Trở nên Bí tích Thánh Thể trong thời kỳ cách ly

0
791

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con chạy đến nài xin Người bảo vệ chúng con khỏi nạn dịch COVID-19 đã làm xáo trộn và cướp đi sinh mạng của bao người. Xin ban cho chúng con ân sủng trong thời kỳ cam go này ngõ hầu mưu ích cho tất cả mọi người và trợ giúp những kẻ khốn khó. Chúng con cầu xin Người ngăn chặn sự lây lan của virus này và cứu chúng con khỏi mọi sợ hãi. (Lấy từ Oratio Imperata).

Trong thời kỳ đào tạo ở chủng viện, chúng tôi chỉ được phép nhận các cuộc gọi từ gia đình mỗi tuần một lần. Việc thực hành này tiếp tục trong khoảng tám năm cho đến khi chúng tôi trở thành sinh viên thần học. Mặc dù lúc đầu tôi lẩm bẩm về việc thực hành này bởi vì nó cắt bớt mối liên hệ của tôi với gia đình, nhưng tôi dần dần thích nghi với thực hành trên… thực tế là không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên sau đó, tôi hiểu rằng các nhà đào tạo đã đưa ra thực hành này để giúp chúng tôi dần dần tách mình khỏi gia đình, để gắn bó với gia đình lớn hơn của Chúa Kitô. Tôi đã tiếp tục thói quen nói chuyện với cha mẹ tôi mỗi tuần một lần ngay cả sau khi chịu chức. Nhưng hôm nay tôi đảm bảo rằng tôi dành đủ thời gian cho bố mẹ để họ có thể trò chuyện với tôi như họ mong muốn. Tôi đã nói chuyện với mẹ tôi ngay sau khi Chính phủ tuyên bố lệnh phong toả toàn bộ quốc gia, trong đó bao gồm việc bãi bỏ tất cả các hoạt động tôn giáo, kể cả cử hành Thánh lễ cộng đồng. Mặc dù cuộc trò chuyện của chúng tôi đã diễn ra theo cách thông thường, tôi vẫn nhận thấy một sự do dự nhất định trong giọng nói của mẹ tôi. Vì vậy, tôi đã hỏi bà xem có điều gì bất ổn không? Lúc đó, bà ấy nói với tôi rằng bà thực sự buồn phiền về việc cấm cử hành thánh lễ cộng đồng trong nhà thờ giáo xứ. Tôi đã cố gắng an ủi và xoa dịu bà bằng cách nói về khả năng tham dự thánh lễ trực tuyến hoặc trên truyền hình, theo như chỉ dẫn của Giáo hội. Nhưng bà ấy nói với tôi rằng không có gì có thể thay thế vẻ đẹp của việc tham dự Bí tích Thánh thể trong một nhà thờ. Bà nói bà buồn bã bởi vì Bí tích Thánh thể đã trở thành một phần khăng khít của cuộc đời bà, và bà có thể sẽ không còn được tham dự cử hành đó nữa.

Đó là lúc tôi bắt đầu suy nghĩ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Tôi bắt đầu nhận ra rằng có hàng ngàn người cảm thấy giống như mẹ tôi. Vì vậy, tôi quyết định tìm cách xoa dịu những cảm xúc sâu xa này, những cảm xúc nảy sinh do việc ngưng cử hành Thánh lễ cộng đồng. Đối với chúng ta, cách duy nhất để làm dịu những cảm xúc này là chúng ta trở nên Bí tích Thánh Thể… Vậy, làm thế nào để chúng ta trở nên Bí tích Thánh Thể? Với câu hỏi này trong đầu, tôi đọc lại trình thuật Kinh Thánh về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa ăn tối cuối cùng. Trong khi đọc lại các trích đoạn về bữa ăn tối cuối cùng, tôi đã tìm thấy ba hình thức của Bí tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta trở nên Bí tích Thánh Thể trong thời kỳ cách ly.

Thánh thể Hiệp thông: Chúa Giêsu và các Tông đồ tập họp tại phòng tiệc ly để chia sẻ bữa ăn. Tất cả các Tông đồ đều có mặt trong bữa ăn tối đó vì nó được sắp đặt theo lệnh truyền của Chúa Giêsu. Đó thực sự là cuộc họp mặt của tình yêu và sự hiệp thông. Họ biết rằng một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra. Hiện nay, tất cả chúng ta đều đang trong tình trạng cách ly do virus chết người. Trong thời gian cách ly này, chúng ta buộc phải ở với gia đình hay cộng đoàn của mình. Thực ra, thời gian cách ly này phải trở nên thời gian của sự hiệp thông trong tình yêu. Dù ở bất cứ nơi nào, chúng ta đều được mời gọi dành thời gian sáng tạo với gia đình hay cộng đoàn của chúng ta, do đó, chúng ta cũng có thể chia sẻ Thánh thể Hiệp thông.

Thánh Thể Phục Vụ: Ngay khi các môn đệ ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu đứng dậy và bắt đầu rửa chân cho các ông. Người nói:“Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,15) Một hành động phục vụ hoàn hảo. Trong thời gian cách ly này, chúng ta được nhắc nhở là những người phục vụ. Chúng ta có thể tham gia phục vụ bằng cách bước vào mối dây liên đới sâu sắc hơn với những người đang đau khổ, bằng cách cầu nguyện cho các bệnh nhân cũng như những người đau yếu, và bằng cách thực hiện các hoạt động bác ái theo cách thức không vi phạm các hướng dẫn Chống COVID-19 v.v… Bằng việc trở nên những người phục vụ, chúng ta thực sự đang trở nên Bí tích Thánh Thể Phục Vụ.

Thánh Thể Chia Sẻ: sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu đã bẻ bánh và đưa cho các Tông đồ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy… Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Mt 26,26; Lc 22,19) Đó là một hành động chia sẻ, chia sẻ chính sự sống của Người vì phần rỗi của nhân loại. Trong thời gian cách ly, chúng ta được nhắc nhở về sự cần thiết phải chia sẻ. Đầu tiên, chúng ta cần chia sẻ những lời cầu nguyện của chúng ta; thứ hai, chúng ta cần chia sẻ thời gian và nguồn lực của mình với những người thiếu thốn… Có rất nhiều người đang sống trên đường phố, không có thức ăn, không có bất cứ điều gì. Chúng ta cần sáng tạo trong việc tìm ra những cách thức chia sẻ mới, vì chỉ như thế, chúng ta mới có thể thông dự vào Bí tích Thánh Thể Chia Sẻ.

Tất cả những điều này, đó là Thánh Thể Hiệp Thông, Thánh Thể Phục Vụ và Thánh Thể Chia Sẻ, phải được thực hiện với tình yêu. Theo cách đó, mọi người sẽ biết rằng Bí tích Thánh Thể không chỉ được cử hành theo nghi thức trong các nhà thờ, mà còn có thể được cử hành trong tình yêu ngang qua cuộc sống của mỗi người. Tôi rất vui mừng được chia sẻ với toàn thể Gia đình Vinh Sơn rằng, Cộng đoàn Adamson của chúng tôi ở Manila đang thăng tiến trong việc thực hành tất cả các hình thức Thánh Thể: Hiệp thông, Phục vụ và Chia sẻ. Chúng tôi tiếp tục nuôi dưỡng khoảng 200 cư dân đường phố mỗi ngày và hy vọng có thể “truyền” cho người khác Lòng Bác ái Vinh Sơn. Là những thành viên Vinh Sơn, chúng ta hãy nhắc nhở thế giới rằng mặt nạ chỉ có thể che đậy được khuôn mặt, chứ không bao giờ che đậy được tấm lòng của mọi người. Vậy, chúng ta hãy trở thành Bí tích Thánh Thể và tiếp tục cử hành Bí tích Thánh Thể bằng cuộc sống của chúng ta. Nguyện xin Chúa chữa lành thế giới này bằng tình yêu, sự quan tâm và lòng trắc ẩn của Người.

Libin P Varghese, CM

Đại học CM Adamson
Manila, Philippines