Thánh Giáo Phụ Augustino Thành Hippo

0
4056

I. TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM

1. Tiểu sử

Augustino sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste xứ Numidie, nay là Souk-Ahras, Algerie. Mẹ ngài là thánh Monica một Kitô hữu đạo đức, tuy nhiên cha ngài lại là một người ngoại giáo. Thưở thiếu thời, Augustino theo học các lớp tu từ tại Madaure, một trung tâm trí thức có tiếng, và ngài cũng trải qua các trường phái triết học và tiếp xúc với các bậc thầy khôn ngoan khác nhau của thời đại. Năm 19 tuổi Augustino bắt đầu dạy tu từ học. Sau đó ngài tới Thagaste, đến Carthage trong 9 năm, đến Roma và cuối cùng vào năm 384 đến Milan, ở đó ngài còn được viên thị trưởng nổi tiếng là Symaque chọn làm nhà diễn thuyết chính thức của triều đình. Trong suốt quãng thời gian này, ngài bị thuyết Manikê lôi cuốn. Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành. Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý. Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô.[i] Phục Sinh năm 387, Augustino được Rửa tội tại Nhà thờ Milan. Sau một thời gian sống đời chiêm niệm và suy tư triết học, Augustino được phong chức linh mục năm 391. Năm 395, ngài làm giám mục thành Hippo và qua đời ngày 28 tháng 08 năm 430.

2. Tác phẩm[ii]

Thánh Augustino là vị giáo phụ để lại nhiều tác phẩm nhất, và được phân chia thành các thể loại triết học, hộ giáo, đạo lý, luân lý, đan tu, chú giải, chống lạc giáo và còn nhiều lá thư và các bài giảng khác nữa. Thánh Augustino để lại cho Giáo hội một kho tàng tư tưởng quý giá trong 252 cuốn sách lớn nhỏ, 509 bài giảng đủ loại, và 207 lá thư xa gần. Những tư tưởng bất hủ của ngài thường được trích từ ba cuốn sách nổi tiếng là: Confessiones, De Civitate Dei, De Trinitate

  • Trước hết, có thể nói tác phẩm quan trọng nhất mà chúng ta cần phải nhớ, đó là quyển “Confessiones” được viết thành 13 chương trong khoảng từ năm 397-400 nhằm ca ngợi Thiên Chúa. Tác phẩm “Confessiones” là một bản ngắn về tự truyện trong hình thức đối thoại với Thiên Chúa. Thể loại văn chương này thực sự giúp cho độc giả hiểu rõ cuộc đời của thánh Augustino, không phải là một cuộc đời đóng lại trong chính mình, hay bị phân tán thành nhiều thứ, nhưng được sống một cách mạnh mẽ như đang đối thoại với Thiên Chúa, và vì thế đó cũng là một cuộc đời mở ra với mọi người. “Confessiones” là một thuật ngữ La-tinh được phát triển từ truyền thống của các thánh vịnh và có hai ý nghĩa quyện lẫn với nhau. “Confessio” nghĩa là “xưng thú” ra tội lỗi cũng như những thiếu sót của bản thân nhưng đồng thời “confessio” cũng có nghĩa là tán dương, cảm tạ Thiên Chúa. (Xc. ĐGH Benedicto XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ, Phương Đông, 2017, tr. 163).
  • Một tác phẩm khác tuy ít phổ biến hơn nhưng cũng là một bản văn nền tảng và rất quan trọng, đó là “Retractationes”, được soạn thành hai chương vào năm 427. Tác phẩm này thánh Augustino viết khi đã lớn tuổi và “nhìn lại” toàn bộ công trình viết lách của ngài, để lại cho chúng ta một tài liệu văn chương rất đáng giá và độc đáo, đồng thời cũng là một lời giáo huấn về sự chân thành và khiêm tốn.
  • Tác phẩm “De Civitate Dei” (Thành Đô Thiên Chúa), được viết khoảng năm 413-426, chia thành hai tập. Đây là tác phẩm rất ấn tượng và có giá trị đối với tiến trình phát triển của quan niệm chính trị Tây phương cũng như thần học lịch sử Ki-tô giáo. Tác phẩm ra đời nhân sự kiện thành Roma bị sụp đổ bởi quân Goths tấn công vào năm 410. Tác phẩm được viết nhằm trả lời cho vấn nạn: khi chứng kiến thành Roma sụp đổ, nhiều Ki-tô hữu tự hỏi, Thiên Chúa của Ki-tô giáo và các vị Tông đồ phải chăng không thể bảo vệ thành Roma. Xưa kia, khi các thần linh ngoại giáo được sùng mộ, thì Roma là thành đô vĩ đại, không ai có thể tưởng tượng được rằng nó lại rơi vào tay quân thù. Bây giờ thành đô vĩ đại này cùng với Thiên Chúa của Ki-tô giáo dường như không an toàn nữa. Vậy là Thiên Chúa của Ki-tô giáo đã không thể bảo vệ thành đô và cũng không thể là một Vị Thiên Chúa để chúng ta tín thác cuộc đời nơi Người. Tác phẩm giải thích điều gì chúng ta nên và điều gì chúng ta không nên hy vọng nơi Chúa, giải thích tương quan giữa chính trị và đức tin. Hiện nay tác phẩm này vẫn là nguồn chính yếu để phân biệt rõ ràng giữa chính quyền với Giáo hội, đồng thời cũng xác định niềm hy vọng đích thực mà đức tin mang lại cho chúng ta; bên cạnh đó còn cho thấy lịch sử nhân loại luôn được điều khiển và dẫn dắt bởi Đấng Quan Phòng. Dù là một con người thông thái lỗi lạc, nhưng thánh nhân vẫn phải chân nhận tầm mức tri thức giới hạn của bản thân. Nhưng điều quan trọng đối với thánh Augustino đó là chuyển trao sứ điệp Ki-tô giáo cho những người bình dân thay vì chỉ viết những tác phẩm thần học đồ sộ. Ý định sâu xa này của thánh nhân đã dẫn dắt toàn bộ cuộc đời của ngài, tỏ lộ rõ trong một lá thư viết cho giám mục Evodius, trong đó thánh nhân chia sẻ quyết định sẽ dừng việc đọc cho người khác viết các chương của quyển De Civitate Dei như thế này: “Vì những chương này quá cao siêu nên chỉ ít người có thể lĩnh hội được nội dung, điều cấp thiết là cần phải đưa ra những bản văn hữu dụng cho đa số mọi người” (Serm. 169,1,1). Đây là tác phẩm vĩ đại nhất của thánh Augustino và mãi luôn có giá trị.
  • Một tác phẩm khác quan trọng không kém là De Trinitate (Bàn về Ba Ngôi), được chia thành 15 chương, nội dung cốt yếu nói về niềm tin Ki-tô giáo, tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Tác phẩm này được viết trong hai giai đoạn: 12 chương đầu viết từ năm 399 đến 412, được xuất bản mà thánh nhân không hay biết, và sau đó, ngài đã hiệu chỉnh, hoàn thành tác phẩm này năm 420. Tác phẩm suy niệm về thánh nhan Thiên Chúa và cố gắng tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng duy nhất sáng tạo nên thế giới, nhưng vị Thiên Chúa này có Ba Ngôi, một cộng đoàn yêu thương. Thánh nhân cố gắng tìm hiểu một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu: Thiên Chúa thực hữu trong Ba Ngôi Vị là một sự hiệp nhất đích thực và sâu sắc nhất.
  • Tác phẩm “Psalmus” là một bài thơ ngắn, đơn giản, nhằm chống lại những người theo nhóm Donatis, được viết theo lối văn bình dân, đơn sơ để các tín hữu có thể hiểu được. Tác phẩm này nhằm giúp cho tất cả mọi người nhận biết rằng chỉ qua một Giáo hội duy nhất mà tương quan của chúng ta với Thiên Chúa mới được hoàn trọn và hòa bình lại mọc lên trên thế giới này.
  • Tác phẩm “De Doctrina Christiana” được soạn thảo nhằm thay cho một lời dẫn nhập rất đúng và hợp văn hóa vào lối diễn giải Kinh Thánh cũng như các mầu nhiệm Ki-tô giáo.
  • Nhiều tác phẩm khác được soạn thảo từ nhiều bài giảng mà thánh Augustino “ứng khẩu” chia sẻ với các tín hữu, được một vài người ghi lại. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến tập sách mang tựa đề “Enarrationes in Psalmos”, khá thịnh hành thời Trung cổ.

Từ các tác phẩm vừa trình bày sơ nét, thánh Augustino đã vẽ lên cho chúng ta chân dung sống động và cụ thể của đời sống người Ki-tô hữu vừa chăm chú lắng nghe Tin mừng Đức Ki-tô, vừa miệt mài đi tìm bản tính Thiên Chúa Ba Ngôi, bảo vệ đức tin của Giáo hội chống lại các bè rối muốn bẻ cong, và làm sai lạc đức tin, đồng thời bảo vệ ý nghĩa của lịch sử nhân loại luôn được đặt dưới cái nhìn quan phòng của Thiên Chúa.

II. BỘ TU LUẬT CỦA  AUGUSTINO

Khi thánh Augustino bắt đầu soạn cuốn “Confessiones” thì ngài cũng dự tính một công trình khác ngắn hơn, ít hấp dẫn hơn nhưng lại có tầm mức quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng trong một lãnh vực hoàn toàn khác. Đó là bộ quy luật đời sống cộng đoàn. Luật của thánh Augustinô được kể vào hạng cổ điển nhất trong lịch sử đời tu, sau bản luật thánh Pacômiô (k.292-346/7), Basiliô (k.330-379); và trước luật của thánh Biển Đức (k.480-k.547) cả một thế kỷ. Mặt khác, lịch sử đã để lại nhiều bản văn mang tên là “luật thánh Augustinô”. Người ta đếm được tới 9 bản: 4 dành cho nam giới và 5 dành cho nữ giới.[iii] Về bố cục và nội dung thì bản văn xem ra chỉ là một bản toát lược những lời huấn đức của thánh Augustino dành cho các đan sĩ, dựa trên nền tảng Kinh thánh (người ta đếm được 35 chỗ trưng dẫn: 8 Cựu ước, và 27 Tân ước). Đọan văn chủ yếu là Cv 4,31-35 về cộng đoàn Giêrusalem, được chọn làm kiểu mẫu cho cộng đòan đan tu.

Trong bản Tu luật này, thánh nhân đã xác định sự tìm kiếm hiệp nhất của đức ái, như tinh thần và mục đích của đời sống thánh hiến phụng sự Thiên Chúa và phục vụ dân Ngài: “Hỡi anh em, tiên vàn chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa và mọi người. Đó là giới luật thứ nhất dành cho chúng ta. Và đây là điều chúng ta phải tuân giữ trong dòng, và cũng chính vì điều này mà chúng ta sống với nhau thành cộng đoàn, có nghĩa là sống hòa hợp với nhau trong một nhà, và tất cả ‘chỉ một trái tim, một tâm hồn quy hướng về Thiên Chúa’” (Cv 4, 32) (Tu luật I). Với ngài, đó là mầu nhiệm của vẻ đẹp tình yêu mà cộng đoàn huynh đệ phải tỏa sáng: “ước gì Thiên Chúa cho anh em tuân giữ điều đó với tình yêu, như những người yêu mến vẻ đẹp thiêng liêng” và “là hương thơm của Đức Ki-tô lan tỏa ra cho mọi người” (2 Cr 2, 15), không như những người nô lệ của lề luật, nhưng như những người tự do nhờ ân sủng. (Rm 6, 14-22) (Tu luật VI, 4).

III. ĐẠO LÝ[iv]

1. Đức tin và lý trí

Các Giáo phụ thời kỳ phôi thai, cho dù đã thấy được những điểm tích cực của triết học và vận dụng nó trong việc xây dựng niềm tin nơi con người, nhưng chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò và mối tương quan giữa lý trí và đức tin. Đến thánh Giáo phụ Augustino thì đức tin và lý trí mới thực sự được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn và sự dung hòa giữa chúng mới minh bạch hơn. Đây là giai đoạn có ý nghĩa trong việc dung hợp giữa đức tin và lý trí cách sâu xa nhất. Thánh Augustino đã viết sau khi trở lại rằng “đức tin và lý trí là hai năng lực dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết”[v] . Về vấn đề này, nhờ hai công thức xác đáng nổi tiếng của thánh Augustino cho thấy cái tổng hợp chặt chẽ của đức tin và lý trí: crede ut intelligas (“tin để hiểu biết”) – tin tưởng mở đường cho việc vượt qua ngưỡng cửa của sự thật – thế nhưng cũng không thể nào thiếu vấn đề intellige ut credas (“hiểu để tin hơn”), nghĩa là kẻ tin tìm hiểu chân lý để có thể nhận biết Thiên Chúa và càng xác tín vào Người[vi]. Sự hài hòa giữa đức tin và lý trí trước hết có nghĩa là Thiên Chúa không phải là những gì xa vời: Ngài không xa cách với lý trí và đời sống của chúng ta; Ngài gần gũi với hết mọi con người, gần gũi với tâm can của chúng ta cũng như với lý trí của chúng ta, nếu chúng ta thực sự bắt đầu cuộc hành trình ấy. Nhưng chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa là người đầu tiên đi tìm chúng ta để chúng ta có thể đi tìm Ngài: “Chúa đã tìm chúng con, để chúng con tìm Chúa” (Confessiones XI, 2, 4).

Thánh Augustino là một con người sống bằng lý trí trước khi ngài sống đức tin, nhưng trong tri thức luận của ngài về hai mệnh đề “Đức tin và lý trí” thì ưu thế có thiên về đức tin hơn. Để kiểm chứng điều này, ta nhìn lại cách mà thánh Augustino đã dùng quan điểm và lập trường của mình để đả kích và tố giác chủ trương nhị nguyên siêu hình của thuyết Manikê cũng như chủ trương phiếm thần của nó thì rõ. “Manikê khẳng định hai nguyên lý khác biệt và đối lập nhau, nhưng cũng là vĩnh cửu và đồng vĩnh cửu, nghĩa là đã luôn luôn hiện hữu”. Trường phái này không chấp nhận đức tin, họ muốn nhấn mạnh đến lý trí của con người.  Nhưng đối với thánh Augustino thì đức tin đi trước nhận thức. Mặc dù nhìn nhận những năng lực của lý trí, nhưng thánh Augustino cũng thừa nhận rằng lý trí của con người cũng có giới hạn, vì có những vấn đề lý trí con người không thể nào hiểu thấu hết về thế giới và những thực tại nói chi đến thế giới vô hình.

2. Thiên Chúa và con người

Thánh Augustino đã cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người vừa sâu xa vừa huyền nhiệm, song con người có thể nhận ra và khám phá điều đó nơi bản thân mình. Con người hoán cải này đã nói: “Đừng đi ra ngoài, hãy trở về nội tâm của bạn; sự thật cư ngụ ở trong con người nội tại; và nếu bạn thấy cái bản tính của mình là những gì đổi thay thì hãy siêu việt hóa bản thân mình. Thế nhưng, xin hãy nhớ rằng, khi bạn siêu việt hóa bản thân mình là bạn đang siêu việt hóa một linh hồn biết lý luận đó. Bởi thế, bạn hãy vươn tới chỗ nào mà lý trí của bạn được thắp sáng lên”[vii] . Điều này giống như những gì chính ngài đã nhấn mạnh bằng một câu nói rất thời danh ở đầu cuốn Tự Thuật, một cuốn tự truyện về tâm linh được ngài viết để ca tụng Thiên Chúa: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”[viii]. Do đó, sự xa cách Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với việc con người tự xa cách chính mình. “Chúa ở đó trước cả con nữa, song con đã lìa bỏ bản thân con. Con thậm chí không thể thấy được chính bản thân mình, lại càng không thể thấy được Chúa” (Confessions. V, 2, 2). Chính vì trước đây thánh Augustino đã trải qua một hành trình tri thức và đã sống cuộc hành trình tâm linh đầy vất vả, nên ngài có thể mô phỏng hành trình ấy trong các tác phẩm của mình một cách mật thiết, sâu sắc và khôn ngoan. Chúng ta có thể nhận ra điểm này trong hai đoạn văn nổi tiếng khác của cuốn Tự Thuật (IV, 4, 9 và 14, 22), rằng con người là “một bí ẩn vĩ đại” (magna quaestio) và là “một vực thẳm khổng lồ” (grande profundum), một bí ẩn và một vực thẳm chỉ duy một mình Chúa Kitô mới có thể soi chiếu và cứu vớt chúng ta mà thôi. Vấn đề quan trọng là ở chỗ một khi con người lìa xa Thiên Chúa thì cũng là lúc lìa xa bản thân mình, và chỉ có thể gặp được bản thân mình nhờ việc hội ngộ với Thiên Chúa. Nhờ đó, con người có thể trở về với chính mình, với chính con người thực của mình, và với căn tính đích thực của mình.

3. Đức Ki-tô và Giáo Hội

Có thể nói rằng đỉnh cao tư duy thần học của thánh Augustino là Chúa Ki-tô và Giáo hội; đồng thời đây cũng là đỉnh cao triết học của ngài, ở chỗ ngài đã khiển trách các triết gia vì đã tư duy triết học “mà không có Chúa Ki-tô”[ix]. Giáo hội không thể tách rời khỏi Chúa Ki-tô. Từ thời điểm sau khi trở lại, Augustino đã nhận ra và đón nhận trong niềm hân hoan và lòng biết ơn luật quan phòng đã được thiết lập trong Chúa Ki-tô và Giáo hội “toàn bộ đỉnh cao thẩm quyền và ánh sáng của lý trí nằm nơi Chúa Ki-tô và Giáo hội của Ngài, Đấng tái tạo và tái định hình loài người”[x]. Thánh nhân còn xác tín thêm rằng chính Đức Ki-tô cứu chữa con người khỏi sự kiêu căng của tội lỗi bằng thần dược khiêm tốn của Ngài, và chính Đức Ki-tô đã vạch ra con đường để đến với Thiên Chúa: “Đức Ki-tô Thiên Chúa là quê hương chúng ta tiến về; Đức Ki-tô Con Người là đường chúng ta đi. Chính ở Ngài chúng ta đi tới, chính nhờ Ngài chúng ta đi qua” (Bài giảng 123). Nhưng Đức Ki-tô liên kết với chúng ta như những chi thể trong Thân Thể của Ngài là Giáo hội. Chính trong Giáo hội, Đức Ki-tô cứu độ chúng ta và tụ họp chúng ta; trong Giáo hội, chúng ta hiểu được rằng, Lời Thiên Chúa từ miệng Đức Ki-tô đã đến làm nên trong chúng ta con người mới; chính trong Giáo hội, các bí tích của đức tin dẫn chúng ta đến sự thánh thiện của đức ái. Thánh Augustino vẫn thường nói: người Ki-tô hữu vào trong Giáo hội nhờ bởi đức tin, nhưng với đức ái, họ trở nên nhà ở và đền thờ của Thiên Chúa.

Thánh Augustino khởi đi từ những dữ liệu Kinh Thánh, và dữ liệu trước tiên và chính yếu mà ngài tìm thấy đó là sự duy nhất của Thiên Chúa siêu việt, duy nhất về yếu tính kéo theo duy nhất về hành động. Trong loạt bảy cuốn sách đầu của khảo luận, ngài đưa ra một lối giải thích triết học về những mầu nhiệm được mạc khải. Thánh Augustino nhấn mạnh cả về sự đồng đẳng và phân biệt giữa các Ngôi Vị, minh họa cho những điều này thông qua lời dạy của ngài về mối tương quan giữa các Ngôi Vị: “chúng ta tin vào Ba Ngôi Vị có tương quan giữa Ngôi Vị này với Ngôi Vị kia, và tin vào sự duy nhất của một yếu tính ngang bằng nhau”[xi]. Ngài đã phát triển thần học về Chúa Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất “chính yếu” (principally) từ Chúa Cha, bởi vì “Chúa Cha là nguyên lý của mọi thiên tính, hay, để nói rõ hơn, Ngài là Đấng nguyên ủy”[xii], và chính Chúa Con cũng nhận lãnh vai trò của mình từ Chúa Cha. Như vậy, Chúa Cha và Chúa Con cùng là một “nguyên lý độc nhất của Chúa Thánh Thần”[xiii]. Tuy nhiên, khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh Augustino không bao giờ rời mắt khỏi Chúa Kitô, Đấng mặc khải Chúa Cha. Trong một đoạn quan trọng của một trong những tác phẩm cuối cùng của mình, ngài viết: “Người tín hữu … tin rằng, nơi Chúa Ki-tô có bản tính con người thực sự, đó là bản tính của chúng ta, mặc dù bản tính đó được đưa vào nơi Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa theo một cách thức độc nhất khi Ngôi Lời đảm nhận lấy bản tính nhân loại, và những gì Người đảm nhận đã xác định một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Giả định của con người không đưa ra bốn ngôi vị, mà là Ba Ngôi Vị: giả định này được đưa ra theo cách thức không thể diễn tả ra được chân lý về một Ngôi Vị trong Thiên Chúa và con người. Do đó, chúng ta không nói rằng Chúa Kitô chỉ là Thiên Chúa … cũng không phải chỉ là con người … cũng không phải là con người thiếu đi một điều nào đó thuộc về bản tính nhân loại … nhưng chúng ta nói rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, được sinh ra bởi Chúa Cha … và cũng là con người thật, được sinh ra từ người mẹ nhân loại … cũng không phải bản tính nhân loại, mà trong đó Ngài kém hơn Chúa Cha, làm giảm mất đi bất cứ điều gì từ thiên tính của Ngài, mà Ngài ngang bằng với Chúa Cha … nơi Chúa Kitô Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người”[xiv]. Thánh Augustino nói cách ngắn gọn rằng: “Cũng chính Con Người đó là con người, là Thiên Chúa; và cùng một trật vừa là Thiên Chúa, vừa là con người – không phải bởi sự nhầm lẫn của bản tính mà là sự hiệp nhất nơi Ngôi Vị,”[xv] “một … ngôi vị trong cả hai bản tính”[xvi]. Trong các cuốn khảo luận VIII-XV, thánh Augustino đã triển khai các loại suy về Ba Ngôi mà ngài khám phá thấy cách đặc biệt trong linh hồn con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và cả Lời của Ngài. Điểm sau cùng này làm nên nét độc sáng nhất của thánh nhân trong lãnh vực mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài phân tích một cách rất tinh tế các đối tượng, các tương quan và hoạt động của ba cơ năng của linh hồn, nhất là ký ức, trí tuệ và ý chí, chúng thâm nhập vào nhau và chỉ là một với nhau. Ngài nhận ra ở đó những “dấu vết” của Mầu Nhiệm Ba Ngôi, không chỉ như một so sánh đơn thuần nhưng như một con đường dẫn vào huyền nhiệm. Nếu trong “Tự Thuật”, ngài đã tìm gặp lại Thiên Chúa trong chính mình thì ở đây, ngài cũng đọc thấy Ba Ngôi nơi chính mình. Nhưng dù dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác, mầu nhiệm mãi mãi là vô phương đạt thấu. Lý trí thức tỉnh chiêm ngắm, nhưng cả hai cùng dừng lại trước ngưỡng cửa của hố thẳm.

Trong cuốn “Thành Đô Thiên Chúa” – De Civitate Dei (XII, 27), thánh Augustino đã nhấn mạnh rằng, con người tự bản chất có xã hội tính, thế nhưng lại sống phản lại với xã hội bởi tình trạng tội lỗi của mình và đã được Chúa Kitô cứu, Đấng là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại và là “đường lối phổ quát của tự do và ơn cứu độ”[xvii]. Ngoài con đường này, thánh Augustino còn nói, “một con đường không bao giờ thiếu vắng đối với con người, không ai đã từng được giải phóng, không ai sẽ được giải phóng”[xviii]. Là Vị Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ, nên Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội và liên kết mầu nhiệm với Giáo Hội cho đến độ thánh Augustino có thể nói: “Chúng ta đã trở nên Chúa Kitô. Vì, nếu Người là Đầu, thì chúng ta là các chi thể; Người và chúng ta cùng nhau hợp nên một con người toàn vẹn”[xix].

Giáo hội là Dân Thiên Chúa và nhà của Thiên Chúa. Giáo Hội, theo quan điểm của thánh Augustino, được gắn liền với quan niệm về Thân Mình Chúa Kitô, một quan niệm được căn cứ vào việc tái giải thích Cựu Ước mang tính Kitô học cũng như vào đời sống bí tích được tập trung nơi Thánh Thể là bí tích mà Chúa ban cho chúng ta Thân Mình của Người và biến đổi chúng ta thành Thân Mình Người. Bởi vậy, đây là một điểm thần học nền tảng: Giáo Hội, Dân Thiên Chúa theo nghĩa Kitô học chứ không phải xã hội học, thực sự được tháp nhập vào Chúa Kitô, Đấng mà, như thánh Augustino nói ở một đoạn văn tuyệt vời là “Đấng cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta và nhận lời cầu nguyện của chúng ta; Đức Ki-tô cầu nguyện cho chúng ta vì Người là vị tư tế của chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta vì là vị thủ lãnh của chúng ta, và nhận lời chúng ta cầu nguyện vì là Thiên Chúa của chúng ta. Bởi thế, chúng ta hãy công nhận Người là tiếng nói của chúng ta và công nhận bản thân của chúng ta là bản thân của Người”[xx]. Thánh Augustino còn quan niệm Giáo hội như người mẹ của các Ki-tô hữu, người mẹ luôn quan tâm, săn sóc, dạy dỗ các con cái của mình (Cf. Ep. 48, 2: PL 33, 188): “Có hai cha mẹ sinh ra chúng ta dẫn đến sự chết, có hai cha mẹ sinh ra chúng ta dẫn đến sự sống. Cha mẹ sinh ra chúng ta trong sự chết là Adam và Eva, cha mẹ sinh ra chúng ta suốt đời là Chúa Kitô và Giáo hội” (Serm. 22, 10: PL 38, 154). Giáo hội là một người mẹ đau khổ vì những người con của mình đã rời bỏ sự công chính, nhất là những người con đã phá hủy sự hiệp nhất của mình với Giáo hội (Cf. e.g. Psalmus contra partem Donati, epilogus: PL 43,31-32); Giáo hội như bồ câu rên rỉ và kêu gọi con cái của mình trở về hoặc kéo lại gần dưới đôi cánh của mình (Cf. Tractatus in Io 6, 15: PL 35, 1432); Giáo hội biểu lộ tình phụ tử của Thiên Chúa trên toàn thể vũ trụ, bằng phương thức bác ái “dịu dàng đối với một số người, nghiêm khắc đối với những người khác, không là kẻ thù của ai cả, nhưng là người mẹ dành cho mọi người” (De catech. rud. 15, 23: PL 40,328). Giáo hội là một người mẹ, cũng như Đức Maria, một trinh nữ: người mẹ tràn đầy tình mẫu tử, luôn ra sức bảo vệ và dạy dỗ con cái của mình (Cf. Serm. 188, 4: PL 38, 1004). Tình mẫu tử thuần khiết này gắn liền với nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội, một nhiệm vụ mà Giáo hội thực thi trong sự vâng phục Chúa Kitô. Vì lý do này, thánh Augustinô nhìn Giáo hội với tư cách là người bảo vệ Kinh thánh (Cf. Confess. 7, 7, 11: PL 32, 759), và chứng thực rằng Đức Ki-tô sẽ luôn bảo vệ Giáo hội khỏi bất cứ khó khăn nào (Cf. De bapt. 3, 2, 2: PL 43, 139-140), và thánh nhân cũng khẩn thiết hô hào: “Do đó, như tôi đã thường nói và nhấn mạnh với các bạn rằng, dù chúng ta là ai, các bạn hãy luôn an tâm nếu bạn có Chúa là Cha của bạn và Giáo hội của Ngài là mẹ của bạn”(Contra litt. Petil. 3, 9, 10: PL 43, 353). Có lẽ không ai khác nói về Giáo hội với tình cảm và niềm đam mê nhiều như thánh Augustinô. Thánh nhân viết:“Chúng ta có Chúa Thánh Thần nếu chúng ta yêu mến Giáo hội: chúng ta yêu mến Giáo hội nếu chúng ta ở lại trong sự hiệp nhất và bác ái của Giáo hội.”(Tractatus in Io 32, 8: PL 35, 1646).

4. Tự do và ân sủng

Thánh Augustinô quan niệm ân sủng quan trọng tương tự như sự cần thiết của cầu nguyện[xxi]; và Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người và ban ân sủng trợ lực để con người có thể đáp trả lại trước lời mời gọi của Ngài. “Khi Thiên Chúa ra lệnh, Ngài khuyến khích bạn hãy làm những gì bạn có thể làm được và không yêu cầu những gì vượt quá khả năng của bạn”[xxii] và Ngài ban ân sủng trợ giúp con người, vì “Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta trừ khi chúng ta từ bỏ Ngài trước”[xxiii]. Thánh nhân khẳng định rằng: “chắc chắn rằng Thiên Chúa ban tặng ân sủng ngay cả khi chúng ta không cầu nguyện, như đức tin là sự khởi đầu chẳng hạn, nhưng những đặc ân khác chỉ dành cho những ai cầu nguyện”[xxiv]. Thánh Augustino còn nói rằng: nếu chúng ta khắc phục được hai chướng ngại vô minh và yếu đuối thì chúng ta sẽ hít thở được bầu không khí của tự do[xxv]; và cách hiển nhiên rằng, chúng ta cần phải nhờ đến ân sủng như sức mạnh để giải thoát chúng ta. Thánh Augustino mô tả và tôn vinh tự do Kitô giáo dưới mọi hình thức, chẳng hạn tự do khỏi tội lỗi – vì tự do phạm tội là “cái chết tồi tệ nhất của linh hồn” (Ep. 105, 2, 10: PL 33, 400) – nhờ đặc ân đức tin mà linh hồn hướng đến sự thật (Cf. De libero arb. 2, 13, 37: PL 32, 1261), đến tự do cuối cùng và trường tồn, và kiện toàn sự công chính (De corrept. et gratia. 12, 33: PL 44, 936); tự do khỏi tình trạng thống trị của những đam mê bị rối loạn là công việc của ân sủng. Đối với trường hợp ân sủng củng cố ý chí, thánh nhân khẳng định rằng nó được vận hành bằng tình yêu và do đó làm cho ý chí trở nên bất khả chiến bại trong việc chống lại sự dữ, mà không loại bỏ khả năng từ chối của ý chí. Nhận xét về những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan, “Không ai đến được với tôi trừ khi Cha lôi kéo người ấy” (Ga 6:44), thánh nhân viết: “Đừng nghĩ rằng bạn bị lôi kéo chống lại ý muốn của bạn: thần khí được ban xuống cũng phát xuất bởi tình yêu” (Tractatus in Io. 26, 25: PL 35, 1607-1609). Tình yêu, theo thánh nhân quan sát, hoạt động “với sự ngọt ngào của tự do” (Contra Iulianum. 3, 112: PL 45, 1296). “Luật của tự do là luật của tình yêu” (Ep. 167, 6, 19: PL 33, 740).

5. Đức ái

Thánh Augustino đã xác định được bản chất và chuẩn mực của sự hoàn hảo Kitô giáo trong đức ái[xxvi] bởi vì đó là món quà đầu tiên của Chúa Thánh Thần[xxvii] và ngăn ngừa con người trước khả năng phạm tội[xxviii].  Thật tốt biết bao khi chúng ta sở hữu được mọi thứ nhưng nếu không có đức ái thì những thứ ấy chẳng có giá trị gì cả. “Có đức ái, bạn sẽ có tất cả; vì khi không có đức ái, bất cứ điều gì bạn có sẽ không có giá trị gì”[xxix].
Thánh nhân chỉ ra tất cả sự giàu có vô tận của đức ái; nó có thể khiến cho mọi thứ khó khăn trở nên dễ dàng[xxx], mang lại sự tươi trẻ với những gì đã trở thành thói quen[xxxi]; mang đến sức mạnh không thể cưỡng lại cho động lực hướng về Đấng Tối Cao, bởi vì đức ái không thể hoàn hảo ở trái đất này được[xxxii]; giải thoát khỏi những bận tâm mà không phải là Thiên Chúa[xxxiii]; và cuối cùng là không thể tách rời khỏi sự khiêm nhường “nơi nào có sự khiêm nhường, nơi đó có đức ái”[xxxiv].

NHẬN ĐỊNH

Thánh Augustino đã ủy thác lại cho chúng ta một bí mật của niềm vui Ki-tô hữu, bí mật đơn sơ mà đòi hỏi, bí mật của đời sống riêng ngài, bí mật để gặp Thiên Chúa và sống trong tình yêu: “Một lần cho tất cả, bạn hãy nhớ một điều: Hãy yêu đi, rồi làm điều bạn muốn. Nếu bạn yên lặng, hãy yên lặng vì yêu. Nếu bạn nói, cũng hãy nói vì yêu. Nếu bạn tha thứ, hãy tha thứ vì yêu. Hãy đâm rễ tình yêu tận đáy sâu tâm hồn: từ gốc rễ này, chắc chắn sẽ chỉ sản sinh những điều tốt lành” (Chú giải thư thứ nhất của thánh Gioan 7, 8).

Giáo phụ Augustino là một trong tứ đại tiến sỹ của Hội Thánh Công giáo Tây Phương, không những bởi nhiều công trình mang tầm vóc tri thức mà còn bởi chính đời sống và kinh nghiệm tâm linh của ngài. Thật vậy, đa số tác phẩm của thánh nhân đều phản ánh và diễn tả một sự cảm nghiệm cách chân thực, phong phú và sống động về Thiên Chúa và con người. Augustino khởi đầu cuộc hành trình đi tìm chân-thiện-mỹ của mình nơi các thụ tạo; nhưng với thời gian và trải qua nhiều biến cố, ngài đã phát giác và nhận ra những điều mà mình đang truy tìm không thể thỏa mãn và phủ lấp được những khắc khoải tận sâu thẳm trong tâm hồn. Thánh nhân sau khi trở lại và cảm nghiệm được rằng, nhờ tình thương của Thiên Chúa mà bản thân được hồng ân biến đổi. Chính cảm nghiệm tâm linh sâu sắc đó đã định hướng cuộc đời và sứ vụ mục tử sau này của ngài. Cả cuộc đời của thánh nhân sau cuộc trở lại là một bài ca của đức ái.

Khi đọc tác phẩm Tự thuật của thánh nhân, tôi nhận thấy ngài là một con người rất đáng yêu, rất dễ thương, rất hiện sinh và còn có một tâm hồn thật dịu dàng và nhạy cảm. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy qua sự kiện người bạn tâm giao, tri kỷ của thánh nhân qua đời, đã khiến cho ngài viết nên những dòng tư tưởng thật lãng mạn hoặc khi có người đả động đến mẹ của ngài hoặc xao xuyến, khắc khoải đến rơi lệ trong trách nhiệm của một mục tử. Thật vậy, khi tôi được dịp để tiếp cận và tìm hiểu về thánh Augustino, tôi cảm thấy thật may mắn; vì đây cũng cơ hội để tôi trở về với chính mình để tìm gặp Thiên Chúa đang hiện diện cách sâu thẳm nơi tâm hồn và đồng thời tái khám phá những huyền nhiệm nơi con người. Thật vậy, với giáo phụ Augustino, con người là một sự tổng hợp của thân xác và linh hồn, vì theo trường phái triết học Platon, nên thánh nhân nhìn nhận linh hồn giữ một vai trò chủ đạo và điều khiển mọi quan năng của con người và tư tưởng này cũng bị ảnh hưởng bởi chính kinh nghiệm cá nhân của ngài. Khi đọc các tác phẩm của thánh nhân, nhất là về khía cạnh ân sủng luận, với tôi nhận định, ngài có hơi hướng bi quan về các năng lực của bản tính con người, khi quan niệm rằng, do tội nguyên tổ nên con người đã đánh mất đi sự công chính nguyên thủy, nghĩa là ân sủng, và không còn khả năng để thực hiện một sự thiện luân lý nào. Do đó, chỉ nhờ ân sủng được ban tặng qua cái chết và sự Phục sinh của Đức Ki-tô, con người mới có khả năng thực thi sự thiện. Thánh nhân không gạt bỏ yếu tố tự do và ý chí của con người, dù rằng đã bị thương tổn bởi tội nguyên tổ, nhưng cần phải có sự cộng tác với ân sủng từ phía con người để có thể đạt tới ơn cứu độ.

Một điều tôi khám phá nữa nơi vị giáo phụ này, ngoài năng lực của lý trí và tâm linh, là một con người của nghệ thuật. Người ta thấy ngài để lại một tập khảo luận chưa hoàn thành “về âm nhạc” (De la musicque), một khảo luận “về cái đẹp” (Du beau), tiếc là đã thất lạc. Ngài là con người say mê cái đẹp nên trong mọi hoàn cảnh, thậm chí ngay cả trong bộ luật đan tu, ngài đều nhắc đến nó. Là một chuyên viên và bậc thầy về khả năng sử dụng ngôn ngữ, nên trong các bài giảng của ngài mang một nhịp điệu và âm sắc lúc trầm lúc bổng. Tất cả năng lực đó của ngài đều nhắm đến một mục đích duy nhất là dẫn người ta đến với Thiên Chúa, là đại bậc thầy của con người. Trong khi đó, thánh nhân cũng được xem như là một bậc thầy về đời sống nội tâm trong thời đại của ngài. Nhiều người và ngay cả giám mục cũng đến với ngài để tham vấn và xin ý kiến.

Qua những gì được trình bày cách sơ lược và ngắn gọn về thánh Augustino, chúng ta nhận thấy ngài được tôn vinh là một vị giáo phụ vĩ đại nhất và có nhiều đóng góp nhất cho sự phát triển của nền triết học và thần học Ki-tô giáo. Bởi lẽ không chỉ đơn thuần do công trình đồ sộ về số lượng tác phẩm, về kinh nghiệm tâm linh sâu sắc mà còn là người đã bảo vệ các chân lý đức tin của Ki-tô giáo trước các bè phái và lạc thuyết. Thánh nhân là người đã thừa hưởng mọi truyền thống của các giáo phụ đi trước và với trí thông minh vốn có, ngài đã triển khai và phát huy tất cả tư tưởng thần học của các bậc tiền nhân lên đến đỉnh cao của nó. Tư tưởng của Augustino không những ảnh hưởng cách sâu đậm trên thời đại của ngài mà còn kéo dài đến tận thời đại của chúng ta ngày hôm nay. Rất nhiều vị giáo hoàng đã mượn tư tưởng của thánh nhân để trình bày giáo lý đức tin cho người tín hữu và rất nhiều người, dù là người có niềm tin vào Chúa Ki-tô hay không, đã sử dụng những quan điểm của ngài để triển khai trong các bài luận của mình.

NĐT

[i] Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.

[ii] Xc. ĐGH Benedicto XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ, Phương Đông, 2017.

[iii] 1/ Ordo Monasterii (bắt đầu bằng các lời “Ante omnia, fratres carissimi” và kết thúc bằng “de vestra salute. Amen”). 2/ Praeceptum (bắt đầu bằng “Haec sunt quae ut observetis praecipimus” và kết thúc “et in temptationem non inducatur”). Dài gấp 5 lần bản số Một. 3/ Praeceptum longius ghép hai bản số Một và Hai. 4/ Regula recepta, lấy các lời đầu của bản số Một đem chắp vào bản số Hai.

Các bản dành sau đây dành cho nữ giới: 5/ Obiurgatio, bức thư gửi cho các nữ tu, khiển trách vì tội bất tuân bề trên, (tức là lá thư số 211 đã nói trên đây). 6/ Regularis informatio, bản luật (số Hai nói trên đây) chuyển sang giống cái. 7/ Epistula longior, ghép hai bản văn số Năm và Sáu. 8/ Ordo monasterii feminis datus, hầu giống y như bản văn số Một, chuyển sang giống cái. 9/ Epistula longissima, ghép một mảng của bản số Năm với số Tám, dán thêm một khúc của bản số Sáu. Sau khi đối chiếu, phân tích và phê bình, tác giả lọai ra 4 bản (Ba, Bốn, Bảy, Chín); rồi lọc đi lọc lại, cuối cùng chỉ còn 2 bản được vào vòng chung kết, đó là: một bản luật dành cho nữ giới (Obiurgatio, Regularis Informatio), và một bản dành cho nam giới (Praeceptum, còn mang tên là Regula ad servos Dei).Giữa bản văn Regularis Informatio và Regula ad servos có nhiều đọan giống nhau. Phải chăng thánh Augustinô đã viết cả hai bản luật, hay chỉ có viết một bản thôi (bản kia chỉ là sự thích nghi văn phạm, đổi giống cái sang giống đực)? Bản nào ra đời trước: nữ hay nam? Các học giả chia thành 2 ý kiến: (a) Theo một ý kiến cổ truyền, thánh Augustinô đã viết một bản luật cho nữ giới, rồi sau đó nó được chuyển sang giống đực. Lý do vì có những ý tưởng xem ra chỉ thích hợp cho đàn bà chứ không dính dáng gì tới nam giới, chẳng hạn như thích làm dáng trong cách phục sức (chương IV), gửi đồ đi giặt ở ngòai nhà dòng (chương V), hoặc là những hình ảnh về hương thơm và soi gương (chương VIII). (b) Ý kiến thứ hai (do cha Pierre Mandonnet O.P. khởi xướng vào giữa thế kỷ XX) lật ngược lại thế cờ: bản Regula ad servos Dei mới thực là bản luật được Augustinô viết cho một cộng đòan đan tu tại Hippona (năm 397), rồi sau đó nó được thích nghi cho nữ giới! Cha Verheijen đã tán thành ý kiến của cha Mandonnet.

Dù nói thế nào đi nữa về nguồn gốc của bản luật, để nắm được tư tưởng của thánh Augustino về đời đan tu, cần phải quy chiếu về những văn phẩm khác nữa, chẳng hạn: khảo luận De opere monachorum và De sancta virginitate (viết khỏang năm 401); hai bức thư gửi cho các nữ đan sĩ tại Hippona (số 210-211); hai bài giảng (số 355 và 356) dành cho các đan sĩ sống cạnh tòa giám mục; chú giải thánh vịnh 132.

(Xc. Phan Tấn Thành, “Tu luật thánh Augustino”. Truy cập 08-04-2019, http://conggiao.info/tu-luat-thanh-augustino-d-759.)

[iv] Xc. ĐGH Benedicto XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ, Phương Đông, 2017 ; ĐGH Gioan Phaolo II, Augustinum Hipponsensem, 1986.

[v] Contra Academicos. III, 20, 43

[vi] cf. Sermones. 43, 9

[vii] De vera religion. 39, 72

[viii] Confessions. I, 1, 1

[ix] De la Trinité. 13, 19, 24: PL 42, 1034.

[x] Ep. 118, 5, 33: PL 33, 448.

[xi] De civ. Dei 11, 10, 1: PL 41, 325.

[xii] De Trin. 4, 20, 29: PL 42, 908.

[xiii] Cf. De Trin. 15, 17, 29: PL 42, 1081.

[xiv] De dono persev. 24, 67: PL 45, 1033-1034.

[xv] Serm. 186, 1, 1: 38, 999.

[xvi] Serm. 294.9: PL 38, 1340.

[xvii] Augustinum Hipponensem, 3.

[xviii] De Civitate Dei. X, 32, 2.

[xix] In Iohannis Evangelium Tractatus. 21, 8.

[xx] Enarrationes in Psalmos. 85, 1.

[xxi] Cf. Ep. 130: PL 33, 494-507.

[xxii] De natura et gratia. 43, 50: PL 44, 271, Cf. Conc. Trid., D-S

[xxiii] De natura et gratia. 26, 29: PL 44, 261

[xxiv] De dono persev. 16, 39: PL 45, 1017

[xxv] De pecc. mer. et rem. 2 17, 26: PL 44, 167.

[xxvi] Cf. De natura et gratia. 70, 84: PL 44, 290.

[xxvii] Cf. Tractatus in Io. 87, 1 : PL 35, 1852.

[xxviii] Cf. Tractatus in Ep. Io. 7, 8; 10, 7: PL 35, 1441; 1470-1471.

[xxix] Tractatus in Io. 32,8: PL 35, 1646.

[xxx] Cf. De bono viduitatis. 21, 26: PL 40, 447.

[xxxi] Cf. De catech. rudibus. 12, 17: PL 40, 323.

[xxxii] Cf. Serm. 169, 18: PL 38, 926; De perf. iust. hom.: PL 44, 291 318.

[xxxiii] Cf. Enarr. in ps. 53, 10: PL 36, 666-667.

[xxxiv] Tractatus in Ep. Io, prol.: PL 35, 1977.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Augustino, Tự Thuật, Vân Thúy, Tôn Giáo, Hà Nội.

2. Augustine, The Confessions, Oxford, John Henry Parker, J.G.F. and J. Rivington, London.

3. Johannes Quasten, Patrology (Vol. IV), Westminster, Maryland: Christian Classic, 1986.

4. Adalbert-G.Hamman, Để đọc các Giáo phụ, Dg. Minh Thanh Thủy, Trần Ngọc Anh, Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.

5. Lê Văn Chính, Giáo trình Giáo phụ học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2009.

6. John Paul II, Augustinum Hipponsensem, 1986.

7. ĐGH Benedicto XVI, 36 Thánh Tiến Sỹ, Học viện Đaminh, Phương Đông, 2017.