1. Ngày 2 tháng 5 năm 2022, mình cùng với 5 cha dòng Vinh Sơn đến Kiunga, thủ phủ tỉnh Western của PNG để bước vào tuần tĩnh tâm năm cùng với 2 cha Vinh Sơn thuộc tỉnh dòng Indonesia. Thật ra có 4 cha Vinh Sơn thuộc tỉnh dòng Indonesia đang làm việc ở đây, nhưng lúc này một cha đang về Indonesia nghỉ hè, và một cha khác đang ở một giáo xứ trong rừng, để về Kiunga chỉ có một cách duy nhất là thuê máy bay với chi phí không hề rẻ.
Sau khi kết thúc tĩnh tâm, ngày 7 tháng 5, mình cùng các cha đến giáo xứ Matkomnai (trên bản đồ của Google lại ghi Matkomrae) do các cha Vinh Sơn tỉnh dòng Indonesia coi sóc, cách Kiunga 50 km. Dân làng đã đón tiếp một cách long trọng, đầy màu sắc và âm thanh với trang phục và các điệu nhảy truyền thống của họ, như mình có đăng tải trong một video ngắn gần đây. Hôm sau cùng với giáo xứ, thánh lễ cầu nguyện cho ơn gọi đã diễn ra thật sốt sắng mang đậm bản sắc truyền thống.
Giáo xứ Matkomnai có một ý nghĩa đặc biệt bởi vì đây là điểm đến đầu tiên của các cha dòng Vinh Sơn trên mảnh đất PNG này gần 30 năm qua. Nhà truyền giáo Vinh Sơn đầu tiên đến PNG chính là cha Jacques Bernard Gros, một nhà truyền giáo người Pháp. Cả cuộc đời linh mục của ngài gắn liền với các miền truyền giáo xa xôi, nếu được viết lại thì đó sẽ là một cuốn sách rất thú vị và hấp dẫn.
2. Cha Jacque Gros sinh năm 1940 tại Pháp, là bạn cùng lớp với cha Alexis Tống Phước Hậu, là cha Vinh Sơn người Việt Nam đầu tiên được đào tạo hoàn toàn trong dòng ở Pháp. Sau khi thụ phong linh mục ở Pháp, cha Hậu đã trở về Việt Nam coi sóc giáo xứ Vinh Sơn ở đường Yết Kiêu hiện nay. (Thật ra có những cha giáo phận gia nhập dòng Vinh Sơn, ví dụ như cha Rôcô Nguyễn Hữu Linh, tác giả bài hát bất hủ: “Cầu xin Chúa Thánh Thần…”, nguyên gốc của ngài là giáo phận Phát Diệm. )
Ở tuổi 29 và 2 năm sau khi thụ phong Linh mục, cha trẻ Jacques Gros đến Việt Nam vào năm 1969, phụ trách công việc truyền giáo cho người Ch’ru và K’ho ở vùng Đơn Dương. Hiện nay, ở nhà xứ Kađơn có treo nhiều hình ảnh của cha Jacques Gros. Hơn nữa, những người lớn tuổi vẫn còn nhớ về cha Jacques Gros như là một nhà truyền giáo hăng say nhiệt thành, gần gũi với người dân đồng bào.
Khi công việc còn đang dang dở, cha bị buộc phải rời Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng bước chân nhà truyền giáo vẫn tiếp tục hăng say, ngọn lửa nhiệt thành vẫn bùng cháy trong con người có vóc dáng nhỏ bé ấy. Nhà truyền giáo 35 tuổi ấy không chấp nhận dừng lại. Cha đã đến Indonesia và gia nhập tỉnh dòng ở đây, và được gởi đến truyền giáo ở vùng Kalimantan, ngài chăm lo cho bộ lạc Dayak, vốn dĩ có ngôn ngữ và tập tục giống người đồng bào ở Đơn Dương, cụ thể là việc du canh, du cư.
Ngoài cha Jacques Gros, các cha Gabriel Dethune và cha Victor Berset, cũng thuộc dòng Vinh Sơn bị buộc phải rời Việt Nam, cũng đến rừng núi hoang sơ Kalimantan truyền giáo. Khi nói về điều này, một bài viết của UcanNews cho rằng đó là một sự mất mát của Việt Nam, nhưng là một lợi lộc cho Kalimantan (Vietnam’s loss is Kalimantan’s gain).
3. Đến thập niên 90, khi Đức giám mục Kiunga, một vùng biên giới giáp ranh Indonesia kêu gọi các cha Indonesia đến làm việc trong giáo phận, do có nhiều người Indonesia (Đông Papua) đến sinh sống trong giáo phận. Và cha Jacques Gros, khi đã ngoài 50 tuổi, lại lên đường đi đến Papua New Guinea, làm việc ở giáo phận Kiunga tại giáo xứ Matkomnai, đặc biệt chăm sóc người tị nạn vượt biên từ Indonesia. Cho đến lúc này, cha Jacques Gros là nhà truyền giáo tuyệt vời nhất đối với người dân ở đây về sự hiền lành, hy sinh, gần gũi với mọi người.
Sau gần 20 năm gắn bó với vùng truyền giáo PNG, vì vâng lời, cha Jacques Gros đã trở về Indonesia. Dù đã khá lớn tuổi, cha Jacques Gros vẫn trở lại vùng Kalimantan tiếp tục làm việc trong nhiều năm. Mãi cho đến năm 2019, khi đã 79 tuổi, theo lệnh của bề trên, cha Jacques mới phải rời vùng truyền giáo hẻo lánh này nơi cha đã phục vụ tổng cộng gần 30 năm, để về sống tại Surabaya, Miền Đông Java. Vì rất thuần tục tiếng Indonesia, hiện nay, cha tập trung vào việc dịch thuật các tài liệu của nhà dòng từ tiếng Pháp sang tiếng Indonesia.
4. Vào năm 2017, khi Việt Nam trở thành tỉnh dòng, cùng với nhiều cha khác, cha Jacque Gros được mời đến Việt Nam. Mình được cử ra sân bay đón các cha khách ngoại quốc. Mình đã hết sức bất ngờ khi gặp ngài, bởi sự đơn sơ tới mức không thể đơn sơ hơn, từ áo quần, giỏ xách, và một đôi dép kiểu dép lào đã cũ mòn. Khi về tới nhà dòng, một cha đã xin ngài đôi dép ấy và đổi lại cho cha một đôi dép mới.
Nếu gặp ngài, và nhìn thoáng qua, người ta sẽ thấy ngài như một ông già châu Á ở miền quê hơn là một linh mục người Pháp. Những nét “tây” trên con người của ngài đã phai mờ gần như hoàn toàn và được thay thế bằng con người của một nhà truyền giáo nhiệt thành.
Người ta kể rằng, khi cha Jacques về Pháp, ngài đến dâng lễ cho cộng đoàn các sơ. Các sơ đã rất ngạc nhiên và thán phụ một ông già Indonesia lại có thể nói và giảng lễ bằng tiếng Pháp một cách hoàn hảo như vậy. Họ không biết và không thể nhận ra cha là người Pháp.
Hình ảnh cha Jacques Gros ở Kalimantan, dù lớn tuổi nhưng vẫn hăng say rao giảng Tin Mừng, và thậm chí phụ đẩy khi xe mắc lầy (hình 2, người đội mũ đang đẩy xe).
Đây là một số hình ảnh ở giáo xứ Matkomnai mà mình đã chụp.
[envira-gallery id=”7651″]
Cao Viết Tuấn, Cm