.
Đám tang ở đây được tổ chức linh đình, rất đông người đến viếng, đem theo khoai và ở lại chia buồn với tang quyến. Khi đó, nhà hiếu lo ăn uống cho khách, một hoặc vài con heo sẽ được giết.
Sau khi đánh nhau lớn (ở cấp độ bộ tộc trở lên) hoặc có người chết, người ta sẽ phân xử ai đúng ai sai và làm hoà với nhau, bên sai sẽ nộp heo đãi làng. Vậy là cả làng có thịt heo ăn.
Còn nếu đánh nhau lẻ tẻ ở cấp độ cá nhân và gia đình thì bên bị xử thua chỉ phải nộp khoai mỡ, khoai lang, nhánh cau thôi. Khi đó làng không được xơ múi gì hết.
Mình chứng kiến trong một cuộc họp của giáo họ, xảy ra một cuộc tranh cãi dữ dội giữa ban điều hành giáo họ với bà con giáo dân. Sau đó, người ta quyết định làm hoà, mấy ông ban điều hành phải nộp một con heo, khoai, cau… đãi cả giáo họ. Sau khi cử hành phụng vụ Lời Chúa vào Chúa nhật, cả làng ngồi lại đánh chén vui vẻ.
Hôm đó, trong khi mình cử hành phụng vụ Lời Chúa trong nhà thờ, thì trước sân nhà thờ, khoảng 20 người, toàn bộ ban điều hành giáo họ và một số hiền mẫu, cặm cụi làm thịt heo, xẻ thịt, nấu nướng, kéo theo sự tò mò của một số đông con nít lẫn người lớn. Hôm đó, người ta đến nhà thờ rất đông, nhưng bên trong nhà thờ vắng hơn mọi khi rất nhiều.
44. Khi cha giáo đi truyền giáo…
Có một cha giáo người Phi luật tân, vốn học ở châu Âu nhiều năm và làm cha giáo trong chủng viện suốt từ trước tới nay, đang nghỉ năm sabat (thông thường sau 25 năm linh mục, các cha được nghỉ 1 năm, họ sẽ tự lên kế hoạch cho mình trong năm đó), nên ngài sang đây giúp 1 tháng theo lời thỉnh cầu của giám mục. Là người thành phố và chỉ sống trong thành phố, nhất là trong chủng viện luôn đầy đủ tiện nghi, ổn định, nền nếp… vùng truyền giáo trên đảo đem đến rất nhiều bỡ ngỡ cho ngài.
Ngài hỏi mình sao nấu ăn mà không có tỏi, gừng, hành (hành Tây)… (hành ngò Việt Nam tuyệt đối không có), mình nói mắc lắm nên không mua. Ngài kêu có tỏi hành tao mới ăn được chứ không là nuốt không nổi. Ok, vậy chiều đi chợ rồi mua.
Chiều đó, mình dẫn cha đi chợ, lội bộ gần cả tiếng làm ngài muốn xỉu. Ra chợ, mình chỉ chỗ bán tỏi, hành. Hỏi giá, củ hành Tây bằng quả trứng gà có giá 5-6 kina (35-40 ngàn đồng VN), còn tỏi thì đã được bóc ra từng tép một để bán, mỗi tép 20 toia (1500 vnđ). Không ngần ngại hay đắn đo suy nghĩ, ngài lắc đầu quay gót, đầu không ngoảnh lại. Mình hỏi, không có tỏi vậy ông ăn được không? – Chứ làm sao giờ, không có chọn lựa – ngài trả lời.
Sáng hôm sau, mình chuẩn bị cà phê, ngài hỏi có đường vàng không, chứ đường trắng không tốt, tao bị tiểu đường. Mình nói chỉ có đường trắng thôi. Ngài nói, không được, đường trắng độc lắm, tao uống cà phê không có đường còn hơn.
Ở với mình vài hôm, ngài dọn qua xứ bên kia, vì xứ bên đó không có cha thầy nào hết. Chứ thật sự ban đầu ngài nói sẽ ở với mình cho vui, Đức cha cũng đề nghị vậy. Nhưng sau hôm cuốc bộ đi chợ, ngài nói tao chưa bao giờ đi bộ xa như vậy. Mình kêu, chợ là gần nhất rồi đó cha, đến mấy giáo họ đi bộ cả hai tiếng đó. Dù sao, nhà xứ bên đó có chiếc xe hơi, đi đâu còn có xe, chứ ở với mình là chỉ đi bộ.
Thế là mình chia sẻ với ngài gạo, mắm muối, đồ hộp, mì gói… nhưng ngài không lấy đường trắng độc hại này. Ít hôm sau, khi qua đây dâng lễ, ngài hỏi mình, mày có đường không cho tao một ít, tao thèm đường mà bên kia không có một hột. Mình nói nhà cháu chỉ có đường trắng thôi, không có đường vàng, ông lấy không. Ngài nói lấy. Mình kêu đường trắng độc đó nha cha! Coi chừng đó! Ngài nói, có đường là quý rồi mày ơi. Bác sĩ cấm tao ăn mì gói, tao bị cao máu, mà bữa giờ ngày nào tao cũng phải ăn. Giờ thêm ăn đường trắng nữa cũng không sao đâu. Ăn cũng chết, không ăn chắc chết sớm hơn mày ơi!
Hôm ngài ra đảo, cha quản lý địa phận viết thư cho mình dặn mình: lo chăm sóc ông cha giáo nha mày, coi chừng ổng chết trên đảo không ai xức dầu cho ổng đâu đó. Thôi thì cầu nguyện cho cha giáo sống sót qua một tháng trên vùng truyền giáo này.
(còn nữa)