“Quyền năng biến đổi của lời cầu nguyện”
Rôma ngày 19/02/2020
Anh em thân mến,
Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giêsu hằng ở cùng chúng ta!
Trong Mùa Chay này, chúng ta tiếp tục suy ngẫm về nền móng linh đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô. Điều làm cho thánh Vinh Sơn trở thành một nhà Thần Bí Bác Ái chính là việc lấy cầu nguyện làm trung tâm đời sống của ngài. Tôi hiểu như thế nào về cầu nguyện? Cầu nguyện có ý nghĩa gì với tôi hay không?
Tuỳ vào câu trả lời, một đàng, việc cầu nguyện có thể trở nên một gánh nặng mà tôi phải mang hết ngày này qua ngày khác. Nó có thể là một loạt những bản văn, công thức, điệu bộ và quy tắc bắt buộc tôi phải theo. Trong trường hợp này, cầu nguyện dần dần hoá ra vô ích – một thứ chẳng dính dáng gì đến cá nhân tôi hay đến thực tại đời sống của tôi. Tuy nhiên, như thánh Vinh Sơn đã nói: “Người ta không thể hy vọng gì nhiều từ một người ít khi nào trò chuyện với Thiên Chúa. Ngoài ra, nếu có ai không phụng sự Thiên Chúa như bổn phận đòi buộc, thì là bởi vì họ đã không gắn bó với Người cho đủ, và vì họ đã không nài xin Người ban ơn với lòng tin tưởng tuyệt đối”[1]
Đàng khác, nếu việc cầu nguyện trở nên điều không thể thiếu trong cuộc đời tôi, không thể bị tách khỏi con người tôi, khỏi suy nghĩ, lời nói và việc làm của tôi, thì khi đó, việc cầu nguyện chứa đựng một quyền năng biến đổi. Cầu nguyện là một tình trạng hiện hữu, một mối tương quan không ngưng nghỉ với Đức Giêsu, và là suối nguồn của ý nghĩa. Nơi đó, tôi khám phá ra trọng tâm đời sống tôi, ơn gọi của tôi, sứ vụ của tôi và lời giải đáp cho các vấn nạn trong đời tôi. Bởi vì cầu nguyện bắt nguồn từ Thiên Chúa, nên quyền năng biến đổi của nó trong tôi không ngừng “đổi mới mọi sự.” Sự chuyển thông là bản tính của Thiên Chúa.
Khi Thiên Chúa muốn chuyển thông chính mình, Người thực hiện điều đó dễ dàng theo một cách thức dịu dàng, nhẹ nhàng, trìu mến và có thể cảm nhận được; vì thế, hãy thường xuyên kêu cầu Người ban cho chúng ta ơn cầu nguyện này, với niềm tin tưởng lớn lao. Về phía Người, Thiên Chúa không đòi hỏi gì hơn; hãy cầu nguyện với Người, nhưng hãy làm điều đó với niềm tin tưởng tuyệt đối, và chắc chắn rằng, nơi lòng thương xót của Chúa, cuối cùng, Người sẽ ban cho chúng ta điều ấy.[2]
Cầu nguyện là không gian để tôi gặp gỡ Đức Giêsu, thưa chuyện với Người, lắng nghe và chia sẻ với Người. Đó là nơi tôi đặt ra các nghi vấn với Đức Giêsu, nơi tôi tin tưởng đặt mình vào tay Người. Khi tôi tiếp cận mọi điều tôi suy nghĩ, nói năng và hành động như thể đó là một phần mối tương quan cá vị giữa tôi với Đức Giêsu, thì khi đó, mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của tôi trở thành lời cầu nguyện. Tôi đứng trước Ai Đó. Tôi hiện diện với Ai Đó. Tôi thưa chuyện, lắng nghe và chia sẻ với Ai Đó, Đấng là “Tình yêu” của đời tôi và là Đấng tôi mong ước được nên đồng hình đồng dạng. Một mối tương quan như thế đòi hỏi sự khiêm tốn mở lòng ra với Người và để Người dẫn dắt cuộc đời ta.
Hãy nghe tôi, hỡi các anh em, xin hãy nghe tôi. Đây là phương châm không thể sai lầm của Đức Giêsu Kitô mà tôi thường xuyên công bố với anh em nhân danh Người. Phương châm ấy là: Thiên Chúa chỉ có thể lấp đầy một tâm hồn khi tâm hồn ấy trống rỗng. Thiên Chúa sẽ ở lại và hành động nơi tâm hồn ấy; chính nhờ ước ao bị sỉ nhục mà chúng ta trở nên trống rỗng; đó là sự khiêm nhường, một sự khiêm nhường thánh thiện. Khi đó, không còn là chúng ta hành động nữa nhưng là Chúa hành động trong chúng ta, và mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.[3]
Suốt đêm ngày, dù khi thức hay khi ngủ, tôi vẫn không ngừng tiếp xúc với Đức Giêsu, trong việc cầu nguyện liên lỉ. Đó là ý nghĩa lời cổ võ của thánh Phaolô dành cho các tín hữu Thesalonica: “hãy cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17). Đó cũng là lời kêu gọi của thánh Vinh Sơn với các Nữ tử Bác ái: “Nếu có thể, chị em hãy cầu nguyện hàng giờ, thậm chí không khi nào ngừng, vì việc cầu nguyện chiếm vị trí trổi vượt đến nỗi chúng ta chẳng bao giờ làm đủ.”[4] Khi mối bận tâm chính yếu của tôi là tương quan với Thiên Chúa thì khi ấy, mọi sự trở thành lời cầu nguyện và mọi sự trở thành Tình Yêu.
Đức Kitô đã nói: Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của người, còn tất cả những điều anh em cần, Người sẽ ban cho (Mt 6,33). Đó là nền tảng cho mỗi chúng ta trong việc theo đuổi những gì ưu tiên hơn: những vấn đề liên quan đến mối tương quan giữa chúng ta đối với Thiên Chúa thì quan trọng hơn những vấn đề thuộc về thế gian; phần rỗi linh hồn quan trọng hơn sức khoẻ thể xác, vinh quang Thiên Chúa hơn là danh dự của người phàm.[5]
Thực ra, việc cầu nguyện làm biến đổi thang giá trị và mối tương quan của tôi với con người, sự vật, thời gian và nơi chốn. Những ưu tiên của tôi sẽ trở nên khác biệt với những ưu tiên của thế giới mà tôi đang sống. Lá thư được cho là gửi Điônhêtô đã đưa ra mô tả về các Kitô hữu tiên khởi, phải được áp dụng cho cả tôi nữa:
Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một nếp sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số người kia. Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tuỳ theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ. Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luật pháp. Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giàu. Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật mọi sự. Họ bị sỉ nhục, nhưng giữa những sỉ nhục, họ lại được vinh quang. Danh thơm của họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ lại được phô bày. Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã, họ tỏ lòng kính trọng. Khi làm điều thiện, họ lại bị trừng phạt như những kẻ bất lương. Khi bị trừng phạt, họ vui mừng như được sống.[6]
Các Kitô hữu trên sẽ chẳng bao giờ có thể sống sót, duy trì đức tin, vượt qua những đau khổ – bách hại, và làm chứng – cho đến chết – nếu như đời sống cầu nguyện của họ không phải là một mối tương quan sâu sắc với Đấng là Tình Yêu trong đời họ. Đức Giêsu là tất cả của họ và vì thế, Người dẫn dắt mọi lựa chọn của họ. Theo lời khuyên của thánh Vinh Sơn cho các anh em, điều ấy đòi hỏi một sự am tường về Người và “bước vào tinh thần của Người”:
Khi có dịp, chúng ta hãy tự hỏi: ‘Chúa chúng ta đã xét đoán như thế nào đối với một việc như thế? Trong một tình huống như vậy, Người hành động ra sao? Người đã nói gì và làm gì đối với những vấn đề nào đó?’. Nhờ tự chất vấn như vậy, chúng ta có thể điều chỉnh toàn bộ đường lối hành động của chúng ta cho phù hợp với phương châm và gương sáng của Người. Thưa các cha, đến lúc đó, chúng ta hãy lấy quyết định và tin tưởng bước đi trên lộ trình vương giả mà Đức Giêsu Kitô là thủ lãnh và là người hướng dẫn của chúng ta. Hãy nhớ chính Người đã nói: trời đất sẽ qua đi nhưng lời Người sẽ chẳng bao giờ qua đi (x. Mt 24,35). Hỡi anh em, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết nỗ lực suy nghĩ và nhận định như Người, cũng như thi hành những điều Người răn bảo qua lời nói và gương sáng của Người. Chúng ta hãy bước vào Tinh thần của Người để bắt chước đường lối hành động của Người, bởi vì người ta nói: điều quan trọng không phải là làm điều tốt, nhưng là làm tốt theo gương của Chúa chúng ta. Bene omnia fecit: Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả (x. Mc 7,37). Chỉ nguyên ăn chay, giữ Luật, thực thi sứ vụ truyền giáo thì không đủ; chúng ta phải làm tất cả những điều này trong Tinh thần của Đức Giêsu Kitô, nghĩa là, với sự hoàn hảo, với mục đích và bằng cách thế mà Người đã làm.[7]
Có một mẫu gương của Đức Giêsu mà chúng ta phải bắt chước khi cầu nguyện: Đức Giêsu thường đi tới một nơi vắng vẻ để cầu nguyện, nhờ đó, Người có thể ở một mình với Thiên Chúa Cha. Trải qua dòng lịch sử và cho đến hôm nay, nhiều vị thánh và nhiều Kitô hữu khác đã và đang rời các công việc và sứ vụ thường ngày của mình, dành thời giờ đi vào “sa mạc” để ở một mình với Đức Giêsu.
Ngoài việc cầu nguyện cá nhân cũng như cộng đoàn mà tôi vẫn thực hiện hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm; liệu tôi có thể tìm ra những cách thế đi vào “sa mạc” khác, để đào sâu mối tương quan thân mật với Đức Giêsu không? Sa mạc này có thể là một vị trí địa lý hoặc một tình trạng tâm hồn chẳng liên hệ gì đến một sa mạc cụ thể nào. Tôi có thể tìm thấy sa mạc đó ở đâu? Tôi có thường xuyên tới sa mạc ấy? Tôi có thể ở trong sa mạc ấy bao lâu?
Xin cho việc cầu nguyện trở thành ơn huệ đối với mỗi anh em chúng ta. Chúng ta hãy là những chứng nhân về “quyền năng biến đổi của lời cầu nguyện.”
Người anh em trong thánh Vinh Sơn!
Tomaž Mavrič, CM
[1] Louis Abelly, Đời sống của Vinh Sơn Phaolô, Người Tôi Tớ Đáng Kính Của Thiên Chúa (Cuốn 1-3), được biên tập bởi John E. Rybolt, CM; William Quinn, FSC dịch; NXB New City, New Rochelle, New York, 1993; Cuốn III, chương VI, trang 56.
[2] CCD XI, 208.
[3] CCD XI, 281
[4] CCD IX, 325
[5] CCD XIIIa, 433; Luật Chung II, 2
[6] Bài đọc Kinh Sách, thứ Tư, tuần V, Mùa Phục Sinh (bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
[7] CCD XI, 43