Khám phá và biện phân những thách đố: Từ nhãn quan của thánh Vinh Sơn. . . đến nhãn quan của chúng ta

0
1175

Emeric Amyot d’Inville, C.M.

Như chúng ta đã nói lúc đầu, tháng đại phúc Vinh Sơn của chúng ta được cấu trúc xoay quanh phương pháp “Xem – Xét – Làm”, và sẽ được đúc kết nhờ một quá trình dàn xếp và soạn thảo một tài liệu bày tỏ niềm tin của chúng ta liên quan đến nhiệm vụ này ngày nay.

Hiện tại chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên: “Xem”. Cho đến bây giờ chúng ta đã cố gắng nhìn vào thực tế xung quanh chúng ta: thế giới, Giáo Hội, nhu cầu của người nghèo, những thách đố của họ, những khó khăn của chúng ta…. Bây giờ tôi muốn đưa ra một suy tư về cách thức mà thánh Vinh Sơn tập trung vào thực tại xã hội và Giáo Hội xung quanh ngài. Bởi lẽ hệ quả của nhãn quan rất sắc nét này, một nhãn quan thức tỉnh trước tiếng kêu la của người nghèo, trước những dấu chỉ từ Thiên Chúa và, trước những thách đố phải đối mặt, đã sản sinh ra công trình truyền giáo và bác ái của ngài nhờ sự đáp trả phù hợp và hiệu quả. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta thẩm định một cách nghiêm túc về cách “xem” của chính chúng ta và về mối bận tâm mà chúng ta phải có đối với thực tế xung quanh mình ngày hôm nay. Đó cũng là để thẩm định khả năng nhận thức những thách đố then chốt của thời đại chúng ta cũng như thái độ lưu tâm của chúng ta đến các dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta qua các biến cố. Tất cả những điều này là nhằm thích nghi tốt hơn với hoạt động truyền giáo của chúng ta. Chỉ khi các cuộc đại phúc tập trung vào những đòi hỏi thực sự của thời đại, lúc đó nó mới có thể là một công cụ hữu hiệu cho việc truyền giáo mới mà Giáo Hội đang kêu gọi chúng ta.

Bài trình bày này sẽ tập trung chủ yếu vào thánh Vinh Sơn. Nó không giống như hầu hết các bài trình bày khác thường lấy các cuộc đại phúc hiện nay làm điểm khởi đầu… Thật tốt để quay trở lại cội nguồn của chúng ta vào lúc khởi đầu của thánh Vinh Sơn. Tôi sẽ chia bài trình bày của tôi thành ba phần:

I. Tìm lại một viễn tượng tông đồ.

II. Tiến trình biện phân của Thánh Vinh Sơn trước những thách đố trong thời đại của ngài

III. Những thách thức khôn lường mà thánh Vinh Sơn phải đương đầu.

I. Tìm lại một viễn tượng tông đồ

Cha Jean Morin trong một nghiên cứu sâu sắc về viễn tượng của St Vincent được tìm thấy trong cuốn sách về thế kỷ thứ tư của St Vincent, “1581 – 1981”[1], bắt đầu với một nhận xét sâu sắc rằng, trong các bức chân dung của St Vincent mà chúng ta còn giữ lại được, “không ai ngờ rằng đôi mắt của ngài là ấn tượng nhất, điều có thể thấy trong đôi mắt ngài là khả năng chú ý tuyệt vời, của một tài năng quan sát cao, người ta cũng phát hiện ra một sự ám thị về sự tinh nghịch của một người vùng Gascon, trên hết người ta thấy trên đôi mắt ấy một sự rất mực tốt lành.” 

Thánh Vinh Sơn là một con người thực tế, điểm khởi đầu của ngài là sự hiểu biết rõ ràng các biến cố là những điều mà ngài sẽ suy nghĩ trước khi hành động. Vì thế mà chúng ta thường thấy trong các thư từ và các bài nói chuyện của ngài các động từ “xem” hoặc “nhìn”.

Vào ngày 16 tháng 8 năm 1652, thánh Vinh sơn đã mô tả sự khủng khiếp của cuộc chiến tranh để thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Innocent X can thiệp cho hòa bình, ngài đã nói thêm: “Nghe hay đọc những điều này là chuyện nhỏ; chúng phải được xem xét và xác định bằng nhãn quan riêng của mỗi người.[2]

1. Một cậu bé quê nghèo nhìn ra thế giới (1581 -1595)

Nhãn quan đầu tiên của thánh Vinh Sơn về thế giới có được qua việc nhìn vào cha mẹ, gia đình, hàng xóm, môi trường của ngài. Một cậu bé nhà quê nghèo đang nhìn xem những người nông thôn khác ở Pouy. Điều này ghi dấu sâu sắc trong ngài. Ngài đã thừa nhận điều này như sau: “Tôi là con của một người nông dân chăn heo và chăn bò.”[3] Đối với các Nữ tử Bác ái, ngài nói: “Tôi sẽ dễ dàng nói với chị em hơn về đức tính của những cô gái quê tốt lành vì những kiến ​​thức tôi có về điều này thông qua kinh nghiệm và qua bản chất, là con trai của một nông dân nghèo và sống ở miền quê đến năm 15 tuổi”.[4] Nhãn quan “từ bên trong” về người nghèo này là đặc trưng của ngài cho đến cuối đời, bất kể thời kỳ xa cách.

Do đó, chính trải nghiệm đầu đời của ngài về cuộc sống khó nghèo giữa những người nông dân nhỏ bé, túng thiếu, cũng như về công việc khiêm tốn trên đồng ruộng, đã hình thành nên nhãn quan ban đầu của thánh Vinh Sơn, và thường được ngài đề cập đến trong các bút tích của mình. Thánh Vinh Sơn thường không ngần ngại đứng về phía những người dân quê nghèo khổ này. Ngài cảm thấy mình là một người trong số họ. Ngài ca ngợi đức tin và lòng can đảm của họ giữa gian truân, và đặt nó trái ngược với những nhà truyền giáo không sẵn sàng chịu đau khổ, chỉ tìm kiếm sự thoải mái và không thích làm nhiều công việc: “Chính nơi những con người nghèo khổ này mà tôn giáo chân thực và đức tin sống động vẫn tiếp tục tồn tại…. (Họ là) những người làm vườn nho nghèo khổ, những người cung cấp cho chúng ta thành quả của họ, những người cậy nhờ chúng ta cầu nguyện cho họ trong khi họ làm việc mệt mỏi để nuôi dưỡng chúng ta! Còn chúng ta thì đi tìm bóng mát! Chúng ta không muốn đi ra ngoài mặt trời! Chúng ta là những kẻ giỏi tìm kiếm sự thoải mái! Ít nhất là trong khi thi hành sứ vụ, chúng ta ở trong nhà thờ, được bảo vệ khỏi mưa bão, nắng gió, còn những người nghèo này thì bị phơi ra….!”[5]

Như chúng ta đã thấy mặc dù có một khoảng thời gian xa rời môi trường của mình, ngài vẫn giữ ý thức thuộc về những người nông dân nhỏ bé, nghèo khổ mà ngài đã đắm mình giữa họ trong suốt 14 năm ở Pouy. Ngài cảm thông sâu sắc đối với họ. Kinh nghiệm nền tảng cho phép ngài nhìn thấy người nghèo từ bên trong này, chắc chắn đã góp phần mang lại cho lòng bác ái của ngài tính thực tế, cảm thức về nhu cầu cụ thể của người nghèo, nhờ đó, tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả.

2. Phát triển một nhãn quan khác về thế giới (1595 – 1617)

Thời gian 14 năm ở Pouy đã làm cho cha Vinh Sơn rất phong phú, nhưng ngài không hề nhắc đến cho tới khi ngài quyết định hiến mình cho người nghèo với mục đích rao giảng Tin Mừng cho họ và phục vụ họ. Trong khi đó ngài đã rời xa các điều đó khoảng 22 năm rồi. Và đó là nơi mà một nhãn quan mới về thế giới sẽ phát triển nhờ tiếp xúc với những người giàu có, một nhãn quan mà sau này sẽ giúp ngài biết cách thu lượm được hoa lợi lớn lao cho hoạt động tông đồ của mình.

Năm 1595, thánh Vinh Sơn rời trang trại của cha mình và cuộc sống đầy thử thách của miền quê để đến học đại học tại Dax, khi đó ngài ở trọ trong gia đình khá giả của ông de Comet, một luật sư xuất thân từ Pouy. Cha Vinh Sơn đã bắt đầu một giai đoạn dài của cuộc đời, càng ngày càng tìm rút mình ra khỏi môi trường miền quê và tạo dựng cho mình một sự nghiệp.

Bởi vì hàng giáo sĩ là con đường nhanh nhất để các chàng trai leo lên các nấc thang cao hơn trong xã hội từ địa vị thấp kém của mình, nên gia đình đã đặt ngài vào con đường này. Sau một vài năm học hành, thánh Vinh Sơn được thụ phong linh mục ở tuổi 19, và tiếp tục nghiên cứu thần học tại Đại học Toulouse.

Ngài ra đi để tìm kiếm vận may cho mình, nhưng không được mấy thành công. Năm 1608, ngài tham gia phục vụ Nữ hoàng Marguerite de Valois, với tư cách là một trong những cha tuyên úy của bà, với nhiệm vụ phân phát của bố thí. Nhưng thánh Vinh Sơn vẫn còn cách xa sự giàu có mà ngài mong đợi.

Không hài lòng với những nỗ lực bất thành của mình, cộng với việc thiếu hướng dẫn trong đời sống – dù đã là linh mục được 10 năm và không thi hành một tác vụ linh mục nào – ngài đành đặt mình dưới sự hướng dẫn của Hồng y Pierre de Bérulle, người sáng lập Tu hội Oratory ở Pháp. Vị Hồng y đã thu xếp để Vinh Sơn được bổ nhiệm làm linh mục quản xứ Clichy, gần Paris, vào tháng 11 năm 1611. Nơi đây, thánh nhân đã trải qua 16 tháng hạnh phúc giữa những người dân quê nghèo.[6]

Tuy nhiên, Vinh Sơn đã rời giáo xứ này vào năm 1613, theo lời giới thiệu của Hồng y Bérulle, ngài bước vào làm gia sư trong gia đình đầy thế lực Gondi. Vinh Sơn được bà Gondi tín nhiệm và ngài đã làm linh hướng cho bà.

Dần dần, ngài bước vào thế giới của những người giàu có và thế lực. Cho dù tiến trình tìm kiếm sự thăng tiến xã hội này khá ám muội, song đó là cơ hội để ngài phát triển một nhãn quan khác về thế giới. Vinh Sơn đã nhìn thấy nhiều điều từ nhãn quan của người giàu. Nhân danh họ, ngài đã gặp gỡ người nghèo, phân phát của bố thí của Nữ hoàng Margot, hoặc trong lãnh địa của bà Gondi, ngài thăm hỏi những người dân đang làm việc trên vùng đất của bà. Ngài cũng đã khám phá ra sự hào phóng của những người giàu có này, những người đã giúp đỡ người nghèo bằng tiền của họ và đôi khi đến thăm họ. Kinh nghiệm này ghi khắc nơi ngài dấu ấn liên quan đến phần lớn hoạt động xã hội và mục vụ của ngài, đặc biệt là đối với Hội Bác Ái. Thánh Vinh Sơn đã chú ý đến các nguồn lực vật chất và tinh thần của môi trường này.

Sau năm 1617 và cho đến khi qua đời, thánh Vinh Sơn đã dành toàn bộ thời giờ cho việc truyền giáo và phục vụ người nghèo. Nhưng ngài cũng không bao giờ ngừng giữ liên lạc với những người khá giả và tìm kiếm sự hợp tác của họ. Từ 1610 đến 1617, thánh Vinh Sơn có thể khám phá ra những thiếu sót của những người giàu có cũng như những giá trị và nguồn lực của môi trường này mà ngài sẽ hướng tới phục vụ người nghèo. Người ta chỉ cần nghĩ đến vô số Các Bà Bác Ái đến từ giới quý tộc và giàu có.

3. Sự trưởng thành hướng đến một nhãn quan tông đồ

Những kinh nghiệm nền tảng rõ ràng là đã hình thành nên nhãn quan của ngài như là tông đồ của người nghèo diễn ra vào năm 1617. Hãy tạm dừng ở đây một chút. Đó sẽ là cơ hội để chúng ta quay trở lại nguồn gốc của các cuộc đại phúc.

a) Folleville và khám phá về sự nghèo đói thiêng liêng

Vào tháng Giêng năm 1617, cha Vinh Sơn đã đến gia đình Gondi làm gia sư. Ngài đi tới Folleville cùng với bà Gondi để thăm những ngôi làng nằm trên vùng đất của bà.

Chúng ta biết sự kiện này là nguồn gốc của các cuộc đại phúc. Chúng ta hãy nhắc lại biến cố này trong một vài dòng sau: cha Vinh Sơn được gọi đến bên giường của một người đàn ông sắp chết ở làng Gannes. Ngài nghe lời xưng tội của ông ấy. Đó là một sự kiện thường thấy đối với một linh mục. Nhưng sau đó, ông lão thừa nhận với bà Gondi về những tội lỗi nghiêm trọng trong quá khứ, như thánh Vinh Sơn đã kể lại cho các nhà truyền giáo của mình. Vị phu nhân đã hoảng hốt: “Ôi, Nếu người đàn ông này được xem là một người tốt lành mà còn ở trong tình trạng bị trừng phạt hỏa ngục, thì những người khác sống trong tình trạng tồi tệ hơn thì sao? Ôi thưa cha Vinh Sơn, biết bao linh hồn đang bị hư mất. Liệu có phương thuốc nào chữa trị điều này không?”[7] Bà Gondi đã yêu cầu Cha Vinh Sơn giảng về chủ đề xưng tội chung trong nhà thờ Folleville. Và kết quả là mọi người vô cùng xúc động, họ kéo đến rất đông để xưng tội. Ngài cũng làm điều tương tự ở các làng lân cận vào những ngày tiếp theo.

Cha Vinh Sơn bị chất vấn bởi phản ứng mãnh liệt ở giáo xứ Folleville trước lời rao giảng tình cờ về việc xưng tội chung cũng như lời xưng tội của người đàn ông ở Gannes. Đột nhiên ngài nhận thấy tỏ tường rằng người nghèo ở miền quê đã bị Giáo Hội bỏ rơi và tất cả những gì họ cần là một linh mục và một bài giảng để khơi dậy trong họ sự hoán cải.

“Tất cả những con người tốt lành này, được Thiên Chúa cảm hóa đã kéo đến từng hàng dài… một đám đông quá lớn, đến nỗi không thể giải tội kịp, chúng tôi phải mời các cha Dòng tên từ Amiens đến trợ giúp”[8]

Khám phá đáng lo ngại này về nhu cầu thiêng liêng to lớn của người dân quê nghèo và việc Giáo Hội bỏ rơi họ đã mặc khải cho Vinh Sơn một thách đố cũng như một lời kêu gọi mạnh mẽ. Về sau, Vinh Sơn đã muốn tiếp tục hoạt động tông đồ mà ngài đã khởi sự rất tốt ở Folleville.

Giờ đây, ngài không còn tập trung vào bản thân, vào địa vị xã hội hay vào gia đình nữa. Mối bận tâm của ngài được quy hướng dứt khoát vào người dân quê nghèo và các nhu cầu thiêng liêng của họ. Đó là lý do một vài tháng sau kinh nghiệm tại Folleville, ngài đã đã lặng lẽ rời bỏ gia đình Gondi cũng như bất kỳ ý tưởng thăng tiến cá nhân nào. Ngài đến Châtillon để thoát khỏi mọi ràng buộc, để giảng dạy và cử hành các bí tích. Châtillon sẽ mặc khải cho ngài một chiều hướng khác về ơn gọi của mình.

b) Châtillon và tái khám phá sự khốn khổ về vật chất

Cha Vinh Sơn đến Châtillon vào ngày 01 tháng 08 năm 1617. Châtillon là một giáo xứ miền quê gồm 2000 giáo dân và đang rất suy sụp. Ba tuần sau khi thánh Vinh Sơn đến, đã diễn ra sự kiện thứ hai, cũng chất vấn ngài như ở Folleville, và qua đó, Chúa lại ngỏ lời với ngài một lần nữa. Ngài đã khám phá điều sẽ trở thành một trong những thành phần của hoạt động truyền giáo: phục vụ người nghèo thông qua Hội Bác Ái.

Chúng ta biết những gì đã diễn ra. Ngài kể lại: ngay trước khi giảng lễ, “một thông tin được gởi đến cho tôi có một người đàn ông đang bị ốm và đang nằm trong một căn nhà tồi tàn khốn khổ… quá động lòng trắc ẩn, tôi đã cố gắng thuyết phục trong bài giảng rằng người đàn ông đó cần được giúp đỡ, và với cảm xúc đó đã đánh động các chị em phụ nữ.”[9] Không chậm trễ, tất cả họ đã cùng đi giúp anh ta. Để khắc phục tình trạng kém hiệu quả này, do sự hào phóng thiếu tổ chức, thánh Vinh Sơn đã thiết lập một Hội Bác Ái để giúp đỡ những người nghèo thường phải chịu đựng vì sự giúp đỡ tổ chức hơn là thiếu những nhà từ thiện.[10] Ở Châtillon, cha Vinh Sơn đã khám phá ra hai sự kiện sẽ đánh dấu sâu sắc hoạt động của ngài trong tương lai:

1) Sự can thiệp hiệu quả nhằm cải thiện các điều kiện sống của người nghèo phải đi đôi với việc truyền giáo. Hai hoạt động này không thể tách rời nhau.

 2) Vị trí thiết yếu của người giáo dân, vai trò không thể thay thế của họ cả ở lĩnh vực truyền giáo lẫn việc phục vụ vật chất và thăng tiến người nghèo.

Ở Folleville, thánh Vinh Sơn đã bị đánh động bởi sự khốn khổ thiêng liêng của những người nghèo bị Giáo Hội và các linh mục bỏ rơi. Ở Châtillon, ngài bị cật vấn bởi sự khốn khổ vật chất của người nghèo bị xã hội cũng như Giáo Hội bỏ rơi. Giáo Hội bị dính líu trực tiếp đến vấn đề này và không thể chỉ khép mình vào chiều kích tinh thần thuần túy của sứ vụ. Về sau, trên môi miệng thánh Vinh Sơn sẽ liên tục xuất hiện trên hai hạn từ: tinh thần và thể xác, đối với ngài, hai thứ này đã trở thành không thể tách rời và được tìm thấy trong quy tắc đầu tiên của Hội Bác Ái ở Châtillon: một vài phụ nữ trong làng đã đồng ý giúp đỡ cả về tinh thần lẫn thể lý cho những người trong làng.[11] Quy tắc của tổ chức đầu tiên được thánh Vinh Sơn thiết lập này đã chứa đựng mầm mống của mọi thứ mà sau đó sẽ là đặc trưng cho hoạt động bác ái xã hội của ngài. Trong công trình ấy, người ta có thể đặc biệt nhận thấy khả năng tổ chức đáng kinh ngạc của ngài cũng như sự tôn trọng của ngài đối với phẩm giá của người nghèo.

Do đó, năm 1617 là năm quyết định đối với thánh Vinh Sơn. Vào đầu tháng Giêng, ngài vẫn còn do dự về hướng đi cho cuộc sống của mình. Và bây giờ ngài đã đi đến quyết định dành phần còn lại của cuộc đời mình cho việc truyền giáo và giúp đỡ vật chất cho những người nghèo khổ mà qua sự thiếu thốn của họ, ngài có thể nhận ra những kinh nghiệm nền tảng ở Folleville và Châtillon.

4. Đâu là nhãn quan của tôi về thế giới?

Phác thảo trên là câu chuyện về nhãn quan của thánh Vinh Sơn với các giai đoạn và sự trưởng thành của nó. Giờ đây, chúng ta sẽ suy nghĩ một chút về nhãn quan riêng của chúng ta và về sự tiến triển của nhãn quan ấy.

a) Nhãn quan ban đầu được kế thừa từ trong gia đình. Cũng giống như mỗi chúng ta, thánh Vinh Sơn được thừa hưởng từ trong gia đình của mình một lối nhìn nhất định về thế giới. Ngài không tự lựa chọn nó. Nhãn quan này vẫn là nền tảng cho ngài ngay cả khi nó được hoàn thiện bởi những cách nhìn nhận khác về sau này. Hãy nghĩ lại một chút về nhãn quan này, nhất là đối với mỗi người chúng ta, một nhãn quan được hình thành trong khuôn khổ gia đình và xã hội từ những năm đầu đời chúng ta. Nói chung, nhãn quan ấy kiến tạo nên một tầm ảnh hưởng mà ở đó chúng ta học được cách đánh giá mọi sự từ một góc độ cụ thể. Đôi khi, đó là một nhãn quan cần phải thay đổi bởi vì nó đã phải chịu thiệt hại rất nhiều từ những hạn chế và định kiến trong một môi trường đặc thù. Chắc chắn nhãn quan này vẫn còn để lại dấu ấn trên chúng ta hôm nay. Chúng ta cần phải ý thức về nó.

b) Sau đó, có một nhãn quan khác hoàn thiện nó. Thánh Vinh Sơn sau đó đã tách mình ra khỏi môi trường của ngài để cố gắng bước vào một môi trường khác, trong nỗ lực tạo lập một sự nghiệp. Tuy nhiên, dù cho tiến trình của ngài đầy vẻ mập mờ, nó vẫn cho phép ngài khám phá một nhãn quan khác về thế giới, đó là nhãn quan của giới thượng lưu. Cha Vinh Sơn chắc chắn đã nhìn thấy những thiếu sót của họ, nhưng ngài cũng nhận thức được nguồn vật chất và đạo đức của họ cũng như sự hào phóng của họ. Ngài có thể hiểu họ, nói chuyện với họ và có được sự cộng tác của họ trong việc phục vụ người nghèo. Thật tốt khi chúng ta chú ý đến các nhãn quan khác mà từ đó, qua kinh nghiệm về sau, chúng ta nhìn ra thế giới và hình thành nhãn quan hiện tại của chúng ta về thế giới ấy.

c) Nhãn quan nền tảng Folleville và Châtillon là những trải nghiệm dứt khoát đối với thánh Vinh Sơn. Trong tiến trình này, khi đảm nhận một nhãn quan tông đồ, ngài đã hướng cái nhìn của mình một cách dứt khoát về phía người nghèo cùng với những nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Đó là nhãn quan mà từ đó ngài sẽ nhìn ra thế giới và hiểu nó trong tương lai. Mỗi người trong chúng ta có thể tự hỏi hôm nay: nhãn quan nền tảng mà chúng ta nhìn thế giới là gì, và đó có thực sự là nhãn quan của một thành viên Vinh Sơn hay không?

Thánh Vinh Sơn đã phát triển một triển vọng tông đồ cho phép ngài nắm bắt những thách đố lớn trong thời đại của mình và điều đó hướng ngài tới các giải pháp thiết thực và hiệu quả. Bằng cách phản ánh kinh nghiệm của ngài, chúng ta có thể tự hỏi mình qua những giai đoạn ngài đã vượt qua để xác định các thách đố.

II. Tiến trình biện phân những thách đố trong thời đại của thánh Vinh Sơn

Trở nên nhạy cảm với những thách đố của thời đại là một tiến trình phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp độ. Điều này vượt xa những gì thuần tuý trí tuệ. Thánh Vinh Sơn đã không bắt đầu bằng cách đọc các bài báo cáo uyên bác, tuy nhiên, ngài biết sự hữu ích cũng như các giới hạn của chúng, như chúng ta thấy trong lá thư đã được trích ở trên gửi cho Đức Giáo hoàng Innocent X: “Nghe hay đọc những điều này là chuyện nhỏ; chúng phải được xem xét và xác định bằng nhãn quan riêng của mỗi người.”[12]  Ngay cả khi ngày nay, các nghiên cứu và báo cáo có thể rất hữu ích, chúng cũng không đủ để khiến chúng ta lưu tâm đến những thách đố của thế giới hiện nay hoặc ít nhất chúng không làm thành một giai đoạn… Các giai đoạn trong tiến trình của thánh Vinh Sơn là gì và đâu là các giai đoạn trong tiến trình của chúng ta?

1. Gặp gỡ những trải nghiệm mang tính thách đố nào đó

Chúng ta hãy suy ngẫm về điều có tính quyết định đối với thánh Vinh Sơn trong sự nhạy bén của ngài trước những thách đố lớn của thời đại. Phải nói rằng trong vài năm đầu, nỗi khốn khổ về vật chất và tinh thần của người nghèo, dù đã được ngài nhận thức từ nơi những người thân cận, đã không tạo nên thách đố cho thánh Vinh Sơn. Ngài đã bị nhấn chìm trong sự nghèo đói 14 năm đầu đời và ngài đã phải đau khổ vì điều đó. Sau này, ngài đã ước muốn thoát khỏi nó trong suốt 22 năm. Nhưng kinh nghiệm sống nghèo khổ này đã không biến thành nhận thức về một thách đố phải đáp ứng. Hơn nữa, trong suốt những năm tháng ấy, ngài đã không cố gắng khắc phục nó, nhưng chỉ cố để thoát khỏi nó. Lý do cho là vì ngài vẫn tập trung vào bản thân và gia đình của mình.

Để nhận thức được những thách đố trong thời đại của mình, Vinh Sơn sẽ phải trải qua những kinh nghiệm mạnh mẽ, đưa đến sự tổng hợp của: a) một vài biến cố quan trọng và b) việc mở rộng con tim để nhạy cảm với những biến cố ấy, một sự mở ra với người thân cận cũng như với Thiên Chúa và với những điều Chúa muốn. Khi đó, con tim ngài sẽ đập nhanh và cảm nhận sâu sắc. Như Vinh Sơn đã nói trong một số dịp,  ngài sẽ bị đánh động với lòng trắc ẩn khi đối mặt với sự khốn khổ này.[13] Và đồng thời, ngài cảm thấy bản thân bị thách đố và được kêu gọi làm điều gì đó có ích. Kết quả là hành trình của cuộc đời ngài đã thay đổi. Thực ra, khi đối mặt với tất cả những đau khổ về thể xác và tinh thần, Vinh Sơn sẽ bị quyến rũ bởi chính tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã sống và “hoạt động” trong tâm hồn ngài.

Thánh Vinh Sơn đã nói với các nhà truyền giáo: “Bác ái khiến chúng ta không thể chứng kiến người lân cận đau khổ mà không đau khổ với họ, thấy họ than khóc mà không than khóc với họ. Đó là một hành động của tình yêu khiến chúng ta đi vào tâm hồn và tình cảm của nhau. Bác ái xa rời những người không có lòng trắc ẩn đối với những người nghèo khổ hoặc ưu phiền. Ah! Trái tim của Con Thiên Chúa nhạy cảm biết bao. Ngài được mời đến thăm Lazarô và Ngài đã đến …. Ngài khóc với họ, Ngài đã rất thương cảm và trắc ẩn. Chính sự nhạy cảm này này đã khiến Ngài từ trời xuống, gặp gỡ những con người bị loại ra khỏi vinh quang của ngài. Ngài xúc động trước nỗi bất hạnh của họ.”[14] Trong trường hợp thánh Vinh Sơn, chúng ta biết làm thế nào để tình yêu này sẽ không chỉ đơn thuần là cảm tính nhưng thực sự hữu hiệu, thiết thực, tích cực và sáng tạo trong việc làm giảm bớt mọi đau khổ và mang đến Tin Mừng cứu rỗi.

Chính sự rộng mở con tim với người lân cận và với Thiên Chúa đã cho phép Vinh Sơn đọc được ý nghĩa của các sự kiện và thấy tiếng gọi của Thiên Chúa trong đó. Từ đó, ngài hiểu những thách đố thực sự mà xã hội và Giáo Hội đang phải đối mặt, đồng thời khám phá ra rằng ngài có thể hành động để đưa ra một giải pháp thiết thực. Những kinh nghiệm nền tảng đã tạo nên thách đố trong lương tâm của thánh Vinh Sơn chủ yếu là:

    • cuộc gặp gỡ người nông dân ở Gannes và các sứ vụ rất thành công sau đó;
    • cuộc gặp gỡ với người bệnh nghèo khổ tại Châtillon và việc thành lập Hội Bác Ái đầu tiên; người ta có thể nói thêm:
    • cuộc gặp gỡ một người Tin lành từ Marchais, ông này đã nói rằng Giáo Hội Công giáo không thể được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần vì trong đó người nghèo bị bỏ rơi; và sau đó một năm, người Tin lành này đã hoán cải khi ông ta chứng kiến trong quá trình truyền giáo, người nghèo được loan báo Tin Mừng.

Sau những kinh nghiệm nền tảng này, Vinh Sơn đã luôn để ý đến các dấu chỉ từ Thiên Chúa, Đấng không ngừng nói qua các biến cố. Đối với Vinh Sơn, cuộc gặp gỡ các hình thức nghèo đói mới sẽ thôi thúc ngài đảm nhận thách đố bằng cách tìm cách đưa ra giải pháp thông qua những tổ chức khác nhau của mình: Hội Bác Ái, Tu hội Truyền giáo và Nữ tử Bác ái. Do đó, dẫn đến việc gặp gỡ những nô lệ chèo thuyền, bệnh nhân, trẻ em bị bỏ rơi, người già, người tị nạn chiến tranh, người Công giáo bị bách hại ở Ireland hoặc ở Hebrides, v.v…

Đến một giai đoạn khác, việc đọc lại kinh nghiệm này dưới ánh sáng của Lời Chúa sẽ cho phép thánh Vinh Sơn hiểu biết cách sâu sắc hơn về thực tại và củng cố nhận thức của ngài đối với những tiếng gọi mà Thiên Chúa đang bày tỏ ở đó.

2. Đọc lại biến cố dưới ánh sáng Lời Chúa

a. Chính nhờ đọc lại biến cố Gannes-Folleville dưới ánh sáng Tin Mừng, đặc biệt là Lu-ca 4,17-22, mà thánh Vinh Sơn hiểu được chiều sâu của thách đố dành cho mình. Điều này phù hợp với sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Người trở về Nazareth để bắt đầu cuộc sống công khai và đọc lên trong hội đường đoạn văn của tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Sau kinh nghiệm ở Folleville, bản văn Tin Mừng khẳng định việc Chúa Giêsu đến là để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo này, đã xác nhận thánh Vinh Sơn cũng được kêu gọi để rao giảng Tin Mừng cho họ. Vinh Sơn thấy rõ rằng việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo đặt ngài vào trung tâm của Tin Mừng và phù hợp với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Đây thực sự là thách đố mà Chúa muốn Vinh Sơn đón nhận theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Sau này, ngài sẽ mở rộng đôi mắt và con tim để chào đón và nhận thức những nhu cầu thiêng liêng khác nhau của người nghèo và đáp ứng cho họ.

b. Một bản văn Tin Mừng khác sẽ giúp thánh Vinh Sơn đọc lại và hiểu sâu hơn về sự kiện Châtillon và việc thành lập của Hội Bác Ái đầu tiên. Đoạn Tin Mừng này đồng thời cho phép ngài tập trung sâu hơn vào người nghèo đến mức nhìn thấy sự hiện diện của chính Chúa Kitô. Đó là ngụ ngôn Cuộc Phán Xét Chung: Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc…Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25, 31-46). Đoạn Tin Mừng này đưa ra một ánh sáng rõ ràng về biến cố Châtillon và mang lại cho thánh Vinh Sơn xác tín về ơn gọi của ngài là xoa dịu mọi nỗi khổ đau, bởi vì nơi những người nghèo và người đau khổ, người ta gặp gỡ và giúp đỡ chính Đức Giêsu.

Vì vậy, thánh Vinh Sơn có thể nói: “Hãy lật ngược tấm mề đay và anh em sẽ thấy qua ánh sáng của đức tin rằng Con Thiên Chúa đã muốn trở nên người nghèo thay cho chúng ta qua những người nghèo này… Lạy Chúa! Đẹp biết bao khi thấy người nghèo nếu chúng con xem họ ở trong Chúa và với lòng quý mến mà Đức Giêsu đã bày tỏ nơi ra họ.”[15]

3. Còn chúng ta thì sao?

Đâu là những kinh nghiệm thử thách mà tôi đã gặp và mở ra cho tôi những thách đố lớn ngày nay liên quan đến việc loan báo Tin Mừng? Lời Chúa có giúp tôi hiểu người nghèo sâu sắc hơn không? Đoạn Tin Mừng then chốt của tôi là gì?

III. Các thách đố lớn mà thánh Vinh Sơn đã đáp trả

Thánh Vinh Sơn và các tổ chức khác nhau của ngài đã bị cuốn vào hoạt động tông đồ riêng biệt có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và Giáo Hội thời đại ngài, bởi vì ngài đã khám phá và nhận thức rõ những thách đố của thời đại và tiếng gọi của Thiên Chúa liên quan đến những điều này. Henri de Maupas du Tour đã chia sẻ trong bài giảng tại lễ an táng của thánh Vinh Sơn như sau: Ngài đã thay đổi bộ mặt của Giáo Hội. Nếu ngày nay, chúng ta muốn ôm ấp thế giới của chúng ta, thì chúng ta phải như thánh Vinh Sơn, biết cách quan sát và thấu hiểu các tình huống trong bối cảnh của nó và phân biệt chính xác những gì đang bị đe dọa và những thách đố cần phải đáp ứng. Bây giờ tôi sẽ gợi lên vắn tắt 4 thách đố lớn nhất mà thánh Vinh Sơn đã nhận thức và cũng là những thách đố gắn liền với việc truyền giáo. Điều đó có thể giúp đỡ và khuyến khích chúng ta trong việc tìm kiếm thách đố trong thời đại chúng ta và phạm vi riêng của chúng ta trên thế giới.

1. Thách đố về sự khốn khổ thiêng liêng của người nghèo miền quê

Dân nghèo miền quê đang bị tiêu vong vì đói khát Lời Chúa. Đó là câu nói ý nghĩa và cảm động của thánh Vinh Sơn. Ngài nhận thức được sự khốn khổ này ở Folleville.

a. Thánh Vinh Sơn cũng phát hiện ra rằng Giáo Hội đã bỏ rơi họ: Ngài đã viết: những người sống ở các thành thị của đất nước này có được giúp đỡ bởi rất nhiều tiến sĩ thần học và các tu sĩ…. chỉ có những người nghèo miền quê là bị bỏ rơi.”[16]

Người Tin lành mà thánh Vinh Sơn đã gặp tại Marchais năm 1621 đã nói đúng; Ông ấy đã phản bác rằng: Người ta thấy người Công giáo ở nông thôn bị bỏ rơi cho các linh mục đồi bại và ngu dốt, không được hướng dẫn trong bổn phận của họ, hầu hết họ thậm chí không biết Kitô giáo là gì; và mặt khác, người ta thấy các thành thị đầy những linh mục và tu sĩ không làm gì cả; ở Paris có lẽ có mười ngàn người đã bỏ mặc những người dân quê nghèo này trong sự thiếu hiểu biết đáng sợ, khiến họ bị hư mất.”[17] Một năm sau, người Tin lành này đã trở lại Giáo Hội Công giáo. Ông đã được chứng kiến công cuộc truyền giáo mà thánh Vinh Sơn mang đến, rằng người nghèo đang được rao giảng Lời Chúa.

b. Theo thánh Vinh Sơn người dân nghèo miền quê “hoàn toàn dốt nát về đức tin, ngài đã nói với một tấm lòng trắc ẩn: người nghèo đến xưng tội quá thô thiển, quá ngu dốt, quá đần độn, nếu không muốn nói là quá hoang dã! Họ không biết có mấy Thiên Chúa hay Thiên Chúa có mấy Ngôi. Hãy yêu cầu họ lặp lại điều đó 50 lần và anh em sẽ thấy rằng cuối cùng họ cũng ngu dốt như lúc ban đầu.”[18]

Tình hình này khá nghiêm trọng ít nhiều trên toàn châu Âu. Do đó, tại Niolo ở Corsica, Etienne Blatiron viết: “Chúng tôi gần như không tìm thấy dấu vết nào khác của đức tin ngoại trừ việc họ nói rằng họ đã được rửa tội; có một vài nhà thờ nhưng rất bề bộn. Họ đã không biết gì về sự cứu rỗi của họ đến nỗi thật khó để tìm thấy 100 người biết các điều răn của Thiên Chúa và Kinh Tin Kính các Tông đồ. khi hỏi liệu có một Thiên Chúa không hay có vài Thiên Chúa? và ai trong số Ba Ngôi đã mặc lấy xác phàm vì chúng ta? thì cũng giống như chúng ta đang nói tiếng Ả Rập với họ vậy!”[19] Ở Quần đảo Hebrides, Dermot Duggan đã mô tả tình huống này tại Eigg và Canna: “Chúa đã hoán cải tám hoặc chín trăm người được hướng dẫn rất kém trong các vấn đề liên quan đến tôn giáo của chúng ta, đến nỗi không có mười lăm người biết bất kỳ mầu nhiệm nào về đức tin Kitô giáo…. Tôi đã tìm thấy ba mươi hoặc bốn mươi người ở độ tuổi bảy mươi, tám mươi và một trăm hoặc nhiều hơn đã không nhận được phép Rửa tội.”[20] Các báo cáo của các cuộc đại phúc cung cấp các mô tả phong phú về sự thiếu hiểu biết trầm trọng này của người dân nghèo miền quê. Thánh Vinh Sơn tin rằng ơn cứu độ của họ đang gặp nguy hiểm.

c. Ngoài ra, vì được hướng dẫn không tốt trong đức tin của họ nên nhiều người đã chuyển sang theo Tin lành. Tôn giáo này đã chiếm ưu thế ở Bắc Âu. Nó tiếp tục lan sang Pháp ở những nơi mà các linh mục không có đủ trình độ hay không quan tâm đến việc giảng dạy giáo lý lành mạnh cho giáo dân của họ. Vì vậy, mọi người bắt đầu chấp nhận những điều được nói ra bởi các mục sư Tin lành vốn thường là những người thường sốt sắng và đã giải thích Phúc Âm cho họ. Nói về Champigny gần Richelieu, thánh Vinh Sơn đã viết: “Ôi, lạy Chúa, nơi này có nhiều nhu cầu thiêng liêng biết bao, nơi đây có nhiều kẻ dị giáo biết bao, bởi vì như họ đã nói họ chưa từng được nghe về Chúa trong các nhà thờ Công giáo![21]

Như chúng ta biết phương thuốc tuyệt vời mà thánh Vinh Sơn nghĩ ta là các cuộc đại phúc. Các nhà truyền giáo đã đi gặp những người nông dân bị bỏ rơi và đem lại cho họ một vốn giáo lý cơ bản phù hợp với trình độ của họ mà trong đó các khía cạnh chính yếu của đức tin được chỉ ra. Họ đặc biệt chú ý đến những mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi, Nhập thể và Thánh Thể mà thánh Vinh Sơn đã giới thiệu ở trang đầu của Luật chung. Đó chính là loan báo đức tin thông qua “các lớp giáo lý” trong các cuộc đại phúc mà theo quan điểm của thánh Vinh Sơn là hữu ích nhất đối với mọi người.

2. Thách đố từ thái độ nghịch với Tin Mừng

Sự bừa bãi về mặt luân lý trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội đã thường rất phổ biến giữa các Kitô hữu; lối sống của họ khác xa với Phúc Âm. Khoảng trống giữa một đức tin Kitô giáo sống động và một cuộc sống trái ngược với Tin Mừng là một thách đố mà thánh Vinh Sơn và những nhà truyền giáo nhận thức rõ ràng và họ sẽ cố gắng đưa ra giải pháp trong tiến trình truyền giáo. Tôi sẽ chủ yếu lấy ví dụ từ các mối tương quan liên vị.

a) Các mối tương quan liên vị đổ vỡ. Sự mất đoàn kết giữa mọi người dưới mọi hình thức là một sự dữ thường xuyên trong các gia đình và làng xã hoặc cộng đoàn giáo xứ. Thật thú vị khi lưu ý rằng thánh Vinh Sơn và các nhà truyền giáo đã nhận thức được điều này vì nó là hiện thân cho một mâu thuẫn tỏ tường với thông điệp Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta. Một trong những mục tiêu chính của các cuộc đại phúc là cố gắng khắc phục điều này.

Chúng ta tìm thấy trong các báo cáo của các cuộc đại phúc rất nhiều mô tả về các mối tương quan bị phá vỡ và về những nỗ lực của các nhà truyền giáo để sửa chữa chúng, để xây dựng gia đình, xóm làng hoặc cộng đồng giáo xứ là những nơi sẽ phải có lòng bác ái thiết thực xứng hợp với các Kitô hữu đích thật.

Lòng căm thù sâu sắc, sự trả thù, chiếm đoạt bất công tài sản của người khác và các vụ kiện tụng thường xuyên xảy ra ở khắp mọi nơi và đang đầu độc cuộc sống của các gia đình và làng mạc. Chúng ta hãy chỉ nêu một ví dụ trong số những điều tồi tệ nhất, được lấy từ báo cáo của một cuộc đại phúc tại Niolo ở Corsica: “Sự trả thù đầy rẫy đến nỗi ngay khi trẻ em nào biết đi và nói chuyện là người ta dạy cho chúng biết tìm cách trả đũa những lỗi nhỏ nhặt nhất. Thật vô ích khi rao giảng điều ngược lại với họ bởi vì tấm gương của tổ tiên và lời khuyên tồi tệ của người thân đối với thói xấu này đã ăn sâu vào tâm trí họ đến nỗi họ không thể chấp nhận bất kỳ ý kiến ​​nào trái ngược.”[22]

Đối mặt với vấn đề này, các nhà truyền giáo sẽ làm những gì mà Luật chung đã lấy làm mục tiêu trong các cuộc đại phúc để giải quyết sự khác biệt và các vụ kiện tụng. Thực ra, thánh Vinh Sơn thường nói, chúng ta được thành lập để hòa giải mọi người với Thiên Chúa và mọi người với nhau.

Các nhà truyền giáo đã hết lòng nhiệt thành với sứ vụ hoà giải cá nhân cũng như cộng đoàn này. Họ làm điều đó bằng cách thuyết giảng mạnh mẽ về vấn đề này và tiếp xúc cá nhân với những người liên quan để họ có thể hòa giải và tha thứ cho nhau, và có thể khôi phục điều lành từ điều xấu. Chúng ta hãy lấy một trong nhiều dẫn chứng, được rút ra từ báo cáo đại phúc ở Niolo: “Cuối cùng, vào đêm trước ngày rước lễ, khi tôi sắp đến gần tòa giảng, sau khi đã kêu gọi mọi người một lần nữa hãy tha thứ, Chúa đã  linh hứng cho tôi cầm cây thánh giá mà tôi đang đeo và nói với họ rằng bất cứ ai sẵn sàng tha thứ nên đến và hôn thánh giá. Sau đó, tôi mời gọi họ làm điều đó nhân danh Chúa chúng ta, Đấng đang dang rộng vòng tay cho họ và nói rằng những ai đã hôn cây thánh giá đó là họ đang đưa ra một dấu hiệu sẵn sàng tha thứ và sẵn sàng hòa giải với kẻ thù của họ. (Trong thực tế không ai nhúc nhích trừ một giáo sĩ Phanxicô đang ở trong nhà thờ kêu gọi họ một lần nữa). Sau đó, một linh mục giáo xứ có cháu trai đã bị giết và kẻ giết người có mặt tại đó đã đến phủ phục trên đất và hôn thánh giá. Đồng thời ngài nói lớn tiếng: “Hãy để một người (kẻ giết cháu trai của ngài) tiến lên để tôi có thể ôm lấy anh ta”. Khi điều này được thực hiện, một linh mục khác cũng làm như vậy đối với một số kẻ thù của ngài cũng đang có mặt. Theo sau hai linh mục là một đám đông khác, đến nỗi trong khoảng một tiếng rưỡi, chúng tôi không thấy gì ngoài sự hòa giải và ôm hôn. Để đảm bảo tốt hơn, các vấn đề quan trọng nhất đã được đưa ra bằng văn bản và được chứng thực bởi một công chứng viên. Ngày hôm sau – ngày rước lễ – một cuộc xưng tội chung đã diễn ra. Sau khi mọi người đã xin ơn tha tội của Thiên Chúa, họ cũng xin các mục tử tha thứ cho họ và ngược lại; tất cả đều rất phù hợp….”[23]

Thật thú vị khi lưu ý rằng kỳ đại phúc còn hơn cả một nỗ lực không thể thiếu đối với việc hoán cải cá nhân. Đó là dịp để xây dựng một đời sống cộng đoàn bác ái huynh đệ và hòa bình, vốn là một dấu chỉ Tin Mừng ở cấp độ gia đình, làng mạc và giáo xứ. Bởi vì như thánh Vinh Sơn đã nói trong một cuộc hội thảo với các nhà truyền giáo: “Tôi phải yêu người lân cận vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng tình yêu của Ngài, và cũng thế, mọi người phải yêu mến Đấng Tạo Hóa của mình, Đấng biết họ và coi họ như anh em và đã cứu chuộc họ. Với tình bác ái huynh đệ, họ cũng phải yêu người khác vì tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu họ đến mức trao ban Con của mình cho đến chết….”[24]  Chúng ta có thể hoàn toàn chắc chắn toàn bộ kỳ đại phúc chứa đựng trong đó các mối tương quan dựa trên tình yêu!

b) Những thách đố khác. Bên cạnh việc minh hoạ công trình hoán cải đời sống hàng ngày của những người tham gia cuộc đại phúc, ta có thể đề cập đến các cuộc hôn nhân không chính thức và bất hợp pháp. Họ ít nhiều thường xuyên ở khắp mọi nơi và làm hỏng thiết chế của các gia đình Kitô giáo thực sự. Vấn đề này đã được giải quyết trong việc giảng dạy. Các nhà truyền giáo cố gắng đưa những người trong hoàn cảnh này hòa nhập vào một cuộc hôn nhân tôn giáo thực sự và cố gắng thuyết phục những người khác tách ra. Các sự vô trật tự khác phải được đưa ra để các nhà truyền giáo cố gắng khắc phục: báng bổ, những thái quá của lễ hội, say rượu, vv…

Chúng ta kết luận điểm này bằng việc nói rằng cuộc đại phúc mong muốn đưa ra một phương cách để hướng cuộc sống thực tế của giáo dân trở lại với Tin Mừng. Cũng như “Các bài học giáo lý” liên quan đến các khía cạnh chính của đức tin, các nhà truyền giáo mỗi ngày đưa ra cái mà họ gọi là “thuyết giảng”, đó là nói một bài giảng với mục đích đạo đức, hình dung ra các lĩnh vực cụ thể khác nhau trong cuộc sống của người dân để dẫn họ từ bỏ tội lỗi và theo đuổi những nhân đức tương ứng với địa vị của họ. Các kết quả thường sẽ rất ấn tượng, sự hoán cải đời sống sẽ rất đáng kinh ngạc: hòa giải giữa các kẻ thù, tha thứ lẫn nhau, bồi thường tài sản, hợp thức hoá các cuộc hôn phối v.v…

3. Thách đố của sự nghèo đói vật chất

a. Thánh Vinh Sơn đã bắt gặp thách đố của sự nghèo đói vật chất cố hữu ở Châtillon, chủ yếu liên quan đến người bệnh nhân nghèo sống trong làng đó và ngài đã đưa ra phản ứng đầu tiên bằng cách thiết lập Hội Bác Ái. Hội này sẽ được tiếp nối bởi nhiều người khác. Ngài cũng khám phá ra những cảnh nghèo đói cố hữu khác: các bệnh nhân trong bệnh viện, trẻ em bị bỏ rơi, người già, người lớn thất nghiệp, trẻ mồ côi, tù nhân, nô lệ ở Barbary, và những người khác nữa. Các Tu hội khác nhau của ngài sẽ tự điều chỉnh để đáp ứng những nhu cầu này.

Ở những ngôi làng có tổ chức các cuộc đại phúc, để trả lời cho nỗi khốn khổ dai dẳng và thường xuyên, nhất là giữa những bệnh nhân nghèo, thánh Vinh Sơn đã mong muốn rằng sau mỗi cuộc đại phúc, một Hội Các Bà Bác Ái phải được thành lập, bao gồm các giáo dân Kitô giáo (nói chung là phụ nữ), để chăm sóc người nghèo ở nơi đó. Thật vậy, việc thành lập Hội Các Bà Bác Ái là một trong những mục tiêu của các cuộc đại phúc như đã được đề cập bởi Luật chung. Nhiều báo cáo đại phúc nói rằng Hội Các Bà Bác Ái đã được thiết lập vào cuối tuần đại phúc, đôi khi nhờ một Nữ tử Bác ái, người đã được chỉ định một cách rõ ràng cho việc đó.[25]

b. Ngoài nỗi khốn khổ dai dẳng hàng ngày này, vốn đã đủ tồi tệ rồi, còn có một sự khốn khổ đặc biệt được gây ra bởi những hiện tượng “ngoại thường” đã bị lắng xuống và kéo dài một vài năm: các cuộc chiến tranh với các vụ giết người, cướp bóc và nạn đói, dịch bệnh như dịch hạch v.v… Chúng ta tìm thấy một hình ảnh ấn tượng về điều này trong bức thư ngày 16 tháng 8 năm 1652 gửi cho Giáo hoàng Innocent X, người mà thánh Vinh Sơn đã thỉnh cầu can thiệp vì hòa bình. “Hoàng gia bị chia rẽ bởi sự bất đồng; người dân bị chia thành nhiều phe phái khác nhau; thành phố và tỉnh lỵ bị hủy hoại bởi các cuộc nội chiến; trang trại, làng mạc và thị trấn bị tàn phá, hủy hoại và đốt cháy. Nông dân không thể thu hoạch những gì họ đã gieo và không còn trồng được bất cứ thứ gì trong những năm tới. Lính tráng thì làm những gì họ thích; người dân không chỉ đối mặt với các vụ trộm cắp và cướp bóc mà còn cả giết người và đủ loại tra tấn. Hầu hết người dân nước này đang chết vì đói nếu không phải chết bằng gươm đao…”[26]

Thánh Vinh Sơn đưa ra Hội Các Bà Bác Ái, Nữ tử Bác ái và những nhà truyền giáo để nỗ lực khắc phục tất cả những đau khổ này. Ngài gửi họ đến Champagne, Lorraine, Picardy và các vùng chiến tranh ở Paris. Ngài phân phát lương thực nuôi dưỡng hàng chục ngàn người nghèo ở Paris và các tỉnh. Ngài cung cấp các dụng cụ nông nghiệp và hạt giống để mọi người quay trở lại làm việc và tự chăm sóc các nhu cầu của họ. Ngài luôn liên kết việc truyền giáo với việc cung cấp viện trợ vật chất, và yêu cầu các nhà truyền giáo giảng các cuộc đại phúc trong khi tổ chức cứu trợ.

Chúng ta hãy đề cập một thách đố lớn khác, dù sao cũng liên kết chặt chẽ với các cuộc đại phúc:

4. Thách đố của hàng giáo sĩ thiếu hiểu biết

Thánh Vinh Sơn thấy rõ rằng các giáo sĩ thời ấy thường thiếu ơn gọi thực sự, được đào tạo sơ sài và có nền luân lý lỏng lẻo. Họ không có khả năng chăm sóc các nhu cầu tâm linh thông thường của người dân, đặc biệt là ở miền quê, cũng như đảm bảo theo sát các cuộc đại phúc. Trong một bức thư gửi cho thánh Vinh Sơn, một giám mục đã phàn nàn về “số lượng lớn và không thể giải thích được của các linh mục dốt nát và thiếu kỷ luật, gồm có các giáo sĩ của tôi và những người không thể dạy lẽ phải dù bằng lời nói hoặc bằng gương sống. Tôi kinh hoàng khi nghĩ rằng trong giáo phận của tôi có gần bảy ngàn linh mục nghiện rượu hoặc dâm ô, những người hàng ngày vẫn bước lên bàn thờ và là những người không có ơn gọi.”[27] Thánh Vinh Sơn biết rõ vấn đề này bởi vì có thể ngài đã là một trong những linh mục ấy, dù không sống một cuộc đời tai tiếng nhưng đã tiến lên chức linh để nhằm thăng tiến bậc thang xã hội mà không hề có ơn gọi.

a. Nhưng thánh Vinh Sơn cũng phải đối mặt với vấn đề theo sau các cuộc đại phúc. Thường thì tình trạng suy đồi của các giáo sĩ có thể hủy hoại thành quả của các cuộc đại phúc, vì các linh mục tốt lành rất cần thiết để đảm bảo sự tiến triển sau khi các nhà truyền giáo rời đi. Thánh Vinh Sơn giải thích: “Khía cạnh quan trọng nhất trong ơn gọi của chúng ta là nỗ lực vì ơn cứu độ người dân nghèo miền quê, và mọi thứ khác chỉ là thứ yếu; chúng ta đã không bao giờ làm việc với các tiến chức cũng như làm việc trong các Chủng viện của Giáo Hội, nếu chúng ta đã không xét thấy rằng, giáo dân cần các giáo sỹ tốt lành phục vụ, và duy trì hoa trái của các cuộc Đại phúc. Các giáo sỹ này bắt chước theo cách thức của các nhà viễn chinh vĩ đại, họ để một đội quân nhỏ lại ở các quảng trường mà họ chiếm giữ, vì họ e ngại mất đi những thứ mà họ đã vất vả chinh phục.”[28]

Như chúng ta đã biết, thánh Vinh Sơn tìm ra các hình thức mới nhằm đào tạo nên các linh mục tốt lành: các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức, hội thảo ngày thứ ba và các chủng viện. Nhưng các cuộc đại phúc cũng sẽ đóng góp đặc biệt vào việc khắc phục vấn đề này.

b. Trợ giúp hàng giáo sĩ thông qua các cuộc đại phúc

1) Sự thật là hàng giáo sĩ đã được giúp đỡ bởi cuộc đại phúc cùng với các giáo dân của họ. Thật vậy, các báo cáo đại phúc đã cho thấy rằng nhiều linh mục đã canh tân cuộc sống cá nhân và sứ vụ linh mục của họ trong cuộc đại phúc. Một số đã được hòa giải với giáo dân của họ như chúng ta đã thấy trong câu chuyện tại Niolo. Những người khác đã làm mới sứ vụ của họ như được kể lại trong cùng một báo cáo đại phúc: các linh mục đoan hứa sẽ dạy giáo lý và thi hành phận sự một cách cẩn thận hơn.[29]

2) Đó là việc thành lập một hội thảo dành cho các giáo sĩ vào cuối kỳ đại phúc, hội thảo này là dựa trên mô hình hội thảo ngày thứ ba do thánh Vinh Sơn khởi xướng tại Paris. Abelly nói: “Thánh Vinh Sơn mong muốn rằng thông qua các cuộc đại phúc, các nhà truyền giáo của ngài phải lưu tâm đến việc trợ giúp hàng giáo sĩ tại địa phương mà họ đang làm việc, đặc biệt là bằng các hội thảo thiêng liêng, nơi đó họ trao đổi về các vấn đề liên quan đến những bổn phận trong bậc sống của họ, những lỗi lầm mà họ phải tránh nhiều nhất, những nhân đức họ buộc phải thực hành và những vấn đề thích đáng nhất và phù hợp nhất, cũng như những vấn đề tương tự khác”[30]

Các nhà truyền giáo cũng có thể đề xuất với các linh mục quản xứ ở những nơi mà họ đã làm các cuộc đại phúc quy tụ lại với nhau và dưới sự hướng dẫn của các nhà truyên giáo, thực hiện một cuộc tĩnh tâm trong các nhà của họ. Các báo cáo đại phúc đôi khi kể về những trường hợp hoán cải phi thường của các linh mục và thường thì các linh mục cam kết sẽ nhiệt tình chăm lo cho giáo xứ của họ.

Người ta có thể đề cập đến những thách đố khác mà thánh Vinh Sơn đã nhận thấy và đã đưa ra (các giám mục không xứng đáng, phái Jansenism, v.v.). Chúng ta đã thấy những người có liên hệ trực tiếp nhất với đề tài của chúng ta về các kỳ đại phúc. Và vì vậy chúng ta sẽ dừng lại ở đây. Bây giờ là lúc để kết luận những nhận xét của chúng ta bằng cách phân tích cái mà người ta có thể gọi là “tiến trình Vinh Sơn”, vốn bắt rễ trong những thành quả phong phú nơi sứ vụ của thánh Vinh Sơn.

Phần kết luận

Bài trình bày ngắn gọn này về những thách đố chính mà thánh Vinh Sơn đã nhận thức được với sự sáng suốt tuyệt vời và một cái nhìn thoáng qua về sự đáp trả của ngài qua các kỳ đại phúc, cũng đủ để chúng ta hiểu thánh Vinh Sơn thực sự am tường xã hội và Giáo Hội thời đại của mình như thế nào và tại sao ngài lại có một tác động thực tế đến mức “gần như thay đổi bộ mặt của Giáo Hội”.

    • Phương pháp hành động của thánh Vinh Sơn có thể được tóm tắt như sau:
    • Quan sát thực tế bằng đôi mắt của một tông đồ và phân định các nhu cầu thực sự của những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất.
    • Đối mặt với điều này và tìm kiếm cách đáp trả với sự sáng tạo, can đảm và tin tưởng vào Chúa
    • Đa dạng hóa, không ngừng thích nghi và giảm bớt hành động của mình, tìm kiếm sự hợp tác: các linh mục, các người nữ thánh hiến và giáo dân;
    • Đồng thời thúc đẩy việc truyền giáo và việc trợ giúp hay thăng tiến người nghèo, ưu tiên cho người này lúc này, người khác lúc khác, nhưng luôn liên kết chặt chẽ với họ;

Một lời phê bình mà ngày nay đôi khi người ta nghe về các kỳ đại phúc là các kỳ đại phúc đã tự giới hạn trong một thực hành đạo đức hoặc một sự tổ chức tốt đối với người giáo dân nhưng không đem lại hiệu quả trong tương lai. Lý do là bởi vì ở một số nơi, các linh mục quan niệm như vậy, ngay cả khi điều này là không chính xác, và họ không đòi hỏi gì thêm và kỳ đại phúc đã bị tê liệt. Dường như đối với tôi, nếu chúng ta muốn công tác đại phúc của chúng ta ngày nay thực sự nắm bắt được thời đại của chúng ta, thì chúng ta phải lấy cảm hứng từ các “tiến trình Vinh Sơn” mà chúng ta vừa tập trung vào. Do đó, sẽ rất hữu ích khi chúng ta để tiếp tục phản tỉnh về cách thức: a) nhận diện những thách đố lớn của ngày hôm nay, đặc biệt là nhu cầu của những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất trong thời đại chúng ta, b) đối mặt với những điều này bằng cách tìm kiếm các giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm trợ giúp và rao giảng Tin Mừng.

Với tư cách là những nhà truyền giáo, chúng ta phải là những người tiên phong trong việc rao giảng Tin Mừng. Chúng ta không thể hài lòng với việc theo bước chân của những người đi trước, vì thế giới đang thay đổi (ngay cả khi chúng ta không thể coi thường những kinh nghiệm trong quá khứ). Nếu chúng ta không xác định được những thách đố ngày nay và đối mặt với chúng bằng sự sáng tạo và tinh thần đức tin, chúng ta sẽ ở bên lề những vấn đề thực sự của Giáo Hội, và các cuộc đại phúc sẽ vô nghĩa và không có tác động thực sự.

Tuy nhiên, nếu chúng ta ở đây, đó là vì chúng ta tin rằng các cuộc đại phúc có khả năng là một lời đáp trả, dù chỉ một phần, nhưng là một lời đáp trả phù hợp và hiệu quả đối với các vấn đề thực sự của Giáo Hội và thế giới ngày nay. Đó là bởi vì chúng ta tin rằng trong việc hiện thực hóa đặc sủng Vinh Sơn trong việc truyền giáo và phục vụ những người bị bỏ rơi nhất hiện nay, công cuộc đại phúc có thể đóng góp hiệu quả và cụ thể cho việc truyền giáo mới mà thế giới của chúng ta đang cần. Đây cũng là những gì đang bị đe doạ liên quan đến lời đáp trả của chúng ta ở đây và đó cũng chính là lý do cho Tháng Vinh Sơn này.


[1] Histoire d’un regard sur le pauvre,  “1581-1981” được xuất bản bởi “Fiches Vinceiannes” Toulouse, 1981, tr 44-83. Ngoài ra tôi cũng quy chiếu đến một số phân tích nào đó của cha Morin.

Thánh Vinh Sơn không trở lại ngay trên thế giới với cái nhìn xót thương, đó là điều mà chúng ta biết và nhờ điều đó mà ngài đảm nhận những công việc tông đồ và bác ái đa dạng, phong phú. Ngài đạt được điều đó dần dần theo một tiến trình phức tạp. Dần dần ngài học được cách nhìn sâu vào trong thế giới và trong Giáo Hội với đôi mắt thực sự của Chúa Kitô và đọc được ở đó cách thức Thiên Chúa đã kêu gọi ngài qua tiếng kêu của người nghèo và người bị bỏ rơi. Chúng ta sẽ nêu ra một cách vắn tắt sự tiến triển này. Điều đó sẽ giúp chúng ta dừng lại và đánh giá viễn cảnh mà chúng ta hướng đến thế giới và Giáo Hội và điều đó quyết định cách chúng ta đặt mình vào đó và hành động.

[2] SV IV, 458.

[3] Sđd, 215.

[4] SV IX, 81.

[5] SV XI, 201.

[6] SV IX, 646.

[7] SV XI, 4.

[8] SV XI, 4.

[9] SV IX, 423.

[10] Quy luật đầu tiên của Hội Bác Ái ở Châtillon, SV XIII, 423.

[11] SV XIII, 423.

[12] SV IV, 458.

[13] SV IX, 209.

[14] SV XII, 270.

[15] SV XI, 32.

[16] Hợp đồng Foundation, SV XIII, 198.

[17] SV XI, 34.

[18] SV XIII, 305.

[19] SV IV, 412.

[20] SV IV, 516.

[21] SV I, 514.

[22] SV IV, 412.

[23] SV IV, 415.

[24] SV XII, 262 – 263.

[25] SV SV I, 457.

[26] SV IV, 458.

[27] SV II, 428-429.

[28] SV XI, 133; XI, 55.

[29] SV IV, 417.

[30] Abelly I, 279.