Hành trình về Alotau, tháng 1/2020 (P2)

0
569

Cao Viết Tuấn, CM

3. Ngày thứ nhì và cập bến

Trong cảnh màn trời chiếu sàn tàu như vậy, nhưng mình đã có một giấc ngủ rất ngon. 5g sáng, theo thói quen, mình thức dậy, vệ sinh, vận động tí xíu, lo kinh nguyện và chờ mặt trời mọc. Cái khoảnh khắc mặt trời mọc, nhất là trên biển thật diệu kì. Mình rất thích ngắm hừng đông rực rỡ màu sắc tươi vui báo hiệu vầng thái dương sắp đến, mình cũng thích chứng kiến khoảnh khắc mặt trời nhú lên từ mặt biển ở chân trời xa thẳm, rồi lớn dần, lớn dần thành một quả cầu rực rỡ.

Đang khi ăn sáng (bánh quy), mình nghe thuyền trưởng nói sẽ ghé đảo Normanby, là nơi cư trú của thuyền trưởng. Khoảng 10g, tàu cập đảo và hành khách cũng vào đảo bằng xuồng. Sau khi rửa mặt và nhìn ngắm nhà cửa người dân ở ven biển. Mình theo một nhóm người quen biết với thuyền trường đi vào nhà, ở trong sâu. Còn nhóm hành khách khác ở lại căn nhà chòi ven biển. Tàu lại xuất bến trả khách và đón khách ở các đảo lân cận.

Tàu khi nào trở lại, không ai biết, kể cả thuyền trưởng, vì người lái tàu đi là thuyền phó. Do đó, khi nào xuất bến cũng không ai biết, và bao giờ tàu đến Alotau, cũng không ai biết, mà cũng không ai hỏi vì không cần phải hỏi. Biết cũng vậy, mà không biết cũng vậy. Không cần sốt ruột, cái gì tới thì nó sẽ tới, khi nào tới thì nó tới. Mình học được bài học này trong thời gian ở PNG. Cứ thoải mái tận hưởng giây phút hiện tại, chuyện gì sẽ đến thì để tính sau.

Đảo Normanby có diện tích khá lớn nhưng dân cư thưa thớt, có nhiều đồi núi và sông ngòi. Đây là nơi cung cấp cau chủ yếu cho đảo Kiriwina lẫn các đảo khác ở tỉnh Milebay. Đập vào mắt là những rừng cau bạt ngàn xen lẫn dừa. Cau trĩu quả trên cây. Còn ở mặt đất, cau khô, cau chín rụng đầy mà không ai đoái hoài. Điều tuyệt vời ở đây là người dân không trộm cắp. Người ta nhặt cau đầy bao (cỡ bao gạo 50kg), bán được 100 – 150 kina tuỳ mùa và tuỳ loại. Ở đảo Kiriwina, mỗi bao cau ấy bán được từ 400-500 kina.

Nhà cửa của người dân ở đây cao ráo, sạch sẽ, khang trang hơn rất nhiều, cho dù vật liệu làm nhà cũng là loại truyền thống lấy từ đảo: thân cây cau, thân và lá dừa, cọ… mỗi căn nhà có khu nhà bếp riêng. Vật liệu làm nên ngôi nhà khang của thuyền trưởng được đổi từ cau. Nghĩa là thuyền trưởng mang cau đi đổi ván, tôn, gỗ… về dựng nhà. Người ta còn đổi cau lấy được máy phát điện, điện thoại. Quả là một hòn đảo được ưu đãi đặc biệt về cau.

Sau khi đi tham quan một vòng, nhóm mình trở lại nhà thuyền trưởng nghỉ ngơi, chờ người nhà nấu ăn. Sáng nay người ta câu được nhiều cá lớn, nên trưa sẽ được đãi món canh cá. Hai vợ chồng người cháu của thuyền trưởng nấu ăn với món cơm (nấu với nước cốt dừa. Còn cá được nấu chung với các loại khoai và nước cốt dừa. Vậy là được một bữa trưa thịnh soạn với cá tươi.

Ăn xong mình tìm chỗ nằm ngủ, còn những khác ra bãi biển chơi. Trong khi đó thuyền trưởng loay hoay chạy tới chạy lui đôn đốc công việc. Số là thuyền trưởng đang thuê người đóng thêm một chiếc tàu mới. Ngủ dậy, mình ngồi chơi nói chuyện với người nhà và những người hàng xóm của thuyền trưởng. Họ rất khoái nghe mình kể chuyện về Việt Nam, về đảo Kiriwina…

Khoảng 5g thuyền trưởng trở lại nhà, tắm rửa và kêu mình đi ra bãi biển chờ tàu về rồi xuất bến. Anh ta cũng sốt ruột khi tàu vẫn chưa về. Hai vợ chồng thuyền trưởng dẫn mình đến nhà thờ Tin Lành chào mục sư và những người đang ở đó. Họ đang chuẩn bị ăn tối linh đình để kết thúc một tuần cầu nguyện. Mục sư và mọi người mời mình cùng ăn tối, và trong lúc chờ đợi thì ngồi chơi nói chuyện.

Họ dọn thức ăn: cơm, khoai, cá, mì gói… trên những tấm lá chuối xếp dài thành hai hàng. Mọi người đi ăn đem theo dĩa, muỗng. Còn thức ăn dành cho mục sư và các vị quan khách được dọn trên bàn hẳn hoi. Sau khi dọn xong, mục sư cầu nguyện ngắn rồi bắt đầu khai tiệc. Mình được chỉ định đi lấy thức ăn đầu tiên, một vinh dự dành cho người quan trọng nhất trong bữa tiệc. Sau đó những người khác lần lượt xếp hàng theo thứ bậc.

Ăn xong, đang uống trà thì tàu đến. Thuyền trưởng vội vã ra xếp đặt công việc nên mình cũng cáo từ để chuẩn bị lên tàu. 8g tàu lại xuất bến nhắm thẳng Alotau. Bầu trời đêm nay tối đen, sấm chấp loé lên liên tục, chỉ lác đác vài ánh sao… Nằm trên sàn tàu một lần nữa, mình nghĩ nếu trời đổ mưa thì không biết chạy đi đâu… Nghĩ vậy rồi cũng chìm vào giấc ngủ nhanh chóng cho đến 5g sáng hôm sau. Tạ ơn Chúa, trời không mưa. Vào vịnh Alotau, một đàn cá heo ra chào đón đầy vẻ phấn khởi, trông thật dễ thương.

Tới bến tàu, mình lấy hành lí và đi bộ về nhà xứ của nhà thờ chính toà. Đứng dưới những tia nước ấm áp sau hai ngày lênh đênh miệt mài, một cảm giác không gì sung sướng hơn! Kết thúc một hành trình đi đến Alotau.