Sáng này lúc 9h30 (8h30 giờ Việt Nam) tại nhà thờ thánh Vinh Sơn Phaolô, thành phố Quezon, Manila đã diễn ra lễ phong chức phó tế cho ba thầy Vinh Sơn thuộc tỉnh dòng Việt Nam và tỉnh dòng Philippines. Hai thầy thuộc tỉnh dòng Việt Nam gồm thầy Matino Cao Văn Luận (chuẩn bị đi truyền giáo Đài Loan) và thầy Phêrô Phạm Minh Triều đang theo học tại phân khoa thần học, đại học Adamson và thầy Vincent A. Rabeje II, thuộc tỉnh dòng Philippines. Quý thầy đã được Đức Giám mục Antonio R Tobias thuộc giáo phận Navoliches đặt tay cùng với sự tham dự đông đủ của cộng đoàn giáo xứ cũng như quý Tu sĩ Việt Nam đang theo học tại Manila. Đặc biệt có cha GB Nguyễn Trọng Thịnh C.M đại diện tỉnh dòng Việt Nam, cha Dandy C.M giám tỉnh tỉnh dòng Đài loan cùng hiện diện trong thánh lễ này.
Đây là một trong những sự kiện nói lên tình liên đới giữa các tỉnh dòng và miền truyền giáo quốc tế tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương (viết tắt APVC-Asia Pacific Visitors Conference). Trong tháng 7 vừa qua các tỉnh dòng thuộc APVC đã tổ chức năm Nội chủng viện quốc tế đầu tiên tại Angono, một tỉnh kế cạnh Manila. Có tất cả 9 tập sinh gồm: 2 thuộc tỉnh dòng Việt Nam, 2 thuộc Indonesia, 2 thuộc Philippines, 1 thuộc Papua New Guinea, 1 thuộc Fiji, 1 từ Salomon Island. Hai tỉnh dòng của Ấn Độ vì lý do khách quan đã không gởi tập sinh đến được. Một năm nội chủng viện (nhà tập) tại đây sẽ là cơ hội tốt cho các tập sinh sống trong môi trường truyền giáo thực sự với đặc điểm đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa tính cách, và đa tập quán. Đồng thời Philippines cũng là một quốc gia có nhiều người nghèo sẽ là cơ hội để anh em sống linh đạo truyền giáo phục vụ người nghèo một cách thực tế và cụ thể.
Đồng thời theo như sự khích lệ của cha Tổng quyền Tu Hội Truyền Giáo Tomaž Mavrič, C.M về sự liên đới giữa các tỉnh dòng, thì tất cả anh em thuộc tỉnh dòng Việt Nam tình nguyện đi truyền giáo quốc tế sẽ sang Phi Luật Tân học một năm tiếng anh trước khi đi đến vùng truyền giáo. Hiện tại chủng viện Vinh Sơn đang có 5 anh em chủng sinh Việt Nam học tại đây gồm: hai thầy chuẩn bị đi truyền giáo tại Đài Loan, hai thầy chuẩn bị đi truyền giáo tại Nga _ Ukraine và một đang theo học truyền giáo học tại đây. Và hiện tạ đang có cha Augustino Hà Vũ, C.M và cha Giuse Cao Viết Tuấn, C.M đang truyền giáo tại Papua New guinea. Tỉnh dòng philippines đã và đang tạo mọi điều kiện để giúp tỉnh dòng Việt Nam về vấn đề đào tạo, chuẩn bị ngôn ngữ đi truyền giáo, cũng như các lĩnh vực liên đới khác trong hiện tại và tương lai.
Nhân tiện cũng xin được sơ lược một chút về phân khoa thần học trường đại học Adamson. Adamson ở manila không được nổi tiếng như các trường thần học công giáo kỳ cựu của Phi Luật Tân như Ateneo (dòng Tên), Saint Thomas (UST – dòng Đaminh), De La Salle, nhưng được tiếng khen là trường có học phí thấp nhất, vì mục tiêu của trường là hỗ trợ về đào tạo cho các học sinh nghèo của Manila. Mục đích của trường là tìm kiếm tri thức trong tinh thần Vinh Sơn – liên đới với người khác – trách nhiệm xã hội và hướng đến sự phát triển toàn thể.Tiền thân là một trường chuyên ngành hóa học công nghiệp do một nhà hóa học người Hy lạp George Lucas Adamson thiết lập năm1932, sau đó vì tình hình chính trị trường đã được chuyển trao cho các cha Vinh Sơn (C.M) Tây Ban Nha coi sóc năm 1964 cho đến nay. Vì đây là trường Công giáo dành cho con em của tầng lớp trung bình và nghèo khó tại Manila và đó cũng chính là linh đạo của Tu Hội Truyền Giáo là truyền giáo và phục vụ những người nghèo khổ. Tuy nhiên, phân khoa thần học thì tọa lạc tại nhà tỉnh dòng cách trường chính khoảng 20km. Câu Slogan của trường là “làm thần học từ ngoại biên” “doing theology from the margins” – tức học hỏi về Thiên Chúa từ nơi những con người sống ngoài lề xã hội- theo như định hướng: trường thần học Vinh Sơn là một học viện về thần học, mục vụ, truyền giáo dành cho tất cả các cá nhân để phục vụ hữu hiệu trong Giáo hội và xã hội. Trường thúc đẩy một cách thức mới để làm thần học dựa trên kinh nghiệm tôn giáo và những lời thực tại của xã hội bị loại trừ, và hướng đến việc truyền giáo cho người nghèo.
Đầu tiên, đó là một nền thần học từ ngoại biên. Bắt đầu suy tư thần học và các khóa học từ kinh nghiệm của các con người sống ở bên lề với niềm tin rằng những câu hỏi của họ có gì đó để nói với chúng ta về Thiên Chúa, về cuộc sống và sự cứu độ mà Chúa Giêsu tuyên bố. Thật ra, chúng ta không truyền giáo cho người nghèo. Chính những người nghèo là người đầu tiên truyền giáo cho chúng ta và kêu gọi chúng ta hoán cải. Nếu có bất kỳ thần học nào, thì nên bắt đầu với họ, với những câu hỏi của họ, với những mối quan tâm của họ, với những tiếng thở dài, với những hy vọng của họ. Đây là điểm đặc quyền của sự mặc khải của Thiên Chúa.
Đó là lý do tại sao SVST (Saint Vincent De Paul School of Theology) mở ra cánh cửa cho những người giáo dân quan tâm nghiên cứu thần học. Vì trường tin rằng chính giáo dân có thể giúp chúng ta nói rõ nhất các câu hỏi của người sống bên lề. Trong quá khứ, sự đào tạo thần học dường như là một đặc quyền của các giáo sĩ. Hôm nay, chúng tôi tuyên bố rằng đó là cả quyền lợi và trách nhiệm của toàn thể dân Chúa. Trong quá khứ, chúng ta có những người giáo dân là người tiếp nhận sự đào tạo của chúng ta, có thể là trong các lĩnh vực mục vụ, các lớp giáo lý hoặc tĩnh tâm. Trong SVST, các chủng sinh, giáo dân và tu sĩ tìm thấy mình trong một lớp học và bình đẳng với nhau khi họ vật lộn với các câu hỏi về cuộc sống, về cái chết, về đau khổ, về Thiên Chúa.
Thứ hai, SVST nhằm mục đích thúc đẩy một nền thần học cho và với người sống bên lề. Từ họ, cho họ, với họ! Thần học của chúng ta, mục vụ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta không dành cho chính chúng ta. Chúng hướng đến sự cứu độ con người. Chúng ta có các người đại diện có khả năng cho những người bên lề. Khi mọi người nói ‘SVST, họ sẽ biết lòng trung thành của chúng ta nằm ở đâu, lựa chọn của chúng ta ở đâu. Sinh viên và tốt nghiệp sinh của SVST tin rằng chúng ta cần phải cống hiến hơn cho những người kém may mắn trong cuộc sống.
Hy vọng rằng trong tương lai tỉnh dòng Philippines sẽ là nơi trung chuyển các nhà truyền giáo Việt Nam trước khi đến các vùng truyền giáo khác trên thế giới. Đồng thời, với một cộng đồng đa dạng về các dòng tu ở Manila, thì nơi đây sẽ là cơ hội để giao lưu văn hóa, ngôn ngữ, học hỏi và hỗ trợ nhau giữa các tu sĩ thuộc nhiều quốc tịnh khác nhau đang làm việc và học tập tại đây.