1. Các bài đọc
Bài đọc I: Is 55,6-9
Trích sách Tiên tri Isaia: đường lối của Thiên Chúa thì khác xa đường lối của con người.
Ðáp Ca: Tv 144,2-3. 8-9.17-18
Thánh vịnh 144: Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Ngài.
Bài đọc II: Pl 1,20c-24. 27a
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê: Thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê hãy sống cho Chúa.
Tin Mừng: Mt 20,1-16a
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Trong dụ ngôn về các người làm vườn nho, Đức Giêsu dạy chúng ta về sự quảng đại của lòng thương xót.
2. Chia sẻ
Có lẽ ai cũng đã từng một lần nghe biết về nghề cửu vạn. Tức là các người lao động tự do thường tập trung ở bên xe, bến tàu, chợ búa để làm công việc bốc vác hay các việc lặt vặt khác trong xã hội, với một thời gian ngắn và thường các công việc là nặng nhọc. Họ cứ đứng ở nơi công cộng, ai gọi gì thì làm nấy. Đấy là tính chất công việc đặc thù của những cửu vạn này.
Tiền công trả cho những người này thì tùy thuộc vào sự mặc cả giữa người thuê việc và người lao động. Giá cả khác nhau tùy tính chất công việc và đương nhiên loại hình nghề nghiệp này thì khác hẳn với các công việc chuyên nghiệp, trình độ khác.
Hình ảnh những người cửu vạn này có thể rất sinh động để dẫn chúng ta vào trong bài đọc Tin Mừng hôm nay khi nói về hình ảnh những người thợ được kêu gọi vào làm vườn nho Chúa.
Hôm nay trong công chuyện, Chúa Giêsu cũng đã đến nơi chợ búa và cũng thấy những lao động tự do đang cần việc làm. Chính Chúa Giêsu đã thấy điều đó và Ngài chủ động thuê họ vào làm vườn nho cho Ngài, với mức lương thỏa thuận một đồng. Hình ảnh vườn nho và người làm vườn chính là hình ảnh diễn tả về công trình của ơn cứu độ và mọi người được mời gọi vào. Đó là hình ảnh của Nước Trời.
Trong hình ảnh về Nước Trời ấy, chúng ta thấy “có những người khác đứng không ngoài chợ,”– Cái chợ là hình ảnh của thế gian, nơi có những người khát khao tìm kiếm ơn cứu độ, nhưng vẫn ở không cho đến khi họ được nhận biết Chúa, nói cách khác, họ là những người dân ngoại. Những người này dù được kêu gọi sau, nhưng lại được hưởng cùng một lời hứa với dân Do thái. Họ không có lý do gì để phải trở nên kém hơn người Do thái, nếu lòng quảng đại và thương xót của Chúa muốn cho họ đón nhận được ơn cứu độ như là dân riêng của mình.
Đây chính là điều, mà nơi cuối bài Tin Mừng chúng ta thấy Đức Giêsu đã nói rằng: “kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”(Mt 20,16a). Qua điều này chúng ta có thể nhận ra thông điệp của Lời Chúa hôm nay:
Thiên Chúa có quyền làm những gì Ngài muốn
Xem ra cũng đã có một cuộc tranh luận, hay đúng hơn là sự càm ràm, lẩm bẩm giữa những người thợ với nhau trong bài Tin Mừng khi lãnh tiền công. Một số trong nhóm của họ không mấy hài lòng trong cách hành xử của ông chủ. Nó có điều gì đó xem ra bất công. Bất công là vì họ thấy làm dài làm ngắn, làm trước, làm sau, đều lãnh chung có một đồng, xem ra nó phải khác nhau chứ!
Vậy phải chăng Thiên Chúa bất công? Thưa hoàn toàn không. Ông chủ có quyền làm điều ấy với những người vào sau, vì ông thương xót họ. Ông trả cho họ không phải vì số lượng công việc họ làm, nhưng là vì lòng quảng đại và thương xót của ông chủ dành cho những người làm công. Những người làm trước lãnh một đồng là đã công bằng và xứng đáng với những gì họ làm. Còn những kẻ đến sau, họ cũng được một đồng, nhưng đó là phần mà họ được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót của ông chủ.
Tư tưởng này của ông chủ, cách hành xử này của chủ vườn nho, chính là hình ảnh trong cách cư xử của Thiên Chúa. Người làm công không hiểu hết được con tim thương xót của ông chủ, nên trách móc ông. Thế nhưng, họ không hiểu rằng, đó là điều ông được phép làm.
Bài đọc một trích sách Isaia đã nói cho chúng ta về điều ấy. Đó là sự khác biệt trong tư tưởng của Thiên Chúa và tư tưởng của con người “vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8). Tư tưởng ấy giữa Thiên Chúa và con người thì cách xa vạn dặm, như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng cuả Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng của con người bấy nhiêu.
Trong đời sống thường ngày, đôi lúc chúng ta cũng dễ rơi vào sự so sánh, sự dò xét, chẳng hạn như chúng ta hay siêng năng đi thờ, đi lễ, vậy mà Chúa cứ để cho mắc hết bệnh này đến bệnh khác; hay chúng ta là gia đình gia giáo, tham gia nhiệt thành công việc nhà thờ, nhà xứ nhưng làm ăn thì chẳng bằng những gia đình cả đời chẳng đến nhà thờ hay chẳng đi lễ Chúa Nhật v.v…
Tất cả điều này cho thấy, những gì chúng ta làm cho Chúa không phải là điều kiện để Chúa trả công, hay trả tiền lương cho ta. Chúng ta hãy coi việc được mời gọi vào làm vườn nho Chúa, hay tham gia vào công việc nhà thờ, nhà xứ là một ân huệ và cứ cố gắng hoàn thành bổn phận ấy cách tốt đẹp. Đấy là việc của chúng ta như những người thợ vào làm vườn nho. Chúng ta hãy nhận ra cơ hội được tham gia công việc nhà Chúa đã là một ơn ban cho chúng ta rồi. Và nếu thấy có ai đó được Chúa ban ơn hơn mình thì hãy mừng cho họ, vì nhờ đó họ sẽ bớt khổ, bớt vất vả đi và tìm được hạnh phúc cho bản thân. Điều quan trọng hơn hết vì đó là điều Chúa muốn. Đừng bao giờ cho mình một đặc ân là mình phải được đối xử xứng đáng hay ưu tiên này nọ trong khi làm công việc nhà Chúa. Hãy khiêm tốn đón nhận thành quả đóng góp nhỏ bé của mình và cùng vui với những ai cũng được Chúa ban ơn cho.
Đây là một cám dỗ rất thường gặp trong đời sống, khi chúng ta cứ đặt mình vào vị trí của người làm công sớm nhất và đòi hỏi Chúa phải trả cho chúng ta nhiều hơn. Và chúng ta cũng dễ rơi vào tư tưởng rằng, mình thế nào cũng quan trọng và xứng đáng lãnh nhiều hơn từ Chúa. Không, chúng ta phải thoát ra khỏi những tư tưởng ấy.
Trong Bài đọc hai thánh Phaolô cũng đã nói về sự lưỡng lự của một người là không biết nên sống hay chết để có lợi. Thế nhưng, thánh Phaolô đã nói rằng, sống hay chết không phải là một vấn đề, mà vấn đề là “anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô” (Pl 1, 27a). Người thợ đến sớm hay đến trễ không quan trọng, nhưng quan trọng là làm bổn phận của mình, dù là làm đủ tám tiếng một ngày hay làm chỉ có một giờ cuối. Cái chất, cái tâm tình sống của một người với Chúa mới là quan trọng, chứ nó không ai nằm ở chỗ số lượng công việc làm cho Chúa.
Có lẽ một tấm gương sáng cho đời sống của người Kitô hữu về tâm tình sống trọn vẹn cho Chúa từng giây phút chính là con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Têrêsa đã biết về phận nữ nhi mỏng manh của mình, nên chị thánh chẳng bao giờ so bì hay đòi hỏi mình phải làm những công việc trọng đại hay vẻ vang như các vị đại thánh, nhưng là con đường bé nhỏ thơ ấu để nên thánh mỗi ngày. Têrêsa là một hình ảnh của người làm vườn nho của Chúa cách chân chính và tín thác vào lòng thương xót Chúa.
Câu chuyện Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh một Thiên Chúa nhân hậu và công minh. Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác xa con người. Điều chúng ta được kêu gọi là chu toàn những gì Chúa đã kêu gọi chúng ta làm trong vườn nho của Chúa mỗi ngày cách vui tươi và chân thành.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM