Suy tư về Ba Ngôi với thánh Vinh Sơn Phaolô

0
1076

Jean-Pierre Renouard, CM

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mời gọi chúng ta trở về với nguồn linh đạo và sứ mạng của chúng ta. Nó mang tính chất Ba Ngôi một cách mạnh mẽ nơi thánh Vinh Sơn. Với ngài, chúng ta hãy dành thời gian suy niệm mầu nhiệm căn bản vượt ra khỏi sự hay quên và hay lơ đãng của chúng ta về mầu nhiệm ấy. Đối với ngài và với chúng ta, Ba Ngôi là khuôn mẫu, là ví dụ cho sự hiện hữu và đời sống nội tâm của chúng ta. Mầu nhiệm ấy mời gọi chúng ta sống trong sự hoà hợp, trong sự tương đồng của Ba Ngôi vị; vượt ra khỏi sự phân biệt của các ngài, các ngài sống tình yêu với nhau: “Những gì Cha muốn thì Con cũng muốn, những gì Thần Khí làm thì Cha và Con cũng làm: các ngài có duy nhất một sức mạnh và một hoạt động” (CCD XII, 210).

Liên quan đến chúng ta trong đời sống cộng đoàn: chúng ta được mời gọi đi vào sự hiệp thông với nhau trong sự khác biệt. Một cách cụ thể, chúng ta không được ngay lập tức nhìn nhận ai là thủ lãnh, người chịu trách nhiệm, bởi vì ở giữa chúng ta chỉ có duy nhất một trái tim và một tinh thần, và được rập khuôn theo hình ảnh hoa trái hiển nhiên của Ba Ngôi: bác ái (CCD XIII, 274).

Chúng ta cũng có thể áp dụng những điểm khác: tình yêu và sự trao đổi qua lại, sống theo cách diễn tả của riêng thánh Vinh Sơn: “sự hỗ tương” (CCD XIII, 281) và nhân danh hành vi thần thiêng, tôn tôn trọng và thậm chí xây dựng “thiên đàng” (CCD X, 308-309).

Ba Ngôi ở trong chúng ta. Ngài vẫn ở lại trong chúng ta: “Cha sinh ra Con của Ngài và cả hai “thở ra” Thần Khí. Hầu như vận động thể lý này là sự sống; nó đi cùng với hành hành động của chúng ta” (CCD XI, 36).

Như là động cơ của ngôi vị chúng ta, cả nội tâm lẫn hoạt động, Ba Ngôi thôi thúc chúng ta tiếp tục một sứ mạng. Trong đó, mọi thứ chuyển động: Cha sai Con của Ngài đến hoàn tất những gì Cha muốn bằng cách trao ban Người Con ấy trong Nhập Thể (CCD X, 69; XII, 297).

Đây là những gì thúc đẩy chúng ta trong tư cách là các nhà truyền giáo. Chúng ta muốn “noi gương các thực hành” của Đức Kitô Cứu Thế, Đấng đã trở thành hương thơm của Cha (“phấn hoa và mật hoa của Ngài! CCD XII, 137) và đồng thời vai trò của Thần Khí đã linh hứng cho Đấng Sáng Lập của chúng ta trong lời tuyên bố về sứ mạng tốt đẹp này: “Đúng vậy, ngôi vị Thần Khí lan toả giữa những người công chính và sống gần gũi mật thiết trong họ. Khi chúng ta nói rằng Thần Khí hoạt động trong ai đó, điều ấy có nghĩa là Thần Khí này, cư ngụ trong ngôi vị ấy, làm cho người ấy hành động trong cùng một cách thức, tôi không nói về sự hoàn thiện ngang bằng, nhưng theo tiêu chuẩn các ân huệ của Thần Khí Thánh này” (CCD XII, 93).

Cho dù thế nào đi nữa, hãy tiếp tục! Lên đường!

Ba Ngôi là nguồn mạch và cùng đích của tất cả mọi sự trong động lực thiêng liêng của thánh Thánh Vinh Sơn. Và Tu hội Truyền giáo bắt buộc phải sùng kính một cách rất đặc biệt mầu nhiệm khôn tả Ba Ngôi Cực Thánh và Nhập Thể (Luật Chung X, 2). Đối với thánh Vinh Sơn, Đức Giêsu đón nhận mọi sự từ Cha; Ngài lệ thuộc hoàn toàn vào Cha. Ngài nhìn nhận rằng Cha là tác giả và là nguyên lý của mọi sự thiện hảo có ở nơi Ngài (CCD XII, 94). Ngài được cha sai đến làm giá của một tình yêu cao vời (CCD X, 69). Chúng ta hầu như ở trong thần học đương đại về “sự đau khổ của Thiên Chúa.” Đức Giêsu trao hiến tất cả cho Cha của Ngài thông qua sự vâng phục, vì Người Con hiệp nhất với Cha trong sự thân mật hoàn hảo, không chỉ trong tư cách Ngôi Lời nhưng còn trong tư cách con người (CCD XII, 124). Ở đây chúng ta đi đến mối tương quan tình yêu của Đức Giêsu với Cha của Ngài: Ngài hoàn tất ý định của Cha Ngài (CCD XII, 94). Đức Giêsu bảo đảm tình yêu của Cha bằng cách thi hành công việc của Ngài.

Thánh Vinh Sơn, người theo chủ nghĩa thực hành, luôn nhắm tới những gì cụ thể hơn: làm việc để cho Vương Quốc ngự đến trong tâm hồn tất cả mọi người, và trong người nghèo bởi vì mối quan tâm hàng đầu của ngài là sự công bằng. Điều này thực sự đem lại vinh quang cho Thiên Chúa: “Hàng ngày, hai hoặc ba lần, tôi cầu xin Thiên Chúa phá huỷ chúng ta nếu chúng ta không hữu dụng trong việc làm vinh danh Ngài” (CCD XI, 2). Dấu chỉ tối hậu của ơn gọi truyền giáo luôn nằm ở vấn đề người ấy phải có khả năng tự hỏi chính mình trước bất cứ công việc nào: “Nếu điều này được thực hiện, Thiên Chúa có được tôn vinh không?” (CCD XIII, 271). Người ấy có điều này như một bảo đảm: “Chúng ta hãy tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa; Ngài sẽ lo cho công việc của chúng ta” (CCD XII, 117). Thông thường thánh Vinh Sơn nói về “sự hài lòng” của Thiên Chúa như là một cách nói khác về ý Thiên Chúa. Đối với thánh nhân, thánh ý này rõ ràng được thực hiện bằng việc Phúc Âm hoá người nghèo. Trong đó, thánh nhân đã gắn kết với Tin Mừng và canh tân linh đạo theo một cách rất riêng. Và nếu chúng ta nghi ngờ điều ấy, ở đây là một bằng chứng từ Tin Mừng: “Ồ! Thật hạnh phúc, thật hạnh phúc, thưa anh em, khi luôn làm mọi sự theo ý Thiên Chúa! Không phải chúng ta đang làm những gì Con Thiên Chúa đã đến và làm trên trái đất này hay sao, như chúng ta đã nói? Con Thiên Chúa đã đến để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, và chúng ta, thưa anh em, chúng ta không được sai đi với cùng một mục đích hay sao? Đúng thế, nhà truyền giáo được sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Ồ, thật vui mừng khi được làm những việc mà Chúa chúng ta đã làm trên trần gian này, đó là dạy người nghèo con đường về trời!” (CCD XI, 283-284).

Theo thánh Vinh Sơn, nhà truyền giáo yêu thích tiếp nối công việc của Đức Kitô. Nhà truyền giáo là người tiếp nối và mở rộng công việc ấy. Làm việc, làm việc; hành động, hành động, đó là khẩu lệnh của nhà truyền giáo. Phải sẵn lòng đón nhận câu châm ngôn được khắc ghi: “Totum opus nostrum in actione consistit”“Toàn bộ sự nghiệp của chúng ta hệ tại ở hoạt động” (CCD XI, 33); người ấy muốn một lòng đạo đức trong công việc, với “tay áo được xắn lên.” Thông qua công việc của chúng ta, chúng ta cho thấy chúng ta yêu mến Ngài. Hôm nay, hơn bao giờ hết, hãy đứng dậy ra khỏi sự uể oải hiện tại, chúng ta chỉ phải trao hiến chính mình và hành động.

Cao Viết Tuấn, CM chuyển ngữ