Công bằng sinh thái hướng đến sự phát triển toàn diện trong kỷ nguyên hậu Covid-19

0
1075

“Các ngươi sẽ không được làm nhiễm uế đất các ngươi ở, vì chính máu làm nhiễm uế đất ấy, và không có gì có thể tẩy rửa đất ấy khỏi máu đã đổ ra tại đó, ngoài máu của người đã làm đổ máu. (Các) ngươi sẽ không gây ô nhục cho đất (các) ngươi ở, cũng là nơi Ta ngự; vì Ta là Đức Chúa, Ta ngự giữa con cái Ít-ra-en” (Ds 35,33-34).

Trong những tuần lễ gần đây có những sự kiện đáng chú ý liên quan đến vấn đề môi trường cả trên bình diện xã hội lẫn Giáo hội, cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Trước hết đó là tuần lễ (từ ngày 16-24/05/2020) kỷ niệm năm (5) năm thông điệp về môi sinh Laudato Sí của Đức giáo hoàng Phanxicô ra đời. Nhân dịp này bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện của Tòa Thánh đã phát động một năm gọi là năm kỷ niệm đặc biệt Thông điệp Laudato Sí để thức tỉnh tất cả mọi người về trách nhiệm cá nhân và cộng đồng đối với môi trường đang sống. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động (trong kế hoạch 7 năm) của cơ quan này nhằm hướng đến việc đạt được một môi trường bền vững “hướng tới nền sinh thái toàn diện”.

Sự kiện thứ hai đó là bùng nổ các cuộc biểu tình trên một số thành phố của nước Mỹ liên quan đến việc kêu gọi xây dựng một nền môi trường bền vững, liền sau các cuộc biểu tình về chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd. Một điều đáng chú ý đây là cuộc biểu tình được tổ chức và tham dự phần đông là các người trẻ ở Mỹ để đòi một sự công bằng về môi trường liền sau các cuộc biểu tình đòi sự công bằng xã hội. Cuộc biểu tình này yêu cầu chính phủ và các cơ quan liên quan bảo vệ môi trường toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng hiện nay như sự diệt chủng các loài sinh động vật do thay đổi khí hậu và ấm lên của trái đất. Các người biểu tình đã lên tiếng nói để việc bảo tồn môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai.

Sự kiện thứ ba là trong cuộc họp gần đây nhất, các cơ quan nhà nước đã đề nghị biện pháp chế tài mạnh hơn để xử lý các vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong phạm vi cả nước, nhằm ngăn chặn sự ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một phức tạp hơn, như báo Tuổi trẻ online đưa tin gần đây.

Và đặc biệt hơn nửa là cả thế giới mới trải qua và còn đang phải đối diện với dịch Covid-19 một cách khủng khiếp và đã gây ra bao nhiêu thiệt hại về sinh mạng và kinh tế. Có thể đại dịch này không đến trực tiếp từ vấn đề môi trường, nhưng nó cho thấy, có khả năng sẽ có những trận dịch khác hay những sự kiện khí hậu môi sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nằm ngoài tầm kiểm soát của con người vì “Covid-19 là một và giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng sinh thái nào khác (như biến đổi khí hậu) bởi vì sự xuất hiện của nó bắt nguồn từ cùng một phương thức sản sinh đã tạo ra tất cả các cuộc khủng hoảng sinh thái và bất bình đẳng xã hội khác của thời đại chúng ta.”[i]

Với những lý do ấy, xin được đóng góp vài ý tưởng về vấn đề bảo vệ môi trường theo tinh thần của Thông điệp Laudato Sí dưới khía cạnh xây dựng sự công bằng sinh thái hướng đến sự phát triển toàn diện trong kỷ nguyên hậu Covid-19, trong cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay đang diễn ra ở nhiều nơi và nhiều mức độ khác nhau trên thế giới.

Các khái niệm liên quan

Trước hết hãy xem qua các khái niệm:[ii]  công bằng xã hội- công bằng môi trường và công bằng sinh thái.

Công bằng xã hội: Công bằng xã hội dựa trên sự công bằng và bình đẳng, nhìn nhận giá trị của tất cả mọi người và đòi hỏi rằng tất cả mọi người đều được chu cấp các cơ hội để có được cuộc sống đầy đủ, bất kể thuộc chủng tộc, giới tính, quốc tịch, tôn giáo hay các yếu tố khác biệt khác. Có bốn nguyên tắc cơ bản cho thấy những nỗ lực của chúng ta để xây dựng một xã hội công bằng: nhân phẩm, lợi ích chung, bổ trợ và liên đới.

Công bằng môi trường: Trong 30 năm qua, một phong trào công bằng môi trường đã phát triển, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Phong trào này cổ vũ sự bình đẳng và công bằng trong việc phân phối các tác hại và lợi ích môi trường (công bình phân phối) và quyền lợi của các cộng đồng bị ảnh hưởng để tham gia vào việc ra quyết định liên quan đến các phân phối này (công bình  theo hiệp ước hoặc có sự tham gia). Hay nói khác đi, khái niệm công bằng môi trường là khái niệm về việc được hưởng ˗một cách bình đẳng và hợp lý˗một môi trường lành mạnh, với mục đích bảo vệ các thành phần dân số thiểu số và thành phần dân số lợi tức thấp không phải gánh chịu những ảnh hưởng quá đáng về mặt môi trường khi thực hiện công cuộc phát triển.

Công bằng sinh thái: Công bằng sinh thái thì bao gồm cả công bằng xã hội và công bằng môi trường. Công bằng sinh thái dựa trên nguyên tắc là mọi thứ đều có liên quan đến nhau, và hành động đạo đức trong phạm vi môi trường là trung tâm của công bằng ở một cấp độ xã hội.

Do nền tảng quan hệ của nó và ưu tiên về sự hòa giải, công bằng  sinh thái là dựa trên các nguyên tắc và thực hành của công lý phục hồi.[iii] Cách tiếp cận quan hệ này có liên quan đến cả công bằng xã hội giữa con người, như công lý phục hồi trong hệ thống tư pháp hình sự, nhưng cũng mở rộng vào thực tiễn và khái niệm về công bằng cho việc chữa lành và tôn trọng ngôi nhà chung của nhân loại.

Công bằng môi trường và sinh thái: sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa ra để thảo luận về học thuật bởi Nicholas Low, giảng viên Khoa Kiến trúc tại Melbourne và Brendan Gleeson của Chương trình Nghiên cứu Đô thị Úc.[iv]

Cuộc đấu tranh cho công lý khi nó được định hình bởi tính chính trị của môi trường, các tác giả viết, có hai khía cạnh tương quan: công bằng của việc phân phối môi trường giữa các dân tộc và công bằng của mối quan hệ giữa con người và phần còn lại của thế giới tự nhiên. Chúng ta giới hạn các khía cạnh của công lý: công bằng môi trường và công bằng sinh thái. Chúng thực sự là hai khía cạnh của cùng một mối quan hệ. [v]

Công bằng môi trường

Khái niệm về công bằng môi trường, ít ra là trong thế giới nói tiếng Anh, bắt đầu với các phong trào xã hội Bắc Mỹ phản đối việc đổ chất thải công nghiệp vào các khu vực có người da đen cư trú.[vi] Công bằng môi trường đã mở rộng quan niệm về công bằng từ công bằng xã hội đến cách con người phân bổ môi trường của họ. Ba chiều kích được dự liệu để mở rộng khái niệm công bằng xã hội gồm: phân phối, nhìn nhận và biểu thị.[vii]

“Phân phối” liên quan đến phân phối công bằng của các lợi ích và hiểm họa môi trường. Sự “nhìn nhận” chỉ ra cách chúng ta nhìn vào các dân tộc khác, các chủng tộc khác, các lĩnh vực khác. Ví dụ, nếu chúng ta không công nhận người bản địa, vì họ có quyền đối với các lĩnh vực tổ tiên của họ, thì không có quyền bình đẳng nào là cho họ. Họ không được coi là đối tác bình đẳng trong phát triển và tìm kiếm công lý môi trường. “Biểu thị” trong quá trình ra quyết định thì chỉ có thể sau khi được nhìn nhận.[viii]

Công bằng môi trường: được định nghĩa là mối liên kết mạnh mẽ giữa công bằng xã hội và bảo vệ môi trường nhấn mạnh đến nhu cầu của người nghèo. Vì thường người nghèo là người không có sở hữu tài sản hoặc sở hữu rất ít, do đó cũng kéo theo quyền lợi cũng rất “yếu” và thậm chí không có quyền lợi gì trong vấn đề ra các quyết định liên quan đến môi trường sống của họ. Vì thế trong cuộc khủng hoảng về môi trường, họ thường là nạn nhân và là người chịu thiệt thòi nhất.

Công bằng môi trường như đã được được định nghĩa thì liên quan đến bốn khía cạnh liên quan đến môi trường đã được xây dựng và hữu cơ:[ix]

      • Phân phối công bằng tài nguyên và tác hại của môi trường.
      • Nhìn nhận lợi ích của nhân sinh và phi nhân sinh trong việc ra quyết định và phân phối
      • Sự hiện hành của việc tham gia tình nguyện và dân chủ.
      • Xây dựng khả năng giữa các cá nhân, nhóm và các phần của tự nhiên không thuộc về con người.

Một vài phần chính yếu của Laudato Sí đã chỉ ra những thực tại này về vấn đề công bằng môi trường. Xin nêu ra vài số, những bản văn sau như những lời giải đáp trực tiếp đối với yêu cầu về công bằng xã hội:

      • Trích dẫn từ Hội đồng Giám mục Bolivian, Đức giáo hoàng viết: “cả kinh nghiệm hằng ngày và nghiên cứu khoa học cho thấy rằng những tác động nghiêm trọng nhất của tất cả mọi cuộc tấn công vào môi trường đều do người nghèo khổ nhất phải chịu khổ” (Laudato Sí, số 48).
      • Tiếp cận kinh tế – xã hội đến sinh thái: “tuy nhiên, ngày nay, chúng ta cần phải nhận biết rằng một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn luôn trở thành một cách tiếp cận mang tính xã hội; nó phải đưa các vấn đề về công lý vào trong những tranh cãi về môi trường, để có thể nghe được cả tiếng kêu khóc của trái đất và tiếng kêu khóc của người nghèo” (Laudato Sí, số 49).
      • Liên đới giữa các thế hệ: “môi trường là một phần của một luận lý của sự tiếp nhận. Nó được vay mượn từ mỗi thế hệ, là điều sau đó phải trao lại nó cho thế hệ kế tiếp” (Laudato Sí, số 159 – trích dẫn từ Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ kỳ).
      • Của chung nhưng các trách nhiệm thì riêng biệt nhau “như Hội đồng Giám mục Bolivia đã nói “các quốc gia kiếm lợi từ một mức độ cao hơn về việc công nghiệp hoá, với cái giá của rất nhiều khí thải nhà kính, phải có trách nhiệm lớn hơn đối với việc đưa ra một giải pháp cho các vấn đề mà họ đã tạo ra”( Laudato Sí, số 170).

Công bằng sinh thái

Công bằng sinh thái được hiểu là mối quan hệ giữa con người và giới phi nhân sinh quan điểm rằng, một vài giới phi nhân sinh là “những thụ thể tiếp nhận công lý.” Nhiều nhà lý luận đạo đức học, John Rawls là một trong số ấy [x] loại trừ những giới phi nhân sinh khỏi những cân nhắc về công lý. “Chúng ta nợ trái đất nghĩa vụ đạo đức về lòng thương xót và sử dụng có trách nhiệm chứ không chỉ là nghĩa vụ của công bằng. Chỉ có con người có thể là tác nhân đạo đức của công bằng, tranh luận tự do. Ngoài ra, công bằng sinh thái thúc đẩy mở rộng thế giới công lý từ công bằng xã hội, sang công bằng môi trường, đến mối quan hệ của con người với cộng đồng trái đất, hoặc ít ra là với chính một số hình thái của giới phi nhân sinh.”[xi]

Nhưng thuật ngữ môi trường dường như không đủ để mô tả thế giới chúng ta đang sống. Giới phi nhân sinh trong cộng đồng trái đất như động vật và cây cối, không gian và đại dương, không chỉ được định nghĩa theo chức năng của nó đối với thế giới con người.

Công bằng sinh thái có nghĩa là công bằng cho tất cả những sinh vật được tạo ra trong cộng đồng trái đất. Câu hỏi đề cập đến sự phân phối nhưng cũng nói đến sự nhìn nhận ra và biểu thị giữa con người và thế giới sinh vật.

Các nguyên tắc chính của cấu trúc công bằng sinh thái là gì? Một nhóm các nhà đạo đức học và các nhà môi trường học với khoa chú giải Kinh Thánh sinh thái học, đã xác định sáu nguyên tắc như sau: [xii]

      1. Nguyên tắc của giá trị nội tại: Trái đất và tất cả các thành phần của nó đều nó có giá trị nội tại.
      2. Nguyên tắc của sự liên hệ: Trái đất là một cộng đồng của các sinh vật sống liên kết với nhau, phụ thuộc lẫn nhau nơi mỗi cá thể để sống và tồn tại.
      3. Nguyên tắc của tiếng nói: Trái đất là một thực thể sống động có khả năng nói lên tiếng khóc của mình chống lại sự bất công.
      4. Nguyên tắc của mục đích: Vũ trụ, Trái đất và tất cả các thành phần của nó là một phần của thiết kế vũ trụ năng động, trong đó mỗi phần có một vị trí trong mục tiêu chung của thiết kế đó.
      5. Nguyên tắc của sự chăm sóc lẫn nhau: Trái đất là một miền cân bằng và đa dạng, nơi con người hoạt động như những người trông nom có trách nhiệm, không phải để cai trị trái đất nhưng để duy trì sự cân bằng và đa dạng của cộng đồng Trái đất.
      6. Nguyên tắc của sự phản kháng: Trái đất và các thành phần của nó không chỉ chịu đựng sự bất công của con người, nhưng cũng chủ động chống lại họ trong cuộc đấu tranh đòi công lý.

Chúng ta đánh giá vị trí của Laudato Sí liên quan đến cơ cấu của công bằng sinh thái như thế nào? Một vài nguyên tắc được lặp lại trong những đoạn sau của Laudato Sí:

Thông điệp này đã nhắc lại một điểm rất rõ ràng trong sách Giáo lý Công giáo khi mạnh mẽ phê bình một chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm đã bị bóp méo: “theo ý Thiên Chúa, các thụ tạo khác nhau đều phản chiếu một chút sự khôn ngoan và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa, mỗi thụ tạo một cách. Chính vì thế con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của từng thụ tạo để tránh sử dụng nó một cách bừa bãi, nếu không con người sẽ coi thƣờng Đấng Tạo Hóa và kéo theo nhiều hậu quả nguy hại cho mình và môi sinh”(Laudato Sí, số 69 hoặc GLCG 339). Hay “sự khẳng định của chúng ta mỗi một hữu thể con người là một hình ảnh của Thiên Chúa phải không được làm cho chúng ta coi nhẹ sự thật là mỗi một tạo vật đều có một mục đích của riêng nó” ( Laudato Sí, số 84) và về mối tương quan: “chúng ta không thể nhấn mạnh đủ về việc mọi sự có liên hệ qua lại với nhau thế nào. Thời gian và không gian không phải độc lập với nhau, và thậm chí các hạt nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử cũng không thể được suy xét cách đơn lập. Cũng như nhiều khía cạnh khác nhau của hành tinh – vật lý, hoá học, và sinh học – đều có liên hệ với nhau, vì thế mà các loài sinh vật sống cũng là một phần của một mạng lưới mà chúng ta sẽ không bao giờ khám phá và hiểu một cách đầy đủ được. Nhiều loại sinh vật sống khác cũng cùng chung phần tốt lành của mã gen của chúng ta” ( Laudato Sí, số 138).

Công bằng sinh thái hướng đến sự phát triển toàn diện kỷ nguyên hậu Covid-19

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về công bằng sinh thái để hướng đến sự phát triển toàn diện, thì việc tái đọc lại ba câu chuyện trong Kinh thánh qua thông điệp Laudato Sí sẽ giúp ích cho chúng ta trong vấn đề định hướng cũng như kinh nghiệm: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đọc lại các văn bản quan trọng trong Laudato Sí: “trong câu chuyện của Ca-in và A-ben, chúng ta thấy sự ghen tị dẫn Ca-in đến việc thực thi sự bất công chống lại em mình thế nào, là điều tiếp theo đó đoạn tuyệt mối quan hệ giữa Ca-in và Thiên Chúa, và giữa Ca-in và trái đất nơi mà Ca-in bị trục xuất ra”…“Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra” (St 4,9-11)… (Laudato Sí, số 70).  Câu chuyện lụt hồng thủy thời ông Nô-ê: “chúng ta thấy điều này trong câu chuyện ông Nô-ê, nơi đó Thiên Chúa đe doạ sẽ xoá bỏ nhân loại bởi vì sự thất bại liên lỉ của nhân loại trong việc chu toàn những đòi hỏi của công lý và hoà bình: ‘Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực’” (St 6,13) Hoặc, ngày Sa-bát là ngày nghỉ ngơi không chỉ đối với con người, mà còn đối với động vật, “trong sáu ngày, ngươi sẽ làm công việc của ngươi; nhưng ngày thứ bảy, ngươi sẽ nghỉ, để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức” (Xh 23,12) (Laudato Sí, số 68).

Quan hệ của chúng ta với trái đất liên quan đến một cái gì đó nhiều hơn là sử dụng thực tế, hiểu biết học thuật hoặc đánh giá cao thẩm mỹ. Một sự thân mật thực sự của con người với trái đất và với toàn bộ thế giới tự nhiên là cần thiết. Con cái của chúng ta nên được giới thiệu về thế giới nơi những gì chúng đang sống.[xiii]

Hay như chính Đức giáo hoàng Bênêdictô đã từng đưa ra nhận xét rất sâu sắc về mối tương quan giữa con người và môi sinh trên bình diện công bằng sinh thái: “bên cạnh môi sinh tự nhiên, còn có một “môi sinh” mà chúng ta có thể gọi là “môi sinh nhân bản”; môi sinh nhân bản này đòi hỏi “môi sinh xã hội”. Và điều này kéo theo hệ luận rằng nhân loại, nếu biết thật sự quan tâm đến hoà bình, thì cần phải luôn ghi nhớ những liên hệ hiện có giữa môi sinh tự nhiên, – tức việc tôn trọng thiên nhiên -, và môi sinh nhân bản. Kinh nghiệm chứng minh rằng mọi thái độ không tôn trọng đối với môi trường xung quanh, đều gây thiệt hại cho sự chung sống nhân lọai, và ngược lại. Và mỗi ngày một luôn rõ ràng hơn rằng có một liên kết không thể nào bỏ đi được giữa sự hài hoà với tạo vật và hoà bình giữa con người. Sự hài hoà với thiên nhiên và hoà bình giữa mọi người, cả hai đều giả thiết phải có hoà bình với Thiên Chúa.”[xiv]

Nếu sống ngoài tương quan với môi sinh hay hệ sinh thái chúng ta đang sống thì hậu quả là: “chúng ta không còn có thể nghe thấy tiếng nói của những dòng sông, những ngọn núi hay biển cả. Cây cối và đồng cỏ không còn là phương thức thân mật của sự hiện diện tinh thần. Thế giới với chúng ta đã trở thành ‘nó’ chứ không phải là ‘bạn’.”[xv]

Vì thế, điều quan trọng cần phải chú ý trong thời điểm hiện tại là: “giáo dục và tôn giáo, đặc biệt, nên thức tỉnh trong giới trẻ nhận thức về thế giới họ sống, cách thức hoạt động, cách con người hòa nhập với cộng đồng lớn hơn của cuộc sống, vai trò của con người trong câu chuyện vĩ đại của vũ trụ và chuỗi lịch sử phát triển đã định hình cảnh quan văn hóa và thể chất của chúng ta. Cùng với nhận thức về quá khứ và hiện tại, giáo dục và tôn giáo cần truyền đạt một số hướng dẫn quan tâm đến tương lai.”[xvi]

Mọi hữu thể sinh linh đều có quyền được công nhận và tôn trọng. Cây có quyền cây, côn trùng có quyền côn trùng, sông có quyền sông, và núi có quyền núi. Cũng vậy, toàn bộ phạm vi của hữu thể thì trong toàn vũ trụ. Tất cả các quyền là hạn chế và tương đối. [xvii]

Chú ý đến người nghèo trong vấn đề công bằng sinh thái

Làm cho người nghèo trở thành ưu tiên hàng đầu là một yếu tố xác định đóng góp của Giáo hội trong cuộc tranh luận về môi trường. Người nghèo dễ bị tổn thương bởi các lạm dụng môi trường. Các gia đình nghèo thường sống bên lề xã hội: ở thành thị nơi nhà ở của họ nghèo, hoặc ở nông thôn, nơi đất bị sử dụng quá mức, ở vùng đồng bằng lũ lụt hoặc bị hạn hán. Họ thường sống gần bãi rác độc hại, nơi nhà ở rẻ hơn. Một số người giữ những công việc mà những người có thu nhập cao hơn sẽ không bao giờ muốn, những công việc tiếp xúc với những người lao động nghèo hơn trực tiếp với chất độc môi trường. Trong các cuộc tranh luận về môi trường, những người lao động nghèo và dễ bị tổn thương thường bị khuất tầm nhìn và không có tiếng nói.Trong việc phục vụ người nghèo, cộng đồng Kitô hữu đã chú ý ngày càng hơn về công bằng môi trường.

Quản lý môi trường là một bài tập cơ bản trong sự liên đới. Trách nhiệm của con người chúng ta bắt đầu bằng sự đánh giá cao về sự tốt lành cơ bản của các sinh vật khác. Trái đất là nhà của tất cả các sinh vật. Trách nhiệm của chúng ta là sống có trách nhiệm và sử dụng một cách khôn ngoan các nguồn tài nguyên của trái đất và giữ gìn vẻ đẹp, sự đa dạng và phong phú của nó.

Điều cần chú ý là những nhu cầu bị lãng quên của người nghèo phải được ưu tiên. Những lời hoa mỹ về công bằng môi trường phải trở thành hiện thực trong các chính sách, nguồn lực và ưu tiên. Chúng ta phải tìm cách thể hiện tiếng nói, nhu cầu và nỗi đau của người nghèo và dễ bị tổn thương nếu chúng ta muốn hiệp nhất tìm kiếm công bằng xã hội và sự toàn vẹn môi trường.

Một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn trở thành một cách tiếp cận xã hội; nó phải tích hợp các câu hỏi về công lý trong các cuộc tranh luận về môi trường, để nghe cả tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo.

Để đạt được các vấn đề về công bằng môi trường và công bằng sinh thái đòi hỏi chúng ta phải chú ý và tôn trọng, cũng như áp dụng cách kiên quyết và hiệu quả các nguyên tắc của Giáo huấn xã hội của Giáo hội liên quan đến vấn đề môi sinh:

      • Tốt chung – Tất cả chúng ta phải xem xét lợi ích của người khác và lợi ích của cả gia đình nhân loại, trong việc tổ chức xã hội của chúng ta – về kinh tế, chính trị và pháp lý. Nhân phẩm chỉ có thể được nhìn nhận và bảo vệ thông qua mối quan hệ của chúng ta với xã hội nói chung. Chúng ta phải yêu người lân cận, địa phương và toàn cầu, và ưu tiên lợi ích của gia đình nhân loại hơn lợi ích thương mại.
      • Quản lý công trình sáng tạo – Trái đất là thiêng liêng. Công trình sáng tạo có giá trị nội tại của riêng chúng. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và trân trọng sự đa dạng sinh thái, vẻ đẹp và các đặc tính duy trì sự sống của trái đất. Cùng nhau, chúng ta phải giữ nó trong niềm tín thác cho các thế hệ tương lai.
      • Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo – Bài kiểm tra đạo đức của bất kỳ xã hội nào đều dựa trên cách đối xử với người dễ bị tổn thương nhất. Tình yêu của Thiên Chúa là phổ quát, vì vậy nguyên tắc này không có ý định rằng chúng ta nên tập trung vào người nghèo để loại trừ người khác, mà là chúng ta được kêu gọi ưu tiên những người thiếu thốn nhất trong sự liên đới của chúng ta.
      • Bổ trợ và vai trò của chính phủ – Nhà nước là một công cụ để thúc đẩy phẩm giá con người, bảo vệ quyền con người và phát triển lợi ích chung. Nguyên tắc bổ trợ cho rằng các chức năng như vậy của chính phủ nên được thực hiện ở mức thấp nhất có thể, miễn là chúng có thể được thực hiện đầy đủ. Khi họ không thể, các cấp chính quyền cao hơn phải can thiệp. Nguyên tắc này đi đôi với sự tham gia, nguyên tắc tất cả các dân tộc có quyền tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội và trong các quyết định ảnh hưởng đến cộng đồng của họ.

Công bằng sinh thái đề cao sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau của tất cả thụ tạo, và nhận ra trách nhiệm của con người chúng ta để cùng tồn tại hài hòa cho sự thịnh vượng của cộng đồng Trái đất. Công bằng sinh thái thăng tiến nhân phẩm, quyền tự quyết của tất cả cá nhân và sự phát triển của các nền kinh tế bền vững với công bình cho tất cả mọi người trong một thế giới hữu hạn. [xviii]

Từ góc độ Kitô giáo, công bằng sinh thái dựa trên niềm tin rằng trái đất là thiêng liêng, và phẩm giá của con người đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt đến nhu cầu của người nghèo và người sống bên lề – một ưu tiên lựa chọn cho người nghèo

Từ góc độ khoa học, công bằng sinh thái dựa trên nhận ​​thức rằng trái đất và tài nguyên của nó là hữu hạn, các hệ sinh thái rất phức tạp và mong manh, và rằng thế giới tự nhiên, mà con người là một phần, tồn tại như một hệ thống kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. Trong mạng lưới sinh tồn này, sự khéo léo và hoạt động của con người phải được thành lập trên sự khôn ngoan và cẩn thận.

Từ góc độ lịch sử, công bằng sinh thái dựa trên thực tế là các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị thống trị thì có sự ưu đãi và liên tục có lợi ích trước hết – người dân ở Bắc bán cầu. Điều này đã dẫn đến cạn kiệt sự đa dạng sinh thái trái đất, hủy hoại hệ sinh thái, ô nhiễm đất, biển và bầu trời, loài tuyệt chủng và biến đổi khí hậu. Thiệt hại này đã được cảm nhận sâu sắc nhất bởi dân cư ở Nam bán cầu, những người ít chịu trách nhiệm nhất cho nó.

Làm việc cho công bằng sinh thái đòi hỏi cảm hứng, cầu nguyện, tháo vát và trí tưởng tượng. Đáp ứng với sự cấp bách của sự bất bình đẳng toàn cầu hiện nay và suy thoái sinh thái – đặc biệt là từ tác động của biến đổi khí hậu – sẽ đòi hỏi sự quyết tâm, bền bỉ, đoàn kết và tình yêu từ mỗi chúng ta.

Kết luận

Xin lặp lại ý tưởng đã nêu ở trên “Covid-19 là một và giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng sinh thái nào khác (như biến đổi khí hậu) bởi vì sự xuất hiện của nó bắt nguồn từ cùng một phương thức sản sinh đã tạo ra tất cả các cuộc khủng hoảng sinh thái và bất bình đẳng xã hội khác của thời đại chúng ta.”

Với sự phá vỡ sinh thái và bất bình đẳng xã hội đạt đến mức độ nặng nề, xã hội đã thực sự đi đến ngã ba đường. Thời gian và tính tạm thời mang một ý nghĩa hoàn toàn khác nhau; không còn thời giờ để làm một nỗ lực hầu làm cho thế giới phù hợp với nhu cầu và mong muốn của chúng ta, nhưng chúng ta phải ngay lập tức thích nghi với thế giới.[xix]

Hy vọng rằng những nguyên tắc được xem xét dưới đây sẽ góp phần vào việc gia tăng ý thức cá nhân cũng như tập thể về các thói quen xấu và tư tưởng tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường sống để thay đổi những thói quen và quan điểm ấy, hầu góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường sống của chúng ta trở nên ngày một tốt đẹp hơn. Đồng thời cũng hy vọng rằng, các nguyên tắc về công bằng sinh thái ở trên sẽ góp phần vào việc xây dựng các chiến thuật hay các hành động cụ thể nơi mỗi cá nhân hay cộng đồng, để góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sống của chúng ta với tất cả sự công bằng mà nó đáng có.

Manila, June 2020

Phêrô Phạm Minh Triều, CM


[i] Xem https://www.resilience.org/stories/2020-04-09/this-pandemic-is-ecological-breakdown-different-tempo-same-song/ (truy cập 12/06/2020).

[ii] Ecological justice: Expanding the Conversation, xem tại http://jss.org.au/wp-content/uploads/2018/02/Ecological-Justice-Expanding-the-Conversation.pdf (truy câp 12/06/2020). Hoặc Nicholas Low and Brendan Gleeson. Justice, Society and Nature: An Exploration of Political Ecology (London: Routledge,1988), tr 102-157.

[iii] Prison Fellowship International, một tổ chức phi lợi nhuận, thành lập năm 1979 và hoạt động trên 129 quốc gia, định nghĩa công lý phục hồi là lý thuyết về công lý nhấn mạnh tới việc khắc phục hậu quả trong các vụ việc hình sự mà tiến trình gặp gỡ giữa các bên (nạn nhân, người phạm tội, gia đình của họ và cộng đồng liên quan trong vụ việc) đóng vai trò chính.

[iv] Nicholas Low and Brendan Gleeson. Justice, Society and Nature: An Exploration of Political Ecology (London: Routledge,1988), hoặc https://we.riseup.net/assets/301163/Brendan+Gleeson-Justice%2C+Society+and+Nature+An+Exploration+of+Political+Ecology+%281998%29.pdf.

[v] Nicholas Low and Brendan Gleeson.  Justice, Society and Nature: An Exploration of Political Ecology (London: Routledge,1988), tr 2.

[vi] Xem tại https://www.sciencedirect.com/topics/earth-and-planetary-sciences/environmental-justice (truy cập 12/06/2020) (truy cập 12/06/2020.

[vii] Teea Kortetmäki. Justice in and to Nature: An Application of the Broad Framework of Environmental and Ecological Justice (Jyväskylä: University of Jyväskylä, 2017) hoặc  https://www.researchgate.net/publication/319743552_Justice_in_and_to_Nature_An_Application_of_the_Broad_Framework_of_Environmental_and_Ecological_Justice.

[viii] Danny Pilario. From environmental justice to ecological justice: toward ecological hermeneutics tại http://www.svst.edu.ph/doing-public-theology/from-environmental-justice-to-ecological-justice.  

[ix] Cùng trích dẫn số 2: Ecological justice: Expanding the Conversation.

[x] John Rawls. A Theory of Justice (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1971), tr 512.

[xi] Arne Naess. “The shallow and the deep, long-range ecology movement. A summary,” Inquiry 16, No. 1 (1973): 95-100; Holmes Rolston III. Environmental Ethics: Duties to and Values in the Natural World (Indiana: Temple University Press, 1988); Paul Taylor. Respect for Nature: A Theory of Environmental Ethics (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1986).

[xii] Norman Habel. “The Challenge of Eco-justice Readings for Christian Theology,” Pacifica 13 (June 2000): 125-141. Hoặc https://dsc.duq.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1065&context=spiritan-horizons

[xiii] Thomas Berry. “Human Presence,” in The Dream of the Earth, tr 13).

[xiv] Bênêdictô XVI. Thông điệp hòa bình thế giới 2007, số 8.

[xv] Thomas Berry. “The Meadow Across the Creek,” in The Great Work, tr 17).

[xvi] Thomas Berry. “The Viable Human,” in The Great Work, tr 71).

[xvii] Thomas Berry. The Great Work, Our Way Into The Future, (bell tower, new york, 1999), tr 5.

[xviii]Xem tại:    

https://www.devp.org/sites/www.devp.org/files/documents/materials/devpeace_backgrounder_2011-2016_ecological_justice.pdf (truy cập 12/06/2020).

[xix]Xem tại: https://www.resilience.org/stories/2020-04-09/this-pandemic-is-ecological-breakdown-different-tempo-same-song/ (truy cập 12/06/2020).