Người Nữ Tử Bác Ái trong Giáo Hội

0
2487

María Ángeles Infante, DC

Một đoàn sủng bắt nguồn từ kinh nghiệm tại Châtillon

Thánh Vinh Sơn đã quả quyết rằng đoàn sủng của chúng ta (Nữ Tử Bác Ái) bắt nguồn từ kinh nghiệm tại Châtillon. Đoàn sủng đó đã xuất phát từ một sự linh hứng của ân sủng đã chạm đến những con tim của những người nam nữ nhạy cảm. Đó cũng là một lời đáp trả nhằm diễn đạt sự liên đới của dân chúng với các anh chị em thiếu thốn hơn họ và do đó, đoàn sủng này được bén rễ từ một lời đáp trả cho một nhu cầu cấp thiết. Ba yếu tố đó đã cùng hiện diện trong dưới tác động của các sự kiện đã xảy ra vào quãng thời gian tháng 8 năm 1617. Các sự kiện này đã được coi như nguồn cội của việc khai sinh đoàn sủng, nhằm mục đích việc phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những người nghèo khổ.

Vào ngày 13 tháng 2 năm 1646, thánh Vinh Sơn đã nói về điều này trong một buổi đàm luận với các Nữ Tử Bác Ái rằng: tôi xin kể với các chị em rằng, khi tôi đang sống ở một thị trấn nhỏ gần Lyons, nơi Chúa Quan Phòng đã kêu gọi tôi với vai trò cha sở ở đấy, khi tôi đang mặc áo lễ để chuẩn bị cử hành thánh lễ Chúa Nhật, thì tôi đã được nói cho biết rằng, có một gia đình ở gần nhà xứ mà mọi người trong nhà hầu như đều bị bệnh. Không ai trong số họ có thể giúp đỡ những người khác, và tất cả họ đều cần được giúp đỡ. Điều đó làm tôi cảm động vô cùng. Trong bài giảng, tôi đã khen ngợi lòng nhiệt thành của họ về tin tức ấy và Chúa đã chạm đến trái tim của những người đang nghe tôi giảng, làm cho họ động lòng trắc ẩn với những con người khổ sở khốn khó ấy.[1]

Vào lúc ban đầu, đã có một sự động lòng trắc ẩn được bén rễ trong Thần Khí, Đấng là nguồn mạch của lòng bác ái đích thực, đã chạm đến con tim của dân chúng và khiến họ động lòng thương: Điều đó làm tôi cảm động vô cùng. Trong bài giảng, tôi đã khen ngợi lòng nhiệt thành của họ về tin tức ấy và Chúa đã chạm đến trái tim của những người đang nghe tôi giảng, làm cho họ động lòng trắc ẩn với những con người khổ sở khốn khó ấy. (CCD:  IX: 192)

Chúng ta nhắc lại ở đây các chi tiết xung quanh sự kiện đó. Vào Chúa nhật, ngày 20 tháng 8, Françoir Baschet và Madamoiselle de Chassaigne[2] đã vào phòng thánh để nói với thánh Vinh Sơn rằng, ở ngoài làng có một gia đình nghèo rất cần được giúp đỡ: tất cả mọi người trong gia đình đều bị bệnh và họ không có đồ ăn hoặc thuốc men… không có ai giúp đỡ họ. Tin tức này đã chạm đến trái tim của vị linh mục tốt bụng và ngài đã tràn đầy lòng trắc ẩn.

Trong bài giảng của mình, thánh Vinh Sơn đã giải thích về tình trạng của gia đình nghèo đó một cách lôi cuốn và nhiệt thành, và ngài đã chạm đến trái tim của những người đang lắng nghe ngài. Lòng trắc ẩn của Vinh Sơn đã lây lan, đến nỗi con tim của các giáo dân cũng bị lay động theo. Vào buổi chiều, thánh Vinh Sơn, cùng với một vài người khác trong ngôi làng ấy, đã đến thăm gia đình đó. Ngài đã rất ngạc nhiên khi thấy vô số người cũng đang trên đường đến thăm gia đình đó và mang thêm cho họ thức ăn nữa. Những đám người này giống như đi rước kiệu vậy. Thánh Vinh Sơn đã vào ngôi nhà ấy và tự ngài thấy những nhu cầu cấp thiết của gia đình đó. Ngài đã cử hành bí tích cho những người bệnh nặng trong số những thành viên của gia đình ấy.

Thánh Vinh Sơn cũng nhìn thấy các giáo dân đã mang cho họ quá nhiều đồ ăn và ngài nghĩ rằng: gia đình bệnh tật khốn khổ này đã có quá nhiều thức ăn như vậy, họ không thể dùng hết ngay được, nên nó sẽ bị ôi thiu. Rồi sau đó họ cũng sẽ lại trở về tình trạng cũ.[3] Cần phải tổ chức hoạt động bác ái này.

Ba ngày sau, vào Thứ Tư, ngày 23 tháng 8, thánh Vinh Sơn đã đưa kế hoạch của mình vào hoạt động. Ngài tập hợp một nhóm những người phụ nữ đạo đức trong làng. Trong số đó có: Françoir Baschet, Madamoiselle de Chassaigne, Charlotte de Brie, Madame Denise Beynier (vợ của M. Claude Bouchour). Những người phụ nữ này đã động lòng trắc ẩn và thánh Vinh Sơn đã khuyến khích họ thành lập một hội, để chăm lo cho những người nghèo bệnh tật ở khu vực đó (xem CCD: XIIIb: 3-5). Ngày hôm sau, nhóm phụ nữ ấy đã tự nguyện dấn thân để bắt đầu công việc tốt lành đó, mỗi người thay phiên nhau phục vụ những người mà các bà đã quyết định giúp đỡ các nhu cầu của họ.

Bản Luật đề xuất đã đưa ra một số yếu tố cần thiết cho công việc mới này:

  • Bản Luật đã đưa ra một cấu trúc tổ chức cho việc phục vụ, nghĩa là chăm sóc người nghèo tại nhà của họ;
  • Nó phác họa một linh đạo Tin Mừng dựa trên các Mối Phúc: khiêm tốn, đơn sơ và bác ái;
  • Nó đã nhấn mạnh đến thái độ chuyên môn khi các thành viên tham gia phục vụ với sự dịu dàng, trách nhiệm và chu đáo;
  • Tất cả những điều này được thực hiện dưới sự trông nom và bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria: Và bởi vì, khi Mẹ Thiên Chúa được kêu cầu và được coi là Đấng Bảo Trợ trong những vấn đề quan trọng, thì mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp và dành vinh quang cho Chúa Giêsu, Con của Mẹ, các quý bà đã nhận Đức Mẹ là Đấng Bổn Mạng Và Bảo Trợ cho công việc này (CCD: XIIIb:3).

Vào ngày 24 tháng 8 năm 1617, ngày lễ thánh Bartôlômêô, Hội Bác Ái đầu tiên bắt đầu hoạt động tại Châtillon. Từ đó đã sinh ra đoàn sủng của công tác bác ái có tổ chức, với ý hướng phục vụ người nghèo ở các giáo xứ khác nhau.

Từ các Hội Bác Ái đến các Nữ Tử Bác Ái

Cũng từ sự kiện ấy, đã dẫn đến việc thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái (ngày 29 tháng 11 năm 1633). Bản thân thánh Vinh Sơn đã thừa nhận về điều đó. Trong buổi đàm luận ngày 13 tháng 2 năm 1646, với các Nữ Tử về lòng yêu mến ơn gọi và sự trợ giúp của họ đối với người nghèo, thánh Vinh Sơn đã mô tả nguồn gốc của Tu Hội là bắt nguồn từ việc thành lập Hội Bác Ái tại Châtillon và sau đó tại Villepreux và các giáo xứ khác ở Paris.

Trong buổi đàm luận đó, ngài đã nhắc nhở các chị em về đời sống, sứ mệnh và cái chết của chị Nữ Tử Bác Ái đầu tiên Marguerite Naseau và tuyên bố rằng: thưa chị em, đó là khởi đầu Tu Hội của chị em. Khi đó, nó đã không là những gì mà nó là bây giờ, có lý do để tin rằng nó vẫn chưa phải là những gì nó sẽ là khi Thiên Chúa đã hoàn thiện nó như Ngài muốn; do đó, thưa chị em, chị em đừng nghĩ rằng các cộng đoàn được hình thành mọi thứ một lần một … Tu Hội của chị em không phải là công việc của con người, do đó, chị em có thể mạnh dạn tuyên bố rằng, thưa chị em, đó là công việc của Thiên Chúa (CCD: IX: 194).

Một số sự kiện dường như đã cùng xảy ra và cuối cùng đã dẫn đến việc thành lập Tu Hội:

    • Kinh nghiệm Lễ Ngũ Tuần của thánh Louise (1623);
    • Nhu cầu chăm sóc người nghèo và hướng dẫn các thiếu nữ ở các làng quê;
    • Những yếu điểm trong cơ cấu tổ chức của các Hội Bác Ái và kết quả từ việc gia giảm chất lượng phục vụ mà những phụ nữ đó dành cho cho người nghèo;
    • Sự hiện diện của những thiếu nữ muốn dấn thân hoàn toàn cho Chúa để phục vụ người nghèo.

Thánh Louise đã nghe thấy tiếng kêu gọi của Chúa để thành lập một cộng đoàn nhỏ dành cho phụ nữ từ trong kinh nghiệm Lễ Ngũ Tuần của thánh nữ. Tuy nhiên, mọi thứ liên quan đến ý tưởng này đều không rõ ràng, có ánh sáng và bóng tối. Thánh nữ không biết một nhóm như vậy sẽ có hình thức như thế nào: liệu các thành viên sẽ dâng hiến bản thân cách hoàn toàn thông qua việc tuyên khấn; họ sẽ có đời sống chung; họ sẽ tham gia vào sứ mệnh phục vụ người nghèo? Dần dần, với sự giúp đỡ của thánh Vinh Sơn Phaolô và thông qua sự linh hứng của Chúa Thánh Linh, sứ vụ của thánh Louise đã trở nên rõ ràng.

Cùng lúc ấy trong các Hội Bác Ái, đã xuất hiện những bất thường nhất định liên quan đến việc phục vụ mà các quý bà dành cho người nghèo (ví dụ, sự yếu kém về mặt cơ cấu tổ chức của họ). Thánh Vinh Sơn đã nhận ra thực tế là tất cả đều không ổn và cũng nhận thấy rằng, Chúa muốn làm lớn lên ở giữa Giáo Hội của Ngài một Tu Hội các Nữ Tử Bác Ái.  

Thánh Vinh Sơn đã gửi thánh Louise, một người có tài tổ chức, đến các Hội Bác Ái khác nhau để giúp họ tổ chức lại và tập trung vào sứ vụ của họ. Trong những chuyến viếng thăm đó, thánh Louise đã gặp những thiếu nữ trẻ, những người muốn dâng mình cho Chúa để phục vụ những người nghèo khổ, và thánh Louise đã chào đón những thiếu nữ này vào trong các cộng đoàn của ngài. Ngài đã huấn luyện và đồng hành với họ.

Ở giữa tất cả những lần đi đi về về đó, sự hiện diện của chị Marguerite Naseau dường như chiếu sáng con đường. Cái chết của chị (tháng 2 năm 1633) đã mở ra những con đường mới dẫn đến sự biện phân rõ ràng hơn về phía các Đấng Sáng Lập. Năm 1642 thánh Vinh Sơn tuyên bố rằng, chị Marguerite không có một thầy dạy nào khác ngoài Chúa và rằng, chị đã mở đường cho những thiếu nữ khác. Chị là một nhà truyền giáo tràn đầy Thần Khí, điều này có nghĩa là chị là một thiếu nữ sở hữu tất cả những phẩm chất, mà thời nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói đến, khi đề cập đến các nhà truyền giáo tràn đầy Thần Khí.

Khi nói về chị Marguerite Naseau, thánh Vinh Sơn nói rằng: rõ ràng là Chúa đã làm công việc đó cách quyền năng (CCD: IX: 193) và kết quả là chị Marguerite đã thu hút những thiếu nữ khác, người mà chị đã giúp để tách bản thân ra khỏi mọi thứ tạm bợ và bước theo một đời sống đạo đức (CCD: IX: 66). Sau chị Marguerite, thì những thiếu nữ khác tiến thân và họ bắt đầu gặp gỡ và đến với nhau rất ư chân tình và tự nhiên (CCD: IX: 166).

Theo kinh nghiệm đó, người ta có thể hiểu được ý nghĩa về các tác vụ của các Nữ Tử Bác Ái và sự cởi mở của họ đối với mọi người nghèo và mọi hình thức nghèo đói. Theo thánh Vinh Sơn, Tu Hội được sinh ra với bốn đặc điểm quan trọng đi kèm với đoàn sủng của bác ái:

    • Thiên Chúa đã hành động với quyền năng của Ngài (CCD: IX: 166-167) và đã sai các Nữ Tử đi ra, để an ủi những người nghèo. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1643, thánh Vinh Sơn đã khẳng định thực tế đó khi ngài nói: Chúa đã khiến chị em trở thành những người an ủi họ (CCD: IX: 5).
    • Tu Hội là một cộng đoàn, trong đó mỗi chị em sống ơn gọi của mình với thái độ hoàn toàn trao dâng cho Chúa để hoàn thành sứ mệnh, cụ thể, đó là sứ mệnh chăm sóc người nghèo tại nhà của họ, chỉ dẫn các em gái trong các trường học nhỏ và chăm lo cho những người nghèo khác, người mà thiếu thốn nhiều mặt: chị em có một ơn gọi, bắt buộc chị em phải giúp đỡ tất cả các loại người: đàn ông, đàn bà, trẻ em và nói chung mọi người nghèo cần sự giúp đỡ của chị em, như chị em đang làm, nhờ ân sủng của Chúa (CCD: X: 363).
    • Các Nữ Tử tự coi mình là những người thiếu nữ tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô thông qua việc thực hành các nhân đức khiêm nhường, đơn sơ và bác ái và những nhân đức khác phù hợp với những lời khuyên Phúc Âm về sự nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, cũng như lời khấn đặc biệt của Tu Hội, lời khấn về việc phục vụ Chúa Kitô nơi những người nghèo: Bất cứ ai nhìn thấy cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô sẽ chắc chắn thấy điều tương tự trong cuộc đời của một Nữ Tử Bác Ái. Và Ngài đã đến để làm gì? Ngài đến để dạy dỗ và giải thoát khỏi sự mê muội. Đó là những gì chị em đang làm. Chị em đang tiếp tục những gì Ngài đã bắt đầu (CCD: IX: 466).
    • Chị em sống và phục vụ với thái độ hoàn toàn sẵn sàng: chị em phải dạy dỗ cho những người nghèo bất cứ nơi nào khi chị em có cơ hội để làm điều ấy – không chỉ những đứa trẻ trong trường học của chị em, mà là tất cả những người nghèo, những người mà chị em giúp đỡ mà không có sự phân biệt (CCD: X: 118).

Đoàn sủng được sống với một thái độ sẵn sàng và thông qua sự đa dạng của các sứ vụ

Ngay vào lúc ban đầu của Tu Hội, đã có một tinh thần sẵn sàng nơi các Nữ Tử để đi đi lại lại những nơi mà người nghèo đang chờ họ và đến những nơi mà Bề trên sai họ đi. Đặc điểm này đã khiến các chị em thực hiện sứ vụ của họ ở nhiều nơi khác nhau, và thực tế đó phải được ghi nhớ khi chúng ta bước vào thế kỷ thứ năm, từ lúc khai sinh đoàn sủng của chúng ta. Chính thánh Vinh Sơn đã nhận ra thực tế đó khi ngài diễn giải lịch sử và các sự kiện hàng ngày. Vào ngày 18 tháng 10 năm 1655, thánh Vinh Sơn đã mô tả thực tế đó khi ngài giải thích mục đích của Tu Hội cho các chị em:

“Các chị em thân mến, chúng ta đã dâng hiến bản thân chúng ta cho Thiên Chúa cách đặc biệt, để sống như những người phụ nữ Kitô hữu tốt lành, trở thành những Nữ Tử Bác Ái tốt lành, làm việc với những nhân đức phù hợp với mục đích của chị em, và trợ giúp những người nghèo, không phải chỉ ở trong nhà của một người, hay ở Hotel-Dieu, nhưng ở khắp mọi nơi, như Chúa chúng ta đã từng làm, vì Ngài không có ngoại lệ; Ngài trợ giúp mọi người đến với Ngài để được giúp đỡ. Đó là những gì chị em của chúng ta đã bắt đầu làm với người bệnh, trợ giúp họ với những chăm sóc như vậy; và khi Thiên Chúa thấy họ đã làm việc đó tốt, là tìm kiếm người nghèo trong chính ngôi nhà của họ, như Chúa chúng ta thường làm nhất, Ngài nói, những chị em này đã làm vui lòng ta; họ đã làm rất tốt trong sứ vụ này, đến nỗi ta muốn trao cho họ điều thứ hai.

Điều đó đề cập đến những đứa trẻ bị bỏ rơi đáng thương đó, thưa chị em, người mà không có ai chăm sóc chúng, và Chúa chúng ta muốn dùng Tu Hội để chăm sóc chúng, mà những gì tôi cảm ơn sự nhân lành của Ngài. Vì vậy, khi Ngài đã thấy rằng chị em đã thực hiện điều đó với lòng bác ái, Ngài nói, Ta cũng muốn trao cho họ một sứ vụ khác. Vâng, thưa các chị em, đó là Chúa đã trao nó cho chị em, mà chị em không bao giờ nghĩ về điều đó, cô Le Gras cũng vậy – tôi cũng không – vì đó là cách mà công việc của Chúa được thực hiện, mà con người không nghĩ đến chúng.

Khi một tác phẩm không có tác giả, chúng ta phải nói rằng chính Chúa là người đã thực hiện nó. Nhưng sứ vụ này là gì? Đó là trợ giúp những tù nhân hoặc những nạn nhân chiến tranh nghèo khổ. Ôi! Các chị ơi, thật là hạnh phúc khi phục vụ những nạn nhân chiến tranh nghèo khổ bị bỏ rơi vào tay những người không thương hại họ! Tôi đã từng thấy những người đàn ông nghèo bị đối xử giống như những con vật; điều đó khiến Thiên Chúa động lòng trắc ẩn. Họ đã khởi hứng lòng thương xót nơi Ngài; kết quả là, sự tốt lành của Ngài đã làm hai việc thay mặt họ: thứ nhất, Ngài đã mua một ngôi nhà cho họ; thứ hai, Ngài muốn sắp xếp các vấn đề theo cách để chúng được phục vụ bởi các Nữ Tử của Ngài, bởi vì, khi nói một Nữ Tử Bác Ái thì có nghĩa là nói Nữ Tử của Chúa.

Ngài cũng đã muốn trao cho các Nữ Tử một sứ vụ khác, đó là chăm sóc người nghèo, người nghèo già cả trong Nhà tế bần Nom-de-Jesus và những người nghèo đã mất trí. Vâng, thưa các chị em, chính Thiên Chúa là người muốn dùng đến các Nữ Tử Bác Ái để chăm sóc những bệnh nhân tâm thần đáng thương đó. Thật là một hạnh phúc cho tất cả chị em! Nhưng, cũng thật là một ân sủng lớn lao cho những chị em tham gia vào công việc này giống như một khí cụ tuyệt vời để phục vụ Thiên Chúa và cho các con của Ngài, Chúa của chúng ta!” (CCD: X: 102-103).

Nói một cách rõ ràng và đơn giản, thánh Vinh Sơn đã mô tả cho chúng ta nguồn gốc và ý nghĩa về các việc mục vụ đa dạng của các Nữ Tử Bác Ái. Về vấn đề này, sức mạnh của đoàn sủng là quan trọng nhất và được tỏ lộ như sau:

    • Một quà tặng của Thánh Linh đã sống động trong trái tim của chị Marguerite Naseau: rõ ràng là Thiên Chúa đã làm công việc đó cách quyền năng (CCD: IX: 193).
    • Một sức mạnh khiến người ta từ bỏ mọi thứ, đặc biệt là danh dự và sự vĩ đại về mặt thế gian. Chị Marie Denyse và Barbe Angiboust đã làm chứng cho sự quên mình đó và thánh Vinh Sơn đã ca ngợi quyền năng đó của Thánh Linh: cô nghĩ gì về điều đó, thưa cô? Cô không vui mừng khi thấy sức mạnh Thần Khí của Thiên Chúa trong hai thiếu nữ trẻ đáng thương và sự khinh miệt mà Ngài đã trao ban họ để từ bỏ thế gian và sự vĩ đại của nó sao? Cô không thể tin được sự nhiệt tâm mà điều này đã mang lại cho tôi về việc bác ái (CCD: I: 323).
    • Một ân sủng rập khuôn một người nên giống Chúa Kitô: Để trở thành những Nữ Tử Bác Ái đích thực, chị em phải làm những gì Con Thiên Chúa đã làm khi ở trên trái đất, Ngài đã làm việc không ngừng nghỉ cho người thân cận của mình, viếng thăm và chữa lành người bệnh tật và hướng dẫn những kẻ không biết gì về sự cứu rỗi của họ (CCD: IX: 14).

Quà tặng đó, sức mạnh đó và ân sủng đó đã được ban cho chúng ta, với đoàn sủng của ơn gọi của chúng ta, rập khuôn chúng ta với Chúa Giêsu Kitô: Đấng tôn thờ Chúa Cha, Đấng là tôi tớ của kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và là nhà truyền giáo cho những người nghèo và đồng thời dẫn chúng ta đến việc chăm lo cho những người thiếu thốn và cho phép chúng ta sáng tạo khi chúng ta tham gia vào nhiều tác vụ khác nhau cách đa dạng:

“Vì vậy, mục đích mà chị em phải nhắm đến là tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, phục vụ Ngài nơi những người nghèo; nơi những trẻ em để tôn vinh thời thơ ấu của Ngài; nơi những người thiếu thốn, chẳng hạn như những người ở trại tế bần Nom-de-Jesus; và ở những người nghèo mà chị em đã giúp đỡ khi họ đến tìm chỗ trú ẩn ở Paris bởi vì các cuộc chiến tranh. Chị em thấy đó, chị em phải sẵn sàng phục vụ những người nghèo như thế nào, bất cứ nơi nào chị em được sai đến: với người lính, như chị em đã làm khi được gọi đến đó, với những tù nhân nghèo và nói chung, bất cứ nơi nào chị em có thể trợ giúp người nghèo, vì đó là mục đích của chị em.” (CCD: X: 104)

Sự đa dạng này trong sứ vụ của các Nữ Tử đã cho phép họ phục vụ người nghèo một cách hiệu quả hơn và cũng cho phép họ biểu lộ tình yêu của Chúa dành cho người nghèo. Những người nam nữ nghèo khổ đó là những người được Chúa chọn và do đó, trong thời của thánh Vinh Sơn cũng như những năm sau đó, đối tượng nằm ngoài tác vụ của chúng ta, một cách rõ ràng, là những ai không phải người nghèo.

Từ thời điểm bắt đầu, Nữ Tử Bác Ái đã cố gắng để tác động đến từng tình huống lịch sử cụ thể để biến đổi nó phù hợp với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Thông qua các hoạt động khác nhau, các Nữ Tử đã tuyên bố sự lựa chọn của Thiên Chúa dành cho người nghèo. Chúng ta nhớ lại ở đây chị Barbe Angiboust, người đã bảo vệ những nô lệ chiến thuyền bị ngược đãi và chị Jeanne Dalmagne, tố cáo chính quyền về những bất công đã gây ra cho người nghèo ở làng Nanteuil.

Những nỗ lực như vậy nhằm biến đổi thực tại, đã khiến các chị em mạnh dạn và sáng tạo trong việc phục vụ dành cho người nghèo. Họ đã từng phát triển như một cộng đồng quốc tế, một quá trình được bắt đầu trong thời gian các Đấng Sáng Lập của chúng ta, khi các chị em được gửi đến Ba Lan (1652).

Đoàn sủng được thích nghi với những nhu cầu thay đổi của thời đại

Trong các buổi đàm luận mà thánh Vinh Sơn tổ chức cho các chị em đầu tiên, ngài đã đặt trước mắt họ một viễn cảnh, là lời kêu gọi tham gia vào một tiến trình thích nghi được đặt ra cho họ bởi quãng thời gian đã trôi qua. Đó là năm 1655 và Tu Hội đã đang phát triển. Mọi khu vực của Pháp và nhiều nơi bên ngoài nước Pháp (ví dụ Ba Lan) đang kêu gọi sự phục vụ của chị em. Trong buổi đàm luận về quy luật, thánh Vinh Sơn đã nói ằng:

“Ngay lúc ban đầu, nó là một quả cầu tuyết nhỏ, và Tu Hội nhỏ bé đó đã tiến triển hơn nữa và chính nó làm cho Thiên Chúa hài lòng đến nỗi, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng, đó là bàn tay của Thiên Chúa đã tạo ra tác phẩm này, bởi vì nó lan rộng khắp nơi, vâng, thưa các chị em, tên của chị em đang lan rộng đến rất nhiều nơi, thậm chí đến cả Madagascar, nơi họ đang xin chị em đến đó giúp. Các linh mục của chúng tôi ở đó nói với chúng tôi rằng, rất mong muốn có được các chị từ Tu Hội của chị em, vì chị em sẽ dễ dàng hơn để chiếm được tình cảm của các linh hồn những người thổ dân nghèo khổ đó. Ôi Chúa ơi! Thưa chị em, Thiên Chúa là Tu Hội của chị em và, miễn là chị em trung thành với Ngài, Ngài sẽ tiếp tục chúc lành cho Tu Hội.” (CCD: X: 82-83).

Thánh Vinh Sơn đã sử dụng hình ảnh mạnh mẽ của một quả cầu tuyết lăn xuống từ trên sườn núi và gia tăng dần kích thước bởi những đám tuyết trên đường đi ấy. Dường như với tôi, đây là một lời kêu gọi đến với sự thích nghi. Quả cầu tuyết thích nghi và hòa quyện với tuyết mà nó lăn qua trên đường đi. Theo cách này, những con đường mới được mở ra và có sự tăng trưởng. Đó là những gì Tu Hội đã làm trong suốt lịch sử và tiếp tục làm cho đến ngày hôm nay.

Sự thích nghi của đoàn sủng với bối cảnh thay đổi của thế kỷ thứ XVIII được thực hiện bởi Cha Tổng Quyền Jean Bonnet (1711-1717) cũng như Mẹ Tổng Quyền, người đã hướng dẫn Tu Hội trong thời gian đương nhiệm của cha Bonnet. Tu Hội đã phát triển và nó trở nên cần thiết để mở rộng quy tắc cổ võ đó đã được các Đấng Sáng Lập trao cho chị em.

Để củng cố đoàn sủng và đáp ứng các thích nghi cần thiết cho việc phục vụ của họ, các Nữ Tử đã thành lập các Tỉnh dòng ở Pháp: năm 1712 có mười bốn tỉnh dòng và năm 1718, mười chín tỉnh dòng. Việc mở rộng quốc tế chưa bắt đầu và số tỉnh dòng được được đề cập ở trên chỉ là các tỉnh dòng ở Pháp và Ba Lan (một quốc gia mà các Đấng Sáng Lập đã gửi các chị đến).

Cha Bonnet đã thiết lập các hướng dẫn việc kinh lý thường xuyên các nhà theo giáo luật, cho việc triệu tập Tổng Đại Hội cứ mỗi sáu năm một lần, quy tắc cho các vai trò lãnh đạo khác nhau trong Tu Hội (Mẹ tổng quyền, tổng phụ tá, giám tỉnh, thủ quỹ, và thư ký…) Cha đã phác thảo các chủ đề mà các Nữ Tữ sẽ sử dụng trong thời gian tĩnh tâm hàng năm và hàng tháng của họ, đã phát triển một chương trình đào tạo cho các em tập sinh và các Nữ Tử trẻ (một chương trình dựa trên Tin Mừng và đời sống của Chúa Kitô, giáo lý của Giáo Hội Công giáo, tiểu sử và giáo huấn của các Đấng Sáng Lập).

Người ta hy vọng rằng những sự thích nghi này sẽ cung cấp cho các chị em một tiến trình đào tạo vững chắc cho phép họ tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, là người phục vụ và là nhà truyền giáo cho người nghèo và cũng sẽ cho phép họ làm những gì Chúa Giêsu đã làm:

      • Chăm sóc các người bệnh trong nhà của họ;
      • Dạy dỗ và giáo dục trẻ em ở các khu vực nông thôn;
      • Chăm sóc và giáo dục trẻ em bị bỏ rơi và mồ côi;
      • Chu cấp cho người ăn xin;
      • Chăm sóc cho người tâm thần.

Nhiều cẩm nang đã được triển khai cho các sứ vụ khác nhau, từ đó nhằm mục đích cho phép chị em tự thích nghi với những thực tế khác biệt. Cha Bonnet đã hy vọng đạt được điều gì với quá trình thích nghi này? Trong bản dịch tiếng Tây Ban Nha của những cẩm nang được lưu giữ trong văn khố của các Nữ Tử trên quần đảo Canary (nơi các Nữ Tử đã đến đó vào năm 1829), hai mục tiêu đã được nêu rõ: (1) duy trì sự nhiệt thành đã được canh tân, lòng trung thành của chúng ta với đoàn sủng của việc phục vụ bác ái dành cho người nghèo và (2) tạo ra một chiều kích quốc tế cho Tu Hội và thực hiện sứ vụ vì người nghèo ở những nơi khác nhau nhưng làm như vậy với các phương pháp chung, các phương pháp đã được thử nghiệm ở Pháp và đã mang đến các kết quả tốt đẹp.

Vào tháng 5 năm 1790, gần cuối thế kỷ XVIII, Tổng Phụ tá của Tu Hội, chị Juana David và một nhóm năm chị em ở Tây Ban Nha, những người đã được huấn luyện ở Paris trong thời gian tám năm, đã thành lập Tu Hội ở Tây Ban Nha. Điều này đối mặt với nhiều khó khăn và sự hiểu lầm. Nhờ thành quả của sự kiên quyết trong niềm tin, sự dấn thân của chị David và sự trung thành của các chị em đối với đoàn sủng của họ, Tu Hội ở Tây Ban Nha đã bắt đầu phát triển và tập trung vào việc phục vụ các thành phần nghèo hơn trong xã hội.

Cuộc Cách Mạng Pháp đã bắt đầu ở Pháp và sự kiện đó đã thay đổi tiến trình lịch sử ở Pháp, chấm dứt chế độ cũ. Thông qua một mệnh lệnh của chính quyền Cách Mạng, Tu Hội đã bị đàn áp vào năm 1792, nhưng trong những hoàn cảnh đó, Mẹ Tổng Quyền Marie-Antoinette Deleau, đã viết một lá thư cho các Nữ Tử nhắc nhở họ về sức mạnh của đoàn sủng và kêu gọi chị em phải trung thành với mục đích của Tu Hội:

“Đừng bỏ rơi những công việc phục vụ dành cho người nghèo ngay cả khi chị em không bắt buộc phải làm như vậy. Chúng ta hãy sử dụng tất cả khả năng của chúng ta để xoa dịu sự khốn khổ đang ngập tràn trong thời điểm không may này. Hãy yêu cầu các nhà cầm quyền dân sự trả tiền cho trang phục đầu tiên của chị em, nếu họ yêu cầu chị em rời bỏ tu phục. Vì đó đơn giản là một luật dân sự, chúng ta có thể tuân theo nó, nhưng hãy sử dụng quần áo đơn sơ và giản dị nhất, thích hợp với phụ nữ Kitô giáo. Nói cách khác, để tiếp tục phục vụ người nghèo, hãy làm mọi thứ được  yêu cầu cho chị em trong hoàn cảnh hiện tại. Miễn là không có gì trái với Đạo, với Giáo Hội và / hoặc lương tâm.”[4]

Những từ đó vang vọng những lời của thánh Vinh Sơn, vào ngày 22 tháng 1 năm 1645 rằng: “Thưa chị em, việc phục vụ của người nghèo phải được ưu tiên hơn mọi thứ khác” (CCD: IX: 171). Đó là một nguyên tắc mà trong suốt lịch sử của chị em, đã hướng dẫn ơn gọi và sứ mệnh của các Nữ Tử Bác Ái ở mọi nơi trên thế giới. Nguyên tắc tương tự cũng khẳng định cho các thích nghi khác nhau cần thiết để phục vụ người nghèo.

Các biên niên sử của Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái đã báo cáo các hành động anh hùng của nhiều Nữ Tử trong thời Cách Mạng Pháp. Khoảng bốn ngàn chị em đã bị phân tán và họ đã tìm ra những cách mới để chăm lo cho người nghèo mặc dù họ không mặc tu phục theo thói quen truyền thống và không thể sống cùng nhau trong cộng đoàn (nhiều người sống với một số thành viên trong gia đình hoặc trong bệnh viện như một y tá).

Nhiều chị đã bị bắt bớ và một số chị đã tử vì đạo (các Nữ Tử ở Arras và Angers và chân phước Marguerite Rutan.[5] Đồng thời tại Tây Ban Nha, Tu Hội đã được thiết lập và đã củng cố qua các nghĩa cử anh hùng của việc phục vụ trong suốt thời gian cuộc chiến tranh xâm lược Pháp (1808-1814), dịch bệnh sốt vàng (1821), dịch tả (1834, 1855 và 1885) và ba cuộc chiến tranh Carlist của thế kỷ XIX. Giữa những tình huống cần thiết nhất, khi cuộc sống của nhiều người gặp phải nguy hiểm, chị em đã sẵn sàng đi đến nhiều nơi khác nhau để tìm kiếm bệnh nhân. Để làm điều này, họ đã điều chỉnh trật tự ngày sống, lối sống cộng đoàn và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của họ với tư cách là Nữ Tử Bác Ái.

Chứng tá tương tự này được lặp lại khi các chị em chăm sóc những người bị thương trong Chiến tranh Krym (chiến tranh nước Nga) và khi chị em  đi trong xe cứu thương, nơi chị em đã chữa trị cho vô số binh sĩ bị thương trong các cuộc chiến ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ trong các thế kỷ XIX và XX. Một mẫu gương tuyệt vời về sự thích nghi của đoàn sủng, để phục vụ người nghèo một cách hiệu quả, được biểu lộ trong cuộc đời của Chân phước Rosalie Rendu.

Chị là một trong số nhiều chị em có một con tim được thiêu đốt bởi ngọn lửa bác ái, điều này cho phép chị có sự táo bạo khi chăm sóc những người thiếu thốn. Đời sống của chị vang vọng những lời của thánh Vinh Sơn: “Chúng ta phải chạy đến với người nghèo như chạy đi chữa lửa” (CCD: XII: 25). Chị Rosalie đã làm điều này giữa bối cảnh thể chế không cổ vũ sự thích nghi. Trong thời gian Cha Jean-Baptiste Étienne (1843-1874) làm Tổng Quyền, tính truyền thống đã trở nên rất quan trọng và bất kỳ nỗ lực nào liên quan đến sự thích nghi đều bị coi là một cuộc tấn công vào lòng trung thành với đoàn sủng.

Thực tế đó đã tạo ra những xung đột nhất định giữa Bề trên Tổng quyền và một số nhà truyền giáo, các Giám tỉnh của nhiều Tỉnh dòng, một trong số đó là Tây Ban Nha.[6]

Chúng ta phải lưu tâm đến thực tế là chủ nghĩa duy lý trong suốt thế kỷ XVIII dần dần thâm nhập vào trong Giáo Hội và cả Tu Hội. Lá thư luân lưu của Mẹ Tổng Quyền gửi cho các Nữ Tử Bác Ái vào đầu mỗi năm mới đã cảnh báo các chị về một số thực hành làm suy yếu đoàn sủng: thiếu sự khó nghèo, đi lại không cần thiết, tinh thần thế tục, đọc sách để thư giãn và phân tâm, thăm viếng những phụ nữ và những người không thực sự nghèo, thiếu tình bác ái tỷ muội, thiếu sự cống hiến và dấn thân trong việc phục vụ những người nghèo khổ… nói chung, có một sự lỏng lẻo về mặt tổ chức và trong lối sống.

Những cảnh báo tương tự này xuất hiện trong thông điệp mà Đức Trinh Nữ đã bày tỏ với thánh Catherine Laboure khi Mẹ trao cho chị Ảnh Phép Lạ (1830). Sự can thiệp trực tiếp của Đức Mẹ và thẩm quyền của cha Bề trên Tổng quyền Étienne đã chấm dứt tình trạng thoải mái đó. Năm 1830 đánh dấu sự trở lại với tinh thần nguyên thủy của của Tu Hội. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria qua Ảnh Phép Lạ, việc canh tân phục vụ người nghèo, sự sẵn sàng dấn thân của tất cả các chị em, sự trung thành trong vâng phục và kiên định với các quy tắc đã được thiết lập bởi cha Étienne, những điều này đã dẫn đến sự gia tăng ơn gọi và việc truyền giáo được mở rộng hơn trên thế giới.

Các vị bề trên của các Nữ Tử Bác Ái đã vạch ra một con đường canh tân liên quan đến đào tạo chắc chắn tập trung vào sự trung thành với đoàn sủng. Vào thời điểm các Biên Niên sử bắt đầu được xuất bản tại Pháp, các buổi đàm luận của thánh Vinh Sơn đã được biên tập và ngay lập tức được dịch sang tiếng Tây Ban Nha (1943).

Nói chung, các bề trên tổng quyền đã kiên trì trong lời kêu gọi chị em linh hoạt, cũng như trong việc kêu gọi của chị em thực hiện sứ vụ của họ theo các thủ bản khác nhau được triển khai trong Nhà Mẹ, nói cách khác, để sứ vụ phù hợp với cách thức được thực hiện ở Pháp.[7] Tất cả điều này dẫn đến một sự thống nhất mạnh mẽ và tất cả các cộng đoàn địa phương được mong đợi hành động theo cách đã nói.

Thực tế này đã duy trì và làm cho cho Tu Hội có một sự chú tâm về việc mở rộng truyền giáo và sức sống tông đồ, dựa trên việc chăm sóc người nghèo, trung thành với đời sống thiêng liêng và tuân thủ luật lệ. Tình trạng đó tiếp diễn cho đến thời Công đồng Vatican II, một thời điểm Tu Hội đã đạt đến đỉnh cao về số lượng: hơn 45.000 thành viên.

Ngược lại với tình trạng thận trọng mà trong đó tính truyền thống được duy trì từ thời cha Étienne cho đến thế kỷ XX, chúng ta có một người mẹ đáng kính nhất, Mẹ Suzanne Guillemin (1962-1968). Chỉ làm Tổng Quyền trong sáu năm, tuy nhiên, Mẹ đã đặt Tu Hội trên con đường của sự thay đổi, khi Mẹ khuyến khích các thành viên thực hiện các thích nghi cần thiết đang được yêu cầu bởi công đồng.

Năm 1966, Mẹ đã cảnh báo: “Chúng ta hãy ý thức về việc trở nên những sự tầm thường được thiết lập trong thế giới này và của thế giới này, những tâm hồn bất tín vô tri.”[8] Trong lá thư luân lưu năm 1967, Mẹ khẳng định: “Bây giờ chúng ta đang ở thời điểm mà tất cả những gì sống trong Giáo Hội phải tự canh tân hoặc sẽ chết.”[9] Theo nguyên tắc đó và phù hợp với các yêu cầu mà Công Đồng đặt ra cho Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Tu Hội đã tìm cách tham gia vào một quá trình thích nghi và đã cố gắng trở về nguồn cội của mình.

Hơn năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Công Đồng Vatican II kết thúc. Thế giới đã thay đổi nhanh chóng và tâm lý nhân văn đã bị thay thế bởi chủ nghĩa cá nhân, sự dửng dưng và sự sùng bái hiệu năng và công nghệ. Những thái độ này đã thâm nhập vào Giáo Hội và Tu Hội như “tinh thần thế tục.”[10] Số lượng ơn gọi đã giảm nhanh chóng và các thành viên trong Tu Hội tiếp tục giảm. Một lần nữa, chúng ta được kêu gọi thay đổi và canh tân, như được thể hiện trong chủ đề của Tổng Đại Hội gần đây của chúng ta: Sự táo bạo của đức ái cho một động lực truyền giáo mới. Đây là một lời kêu gọi sống trong trạng thái thay đổi và thích nghi với đoàn sủng cho đến thời điểm hiện tại.

Các yếu tố quan trọng của đoàn sủng

Chúng ta trở lại Châtillon để nhớ lại những yếu tố quan trọng đã xác định đoàn sủng của Hội Bác Ái đầu tiên, các Hội Bác Ái đã được thành lập trong những năm sau đó và sau đó đã xác định đoàn  sủng của các Nữ Tử Bác Ái. Ở Châtillon, có một phong trào của lòng trắc ẩn xuất phát từ sự suy yếu cấu trúc của các Hội Bác Ái và nhu cầu ngày càng tăng của người nghèo.

Điều đó đã chạm đến trái tim của chị Marguerite Naseau, từ đó tạo ra một quá trình đào tạo, một phong trào hoạt động tông đồ, sẵn sàng phục vụ người nghèo, người bệnh và từ bỏ cuộc sống như một sự tử đạo vì đức ái (CCD: IX: 64 -66).

Tương tự, lòng trắc ẩn đã chạm đến trái tim của thánh Vinh Sơn. Ngài đã gửi thánh Louise de Marillac đến thăm các Hội Bác Ái để giúp các thành viên phục vụ tốt hơn cho những người có nhu cầu và cũng đề cử chị Marguerite Naseau, được gửi từ Villepreux đến Paris, để thánh Louise có thể trông nom các tác vụ của chị dành cho người nghèo (CCD: IX: 194).

Rung động bởi lòng trắc ẩn, thánh Louise bắt đầu đến thăm các Hội Bác Ái và lập ra các trường học để hướng dẫn các thiếu nữ hay trẻ em gái ở các thị trấn và làng mạc khác nhau. Trong nhiều năm, ngài tiếp tục đến thăm các Hội Bác Ái và trong thời gian đó, đã tổ chức việc phục vụ dành cho những người thiếu thốn cũng như đào tạo những nữ tì mới của người nghèo. Được đánh động bởi lòng trắc ẩn, thánh Louise cảm thấy rằng đã đến lúc cần phải tập hợp lại thành cộng đoàn các nữ tì của người nghèo và do đó, đã thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.

Một yếu tố quan trọng khác của đoàn sủng là một linh đạo cho phép một người trung thành với lời cam kết của Bí tích Rửa tội và cũng cho phép một người bước theo Chúa Giêsu Kitô qua việc trau dồi các nhân đức khiêm nhường, đơn sơ và bác ái. Ba nhân đức đó là sự tổng hợp của các mối phúc, thông điệp Tin Mừng được trình bày bởi Chúa Giêsu Kitô, cho phép những người nam nữ bước theo chân của Ngài và làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện ở giữa họ.

Yếu tố đó đã được thể hiện rõ trong Quy luật của Hội Bác Ái ở Châtillon: “Họ sẽ chuyên chăm rèn luyện đức khiêm nhường, đơn sơ và bác ái, mỗi người làm theo người bạn đồng hành của mình và với người khác, thực hiện mọi hành động của họ vì mục đích bác ái của những người nghèo khổ và không có sự được sự tôn trọng nhân phẩm” (CCD: XIIIb: 19). Với cùng một thúc bách nhưng với sự khẩn thiết hơn, yếu tố tương tự đã được chuyển đến Tu Hội: “Tu Hội Bác Ái vẫn sống động miễn là bao lâu lòng bác ái, khiêm nhường và đơn sơ vẫn tồn tại giữa chị em, như một người có thể nói như thế, một khi lòng bác ái, khiêm nhường và đơn sơ không còn thấy trong Tu Hội, Tu Hội Bác Ái đáng thương này sẽ chết; vâng, nó sẽ chết” (CCD: IX: 467-468).

Một yếu tố quan trọng khác của đoàn sủng bác ái là sự tổ chức có trách nhiệm và tận tụy nơi các thành viên của Hội Bác Ái liên quan đến việc phục vụ người nghèo.[11] Do đó thánh Vinh Sơn đã viết nhiều quy luật khác nhau cho các hình thức khác nhau của các Hội Bác Ái mà ngài đã thiết lập. Khi trách nhiệm và sự cam kết của giáo dân bắt đầu suy yếu, Chúa Thánh Thần đã khởi hứng cho việc thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.

Thánh Vinh Sơn đã đoan chắc về mục đích của tổ chức đó, cụ thể là, việc phục vụ Chúa Kitô nơi những người nam nữ nghèo khổ. Đồng thời, thánh Vinh Sơn cũng rất linh hoạt trong cách thức phục vụ những người đó. Thánh Vinh Sơn đã áp dụng các giải pháp khác nhau và đã viết các Quy luật khác nhau để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người nghèo. Điều này đúng với cả các Hội Bác Ái và Nữ Tử Bác Ái.

Có một yếu tố quan trọng thứ tư liên quan đến đoàn sủng: sự thân mật và chất lượng phục vụ (xem CCD: X: 390-402 và nhiều tài liệu tham khảo khác về sự thân mật). Thân mật có nghĩa là tiếp cận người khác, nở một nụ cười trên khuôn mặt, tử tế và nhạy cảm, nhiệt thành và biết quan sát. Tất cả những phẩm chất này được đề cập vào các thời điểm khác nhau trong Quy luật dành cho các thành viên của Hội Bác Ái và các Nữ Tử Bác Ái (ví dụ: quy tắc cung cấp nhiều chi tiết liên quan đến sự tôn trọng và thân mật và năng lực cần thiết trong việc phục vụ người nghèo ).

Đây là một yếu tố quan trọng trong đoàn sủng phục vụ người nghèo. Trong suốt dòng lịch sử, chúng ta đã đánh giá cao yếu tố này bởi vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể khám phá sự hiện diện của Chúa Kitô trong bản thân của người nghèo và người thiếu thốn, cơ cực. Các chị em đã được thử thách hầu có được năng lực cần thiết để thực hiện việc phục vụ dành cho người nghèo với sự ấm áp và một cách thế hiệu quả.

Nhà sử học, cha Jose María Roman, CM, đã mô tả và bình luận về việc thành lập các Hội Bác Ái và tuyên bố: “Chính nhờ các việc bác ái mà Giáo Hội có thể là Mẹ đối với những ai khốn khổ.”[12] Đấng Sáng Lập đã khẳng định rằng Thiên Chúa là người khởi xướng duy nhất của các Hiệp Hội Bác Ái và Tu Hội. Thánh Vinh Sơn cũng không ngừng quả quyết về thực tế rằng, đặc sủng của ngài là một quà tặng cho Giáo Hội và là một lợi ích lớn cho người nghèo. Ngài đã thường xuyên lặp lại những từ đó, vì ngài muốn những ý tưởng đó được ghi sâu trong tim các con cái của ngài (CCD: IX: 358, 471, 536).

Những thách đố mà di sản Vinh Sơn đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay

Chính Thần Khí, Đấng đã xức dầu cho Chúa Giêsu khi Ngài được sai đi để loan báo Tin Mừng cho người nghèo đã khiến các môn đệ tiếp tục công việc cứu rỗi đó giữa những con người bị bỏ rơi nhất trong xã hội. Từ quan điểm niềm tin cơ bản đó của thánh Vinh Sơn Phaolô, những thách thức nhất định được đặt ra trước chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới thiếu chiều kích thiêng liêng nhưng lại bao quanh bởi sự ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân.

Trước tình trạng thực tế này, di sản Vinh Sơn thách đố chúng ta tăng cường nỗ lực thăng tiến thiêng liêng và cũng thách đố chúng ta tái khẳng định căn tính Kitô giáo và Vinh Sơn của những người tôi tớ thực sự của người nghèo.

Người Nữ Tử Bác Ái không thể được định nghĩa bởi các tác vụ mà chị ấy thực hành ở một số trường học hoặc bệnh viện hoặc nơi cư trú hoặc cơ quan xã hội. Người Nữ Tử Bác Ái chỉ có thể được định nghĩa theo cách họ là ai: những người nữ của đức tin bước theo Chúa Giêsu Kitô: Đấng tôn thờ Chúa Cha, Đấng phục vụ cho kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Đấng rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo. Người Nữ Tử, qua sự dâng hiến hoàn toàn bản thân, có một tình yêu không chia sẻ dành cho Chúa Giêsu và phục vụ Ngài nơi những người nghèo. Sự khác biệt đặc trưng này liên quan đến căn tính của họ phải bắt nguồn từ đức tin và niềm vui mà nhờ đó họ sống ơn gọi của mình.

Ở giữa một thế giới hời hợt, chạy theo chủ nghĩa cá nhân và tìm kiếm hiệu quả; ở giữa sự lạnh nhạt với Thiên Chúa và sự thờ ơ quá mức, tất cả các Nữ Tử Bác Ái được mời gọi làm nhân chứng cho lòng thương xót và dịu dàng của Chúa, đặc biệt là khi họ tiếp cận và phục vụ những người nghèo khổ.

Vào năm 1830, các thành viên của Tu Hội đã có sự canh tân do kết quả của việc khám phá lại linh đạo đã được những Đấng Sáng lập truyền lại. Sự canh tân này mang lại một sự thống nhất và sẵn sàng phục vụ, được thể hiện theo hai chiều kích: vâng lời và ra đi để phục vụ những người thiếu thốn (ngay cả đi ra ngoài khỏi lãnh thổ quốc gia của mình). Chúng ta có trong tay cùng một gia sản không ngừng có giá trị trong thời đại hiện nay và điều đó tiếp tục mang đến cho chúng ta sự táo bạo của đức ái cho một động lực truyền giáo mới. Những thách đố mà chúng ta phải đối diện có thể được nêu theo những cách thế sau:

    • Sống một tinh thần Ba Ngôi bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa và điều đó cho phép chúng ta sống một cuộc sống chung để phục vụ truyền giáo.
    •  Đào sâu đức tin của chúng ta, để nó phản ánh một tinh thần nhập thể nhấn mạnh đến tính ngôi vị và cho phép chúng ta tiếp cận mọi người với sự dịu dàng của Chúa Kitô.
    • Tiếp tục thăng tiến tinh thần linh hoạt, điều này dẫn chúng ta đến với vùng ngoại vi, đặt để chúng ta bên cạnh người nghèo và đặt chúng ta vào vị trí cho phép chúng ta chống lại các nguyên nhân của nghèo đói.
    • Đào sâu thêm tinh thần của ân sủng cho phép chúng ta thực hiện việc phục vụ của mình như một ơn gọi và như một quà tặng.
    • Phát triển tinh thần của sự hiệp thông cho phép chúng ta chấp nhận người giáo dân như một quà tặng, đồng thời thúc đẩy sự huấn luyện họ và sự tham gia của họ vào đoàn sủng, để họ phục vụ người nghèo một cách hiệu quả hơn và để họ cũng có thể đáp trả với tiếng gọi ra đi đến vùng ngoại vi.
    • Tham gia vào một quá trình biện phân cá nhân và cộng đoàn để dưới ánh sáng của Tin Mừng và đoàn sủng, chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn có thể tốt hơn cho cuộc sống của những người nghèo.
    • Trau dồi một cảm thức vượt qua của ơn gọi chúng ta, điều mang lại cho chúng ta sức mạnh và hy vọng để đương đầu với nỗi đau khổ của chính mình và sự đau khổ của anh chị em chúng ta, đặc biệt là sự đau khổ của những người nghèo và những người thiếu thốn hơn  trong xã hội.
    • Xem Bí tích Thánh Thể là trung tâm của cuộc đời và sứ mệnh của chúng ta để chúng ta có thể tiếp tục phục vụ các anh chị em nghèo.
    • Thể hiện sự dịu dàng của lòng thương xót trong một cách thức cho phép chúng ta đánh giá cao những người nhỏ bé và các thành viên dễ bị tổn thương hơn trong xã hội của chúng ta.

Theo cách này, chúng ta đáp trả lại sự khởi hứng từ Chúa Thánh Linh, Đấng kêu gọi chúng ta hôm nay là những nhân chứng đáng tin cậy về lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu. Vâng, chúng ta phải làm chứng như vậy cho những người nghèo và chúng ta phải làm điều ấy từ góc độ niềm vui của Phúc Âm và từ viễn cảnh nghèo khó Phúc Âm, điều dẫn chúng ta đến sự chia sẻ tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta có với những ai thiếu thốn nhất.

Pt Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ từ Vincentiana, Volume 59, #4 (October-December 2015), p. 458-473)


[1] CCD: IX: 192. CCD được viết tắt theo bộ sách: Saint Vincent de Paul. Correspondence, Conferences, Documents, biên tập: Pierre Coste, 14 tập, bản tiếng Anh (New York: New city press). Ví dụ: CCD:IX, 192 – số La mã chỉ số tập và số kế tiếp chỉ số trang.

[2] Madamoiselle de Chassaigne là chị gái của nhà thơ và nhà toán học nổi tiếng, Claude Gaspar Bachet de Méziriac, một trong bốn mươi thành viên đã thành lập một nhóm ban đầu được giới thiệu vào Viện Hàn Lâm Pháp, xem Georges Goyau: Les dames de la Charité de Monsieur Vincent (1617-1660) [The Ladies of Charity of M. Vincent (1617-1660)], Editorial Art Catholique, 6 Placest – Sulpice, Paris, 1918, tr 6.

[3] Louis Abelly. The Life of the Venerable Servant of God Vincent de Paul: Founder and First Superior General of the Congregation of the Mission, 3 volumes, John E. Rybolt, CM biên tập, New City Press, New Rochelle, New York, 1993.

[4] Génesis de la Compañia. Hijas de Caridad, Casa Madre, Paris, 1968, Spanish edition, tr 40.

[5] Ponciano Nieto, CM. Historia de las Hijas de la Caridad, 2 volumes, Imprenta Regina, Madrid, 1932, tr 151-154.

[6] Điều này đã được cha Edward R. Udovic, CM khảo cứu trong công trình của ngài: Jean-Baptiste Étienne and the Vincentian Revival, Vincentian Studies Institute, 2001.

[7] Cha Jean-Baptiste Étienne cùng với Mẹ Tổng Quyền đã sửa đổi, cập nhật và hoàn chỉnh Quy tắc cho các vai trò lãnh đạo khác nhau trong tu hội, Sổ tay hướng dẫn cho các hình thức mục vụ khác nhau mà chị em đã tham gia và Hiến Pháp của Tu Hội. Công việc đổi mới này đã mang lại nhiều hoa trái.

[8] Thư Luân Lưu (1966-1968) của Mẹ Tổng quyền, trích dẫn được lấy từ Thư luân lưu 01/01/1966.

[9] Bản văn này được trích dẫn từ Thư luân lưu 01/ 01/1967.

[10] Đức Giáo hoàng Phanxicô. Evangelii Gaudium, số 93-97.

[11] José María Román. St. Vincent de Paul: A Biography, dịch bởi Sr. Joyce Howard, DC, Melisende, London, 1999 tr 448, 571ff.

[12] Roman, op.cit., tr 445.