Ký sự PNG (Phần 34)

0
950

Cao Viết Tuấn, CM

92. LẠI CHUYỆN NGÂN HÀNG

Theo như lịch hẹn lần trước, sau 21 ngày sẽ có PIN mới, mình chờ đến hơn 1 tháng cho chắc ăn mới ra ngân hàng. Rồng rắn xếp hạng dưới trời mưa nắng 2 tiếng đồng hồ mới tiếp cận được nhân viên. Kết quả là… không có kết quả. Thiệt tình, không biết nói sao.

Cô nhân viên hướng dẫn mình làm lại hồ sơ xin cấp mã PIN lần thứ 3. Mình đành phải làm, bởi vì nếu không thì sẽ mất tiền trong tài khoản. Sau khi điền các giấy tờ, mình hỏi cô, lần này có chắc là được không. Cô thành thật trả lời: “I don’t know” (Tôi không biết). Thôi thì đành chờ thêm ba bảy hăm mốt ngày nữa vậy.

Cứ nghĩ ngân hàng ở một quốc gia xa xôi hẻo lánh mới như vậy, nhưng mình lại thất vọng không kém với ngân hàng ở Việt Nam.

Cách đây hơn 1 năm, khi về Việt Nam, mình có một số tiền cũng không lớn lắm, nhưng chưa dùng tới, nên quyết định mở tài khoản tiết kiệm cho an toàn. Cũng cái tội háo danh quốc tế, ngân hàng Mỹ này nọ, và cái tên nghe rất gần với thành phố (Citi-City), nên mình đã gởi vào đó. Với lại mình có hỏi khi cần đóng tài khoản mà đang ở nước ngoài thì sao. Người tư vấn trả lời không sao, chỉ cần một cuộc điện thoại là xong.

Tài khoản ấy đã đáo hạn hơn 1 tuần này, nhưng khi mở mình lại chọn tự động gia hạn. Nhưng kẹt là bây giờ mình cần số tiền ấy,  nên mới tính cách để rút ra. Mình hỏi thăm người quen làm trong ngân hàng đó thì được trả lời là gọi điện về tổng đài sẽ được giải quyết. Mình hỏi đi hỏi lại thật chắc chắn là có giải quyết được không, và câu trả lời khẳng định là được. Nhưng ông bà mình nói rất chí lý, đưa tiền cho người ta thì dễ mà lấy lại thì khó, quả đúng là vậy.

Mình gọi về tổng đài ở Việt Nam, gọi quốc tế cước phí rất cao, vậy mà tổng đài bắt mình nghe lời chào hỏi, giới thiệu, quảng cáo các kiểu hết tiếng Việt đến tiếng Anh mới cho mình bấm phím chọn tiếp theo. Do đó, gặp cô nhân viên tổng đài, lại chào hỏi các kiểu nữa là vừa… hết tiền.

Nạp tiền nhiều hơn để gọi, và cũng tình trạng chào hỏi, giới thiệu, quảng cáo… cô nhân viên tổng đài yêu cầu xác mình tên tuổi, số tài khoản, đã vậy còn quan tâm hỏi thêm các thông tin cá nhân, anh ở nước nào, khi nào anh về nước, vân vân và vân vân…. Chưa hết, cô ta yêu cầu mình chờ tổng đài gởi mã OTP, và xác nhận… Sau đó mới vào vấn đề chính. Mình trình bày xong, cô yêu cầu mình chờ để cô xem thủ tục giải quyết thế nào… Mình chờ máy, để cô ta tham khảo tìm hiểu gì đó, cứ nghe tổng đài quảng cáo chán chê cho đến khi hết tiền.

Không chịu thua, mình nạp thêm nhiều tiền hơn nữa để gọi. Và các bước tuần tự diễn ra y chang không khác một chút. Nhưng lần này, tiền có đủ để cô nhân viên tìm hiểu thủ tục xong và trả lời cho mình: anh cầm chứng minh nhân dân đến quầy để giải quyết anh nhé. Mình nói lỡ mình không về Việt Nam nữa thì mất số tiền đó hay sao. Cô ta nói để trình bày lên cấp trên.

Vài ngày trôi qua mà không thấy phản hồi, mình liên lạc với một người quen khác trong ngân hàng ấy, sau khi tham khảo ý kiến trao đổi các kiểu, cô ta đề nghị mình gọi lại cho tổng đài thêm một lần nữa, để xác minh thông tin. Mình hỏi, có chắc là sẽ được giải quyết không? Cô ta trả lời là không, nhưng gọi để nhân viên trình bày lên cấp trên để xem thế nào. Mình nói là đã xác minh thông tin với nhân viên cách đây mấy hôm, và cũng được hứa là trình bày lên cấp trên giải quyết. Giờ mình gọi lại thì cũng y chang như vậy thôi, tốn thêm nhiều tiền mà cũng không được gì.

Tóm lại, ngân hàng ở đây không biết bao giờ mới chịu cấp mã PIN, còn ngân hàng ở Việt Nam thì không biết bao giờ mới giải ngân được. Quả thật, ngao ngán ngân hàng hết sức!

93. KỂ CHUYỆN ĐỔI BẰNG LÁI XE

Về trường, mình được giáo phận giao cho một chiếc xe 16 chỗ. Cho dù bằng lái của mình chỉ cho phép lái xe dưới 8 chỗ, và mình vẫn đang lái xe để lo công việc (thật ra khi ở thủ đô, mình đã lái xe 12 chỗ trong khoảng nửa năm), nhưng mình phải tìm cách để nâng cấp bằng lái.

Do quá bận việc và không quen thủ tục ở đây, nhất là việc đóng phí phải đóng ở ngân hàng rất mất thì giờ, nên mình đã nhờ một anh tài xế lo thủ tục cho mình. Sau khoảng 2 tuần lo đóng các thứ phí, liên hệ các nơi, hẹn với cảnh sát, mình được báo đến sở cảnh sát để kiểm tra.

Sau khi chờ đợi một khoảng thời gian khá lâu, do không có người trực, mình gặp viên cảnh sát khảo hạch. Khi trình các giấy tờ, anh ta đi lục lọi khắp nơi để tìm … đề thi. Điều này chứng tỏ lâu lắm rồi không ai thi bằng lái, cũng không ai đổi bằng lái.

Cuối cùng, anh cũng tìm ra và đưa cho mình bản photo 18 câu hỏi được đánh máy, có lẽ từ lâu rồi và cũng photo nhiều lần nên nó rất mờ, có nhiều chỗ phải viết tay photo chứ không phải viết tay gốc, bản câu hỏi ấy đã ố vàng với nhiều vết bẩn.

Nhiệm vụ của mình là phải trả lời đúng 15/18 câu hỏi mới đậu phần lý thuyết. Nếu không đậu, mình phải đóng tiền và mình sợ nhất là thủ tục rất phức tạp mới vào được tới đây. Nên mình quyết tâm cố gắng và hy vọng sẽ vượt qua được.

Nhưng thú thật mình chỉ xem qua luật giao thông cách đây gần 3 năm khi thi bằng lái, mà khi đó người ta chỉ khảo vấn đáp dăm ba câu vu vơ về đèn xanh đèn đỏ rồi thôi. Nên bây giờ nhìn 18 câu hỏi, có nhiều câu mình không biết trả lời làm sao (có một số câu mình trả lời được, ví dụ gặp vạch đường dành cho người đi bộ thì phải làm gì…). Anh cảnh sát giao thông thấy sự lúng túng và câu giờ của mình, nên anh ta gợi ý giải thích một vài câu cho mình, nhưng mình phải tự trả lời, mà cũng không biết đúng sai.

Dù thế nào thì cũng phải nộp bài, anh ta chấm, coi đi coi lại mấy lần, và kết quả của mình là 13 điểm rưỡi, rớt, đi về đóng tiền mai mốt thi lại. Mình hỏi anh ta có thể đóng tiền trực tiếp và thi lại luôn được không vì mình không có nhiều thời gian. Nhưng câu trả lời là không một cách dứt khoát.

Không biết phải làm sao, mình hỏi anh ta cho mình coi lại bài thi. Khi đếm lại, mình thấy anh ta chấm sót một câu, và kết quả thực sự là 14 điểm rưỡi (vậy là có thể làm tròn lên 15, đủ điểm đậu). Anh ta đếm đi đếm lại thêm vài lần nữa, và gọi thêm anh bạn cảnh sát đến đếm dùm để cho chắc ăn, thì kết quả đúng là 14,5 điểm. Mình đậu lý thuyết.

Sau khi kí vào các biên bản, điền vào các giấy tờ đủ loại, mình được yêu cầu thi thực hành.

Để thi thực hành, thí sinh phải lái xe trên đường thực sự. Do đó, mình được đề nghị lái xe trên đường bằng chiếc xe mình vẫn đang lái bữa giờ, vì đã quen thuộc với nó, nên mình khá thoải mái. Mình sẽ phải chở một cảnh sát giao thông ngồi bên cạnh, và đi theo hướng và làm các yêu cầu mà anh ta chỉ định.

Anh ta chỉ mình chạy lên một ngọn đồi cao, đường rất dốc, và có nhiều xe lưu thông (ngọn đồi ấy có tên là “top town“, khá sầm uất với bệnh viện, nhà hàng, v.v… vì trên đồi nhìn xuống biển rất đẹp). Đang lừng chừng nửa đường đèo dốc đứng như vậy, anh ta kêu mình … tắt máy xe… Mình làm theo yêu cầu: (đạp thắng) tắt máy, chờ một lúc, anh ta bảo mình khởi động lại và tiếp tục chạy, (mình hiểu là không được để xe tụt lùi lại sau).

Quả thật là một bài kiểm tra rất thực tế nhưng cũng đầy mạo hiểm, vì khi đó một dãy nhiều xe đang ở sau lưng mình, mà đường thì đèo dốc và rất hẹp. Tạ ơn Chúa là mình vượt qua bài kiểm tra này, nếu không thì tai nạn chắc chắn xảy ra. Nghĩ lại mới thấy anh cảnh sát này đúng liều thật. Sau khi chạy xuống lại, đi lòng vòng thành phố, mình trở về sở cảnh sát. Kết quả: đậu!

Thông thường, khi đã thi đậu như vậy, mình cần đem kết quả qua sở giao thông để chụp hình và lấy bằng luôn, nhưng vì ông sếp cảnh sát giao thông đi vắng (họ nói là đang đi… công tác (giống Việt Nam thật!), nên chưa thể kí vào kết quả của mình, phải hẹn lại hôm sau.

Hôm sau, anh tài xế mình vẫn nhờ bữa giờ ghé sở cảnh sát, nhưng sếp đi công tác chưa về, nên chưa thể kí được. Nhưng mà thôi không sao, bằng thì từ từ lấy cũng được, lâu nay vẫn lái xe rồi mà, miễn sao thi đậu là mừng rồi.

P/S: Sau hơn một tuần ghé tới ghé lui như vậy, thì mình mới nhận được kết quả khảo hạch để đem qua sở giao thông lấy bằng lái như hình.

Bằng này lái được các loại phương tiện giao thông bình thường, chỉ trừ xe đầu kéo và xe tải nặng.

(còn nữa)