Tái khám phá tình yêu của Thiên Chúa
Thông điệp mới của Đức giáo hoàng Phanxicô trích dẫn từ thánh Vinh Sơn Phaolô
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố thông điệp mới ‘Dilexit Nos-Ngài yêu thương chúng ta’, là một lời mời gọi tái khám phá tình yêu nhân bản và thiêng liêng của Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Bản văn sâu sắc và đầy cảm hứng này nhấn mạnh tầm quan trọng của Trái Tim Chúa và tình yêu dành cho nhân loại, kêu gọi chúng ta suy ngẫm một cách chân thành và cá vị. Tài liệu này mời gọi chúng ta suy ngẫm sâu sắc về vị trí trung tâm của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, khuyến khích chúng ta nhận ra sự hiện diện sống động và hữu hình của nó, tái khám phá lòng sùng kính Thánh Tâm như nguồn mạch canh tân thiêng liêng và truyền giáo. Thông điệp được chia thành năm chương chính, mỗi chương cung cấp những hiểu biết sâu sắc và khích lệ có giá trị cho hành trình truyền giáo của chúng ta.
Thông điệp bắt đầu với tầm quan trọng của trái tim và mời gọi chúng ta hiểu tình yêu Thiên Chúa thể hiện như thế nào trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, soi sáng cuộc sống và hành trình của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh cách Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử nhân loại, biến đổi cuộc sống con người thông qua tình yêu vô biên của Ngài. Thử thách trước mắt chúng ta là nhận ra những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong những trải nghiệm hàng ngày của chúng ta, để mình được Ngài hướng dẫn và trở thành những chứng nhân về trải nghiệm này cho người khác.
Đức Phanxicô tiếp tục mô tả lòng thương xót là biểu hiện cụ thể của tình yêu Kitô giáo. Lòng thương xót không chỉ là một khái niệm thần học, mà còn là một hành vi hữu hình chuyển thành tình yêu thương đối với người lân cận, đặc biệt là những người sống trong đau khổ. Chúng ta được kêu gọi trở thành khí cụ của lòng thương xót, nhìn người khác bằng con mắt cảm thông và mang lại niềm an ủi và hy vọng cho bất cứ ai đang gặp hoạn nạn. Lòng thương xót, như Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta, là một sứ mạng đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn của cuộc đời chúng ta.
Hơn nữa, Đức Giáo hoàng phân tích vai trò của Giáo hội như một cộng đoàn của việc chào đón và thuộc về, đặc biệt đối với những người ở bên lề xã hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô coi Giáo hội như một gia đình lớn, trong đó không có sự loại trừ, chỉ có sự hòa nhập và yêu thương. Một ví dụ về sự hòa nhập này là ‘Ngôi nhà Simeon và Anna’ mới mở gần đây ở Udine, nhằm mục đích vượt qua sự cô đơn và cung cấp một môi trường thân thiện cho những người gặp khó khăn. Chúng ta được mời xây dựng những cộng đồng cởi mở và chào đón, trong đó mỗi người cảm thấy được yêu thương và có giá trị. Nhiệm vụ của chúng ta là trở thành một Giáo hội biết lắng nghe và quan tâm, mang lại sự an ủi và hỗ trợ cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người kém may mắn nhất.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến vấn đề công bằng kinh tế và sự cần thiết phải thúc đẩy một hệ thống kinh tế công bằng hơn, đặt phẩm giá con người làm trung tâm. Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ trích những bất bình đẳng xã hội và kinh tế nghiêm trọng, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thay đổi cơ cấu. Một ví dụ cụ thể cho cam kết này là ‘Dự án 13 ngôi nhà Famvin’, một sáng kiến nhằm cung cấp nhà ở tươm tất cho người vô gia cư, thể hiện tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết trong thực tế. Chúng ta được kêu gọi xây dựng một nền kinh tế đặt con người vào trung tâm, thúc đẩy công bằng xã hội và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Đoàn kết và chia sẻ là nền tảng để đạt được một thế giới công bằng và nhân đạo hơn.
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi Kitô hữu trở thành nhà truyền giáo của tình yêu Thiên Chúa, cống hiến hết mình một cách cụ thể để phục vụ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Đức Giáo Hoàng dạy chúng ta rằng lòng bác ái không chỉ là một cảm giác mà còn là một hành động đẩy chúng ta ra khỏi ranh giới cá nhân để đến với người khác. Mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến thân trọn vẹn cho người khác, là mẫu gương chúng ta phải noi theo. Đặt cuộc sống của chúng ta để phục vụ người khác, đặc biệt là những người bị loại trừ khỏi xã hội, là sứ mệnh cơ bản của chúng ta.
Trong thông điệp thứ tư này, được công bố trùng với dịp kỷ niệm 400 năm Năm Thánh Vinh Sơn, Đức Thánh Cha đề cập đến Thánh Vinh Sơn Phaolô ở nhiều điểm khác nhau, liên kết ngày kỷ niệm quan trọng này với chứng tá bác ái của vị thánh này. Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn Thánh Vinh Sơn Phao lô như một tấm gương sáng về lòng bác ái và sự cống hiến cho người nghèo, khuyến khích chúng ta noi gương ngài trong cuộc sống hàng ngày. Thánh Vinh Sơn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự phục vụ khiêm tốn và liên tục, luôn đặt phẩm giá con người làm trung tâm. Lòng sùng kính sâu sắc của ngài đối với Trái Tim Chúa Kitô là yếu tố then chốt trong đặc sủng của ngài, mời gọi chúng ta kết hợp thiêng liêng chân thành với Chúa Giêsu.
Ngày nay, chúng ta có thể noi gương ngài bằng cách cống hiến hết mình cho những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng của chúng ta, thúc đẩy công bằng xã hội và đáp lại bằng tình yêu cụ thể trước nhu cầu của những người đau khổ, luôn lấy Trái Tim Chúa Kitô hướng dẫn. Đặc biệt, Thánh Vinh Sơn được nhắc đến ở các đoạn 148, 180 và 207 của thông điệp (xin xem phần bổ sung). Ngài được thể hiện như một mẫu mực về lòng sùng kính Trái Tim Chúa Kitô cũng như về tình yêu thiết thực và không mệt mỏi đối với những người đang cần giúp đỡ nhất. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta noi gương phục vụ bác ái và kết hợp với Chúa Kitô, cho thấy bác ái có thể biến đổi cuộc sống con người như thế nào và mang lại niềm hy vọng ở những nơi dường như đang thiếu vắng. Những lời của Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của một cam kết liên tục và cụ thể, như Đấng sáng lập đã dạy chúng ta, để trở thành những chứng nhân đích thực cho tình yêu Thiên Chúa trên thế giới.
Chúng tôi mời tất cả các bạn đọc kỹ thông điệp này, từ đó chúng ta có thể rút ra được nguồn cảm hứng lớn lao cho việc phục vụ của mình và củng cố sứ mạng của mình, tái khám phá ý nghĩa sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và giá trị ơn gọi của chúng ta. Đọc “Dilexit Nos” có thể là một cơ hội quý giá để đào sâu tâm linh của chúng ta và đổi mới cam kết phục vụ người khác bằng tình yêu và sự cống hiến.
Các số được đề cập đến trong thông điệp gồm ba số với nội dung cụ thể:
148. Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Kitô tái xuất hiện trong hành trình thiêng liêng của nhiều vị thánh, tất cả đều hoàn toàn khác nhau;với mỗi người trong số họ, lòng sùng kính mang những màu sắc mới. Chẳng hạn, Thánh Vinh Sơn Phaolô thường nói rằng điều điều Thiên Chúa mong muốn chính là trái tim (tâm hồn): “Thiên Chúa trước hết đòi hỏi trái tim của chúng ta – trái tim của chúng ta – và đó mới là điều quan trọng. Làm sao một người không có của cải lại có công đức lớn hơn người có nhiều tài sản mà từ bỏ? Bởi vì người không có gì làm điều đó với tình yêu lớn lao hơn; và đó là điều Chúa đặc biệt mong muốn…” (Đàm luận với các cha truyền giáo về Đức khó nghèo, ngày 13 tháng 08 năm 1655).
Điều này có nghĩa là cho phép trái tim mình được hiệp nhất với trái tim của Chúa Kitô. “một chị Nữ Tử có thể hy vọng được ơn lành nào từ Chúa, nếu chị không cố gắng hết sức để đặt trái tim mình vào trạng thái hiệp nhất với trái tim của Chúa chúng ta và mong muốn làm mọi điều cần thiết để sống như một Nữ Tử Bác Ái thực sự!” (Đàm luận với các Nữ tử Bác ái về sự hãm mình, thư từ, các bữa ăn và hành trình – Luật chung số 24-27, 9 tháng 12 năm 1657).
180. Cha Henri Huvelin, linh hướng của Thánh Charles de Foucauld, nhận xét rằng, “khi Chúa chúng ta ngự trong trái tim, Ngài ban cho nó những tình cảm như vậy, và trái tim này vươn tới những người hèn mọn nhất trong anh chị em chúng ta.
Đó là tấm lòng của Thánh Vinh Sơn Phaolô… “Khi Chúa sống trong tâm hồn của một linh mục, Ngài khiến ngài đến với người nghèo” (H. Huvelin, Quelques directeurs d’âmes au XVII siècle, Paris, 1911, 97). Điều quan trọng là phải nhận ra rằng lòng nhiệt thành tông đồ của Thánh Vinh Sơn, như Cha Huvelin mô tả, cũng được nuôi dưỡng bởi lòng sùng kính Trái Tim Chúa Kitô. Thánh Vinh Sơn kêu gọi các anh em của mình “hãy tìm trong trái tim Chúa một lời an ủi dành cho người bệnh khốn khổ” (Đàm luận về việc chăm sóc người bệnh và chăm sóc sứ khỏe bản thân mỗi nhà truyền giáo ngày, 11 tháng 11 năm 1657). Để lời nói đó có sức thuyết phục, thì trái tim của chúng ta trước tiên phải được thay đổi bởi tình yêu và sự dịu dàng của trái tim Chúa Kitô. Thánh Vinh Sơn thường nhắc lại niềm xác tín này trong các bài giảng và lời khuyên của ngài, và nó đã trở thành một điểm đáng chú ý trong Hiến pháp của Tu hội Truyền giáo mà do chính ngài thành lập: “Chúng ta cần nỗ lực hết mình học bài học mà Đức Giêsu Kitô đã dạy cho chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy nhớ rằng, chính Người đã quả quyết: nhờ hiền lành, chúng ta được đất làm sở hữu. Nếu chúng ta hành động theo tinh thần đó, chúng ta sẽ đắc nhân tâm, và nhờ vậy, chúng ta dẫn đưa con người trở về với Thiên Chúa. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, nếu chúng ta đối xử với người khác một cách gay gắt và cứng cỏi” (Luật Chung của Tu hội Truyền giáo, ngày 17 tháng 1658, chương 2, # 6).
207. Ngọn lửa tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng lan rộng qua hoạt động truyền giáo của Giáo hội, loan báo thông điệp về tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã diễn đạt điều này một cách khéo léo khi ngài mời gọi các môn đệ của mình cầu nguyện cùng Chúa vì “tinh thần này, trái tim này khiến chúng ta đi khắp mọi nơi, trái tim này của Con Thiên Chúa, trái tim của Chúa chúng ta, khiến chúng ta ra đi như ngài đã ra đi….Ngài sai chúng ta, giống như [các tông đồ], mang lửa đi khắp nơi” (Đàm luận, “lặp lại lời cầu nguyện”, ngày 22 tháng 08 năm 1655).
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ và bổ sung từ cmglobal.org