Ký sự PNG (Phần 29)

0
567

Cao Viết Tuấn, CM

Hai chị em ruột không biết cách nhau mấy tháng

82. Những cô gái chưa có chồng mà có con, thậm chí 2-3 đứa con, là điều bình thường ở đây. Họ vẫn đẹp và hấp dẫn đối với các chàng trai nên việc một chàng trai cưới một cô gái đã có 2-3 đứa con ấy cũng là điều bình thường.

Mình thắc mắc không biết có phải quan niệm về cái đẹp hoàn toàn khác nhau? Hay bởi vì trong bối cảnh này, như thế là đẹp và không có gì đẹp hơn nên sự lựa chọn cũng không thể khác hơn? Có lẽ điều thứ hai đúng hơn. Mà người Việt Nam có những câu “nồi nào vung đó” hay “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” quả là rất đúng trong trường hợp này.

Ở đây, một cuộc hôn nhân chỉ được tiến hành khi họ đã có con chung với nhau, không tính con riêng. Nói cách khác, có con với nhau là điều kiện đầu tiên cho cuộc hôn nhân. Do đó, bao lâu họ chưa có con chung với nhau thì cho dù sống chung với nhau 5-7 năm cũng không có ý nghĩa gì. Nhìn từ một góc độ khác, người ta quan niệm có con quan trọng hơn có chồng.

Do đó, những cô gái đã có 2-3 đứa con rồi mà vẫn chưa có chồng thì cũng không sao. Từ từ rồi cũng sẽ có chồng thôi, quan trọng là có con trước đã.

83. Khoảng những đầu thập niên trước, khi Internet đã phổ biến rộng rãi, nhưng vẫn chưa tới được miền quê mình. Do đó, để cập nhật tin tức hay liên lạc, mình phải đi ra thị trấn để online.

Ở đảo mấy ngày vừa qua mạng Internet rất yếu, chỉ ra chợ mới có thể truy cập được dễ dàng. Thế là lâu lâu đạp xe ra chợ để mua cá mua rau và cũng nán lại online chút xíu, có thêm động lực đi chợ.

Sáng nay, trời hửng nắng sau hơn một tuần mưa bão liên tục, mình đạp xe ra chợ và cũng nán lại đăng bài chút xíu. Ai dè, thình lình trời đổ mưa. Cũng may là có nhà người quen để núp mưa.

Cũng vì thấy trời nắng đẹp nên mình đem áo quần, chiếu mềm ra chơi sau những ngày mưa ẩm. Vậy là tất cả đã sũng nước. Và ở đây, điện thoại sắp hết pin. Thật là vui!

84. Mình hỏi người dân sao không trồng thêm cau, thuốc lá, nuôi thêm gà, thêm heo… chứ bỏ tiền ra mua cau, thuốc lá hàng ngày như vậy sao chịu thấu? Họ nói: tù trưởng không cho phép. Đây quả là một cản trở rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Theo lệ, nhà của người dân không được cao hơn và to hơn nhà tù trưởng. Cách đây mấy năm, có một thầy giáo làm nhà cao hơn nhà tù trưởng chút xíu. Kết cục, dòng họ của tù trưởng cùng dân làng kéo đến phá nhà và phạt thầy giáo ấy một số tiền rất lớn cộng với đãi dân làng một bữa.

Số lượng heo trong mỗi nhà cũng bị giới hạn. Có làng, tù trưởng chỉ cho mỗi nhà nuôi một con heo duy nhất. Số lượng cau, gà… cũng bị giới hạn như vậy. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt vạ nặng nề.

Trong những cuộc họp làng, tù trưởng ngồi trên ghế còn mọi người phải ngồi dưới đất. Mình nghe kể thậm chí giám mục đến thăm vị tù trưởng cao nhất ở đảo (mỗi làng một tù trưởng, và có một vị tù trưởng cao nhất trong số các tù trưởng ấy) cũng phải ngồi dưới đất lắng nghe tù trưởng. Khi tù trưởng lên tiếng, mọi người phải giữ tuyệt đối im lặng.

Ở trong làng, tù trưởng rất được kính trọng. Ông nói gì, mọi người phải vâng lệnh. Tù trưởng đòi hỏi gì, dân làng phải đáp ứng. Có những tù trưởng tốt lành nhưng cũng có những ông độc tài và độc ác, ông tỏ ra thích con gà, con heo hay con gái nào, người ta phải mang đến cho ông.

Hiện nay ở PNG, có một phong trào đấu tranh bãi bỏ chế độ thủ tướng, chính phủ và quốc hội như hiện nay. Thay vào đó, đất nước sẽ được điều này bởi các tù trưởng. Cụ thể, mỗi vùng sẽ do hội đồng các tù trưởng cai quản với một tù trưởng được bầu ra làm thủ lĩnh. Các thủ lĩnh này sẽ họp lại thành một kiểu quốc hội và chính phủ với một tù trưởng được bầu ra đứng đầu quốc gia. Phong trào này vẫn thu hút được nhiều người ủng hộ và đôi khi trổi dậy đấu tranh mạnh mẽ.

(còn nữa)