Thông thường khi nói về các sách Tin Mừng người ta liền nghĩ về Đức Giêsu. Vì đó là các sách viết về cuộc đời cũng như sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng của Ngài trước khi về trời. Điều này là một điều hiển nhiên. Tuy vậy, đó không phải phải là những sách chỉ viết về việc Đức Giêsu Kitô không mà thôi, nhưng ở đó là tất cả kho tàng mặc khải của Chúa Giêsu về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Riêng trong các văn phẩm Luca thì Chúa Thánh Thần được nói đến rất nhiều. Sách Công vụ Tông Đồ là những trang sách nói về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh thật tuyệt vời. Thế nhưng, ở bài viết này xin được trình bày sơ lược hình ảnh Chúa Thánh Thần trong Tin Mừng Luca qua cuộc đời hoạt động rao giảng của Đức Giêsu. Qua đó thấy được vai trò của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ và mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần như thế nào.
Trong những trang đầu của sách Sáng Thế đã nói đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công trình tạo dựng “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Thần Khí này được nói đến trước Lời để thấy rằng toàn bộ công trình của Thiên Chúa là một sức sống, Lời và Thần Khí như hai bàn tay của Thiên Chúa tạo thành.
Nơi Tin Mừng Luca sự hiện diện của Thần Khí trong công trình của Đức Giêsu cũng xuất hiện từ rất sớm. Thánh Thần đó đã hiện diện ngay từ đầu và trước khi Ngôi Lời nhập thể làm người. Cũng chính Chúa Thánh Thần đó hiện diện trong suốt cuộc đời công khai rao giảng của Đức Giêsu. Như vậy chúng ta hãy tìm hiểu về Chúa Thánh Thần trong Tin Mừng Luca trong các biến cố:
1. Thánh Thần trong biến cố truyền tin cho ông Dacaria
Hình ảnh Thánh Thần được thấy đầu tiên trong Tin Mừng Luca là trong biến cố truyền tin cho Dacaria. Khi sứ thần hiện đến và nói cho Dacaria về đứa con mà ông sắp được ban cho “vì nó sẽ làm lớn trước mặt Chúa; rượu chua, chất say, không hề uống; từ trong lòng mẹ sẽ được đầy Thánh Thần” (Lc 1,15). Được đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ, đây là lời tiên báo của sứ thần về Gioan tẩy giả. Điều này diễn tả điều mà sau này khi bà Elisabeth nghe lời chào của Đức Maria (Lc 1,14) thì hài nhi nhảy lên sung sướng. Đó chính là vai trò ngôn sứ của ngài, vai trò này bắt đầu thậm chí trước khi sinh (Is 49,1; Gr 1,5; Gv 49,7; Gl 1,15).
Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn Gioan, và ông sẽ không để đánh mất sự sự hướng dẫn ấy từ những việc thuộc xác thịt (Ep 5,18). Luca đã tường thuật sự bộc phát của Thần Khí ngôn sứ được tỏ lộ ra qua lời nói và chúc tụng. “Được đầy Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Elia, em sẽ đi trước mặt Chúa….” Bởi vì Đấng Mêssia đã không được đề cập đến ở đoạn này, nhưng trình thuật Luca nói rõ ràng rằng “sự đến của Thiên Chúa là thật sự trong Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi con người của Gioan để ông trở nên ngôn sứ của Đấng Mêsia.”
2. Thánh Thần trong biến cố truyền tin cho Đức Maria
“Ðáp lại, thiên thần nói với bà: “Thánh Thần sẽ đến trên người, và quyến năng Ðấng Tối cao trên người rợp bóng; bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa!” (Lc 1,35). Chúa Thánh Thần là hành động phi thường của Thiên Chúa, Ngài là quyền năng sáng tạo (St 1,2; Tv 33,6; Ez 37,14). Khi Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất từ không qua quyền năng Thánh Thần, nên người cũng tham dự vào việc nhập thể của Ngôi Lời là Đức Giêsu. Động từ “sẽ đến” xảy ra 7 lần trong Luca-Công vụ Tông đồ (David E Garland). Và song song nơi Is 32,15 nói đến một hình ảnh rõ ràng là không hàm ý tính dục. Điều này tương tự như khi sử dụng “rợp bóng” là hình ảnh nói lên sự hiện hiện và những hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa (Xh 40,35). Điều này cho thấy Chúa Thánh Thần hiện diện ở đây để nói đến quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc qua Chúa Thánh Thần. Và hành động của Thánh Thần cũng làm nên sự thánh thiện “con trẻ sẽ được gọi là thánh”, tức là được thánh hiến cho Thiên Chúa.
3. Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth
“Và xảy ra là thoạt Êlisabet nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ, và Êlisabet được đầy Thánh Thần” (Lc 1,41). Bà Elisabeth đã cảm nhận việc hài nhi nhảy lên trong lòng mình khi nghe lời chào của Đức Maria là sự nhảy mừng trong niềm vui (Lc 1,44). Vì Dacarria thì im lặng, bà thì không biết lời tiên báo của sứ thần rằng hài nhi sẽ được tràn đầy Thánh Thần trước khi sinh (Lc 1,15). Nhưng người nghe cảm nhận được sự nhảy mừng này là do cảm hứng bởi Chúa Thánh Thần và chứng nhận căn tính thần linh của Đức Giêsu. Sự nhảy mừng này nhằm diện tả thời đại của Đấng Mêsia (Lc 6,23). Sự đầy tràn Thánh Thần đã dẫn Elisabeth đến việc nhận ra Thiên Chúa đã can thiệp trong đời sống của Đức Maria và bà mở miệng ra để ca khen sự chúc lành của người. Chúa Thánh Thần làm những điều mới, nhưng Chúa Thánh Thần thì không là điều mới.
4. Bài ca chúc tụng của Dacaria
“Còn Zacarya thân phụ em được đầy Thánh Thần, thì nói tiên tri rằng…” (Lc 1,67). Đây cũng là cách nói của Luca khi nói Dacaria được đầy Thánh Thần. Sự khởi hứng của Chúa Thánh Thần đã làm cho ông mở miệng nói những lời ngôn sứ. Theo văn hóa Do thái thì sự khởi hứng Thần Khí ngôn sứ đã suy tàn ở kỷ nguyên này (David E Garland). Tuy nhiên ở đây Luca đã tỏ cho biết Chúa Thánh thần thì hành động, thúc đẩy Elisabeth, Dacaria và cả Simeon nói tiên tri. Điều này là một hiện tượng là và có lẽ xuất hiện khi Đấng Mêsia xuất hiện.
5. Đức Giêsu chịu phép cắt bì
Trong ngày lễ cắt bì của Đức Giêsu đã xuất hiện cụ già Simeon và ông cũng đã được đầy Thánh Thần: “Và này, ở Yêrusalem có một người tên Symêon, một người công chính và mộ đạo, những ngóng đợi niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần ở trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo là sẽ không phải chết, trước khi thấy được Ðức Kitô của Chúa… được Thần Khí thúc đẩy” (Lc 2,25-27). Luca đã mô tả quyền năng Thánh Thần luôn ở trên ông (impefect tense). Chúa Thánh Thần đã mang đến cho Simeon sự hướng dẫn thần linh. Dacaria và Elisabeth là người công chính chỉ sau khi Thánh Thần ngự xuống họ mới nói tiên tri và chúc tụng. Còn Simeon có khả năng nói tiên tri ngay hiện tại bởi Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy để ông lên đền thờ vào ‘giờ phút’ đặc biệt. Như vậy Luca trình bày Chúa Thánh Thần hướng dẫn ông hành động chứ không chỉ nói tiên tri và cũng không giống như thánh thi của Đức Maria và Dacaria đã xưng hô Thiên Chúa ở ngôi thứ 3, nhưng Simeon diễn tả Thiên Chúa bằng ngôi thứ 2. Sự ca ngợi của ông bắt đầu bằng từ “bây giờ”. Điều này Luca muốn nhấn mạnh rằng ngày mà người của Thiên Chúa chờ đợi từ lâu đã đến (Lc 1,48; 2,11). Thiên Chúa đã hoàn thành lời hứa là chính bản thân ông là sẽ không chết trước khi nhìn thấy Đấng Mêsia. Chúa Thánh Thần thực hiện một lời hứa và tác động hoàn thành chính điều ấy.
Như vậy theo Luca thì Elisabeth, Dacaria, Simeon được đầy tràn Thánh Thần của ngôn sứ, và thiên thần Gabriel tiên báo rằng Gioan sẽ được đầy Thánh Thần. Nhưng Chúa Thánh Thần đã không làm cùng một cách giống nhau nơi mỗi người, nhưng bằng những cách khác nhau và cả nơi Đức Maria.
6. Gioan tẩy giả rao giảng
“Nên Yoan đáp lại với mọi người rằng: Phần ta, ta thanh tẩy các ngươi bằng nước! Sẽ đến Ðấng quyền thế hơn ta, ta không đáng cởi quai dép Ngài; Ngài sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16). Gioan gọi Đấng, không phải là Kitô nhưng như là “Đấng mạnh hơn tôi”. Gioan thừa nhận vị trí thấp kém của mình trước Đấng ấy. Hình ảnh về phép rửa của Gioan trong lửa và Thánh Thần thì đầy sức mạnh mẽ. Lửa là một hình ảnh của sự tán dương quyền năng khác của Thiên Chúa trong văn hóa Do thái. Lửa không bị điều khiển, nó thiêu rụi mọi thứ, thanh luyện bất kỳ gì dưới sức nóng. Trong sự liên kết với Chúa Thánh Thần, nó đại diện cho luồng gió công lý của Đấng Mêsia mà điều đó tất cả sẽ được trải qua.
7. Đức Giêsu chịu phép rửa
“Và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như con chim câu, đáp xuống trên Ngài, và tự trời một tiếng phát ra: Con là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ” (Lc 3,22). Luca đã mô tả Chúa Thánh Thần đến “dưới dạng xác thể” trong sự trông thấy được như bồ câu ngự đến trên người, điều này đã được mô tả ở Mc 1,10. Hình ảnh Chúa Thánh Thần xuống với dạng hình thể truyền tải với kinh nghiệm rằng: điều đó không bị nhầm lẫn với suy nghĩ hoặc cảm giác đơn thuần, nhưng đó là một thực tại khách quan. Với lý do đó Luca cũng đã trình bày Thánh Thần đến như hình lưỡi lửa trên các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3-4). Như vậy Thánh Thần chính là thực tại thần linh đến từ Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu Chúa Thánh Thần đến trao quyền cho sứ vụ của Người. Đó là quyền năng rao giảng Tin Mừng về Đấng Mêsia.
8. Đức Giêsu chịu cám dỗ
“Ðức Yêsu đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Yorđan và được Thần Khí đưa vào sa mạc” (Lc 4,1- 2). Đức Giêsu đầy Thánh Thần, Luca đã không dùng kiểu nói khác các nhân vật trước đây như Elisabeth, Dacaria, Simeon, Gioan nhưng Luca đã chỉ dùng kiểu nói này cho Chúa Giêsu. Luca đã nói rằng trong chính phép rửa của Đức Giêsu thì Thánh Thần đã đến trên Người (Lc 3,22). Đầy Thánh Thần, điều này cho thấy Đức Giêsu không chiếm hữu bởi quyền năng bên ngoài nhưng xuất hiện như người nắm giữ Thần Khí và được xức dầu bởi Thần Khí. Luca thì có kiểu nói khác với Máccô khi nói sự kiện Chúa Giêsu vào sa mạc. Đức Giêsu được Thánh Thần ‘dẫn đi’ chứ không ‘đẩy’ vào trong sa mạc như kiểu nói của Máccô (Mc 1,12). Người được dẫn đi hay đưa vào sa mạc có ý muốn nói rằng Người đã vào sa mạc và Thánh Thần đã đang hướng dẫn Người. Luca muốn mô tả vai trò Chúa Thánh Thần như sự khởi hứng từ bên trong chứ không phải là sự hấp dẫn ép buộc từ bên ngoài.
9. Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng
“Ðức Yêsu trở về Galilê, trong quyền năng của Thần Khí và tiếng tăm Ngài lan ra khắp cả vùng xung quanh. Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan” (Lc 4,14;18). Khi khởi đầu sứ vụ công khai của mình thì được chính Chúa Thánh Thần tác động. Khi Chúa Giêsu bước vào sứ vụ trung tâm thì quyền năng Thánh Thần thì rõ ràng trong lời dạy và phép lạ mà người làm. Trong đoạn sách Isaia mà Đức Giêsu đọc thì giới từ ‘ở trên’ hàm ý một quyền lực ép buộc hơn là ở tự bên trong. Và Chúa Giêsu là Đấng được xức dầu, là Đấng Kitô. Việc xức dầu là quan hệ nhân quả với nghĩa vụ của việc giảng dạy. Việc xức dầu để trở thành Đấng Mêsia có một mối liên hệ chặt chẽ với Thần Khí. Rao giảng Tin Mừng về nước Thiên Chúa là gồm tóm sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu (Lc 4,43;7,22-23).
10. Cứ xin thì sẽ được
Một đoạn xem ra cách xa với những gì đã được nói về Chúa Thánh Thần nơi Đức Giêsu. Đoạn này là một lời hứa về việc Chúa Thánh Thần sẽ được ban cho những kẻ kêu xin người “Vậy nếu các ngươi, tuy là ác, còn biết lấy của lành làm quà cho con, thì huống hồ là Cha các ngươi, tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người” (Lc 11,13). Tất cả những quà tặng đến từ Thiên Chúa thì không phải bởi những lời cầu xin. Trong đó Thiên Chúa sự sẵn lòng ban cho chúng ta những gì mà ngài thấy cần thiết cho chúng ta. Trong đó Luca muốn nói rằng một người cầu xin cho nhiều thứ khác nhau, nhưng món quà tốt nhất cho người cầu nguyện là Chúa Thánh Thần.
11. Hãy nói công khai và đừng sợ
“Phàm ai nói lời nghịch đến Con người, điều đó sẽ tha được; nhưng với kẻ phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không tha được.” (Lc 12,10). Người tội lỗi khi hoán cải họ sẽ được tha. Nhưng khi Chúa Giêsu được đưa lên do bàn tay Thiên Chúa và lời hứa của Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa đã được đổ trên các môn đệ, nên những người loại trừ một cách có chủ tâm và bỏ qua những dấu chỉ được thực hiện qua Chúa Thánh Thần thì thật đáng buồn cho họ với một gánh nặng nề không vượt qua được của tội lỗi. Tiếp đó Luca nói về sự dạy dỗ của Chúa Thánh Thần “vì Thánh Thần sẽ dạy các ngươi ngay giờ đó những điều phải nói” (Lc 12,12). Chúa Thánh Thần sẽ điều khiển những điều gì cần nói trong giờ mà các chứng nhân phải bị thẩm vấn. Mục đích cuối cùng của sự can thiệp của Chúa Thánh Thần là không khởi đầu cho những cạm bẫy của sự cáo buộc nhưng để tuyên án cho những người nghe sự thật của Tin Mừng (2 Tm 4,17).
Kết luận
Như vậy Luca đã trình bày những hình ảnh cũng như những hành động khác nhau của Chúa Thánh Thần nơi Đức Giêsu và con người. Với Luca, Chúa Thánh Thần luôn là một quyền năng phi thường. Sự hoạt động của Ngài không thể bị bó buộc. Nhưng điều quan trọng là phải biết theo sự hướng dẫn của Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh. Và để cho Thánh Thần tự do hướng dẫn chúng ta trong công trình của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM
(Ghi chú: các trích dẫn Kinh Thánh sử dụng bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn)