Sự hiện diện của Tu Hội Truyền Giáo tại Thượng Hội đồng Giám mục vùng Amazon

Đăng ngày: 16/10/2019

Giám mục Evaldo Carvalho, CM
Giáo phận Viana

Vào ngày 06 tháng 10, chúng tôi bắt đầu Thượng Hội đồng đặc biệt dành cho vùng Amazon. Thượng Hội đồng này sẽ kéo dài đến hết ngày 27 tháng này.

Tham dự Thượng Hội đồng gồm có 28 Hồng y, 29 Tổng Giám mục, 62 Giám mục chính toà, 7 Giám mục phụ tá, 27 đại diện Tông toà, 10 Giám mục Phó và 21 linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Trong số các giám mục Brazil, có 2 anh em chúng tôi là thành viên Tu Hội Truyền Giáo, đó là Đức cha Evaldo Carvalho của Giáo phận Viana và Đức cha Fernando Barbosa đến từ Tefé thuộc vùng Amazon.

Dĩ nhiên là chúng tôi không phải đại diện trực tiếp của Tu Hội, nhưng chúng tôi không ngừng thể hiện vai trò là thành viên Vinh Sơn tại Thượng Hội đồng, bởi lẽ đặc sủng Vinh Sơn đã ghi dấu rõ nét trong căn tính truyền giáo của chúng tôi.

Khởi điểm cho các vấn đề được bàn luận tại Thượng Hội đồng là cuộc khủng hoảng môi trường – xã hội, tức là cuộc khủng hoảng kinh tế và khí hậu xảy ra do việc khai thác và tàn phá rừng. Hậu qủa của cuộc tấn công vào thiên nhiên này là cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn đến tình trạng nghèo đói cùng cực, đồng thời tác động mạnh mẽ đến các thổ dân đang sống nhờ vào các nhánh sông, các con cháu của nô lệ Châu Phi và các chủ trang trại nhỏ.

Trong Tông Huấn Ladauto si’, Đức Thánh Cha khẳng định rằng mọi thứ đều có mối liên hệ nội tại: con người và thiên nhiên. Những thiệt hại mà chúng ta gây ra cho thiên nhiên sẽ dẫn đến việc huỷ hoại chính con người.

Ngày 19/01/2018, tại Puerto Maldonado, Peru, Đức Thánh Cha đã tuyên bố trong bài diễn văn liên quan đến những người bản xứ rằng: “Có lẽ những người bản xứ ở Amazon chưa bao giờ bị đe doạ ngay chính trên mảnh đất của họ như hiện nay”.

Vấn nạn chúng ta được mời gọi suy tư tại Thượng Hội đồng này là: “Đâu là câu trả lời cho tình cảnh này?” Nói cách khác, đâu là nẻo đường loan báo Tin Mừng trong bối cảnh hệ thống kinh tế đang tàn phá rừng, làm ô nhiễm các dòng sông, xâm phạm các miền đất, trục xuất người bản xứ ra khỏi lãnh thổ của họ và giết chết họ?

Khi thi hành sứ vụ truyền giáo tại Amazon, Giáo Hội không thể làm ngơ đối với tình hình nghiêm trọng này. Bởi vậy, Giáo Hội thâm tín rằng việc chăm sóc ngôi nhà chung là một phần của sứ vụ. Thực ra, Amazon là một địa hạt mà Giáo Hội được mời gọi làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị.

Theo tinh thần này, chúng tôi cũng suy tư về khuôn mặt Amzon của Giáo Hội, dựa trên lập trường ưu tiên chọn lựa người nghèo, nhắm đến các vấn đề như truyền giáo, vai trò của phụ nữ, cử hành bí tích trong các cộng đoàn ngoại vi, đặc biệt là bí tích Thánh Thể.

Chủ đề của Thượng Hội đồng là: những nẻo đường mới cho Giáo Hội và cho một sinh thái học toàn diện. Như vậy, chúng tôi sẽ phải cùng nhau cố gắng tìm ra những câu trả lời phù hợp cho những thách đố mục vụ và xã hội trong vùng Amazon.

Chúng tôi đã không tập họp ở Roma để đưa ra những câu trả lời bao quát cho vùng Amazon. Theo một tiến trình khá đặc biệt đối với một Thượng Hội đồng, tức là đồng hành, chúng tôi muốn lắng nghe tiếng kêu la của trái đất và của người nghèo, để từ đó nhận thức rõ đâu là nẻo đường mới mà Chúa Thánh Thần mở ra cho vùng Amazon. Chúng tôi tham dự Thượng Hội đồng này với một niềm hy vọng lớn lao. Trong vai trò là Giám mục và là con cái thánh Vinh Sơn, chúng tôi rất biết ơn vì có cơ hội chia sẻ các thách đố và viễn cảnh của vùng Amazon. Đồng thời, chúng tôi cũng ấp ủ một sự táo bạo để có thể mở ra những nẻo đường mới cho việc loan báo Tin Mừng đến các vùng ngoại vi trên thế giới. Xin thánh Vinh Sơn và các thánh trong Tu Hội cầu bầu cho Thượng Hội đồng này, ngõ hầu trong sự kính trọng vẻ đẹp của thọ tạo, mọi người sẽ ca tụng Thiên Chúa và nhờ sự soi sáng của Người, họ bước đi trong công lý và hoà bình, như Đức Thánh Cha đã khẳng định trong Văn thư triệu tập Thượng Hội Đồng Đặc Biệt cho vùng Amazon.

Fx. Đức chuyển ngữ