Chúng Tôi Là Những Nhà Thừa Sai Thuộc Tu Hội Truyền Giáo

0
1119

Trước đây, có người hỏi tôi: “thầy là tu sĩ dòng nào?” Tôi đã mau mắn và tự hào trả lời rằng: “tôi là tu sĩ dòng Vinh Sơn.” Cho đến khi được cầm cuốn Hiến pháp của Tu hội Truyền giáo trên tay, tôi đọc được những lời này trong Phần I, điều số 3: “Tu hội Truyền giáo là một hiệp hội giáo sĩ đời sống tông đồ và thuộc quyền Giáo hoàng, trong đó, các thành viên theo đuổi một mục đích tông đồ riêng biệt, theo di sản do thánh Vinh Sơn để lại và được Giáo hội phê chuẩn.[1] Và trong Đoản sắc Ex Commissa Nobis được ban hành ngày 22 tháng 9 năm 1655, Đức Giáo hoàng Alexandrô VII phê chuẩn việc tuyên các lời khấn đơn trong Tu hội Truyền giáo  , có đoạn ghi rất rõ: “Tu hội không được kể vào số các Dòng tu, nhưng thuộc về hàng giáo sĩ triều.” Tôi nhớ lại câu trả lời vội vàng thiếu hiểu biết của mình trước đây và bắt đầu tìm hiểu kỹ càng tên gọi chính xác dành cho các thành viên thuộc Tu hội Truyền giáo.

Trước tiên, tôi tìm kiếm định nghĩa về đời sống thánh hiến với các yếu tố rút ra từ Hiến chế Lumen Gentium – Ánh sáng muôn dân của công đồng Vaticanô II, số 43, 44. Câu định nghĩa có vẻ hơi luộm thuộm về cuộc đời thánh hiến, nhưng khá chi tiết và đầy đủ: Đi theo Chúa Kitô; Tác động của Chúa Thánh Thần; Thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa; Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; Tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm; Kết hợp đặc biệt với Giáo hội bằng đức ái để phục vụ nước trời; Trở thành dấu chỉ sáng chói báo hiệu cuộc sống mai sau. Bên cạnh đó đời sống thánh hiến phải có: Một lối sống vững chắc thành lập do thẩm quyền của Giáo hội; Các tín hữu được tự do lựa chọn và các Tu hội được tự do nhận vào; Các lời khấn buộc các tu sĩ dòng, các hình thức ràng buộc khác cho các Tu hội đời.

Kế đến, dựa trên Bộ Giáo luật mới, ban hành năm1983, tôi có một số khái niệm sau:

 Tu hội Dòng (Dòng tu): thuộc Tu hội Thánh hiến, trong đó các thành viên tuyên giữ các lời khấn công vĩnh viễn hay tạm thời, nhưng họ phải tuyên khấn lại khi mãn hạn, tùy theo luật riêng. Các Tu sĩ dòng chung sống đời huynh đệ (cộng đoàn).[2]

Tu hội Đời: là một Tu hộị Thánh hiến, không có lời khấn công mà chỉ có mối dây ràng buộc thánh. Các Kitô hữu trong Tu hội không có đời sống chung nhưng sống giữa đời, chính ở điểm này tạo nên bản chất của họ.[3]

Tu đoàn Tông đồ: không thuộc các Tu hội Thánh hiến, các thành viên Tu đoàn Tông đồ không có lời khấn công, họ sống chung như anh em theo một lối sống riêng, để vươn tới sự hoàn hảo của đức ái qua việc tuân giữ Hiến pháp. Trong số các Tu đoàn ấy, có những Tu đoàn mà các thành viên đảm nhận các lời khuyên Phúc âm bằng một mối ràng buộc nào đó do Hiến pháp quy định.[4]

Từ những khái niệm trên, tôi nhận định: từ “tu sĩ[5] chủ yếu được dùng cho những ai thuộc Các Tu hội Dòng. Còn với các thành viên của Các Tu đoàn Tông đồ sẽ mang những danh xưng thích hợp tùy theo quy định của chính những Tu đoàn đó. Tới đây, tôi bắt đầu bước vào hành trình tìm danh xưng của Tu hội Truyền giáo theo tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của Tu hội.

Thành Lập Tu hội

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1617, trong lâu đài của gia đình Gondi trên đường Pavée thuộc giáo xứ Saint-Sauveur, Tu hội của những nhà truyền giáo đã được thành lập. Tuy nhiên, vấn đề là người ta không biết rõ: đó là một “hiệp hội đạo đức,” một “tập họp,” một “cộng đoàn” hay một “huynh đoàn.” Tất cả những danh xưng này đều có thể được áp dụng cho Tu hội mới thành lập này.[6]

Mục đích ban đầu của việc thành lập Tu hội các nhà truyền giáo rất rõ ràng: rao giảng Tin Mừng cho người nghèo ở thôn quê, đặc biệt trong lãnh thổ gia đình Gondi.[7]

Sự Phê Chuẩn Của Giáo hội Và Sự Chấp Thuận Có Tính Pháp Lý

Tu hội mới thành lập nhanh chóng nhận được sự phê chuẩn của Tổng Giám mục Paris, Jean Francois de Gondi, ngày 24 tháng 4 năm 1626. Sau đó, vào tháng 5 năm 1627, vua Louis XIII đã công nhận Tu hội về mặt pháp lý. Tuy nhiên, để có được những phê chuẩn của Giáo phận cũng như của nhà vua, “Tu hội nhỏ bé[8] gặp không ít khó khăn: sự phê chuẩn của nhà vua phải được sự đồng ý của Pháp Viện tối cao ở Paris; Nhiều cha xứ ở Paris lại phản đối việc phê chuẩn vì họ e ngại ảnh hưởng của các nhà truyền giáo trên giáo xứ của họ. Một vị đại diện lý luận rằng: “Mặc dù theo nguyên tắc và nguồn gốc nguyên thủy của thể chế của họ, tất cả mọi Tu hội đều rất trong sáng và còn được đặt nền tảng trên những suy nghĩ đạo đức cao siêu, nhưng với thời gian, tham vọng và tính bủn xỉn làm cho các Tu hội này thay đổi hoàn toàn.”[9]

Sự Phê Chuẩn Của Tòa Thánh

Những phê chuẩn của Giáo phận và của nhà vua không hoàn toàn thỏa mãn được những khát vọng của cha Vinh Sơn. Cha ao ước được Tòa thánh công nhận và trao cho Tu hội một giấy chứng minh trong Giáo hội hoàn vũ. Vì thế, trong năm 1627, cha đã trình bày trước Bộ Truyền bá Tin mừng một thỉnh nguyện phúc lành đặc biệt cho các nhà truyền giáo. Vấn đề không phải là thiết lập một Tu hội. Cha Vinh Sơn không nói về Tu hội, về cộng đoàn, nhưng về “truyền giáo.” Truyền giáo là hạn từ chuyên môn để chỉ về những nhóm khác nhau chuyên lo hoạt động tông đồ mà nó thuộc Bộ Tuyền Bá Tin Mừng.[10] Sự phê chuẩn đã được công nhận vào ngày 5 tháng 11 và chỉ được ban cho một giai đoạn 7 năm. Thánh Bộ cũng tự giới hạn, khi nói về “truyền giáo” mà không sử dụng các từ ngữ “Tu hội,” “Hiệp hội” hay “Huynh đoàn.

Tuy nhiên, cha Vinh Sơn mong muốn một sự phê chuẩn như một “Tu hội.” Vì thế, vào tháng 6 năm 1628, cha đã gửi cho Đức Giáo hoàng Urbain VIII, một đơn thỉnh cầu dài: Xin thiết lập Tu hội; Bổ nhiệm cha Vinh Sơn như là Bề trên Tổng quyền; Các quyền hạn để thu nhận những hội viên mới là giáo sĩ và giáo dân; Để thiết lập những chuẩn mực và quy chế, chịu sự chuẩn y của Tòa thánh, giống như các Dòng tu hay các Tu hội khác; Thiết lập các nhà mới, ngay cả ở ngoài Giáo phận Paris, nhờ sự cho phép của các Giám mục sở tại; Tiếp nhận những quà tặng và quản lý chúng, mà không cậy nhờ vào Bản quyền địa phương; Những giấy phép thi hành mục vụ được cấp cho các nhà truyền giáo; Điều quan trọng nhất là miễn trừ giáo luật cho Tu hội mới này, đối với thẩm quyền của các Giám mục, và chỉ lệ thuộc trực tiếp với Tòa thánh.[11]

Thánh Bộ đã tỉ mỉ nghiên cứu đơn thỉnh cầu của Vinh Sơn, và vị thư ký xét thấy chúng có vẻ “thái quá”. Nếu chấp nhận đơn thỉnh cầu này, công việc có thể sẽ không còn là một việc truyền giáo đơn thuần nữa, nhưng biến thành một Hội dòng giống như các tu sĩ, với những công việc và một tinh thần thích hợp riêng biệt. Chính trong chiều hướng này mà sự phê chuẩn cho Tu hội dường như là thất bại.[12]

Cha Vinh Sơn không nản lòng theo đuổi vụ việc, bằng cách lưu ý đến những lý do của sự thất bại vừa qua, khi người ta coi Tu hội như là một Dòng tu mới. Cha đã thay đổi mục tiêu và chiến thuật, thay vì gửi thư cho Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, cha gửi thư cho Thánh Bộ các Giám mục và các Dòng tu, và thay vì gửi thư từ xa qua các người đưa thư một cách không chủ định, cha biệt phái đến ở Rôma một người đại diện riêng, là P. Francois du Coudray.[13] Sau nhiều lần cố gắng, Tu hội Truyền giáo đã được sự phê chuẩn nghiêm túc đúng như từ ngữ của nó, và theo những điều kiện mà vị sáng lập mong muốn, không phải bằng một phúc thư thường của Hội đồng các Giám mục và Tu sĩ, nhưng bằng một Sắc chỉ được chính Đức Giáo hoàng Urbain VIII phê chuẩn, ngày 12 tháng giêng năm 1633. Qua Sắc chỉ Salvatoris nostri, Đức Giáo hoàng xác nhận việc thiết lập và chuẩn y cho Tu hội Truyền giáo. Từ nay, Tu hội Truyền giáo không còn là việc “truyền giáo” trong phạm vi nơi chốn và thời gian bị hạn chế được nghĩ ra vào năm 1615, đây là một Tu hội thuộc quyền Giáo hoàng, được miễn trừ và được mở ra cho những phạm vi rộng lớn của Giáo hội hoàn vũ.[14]

Như vậy Tu hội Truyền giáo là một thực thể mới và đặc biệt về mặt giáo luật, một Tu hội giống như một Dòng tu nhưng lại giữ tính cách triều. Tu hội Truyền giáo thuộc hàng giáo sĩ triều.[15]

Giai Đoạn Phát Triển Tu hội Và Những Lời Khấn

Sau năm 1637, sĩ số của Tu hội Truyền giáo gia tăng nhanh hơn. Nguyên nhân và cũng là hiệu quả, có thể là vào năm đó, Tu hội sáng lập một loại tập viện cho các thỉnh sinh. Cha Vinh Sơn đã dùng từ “nội chủng viện,” thay vì “tập viện” để Tu hội sẽ không bị lẫn lộn với một Dòng tu.[16] Giám đốc Nội Chủng Viện đầu tiên là cha Jean de la Salle. Trong những năm 1648-1652, số người gia nhập Tu hội giảm nhiều vì cuộc nội chiến. Tính chung lại, suốt chặng đường cha Vinh Sơn làm Bề trên Tổng quyền, có 614 người gia nhập Tu hội, trong đó: 425 linh mục, 189 tu huynh. Sau khi cha Vinh Sơn qua đời (27 tháng 9 năm 1660), trừ những người rời khỏi Tu hội và những người qua đời, Tu hội có khoảng 250 thành viên.[17]

Mặc dù số thành viên Tu hội gia tăng, nhưng cũng có không ít những người rời bỏ Tu hội. Cha Vinh Sơn đã xác tín Tu hội cần phải có những lời khấn, vì đó không chỉ là phương tiện hữu hiệu để chữa trị bản tính hay thay đổi tự nhiên của con người,[18] mà còn là cách thế để các thành viên kết hợp mật thiết với Chúa, với Giáo hội của Ngài, kết hợp với bề trên Tu hội, với các thành viên khác như chi thể hợp nhất với đầu.[19]

Tuy nhiên, sẽ là trở ngại lớn cho một cộng đoàn linh mục triều khi thực hiện việc tuyên khấn, bởi những lời khấn sẽ biến họ thành một Tu hội dòng (Dòng tu) và các thành viên sẽ trở thành những tu sĩ. Đây cũng là lý do cơ bản phản đối việc tuyên khấn. Nó luôn được nhắc lại trong những cuộc tranh luận bàn về vấn đề này.

Trong khoảng thời gian 1633-1642, mặc dù chưa có Hiến pháp ra lệnh phải tuyên khấn, ngay cả sắc chỉ Salvatoris nostri cũng không đề cập đến bất cứ lời khấn nào, nhưng Tu hội vẫn tuyên khấn tùy ý cá nhân. Đến năm 1639, đa số các thành viên đều tuyên khấn bốn lời khấn và còn xem việc đưa thêm vào lời khấn vâng phục các Giám mục, khi thi hành các sứ vụ riêng biệt của Tu hội nữa. Cha Vinh Sơn cương quyết đưa việc tuyên khấn vào khuôn khổ Hiến pháp của Tu hội cho dù gặp phải mọi thứ chống đối đến từ bên trong cũng như bên ngoài Tu hội. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục cho đến ngay cả cuối cuộc đời của cha.[20]

Cha Vinh Sơn nghĩ rằng những “lời khấn đơn” sẽ cho các nhà truyền giáo tinh thần dòng tu mà không làm cho họ trở thành tu sĩ. Từ năm 1639, cha bắt đầu vận động xin Tòa thánh phê chuẩn các lời khấn. Trong khi chờ đợi cha Louis Lebreton lo việc ở giáo triều Rôma, cha Vinh Sơn đã trình bày vấn đề với tổng Giám mục Paris, Jean Francois de Gondi. Ngày 19 tháng 10 năm 1641, vị tổng Giám mục đã phê chuẩn dự án của cha Vinh Sơn: Những ai gia nhập Tu hội sẽ phải tuyên khấn để dấn thân suốt đời trong Tu hội; Các lời khấn này là “lời khấn đơn,” hoàn toàn không phải là “lời khấn công”; Không ai có thể nhận lời khấn nhân danh Giáo hội hay Tu hội; Chỉ có Đức Giáo hoàng, cha Vinh Sơn hoặc người kế vị cha mới có thể giải lời khấn; Mặc dù có các lời khấn này, Tu hội vẫn sẽ thuộc về hàng giáo sĩ triều và không thuộc về các Dòng tu.[21]

Thực sự, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách ổn thỏa, từ năm 1642 đến 1653, cuộc tranh luận về các lời khấn đã trở nên gay gắt đến nỗi nó gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất, mà Tu hội chưa bao giờ biết đến. Cốt lõi của vấn đề này vẫn là thắc mắc, không biết các lời khấn này có biến Tu hội trở thành một Dòng tu hay không, bởi vì điều này đi ngược lại với đặc tính nguyên thủy của Tu hội là Tu hội triều. Trong khi vẫn hy vọng Tòa thánh phê chuẩn các lời khấn, cha Vinh Sơn quyết định dùng một phương sách nhanh hơn, cha sẽ mang vấn đề này ra trước Tổng Đại Hội vào tháng bảy năm 1651. Trong Đại hội, mọi ý kiến xoay quanh vấn đề tuyên khấn đều được nêu lên và cuối cùng biên bản Đại hội không còn nói gì đến những biến chuyển của cuộc tranh luận này, nó chỉ ghi lại phần kết luận: “Toàn thể Đại hội đồng ý, là Tu hội nên giữ lại các lời khấn này. Để làm cho các lời khấn này trở nên xác thực hơn, họ thỏa thuận là họ sẽ mau cố tìm cho được sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng.”[22]

Cuối cùng, ngày 22 tháng 9 năm 1655, qua đoản sắc “Ex commissa nobis” Đức Giáo hoàng Alexandre VII, đã phê chuẩn việc tuyên “các lời khấn đơn về khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục cũng như kiên định trong Tu hội, với mục đích dâng hiến chính mình, trọn cả đời sống, để lo cho ơn cứu độ của người nghèo ở miền quê. Tuy nhiên, trong khi những lời khấn này được tuyên bố, sẽ không ai đứng ra nhận các lời khấn này nhân danh Tu hội hoặc nhân danh Chúa chúng tôi, hay nhân danh vị Giáo hoàng Rôma ở thời điểm đó”. Ngoài ra, ngài còn tuyên bố rằng: “Tu hội Truyền giáo  được miễn trừ khỏi quyền tài phán của các đấng Bản quyền địa phương trong mọi vấn đề, ngoại trừ những người được các bề trên của Tu hội giao phó công việc liên quan đến cuộc đại phúc, và những gig liên quan đến công việc này. Chúng tôi cũng minh xác rằng, vì thế, Tu hội không được kể vào số các Dòng tu, nhưng thuộc về hàng giáo sĩ triều.”[23]

Sau đó, cha Vinh Sơn tiếp tục thỉnh cầu lên Đức Giáo hoàng một lần nữa về sự việc giải thích lời khấn khó nghèo. Ngày 12 tháng 8 năm 1659, Đức Giáo hoàng tuyên bố: các nhà truyền giáo có thể sở hữu bất động sản và bổng lộc, nhưng họ phải dùng lợi tức để là việc bác ái hoặc giúp đỡ bố mẹ mình khi họ gặp khó khăn.

Tới giai đoạn này, sau 35 năm, cha Vinh Sơn đã hết sức kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Và chúng ta không biết phải khâm phục điều gì nhất: khả năng trực giác chắc chắn hay tính nhẫn nại bất chấp mọi chống đối của cha. Dù sao điều quan trọng vẫn là kết quả cho các cố gắng của cha đưa đến một điều hoàn toàn mới lạ: là một Tu hội thuộc hàng giáo sĩ triều, và còn được miễn chuẩn khỏi thẩm quyền địa phương và là một Tu hội có lời tuyên khấn.[24]

Vậy cuối cùng, người ta sẽ gọi các thành viên của Tu hội đặc biệt này là gì?

Thực ra, chính cha Vinh Sơn nhắc chúng ta, ngay từ ban đầu, người ta đã bộc phát gọi chúng ta là các “nhà truyền giáo.[25] Và quả thật, trong Luật Chung được viết: “Danh hiệu các nhà truyền giáo hay các linh mục truyền giáo, rõ ràng chỉ ra rằng công việc truyền giáo là quan trọng và chính yếu trong mọi sứ vụ chúng ta dành cho dân chúng. Và chúng ta không tự đặt danh hiệu ấy cho mình, nhưng được dân chúng sử dụng, điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa Quan Phòng đã ban danh hiệu ấy cho chúng ta. Vì vậy, Tu hội không bao giờ được thay thế những công cuộc truyền giáo này bằng những tác vụ khác có vẻ hiệu quả hơn. Thay vào đó, mỗi người sẽ hết lòng dấn thân vào công cuộc truyền giáo, và luôn luôn sẵn sàng đi truyền giáo khi đức vâng lời kêu gọi.[26] Cha Vinh Sơn cũng nói thêm rằng: “Nếu người ta hỏi anh em, tại sao lại vào Tu hội Truyền giáo? Anh em phải xác định rằng chính Chúa làm việc đó, để chúng ta làm việc: thứ nhất, cho sự hoàn thiện chính bản thân chúng ta; thứ hai, cho phần rỗi của những người nghèo; và thứ ba, cho việc phục vụ hàng giáo sĩ, và rồi trả lời: Tôi vào Tu hội Truyền giáo vì các việc đó.[27]

Kết luận: Ngay từ đầu, cha Vinh Sơn và các cộng sự đã thành lập một hiệp hội truyền giáo với mục đích rao giảng Tin Mừng cho người nghèo ở thôn quê, đặc biệt trong lãnh thổ gia đình Gondi.[28] Hiệp hội này đã cố gắng có được sự phê chuẩn của Giáo hội, sự chấp thuận có tính pháp lý của triều đình và được Đức Giáo hoàng Urbain VIII chính thức phê chuẩn qua qua Sắc chỉ Salvatoris nostri, cộng thêm đoản sắc “Ex commissa nobis” của Đức Giáo hoàng Alexandre VII, phê chuẩn việc tuyên khấn cho các nhà truyền giáo, đã tạo nên một thực thể mới và đặc biệt về mặt giáo luật trong Giáo hội hoàn vũ. Một Tu hội giống như một Dòng tu nhưng lại thuộc hàng giáo sĩ triều.[29] Một Tu hội được miễn chuẩn khỏi thẩm quyền địa phương, và là một Tu hội có lời tuyên khấn.

Như vậy, thời gian sau này, khi Bộ Giáo Luật ra đời, người ta có thể xếp Tu hội Truyền giáo này vào Các Tu đoàn Tông đồ. Các nhà truyền giáo của Tu hội sẽ không thuộc các Tu hội thánh hiến, không có lời khấn công, nhưng có lời khấn đơn trước Chúa. Các nhà truyền giáo của Tu hội sống chung như anh em theo một lối sống riêng, để vươn tới sự hoàn hảo của đức ái qua việc tuân giữ Hiến pháp.

Đối với tôi, việc tìm hiểu, nghiên cứu tên gọi chính xác dành cho các thành viên thuộc Tu hội Truyền giáo như việc “về nguồn”. Qua công việc này, không những tôi biết rõ mình được gọi là chủng sinh Vinh Sơn, là thầy Vinh Sơn hay là một nhà truyền giáo thuộc Tu hội Truyền giáo, mà tôi còn luôn ý thức về chính căn tính của mình trong Tu hội.

Chính căn tính và tên gọi “Tu hội Truyền giáo” đã nói lên rằng: là thành viên của Tu hội Truyền giáo, tất cả chúng tôi là các nhà truyền giáo.

Giuse Nguyễn Đức Duy

[1] HP, 3.

[2] x. Bộ Giáo Luật 1983, Điều 607.

[3] x. Bộ Giáo Luật 1983, Điều 710-712.

[4] x. Bộ Giáo Luật 1983, Điều 731.

[5] Tiếng Việt dùng từ “Tu sĩ” chỉ cách chung chung cho những người sống đời tu trì.

[6] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 190.

[7] x. Fr. John E. Rybolt C.M, Bản Tóm Lược Lịch Sử Tu Hội Truyền Giáo, Lm Phê rô Ngô Văn Thuyên chuyển ngữ, 19.

[8] Tu hội nhỏ bé là tên gọi được cha Vinh Sơn sử dụng rất nhiều lần cho Tu Hội Truyền Giáo.

[9] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 230-231.

[10] x. Fr. John E. Rybolt C.M, Bản Tóm Lược Lịch Sử Tu Hội Truyền Giáo, Lm Phê rô Ngô Văn Thuyên chuyển ngữ, 23.

[11] x. SV. I, 47-50.

[12] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 235.

[13] Một trong số ba thành viên đầu tiên của Tu Hội Truyền Giáo, người lớn tuổi nhất sau Vinh Sơn và dĩ nhiên là người khôn ngoan và nổi tiếng nhất trong nhóm.

[14] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 241-243.

[15] HP, 3/2

[16] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 314.

[17] x. Fr. John E. Rybolt C.M, Bản Tóm Lược Lịch Sử Tu Hội Truyền Giáo, Lm Phê rô Ngô Văn Thuyên chuyển ngữ, 26.

[18] x. Ibid, 39.

[19] x. SV. V, 458.

[20] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 314.

[21] x. SV. XIII, 283.

[22] x. SV. XIII, 326-332.

[23] HP, Dẫn nhập trang 21.

[24] x. Fr José María Román C.M, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, 381.

[25] Robert Maloney, C.M, “Tinh Thần Truyền Giáo Vinh Sơn – Hôm Qua Và Hôm Naytrong Một Chìa Khóa Để Hiểu Thánh Vinh Sơn, Phaolô Phạm Quang Hoàng C.M biên tập, 87.

[26] CR XI, 10.

[27] SV. XII,75

[28] x. Fr. John E. Rybolt C.M, Bản Tóm Lược Lịch Sử Tu Hội Truyền Giáo, Lm Phê rô Ngô Văn Thuyên chuyển ngữ, 19.

[29] HP, 3/2