Đức Giáo Hoàng Nói Với Các Tu Sĩ: Các Đặc Sủng Là Để Khai Mở Giáo Hội

0
646

Benedict Mayaki, SJ

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng. Ngài nói rằng nó phải được hướng tới việc làm chứng và loan báo Tin Mừng – trong bài diễn văn của ngài với các thành viên của Hội Dòng Mẹ Thiên Chúa, Dòng Basilia của Thánh Josaphat và Tu Hội Truyền Giáo thánh Vinh Sơn trong buổi triều yết chung cho ba hội dòng này, nhân dịp các Tổng Đại Hội (Tổng Tu Nghị đang diễn ra).

Vào thứ Năm ngày 14 tháng 07 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Hội Dòng Mẹ Thiên Chúa, Dòng Basilia của thánh Josaphat, và Tu Hội Truyền Giáo thánh Vinh Sơn – là các dòng tu đang tổ chức các Tổng Đại Hội (Tổng tu Nghị) của họ trong những ngày này. Trong bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng các Bề trên Tổng quyền của ba hội dòng và cám ơn các vị đã trình bày đường lối và viễn cảnh của hội dòng mình. Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ lòng biết ơn của Giáo hội đối với các tu sĩ về gương chứng nhân của họ, với tư cách là những người thánh hiến, cũng như các hoạt động tông đồ của họ. Ngài cũng bày tỏ mong muốn để tiếp kiến các thành viên tham dự Tổng Đại Hội của họ (Tổng Tu Nghị), vì đây là một cách thức giao tiếp với đời sống thánh hiến, vốn rất quan trọng trong Giáo hội, mặc dù điều đó có nghĩa là phá vỡ thông lệ của tháng Bảy “là tháng nghỉ hè” các hoạt động của Đức Giáo Hoàng.

Một sự hội ngộ của sự hiện diện

Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng các Tổng Đại Hội là “sự hội ngộ của sự hiện diện” cho các dòng tu, sau khoảng thời gian buộc phải xa cách do đại dịch. Ngài nói rằng điều này sẽ giúp họ không coi thường cơ hội gặp gỡ, cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ Bí tích Thánh Thể cùng nhau. Ngài tiếp tục gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các thành viên mới được bầu của các hội dòng, lưu ý rằng các hội dòng Giáo sĩ của Mẹ Thiên Chúa vàTu Hội Truyền Giáo đang kết thúc Tổng Đại Hội của họ, trong khi hội dòng Basilia chỉ mới bắt đầu Tổng Tu Nghị.

Một thời gian của sự phân định của cộng đoàn

Đức Giáo Hoàng nói rằng Tổng Đại Hội (Tổng Tu Nghị) “là thời điểm của sự phân định cộng đoàn”, trong đó, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các hội dòng cố gắng xem họ đã trung thành với đặc sủng của mình ở mức độ nào, Chúa Thánh Thần thúc giục họ tiến lên như thế nào, và những gì Chúa Thánh Thầnyêu cầu chúng ta thay đổi.Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng nói rằng việc cùng nhau lắng nghe Thánh Linh bằng cách trình bày với Ngài những tình huống và vấn đề cụ thể là một trong những kinh nghiệm “Giáo hội” mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể có.Ngài khẳng định: “Đó là những gì chúng ta đọc trong Công vụ Tông đồ về những cộng đoàn  đầu tiên, và những gì chúng ta được kêu gọi sống lại trong Giáo hội và thế giới ngày nay.”

Truyền giáo

Đức Giáo Hoàng tiếp tục suy tư về tiêu chí của việc phúc âm hóa, nhắc lại với ba hội dòng về tầm quan trọng của việc khơi lên những thắc mắc, sự trung thành một cách sáng tạo với đặc sủng ban đầu của họ, và hỏi xem cách giải thích và thực hiện của họ có phải là “rao giảng Tin Mừng” hay không. Đó là, Đức Giáo Hoàng giải thích, “liệu những lựa chọn chúng ta đưa ra – về nội dung, phương pháp, công cụ và phong cách sống – có hướng đến việc làm chứng và loan báo Tin Mừng hay không.” Ngài nói thêm rằng mặc dù bản chất của chúng, các đặc sủng khác nhau và chính Chúa Thánh Thần tạo ra và phân phối chúng, các đặc sủng, như Thánh Phaolô dạy, “tất cả đều là để gây dựng Giáo hội”. Và vì Giáo Hội không phải là sự kết thúc tự thân, mà mục đích của nó là truyền giáo, nên theo đó mọi đặc sủng, “có thể và phải hợp tác trong việc rao giảng Tin Mừng” và điều này “phải được ghi nhớ khi phân định.” Trên ghi chú này, Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra các gương của các thánh John Leonardi, thánh Josaphat và thánh Vinh Sơn Phaolô – những đấng sáng lập tương ứng của ba hội dòng – lưu ý rằng họ cho thấy ý nghĩa của việc trở thành “những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần,” những người truyền bá Phúc Âm, những người cầu nguyện và làm việc, nkhông phải là người cải đạo. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khuyến khích họ dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện và thờ phượng, đề phòng nguy cơ quên việc thờ phượng.

Nhắc lại Tông huấn Evangelii Gaudium (262) của chính mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng Những người rao giảng Tin Mừng đầy Chúa Thánh Thần có nghĩa là những nhà truyền giáo vừa cầu nguyện vừa làm việc. Từ quan điểm Phúc Âm hóa, những đề nghị thần bí mà không có một sự dấn thân xã hội và truyền giáo mạnh mẽ, hay những bài thuyết trình và những thực hành xã hội và mục vụ mà không có một linh đạo có sức biến đổi tâm hồn, sẽ chẳng giúp được gì.

Đời sống cộng đoàn

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Là người tu sĩ, anh em được kêu gọi để truyền giáo không chỉ ở mức độ cá nhân, như mọi người đã được rửa tội, mà còn dưới hình thức cộng đoàn, với đời sống huynh đệ.”Trong khi thừa nhận những thách thức của đời sống cộng đoàn, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở họ rằng nó đòi hỏi “một thái độ hoán cải hàng ngày, đòi hỏi sự sẵn sàng tự vấn bản thân, cảnh giác trước những cứng nhắc, cũng như quá mức và thói dung dưỡng sự “thoải mái”.

Trên tất cả, ngài nói thêm, “nó đòi hỏi sự khiêm tốn và đơn sơ của tấm lòng, mà chúng ta không bao giờ được ngừng nghỉ cầu xin Chúa, vì chúng đến từ Ngài.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định thêm rằng chính trong “mấu chốt của các mối quan hệ mà trái tim của chúng ta được sàng lọc và rằng, với sự cam kết của mỗi người, một chứng tá đẹp đẽ về tình anh em có thể hình thành”. Ngàiví nó như một dàn nhạc với nhiều nhạc cụ, mà điều cốt yếu không phải là kỹ năng của các nghệ sĩ độc tấu, mà là khả năng lắng nghe mọi người để tạo ra sự hòa hợp tốt nhất.

“Đây là nơi mà niềm vui bắt nguồn,” Đức Giáo Hoàng nói, lưu ý rằng đó là “niềm vui được thuộc về Chúa Kitô và được ở bên nhau, với những giới hạn và tội lỗi của chúng ta”; được Chúa tha thứ và chia sẻ sự tha thứ này với anh chị em của chúng ta. “Niềm vui này không thể bị che giấu; nó tỏa sáng! Và nó dễ lây lan.”

Ngài nói thêm rằng đó là niềm vui của các thánh và những người thánh thiện nam nữ, những người, nếu họ là những đấng sáng lập, không phải là những vị sáng lập bởi bẩm sinh mà là bởi sự hấp dẫn.Đức Giáo Hoàngnói rõ hơn về điểm này, trước tiên Chúa Giêsu Kitô thu hút người nam hay người nữ đó đến với chính Ngài và sau đó cho phép người đó thu hút người khác đến với Ngài. Vì vậy, ngài thúc giục các dòng tu nhấn mạnh sự hấp dẫn này “đối với Ngài” – nghĩa là đối với Chúa Kitô, như một vị thánh không thu hút chính mình mà là đối với Thiên Chúa.Đức Giáo Hoàng nói: “Sự khiêm tốn và giản dị của trái tim và niềm vui. “Đây là cách thức của một tình huynh đệ truyền giáo. Không thể đối với con người, nhưng có thể với Chúa!”

Chống lại thói ngồi lê đôi mách

Đức Thánh Cha cũng một lần nữa cảnh báo không nên có thói ngồi lê đôi mách, mà theo ngài, là “một trong những điều giết chết niềm vui trong cộng đoàn.” Ngàinhấn mạnh rằng việc ngồi lê đôi mách “khiến mọi người trở nên hời hợt” và khuyến cáo những ai có điều gì chống lại người khác nên đến gặp họ và nói thẳng vào mặt họ hoặc nói điều đó với người khác mà có thể khắc phục tình hình.Đức Giáo Hoàng nói: “Nói chuyện phiếm không chỉ hủy hoại cộng đoàn, mà còn hủy hoại chính bản thân mình.”

Những lời cầu nguyện cho các tu sĩ  Basilian từ Ukraine

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô hướng sự chú ý đến những tu sĩ Basilian ở Ukraina, bày tỏ sự gần gũi của ngài và của Giáo hội đối với họ “trong thời khắc đau thương và tử đạo này của quê hương anh em”.Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nói về chiến tranh, than thở rằng nó không còn là vấn đề được quan tâm và nhấn mạnh rằng chúng ta không quen với nó. “anh em đang trải qua cuộc tử vì đạo. Và tôi ước mong rằng Thiên Chúa thương xót anh em và ở gần anh emtrong những cách khác nhau với bình an và ân ban của hòa bình”, ngài  nói.

Lạm dụng tính dục

Đức Giáo Hoàng cũng nắm bắt cơ hội để nói chuyện với ba hội dòng về vấn đề lạm dụng tính dục, kêu gọi họ không che giấu thực tế này hoặc xấu hổ khi báo cáo các trường hợp.Ngàinhắc nhở họ rằng họ là những người tu sĩ và là linh mục để đưa mọi người đến với Chúa Giêsu chứ không phải để ‘tiêu dùng’ dân chúng bằng sự đồng tình của chúng ta.“Xin hãy nhớ kỹ điều này”, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, “không khoan nhượng đối với hành vi lạm dụng trẻ em hoặc những người thiếu khả năng tự vệ” [tức là những người dễ bị tổn thương].

Kết thúc, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện rằng Chúa Thánh Thần có thể tiếp tục ban các ân tứ dồi dào cho họ và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ để bảo vệ họ và là người hướng dẫn chắc chắn trên con đường của họ.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều chuyển ngữ từ Vaticannews.va