Cha Giuseppe Alloatti, một nhà truyền giáo thánh thiện của Giáo hội Đông phương

0
729

ERMINIO ANTONELLO C.M.

Vào ngày 27 tháng 3 năm 1933, cha Giuseppe Alloatti CM (1857-1933), một nhà truyền giáo trong số những người Bulgaria theo nghi thức Công giáo Đông phương Byzantine-Slavic ở Bulgaria và Macedonia ngày nay, đã qua đời tại Nhà An Bình ở Chieri, nơi cha đang được điều trị y tế. Cha mất ở độ tuổi 76. Cha về với Chúa khi đã hoàn toàn bị mù và điếc, kiệt sức vì miệt mài trong việc truyền giáo của mình. Như thể tình trạng này đã chuẩn bị cho cha tách mình ra khỏi mọi sự, để chỉ dành riêng cho Đức Kitô đang sống trong Bí tích Thánh Thể, Đấng mà cha đã yêu mến một cách đặc biệt.

Gia đình

Gia đình cha sống ở Villastellone, ngoại ô Turin, và là một gia đình Công giáo đạo đức. Thân phụ của cha là ông Pietro, kết hôn với bà Caterina Chicco vào năm 1856, từ đó có sáu người con được sinh ra từ năm 1857 đến năm 1868, Giuseppe là con cả, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1857. Eurosia, cô em gái nhỏ hơn cha hai tuổi, là người sẽ theo cha đến truyền giáo tại Bulgaria và sẽ đồng sáng lập các Nữ tu Thánh Thể. Người con trai thứ ba, Melchor, cũng gia nhập Tu hội Truyền giáo. Cristina, người con thứ tư, cũng được thánh hiến cho Thiên Chúa trong số các Nữ tu Sacramentine (các sơ Khiếm thị). Những ơn gọi dâng hiến này cho thấy lòng đạo đức sâu xa ngự trị trong ngôi nhà của ông bà Caterina và Pietro.

Giuseppe đã bị thử thách ngay từ khi mới sinh ra. Ca sinh nở khó khăn và bà hộ sinh của cậu đã vụng về khi thao tác các dụng cụ, nên đã khiến mắt trái của cậu bị tổn thương nghiêm trọng. Sau khi học xong tiểu học, Giuseppe đi học ngữ pháp. Nhưng vào năm 1872, căn bệnh đau mắt ngày càng nặng, khiến cậu phải bỏ dở việc học của mình. Vì vậy, ông nội của cậu đã đưa cậu vào làm việc trong xưởng vải của mình. Cậu làm việc ở đó hai năm, nhưng tuổi trẻ bồng bột khiến cậu không được ở yên. Cậu muốn tiếp tục việc học của mình với mục tiêu trở thành một linh mục. Tuy nhiên, làm thế nào để cậu có thể vượt qua tình trạng suy giảm thị lực của mình?

Tận hiến cho Thiên Chúa như một nhà truyền giáo

Vào thời điểm đó, người ta đã nói nhiều về những cách chữa bệnh thần kỳ ở Lộ Đức. Cậu đã xin được một chai nước nhỏ từ Hang đá Massabielle và bắt đầu tuần cửu nhật với Đức Trinh Nữ Maria. Ngày nào cậu cũng rửa mắt bằng nước đó. Vào cuối tuần cửu nhật, vào ngày 23 tháng 6 năm 1873, đối với cậu, dường như có điều gì đó đã xảy ra với con mắt bị bệnh. Cậu ta che đi con mắt tốt của mình và ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, cậu cũng có thể nhìn thấy với con mắt bị bệnh trước kia. Sự kiện kỳ ​​diệu này đã mở ra cánh cửa cho ước muốn của cậu và vào mùa thu năm sau, 1874, ở tuổi 17, Giuseppe vào trường Cao đẳng Scarnafigi, ở tỉnh Cuneo.

Trong ba năm ở đó, Giuseppe nảy sinh ước muốn trở thành một nhà truyền giáo để thu phục các linh hồn cho Chúa. Cậu có ước muốn cách mãnh liệt được đi truyền giáo ở Trung hoa. Vào ngày 27 tháng 9 năm 1877, ở tuổi hai mươi, cậu gia nhập Tu hội Truyền giáo và bắt đầu Nội Chủng viện tại Nhà An Bình ở Chieri. Tại đây, cậu đã làm sâu sắc thêm mối ràng buộc của mình với Đức Ki tô bằng một phương châm đơn sơ và xác tín: “Yêu mến, chịu đau khổ và làm mọi điều cho Thiên Chúa, đó là ý muốn duy nhất của tôi: đó là ước muốn của tôi!”

Hai năm sau, ngày 29 tháng 10 năm 1879, Giuseppe làm lời khấn và sau 4 năm thần học, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 24 tháng 9 năm 1882. Đầu tháng 10, cha Tổng quyền, cha Antonio Fiat, gọi ngài đến Paris và trao cho ngài bài sai truyền giáo: đó không phải là Viễn Đông, mà là Trung Đông, cụ thể là Thessalonika, thủ đô của Macedonia. Trở lại Turin, Giuseppe nhận được sự chúc phúc của mẹ mình, từ trên giường bệnh của bà, và vào ngày 19 tháng 10, cha lên đường đến Thessalonika. Cha đến đó vào ngày 30 tháng 10 với hành lý rất nhẹ nhàng, gồm một số quần áo và ba cuốn sách: Kinh Thần Vụ, Gương Chúa Giêsu và Thần khúc của Dante.

Ở Macedonia, trong số người dân Bulgaria

Vào thời điểm đó, khu vực Macedonia, vùng đất phía bắc cổ của Hy Lạp cổ đại, bị tranh chấp giữa các nhóm dân tộc khác nhau (người Bulgaria, người Serb và người Hy Lạp) và trong nhiều thế kỷ nằm dưới sự thống trị của người Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Ottoman. Đặc biệt, khu vực xung quanh Thessalonika là một lãnh thổ rất gần với vùng đất của người dân Bulgaria. Trong mọi trường hợp, khu vực này là đa văn hóa, với thành phần chính là người Slavơ và phần đông người Bulgaria, và về tôn giáo, bị chi phối bởi nghi thức Hy Lạp Đông phương.

Cha Alloatti ngay lập tức nhận ra rằng, để thực sự phục vụ người dân Bungari và vượt qua sự ngờ vực của các linh mục theo nghi thức Latinh, ngài phải đồng nhất với dân chúng ở đây. Vì lý do này, ngay khi đến nơi, cha đã bắt đầu học tiếng Bungari và học tiếng Xlavơ cổ để cử hành phụng vụ theo nghi thức Byzantine-Slavic. cha học tiếng Bungari lưu loát đến nỗi có thể nói như tiếng mẹ đẻ.

Sau khi thông thạo phụng vụ và ngôn ngữ, cha đã đi qua nhiều ngôi làng của Macedonian trong chuyến đi truyền giáo của mình trong khoảng mười lăm năm. Cha đã đảo qua vùng này trên lưng ngựa. Và cha đã thích nghi với tình trạng nghèo đói cùng cực của người dân. Cha được cư dân chào đón và đã sống như họ. Họ không có giường và cha nằm trên một tấm chiếu trong cùng phòng với gia đình chủ nhà, thường có lừa và bò, cũng không có bàn ghế, và cha nằm ăn trên đệm và trên cùng một đĩa với gia đình chủ nhà. Cha ăn chay theo nghi thức đông phương trong khoảng 180 ngày một năm, không được ăn thịt, các sản phẩm từ sữa, trứng, cá hoặc dầu ô liu, cha đã sống một cuộc sống cực kỳ khổ hạnh.  

Cách sống này lúc đầu hẳn đã khiến cha phải trả giá rất nhiều, xuất thân từ một gia đình có đẳng cấp xã hội cao hơn, nhưng cha đã phục tùng nó mà không coi đó như một gánh nặng và cha thích nghi một cách vui vẻ để thu phục những người này đến với Tin Mừng. Việc học tập hòa nhập này ở giữa người dân Bulgaria, đã khiến cha nhận ra sự thờ ơ lạnh nhạt lòng đạo của dân chúng. Cha viết cho cha Tổng quyền: “Thật không may, chúng không phải là nhà thờ, mà là chuồng ngựa của Bethlehem…” Và điều khiến cha chú ý nhất là việc thờ ơ với Mình Thánh Chúa. Cha nhận thấy rằng, Mình Thánh thường được giữ trong một hộp thiếc bọc giấy bẩn màu vàng. Cha viết lại cho cha Tổng quyền vào ngày 10 tháng 2 năm 1885: “Con thấy dưới bàn thờ có hai hoặc ba cuốn sách đã bị đốt cháy, có những trang bị nhuốm màu đã trở nên không thể đọc được. Ở giữa chúng, con thấy một hộp thiếc nhỏ, đã được dùng để đựng cà phê. Thưa cha, sự thất kinh của con là gì, khi con mở lon và thấy Mình Thánh được gói trong một tờ giấy bẩn và dính dầu mỡ. Con khuỵ xuống và không cầm được nước mắt.”

Thành lập hội dòng các Nữ tu Thánh Thể

Trong hoạt động truyền giáo của mình, cha nhận ra tầm quan trọng của sự hiện diện tu sĩ địa phương. Vì vậy, với sự giúp đỡ của cô em gái Eurosia, người đã cùng cha đến Bulgaria, cha đã thành lập một hội dòng gồm các chị em bản xứ, mà cha đặt tên là các Nữ tu Thánh Thể. Đó là vào năm 1889. Từ đó trở đi, cha Alloatti đã dành nhiều thời gian để huấn luyện họ. Cha đã chuẩn bị các Quy luật cho họ. Ngài coi sự tuân phục nghiêm ngặt trở thành trục hiệp nhất giữa các chị em, như một dấu chỉ lịch sử và nhất quán của Sự Hiện diện Thánh Thể mà họ tôn thờ. Các chị em bắt đầu lan rộng khắp Macedonia thành các nhóm nhỏ trong các cộng đồng khác nhau mà chẳng bao lâu sau bắt đầu hình thành. Sáu cộng đoàn đầu tiên “gần gũi đến mức họ dường như là một với cộng đoàn Mẹ”, một nhân chứng đã nói.

Từ nhiều làng, người ta đã yêu cầu sự hiện diện của các chị em để duy trì trật tự trong nhà thờ các giáo xứ, giáo dục trẻ em và dạy giáo lý cho người lớn. Các giáo xứ nơi các chị làm việc thay đổi nhanh chóng. Đối với một số ít những người Công giáo Bulgaria ở Macedonia (chỉ vài nghìn người), thật là ảo tưởng khi mong đợi một sự phát triển vượt bậc của tu viện: tuy nhiên, trong hai thập kỷ, cho đến trước Đại chiến, có 31 chị em trong 6 nhà. Ở Paliurtsi, nơi có tập viện, họ có một trại trẻ mồ côi với 36 bé gái.

Tình hình chính trị xã hội không ổn định. Những năm 1912-1913 chứng kiến ​​sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc ở Macedonia giữa những người Bulgari, Serb và Hy Lạp, những người nổi dậy chống lại sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ (Chiến tranh Balkan). Cuộc nổi dậy đã dẫn đến một thời kỳ giao tranh đẫm máu. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914 và quân đội của Entente vượt qua Dardanelles vào Macedonia, lãnh thổ này đã bị mắc kẹt giữa hai trận hỏa hoạn. Các nữ tu buộc phải chạy trốn về phía bắc Macedonia, đến Skopje. Khi chiến tranh kết thúc, việc ở lại Skopje của các nữ tu trở nên bất khả kháng. Sơ Eurosia đã chết vì khó khăn vào năm 1919. Chính quyền Serbia đã chiếm nhà của các nữ tu. Trong bối cảnh vô cùng bất an này, cha Giuseppe, được sự khuyến khích của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XV, đã chuyển phần nhỏ còn lại của cộng đoàn đến Sofia, thủ đô của Bulgaria, vào năm 1920. Tại đây, cộng đoàn đã sớm bắt đầu một cuộc sống mới, đặc biệt là vào năm 1925, Đức Ông Roncalli, Giáo hoàng tương lai Gioan XXIII, đã đến Bulgaria với tư cách là đại diện tông tòa và phụ trách việc giúp đỡ cộng đoàn. Tuy nhiên, giữa lúc đó, cha Alloatti đổ bệnh.

Những ngày cuối đời

Năm 1927, cha trở lại Turin để điều trị. Ngay sau đó, cha Tổng quyền yêu cầu cha không trở lại Bulgaria nữa. Vâng lời như vốn có, cha chấp nhận, chịu đựng sự chia cắt khỏi mảnh đất mà mình yêu mến và những người anh chị em yêu thương của ngài. Tại Turin, cơ thể cha suy yếu và cha được chuyển đến Chieri. Đó là lần hồi tâm cuối cùng dành cho cha. Cha bước vào một thời gian dài im lặng và dành thời gian để chầu trước Thánh Thể. Vào ngày 24 tháng 3 năm 1933, trước Lễ Truyền Tin, cha cảm thấy rất yếu. Vào ban đêm, cha em Melchor đã ban các bí tích cho cha và ba ngày sau, vào ngày 27 tháng 3, cha qua đời.

Khuôn mẫu và tính cách thiêng liêng của cha

Cha E. Cazot trong Annales viết: “Cha ấy là một nhà truyền giáo, theo đúng nghĩa của từ này. Trong nhiều năm, khi thi hành sứ vụ tại các làng mạc Macedonia, ngài thấy mình đang sống hoạt động tông đồ của mình theo cách mà cần phải có ở đó để biết ngài đại diện cho điều gì về sự đau khổ và sự từ bỏ bản thân. Tôi không biết liệu một nhà truyền giáo khác có sống một cuộc đời anh hùng hơn cha ấy hay không. Cha đã hãm mình cách phi thường… lòng đạo đức đi đôi với sự hãm mình của cha. Và mặc dù thực hành một lối sống khắc khổ, nhưng cha Alloatti vẫn luôn là một người niềm nở và đáng mến.” Là một thành viên Vinh Sơn thực sự, cha có mong muốn được từ bỏ tuyệt đối để theo Chúa Quan Phòng. Trung tâm của đời sống nội tâm của cha là Bí tích Thánh Thể. Cha Alloatti là một tay thợ gặt chăm chỉ. Cha đã làm việc rất nhiều và viết rất nhiều.

Khởi động án phong Chân phước

“Có một quá trình thẩm tra mở án phong chân phước cho cha Alloatti” – Đức Tổng Giám mục Cesare Nosiglia, Tổng Giáo phận Turin đã thông báo như thế vào 16 tháng 6 năm 2021. Đã có và có hơn nữa danh thơm tiếng tốt cho sự thánh thiện, nhận ra rằng cha đã là một mẫu gương sáng cho Gia đình Vinh Sơn như thế nào và cho toàn thể Giáo hội. Và muốn được chấp nhận bởi cáo thỉnh viên, cha Giuseppe Guerra.

Các bước đã được thực hiện theo như yêu cầu của các vị phụ trách trong Bộ Phong thánh và đã được ban hành vào ngày 26 tháng 2 năm 2019. Tương tự như thế, một quan điểm tích cực từ Hội đồng Giám mục Piedmontese vào ngày 2 tháng 3 năm 2021.

Vào thứ hai, ngày 12 tháng 06 năm 2021, trong tiến trình thứ hai và thứ ba, Ban thẩm tra giáo phận về án phong chân phước của ngài đã tiếp tục. Các tiến trình đã được tổ chức tại Nhà Mẹ của các Nữ Tử Bác Ái ở San Salvario, nơi Đức Tổng Giám mục Cesare Nosiglia, thiết lập ủy ban phong thánh. Do đó các nhân chứng đã được lắng nghe từ bắt đầu ở San Salvario. Tuy nhiên, trước khi các nhân chứng bắt đầu, các thành viên của ủy ban lịch sử đã được chỉ định bởi Đức Tổng Giám mục, gồm cha Luigi Mezzadri; cha Luigi Nuovo và sơ Maximiliana Nikolova, đã tuyên thệ hoàn thành trách nhiệm trong sự trung tín và chính trực.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ từ cmglobal.org