Những bài học từ đại dịch covid-19

0
1282

Cho đến hôm nay đã sang tuần thứ 9, tức hơn hai tháng, Manila được đặt trong tình trạng cách ly và phong tỏa toàn xã hội. Tuy nhiên, tuần này đã có một vài khu vực được nới lỏng hơn và một vài ngành nghề kinh doanh có thể hoạt động trở lại.

Các hoạt động tôn giáo cũng chung một tình cảnh là các nhà thờ bị đóng cửa vì lệnh cấm tập trung đông người. Với người dân Phi Luật Tân, một quốc gia hầu như toàn tòng Công giáo thì đây là một tổn thương rất lớn về mặt tinh thần nhất là trong Mùa Chay và Phục Sinh năm nay.

Vì là thủ đô, nên Manila là trung tâm của dân nhập cư tìm đến. Bên cạnh số người nhập cư với công việc ổn định thì cũng cả hàng triệu dân nhập cư làm nghề tự do và kiếm sống trên mọi nẻo đường của Manila. Số người vô gia cư này có thể lên đến hàng mấy trăm ngàn gia đình với hàng triệu người, cùng với dân chúng ở các khu ổ chuột vốn thường đã rất tồi tệ và nghèo đói. Trong đợt phong tỏa vì đại dịch covid-19 thì thành phần này là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất vì không có nơi cư trú, không thu nhập, không trợ cấp chính phủ hoặc được trợ cấp rất thấp.

Đứng trước tình cảnh thực tế bi đát như thế khi mà người dân nghèo phải hứng chịu sự tác động tiêu cực cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, các thành viên Vinh Sơn Tỉnh dòng Philippines đã nhanh chóng ra tay hành động vì bác ái, ngay từ trong những ngày đầu của phong tỏa để hỗ trợ người nghèo. Chương trình “Vincent helps” (https://www.facebook.com/VincentHelps/) là một hành động đáp trả ngay tức thì trong sự cộng tác của tất cả các thành viên trong gia đình Vinh Sơn, đặc biệt là các thành viên Tu Hội Truyền Giáo (CM) trước một tình cảnh thực tế tại địa phương để trợ giúp và bảo vệ người nghèo, người vô gia cư, người tàn tật giảm bớt những đau khổ vì ảnh hưởng do cơn đại dịch quái ác này. Chương trình này có thể giúp nhận ra một vài điểm đáng chú ý:

1. Có làm bác ái mới biết lòng quảng đại của dân chúng, đặc biệt là của người giáo dân

Quả thực, chương trình “Vincent helps” khởi động ngay từ đầu với tất cả những gì là rất khiêm tốn dành cho người nghèo, đó chỉ là vài bao gạo và mấy thùng mì tôm và đồ hộp còn dư lại sau đợt cứu trợ dân chúng bị ảnh hưởng bởi núi lửa Taal, Tagaytay trước đó vài tuần. Rồi sau đó các hình ảnh và các thông tin về nhu cầu của người nghèo được các thành viên trong nhóm đưa lên mạng xã hội để kêu gọi trợ giúp, thì ngay lập tức đã được sự hưởng ứng của rất nhiều người trong cũng như ngoài Công giáo.

Sự đóng góp tùy theo khả năng từng người nhưng theo báo cáo mới nhất của nhóm thì đến thời điểm hiện tại số tiền đóng góp cho chương trình đã lên đến Ph 13,927, 534 (khoảng 280 ngàn đô Mỹ), với 53.369 gia đình được giúp đỡ gồm có: 873 gia đình vô gia cư và dân cư ngụ trên đường phố; 22.600 gia đình trong các nghèo nhập cư; 25.910 gia đình nghèo ở thành thị và hàng ngàn phần thực phẩm cho các nhân viên ở các tuyến đầu chống dịch như cảnh sát, nhân viên y tế …[i] Hàng ngàn tấn gạo, mì gói, đồ hộp, sữa… đã đến tay người nghèo trong mùa dịch này.

Cho đến hiện tại thì chương trình vẫn đang tiếp tục, để có phương tiện giúp đỡ người nghèo. Một điều đáng trân trọng là trong tình cảnh khi mà mọi người đều bị thất nghiệp ở nhà và các ngành nghề thương mại bị đình chỉ trong thời gian dài, mà người dân vẫn đóng góp được con số như thế cho thấy tấm lòng quảng đại của người dân nơi đây vì sự san sẻ với người nghèo. Điều này làm tôi liên tưởng đến Lời Chúa trong Tin Mừng Matthêu “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,17), khi mà các thành viên Vinh Sơn được kêu gọi để trở nên chứng nhân tình thương của Chúa cho con người thời đại hôm nay qua việc bái ái. Trong mùa dịch covid-19, các thành viên Vinh Sơn ở đây đã cố gắng làm điều này và Chúa đã chúc lành, để rồi hôm nay sau hơn hai tháng, họ vẫn còn rất nhiều thực phẩm để có thể “nuôi” người nghèo bất cứ lúc nào. Thật lạ một phép lạ bác ái!

2. Bái ái thì cần có tổ chức

Thánh Vinh Sơn đã nói: “người nghèo thì thường đau khổ hơn từ việc thiếu tổ chức trong việc bác ái hơn là thiếu những người làm bác ái” (CDD, XIII, 423). Để có được kết quả như trên, đó là do khả năng tổ chức việc làm bác ái của nhóm chương trình “Vincent helps”. Tất cả mọi thành viên trong Gia đình Vinh Sơn đều cộng tác chặt chẽ với nhau và làm việc chung vì người nghèo. Trong chương trình này, tất cả các thành viên Vinh Sơn, đặc biệt là các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo đã đồng lòng cùng làm việc cho người nghèo vì mục đích chung và được tổ chức một cách có hệ thống. Điều này đã làm cho chương trình ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo. Làm việc bác ái có tổ chức để không để người nghèo nào bị quyên lãng hay bỏ sót, mà tất cả họ đều nhận được sự trợ giúp tương ứng trong công bình và bác ái. Do đó, vấn đề tổ chức bác ái luôn được chú trọng ngay từ thời thánh Vinh Sơn, điều này đã được thực hiện từ một biến cố năm 1617.

3. Huấn luyện người trẻ và giáo dân trong việc tổ chức bác ái

Chương trình “Vincent helps” đã nhận được sự cộng tác không chỉ bằng sự hỗ trợ tiền bạc nhưng đích thân các thành phần người trẻ và giáo dân đã cùng cộng tác với các thành viên Vinh Sơn để phục vụ người nghèo. Đây là cơ hội để họ làm việc chung và qua đó các thành viên Vinh Sơn lấy đó như một cơ hội tốt để huấn luyện họ trong cách thực hành bác ái có tổ chức. Chính các thành phần này khi đã được huấn luyện, họ sẽ biết cách tổ chức các chương trình bái ái ngay chính cộng đoàn địa phương họ đang sinh sống. Chính điều ấy sẽ làm cho mạng lưới bác ái được mở rộng hơn và được tổ chức tốt hơn nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho người nghèo. Việc huấn luyện này đã có một vị trí đặc biệt theo Hiến pháp của Tu Hội Truyền Giáo “trợ giúp đào tạo giáo sĩ và giáo dân, và dẫn đưa họ tham gia trọn vẹn hơn trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (HP điều 1, khoản 3).

4. Biến hận thù thành tình thương

Có một dự án do các cha Vinh Sơn điều hành tại Payatas, đó là các phụ nữ trong dự án dạy may (SOW) để hỗ trợ (Support) các trẻ mồ côi (Orphans) và góa bụa (Widows), là các nạn nhân của cuộc chiến chống thuốc phiện (drug war). Trước dịch covid-19, nhóm các phụ nữ này nhận may các sản phẩm thông thường để có thêm thu nhập hỗ trợ gia đình. Nay trong tình trạng khan hiếm khẩu trang, toàn bộ các nhân viên trong dự án đã được định hướng may khẩu trang y tế. Trước đây trong cuộc chiến tranh chống thuốc phiện chính những người chồng, người con của những người phụ nữ này bị các kẻ lạ mặt đeo khẩu trang bắn chết, thì hôm nay, họ lại là những người miệt mài suốt ngày đêm may những khẩu trang vải để cung cấp cho người dân nơi đây và thậm chí họ còn tình nguyện may các đồ bảo hộ cá nhân để tặng các nhân viên trong tuyến đầu chống dịch. Giờ đây những chiếc khẩu trang do họ làm ra không còn bị kẻ xấu dùng để làm điều bất nhân với những người thân yêu của họ, nhưng chúng được dùng để bảo vệ dân chúng khỏi bị nhiễm virus. Tình thương và sự tha thứ đã thay thế cho hận thù và ghen ghét là thứ virus kinh khủng nhất luôn tồn tại trong xã hội. Những người phụ nữ đáng thương này “họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4), trong mùa đại dịch covid-19 này và họ đã đóng góp một phần nhỏ để xoa dịu những nỗi đau khổ do thứ virus này mang đến. 

5. Đại phúc trên đường phố

Vì ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19 nên chương trình giảng đại phúc của Tỉnh dòng Vinh Sơn Phi Luật Tân trong mùa hè này đã đành phải hủy. Nhưng thay vào đó, cha giám đốc giảng đại phúc và các thành viên trong các nhóm đại phúc đã thực sự có những bài giảng sống động của họ trên các đường phố và các khu ổ chuột tại Manila trong mùa dịch này. Tất cả biến thành hành động, một ngày hai lần và thậm chí nhiều lần, các nhóm chia nhau phân phát các bữa ăn sáng cho người vô gia cư trên đường phố, cho các nhân viên tuyến đầu chống dịch, nhân viên y tế… và bữa tối cũng giống như vậy. Đích thân họ đã nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn, đóng hộp và sau đó đem đi phân phát cho người nghèo. Họ đã có những bài giảng sống động mà họ đã giảng cho người nghèo mà như thánh Vinh Sơn nói “làm cho Phúc Âm có được hiệu quả thực sự” (CDD, XII, 84).

6. Xoa dịu mặt đói nghèo thiêng liêng

Ngoài việc giúp đỡ người nghèo về vật chất, thì trong tình trạng chung của toàn thể Giáo hội địa phương. Các cha Vinh Sơn cũng đã cử hành thánh lễ online hằng ngày cho dân chúng, đặc biệt là có cả những thánh lễ Chúa nhật hằng tuần cho người câm điếc. Đó là cách mà các thành viên Tu Hội Truyền Giáo có thể an ủi phần tinh thần với dân chúng trong lúc này. Hy vọng trong những tuần, tới khi đại dịch chấm dứt thì dân chúng sẽ được tham dự thánh lễ trực tiếp, lãnh nhận các bí tích cũng như được gần gũi các mục tử hơn và hy vọng họ sẽ được canh tân hơn trong đời sống đức tin.

Để kết thúc xin mượn lời bài giảng của Đức giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta trong một ngày tháng tư vừa qua khi ngài nói về người nghèo: “chúng ta sẽ không chịu phán xét vì sự xa hoa hoặc những chuyến đi đây đó hoặc các hoạt động xã hội quan trọng mà chúng ta đã thực hiện. Chúng ta sẽ chịu phán xét theo các tương quan của chúng ta với người nghèo. Nhưng nếu hôm nay, chúng ta phớt lờ người nghèo, để họ qua một bên, thì trong ngày phán xét Thiên Chúa cũng sẽ phớt lờ chúng ta.”

Manila, May 18/2019

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM


[i] Các số liệu được cung cấp trên trang web của Tỉnh dòng Vinh Sơn Phi Luật Tân (http://www.cmphilippines.org.ph/).