Cao Viết Tuấn, CM
69. Bước vào năm thứ II …
Thánh Giáo hoàng John Paul II phát biểu tại Los Angeles vào năm 1987 về ơn gọi linh mục của ngài như sau:
“Nhiều người, nhất là các bạn trẻ thường hỏi tôi rằng: tại sao tôi trở thành linh mục? Có lẽ một số người trong quý vị đây cũng muốn hỏi tôi như vậy. Tôi xin được trả lời vắn tắt vì tôi không thể giải thích tường tận. Vì đó vẫn là một huyền nhiệm đối với tôi. Làm sao chúng ta có thể giải thích đường lối của Thiên Chúa?
Nhưng, tôi biết và tôi xác tín Đức Kitô nói với tôi: “Hãy đến đây, đi theo Thầy!”Tôi nhận thức rất rõ tiếng nói ấy không phải là tiếng nói của nhân loại, cũng không phải là một ý tưởng của bản thân tôi. Đức Kitô kêu gọi tôi trở thành linh mục để phục vụ Ngài.
Tôi luôn hết lòng tri ân Thiên Chúa vì ơn gọi đời sống linh mục. Đối với tôi, không gì có ý nghĩa hơn và đem lại cho tôi niềm hân hoan vui sướng hơn việc dâng Thánh lễ mỗi ngày và phục vụ dân Thiên Chúa trong Hội Thánh. Tôi nhận thức rõ điều này kể từ ngày thụ phong linh mục. Và cho đến bây giờ, không gì có thể làm thay đổi điều này, thậm chí việc trở thành Giáo hoàng.”
Sau một năm lãnh nhận chức thánh linh mục, mình càng thấy rõ sự cao cả của chức thánh này. Nhưng Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Truyền chức thánh để chia sẻ phẩm vị thượng tế của Ngài cho những người được kêu mời, cho dù họ vẫn là những con người yếu đuối, mỏng dòn và tội lỗi. Ơn Thánh được chứa đựng trong các bình sành dễ vỡ…
Tất cả mọi sự đều do ơn Chúa, phần của mình là những sai lầm và tội lỗi, nên mình không có gì để đáng tự hào về mình. “Mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa!” Khiêm nhường trước mặt Chúa và anh chị em mình là điều bắt buộc. Những nỗ lực cố gắng của con người không bao giờ cân xứng với hồng ân Chúa ban.
Nếu Chúa không muốn, những nỗ lực cố gắng của con người sẽ thất bại. Đừng buồn khi không thành công. Có thể tôi không thành công, và cho dù thất bại, nhưng chắc chắn tôi vẫn phải trung thành: với Chúa, với Hội Thánh, với Tu hội, với sứ vụ… Đó là phẩm chất quan trọng nhất của những người phục vụ, và tôi có thể làm được trong mọi hoàn cảnh.
70. Dòng Nữ Cát Minh đến PNG từ những năm 1930, tính đến nay đã hơn 80 năm. Tháng 11 năm ngoái, khi còn ở thủ đô, mình nhận được tin đan viện đóng cửa với một Thánh Lễ trang trọng để tri ân các nữ đan sĩ Cát Minh, do Hồng y Tổng giám mục Port Moresby chủ tế. Hôm ấy mình có công việc khác nên không thể tham dự. Sự kiện này để lại trong tâm trí mình nhiều suy nghĩ trong suốt thời gian vừa rồi. Trên mảnh đất truyền giáo vẫn đang cần được Phúc Âm hóa này, thay vì mở ra các dòng tu, các đan viện mới, người ta lại phải đóng cửa. Đáng buồn thay!
Lý do đóng cửa đan viện đơn giản chỉ là không có người đi tu. Đan viện chỉ còn ba sơ (Úc, Phillipines và PNG) đều đã lớn tuổi và đau yếu, khó có thể tự chăm sóc mình, trong khi ơn gọi tại địa phương không có, và Nhà Mẹ ở Úc cũng không có ơn gọi để gởi sang. Họ đã gởi thư đến các đan viện Cát Minh trên thế giới để xin người, nhưng không ai đáp ứng. Theo lời kể của sơ bề trên, họ cũng đã gởi thư đến các đan viện Cát Minh ở Việt Nam, nhưng không một nơi nào có thể gởi người qua. Thế là đành lòng họ phải đóng cửa.
Sơ bề trên người Úc khoảng 80 tuổi, đã dành gần như trọn đời sống dâng hiến của mình cho miền truyền giáo PNG. Sơ đến PNG vào năm 1966, khi còn là một đan sĩ trẻ trung năng động, lúc đó PNG là thuộc địa của Úc. Đến khi PNG độc lập, sơ mang quốc tịch PNG. Bây giờ, khi đan viện đóng cửa, sơ sẽ trở về Úc, sơ phải làm thủ tục xin nhập quốc tịch Úc. Khi đã có quốc tịch Úc, sơ mất quốc tịch PNG, bởi vì nếu muốn giữ quốc tịch PNG, sơ phải đóng một khoản tiền rất lớn. Thế là trong lúc chờ thu xếp công việc trở về Úc, sơ trở thành người cư trú bất hợp pháp trên đất nước PNG nơi mà sơ đã cống hiến hơn 50 năm cuộc đời. Quả thật là trớ trêu!
Một trong những việc sơ quyết tâm phải làm trước khi xa rời vĩnh viễn mảnh đất này là thay mới các bia mộ cho các sơ đã an nghỉ nơi đây. Nhìn một bà lão chống gậy tập tễnh bước đi với bàn chân sưng vù đến nơi làm bia mộ, dặn dò kĩ lưỡng người làm khắc tên tuổi của các sơ đã an nghỉ, mình thực sự xúc động. Đan viện này rồi đây sẽ trở thành tu viện của một dòng tu nào đó, hay trở thành nhà tĩnh tâm, nhà khách, hoặc bị bỏ hoang. Liệu rằng sẽ ai sẽ chăm sóc các phần mộ ấy? Ít ra những tấm tấm bia mới với tên tuổi rõ ràng sẽ là dấu tích về sự hiện diện trong suốt hơn 80 năm của một đan viện Cát Minh.
Sáng nay, sau Thánh Lễ, mình nán lại nói chuyện với các sơ như là lần gặp cuối cùng, vì tháng sau các sơ sẽ chính thức rời đan viện. Các sơ cầm tay mình nhắn nhủ rất tha thiết: “Ráng xin các đan viện Cát Minh ở Việt Nam gởi người sang nhé! Biết đâu có người từ đây về kể, họ sẽ đổi ý.” Mình nghĩ thầm, mình có là cái gì đâu, có quen biết ai đâu mà nhờ với xin. Dù vậy, mình cũng an ủi các sơ: “Con sẽ cầu nguyện và sẽ cố gắng hết sức, biết đâu lại có các nữ đan sĩ Cát Minh từ Việt Nam qua tiếp tục sứ mạng nơi đây.”
(còn nữa)