Thư Mùa Vọng 2021 Của Cha Bề Trên Tổng Quyền Tu Hội Truyền Giáo, Tomaž Mavrič.

0
748

Người bệnh và người già là những thợ nề mạnh mẽ của một tương lai tươi sáng và đầy hy vọng.

Kính gửi mọi thành viên trong gia đình Vinh Sơn,

Nguyện xin ơn sủng và sự bình an của Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta!

Hàng năm, Giáo Hội ban tặng cho chúng ta món quà của thời kỳ đầy ân sủng được gọi là “Mùa Vọng” để giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn và tinh thần một cách đặc biệt cho Mùa Giáng Sinh. Tiếp tục suy ngẫm về Thánh Vinh Sơn, một “nhà Thần bí Bác ái”, tôi mời gọi tất cả thành viên trong Mùa Vọng năm nay cùng suy niệm về sứ mệnh quan trọng và không thể chối cãi mà người bệnh và người già có trong Giáo hội và trên thế giới, và, do đó, trong cả hai Tu Hội, các Hiệp hội, cộng đoàn, gia đình và hội nhóm của chúng ta.

Nếu, một mặt, xã hội thường coi những người già yếu là vô dụng đối với sự phát triển của một tương lai tươi sáng và tràn đầy hy vọng cho nhân loại; mặt khác, trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu lật ngược tất cả những giả định đó, trao cho người bệnh và người già một vai trò đặc biệt trong sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người, là đưa mọi dân tộc đến với Chúa Cha, đến với cung lòng của Ngài, để đem Nước Trời tiến đến sự trọn hảo của nó.

Sự đảo ngược Kinh Thánh này bắt nguồn từ sự phân biệt triệt để về việc ai là người thực sự được đặt ở vị trí trung tâm. Ai là nguồn mạch trong việc mang lại ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống của chúng ta, cho những gì chúng ta làm, cho điều mà chúng ta dâng hiến tất cả những món quà và tài năng của mình? Cội nguồn của hạnh phúc và niềm vui cuối cùng là gì? Không phải con người được đặt lên hàng đầu, mà là Thiên Chúa.

Xã hội thường đặt con người ở trung tâm trong hạn mức con người có thể mang lại một số lợi nhuận về vật chất và tinh thần; Thiên Chúa không có vị trí hoặc nếu có, Ngài được xếp vào vị trí thứ ba hoặc thứ tư, theo quan điểm ích kỷ của mỗi cá nhân. Kết luận hợp lý là, tại một số thời điểm, người bệnh và người già, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp lại, “sự loại bỏ của xã hội” (x. Fratelli Tutti, số 19-20, 278), không còn hữu ích trong việc mang lại tương lai tươi sáng và đầy hy vọng cho nhân loại.

Thánh Vinh Sơn đã nói về vai trò của người đau bệnh nhiều lần: Tôi đã nói điều này nhiều lần rồi, và bây giờ tôi không thể không nhắc lại một lần nữa, cụ thể là chúng ta nên nghĩ rằng những anh em bệnh tật trong Tu hội là phúc lành của Tu hội, và chúng ta nên coi điều này càng đúng hơn vì Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã yêu thích tình trạng đau khổ đó, qua đó chính Ngài muốn vượt qua và đồng dạng với con người để chịu đau khổ (CCD XII, 26-27; Buổi Nói Chuyện số 184, “Lợi ích của Bệnh tật”, 28, tháng 6, 1658).

Chúng ta có lý do chính đáng để ca ngợi Thiên Chúa rằng, nhờ lòng nhân từ và thương xót của Ngài, có một số thành viên ốm yếu và đau bệnh trong Tu hội không thể làm việc và đang đón nhận chúng một cách kiên nhẫn, qua đó các đức tính sáng ngời của họ được tỏ lộ. Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta những người anh em như vậy. Tôi đã nói rất nhiều lần và không thể kiềm chế để nói lại rằng, chúng ta phải xác tín rằng các thành viên đau bệnh là điều may mắn của Tu hội. (CCD XI, 61; Buổi Nói Chuyện số 55, “Lợi ích của Bệnh tật”).

Nhưng đối với Tu hội – một Tu hội nhỏ bé – không nên tự cho mình có đặc quyền đối với thức ăn hay quần áo! Nhưng đối với người bệnh thì ngoại lệ. Ôi, những bệnh nhân tội nghiệp! Đối với họ, ngay cả những chén thánh trong Nhà thờ nếu cần cũng phải bán. Thiên Chúa đã ban cho tôi có được sự nhạy bén về vấn đề đó, và tôi cầu xin Ngài cũng ban tinh thần này cho Tu hội (CCD XII, 334; Buổi Nói Chuyện số 220, “Nghèo đói,” [5 tháng 12 năm 1659]).

Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trích dẫn lời của Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI rằng, người già thánh thiện tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội: “Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, có lẽ bằng cách giúp nó theo cách còn sâu xa hơn là thói hoạt động của biết bao người”. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận xét: “Ngài đã nói những lời đó vào năm 2012, vào cuối triều đại giáo hoàng của mình. Thật đẹp làm sao. Lời cầu nguyện của họ là một nguồn lực rất quý giá: đó là lá phổi mà cả Giáo hội và thế giới không thể thiếu”.

Đức Giáo Hoàng khẳng định thêm, “Không có tuổi hưu đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng” và xác định ơn gọi của họ là: “Gìn giữ cội nguồn, là truyền đạt đức tin cho giới trẻ và chăm sóc cho các trẻ nhỏ”. (ĐGH Phanxicô, sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất, ngày 25 tháng 7 năm 2021).

Trong loạt bài giáo lý về gia đình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Người cao tuổi là nguồn cung cấp sự khôn ngoan cho nhân loại chúng ta! […] Chúng ta phải đánh thức lại cảm thức tri ân, biết ơn, và lòng hiếu thảo; điều này khiến người cao tuổi cảm thấy mình là một phần sống động trong cộng đồng của mình”. Một xã hội không thể hiện lòng biết ơn và tình cảm với người già “là một xã hội trụy lạc; Giáo hội, trung thành với Lời Chúa, không thể dung thứ cho sự thoái hóa như vậy”.

“Nơi đâu không vinh danh người già, thì ở đó người trẻ cũng không có tương lai”. Hơn nữa, “người già không phải là người xa lạ. Chúng ta cũng sẽ giống như họ: trong tương lai gần hoặc xa, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra, ngay cả khi chúng ta không nghĩ về điều đó. Và nếu chúng ta không học cách đối xử tốt hơn với họ, thì một ngày nào đó, chính chúng ta cũng sẽ bị đối xử như vậy”. (ĐGH Phanxicô, buổi tiếp kiến chung, Thứ Tư, ngày 4 tháng 3 năm 2015).

Thánh Vinh Sơn hiểu rõ những nguyên tắc này. Cho nên trong Luật Chung, quyển Hiến pháp đầu tiên của Tu hội Truyền giáo, ngài viết:

“Một trong những điều chính yếu mà Đức Kitô đã làm là thăm viếng và chăm sóc những người bệnh tật, đặc biệt là người nghèo. Ngài thường xuyên khuyên nhủ điều này với những người mà Ngài gửi vào vườn nho của Ngài. Vì lý do này, Tu Hội cần phải có sự chăm sóc đặc biệt trong việc giúp đỡ và thăm hỏi người bệnh, dù bên ngoài hay bên trong Tu Hội”. (VI, 1).

Bất cứ nơi nào chúng ta đến thăm người bệnh, trong hay ngoài cộng đoàn, chúng ta hãy nhìn họ như là Chúa Kitô chứ không chỉ đơn thuần là một con người, vì Chúa Ki-tô đã nói rằng, bất kỳ hành động phục vụ nào đối với một người như vậy là làm cho chính Ngài vậy. (VI, 2).

Thánh Vinh Sơn cũng nói với những người đau bệnh bằng những lời sau đây:

“Hỡi các anh em, những người đang bị bệnh, hãy tự nhủ với lòng mình rằng, bản thân mình không bị trói buộc ở trên giường, hoặc trong bệnh viện, chỉ để được chăm sóc sức khỏe nhờ trợ giúp của y tế. Anh em hãy ở đó, như thể đang ở trên tòa giảng, để làm chứng công khai cho các nhân đức Kitô giáo, đặc biệt là nhân đức kiên nhẫn và đón nhận Thánh Ý, ít nhất là bằng gương sáng của mình. Bằng cách này, anh em có thể làm cho những người đang chăm sóc mình và những người viếng thăm mình nhận ra được Đức Kitô đang hiện diện. Và nhờ bệnh tật, anh em có thể thăng tiến trong nhân đức”. (VI, 3).

Trong suốt mùa Vọng này, tất cả chúng ta hãy khám phá ngày càng nhiều hơn nơi các cộng đoàn, gia đình và hiệp hội của chúng ta, “ Kho tàng sống động” nơi người bệnh và người già. Họ là sự hiện diện sinh động của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Họ là Chúa Giêsu, người mà chúng ta nợ tất cả tình yêu, tất cả sự chăm sóc mà chúng ta có thể mang lại cho con người. Họ vẫn là những người thầy, khuôn mẫu và là người trợ giúp của chúng ta trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng và hy vọng; bởi vì chính Chúa Giêsu đang nói với chúng ta qua họ, chỉ cho chúng ta những nền tảng mà chúng ta được kêu gọi để xây dựng ước mơ, hy vọng và mục tiêu của mình. Chúng ta không được khuất phục trước tâm lý của một số thành phần trong xã hội coi người già và người bệnh là rác rưởi: một khi khoảnh khắc vui vẻ ngắn ngủi đã qua đi, thì chỉ còn lại nỗi buồn, sự vỡ mộng, thất vọng và một cuộc sống vô nghĩa.

Thánh Vinh Sơn, khi trở thành “nhà Thần bí Bác ái”, đã hiểu và sống mối quan hệ với người bệnh và người già như Chúa Giêsu đã bày tỏ. Ước gì mùa Vọng năm nay đưa chúng ta đi sâu hơn vào sứ điệp của Chúa Giêsu liên quan đến người bệnh và người già, để khi chúng ta chuẩn bị kỉ niệm việc Giáng sinh của Đấng Cứu Thế, chúng ta có thể cùng với họ xây dựng một tương lai tươi sáng và tràn đầy hy vọng dưới ánh sáng hiện diện của Ngài.

Người anh em trong thánh Vinh Sơn,

Tomaž Mavrič,

Bề trên Tổng quyền Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn

BTT chuyển ngữ.