Jorge Luis Rodríguez, CM
NDĐ (chuyển ngữ)
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề nghị toàn thể Giáo hội cử hành tháng truyền giáo ngoại thường. Chúng ta biết rằng tháng 10 là tháng dành riêng cho các sứ mạng. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng muốn tháng này năm nay tập trung một cách đặc biệt để kỷ niệm 100 năm xuất bản Thông điệp ‘Maximum illud’ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, Thông điệp này đã phát triển chủ đề truyền bá đức tin trên toàn thế giới.
Chủ đề trọng tâm của tháng truyền giáo ngoại thường này là: Giáo hội Chúa Kitô chịu phép rửa và được sai đi truyền giáo khắp thế giới. Là một cách thức liên quan đến mọi tín hữu trong việc loan báo Tin Mừng, [việc cử hành] trong tháng này sẽ giúp chúng ta tái khám phá trước hết về chiều kích truyền giáo, trong đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một đức tin được ban cho chúng ta một cách độ lượng trong phép rửa (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp cho Ngày thế giới truyền giáo 2019).
Là những thành viên của Tu hội Truyền giáo, chúng ta được mời gọi thi hành trong tháng này theo cách thức độc đáo, cách thức ấy sẽ giúp chúng ta tái khám phá linh đạo của mình bằng cách nhận biết chúng ta là thành viên của Tu hội Truyền giáo, đồng thời, sẽ giúp chúng ta canh tân cam kết của chúng ta với tinh thần truyền giáo.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra bốn chiều kích mà chúng ta được mời gọi sống trong tháng truyền giáo này. Khi trình bày các chiều kích này, tôi muốn phản ánh chúng theo quan điểm của thánh Vinh Sơn, vì mỗi chiều kích đó đều liên quan đến ngôn ngữ, đặc tính và đặc sủng của chúng ta, với tư cách là thành viên của Tu hội Truyền giáo và Gia đình Vinh Sơn trên toàn thế giới.
[1] Cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô đang sống trong Giáo hội: Chiều kích này có nguồn gốc sâu xa trong linh đạo và đặc tính của chúng ta. Qua suy nghĩ của chúng ta về cuộc đời và công việc của thánh Vinh Sơn Phaolô, chúng ta khám phá ra cuộc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô một cách hết sức độc đáo. Chúng ta biết rằng, Vinh Sơn đã gặp Đức Giêsu Kitô và bước theo Người là Đấng loan báo Tin mừng và là tôi tớ của người nghèo. Như Vinh Sơn, chúng ta được mời gọi để lấy lại tính trọng tâm của Đức Giêsu Kitô, Đấng tuôn đổ tinh thần truyền giáo trên chúng ta. Giờ đây, chúng ta nhớ lại những lời mà Vinh Sơn đã viết cho cha Portail: Thưa cha, hãy nhớ rằng, chúng ta sống trong Đức Giêsu Kitô nhờ cái chết của Người, và chúng ta phải chết trong Đức Giêsu Kitô nhờ cuộc sống của Người, và cuộc sống của chúng ta phải được ẩn giấu nơi Đức Giêsu Kitô và đầy tràn cuộc sống của Người, và để chết như Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải sống như Đức Giêsu Kitô.[1]
[2] Chứng tá của các thánh và các thánh tử đạo và các thánh không chịu tử đạo: Liên quan đến chiều kích thứ hai này, trong lá thư ngày 03/09/2018, được viết nhân dịp lễ thánh Vinh Sơn Phaolô, cha Tomaž Mavrič, CM, đã mời gọi chúng ta đào sâu hơn mối quan hệ giữa chúng ta với các thánh, các chân phước và các tôi tớ Chúa trong gia đình Vinh Sơn. Đây sẽ là thời điểm tuyệt vời để đọc về cuộc đời của những vị đi trước chúng ta… và thực hiện việc đọc này từ viên cảnh của một nhà truyền giáo. Hy vọng chúng ta sẽ khám phá ra nhiều yếu tố có liên quan đến thời đại của chúng ta qua các thời đại trước. Chẳng hạn, sự hội nhập văn hóa của thánh Justin de Jacobis hoặc thánh Gabriel Perboyre, chứng tá của cha Fortunato Velasco Tobar (hoặc chứng tá của bất kỳ thánh tử đạo nào khác từ thời Nội chiến Tây Ban Nha… tất cả những ai đã hình thành chiều kích quốc tế rõ nét hơn trong Tu hội và Gia đình Vinh Sơn). Trong lá thư của mình, Cha Tomaž đề cập đến đoạn văn sau đây, từ các tác phẩm của thánh Vinh Sơn Phaolô: Vì thế, các thành viên thân yêu của tôi, những gì chúng ta phải làm, là để tạ ơn Thiên Chúa chí tôn về tất cả những món quà và ân sủng mà Ngài đang sẵn lòng ban tặng cho chúng ta tất cả các vị thánh trên trời nói chung, và cho từng vị thánh nói riêng, vì tập lệ tốt lành mà họ đã tạo ra từ những ân sủng đó và vì sự bền chí của họ trong việc thực hành những công việc tốt lành cho đến cuối cùng. Chúng ta nên tạ ơn Chúa vì tất cả những điều đó, bởi vì họ đã thực hành hết sức tốt lành bài học đầu tiên mà Chúa chúng ta đã dạy họ và dạy chúng ta: ‘Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ’ (Mt 5: 3) (CCD: XI: 382).
[3] Chiều kích thứ ba mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt ra cho chúng ta là đào tạo. Đây là một chủ đề quan trọng đối với chúng ta từ lúc thành lập Tu hội. Hiến pháp của chúng ta rất rõ ràng khi tuyên bố rằng mọi thành viên được kêu gọi trở thành một nhà đào tạo (nhà đào tạo hàng giáo sĩ và nhà đào tạo những ai muốn gia nhập Tu hội). Ngày nay, chúng ta được mời gọi trở thành nhà đào tạo các thành viên của nhiều nghành khác nhau trong Gia đình Vinh Sơn và trong cách thức đào tạo họ trở thành các nhà truyền giáo hữu ích và hữu hiệu hơn cho người nghèo.
[4] Chiều kích thứ tư, cũng liên quan đến đặc sủng của chúng ta, là truyền giáo bác ái. Ở đây, chúng ta nhớ lại những lời mà thánh Vinh Sơn đã nói với các thành viên của mình khi ngài nói rằng, họ gia nhập Tu hội không chỉ để truyền giáo cho người nghèo mà còn hỗ trợ người nghèo trong các nhu cầu vật chất nữa. Hành động theo cách đó là rao giảng Tin Mừng bằng cả lời nói và việc làm, và đó là cách thức hoàn hảo nhất; đó cũng là những gì Chúa chúng ta đã làm (CCD: XII: 78). Chúng ta không chỉ được kêu gọi để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của người nghèo mà chúng ta còn phải thực hiện sứ mạng của mình bằng tình yêu: chúng ta đã được Thiên Chúa chọn là những công cụ vững chắc của Người, được định để củng cố và mở rộng tình phụ tử nơi các linh hồn (CCD: XII: 214). Đây là điều phải được thực hiện mọi lúc mọi nơi: lòng bác ái không thể ăn không ngồi rồi; lòng bác ái thúc đẩy chúng ta làm việc để cứu rỗi và an ủi người khác (CCD: XII: 216)… chúng ta đã được sai đi không chỉ để yêu mến Thiên Chúa mà còn làm cho Thiên Chúa được yêu mến (CCD: XII: 215).
Trong tháng truyền giáo đặc biệt này, chúng ta cần suy gẫm về đặc sủng của chúng ta từ quan điểm của bốn chiều kích đó. Theo cách này, chúng ta sẽ được khích lệ để làm chứng cho niềm vui của chúng ta, với tư cách là các nhà truyền giáo khi tái khám phá tinh thần truyền giáo và cam kết rao giảng Tin Mừng của chúng ta dù là thường niên hay ngoại thường.
Có rất nhiều sự kiện mà chúng ta phải chú ý trong tháng này: mong muốn của cha Bề trên Tổng quyền của chúng ta là có 1% tổng số thành viên trong các nhiệm vụ ad gentes, việc công bố lời mời gọi truyền giáo mới (2019) sẽ chỉ ra các nhu cầu và địa điểm truyền giáo mới, Hội nghị Pan-Amazon mời gọi chúng ta canh tân cam kết chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Trong tháng này, chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần canh tân cam kết Kitô giáo và ơn gọi truyền giáo của chúng ta.
[1] Vinh Sơn Phaolô, Thư tín, Các bài nói chuyện, Các Tài liệu, các dịch giả: Helen Marie Law, DC (Vol. 1), Marie Poole, DC (Vol. 1-14), James King, CM (Vol. 1-2), Francis Germovnik, CM (Vol. 1-8, 13a-13b [Latin]), Esther Cavanagh, DC (Vol. 2), Ann Mary Dougherty, DC (Vol. 12); Evelyne Franc, DC (Vol. 13a-13b), Thomas Davitt, CM (Vol. 13a-13b [Latin]), Glennon E. Figge, CM (Vol. 13a-13b [Latin]), John G. Nugent, CM (Vol. 13a-13b [Latin]), Andrew Spellman, CM (Vol. 13a-13b [Latin]); edited: Jacqueline Kilar, DC (Vol. 1-2), Marie Poole, DC (Vol. 2-13b), Julia Denton, DC [editor-in-chief] (Vol. 3-10, 13a-13b), Paule Freeburg, DC (Vol. 3), Mirian Hamway, DC (Vol. 3), Elinor Hartman, DC (Vol. 4-10, 13a-13b), Ellen Van Zandt, DC (Vol. 9-13b), Ann Mary Dougherty (Vol. 11-12 and 14); annotated: John W. Carven, CM (Vol. 1-13b); New City Press, Brooklyn and Hyde Park, 1985-2014, volume I, p. 276. Trong tương lai, các tham chiếu của tác phẩm này sẽ được chèn vào văn bản qua việc dùng chữ đầu [CCD] sau đó là số thứ tự của quyển sách và số trang, chẳng hạn: CCD: I: 276.