Vấn đề Thiên Chúa vắng mặt

0
1454

Cao Viết Tuấn, CM

Thiên Chúa là hình chiếu những nỗi khát vọng và sợ hãi con người hay Thiên Chúa vắng mặt?

Có một sự thật khá hiển nhiên: Không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong suốt dòng lịch sử tư tưởng của nhân loại, mặc dù có nhiều lý chứng được đưa ra bởi nhiều triết gia lỗi lạc để khẳng định về sự hiện hữu của Thiên Chúa, có thể kể ra như là ngũ đạo của thánh Thomas Aquinas, các lý chứng của thánh Anselm…  Nhưng đồng thời cũng có chừng ấy số lượng lý lẽ để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, ví dụ những thảm hoạ của chiến tranh, khủng bố, thiên tai, bất công… Hay nói đúng hơn, người ta không thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu. Cả hai đều vượt quá khả năng hiểu biết của con người.

Trong bối cảnh không thể chứng minh hay phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, các nhà tâm lý học đã đưa ra giả thuyết về Thiên Chúa như là sự phóng chiếu những nỗi sợ hãi và ước muốn của con người. Trước những đau khổ không lối thoát, con người tưởng tượng ra một vị Thiên Chúa nhân hậu yêu thương ấp ủ con người. Con người sợ hãi sự chết chóc, tội lỗi nhưng lại khao khát được tha thứ và yêu thương, nên Thiên Chúa xuất hiện. Con người muốn duy trì hoà bình, trật tự và luân lý. Thiên Chúa sẽ giải quyết được những vấn đề ấy. Như vậy, những người vô thần đã cho rằng Thiên Chúa là hình chiếu của con người và tôn giáo làm cho con người đánh mất chính mình do vô thức hoặc do tổ chức.

Tuy nhiên, Thiên Chúa trước hết không phải là đối tượng của tri thức, để được khám phá bằng lý trí, nhưng đúng hơn Ngài là đối tượng của tình yêu. Tình yêu không phải là kết quả của những suy tư, lập luận, chứng minh, nhưng là kết quả của gặp gỡ, cảm nghiệm với tâm trạng hân hoan phấn khởi không có gì so sánh được. Thiên Chúa cũng phải được con người gặp gỡ, cảm nghiệm một cách riêng tư và thân mật. Kế đó, với những kinh nghiệm gặp gỡ, chúng ta mới vận dụng lý trí để xác minh, chính thức hoá, sắp xếp lại, hệ thống hoá tình yêu ấy. Cũng như tình yêu, Thiên Chúa hiện hữu ở những mức độ khác nhau, nên có thể được hiểu hoặc không hiểu hoặc bị hiểu sai. Chính sự hiểu sai hoặc không hiểu ấy kéo theo sự chối bỏ Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa là hình chiếu của con người, thì những phản ánh của Kitô giáo về Thiên Chúa hoàn toàn tương ứng với ước muốn của con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc khải về Thiên Chúa trong Kitô giáo hoàn toàn khác với những suy nghĩ và ước muốn của con người. Như vậy, vị Thiên Chúa mà các Kitô hữu tôn thờ không phải là hình chiếu. Thiên Chúa của đức tin Kitô giáo là một Thiên Chúa “vắng mặt”. Và thật nghịch lý, chính sự vắng mặt này lại là minh chứng tốt nhất cho kinh nghiệm về Thiên Chúa chân thật. Bởi vì, hình chiếu những ước muốn và nỗi sợ hãi của con người không thể là một vị Thiên Chúa vắng mặt, điều này vượt ra khỏi khả năng tưởng tượng của con người.

Nếu không chấp nhận quan niệm của người vô thần về Thiên Chúa như là sự phóng chiếu của con người, vậy, vấn đề đặt ra cho người tin là: chúng ta có dám chấp nhận, có dám tin vào một vị Thiên Chúa vắng mặt hay không? Niềm tin vào Thiên Chúa vắng mặt sẽ như thế nào? 

(Viết lại theo Francois Varone, Vấn đề từ Thiên Chúa vắng mặt)