Hiện tại và tương lai của Tu Hội Truyền Giáo

0
916

Javier Álvarez Munguía, CM

Trong ngày đầu tiên của Khoá họp các Tân Giám tỉnh, cha Javier Álvarez, Tổng Phụ tá của Tu Hội Truyền Giáo, đã trình bày một vài suy tư về hiện tại và tương lai sắp tới của Tu Hội Truyền Giáo. Chúng ta sẽ giới thiệu một vài trích đoạn trong những suy tư của ngài về hai tình trạng khác nhau làm nên thực trạng hiện nay của Tu Hội.

1. Khái quát chung về ơn gọi mới trong Tu Hội Truyền Giáo

Khái cạnh này cần được triển khai thông qua một vài số liệu thống kể về Tu Hội Truyền Giáo. Tôi không định đưa ra quá nhiều con số, mà chỉ đủ để có thể đi đến một vài kết luận thôi. Những thông tin về các thống kê này đã được cha Tổng Thư ký Guiseppe Turati, CM công bố vào năm 2014. 

    • Tổng số các nhà truyền giáo: tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 3.240 thành viên, trong đó, 35 giám mục, 52 phó tế, 143 tu huynh, và 44 thành viên được sáp nhập và 2.960 linh mục. So với 10 hoặc 20 năm trước đây, có thể nói rằng Tu Hội Truyền Giáo đã giảm sút về sống lượng nhưng chưa đến mức báo động.
    • Chúng ta có thể tìm thấy các nhà truyền giáo ở đâu ngang qua lục địa? Ở Châu Âu, có 1.148 thành viên, Mỹ Latinh có 776, Châu Á 638, Châu Phi 362 và Bắc Mỹ 307. So với các năm về trước, số thành viên Châu Âu đông hơn (34% tổng số thành viên Tu Hội) nhưng ở Châu Âu và Bắc Mỹ, độ tuổi trung bình của các thành viên cao hơn cả. Các thành viên tại Châu Á và Châu Phi đang tăng nhanh và con số thành viên ở Châu Mỹ Latinh vẫn duy trì ổn định hoặc đang tăng chậm.
    • Xét về số lượng ơn gọi, chúng ta sẽ thấy Tỉnh dòng nào đang tăng trưởng và Tỉnh dòng nào đang duy trì ổn định hoặc đang gia giảm. Chúng ta cũng đưa vào đây những người được “kết nạp”, tức là những người ở trong Nội Chủng Viện và cả những người chưa làm lời khấn. Vào thời điểm này, có khoảng 473 người (và 465 thỉnh sinh và tìm hiểu). Tổng số ơn gọi mới là 938: 438 ở Châu Á và Châu Đại Dương; 210 ở Châu Phi; 191 ở Châu Mỹ Latinh; 59 ở Châu Âu và 31 ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Một vài suy ngẫm dựa trên các con số mà chúng ta vừa đề cập:

    • Tu Hội Truyền Giáo đang giảm sút về số lượng, dù chưa đến mức báo động. So với 50 năm trước, Tu Hội đã giảm khoảng 1.500 nhà truyền giáo… tuy nhiên ở đây, chúng ta cũng phải lưu ý đến hiện tượng Hậu Cộng Đồng. So với thời điểm 20 năm trước đây, Tu Hội đã giảm sút tới 400 nhà truyền giáo. Nếu đối chiếu số lượng các nhà truyền giáo với số lượng ơn gọi, chúng ta sẽ thấy rằng hình chóp đã bị đảo lộn hoàn toàn. Tức là, nơi nào đông ơn gọi nhất lại là nơi có ít các nhà truyền giáo nhất, hơn nữa, đó lại là nơi độ tuổi trung bình của các nhà truyền giáo ở mức thấp nhất. Do đó, chúng ta thấy rằng cuộc khủng hoảng ơn gọi đang ảnh hưởng đến những nơi đông đảo các thành viên với độ tuổi trung bình cao nhất. Nhìn vào dữ liệu này (417 người đã được kết nạp và 684 cảm tình viên) chúng ta có thể đi đến kết luận: tỷ lệ giữa các thành viên và các ơn gọi là có thể chấp nhận được.
    • Trung tâm của Tu hội đang dịch chuyển: từ Châu Âu và Bắc Mỹ sang Châu Á và Châu Phi. Châu Mỹ Latinh dường như không phát triển nhiều nhưng vẫn duy trì ở mức hiện tại. Xét theo khía cạnh ơn gọi, dường như Tu Hội sẽ ngày càng giảm dần ở Châu Âu và tăng dần ở Châu Á và Châu Phi. Tất cả những điều này đưa đến các hệ quả quan trọng về vấn đề hội nhập văn hoá trong đặc sủng của chúng ta. Mãi cho đến thời điểm hiện tại, suy tư về đặc sủng và lối sống Vinh Sơn của chúng ta vẫn được thực hiện với nhãn quan Châu Âu, và từ Châu Âu, toả ra phần còn lại của Tu Hội. Điều tương tự cũng xảy ra ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Châu Mỹ Latinh (tức là, họ đã suy tư dựa trên đặc sủng và lối sống riêng, rồi sau đó tác động đến phần còn lại của thế giới). Tuy nhiên, giờ đây, sẽ có những suy tư và cách thức mới để hội nhập đặc sủng Vinh Sơn và những suy tư này sẽ xuất hiện từ các nhà truyền giáo khác đang sống và thi hành sứ vụ trên những lục địa khác với lập trường và nền đào tạo khác.
    • Tu Hội đang phát triển về số lượng ở những phần thế giới nghèo khổ nhất và đang giảm dần về số lượng trong những xã hội mang tính Kitô giáo cổ truyền hơn. Với kết luận thứ ba này, chúng ta có thể đặt những vấn đề sau: Hiện tượng này sẽ tác động đến Tu Hội như thế nào? Điều này có đồng nghĩa với một sự thay đổi tinh thần không? Thực trạng mới mẻ này sẽ được thể hiện trong việc quản trị chung của Tu Hội như thế nào? Phải nhấn mạnh những khía cạnh nào trong linh đạo Vinh Sơn? Và chúng ta cũng có thể hỏi thêm: Mô hình Giáo Hội học nào sẽ được đề nghị? Chúng ta sẽ có mẫu nhà truyền giáo nào? Đây là những câu hỏi mà vào thời điểm hiện tại chúng ta chưa có câu trả lời, tuy nhiên, từng chút từng chút một, chúng ta sẽ tìm ra những câu trả lời này.
    • Chúng ta thấy số lượng ơn gọi đông đảo nhất thuộc về những Tỉnh dòng trẻ, tức là ở những nơi mà các nhà truyền giáo có ít kinh nghiệm. Điều này có thể đặt ra vài vấn đề trong lĩnh vực đào tạo sơ khởi. Chẳng hạn, các Tỉnh dòng với số lượng đông đảo ứng viên này không được chuẩn bị đủ các nhà đào tạo để đảm bảo một chương trình đào tạo tốt về tinh thần và linh đạo Vinh Sơn. Liệu các Tỉnh dòng có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này có nên cân nhắc một sự trợ giúp nào đó về mặt đào tạo không? Vào năm 1996, cha José Ignacio Fernández de Mendoza đã bày tỏ cùng một mối quan tâm này. Thiếu hụt nhân sự đào tạo là một vấn đề lớn trong các Tỉnh dòng có số lượng ứng viên đang gia tăng. Sự thiếu hụt này gây ra những hậu quả tiêu cực xét về lâu về dài và không dễ bù đắp. Ước mong các Tỉnh dòng tìm ra những đường lối giúp đỡ lẫn nhau nhờ việc trao đổi nhân sự đào tạo. (Vincentiana, #41.2 [Tháng 03-04/1997], p. 95).

2. Việc tái định hình đang làm thay đổi khuôn mặt của Tu Hội

Chúng ta hãy nhìn vào tiến trình tái định hình đang mở ra trong thời điểm hiện tại để có thể hiểu đâu là những điều được bao hàm trong sự thay đổi trên. Tuy nhiên, trên hết, chúng ta phải nhận rằng đường lối hành động này đã được đề cập đến trong Tài Liệu Tổng Kết của Tổng Đại Hội 2010. Đường lối ấy đã được Ban Tổng Cố vấn và nhiều Tỉnh dòng thực hiện một cách nghiêm túc. Đồng thời, chúng ta cũng có thể thêm vào đây rằng nhìn chung, vấn đề tái định hình không được xem như là một nguồn kỹ thuật hay phương tiện sống còn nào đó, đúng hơn, nó được xem như là cơ hội hay phương tiện hồi sinh căn tính đặc sủng của chúng ta trong Giáo Hội; duyệt xét lại các tác vụ cũng như các cộng đoàn của chúng ta ngõ hầu những tác vụ ấy trở thành một biểu lộ của đặc sủng và các cộng đoàn có thể phát sinh một sức sống lôi cuốn. Tuy nhiên, thực tế là không phải mọi thứ liên quan đến chủ để này đều có tính tích cực. Có những trở ngại về phía một số Tỉnh dòng và một vài nhà truyền giáo… Điều này là bình thường. Vậy, làm cách nào để tiến trình tái định này hình được mở ra trong Tu Hội của chúng ta?

a) Châu Âu:

    • Các Tỉnh dòng Úc và Đức đã sáp nhập thành một Tỉnh gọi là AUSGER (ngày 01/01/2015). Có một cơ cấu Tỉnh dòng chung cho hai miền này.
    • Hà Lan: vì độ tuổi trung bình của các thành viên khá cao nên việc tái định hình với Tỉnh dòng khác vừa không thể vừa không tiện lợi nữa. Vào ngày 01/08/2015, Tỉnh dòng này đã chấm dứt tồn tại và trở thành một nhà thuộc Bề trên Tổng quyền và Ban Tổng cố vấn.
    • Pháp, các Tỉnh dòng Paris và Toulouse: sau một tiến trình lâu dài, hai Tỉnh dòng này đã sáp nhập; Tỉnh dòng mới bắt đầu vận hành vào ngày 25/01/2016.
    • Ba Tỉnh dòng Ý (Rome, Naples và Turin) đã sáp nhập thành một Tỉnh dòng duy nhất và bắt đầu vận hành vào ngày 25/01/2017.
    • Ba Tỉnh dòng Tây Ban Nha đã đi đến quyết định sáp nhập và điều này được thực hiện vào ngày 25/01/2017.
    • Một vài Tỉnh dòng Châu Âu vẫn duy trì trong một tình trạng khó xử: Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan và Zaragoza. Số lượng thành viên đang giảm sút, họ có một số ơn gọi mới và cho đến thời điểm này, họ vẫn chưa đi vào bất kỳ tiến trình tái định hình nào.
    • Bỉ hiện giờ thuộc Tỉnh dòng Congo.

b) Châu Mỹ

    • Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ: Việc tái định hình đầu tiên xảy ra vào năm 2010 và năm Tỉnh dòng đã trở thành ba Tỉnh. Vào thời điểm hiện tại, một sự tái định hình mới đang bắt đầu: Tỉnh dòng Anh Quốc Mới và Tỉnh dòng Đông sẽ sáp nhập thành một.
    • CLAPVI-Bắc và Caribbe: Tỉnh dòng Cuba đang nghiên cứu khả năng tái định hình cùng với Tỉnh dòng lân cận là Puerto Rico thuộc Mexico. Tỉnh dòng Venezuela đã trở thành một miền của Tỉnh dòng Colombia nhưng không có ngày tháng xác định việc thiết lập vận hành chính thức của thực thể mới này. Vùng truyền giáo Honduras tương ứng với các Tỉnh dòng Barcelona, Zaragoza và Slovakia cũng đã có một số nhà truyền giáo đến từ Colombia và Trung Mỹ. Có những cuộc bàn thảo nhằm đơn giản hoá cơ cấu phức tạp của vùng truyền giáo này.
    • Tỉnh dòng Costa Rica, dù có ít ơn gọi và nhà truyền giáo, vẫn không tiến hành tái định hình, mà cộng tác với CALPVI và CLAPVI-Bắc.
    • CLAPVI-Nam: vào tháng 03/2013, các Tỉnh dòng phía Nam Cone (Ecuador, Peru, Chile and Argentina) đã bắt đầu cùng nhau suy nghĩ về tiến trình tái định hình. Vào thời điểm này, ý tưởng trên đã bị gạt bỏ. Tuy nhiên, các nhóm tham gia đã đồng ý tăng cường sự cộng tác giữa các Tỉnh và tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực đào tạo sơ khởi. Một nhóm đại phúc lưu động liên Tỉnh đã được thành lập (nhóm này gồm 4 nhà truyền giáo, mỗi Tỉnh một người, và họ sẽ làm đại phúc trong từng Tỉnh).
    • Các Tỉnh dòng thuộc Brazil: những Tỉnh này đã khởi sự quá trình tái định hình. Họ khảo sát tiến trình này qua việc cộng tác trong một số công trình và dự phóng chung… Nhưng các Tỉnh vẫn giữ quyền tự trị của mình.

c) Châu Phi

    • Cameroon: thuộc Tỉnh dòng Paris và hiện giờ sắp trở thành một Phụ Tỉnh.
    • Vùng Kenya: thuộc Tỉnh dòng Tây Hoa Kỳ. Vùng này đã có nhiều tiến triển và đang trong quá trình trở thành một Phụ Tỉnh.

d) Châu Đại Dương

    • Vào thời điểm Đại Hội Tỉnh 2013, Tỉnh dòng Úc đã đổi tên thành Tỉnh dòng Châu Đại Dương. Quyết định đổi tên này nhằm phản ánh một hình thức tái định hình riêng đối với Tỉnh dòng này. Điều đó cũng phù hợp với mong muốn của Tỉnh dòng là mở rộng sứ vụ truyền giáo và tham gia vào việc đào tạo trong các khu vực khác thuộc Thái Bình Dương, nhất là tại Fiji, vốn là một phần của Tỉnh dòng từ khoảng 60 năm qua.

Tái định hình là một tiến trình tương đối mới và không thể ngăn cản. Tiến trình ấy tác động đến đời sống thánh hiến, trước hết là ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Về phần Tu hội, việc tái định hình sẽ đem đến một khuôn mặt mới cho Tu hội trên cả hai châu lục đó, đồng thời, biểu lộ khả năng thích nghi của Tu hội trước những biến đổi mới mẻ. Chúng ta không được phép quên đi thực tế này là: mục tiêu của việc tái định hình là thăng tiến sứ vụ và tình bác ái…  vì thế, chúng ta tìm kiếm những cơ cấu thích nghi tốt nhất mà trong đó sứ vụ và tình bác ái được triển nở. Tiêu chuẩn hướng dẫn cho tiến trình này là: mọi cơ cấu phải phục vụ sự sống. Khi điều kiện sống thay đổi, các cơ cấu cũng phải thay đổi… nếu điều này không xảy đến thì có nghĩa là sự sống đang dần bị héo tàn.