Thánh Louise de Marillac, tấm gương của tình mẫu tử

0
1292

 

     Một trong những cảm nghiệm thiêng liêng về Thánh Louise de Marillac mà người ta thường nhắc đến nhiều nhất là các nhân đức, sống yêu thương người nghèo, kiên trì tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, v.v. Nhưng từ những gì chúng ta đọc được về cuộc đời của Thánh Louise de Marillac, chúng ta còn nhận thấy rằng, thánh nữ đã có một kinh nghiệm rất thực tế và rất thiêng liêng trong hành trình nên thánh của mình. Đó là tình mẫu tử, tình mẹ dành cho con, rồi tình mẫu tử dành cho những người nghèo khổ, bệnh tật, nhất là những cô gái quê mùa thất học. Khía cạnh này có lẽ là một trong những điểm sâu sắc mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, qua kinh nghiệm thiêng liêng trong cuộc đời của Thánh Louise de Marillac.

  1. Tình mẫu tử dành cho đứa con trai của mình

Thánh  Louise trải qua cuộc sống bất hạnh ngay từ khi còn nhỏ. Mẹ cô qua đời khi Louise mới 2 tuổi. Những trải nghiệm tuổi thơ này đã chiếm trọn tâm hồn Louise ngay từ khi còn nhỏ, nên cô luôn khao khát tình mẫu tử. Cô khao khát được sự chăm sóc, chiều chuộng của mẹ khi muốn điều gì đó. Thật không may, Louise đã không có được điều đó. Cô sống trong hoàn cảnh cô đơn, thiếu thốn tình mẫu tử. Có lẽ chính vì trải nghiệm bản thân này mà sau này, thánh nữ đã dành hết tình yêu thương cho đứa con trai của mình. Bà rất thương con, nhưng ngược lại, điều đó khiến bà đau khổ rất nhiều.

Nỗi đau khổ này bắt đầu khi chồng bà qua đời vào tháng 12 năm 1625, khi bà chia sẻ “nỗi đau quá lớn, đến nỗi nếu tôi đã nói và làm những gì tôi cảm thấy bắt buộc phải làm, tôi tin rằng…” (SWLM:692 [A.15b]). Louise trở thành góa phụ ở tuổi ba mươi bốn và con trai bà mười hai tuổi. Louise đảm nhận vai trò giáo dục anh ta một mình, với sự giúp đỡ của Thánh Vinh Sơn Phaolô. Bà coi Thánh Vinh Sơn như một người cha thiêng liêng của con trai mình. Bởi vì bà biết rằng, rất khó để bà nuôi dưỡng và giáo dục anh ta, nếu vắng bóng người cha trong gia đình. Bà muốn anh trở thành một người đàn ông tốt và bà yêu thương anh rất nhiều.

Tuy nhiên, cậu con trai Michel của bà tính tình ngang ngược, thất thường và lười học. Thánh Louise đã mơ ước nhiều điều cho cậu ta, thậm chí bà muốn cậu trở thành một linh mục. Nhưng con trai của bà đã đối đầu với bà và gây ra nhiều đau khổ cho mẹ nó, như bà van xin vị linh hướng của mình trong một lá thư: “con vô cùng lo lắng cho con trai mình… cha biết nỗi buồn của con lớn đến mức nào và con có nhiều lo lắng lắm” (SWLM: 122 [L.113]). “Xin giúp con luôn gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu Kitô” (SWLM”135 [L.109]). Mối quan tâm của bà là làm thế nào để cậu ta có thể giữ vững niềm tin và trở thành một người đàn ông tử tế. Cuối cùng, bà quyết định, như bà nói với Thánh Vinh Sơn “con rất muốn trao nó (con trai của bà) và phó thác nó hoàn toàn cho Chúa” (SWLM:166 [L.151]).

Qua chi tiết nhỏ này, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, cuộc sống của bà quan tâm nhất đến con cái. Bà đau khổ vì con trai mình. Đó là nỗi khổ của một người mẹ hết mực yêu thương con, cuối cùng cũng đành phó mặc cho Chúa, bởi vì bà cảm thấy sự bất lực của mình. Bà không ngại nói về những mối quan tâm liên tục của mình đối với con trai và bà chấp nhận lời khuyên khôn ngoan của vị linh hướnh của mình. Những lời của cha Vinh Sơn đôi khi hài hước: “Về cậu bé Michel, đó không phải là một sự cám dỗ khác đối với cô khi phải lo lắng về nghĩa vụ chăm sóc cậu ta sao ? Ồ! Chúa của chúng ta chắc chắn đã không lầm, khi không chọn cô làm Mẹ của Ngài, vì cô không nghĩ rằng, cô có thể nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong sự chăm sóc mẫu tử mà Ngài đòi hỏi nơi cô đối với con trai của cô. Hoặc có lẽ cô cảm thấy điều đó sẽ cản trở cô làm theo ý muốn Thiên Chúa trong những vấn đề khác. Chắc chắn là không, vì ý muốn của Thiên Chúa thì không đối lập với ý muốn của chính Người. Do đó, hãy tôn vinh sự lặng lẽ âm thầm của Đức Trinh Nữ  Maria trong vai trò làm mẹ” (CCD: I:109).

Chúng ta có thể hiểu, sự lo lắng của bà xuất phát từ tình yêu của một người mẹ dành cho con mình. Bà luôn muốn con trở thành một người tốt, và đặc biệt là một Kitô hữu tốt, như sau này Đức Thánh Cha Phanxicô dạy trong Amoris Laetitia “Trẻ em vừa mới chào đời, cùng với việc được nuôi dưỡng và chăm sóc, bắt đầu nhận được một ơn huệ là biết chắc chắn chúng được yêu thương bằng một tình yêu thiêng liêng. Những hành động yêu thương tỏ lộ qua việc đặt tên riêng cho em, tập cho em nói bằng một ngôn ngữ chung, những ánh nhìn đầy trìu mến, những nụ cười rạng rỡ. Như thế, bài học đầu tiên chúng học được đó là vẻ đẹp của các mối tương quan giữa người với người hệ tại ở tâm hồn, mưu cầu tự do cho ta, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng họ như là một đối tác. […] Và đó chính là tình yêu, phản chiếu một tia sáng của tình yêu Thiên Chúa” (Amoris Laetitia # 172).

Có lẽ bà muốn bù đắp cho con trai mình tình mẫu tử mà bà đã khao khát khi còn nhỏ. Đồng thời, đó có thể là cách bà bày tỏ tình yêu của Chúa mà bà đã cảm nhận được. “Chúng ta phải cố gắng khám phá nơi Thiên Chúa một số động lực cho hành động đáng ngưỡng mộ và, theo nghĩa con người không thể hiểu nổi điều này. Vì không có lý do rõ ràng nào khác ngoài tình yêu thuần khiết của Ngài, nên chúng ta phải tôn vinh và tôn vinh Thiên Chúa bằng những hành động ngợi khen, tôn thờ, yêu thương và biết ơn vì phát minh đầy yêu thương của Ngài đã liên kết Ngài với chúng ta. Đôi khi, chúng ta nên hỏi Ngài liệu việc trở thành con người không đủ để chinh phục hoàn toàn trái tim của chúng ta hay không. Ở những người khác, chúng ta nên tìm cách khám phá những gì có trong chúng ta, mà Ngài muốn có được với giá rất cao và dâng nó cho Ngài” (SWLM:822: [M.72]).

  1. Tình mẫu tử dành cho những cô gái nghèo

Xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của xã hội Pháp lúc bấy giờ, thánh Louise de Marillac đã dành tình cảm đặc biệt cho những cô gái nghèo ở vùng quê nước Pháp lúc bấy giờ. Điều quan trọng là làm thế nào những cô gái này có thể đọc và viết. Vì vậy, cô đã mở những trường học nhỏ ở vùng nông thôn và dạy cho các Nữ Tử Bác Ái và các Hội bác ái để chăm sóc và giáo dục những cô gái nhỏ này “Họ (Nữ Tử Bác Ái) sẽ dạy những cô gái nhỏ trong làng khi họ ở đó. Họ sẽ cố gắng đào tạo các cô gái địa phương, để thay thế họ trong công việc này khi họ vắng mặt. Họ sẽ làm tất cả những điều này vì tình yêu của Thiên Chúa và không nhận bất kỳ thù lao nào” (SWLM:729 [A.54]). Thánh Louise luôn quan tâm nhất đến trẻ em nghèo. Đó là trọng tâm của những ngôi trường mà bà thành lập. Bởi chúng là những đối tượng yếu thế trong xã hội và cần được yêu thương. Làm sao Thánh Louise có thể dám làm điều này nếu bà không có tình mẫu tử thiêng liêng? Chúng ta cảm thấy điều này đến từ một tình yêu đặc biệt của bà. Nó xuất phát từ thực tế cuộc sống và đến từ ân sủng của Thiên Chúa. Thánh nữ đã cộng tác với ơn Chúa để thể hiện tình yêu của Ngài bằng việc giáo dục các bé gái nghèo ở thôn quê.

Và mục tiêu của việc giáo dục này là giáo dục đức tin cho các em và mong các em trở thành người tốt trong xã hội và giáo hội. “Chị ấy [NTBA] sẽ đặt tầm quan trọng lớn hơn vào việc hướng dẫn học sinh hiểu biết các mầu nhiệm đức tin, đạo đức đúng đắn và sự khác biệt giữa thiện và ác, hơn là tiến bộ trong việc đọc hoặc ghi nhớ nhiều sự kiện vốn bộc lộ nhiều sự tò mò hơn. Và cụ thể hơn là sự học hỏi vững chắc bao gồm việc hiểu rõ ràng những gì đã được dạy và sử dụng nó một cách hiệu quả ” (SWLM:762 [A.91b]). Cần có “Bài học thiết yếu nhất là sự hiểu biết về Thiên Chúa và tình yêu của Người” (SWLM:618 [L.598]).

Như vậy, qua đặc điểm quá trình lớn lên của thánh Louise, chúng ta có thể nhận thấy tình yêu của bà dành cho người khác, đặc biệt ở đây là tình yêu dành cho những cô gái thôn quê. Tình yêu thương này rất thiết thực và sâu sắc, nó thể hiện tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho con cái. Thánh Louise đóng vai một người mẹ chăm sóc những đứa con nhỏ của mình. Đó là đặc tính yêu thương của một gia đình Kitô hữu được hiểu theo nghĩa mở rộng, khi chúng ta quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình và dành tình yêu thương đó cho họ. Thánh Louise đã sống mẫu mực này như Amoris Laetitia đã nói: “Gia đình nhỏ không nên cô lập mình khỏi gia đình mở rộng, nơi có cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em họ và cả người láng giềng. Trong gia đình rộng lớn ấy, có thể có những ai đó cần được giúp đỡ hoặc ít là cần đồng hành và cần nhận được những cử chỉ yêu thương, hoặc có thể có những người đang chịu nhiều đau khổ cần được ủi an” (Amoris Laetitia, # 187).

  1. Tình mẫu tử dành cho người nghèo và bệnh tật

Ngoài tình yêu dành cho các em gái nhỏ, Thánh Louise còn có một tình yêu rất đặc biệt và sâu sắc trong suốt cuộc đời phục vụ người nghèo và bệnh tật. Thánh Louise đã nhận được ơn hoán cải và quyết tâm dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa để phục vụ tha nhân, đặc biệt quan tâm đến người nghèo và người bệnh. Cả cuộc đời và ơn gọi của bà dành trọn vẹn cho người nghèo. Thánh Louise đang tìm kiếm Ý Chúa phù hợp với mình khi cô phải trải qua những biến cố trong cuộc đời. Với sự giúp đỡ của các vị linh hướng, Thánh Louise dần dần sống điều Chúa muốn bà sống. Tình mẫu tử cao cả đối với ơn gọi đặc biệt này có thể được tóm gọn trong từ “caritas”. Nó có nghĩa là từ bác ái, và cũng có nghĩa là tình yêu. Bà thể hiện tình mẫu tử bằng cách thể hiện điều ấy với tư cách là một Nữ Tử Bác Ái, như Thánh Vinh Sơn trong một dịp đã nói: “Lòng bác ái đối với những người bị kết án tội nghiệp là công lao vô song trước mặt Chúa. Cô đã làm rất tốt để hỗ trợ họ và sẽ làm tốt để tiếp tục bằng mọi cách có thể, cho đến khi tôi được gặp cô sẽ diễn ra sau hai hoặc ba ngày nữa. Hãy suy nghĩ một chút về việc liệu tổ chức từ thiện của cô tại Saint Nicolas có sẵn sàng nhận trách nhiệm cho họ hay không, ít nhất là trong một thời gian. Cô có thể giúp họ với số tiền bạn còn lại. Thật vậy, nó rất khó, và đó là điều khiến tôi tình cờ đề xuất ý tưởng này” (CCD: I:168). Do đó, thánh Vinh Sơn đã khẳng định vai trò của bà trong việc phục vụ người nghèo. Để đến được với người nghèo các Nữ Tử Bác Ái cần phải có những đức tính và thái độ rất đặc biệt. Một lần khi Thánh Vinh Sơn nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, cha thánh ca ngợi một trong những chị đã qua đời “Chị ấy chết vì tình yêu thiêng liêng, vì chị ấy chết vì lòng bác ái” (CCD: I:241).

Trước hết, Thánh Louise nói đến việc chăm sóc thể xác cho người bệnh và người nghèo. Các Nữ Tử Bác Ái cần phải làm điều đó như họ làm cho Chúa Kitô nơi những người nghèo khổ đó. “Những người nghèo bị bỏ rơi, những người đang rất cần và chỉ có thể tìm thấy sự khuây khỏa khi được phục vụ bởi những chị nữ tử nhiệt tâm này, những người đã tách khỏi mọi tư lợi và hiến thân cho Chúa, để phục vụ tinh thần và thể xác cho những tạo vật đáng thương này, mà lòng tốt của Ngài muốn xem như các chi thể của Ngài” (SWLM, 17-18 (L. 9)). Trong thư gửi các nữ tử ở Anger vào tháng 5 năm 1650, Thánh Louise de Marillac đã nhắc nhở các con cái của mình “Các chị biết rằng họ là chủ nhân của chúng ta và chúng ta phải yêu thương họ một cách dịu dàng và tôn trọng họ sâu sắc. Những câu châm ngôn này nằm trong tâm trí chúng ta là chưa đủ; chúng ta phải làm chứng cho họ bằng sự chăm sóc dịu dàng và bác ái của mình” (SWLM 320-321 (L284b)).

Thực tế này cũng được thể hiện qua việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà của họ và các Nữ Tử Bác Ái có thể nấu ăn cho họ, để chăm sóc thể chất cho họ, khi bà nói với các chị em “họ đến thăm bệnh nhân ba lần một ngày và nếu không có nhiều người trong số họ, thì hãy nấu soup thịt tại nhà riêng của họ” (SWLM 721, (A 53)). Đối với các Nữ Tử đang phục vụ tại giáo xứ, thánh Louise cũng chỉ dẫn rất cụ thể cho các chị em khi phải chăm sóc người nghèo, người bệnh. “Các chị cũng phải tìm kiếm sự an ủi cho người bệnh khi họ thực sự cần, tôn trọng họ và nói chuyện với họ một cách nhẹ nhàng và khiêm tốn, đừng bao giờ nghĩ rằng người nghèo nợ chúng ta bất cứ điều gì cho những việc phục vụ này” (SWLM 741, A91). Hoặc có những phẩm chất khác, được thể hiện trong các nhân đức của người phụ nữ, cũng được bày tỏ tâm tình của Thánh Louise de Marillac “Tôi ước ao tất cả các chị em được tràn đầy một tình yêu lớn lao, một tình yêu sẽ đắm chìm chúng ta một cách ngọt ngào trong Thiên Chúa và rất bác ái trong việc phục vụ người nghèo. Rằng trái tim của chị em sẽ không còn chỗ cho quá nhiều suy nghĩ gây nguy hiểm cho sự kiên trì của chúng ta” (SWLM 75, L 441).

Ở đây chúng ta có thể nhận ra những đức tính đáng kính của chính Thánh Louise. Đây cũng là những đức tính thường thể hiện ở người mẹ khi thể hiện tình yêu thương với con cái. Thánh Louise đã biến những kinh nghiệm đau thương của mình thành hoa trái ngọt ngào của sự thánh thiện và bác ái. Thánh nữ đã thể hiện điều đó bằng những cử chỉ ngôn sứ của bà khi bà phục vụ người nghèo. Điều này đã tạo nên một sức hút rất lớn cho các Nữ Tử Bác Ái, đặc biệt trong thế giới ngày nay.

 Điều này cho thấy Thánh Louise cũng rất nhạy bén trước những dấu chỉ thời đại của mình, nên đã nhận ra thánh ý Thiên Chúa dành cho mình. Đây là một sự kiện trọng đại trong đời Louise mà bà cảm nghiệm trong sự kiện Lễ Ngũ Tuần. “Vào Lễ Hiện Xuống, trong Thánh Lễ hay khi tôi đang cầu nguyện trong nhà thờ, tâm trí tôi ngay lập tức được giải thoát khỏi mọi nghi ngờ. Tôi được khuyên rằng tôi nên ở lại với chồng và sẽ đến lúc tôi có thể tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời và tôi sẽ ở trong một cộng đồng nhỏ nơi những người khác cũng sẽ làm như vậy. Sau đó tôi hiểu rằng, tôi sẽ ở một nơi mà tôi có thể giúp đỡ người thân cận của mình, nhưng tôi không hiểu làm thế nào điều này có thể thực hiện được, vì có quá nhiều thứ đến và đi” (SWLM 1-2, A2).

Thông qua sự kiện này, thánh Louise đã thay đổi kế hoạch dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và những người khác. Bà đã sống phần đời còn lại của mình để tôn kính sự quan phòng của Chúa dành cho bà. Sự tận tụy phục vụ người nghèo và bệnh tật của bà đã xóa bỏ mọi nghi ngờ về tình yêu của Thiên Chúa. Như trong quan niệm thần học thường nói, siêu nhiên không hủy diệt tự nhiên, nhưng siêu nhiên hoàn thiện tự nhiên và biến nó thành phương tiện cứu rỗi của chính con người.

Thánh Louise là một trong những trường hợp như vậy. Con người tự nhiên của bà đã được biến đổi nhờ ân sủng. Từ một người mẹ thường lo buồn cho con, đến người mẹ tinh thần của những cô gái đáng thương và người mẹ của những người nghèo khổ bệnh tật, như sự thay đổi ấy là do ơn Chúa. Vì vậy, với kinh nghiệm làm mẹ và làm góa phụ, thánh nữ biết cách quan tâm và yêu thương người khác. Cũng chính từ kinh nghiệm sống này, bà biết đức tính nào là quan trọng và cần thiết của một người Nữ Tử Bác Ái, đó là yêu thương và quan tâm đến người khác, đặc biệt là người nghèo. Họ chỉ có thể chăm sóc tốt cho người khác, bằng những đức tính cơ bản mà Thiên Chúa đã phú cho họ như một người phụ nữ. Điều này có nghĩa đây là những phẩm chất tiềm ẩn của một người mẹ chăm sóc con cái. Nhưng lần đầu tiên thánh Louise có trải nghiệm này với tư cách là một người phụ nữ và một người mẹ.

Phần kết luận

Thánh Louise đã trở thành tấm gương mẫu mực trong cuộc đời của một người Nữ Tử Bác Ái. Họ cần cảm thông và học hỏi điều này từ gương của Thánh Louise de Marillac để sống ơn gọi của mình. Tình yêu thương luôn là một đức tính quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Đồng thời, một người Nữ Tử Bác Ái chỉ trở thành một người phụ nữ bác ái thực sự, khi chị ấy sống trọn con người của mình qua việc yêu thương tha nhân.

Thánh Louise đã sống như thế và các Nữ Tử Bác Ái cũng được kêu gọi sống như thế trong đời sống của họ. Thánh nữ đã sống bằng tấm lòng của một người mẹ và bà cũng là người đã bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người nghèo khổ bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Đó là mẫu gương của thánh Louise đã để lại cho chúng con, những thành viên Vinh Sơn một bài học lớn về lòng bác ái và tình mẫu tử thiêng liêng.

Lễ thánh Louise de Marillac 2023

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM

Tham khảo

Benito Martínez Betanzos, CM, Saint Louise de Marillac, a mystic, Vincentian Encyclopedia.

María Teresa Barbero Echavarría, DC, Saint Louise de Marillac and Education, Vincentian Encyclopedia.

Louise de Marillac, Spiritual Writings Correspondence, Meditations, Advice.  At https://via.library.depaul.edu/ldm/11.

Gobillon, Nicolas and Sisters of Charity, “The Life of Mademoiselle Le Gras: Foundress and First Superior of the Sisters of Charity, Servants of the Sick Poor” (1984). Vincentian Digital Books. 21. https://via.library.depaul.edu/vincentian_ebooks/21.