Sự khác nhau giữa Thần Học Giải Phóng và Chủ Nghĩa Cộng Sản (hay Chủ Nghĩa Xã Hội)

0
2092

Khi nói đến thần học giải phóng, người ta liền nghĩ ngay đến Gustavo Gutierrez. Gutierrez được coi là cha đẻ của thần học giải phóng. Gutierrez là một linh mục dòng Đaminh hiện đang sống ở thủ đô Lima của nước Pêru (một quốc gia thuộc về Châu Mỹ Latinh). Khi Gutierrez làm thần học giải phóng, rất nhiều người cho rằng Gutierrez chủ yếu dựa trên học thuyết của chủ nghĩa cộng sản và thần học giải phóng là ủng hộ cộng sản. Một số người còn đi đến chỗ cực đoan khi cho rằng chủ nghĩa cộng sản và thần học giải phóng là một. Điều này không đúng và chúng ta cùng tìm hiểu một vài vấn đề để thấy được sự khác biệt của hai học thuyết này.

Gutierrez đã dựa trên ánh sáng của Tin Mừng để làm thần học giải phóng. Gutierrez nói rằng khi làm thần học giải phóng, chúng ta cần chú ý để giải quyết 3 vấn đề. Đầu tiên, người ta cần phân tích và biết những vấn đề về xã hội và chính trị đang xảy ra. Thứ hai, làm sao để giải thoát người nghèo khỏi sự đói nghèo. Thứ ba, người ta cần giải phóng con người khỏi sự ích kỷ và tội lỗi. Tất cả các điều trên bó buộc con người đến nỗi con người không có tự do để sống đúng với nhân phẩm của mình.

Gutierrez khẳng định rằng Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi bệnh tật và tội lỗi để họ có thể sống tự do. Khi con người làm điều xấu là con người đã rời xa Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu mời mọi người trở nên một như Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Giêsu xem sự hiệp nhất của các thành viên trong cộng đoàn là sức mạnh của cộng đoàn. Sự hiệp nhất một phần phản ánh vương quốc của Thiên Chúa ở đó mọi người sống yêu thương nhau. “Sự hiệp nhất của Giáo hội chính là ơn ban của Chúa Giêsu.”[1] Vì vậy, mọi người ở Châu Mỹ Latinh nói riêng và mọi người trên thế giới nói chung phải thực hiện điều Chúa Giêsu kêu mời để có được sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất thì quan trọng đến độ người ta không được phép quên nó. Sự hiệp nhất là một khái niệm không chỉ tồn tại trên thiên đàng nhưng còn hiện hữu ngay bây giờ. Mọi người sống ở Châu Mỹ Latinh cần chú ý đến tầm quan trọng của hiệp nhất. Họ là những con người cụ thể sống trong một đất nước cụ thể cần làm những việc cụ thể để mang lại hiệp nhất cho Châu Mỹ Latinh. Người ta không thể chỉ ngồi yên để chờ sự hiệp nhất tới nhưng phải đấu tranh chống lại sự chia rẽ. Những người đàn áp mang đến sự chia rẽ cho xã hội và những người đàn áp tạo ra sự bất công và phân tán trong giai cấp xã hội. Vì vậy, chừng nào còn có sự bất công thì chừng đó không có được sự hiệp nhất.

Gutierrez cũng nhấn mạnh rằng “Hiệp nhất ở giữa mọi người chỉ có thể nếu có sự công bằng thực sự cho mọi người.”[2] Điều này có nghĩa là khi mọi người có công bằng, họ sẽ có hiệp nhất. Đó là tại sao mọi người cần phải làm một cái gì đó để có được sự công bằng trước khi có được hiệp nhất. Vào thời của Gutierrez, sự bất công lan tràn tại Châu Mỹ Latinh. Những người bị áp bức phải sống trong điều kiện không xứng hợp cho một con người. Giai cấp lãnh đạo dĩ nhiên luôn luôn muốn tìm cách tốt nhất để kiểm soát giai cấp công nhân. Điều này dẫn tới xung đột giữa người bị áp bức và người áp bức, ông chủ và đầy tớ, người lao động và người chủ. Tất cả những điều bất công trong xã hội là rào cản cho hiệp nhất. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng kêu mời có sự công bằng. Ngoài ra, các tiên tri kêu gọi mọi người thực thi công bằng để rao giảng Nước Thiên Chúa. Bất cứ ai cũng luôn luôn cảm thấy không hài lòng khi họ thấy sự bất công hay bất bình đẳng xảy ra trước mặt họ. Tuy nhiên, họ phải cam phận chấp nhận sự thật xảy ra tràn lan trong xã hội. Gutierrez nhận thấy rằng không ai có thể giúp người khác có được tự do và công bằng nếu họ không muốn giải phóng họ bởi chính khả năng của họ. Nếu mọi người ở Châu Mỹ Latinh muốn có bình đằng xã hội hay công bằng xã hội, họ cần phải ý thức được vai trò của họ trong cuộc cách mạng đưa tới hòa bình và công bằng.

Khi nói tới thần học giải phóng, nhiều người ngay lập tức liên tưởng thần học giải phóng với chủ nghĩa Marxist là một. Điều này thì không đúng vì thần học giải phóng bắt nguồn từ việc cảm nghiệm về Thiên Chúa của người nghèo, nó không bắt nguồn từ của nghĩa Marxist mặc dù hai học thuyết này có sự trùng lặp nhau. Chủ nghĩa xã hội chủ yếu là chống chủ nghĩa tư bản, mọi lý luận của chủ nghĩa xã hội xoay quanh việc phản bác chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội tập trung vào việc đấu tranh giai cấp để thay đổi cấu trúc xã hội, nếu cần thiết người ta có thể sử dụng vũ lực để làm cách mạng. Trong khi đó, thần học giải phóng giải quyết vấn đền nghèo đói, sự bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Thần học giải phóng dùng những phân tích của chủ nghĩa Marxist để diễn tả vấn đề xã hội, nhưng họ không chấp nhận chiến tranh giai cấp. Vì thế, người ta không thể đánh đồng thần học giải phóng với chủ nghĩa xã hội. Điều này có nghĩa khi một người làm thần học giải phóng, người đó không được bị chụp mũ là người theo chủ nghĩa Marxist hay dưới cái nhãn là người cộng sản.[3]

Huấn quyền cũng dạy rằng: “Có một sự chống đối nền tảng giữa chủ nghĩa cộng sản và Kitô giáo, rõ ràng là thậm chí không một người Công giáo nào có thể củng hộ chủ nghĩa xã hội.”[4] Chủ nghĩa xã hội và Kitô giáo không thể đi cùng nhau. Chủ nghĩa xã hội chỉ nhắm đến những công việc trần thế và chính sách của nó là từ chối Thiên Chúa. Chủ nghĩa xã hội theo thuyết vô thần và nó hoàn toàn dựa trên chủ nghĩa vật chất, ngược lại Kitô giáo là thờ phượng Chúa và giải quyết không chỉ là vấn đền trần thế mà còn là những thực tại Nước trời. Vì vậy, Kitô giáo và chủ nghĩa xã hội không thể cùng song hành với nhau. Gutierrez cũng phân tích những vấn đề chính trị và xã hội như những người theo chủ nghĩa Marxist. Tuy nhiên, mục đích của Gutierrez là giải phóng mọi người khỏi đói nghèo, ích kỷ và tội lỗi trong khi những người theo chủ nghĩa Marxist muốn lật đổ giai cấp lãnh đạo. Nói cách khác, Gutierrez muốn giảm đói nghèo trong xã hội trong khi những người theo Marxist muốn lật đổ chính quyền tư bản để nắm quyền.

Tóm lại, Gutierrez có dùng đến học thuyết của chủ nghĩa Marxist để phân tích xã hội để nhận ra cái gì đang diễn ra. Tuy nhiên, Gutierrez muốn mọi người đẩy lùi đói nghèo để con người sống đúng nhân phẩm của họ thông qua việc tạo ra công bằng và bình đẳng trong xã hội. Trong khi đó, chủ nghĩa Marxist muốn mọi người lật đổ chủ nghĩa tư bản để nắm quyền. Một bên muốn dùng ánh sáng Tin Mừng để làm sao cho con người sống đúng phẩm giá của họ. Một bên lại muốn giải quyết quyền hành bằng chiến tranh giai cấp và từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa. Điều này cho thấy rõ ràng là thần học giải phóng và chủ nghĩa xã hội (hay chủ nghĩa cộng sản) không thể là một như một số người vẫn thường nghĩ.

Đaminh Maria Vũ Ngọc Thạch, CM


[1] Gustavo Gutierrez, A Theology of Liberation: History, Politics, and Salvation, trans. Caridad Inda and John Eagleson, Revised edition (Maryknoll, N.Y: Orbis Books, 1988). 161

[2]Gutierrez, A Theology of Liberation: History, Politics, and Salvation. 161

[3] Arthur F. McGovern, Liberation Theology and Its Critics: Toward an Assessment (Wipf & Stock Pub, 2009). 58-60

[4] Pope John XXIII, Christianity and Social Progress, Paperback edition (Paulist Press, 1961). Number 34