Ký sự PNG (Phần 26)

0
708

Cao Viết Tuấn, CM

73. Chuyện gạo cơm

Năm ngoái, có lần mình vào làng xa nhất ở lại qua đêm để cử hành phụng vụ Lời Chúa vào sáng hôm sau. Ở đó có một căn nhà nhỏ của các sơ, lâu lâu các sơ ở lại đó, nên nhà bếp cũng có sẵn gạo, muối, mì gói, đồ hộp.

Vo nấu một nhúm gạo mà chừng này mọt!

Chiều hôm đó, mình khui bao gạo (1kg) để nấu ăn, mình đã bị sốc khi thấy có nhiều con mọt đen trong gạo, điều mà mình hiếm khi thấy trước đây. Trong đầu mình nghĩ tới cảnh những con mọt này đã ăn uống và đi vệ sinh trong gạo làm mình cảm thấy ghê ghê. Ở nước vo đầu tiên, một lớp đen nổi lềnh bềnh… Dù vo gạo thật kĩ nhiều lần, nhưng khi ăn vẫn cứ thấy ớn ớn.

Sáng hôm sau mình đem phần gạo còn lại trong bao ấy cho anh giáo lí viên, mà lòng cảm thấy áy náy hoài: sao mình lại đem gạo hư cho người ta!

Không lâu sau, mình bắt đầu thấy các bao gạo (loại 1kg) trong tủ của mình lúc nhúc mọt. Bao nào cũng vậy. Biết làm sao đây? Cho người ta thì lấy gì mình ăn, nên cũng cứ ráng ăn. Riết rồi bây giờ mọt đen trong gạo là điều rất bình thường đến nỗi mình không còn để ý đến chuyện đó nữa. Nay tự nhiên nhớ lại nên kể mọi người nghe chơi vậy thôi.

74. Chúa nhật nào cũng vậy, dâng xong thánh lễ thứ III, là cũng đã 3g-3g30 chiều. Bụng trống không nhưng vẫn cười tươi, nhất là khi có được trái dừa (như trong hình). Nhưng không phải uống một mình đâu nhé, chỉ uống hơn nửa trái rồi bấm bụng chia cho người khác, vì văn hoá ở đây là văn hoá cộng đồng, tập thể, nếu mình ăn uống mà không chia là không tốt.

Một điểm lưu ý đó là không phải chia cho con nít trước tiên mà phải người lớn trước. Cụ thể, uống nửa trái dừa xong, mình đưa cho người lớn nhất ở đó, kiểu kính mời, rồi sau đó nửa trái dừa đó lần lượt chuyền qua miệng của vài người nữa rồi mới đến con nít đem ra ngoài đập vỏ để chia nhau cùi dừa (cũng là chia với nhau).
Thật ra, việc chia nhau 1 trái dừa, uống chung 1 lỗ chưa có gì đáng nói. Đáng nói hơn là chia nhau miếng trầu. Người này nhai một lúc rồi nhả ra đưa cho người khác nhai tiếp là điều bình thường ở đây. Do đó, trong bữa ăn đông người không đủ muỗng dĩa, người ta chờ người khác ăn xong để lấy muỗng dĩa ăn (không cần rửa) là chuyện phổ biến lắm.

Cũng vì văn hoá tập thể này, nên cho dù có đem bánh theo cũng không thể ăn một mình trước mắt hàng chục người ngồi xung quanh. Nếu mà chia thì bao nhiêu cho vừa. Cho nên, uống (nửa) trái dừa vậy cũng là tạm đủ cho mỗi bữa trưa Chúa nhật, để đạp xe 30-45 phút về tới nhà xứ.

75. Sáng nay dâng lễ xong thì trời tiếp tục cơn mưa từ đêm qua. Tạ ơn Chúa! Ngẫm nghĩ lại Chúa ưu đãi mình rất nhiều trong chuyện mưa nắng này. Ví dụ gần đây nhất, suốt từ tối Chúa nhật đến tối thứ ba, trời mưa tầm . Sang ngày thứ tư thì trời nắng, mình có thể ra vườn trồng cây, gieo thêm hạt, dọn dẹp, và đến chiều đi dâng lễ thì đường sá tương đối khô ráo. Tối qua trời mưa, thế là khỏi phải lo mấy cây mới trồng và hạt mới gieo hôm qua. Cầu xin Chúa mưa tí rồi lại nắng để đường lại khô ráo, chiều mình đi dâng lễ.

Về nhà xứ, chiên tô cơm nguội ăn xong, pha li cà phê nhâm nhi, nghe chút nhạc, nhìn mưa rơi bên ngoài cửa sổ, xa xa một tí là biển, thấy cuộc đời của mình tươi đẹp biết bao (cho nên, mình không muốn ai phải thương tình hay thấy mình tội nghiệp về hoàn cảnh sống của mình nơi đây).

Phải nói chứ uống được ly cà phê Việt Nam vẫn là một điều thích thú mà các loại cà phê mình từng uống không thể đem lại. Cái này chắc có lẽ chỉ là do khẩu vị đã quen, kiểu như nấu nướng có thêm chút nước mắm là ra món ăn Việt Nam ngay.
Tóm lại, có cái chén (hoặc cái tô cũng được) với đôi đũa, nước mắm, mì gói và cà phê rang xay Việt Nam là cuộc sống trở nên quen thuộc cho dù sống ở bất cứ đâu.

Trời mưa, sáng sớm uống cà phê mà nghe Như Quỳnh ca bài Vọng cổ buồn: “… anh giờ xa xứ bỏ quê nhà, bỏ lại…” tái tê luôn, không biết nói sao nữa!

(còn nữa)