THƯ MÙA VỌNG CỦA CHA TỐNG QUYỀN

0
1636

Kính gửi tất cả quý Anh Em thuộc Tu hội Truyền giáo

Quý anh em rất thân mến,

Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa Giêsu hằng ở cùng chúng ta!

Trong lá thư đầu tiên gửi cho anh em nhân dịp lễ thánh Vinh Sơn cách đây hai năm, tôi nói về thánh Vinh Sơn Phaolô dưới khía cạnh là Nhà Thần bí Bác ái. Khi chúng ta suy gẫm về thánh Vinh Sơn dưới khía cạnh Nhà Thần bí Bác ái và cố gắng bước theo mẫu gương của ngài dưới khía cạnh này, chúng ta cần nhớ ngài không phải là Nhà Thần bí theo nghĩa tổng quát của từ ngữ mà Giáo hội vẫn thường dùng để mô tả một vị thánh Thần bí. Thánh Vinh Sơn Phaolô là Nhà Thần bí, nhưng là Nhà Thần bí Bác ái. Với đôi mắt đức tin, ngài nhìn thấy, suy gẫm, và phục vụ Chúa Kitô trong bản thân người nghèo. Khi ngài đụng chạm vào vết thương của kẻ bị loại ra bên lề xã hội, ngài tin chắc ngài đang thờ phượng Chúa và Thầy của mình.

Mùa Vọng năm nay, tôi muốn chia sẻ với anh em một trong những nguồn mạch chính mà từ đó thánh Vinh Sơn – Nhà Thần bí Bác ái – đã kín múc: nguyện gẫm hằng ngày, suy niệm hằng ngày. Với tất cả các nhóm ngài thành lập hoặc các nhóm ngài có tương quan – chẳng hạn, các thành viên giáo dân của các Hiệp hội Bác ái; các linh mục và tu huynh Tu hội Nhỏ, tức là Tu hội Truyền giáo; các Nữ tử Bác ái; các Bà Bác ái; các linh mục tham dự các Buổi hội thảo thứ Ba hàng tuần, thánh Vinh Sơn đều thúc giục họ kín múc sâu từ nguồn mạch suy niệm mỗi ngày.

Một trong những câu thánh Vinh Sơn nói trong các buổi huấn đức cho các thành viên Tu hội Truyền giáo và thường được trích dẫn nhất diễn tả sâu xa tâm tình của ngài về suy niệm:

Hãy cho tôi một con người cầu nguyện vì người đó có thể làm được mọi sự. Người đó sẽ nói được như vị thánh Tông đồ: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13). Tu hội sẽ tồn tại bao lâu còn trung thành với việc cầu nguyện, vốn như thành lũy bất khả xâm phạm, giúp nhà truyền giáo chống lại mọi cuộc tấn công của kẻ thù.[1]

Đó là buổi huấn đức Thánh Vinh Sơn dạy về nguyện gẫm hằng ngày, suy niệm hằng ngày. Ngài khích lệ các anh em như sau:

Tất cả chúng ta hãy thực sự trung tín với việc suy niệm, bởi vì mọi ân sủng đều được ban cho chúng ta qua suy niệm. Nếu chúng ta kiên trì trong ơn gọi, đó là nhờ suy niệm; nếu chúng ta thành công trong công việc, đó là nhờ suy niệm; nếu chúng ta không sa chước cám dỗ, đó là nhờ suy niệm; nếu chúng ta luôn quảng đại bác ái, nếu chúng ta được cứu độ, tất cả những điều đó là nhờ Chúa và nhờ suy niệm. Cũng như Chúa không từ chối chúng ta bất cứ điều gì khi chúng ta suy niệm, Ngài cũng không ban gì cho chúng ta nếu chúng ta không suy niệm.[2]

Để thúc giục con cái mình suy niệm, thánh Vinh Sơn dùng rất nhiều ẩn dụ thường được các tác giả sách thiêng liêng thời bấy giờ sử dụng. Ngài ví cầu nguyện cần cho linh hồn như thức ăn cần cho thân xác.[3]Cầu nguyện là “suối nguồn tươi trẻ” qua đó chúng ta được gia tăng sinh lực.[4] Cầu nguyện là cái gương giúp chúng ta thấy các tì vết và tẩy rửa diện mạo của mình hầu làm đẹp lòng Chúa hơn.[5] Cầu nguyện là sự bồi bổ giữa những cực nhọc trong việc phục vụ người nghèo hằng ngày.[6] Ngài nói với các nhà truyền giáo, cầu nguyện là bài giảng chúng ta dành cho chính mình.[7] Cầu nguyện là cuốn sách tham khảo trong đó nhà giảng thuyết có thể tìm thấy mọi chân lý vĩnh cửu để chia sẻ với dân Chúa.[8] Ngài nói với các Nữ tử Bác ái, cầu nguyện là làn sương làm dịu mát linh hồn mỗi ban mai.[9]

 

Thánh Vinh Sơn thúc giục thánh Louise de Mariallac đào luyện các Sơ trẻ một cách cẩn thận trong việc suy niệm.[10] Ngài dùng rất nhiều buổi huấn đức để đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về suy niệm. Ngài nói với các Sơ, suy niệm thực sự rất dễ dàng và suy niệm giống như một cuộc đàm đạo với Chúa trong nửa giờ. Ngài ví nếu người ta hồi hộp diện kiến nhà vua, chúng ta càng phải mong chờ và vui mừng biết bao khi có dịp đàm đạo thân tình với Chúa mỗi ngày.[11]

Theo thánh Vinh Sơn, nguyện gẫm là một cuộc đàm đạo với Chúa Cha, và với Chúa Giêsu, trong đó chúng ta bày tỏ cảm xúc sâu xa nhất của mình (ngài gọi đó là cầu nguyện cảm xúc – affective prayer), và trong đó chúng ta tìm xem Chúa muốn chúng ta làm gì mỗi ngày, đặc biệt trong việc phục vụ người nghèo. Cầu nguyện được thánh Vinh Sơn coi là lời tạ ơn sâu xa của chúng ta với Chúa Giêsu vì muôn ơn lành Ngài ban, đặc biệt ơn gọi phục vụ người nghèo. Cầu nguyện đạt đến kết quả trong quyết tâm chúng ta đưa ra để làm sao phục vụ người nghèo mỗi ngày một tốt hơn. Đối với một số người, cầu nguyện dẫn đến việc chiêm niệm thinh lặng tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta và cho người nghèo, và cầu nguyện giúp chúng ta phóng các “mũi tên tình yêu” mạnh đến mức “xuyên thấu các tầng trời” và chạm vào cõi lòng Thiên Chúa.[12]

Đối với thánh Vinh Sơn, chủ đề chính của cầu nguyện là cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài nhắc chúng ta phải luôn tập trung vào các “mầu nhiệm” trong nhân tính Chúa Giêsu, chẳng hạn, sự giáng sinh của Ngài, mối tương quan của Ngài với Đức Mẹ và thánh Giuse, các biến cố trong sứ vụ công khai của Ngài, các phép lạ của Ngài, tình yêu đặc biệt Ngài dành cho người nghèo. Thánh Vinh Sơn thúc giục chúng ta suy niệm về những gì Chúa Giêsu đã làm và đã giảng dạy như được Kinh Thánh ghi lại.[13] Trong các lời dạy của Chúa Giêsu, thánh Vinh Sơn đặc biệt chú ý đến Bài Giảng trên Núi.[14] Trên hết, ngài đề nghị chúng ta tập trung suy niệm vào cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu.[15]

Về cơ bản, phương pháp thánh Vinh Sơn dạy về suy niệm là phương pháp của thánh Francis de Sales.[16] Ngài chỉ củng cố thêm một đôi chỗ. Ngài dè chừng hơn thánh Francis de Sales khi nói về việc sử dụng trí tưởng tượng. Trong khi vẫn đề cao cầu nguyện cảm xúc, ngài kiên quyết đòi chúng ta phải đưa ra các quyết tâm cụ thể. Đặc biệt trong các buổi huấn đức cho các Nữ tử Bác ái về suy niệm, ngài khéo léo hòa quyện sự khôn ngoan tâm linh với cảm thức chung khi đưa ra các lời khuyên. Ngài nhắc các Sơ về thói quen vun xới các “ý tưởng hay ho” nhưng lại chẳng dẫn tới đâu. Ngài khuyến cáo các linh mục tránh dùng giờ cầu nguyện làm giờ nghiên cứu chiêm niệm.

Phương pháp suy niệm của thánh Vinh Sơn bao gồm ba bước:

1. Chuẩn bị

a. Trước hết, chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Việc này có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn, qua việc suy nghĩ Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, qua việc suy nghĩ Thiên Chúa cai quản toàn thể vũ trụ, hoặc qua việc nhớ đến sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng ta.

b. Kế đến, chúng ta xin ơn trợ giúp để suy niệm cho sốt sắng.

c. Sau đó, chúng ta chọn một đề tài để suy niệm, chẳng hạn một mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu, một nhân đức, một bài đọc trong Kinh Thánh, hoặc một ngày lễ.

2. Diễn tiến suy niệm

a. Chúng ta suy niệm về đề tài chúng ta đã chọn.

b. Nếu đề tài là một nhân đức, chúng ta tìm xem đâu là động lực để yêu mến và thực hành nhân đức đó. Nếu đề tài là một mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta hình dung điều gì đã xẩy ra và ý nghĩa của điều đó.

c. Trong khi suy niệm, chúng ta thưa với Chúa điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta (chẳng hạn, lòng yêu mến Chúa Giêsu – Đấng đã chịu muôn vàn đau khổ vì chúng ta, nỗi buồn sầu vì tội lỗi, lòng biết ơn Chúa). Về cơ bản, thánh Vinh Sơn khuyến khích con cái mình:

* Suy đi gẫm lại chủ đề suy niệm;

* Xác định động cơ dẫn đến chủ đề đó;

* Đưa ra các quyết tâm cụ thể và thực hiện chúng.

3. Kết thúc

Chúng ta cảm tạ Chúa về giờ suy niệm và về các ân sủng chúng ta nhận được trong giờ suy niệm. Chúng ta đặt trước mặt Chúa những quyết tâm đã đề ra. Sau đó, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta thi hành các quyết tâm này.

Nguyện gẫm hằng ngày, suy niệm hằng ngày là một phần không thể thiếu trong linh đạo của chúng ta. Thánh Vinh Sơn hoàn toàn ý thức tầm quan trọng của suy niệm hằng ngày trong đời sống và công việc phục vụ người nghèo. Ngài coi suy niệm là “linh hồn của linh hồn chúng ta,”[17] và quả quyết nếu chúng ta không suy niệm, chúng ta sẽ không thể kiên trì vượt qua các thử thách liên quan đến công việc phục vụ những người bị bỏ rơi nhất.

Trong lá thư Mùa Vọng này, tôi thôi thúc mọi thành viên Tu hội cam kết hoặc tiếp tục cam kết dành mỗi ngày ít nhất nửa giờ để suy niệm. Tôi khuyến khích anh em thực hành suy niệm nửa giờ cùng với các anh em trong cộng đoàn, để cùng nâng đỡ nhau trong việc kín múc từ nguồn mạch trao ban sự sống này. Tôi không muốn thấy anh em rút ngắn giờ suy niệm (thành 15 hay 20 chục phút), nhưng muốn thấy anh em giữ chính xác nửa giờ suy niệm.

Trong Luật Chung, thánh Vinh Sơn khuyến khích chúng ta suy niệm một giờ mỗi ngày. Thực hành suy niệm cố định nửa giờ cùng với cộng đoàn, chúng ta sẽ tìm ra những dịp khác trong ngày để mỗi người chu toàn nửa giờ thứ hai.

Thánh Vinh Sơn công nhận rất nhiều cách suy niệm khác nhau, và ngài khuyến khích chúng ta sử dụng các cách suy niệm này. Dĩ nhiên, một số anh em sử dụng các phương pháp khác với phương pháp thánh Vinh Sơn vẫn thường dạy và tôi đã trình bày ở trên. Nhưng dù có sử dụng các phương pháp khác, mỗi thành viên Tu hội Nhỏ – Tu hội Truyền giáo – cũng phải hết sức tìm hiểu và ghi nhớ phương pháp mà thánh Vinh Sơn đã truyền lại và đã được hướng dẫn trong thời kỳ Nhà Tập. Cuối cùng, điều quan trọng hơn hết là chúng ta huy động cả khối óc lẫn con tim vào cuộc đàm thoại suy niệm với Chúa Giêsu, và chúng ta thực hành điều đó một cách kiên trì mỗi ngày.

Trong Hiến Pháp và Luật Chung của chúng ta, danh sách các đề tài suy niệm rất phong phú:

  • Mối tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha
  • Tình yêu sâu thẳm Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài
  • Tình yêu thương xót và hiệu quả Chúa Giêsu dành cho những người bị loại trừ
  • Vương quốc Chúa Giêsu rao giảng
  • Đời sống cộng đoàn của Chúa Giêsu với các Tông đồ
  • Đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu
  • Sự hiện hữu của tội lỗi trong thế giới và trong con người chúng ta
  • Sự tha thứ của Chúa Giêsu
  • Sức mạnh chữa lành của Chúa Giêsu
  • Thái độ phục vụ của Chúa Giêsu
  • Tình yêu chân lý/sự đơn sơ của Chúa Giêsu
  • Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu
  • Khao khát sự công chính của Chúa Giêsu
  • Khao khát xây dựng hòa bình của Chúa Giêsu
  • Cuộc chiến đấu với cám dỗ của Chúa Giêsu
  • Thập giá
  • Sự phục sinh
  • Sự tuân hành thánh ý Chúa Cha của Chúa Giêsu
  • Sự nhân từ/dịu hiền của Chúa Giêsu
  • Hãm mình
  • Nhiệt thành tông đồ
  • Khó nghèo
  • Khiết tịnh
  • Vâng phục
  • Niềm vui và lời tạ ơn của Chúa Giêsu

Tất cả các đề tài trên liên quan đến sứ vụ phục vụ người nghèo. Chúng giúp chúng ta bước theo thánh Vinh Sơn làm Nhà Thần bí Bác ái. Kể từ Mùa Vọng này, chúng ta hãy lấy làm mốc đặc biệt để tái vực hoặc đào sâu việc suy niệm hằng ngày, và làm cho suy niệm hằng ngày trở thành một phần trong đời sống tâm linh của chúng ta cho đến ngày chúng ta rời bỏ trần gian để đi về với Chúa.

Ước gì các suy niệm của chúng ta luôn đặt trên nền tảng Kinh Thánh, hoặc trên các bài đọc Phụng vụ hằng ngày. Ước gì chúng ta không dùng thời gian suy niệm để đọc sách thiêng liêng. Việc đọc sách thiêng liêng được dành cho thời gian khác trong ngày.

Suy niệm là đặt mình trước Nhan thánh Thiên Chúa, trước Nhan thánh Chúa Giêsu, qua Lời của Ngài. Đó là để tâm hồn chúng ta được hoàn toàn sử dụng theo thánh ý Chúa Giêsu, để cho Ngài nói và chúng ta lắng nghe. Đó là toàn toàn quy thuận những gì Chúa Giêsu muốn chúng ta làm trong mỗi ngày sống. Đó là đặt tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, chống lại mọi cám dỗ lảng tránh hoặc bỏ sót giờ suy niệm hằng ngày. Đó đơn giản là ở với Chúa Giêsu mỗi ngày trong thinh lặng của khối óc và con tim, ngay cả khi khối óc của chúng ta trống rỗng và chúng ta cảm thấy chẳng có gì diễn ra, cảm thấy như mình đang lãng phí nửa giờ vô ích, vì xem ra Chúa Giêsu chẳng thông chuyển bất cứ ý tưởng, cảm xúc, hoặc thông điệp nào. Đó đơn giản là tin vào cách Chúa Giêsu vẫn đàm đạo với Chúa Cha của Ngài. Ngài thường trải qua suốt đêm để suy niệm. Đó đơn giản là chứng tỏ với Chúa Giêsu tình yêu trọn vẹn chúng ta dành cho Ngài, chứng tỏ qua việc đơn giản ở với Ngài, sẵn sàng bất cứ khi nào hoặc bất cứ cách nào sự quan phòng của Chúa Cha thấy phù hợp để Chúa Giêsu thông chuyển sứ điệp của Ngài cho chúng ta. Đó đơn giản là ở đó mỗi ngày, sẵn sàng chờ đón Chúa Giêsu, không để giây phút của ân sủng qua đi, không để lỡ sự viếng thăm của Chúa Giêsu.

Càng về những năm cuối đời, thánh Vinh Sơn càng dùng những từ ngữ cao siêu để nói về tình yêu của Chúa. Những từ ngữ này rõ ràng tuôn trào từ những giờ suy niệm của ngài. Trong buổi huấn đức cho các anh em ngày 10 tháng 5 năm 1659, ngài bộc phát ra những lời những lời như sau:

Chúng ta hãy nhìn ngắm Con Thiên Chúa; Ngài có một con tim bác ái biết bao; Ngài có một ngọn lửa tình yêu cháy bỏng biết bao! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy cho chúng con biết, ai đã kéo Ngài ra khỏi thiên đàng để đến chịu đựng sự nhục mạ của thế gian, với rất nhiều bách hại và tra tấn Ngài phải chịu? Ôi lạy Đấng cứu độ! Nguồn mạch của tình yêu khiêm nhường ngay với mức độ của chúng con, và qua những sầu khổ đau đớn Ngài đã chịu, ai trong chúng con dám nói mình yêu tha nhân hơn Ngài? Ngài đến để đón nhận mọi bất hạnh của chúng con, để mặc lấy thân phận tội lỗi, để sống một cuộc đời đau khổ; và để trải qua cái chết nhục nhã vì chúng con; có tình yêu nào cao cả như thế chăng? Nhưng ai có thể yêu theo cách thức cao vời như vậy? Chỉ có Chúa, Đấng đã cháy bỏng tình yêu thụ tạo đến nỗi đã rời bỏ ngai tòa của Cha Ngài để đến mang lấy thân xác mỏng dòn yếu đuối. Và tại sao? Để bằng lời nói và gương lành, Ngài thiết lập giữa chúng con một tình yêu tha nhân. Đó là tình yêu đã đóng đinh Ngài và mang đến công cuộc quý báu là ơn cứu độ chúng con. Ôi…, chỉ cần chúng ta có một chút xíu tình yêu như vậy, liệu chúng ta có thể khoanh tay mà đứng nhìn được không? Liệu chúng ta có đành lòng để những người nghèo bị hư mất không? Ôi, không! Bác ái không thể lười biếng; bác ái thôi thúc chúng ta ra sức làm việc để cứu rỗi và an ủi kẻ khác.[18]

Ít có vị thánh nào năng động như thánh Vinh Sơn, nhưng các hành động của ngài luôn tuôn trào từ sự chìm sâu vào Chúa Cha, trong Chúa Giêsu. Chúng ta thật diễm phúc biết bao khi có Đấng tổ phụ như vậy.

Nguyện chúc quý anh em muôn vàn ân phúc trong những ngày Mùa Vọng năm nay.

Trong tình huynh đệ Vinh Sơn,

Lm. Tomaž Mavrič, CM

Bề trên Tổng quyền

Bản dịch Việt ngữ của Cha Phaolô Phạm Quang Hoàng, CM.


[1] Vincent de Paul, Correspondence, Conferences, Documents, translated and edited by Jacqueline Kilar, DC; and Marie Poole, DC; et al; annotated by John W. Carven, CM; New City Press, Brooklyn and Hyde Park, 1985-2014; volume XI, p. 76; Conference 67, “Meditation.” Các quy chiếu tiếp theo về tác phẩm này sẽ được ghi bằng cách sử dụng ba chữ đầu CCD, theo sau bằng số chương, kế đến số trang, chẳng hạn, CCD XI, 76.

[2] CCD XI, 361; Conference 168, “Repetition of Prayer,” 10 August 1657.

[3] CCD IX, 327; Conference 37, “Mental Prayer,” 31 May 1648.

[4] Ibid., 328.

[5] Ibid., 327.

[6] CCD IX, 316; Conference 36, “The Good Use of Instructions,” 1 May 1648.

[7] CCD XI, 76; Conference 68, “Meditation.”

[8] Cf., CCD XII, 13; Conference 181, “Repetition of Prayer,” [1658].

[9] CCD IX, 316; Conference 36, “The Good Use of Instructions,” 1 May 1648.

[10] CCD IV, 53; Letter 1240 to Saint Louise, [Between 1647 and 1651].

[11] CCD IX, 94; Conference 15, “Explanation of the Regulations,” [14 June 1643].

[12] CCD IX, 32; Conference 5, “Fidelity to Rising and Mental Prayer,” 16 August 1640.

[13] Cf., Common Rules of the Congregation of the Mission, I, 1.

[14] CCD XII, 101; Conference 197, “Gospel Teachings (Common Rules, Chapter II, Article 1),” 14 February 1659.

[15] CCD IX, 42; Conference 7, “The Jubilee,” 15 October 1641.

[16] CCD X, 471; Conference 105, “Order of Day (Articles 1-7),” 17 November 1658.

[17] CCD IX, 327; Conference 37, “Mental Prayer,” 31 May 1648.

[18] CCD XII, 216; Conference 207, “Charity (Common Rules, Chapter II, Article 12),” 30 May 1659.