Mối tương quan giữa Thiên Chúa – Con Người – Biến Cố

0
2886

Cao Viết Tuấn, CM

Giống như người vô thần và khác người tôn giáo, người tin cũng khẳng định tính tự lập của vạn vật trong vũ trụ và diễn tiến của các biến cố. Những biến cố là kết quả của các quy luật sinh-lý-hóa có sẵn, chúng hoạt động một cách độc lập và tự do trong thế giới. Thế giới trở nên một môi trường của tự do và phiêu lưu để con người tìm hiểu, khám phá, chiến đấu và trưởng thành. Trong đó, con người học cách sử dụng các nguồn lực có sẵn để phục vụ cho mình. Đồng thời, con người cũng bị điều kiện hóa bởi môi trường xung quanh. Tóm lại, con người ở trong thế giới để đối diện với các biến cố, để cai quản và sử dụng thế giới, hoặc để chịu đựng thế giới.

Trong nhãn quan về một thế giới tự lập, người tin cho rằng Thiên Chúa không can thiệp vào tiến trình và diễn tiến của các biến cố thế giới trừ những phép lạ rất hiếm hoi. Chắc chắn, Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, nhưng Ngài không phải là người chế tạo, nghĩa là người làm tất cả các khâu thậm chí các chi tiết nhỏ nhất cho đến khi một đồ vật được hoàn thành. Thiên Chúa sáng tạo nghĩa là Ngài làm cho mọi sự xuất hiện từ hư vô. Ngài là cho mọi vật hiện hữu và hoạt động theo bản tính của chúng. Riêng con người, Thiên Chúa ban cho lý trí và tự do cùng với lương tâm để làm nên phần thiêng liêng của con người mà chúng ta thường gọi là linh hồn.

Từ đó, Thiên Chúa để cho vạn vật hoạt động trong sự tùy thuộc vào tự do con người. Chính con người phải chịu trách nhiệm về các thảm kịch như tai nạn, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai, bạo lực, đau buồn… Có thể nói Thiên Chúa ở ngoài các biến cố ấy và các giá trị hay ý nghĩa khác đi kèm với chúng. Thiên Chúa không giữ bàn tay của kẻ sát nhân lại. Ngài cũng không làm cho viên đạn hay con dao trở nên mềm nhũn. Ngài đứng ngoài tất cả các biến cố! Ngài không can thiệp để sửa chữa hay làm biến mất hoặc thay đổi những biến cố bất hảo.

Do đó, thật nguy hiểm khi giải thích các biến cố xảy ra là do “Chúa muốn”, bởi vì làm sao kể cho hết những biến cố tai ác đã, đang và sẽ xảy ra trong lịch sử là do Chúa muốn. Thật ra, Thiên Chúa không tham gia vào bất cứ biến cố nào. Nếu người nào chết, thì không phải Thiên Chúa làm cho người ấy chết. Khi người nào đó thành công, thì đó không phải là Thiên Chúa ưu ái người ấy vì người ấy công chính. Tất cả các biến cố xảy ra do những nguyên lý của chính nó mà chúng ta có thể phân tích và lý giải dựa trên các định luật tự nhiên.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử nhân loại trong biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Đức Giêsu là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Sự can thiệp ấy được chuẩn bị chu đáo nơi dân tộc Do Thái, Dân Riêng của Thiên Chúa từ thời Abraham và được kéo dài nơi Giáo Hội cho đến ngày tận thế. Giáo Hội, trong tư cách là Dân Thiên Chúa và Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục là dấu chỉ của Thiên Chúa trong thế giới qua Kinh Thánh và các Bí Tích. Qua Kinh Thánh và các Bí Tích, con người có thể tiếp cận Thiên Chúa qua trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Như vậy, Đức Giêsu là mặc khải trọn vẹn và duy nhất, đích thực và vĩnh viễn về Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa tỏ lộ chính mình và thông ban sự sống Thần Linh cho con người.

Tóm lại, chúng ta có thể nêu lên hai nét nổi bật nơi người tin: Thứ nhất, con người ở trong các biến cố hoạt động theo bản tính của nó, và Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, không can thiệp, không ngăn cản, không cải thiện và cũng không biến đổi chúng. Thiên Chúa ẩn mình trong sự vắng mặt. Thứ nhì, Đức Giêsu là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa đã ở giữa nhân loại để tỏ lộ chính mình và thông ban sự sống cho nhân loại. Thông qua Giáo Hội, cụ thể là nơi Thánh Kinh và các Bí Tích, Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành với nhân loại.

Trong khi người vô thần chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chỉ chấp nhận con người và biến cố, còn người tôn giáo thì đặt Thiên Chúa trong mọi biến cố bằng sự can thiệp, cai quản của Ngài. Khác với cả hai nhóm ấy và ở giữa hai nhóm ấy, người tin chấp nhận sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như sự tự độc lập của các biến cố trong mối tương quan được phát biểu như sau: “THIÊN CHÚA Ở BÊN CẠNH CON NGƯỜI TRONG BIẾN CỐ”

(Viết theo Francois Varone, Vấn đề từ Thiên Chúa vắng mặt)