Học ngôn ngữ: Một tương giao – Một sứ vụ cho truyền giáo

0
1190

Thomas Brewster và Elizabeth S. Brewster

Có một quan điểm phổ biến cho rằng, các nhà truyền giáo nên học một ngôn ngữ nào đó như một sứ vụ, để có thể giao tiếp với người dân địa phương. Điều chúng ta muốn nói ở đây, là quá trình học ngôn ngữ tự bản chất là một việc giao tế – một cuộc giao tế thiết thực.

Nhà nhân chủng học truyền giáo Charles H. Kraft đã được phỏng vấn như sau: “Mất bao nhiêu lâu để một người học tiếng, nếu họ đi phục vụ trong hai tháng?”

Kraft trả lời: “2 tháng thôi.”

Người phỏng vấn tiếp tục hỏi, “còn người đi truyền giáo 6 tháng thì như thế nào?”

“Thì anh ta phải mất 6 tháng cho việc học ngôn ngữ.”

“Còn nếu anh ta phục vụ ở đó hai năm.”

“Không điều gì khác hơn anh ta có thể làm, để giao tiếp cách thiết thực hơn, là dành hai năm đó cho việc học ngôn ngữ.” Kraft nói tiếp: “nếu chúng ta tham gia vào quá trình học ngôn ngữ, chúng ta sẽ truyền đạt nhiều điều chính yếu của Phúc âm hơn là nếu chúng ta cống hiến hết mình cho bất kỳ nhiệm vụ nào khác, mà ta có thể nghĩ đến.”

Có ý kiến cho rằng, những nhà truyền giáo ngắn hạn, bằng một cách nào đó nên được miễn học ngôn ngữ, thì cần được xem xét. Chúng tôi đã hỏi một người đàn ông người Tiều ở Hồng Kông rằng: “Những nhà truyền giáo ở Hồng Kông có học tiếng hay không?” Chúng tôi đã biết câu trả lời, nhưng chúng tôi muốn nghe điều ấy từ miệng của người trong cuộc – có thể là 5 % và cao nhất là 10 %, trong tất cả số nhà truyền giáo Tin Lành ở Hồng Kông có thể làm mục vụ bằng tiếng Quảng Đông. Vì vậy mà chúng tôi bất ngờ, và rồi ngạc nhiên khi ông ấy trả lời: “Họ có học chứ -Những người Mặc Môn (một nhóm Tin Lành) có học.” Họ tất thảy đều là những người đến làm việc ngắn hạn, nhưng họ dành 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày một tuần, nói chuyện với dân chúng trên đường phố.

Sự thật là, thái độ của người học có thể là một nền tảng giao tiếp thiết thực nhất, không chỉ cho những người phục vụ ngắn hạn, mà còn cho những ai dành cả đời mình vào việc mục vụ, như một người khách ở một nước khác. Với một góc nhìn “Học là kết giao,” một người có thể có một cơ duyên duy nhất để trau dồi kiến thức văn hóa quan trọng, trong bối cảnh tương quan cộng đồng, là nơi mà tại đó có cơ hội mục vụ.

Chúng ta nhấn mạnh ở đây rằng, chúng ta đang bàn luận về việc học ngôn ngữ, chứ không phải nghiên cứu ngôn ngữ. Hàng triệu người đã nghiên cứu mà không học ngôn ngữ, nhưng cả tỷ người đã học, nhưng không nghiên cứu nó. Ắt hẳn, hơn nữa, số người trên thế giới sử dụng đa ngôn ngữ, nhưng thường thì ít người học tại những trường ngôn ngữ khác. Những người học bẩm sinh cho thấy rằng, kết quả của một ngôn ngữ bình thường là hoạt động xã hội, chứ không phải hoạt động học thuật.

Sự cô lập của người nước ngoài trong một trường ngôn ngữ, thường có hiệu quả kém để giao tiếp tốt trong cộng đồng. (Những trường ngôn ngữ Truyền Giáo đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong phương pháp truyền giáo gần đây. Tuy vậy, đã đến lúc phải giải quyết những vấn đề, như sự ngăn cách một sinh viên khỏi người bản địa, và việc giao tế tự tin đạt được bởi sinh viên mới ra trường. Đây là để tin vào Chúa về một kế hoạch khả thi, có thể khiến cho các nhà truyền giáo đáp trả cách tự tin và mãnh liệt đối với thách thức tiếp cận với nhóm các dân tộc xem ra không thể tiếp cận, mà nhiều dân tộc trong số đó thuộc về hơn 4000 ngôn ngữ, không bao giờ có mặt trong trường học ngôn ngữ.)

Mặt tích cực của quá trình học ngôn ngữ tự nó sẽ được tiết lộ bởi nhiều cách. Trong buổi viếng thăm gần đây đến Châu Phi, chúng tôi nhận được nhiều lời mời nói chuyện với những người có hai ngôn ngữ, những người mà tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Châu Phi. Như một lời mở đầu trong suốt mỗi buổi nói chuyện, tôi đều nói, “”Ekis bly om hier te wees” – “Tôi rất vui khi được ở đây với bạn.” Thính giả đã vỗ tay một cách nồng nhiệt. Tôi đã hoàn toàn chiếm được tình cảm của họ, nghĩa là, tôi quan tâm đến họ và chứng tỏ điều đó bằng việc là học tiếng nói của họ. Điều này đã mang đến một bầu khí, để ngay cả có tranh luận, về một vấn đề nhạy cảm như chủ nghĩa vị chủng, cũng có thể dễ dàng được chấp nhận.

Khía cạnh người học

Nếu việc học ngôn ngữ đã được xem như là giao tiếp và việc mục vụ, thì những khía cạnh và hoạt động của những nhà truyền giáo mới sẽ là gì? Hãy ghi nhớ điều này, những người học dành những ngày có thể để tiếp cận và tham gia với dân bản địa, tìm hiểu họ và coi trọng những gì người ta biết. Những học viên này sẵn sàng xem chính mình như một người thiếu thốn, và phụ thuộc vào người dân. Họ không vội làm những việc riêng của họ. Đúng hơn là, họ thoải mái dành thời gian của mình bằng tương quan với dân chúng. Họ có kế hoạch cho việc học hỏi mỗi ngày, và họ biết cách tập trung vào nó, nhưng lịch trình cá nhân có thể được gác qua một bên khi nhu cầu và cơ hội đến. Họ có chiến lược[i] để tìm hiểu, phục vụ và chia sẻ, điều mà cho phép họ dành hoàn toàn thời gian của mình trong những mối tương quan đầy ý nghĩa.

The Christian Missionary Fellowship (CMF- một hội truyền giáo), như một sứ vụ toàn diện, đã xác nhận rằng, tất cả thành viên của họ nằm trong kiểu tiếp cận này. Trong một bài báo xuất bản về truyền giáo gần đây, một nhân viên quan sát đã diễn tả hoạt động nhân sự của CMF tại Kenya như sau:

điều gì về nhóm nhân sự lại thu hút sự chú ý của quan sát viên? Chính riêng sự chú tâm đến việc học ngôn ngữ là một điều đáng được sự chú ý. Vì ch gần một năm sau khi đến cánh đồng truyền giáo, các nhà truyền giáo mới không có công việc nào khác, ngoại trừ tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa. Ngoài ra, thay vì học Swahili, tiếng quốc ngữ, họ lại học ngôn ngữ chính của người dân, mà một số dân Maasai và Turkana có thể nói.

Việc học tiếng, không phải tại lớp học, nhưng hơn thế là lúc lao động cùng với người dân. Điều này là khả thi qua việc sử dụng k thuật tiếp thu ngôn ngữ như LAMP. Chúng tôi tự hào khi thấy sự tiến bộ của một số người đã đạt được bằng hội thoại tự nhiên theo tiếng lóng, và sự quyết tâm của những người mới đến, để thực sự hòa nhập vào nền văn hóa và ngôn ngữ Maasai và Turkana.[ii]

Điều hay ở đây là, người mới đến không biết về ngôn ngữ trước khi họ bắt đầu. Nhưng họ biết cách học ngôn ngữ theo cách bình thường, qua việc trở thành một thành phần trong một xã hội mới.[iii] Họ xem việc tiếp thu ngôn ngữ như một hoạt động xã hội, hơn là một hoạt động học thuật. Họ muốn trau dồi để nói tiếng cách chính xác như người dân, nên họ dành thời gian với mọi người. Họ có thể không lo ngại nhiều về việc học ngữ pháp (các học giả đã chứng minh đầy đủ rằng, nghiên cứu về ngôn ngữ không sản sinh ra những người nói ngôn ngữ.)

Thoạt tiên, việc trở thành một người phụ thuộc vào môi trường mới thường bị nhận chìm với một nỗi lo lắng dễ hiểu, nhưng điều đó sẽ chóng vượt qua, đối với người thực hiện những chiến lược tham gia vào. Một học viên đã viết thư cho chúng tôi sau khi tham gia vào một dự án nước ngoài, mà chúng tôi điều phối cho một nhóm các nhà truyền giáo mới đến: “Điều tốt nhất đến với tôi, đó là vào ngày đầu tiên khi ngài thách đố chúng tôi thực hành phần nhỏ chúng tôi đã biết cách nói và kể điều đó cho 50 người. Tôi đã không nói chuyện với 50, tôi chỉ nói chuyện với 44 nhưng tôi đã nói chuyện với 44! Cô ấy đã vượt qua sự lo lắng vào ngày đầu tiên bằng cách bắt đầu nhiều mối tương quan. Hơn nữa, cô ấy bắt đầu tạo lập bản thân trong một mạng lưới xã hội, nơi cô ấy có thể thể hiện sự quan tâm của mình đối với mọi người và học hỏi từ họ. Việc học ngôn ngữ và việc mục vụ của cô ấy đã trở thành một và trong cùng một sứ vụ.

Điều quan trọng là phải tạo ra sự uy tín với tư cách là một người học, tại mỗi khởi đầu của mỗi mối quan hệ. Điều đầu tiên phải truyền đạt cách ấn tượng rằng “tôi đánh giá cao những gì bạn biết, và tôi muốn học hỏi từ bạn.” Tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã gặp khó khăn ở sân bay Denver trong một cơn bão tuyết. Một gia đình đến từ Mexico cũng đang đợi, nên tôi bắt chuyện với cậu con trai tuổi teen của gia đình ấy. Trong suy nghĩ muộn màng của tôi về cuộc gặp gỡ đó, tôi nhận ra rằng, ngay từ đầu, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội để học hỏi từ cậu ấy. Cách tôi giao tiếp Tôi có thể dành thời gian nói chuyện với bạn bằng tiếng Tây Ban Nha mà tôi biết, khi tôi có thể giao tiếp, tôi biết một số tiếng Tây Ban Nha, nhưng tôi cần trợ giúp để đảm bảo rằng tôi đã dùng câu đúng. Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi có thể hỏi đại loại như “bạn sẽ nói câu đó như thế nào? hoặc có cách nào tốt hơn để nói điều đó không? Thật dễ dàng để gặp gỡ mọi người và đưa ra một ấn tượng đầu tiên về sự độc lập và tự tin, nhưng nếu chúng ta đưa ra quan điểm để thiết lập uy tín với tư cách là một người học, sau đó chúng ta có thể giúp mọi người vui lòng mang đến cho chúng ta sự giúp đỡ mà chúng ta cần.

Để có được sự tín nhiệm không ngừng với tư cách là người học, điều đó phải cho mọi người thấy rõ rằng, người đó đang đạt được ít nhất một số tiến bộ nhất định. Điều này gần đây đã được minh họa cho chúng tôi khi một người bạn Nhật Bản đã mô tả một người đã từng là một nhà truyền giáo ở Nhật Bản trong hai mươi năm. Nhà truyền giáo đã học được ít tiếng Nhật, và người bạn của chúng ta nói rằng, anh ấy “khó xử” trong các mối tương quan của mình, khả năng giao tiếp kém, trở nên gượng gạo trong các mối tương giao, và không có uy tín như một người học tiến bộ, thì cũng là quá đủ để giữ nhà truyền giáo giữ liên lạc với người Nhật ở mức tối thiểu.

Nền độc lập tự túc của người Bắc Mỹ giúp ích rất nhiều cho những người muốn giao tiếp hiệu quả, có việc mục vụ rõ ràng, hoặc học ngôn ngữ. Xa hơn nữa là cộng đồng được đánh giá bằng cách ở trong tình trạng phụ thuộc vào người dân. Một nguyên tắc ở đây (do Dwight Gradin chỉ ra) là mọi người hãy giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ. Vì vậy, với tư cách là người học, người ta phải sẵn sàng cho thấy cảm thức phụ thuộc. Chính Chúa Giêsu (Đấng, dĩ nhiên, là người có thể độc lập hơn cả những người tốt nhất trong số chúng ta) làm khuôn mẫu về cảm thức thuộc về cho chúng ta. Thời thơ ấu, Ngài sống phụ thuộc vào một gia đình nghèo khó, và khi trưởng thành, Ngài thực hiện sứ vụ của mình như một người có thể nói rằng chính mình không có nơi nào xem như chốn riêng mình để tựa đầu (Lc 9,58).

Ngay cả các tông đồ cũng kinh nghiệm qua cảm thức thuộc về. Bonnie Miedena đã diễn tả tốt điều này:

Khi Đức Giêsu truyền cho nhóm 12 đi rao giảng và chữa lành người bệnh, Ngài đã hướng dẫn họ như sau: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3). Tôi bắt đầu hiểu lý do Đức Giêsu lại nói như vậy. Ngài muốn các tông đồ cảm nghiệm lòng hiếu khách của dân địa phương và phụ thuộc vào họ. Ngài đã biết trở nên giống tha nhân và ở chung trong nhà với họ, sẽ mở cánh cửa cho công việc mục vụ của các tông đồ.[iv]

Không may thay, chúng ta có một quan điểm văn hóa khiến mình tin rằng, sự phụ thuộc và tính yếu kém là những điểm yếu. Trái lại, những người khẳng định rõ thông điệp cuộc đời là những người mà sức mạnh của họ nằm ở sự sẵn lòng trở nên yếu kém (yếu kém là sự sẵn lòng đặt mình vào vị trí mà ai đó bị người khác lợi dụng, hoặc nơi sự thiếu sót và điểm yếu có thể bị bóc trần ra.) Chúa đã nói với Thánh Phaolô tông đồ thế này, “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).  “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7). Việc Chúa Giêsu sẵn lòng đi trọn con đường đến với thập giá là một minh chứng hùng hồn về sự yếu kém trở nên sức mạnh.

Chó sói có cách chứng tỏ yếu kém là sức mạnh. Hai con đực gầm rú dữ tợn, dùng nanh vuốt mà xé toạt cuống họng của đối thủ. Cuối cùng một con đã làm một việc không thể tin: nó ngẩng đầu và đưa cái cổ ra, là bộ phận yếu nhất của nó, cho kẻ thù. Cuộc chiến nảy lửa bất chợt dừng lại. Nhà khoa học tự nhiên thắng giải Nobel hòa bình Konrad Lorenz viết như sau:

Một con sói hay một con chó đưa cổ cho kẻ thù nó sẽ không bị cắn nặng hơn… Con người… có thể rút ra bài học từ đó. Chí ít, tôi đây đã rút được một cách hiểu mới và sâu sắc về câu nói đẹp và thường được hiểu sai từ Kinh Thánh… “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6,29). Một con sói đã khai sáng cho tôi: để kẻ thù của ngươi không đánh phạt ngươi lần nữa, hãy trao cho nó cái má bên kia, nhưng cũng để nó không thể làm như vậy.[v]

Khi chúng ta đề xuất rằng học ngôn ngữ là giao tiếp, tất nhiên, chúng ta đang xem “giao tiếp” theo nghĩa rộng: chúng ta đang đề cập đến toàn bộ thông điệp cuộc sống mà các thành viên của cộng đồng mới nhận được. Nó chỉ ở một mức độ hạn chế, mà các hàm ý và sự hiểu biết được truyền đạt được tiếp nhận thông qua các kênh ngôn ngữ. Dành thời gian với mọi người, quan tâm đến họ, sẵn sàng phục vụ họ và có lẽ quan trọng nhất là thể hiện sự đánh giá cao về cách thức và ngôn ngữ của họ, là một chiến lược giao tiếp rất hiệu quả. Hơn nữa, đó là một chiến lược có sẵn cho ngay cả những người vừa mới đến một đất nước xa lạ. Có rất ít điều mà một vị khách ở một quốc gia khác có thể làm được điều đó, sẽ có nhiều tiềm năng hơn để giao tiếp mạnh mẽ và tích cực.

Một lý do phổ biến để suy nghĩ về “học ngôn ngữ để giao tiếp”, là giao tiếp bằng lời nói rất được chú trọng trong xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, có một thực tế là những thông điệp được nhận bằng những cách phi ngôn ngữ, thường truyền đạt tác động mạnh hơn nhiều so với thông điệp bằng lời nói. Phúc âm Gioan (chương 4) cho chúng ta biết về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria bên giếng — một phân đoạn thường được nghiên cứu, để hiểu sâu hơn về phương thế truyền giáo. Bất cứ điều gì Chúa Giêsu làm đều có hiệu quả, vì đoạn Kinh thánh cho chúng ta biết rằng, nhiều người đã tin vào Ngài. Chúng ta được gợi ý rằng, tác động của thông điệp của Ngài không chỉ do những gì Ngài nói, mà còn do những gì ngài đã làm. Ngài là một người Do Thái, và “Người Do Thái không có quan hệ gì với người Samari” (câu 9), nhưng Chúa Giêsu đã ở lại hai ngày, chia sẻ sự hiếu khách ở nhà họ! Các môn đệ của Ngài diễm phúc được nhìn thấy Chúa Giêsu làm khuôn mẫu cho họ về sứ vụ nhập thể là như thế nào, khi Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa họ – và không nghi ngờ gì với sự chán nản của chính họ, họ đã trải nghiệm điều đó cùng với Ngài.

Thông thường, những người nhà truyền giáo hoàn tất nhiều năm học ở trường và có điều kiện nghĩ rằng mình đã “chuẩn bị” để thực hiện sứ vụ. Học ngôn ngữ được coi là rào cản lớn giữa những người “chuẩn bị sẵn sàng” này và mục vụ hiệu quả ở đất nước mới. Vì vậy, tất nhiên, họ phải học ngôn ngữ này, để bắt đầu công việc. Do đó, việc học ngôn ngữ được coi là một trở ngại cần được nhanh chóng vượt qua, để sau đó họ có thể tiếp tục làm những gì họ được “đào tạo” để làm.

Với tâm lý này, những nhà truyền giáo này có lẽ đã “chuẩn bị trước” để làm các môn đệ theo hình ảnh văn hóa của chính họ – theo những khuôn mẫu đã được mô phỏng cho họ trong bối cảnh giáo hội và trường học phương Tây. Tất cả nền giáo dục và kinh nghiệm của họ đều được định hình trong các hình thức văn hóa mang lại cảm giác như ở nhà, khi “trở lại Mỹ”. Những người như vậy  đã được chuẩn bị để đưa Chúa đến với mọi người. Nhưng nếu nhà truyền giáo không đưa Chúa đến với dân chúng. Thì ngược lại, Thiên Chúa là nhà truyền giáo! Và Chúa đã ở đó trước khi nhà truyền giáo đến. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Ngài không ngừng làm chứng cho mình (Cv 14,17). Trong những năm gần đây, Don Richardson, thông qua cuốn sách Đứa trẻ hòa bình và Sự vĩnh hằng trong trái tim chúng,[vi]  đã giới thiệu thuật ngữ “phép loại suy cứu chuộc”. Sự hiểu biết về khái niệm loại suy cứu chuộc có thể cho phép nhà truyền giáo tin rằng, trong mỗi nền văn hóa, Thiên Chúa đã ban cho những hiểu biết, quan điểm và kiến ​​thức văn hóa mà Chúa Thánh Thần của Ngài có thể dùng cứu độ, làm cầu nối, để đưa mọi người đến với Ngài.

Nếu các khía cạnh của tri ​​thức văn hóa mà Thiên Chúa có thể sử dụng để cứu độ được khám phá và khẳng định, các nhà truyền giáo có thể được ưu tiên, khi thấy Thiên Chúa sử dụng những hiểu biết đó để khơi dậy động lực của dân chúng. Nếu không có những khám phá đó, các nhà thừa sai chỉ có thể hy vọng tiếp cận được các thành phần rìa của xã hội – những người sẵn sàng đủ, như những nhà truyền giáo phương Tây để hiểu những thành phần ngoại lai của Phúc âm.

Những người có quan điểm “học ngôn ngữ là giao tiếp – là mục vụ” cũng có thể có nhiều năm học và kinh nghiệm, nhưng họ có thể nhận ra rằng, họ chỉ sẵn sàng bắt đầu học trong bối cảnh văn hóa mới của họ. Cho nên, họ nên đến đó với vị thế khiêm tốn hơn là với vị thế đặc quyền hay ưu tiên về kinh tế và giáo dục. Thay vào đó, thông qua các mối quan hệ, họ có thể theo cách của mình trong khuôn khổ các giá trị và lý tưởng của nền văn hóa và có được quan điểm của người trong cuộc, về kiến ​​thức văn hóa để phục vụ theo những cách thể hiện sự tế nhị và hợp lý. Eugene Nida đã gọi điều này là “lấy hành động làm trung tâm”.[vii]

Họ nên muốn cuộc sống của họ được hiểu và được xem như là Tin Mừng khi được nhìn qua quan điểm của những người thuộc nền văn hóa mới.

Phác họa Người học – Người phục vụ – Người kể chuyện

Cách đây vài năm, một bài luận quan trọng được xuất bản bởi Donald N. Larson có tên là “Vai trò khả thi: Người học, người buôn bán, người kể chuyện.”[viii]  Larson gợi ý rằng, đây là ba vai trò truyền giáo có thể có ý nghĩa nhất và được hiểu từ quan điểm của người dân địa phương. Ông hướng sự chú ý của chúng ta đến yếu tố mà những nhà truyền giáo phải quan tâm nhất – không phải là “bản thân tôi có ý nghĩa, hay hội dòng cử tôi, hay những nhà truyền giáo xa xứ của tôi,” mà là, “Sự hiện diện của tôi và các hoạt động của tôi có được coi là Tin Mừng khi được Chúa kêu gọi tôi không?” Dường như đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đối với bất kỳ nhà truyền giáo nào.

Larson khuyến nghị thêm rằng, một nhà truyền giáo mới dành ba tháng đầu tiên của mình cho các trách nhiệm của vai trò Người học, sau đó, trong tháng thứ tư, hãy thêm vai trò Người buôn bán và sau tháng thứ sáu, hãy thêm vai trò Người kể chuyện. Trong một dự án thử nghiệm mà chúng tôi chỉ đạo ở Colombia vào đầu năm 1978, chúng tôi đã thử nghiệm với những loạt khuyến cáo này. Chúng tôi đã cam kết chắc chắn với nguyên tắc có khả năng hiện hữu từ quan điểm của người trong cuộc – về việc người truyền giáo là tin mừng khi được người dân địa phương nhìn nhận.

Nhưng chúng ta thấy tốt nhất là nên sửa đổi một vài điều cụ thể của Larson. Thứ nhất, vai trò của thương gia như vị ấy đã định nghĩa, nó dường như không khác biệt về mặt chức năng hay phương pháp luận so với vai trò người kể chuyện của ông ấy, cả hai đều là kể những câu chuyện, nhưng nội dung được đề xuất của các câu chuyện thì khác (vai trò thương gia của Larson đang trao đổi thông tin về các dân tộc trên thế giới và người kể chuyện của ông ấy đang tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng bằng truyện kể). Chúng tôi muốn kết hợp nội dung của cả hai dưới biểu ngữ “Kể chuyện”. Thứ hai, chúng tôi nhận thấy rằng người học cần những câu chuyện ngay từ đầu, vì vậy tốt nhất nên có tất cả các vai trò hoạt động ngay từ khi học sớm. Thứ ba, chúng tôi cảm thấy rằng một vai trò quan trọng khác cũng nên được đưa vào danh sách các vai trò “khả thi” – đó là người phục vụ.

Ba vai trò – Người học, Người phục vụ, Người kể chuyện – không chỉ khả thi đối với người mới đến, nhưng còn qua sứ vụ của một người. Hơn nữa, mỗi người đều có cơ sở vững chắc trong sự hướng dẫn và trong khuôn mẫu nhập thể của sứ vụ mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta:

Người học. Những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu được gọi là “môn đệ”. Bản thân từ này có nghĩa là “người học”. Trong lệnh truyền, Chúa Giêsu nói với những học viên Kitô hữu ban đầu này, Thầy đã được ban cho tất cả mọi thứ trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”(Mt 28,19-20).

Người phục vụ. Đấng mà muôn vật đã được tạo thành (Ga 1,3) đã để lại vinh quang trên trời để ở giữa chúng ta (Ga 1,14). Nhưng Ngài không đòi hỏi sự tôn trọng hoặc có một địa vị đặc quyền cho bản thân. Người nói với các môn đệ: Ai muốn làm lớn trong anh em, thì phải làm tôi tớ mọi người, và ai muốn làm lớn trước hết phải làm đầy tớ cho anh em – giống như Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống làm giá chuộc muôn người ”(Mt 20,26-28). Chúa Giêsu được tôn trọng, và Ngài đã làm như vậy từ quan điểm của chính những người mà Ngài đã phục vụ.[ix]

Người kể chuyện. Qua các dụ ngôn, Chúa Giêsu là một người kể chuyện. Thánh Mathêu đã từng ghi lại cho chúng ta rằng: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (13,34).

Phác họa Người học Người phục vụ Người kể chuyện đưa ra một mô hình sứ vụ mà người khác có thể dễ dàng học hỏi. Một sứ vụ môn đệ trong các phác họa khác với người học, người phục vụ, và người kể chuyện, được xem xét từ nền tảng của một tình trạng đặc quyền. Mô hình sứ vụ đó, được đưa ra sau này, có thể không còn xa lạ với những người được phục vụ. Họ có thể không tự coi mình là người có đủ chứng chỉ hoặc nguồn lực cần thiết để thực hiện sứ vụ, và do đó có thể cảm thấy rằng, trách nhiệm đào tạo môn đệ hoặc lãnh đạo sứ vụ là điều mà chỉ người truyền giáo xa xứ mới có thể làm được.

Các vị trí hành chính, giáo dục, công nghệ hoặc thần học có địa vị cao mà nhiều nhà truyền giáo có được, có thể hiếm khi được coi là Tin Mừng khi nhìn qua con mắt của người dân địa phương. Thông thường, những nhà truyền giáo có thể đang giới thiệu một hệ thống y tế cạnh tranh hoặc hệ thống nông nghiệp hoặc hệ thống giáo dục hoặc hệ thống tôn giáo. Những điều này, khi được giới thiệu bởi một người không hiểu sâu về văn hóa, có thể làm cho bản thân bị hiểu cách tiêu cực. Một phác họa tốt hơn có thể dựa trên thư Philípphê chương 2 câu 3: “Mỗi người hãy quý trọng người khác hơn mình.” Bản thân dân chúng cần được nâng cao lòng tự trọng khi họ được khẳng định qua mối quan hệ của họ với nhà truyền giáo.

Thay vì tự cho mình một vai trò được chỉ định hoặc đặc quyền (đôi khi được mang danh như ngài, bác sĩ v.v…), Người học – Người phục vụ – Người kể chuyện có thể phát triển cơ hội để giành được sự tôn trọng đi kèm với vai trò đã đạt được. Từ chối chỗ đứng cho mình, họ có thể áp dụng quan điểm: “Dân chúng phải lớn lên (về hình ảnh và tầm vóc của bản thân); Tôi phải nhỏ đi. Tôi không ở đây để đảm nhận đặc ân cho bản thân, mà là để làm vinh danh Chúa Giêsu.

Thái độ của Người học, cũng như chiến lược của họ, thì cực kỳ quan trọng. Tất nhiên, có thể theo đuổi chiến lược học ngôn ngữ từ vị thế của những vai trò không có đặc quyền và chưa bao giờ hiểu hoặc đánh giá cao các giá trị văn hóa của người dân. Trong chuyến hành hương cá nhân của mình, chúng tôi nhận thấy rằng, thần học bảo thủ của chúng tôi (mà chúng tôi khẳng định) đôi khi khiến chúng tôi muốn vội vàng đưa ra kết luận về việc, liệu một số hình thức văn hóa nhất định có tương thích với Kinh thánh hay thích hợp với cộng đồng tin mới hay không? Đôi khi chúng ta không tin cậy Chúa Thánh Thần trong sứ vụ hướng dẫn dân chúng vào lẽ thật. Thông thường, khi chúng ta mang thần học của chính mình vào sứ vụ truyền giáo, nó có thể rất quan trọng đối với chúng ta là chúng ta cẩn thận dạy mọi người những gì họ nên nghĩ về các vấn đề giáo lý. Nhưng điều này có khả năng đặt chúng ta vào một vai trò, mà ở đó có khả năng lớn là chúng ta sẽ không khẳng định được chính những giá trị văn hóa, có thể tiếp thêm sức mạnh cho công việc của Thiên Chúa ở giữa dân chúng. Thay vì bảo họ phải nghĩ gì, có lẽ tốt hơn là nên cố gắng giúp mọi người học cách suy nghĩ và cách để cho phép Chúa Thánh Thần dẫn dắt vào lẽ thật, khi họ áp dụng Lời Chúa cho chính mình. Một thái độ kiên nhẫn cởi mở đối với các giá trị của văn hóa và tin tưởng vào sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân chúng là điều cần thiết. Với thái độ như vậy, Kinh thánh có thể mở ra những quan điểm mới có thể phù hợp đặc biệt với bối cảnh văn hóa mới.

Hai báo cáo nghiên cứu điển hình

Guatemala: Hai năm trước, các tác giả đã tham khảo ý kiến ​​của “Dự án Tiếp thu & Khám phá Ngôn ngữ” (LEAP) cho một cuộc truyền giáo ở thành phố Guatemala. Mỗi người trong số 20 người tham gia đã dành cả ngày trên đường phố để giao tiếp với mọi người. Trong tuần thứ mười một, điều phối viên của dự án đã tiến hành một cuộc nghiên cứu tổng hợp trước về tiến độ của những người tham gia và cũng so sánh những người cùng cấp với một nhóm đối chứng bao gồm những nhà truyền giáo được đào tạo về ngôn ngữ ở trường học truyền giáo đang ở trong thành phố. Bản báo cáo dài hai mươi trang đã được gởi cho nhà truyền giáo và một bản sao đã được gửi cho chúng tôi. Một mẫu của các bản nghiên cứu ủng hộ mạnh mẽ luận điểm rằng học ngôn ngữ là giao tiếp, là mục vụ:

… mỗi người trong số họ [những người tham gia LEAP] … [] ít bị ảnh hưởng bởi “tâm lý trại tập trung” hơn bất kỳ nhà truyền giáo nào khác của chúng tôi [tr. 7].

LEAPers cảm thấy tương đối “như ở nhà” trong văn hóa Latinh. Những người dạy học ngôn ngữ, kể cả những người đã ở đây nhiều năm, cũng không [tr. 18].

Các LEAPer không chỉ học một số tiếng Tây Ban Nha, họ còn học cách giao tiếp với mọi người. Hầu hết khóa học ngôn ngữ, khi được hỏi về việc học thêm tiếng Tây Ban Nha, đều có ý tưởng “tham gia một khóa học nâng cao” hoặc “tự học qua một cuốn ngữ pháp” [tr. 18].

[Những người] trong nhóm đối chứng trung bình có một người bạn Guatemala. Mỗi LEAPer có mười lăm hoặc nhiều hơn [p. 18].

Mỗi LEAPer đã có liên hệ với hàng chục người ở Guatemala. Có ít nhất 1.000 người Guatemala đã có những thử nghiệm tích cực với truyền giáo trong mười hai tuần của chương trình này ….

Ai biết tất cả các quan hệ công chúng cấp thấp này cuối cùng sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho truyền giáo; rất không thể xảy ra rằng nó sẽ gây hại cho ta [p. 19].

Việc phát triển các mối quan hệ, không phải học từ vựng, là trọng tâm của những người học LEAP này. Tuy nhiên, khi việc sử dụng từ vựng cốt lõi của họ được so sánh với các nhà truyền giáo được đào tạo tại trường ngôn ngữ, nghiên cứu đã tiết lộ điểm số nhận định/hiệu suất 74 %  đối với nhóm LEAP, trong khi những người được đào tạo ở trường đạt 56 % . Khi cả hai nhóm cá nhân được so khớp với “cùng (hoặc tương đương) kiến ​​thức ngữ pháp, kỹ năng ngữ âm, v.v.., nhóm LEAP biết thêm 32 % từ vựng!” (nhấn mạnh của họ; trang 17).

Biết làm thế nào để trở thành một người học là rất quan trọng cho sự thành công của loại phương pháp tiếp cận này. Nhóm LEAP bao gồm một số người tham gia mà chúng tôi đã đào tạo trước và những người khác được chúng tôi đào tạo ở Guatemala. “Những người trong nhóm đã từng tiếp xúc với các khái niệm LAMP[x] đã đạt được tiến bộ 11,78 đơn vị thời gian, so với 5,82 đơn vị thời gian của những người không tiếp xúc trước đó-hơn gấp đôi!” (tr. 3). Đạo đức: Hầu hết người Mỹ cần được đào tạo với tư cách là người học trước khi họ bắt đầu phương pháp học tập độc lập thông qua các mối quan hệ.

Bolivia: Một bài báo mà chúng tôi đã xuất bản trên tạp chí hàng quý Evangelical Missions[xi] ghi chép về các loại cơ hội mục vụ đi đôi với việc trở thành một người học ngôn ngữ tích cực tham gia. Bài báo mô tả các hoạt động của một nhóm mười mấy thành viên của Phong trào Agape của Campus Crusade:

Trong tuần thứ hai, các thành viên trong nhóm học cách nói một số điều chẳng hạn như, “Mỗi ngày, tôi học cách nói điều gì đó mới và tôi sẽ cần thực hành nó bằng cách nói chuyện với mọi người. Tôi có thể đến và nói với bạn những điều mới tôi học được mỗi ngày?”

Bằng cách này, mỗi người đã có thể nói chuyện thường xuyên với những người trong cộng đoàn của mình… Các mối quan hệ nồng ấm được phát triển với những người nghe thường xuyên hàng ngày này. Mỗi người học cũng tạo thói quen trò chuyện hàng ngày với càng nhiều người mới trong cộng đồng càng tốt.

Trong tuần thứ sáu, các thành viên trong nhóm bắt đầu học kể một câu chuyện về mối quan hệ cá nhân của họ với chúa “Truyền giáo bằng kể chuyện” này phát triển một cách tiệm tiến. Mỗi người học lên kế hoạch cho toàn bộ câu chuyện mà họ muốn có thể kể trong giao tiếp thời gian anh ta sẽ kể càng nhiều câu chuyện của anh ta càng tốt, và sau đó anh ta sẽ nói, “Đó là tất cả những gì tôi biết hôm nay; tôi sẽ kể cho bạn nhiều hơn vào ngày mai.”

Hơn 30 người biết đến Chúa Giêsu do mục vụ liên quan đến việc hướng dẫn mà những người mới học ngôn ngữ này có thể phát triển trong ba tháng [đầu tiên] đó. Nhiều người trong số này hoặc là thành viên của các gia đình mà chúng tôi đang sống cùng, hoặc là những người thường xuyên lắng nghe. Trong cả hai trường hợp, do các mối quan hệ cá nhân mà họ đã phát triển, họ có thể bước theo và trở thành môn đệ của những cộng đoàn đức tin mới.

Phần kết luận

“Học ngôn ngữ là giao tiếp – là mục vụ!” là một quan điểm có thể có ý nghĩa quan trọng đối với các ứng cử viên truyền giáo mới. Điều quan trọng là họ phải tìm cách trao đổi thư từ và trao đổi trước về những vấn đề này với cá nhân truyền giáo thích hợp. Chúng tôi cảm thấy thật là thích đáng để xem xét, khi mà bất kỳ vị thế truyền giáo đã không cho phép bạn tự do theo đuổi việc học ngôn ngữ, phục vụ và kể chuyện một cách tích cực.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM và Thầy Toma Thiện Phạm Minh Ngọc chuyển ngữ từ internationalbulletin.org (International Bulletin of Missionary)


[i] Chúng tôi đánh giá điểm số của các học viên mỗi năm, tại trường truyền giáo quốc tế Fuller và các nơi khác, trong một chiến lược học tập và phục vụ thông qua một loạt các mối quan hệ xã hội.

[ii] Ray Giles, “Home Again to Africa,” Impact, Christian Missionary Fellowship, Indianapolis, June-July 1981. Italics in the original.

[iii] Xem  “Bonding and the Missionary Task,” một sổ tay để biết như thế nào để trở thành một thành viên trong một cộng đồng mới, xuất bản 1981 bởi Lingua House, 915 West Jackson, Colorado Springs, Colorado, 80907; $1.25.

[iv] Bonnie Miedema, “Reflections on a Learning Experience” (unpublished, 1981).

[v] Konrad Lorenz, King Solomon’s Ring, as condensed in Reader’s Digest Condensed Books, no. 1 (1960), p. 466.

[vi] Don Richardson, Peace Child, (Ventura, Calif.: Regal, 1974). Also by Richardson, Eternity in Their Hearts (Ventura, Calif.: Regal, 1981).

[vii] Eugene A. Nida,” ‘Why Are Foreigners So Queer?’ một tiếp cận nhân chủng học xã hội đối với môi trường đa văn hóa,  International Bulletin of Missionary, Research July 1981, p. 103.

[viii] Donald N. Larson, “The Viable Missionary: Learner,  Trader,  Story Teller,” Missiology, April 1978.

[ix] Charles H. Kraft elaborates on the concept of Jesus earning respect, in “Communicating the Gospel God’s Way,” Ashland Theological Bulletin, Spring 1979, p. 12

[x] Brewster and Brewster, Language Acquisition Made Practical- Tiếp thu ngôn ngữ trở nên thiết thực (LAMP) (Colorado Springs: Lingua House, 1976).

[xi] Brewster and Brewster, “How to Learn a Language and Culture,- để học một ngôn ngữ và văn hóa như thế nào” Evangelical Missions Quarterly 14, no. 2 (April 1978).