Thư Mùa Vọng năm 2019 – “Bài ca về Sự Quan Phòng”

0
1005

Rôma ngày 21 tháng 11 năm 2019

Các anh em rất thân mến!

Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa Giêsu hằng ở cùng chúng ta!

Đối với chúng ta, cuộc đời là một chuyến hành hương. Chúng ta luôn không ngừng chuyển động. Chuyến hành hương này không phải là sự dịch chuyển bên ngoài, từ nơi này đến nơi kia, nhưng là một chuyển biến nội tâm, trong tư tưởng, suy nghĩ, cảm thức và kinh nguyện của chúng ta.

Giáo Hội đặt ra những thời điểm đặc biệt trong năm, như những trạm dừng chân, để giúp chúng ta đào sâu hiểu biết về chuyến hành hương cuộc đời của mình và khám phá ra ý nghĩa kết dệt nên hành trình đó trong từng ngày, thậm chí từng phút. Chúng ta học cách lưu tâm hơn đến các biến cố xảy ra hằng ngày, đến những con người chúng ta gặp gỡ, đến những suy nghĩ và cảm xúc nảy sinh, đến những sự vật bao quanh chúng ta như thiên nhiên – cây cối, hoa cỏ, sông nước, núi đồi, muông thú, mặt trời, mặt trăng… Nhờ sự quan tâm chú ý, chúng ta càng ngày càng ôm ấp trong mình toàn thể nhân loại và vũ trụ.

Mùa Vọng là một trong những thời khắc đặt biệt ấy. Trong quãng thời gian ân phúc này, chúng ta hãy tiếp tục suy tư về các nhân tố đã định hình nên linh đạo Vinh Sơn và đã đưa thánh Vinh Sơn trở thành một Nhà Thần Bí Bác Ái. Bên cạnh những điều chúng ta đã suy ngẫm trong ba năm trước, còn một yếu tố nền tảng khác trong linh đạo Vinh Sơn. Đó là Sự Quan Phòng.

Bản chất của Sự Quan Phòng có thể được diễn tả bằng các thuật ngữ như: “Viễn tượng mà Chúa Giêsu dành cho cuộc đời tôi”; “Dự định của Chúa Giêsu cho cuộc sống của tôi”, “Bí quyết của Chúa Giêsu để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa”. Chúng ta đặt mình trong tay Chúa Giêsu, tin tưởng rằng viễn tượng mà Người dành cho cuộc đời ta là viễn tượng tốt nhất. Dự định mà Người đề ra cho cuộc sống của ta là dự định tốt nhất. Bí quyết của Người cho một cuộc đời đầy ý nghĩa là một mẫu hình tốt nhất. Sự Quan Phòng sẽ sinh hoa trái trong cuộc đời chúng ta tuỳ theo mức độ tin tưởng của chúng ta vào Chúa Giêsu. Sự tin tưởng vào Người càng nhiều thì càng cho phép Chúa Quan Phòng thực hiện những phép lạ trong cuộc đời chúng ta. Càng đặt mình trong tay Chúa Giêsu bao nhiêu thì chúng ta càng có khả năng đọc được nơi các biến cố hàng ngày, nơi các cuộc gặp gỡ cũng như các nơi chốn những dấu chỉ mà Chúa Giêsu dùng để trao đổi với chúng ta. Càng tín thác vào dự phóng mà Chúa Giêsu dành cho ta, ngay cả khi những việc xảy ra dường như khó hiểu, thậm chí gây đau đớn, thì chúng ta lại càng có khả năng cậy dựa vào Chúa Quan Phòng hơn. Việc đặt mình vào tay Chúa Giêsu và tín thác vào Người ở mức tròn đầy nhất sẽ giúp cho Sự Quan Phòng tác động đến mọi tình huống xảy đến trong cuộc đời chúng ta. Con đường “buông bỏ” bản thân trong tay Chúa Giêsu, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ thay đổi cái nhìn của chúng ta. Chúng ta sẽ không còn xem xét các biến cố trong cuộc sống theo các giai đoạn tốt xấu, nhưng nhìn các biến cố ấy qua con người Đức Giêsu, tín thác hoàn toàn vào Người và nhìn nhận các biến cố ấy như thể chúng đã xảy ra “đúng thời đúng buổi”. Chọn lựa này sẽ loại bỏ hai từ “số phận” và “may rủi” ra khỏi danh sách từ vựng của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy rằng những từ như thế không thích hợp với cách hiểu của chúng ta về Đức Giêsu và về Tin Mừng.

Sự phó thác hoàn toàn trong tay Đức Giêsu, niềm tín thác trọn vẹn vào kế hoạch của Người và lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự Quan Phòng sẽ giúp chúng ta nhận biết và tái khám phá vẻ đẹp, tính tích cực và ý nghĩa ẩn tàng đàng sau mọi biến cố. Điều này trái ngược hẳn với cung cách xem xét các biến cố qua cặp mắt, trí tuệ và tình cảm của người phàm. Cách nhìn nhận như thế khiến cho não trạng “số phận”, “may rủi” xoáy vào khía cạnh tiêu cực, che giấu đi vẻ đẹp, tính tích cực và ý nghĩa của mọi điều liên hệ và định hướng cho chúng ta.

Một diễn tả tuyệt vời về lòng tin tưởng Chúa Quan Phòng này được tìm thấy trong lời kinh của chân phước Charles de Foucauld. Lời kinh này được viết ra sau cuộc hoán cải sâu sắc đã dẫn ngài vào những nẻo đường mới lạ mà ở đó, ngài chỉ có thể tín thác vào một mình Thiên Chúa. Người ta thường gọi đây là “Lời Kinh Phó Thác”. Lời kinh ấy truyền tải toàn bộ khao khát đặt để bản thân trong tay Chúa Cha theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã phó thác bản thân trong tay Chúa Cha và biến mình trở thành một công cụ cho phép Chúa Cha làm bất cứ điều gì Người muốn. Ngài đã sẵn sàng mọi sự, đón nhận mọi sự và đặt để linh hồn mình trong tay Chúa Cha với lòng tin tưởng vô bờ, không chút do dự:

Lạy Cha

Con phó mình con trong tay Cha;

Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha.

Dù Cha làm chi mặc lòng, con cũng tạ ơn Cha:

Con luôn sẵn sàng, con chấp nhận tất cả, miễn là ý Cha được nên trọn nơi con và nơi tất cả các thụ tạo của Cha.

Con không mong gì hơn, Lạy Chúa.

Con phó linh hồn con trong tay Cha:

Con cho Cha tất cả tình yêu của quả tim con, bởi vì con yêu mến Người, lạy Chúa, và vì yêu mến Người, nên con thấy cần phải phó thác mình con cho Người, không do dự đắn đo; với lòng tin tưởng tuyệt đối, con phó thác vào tay Cha, vì Cha là cha của con.

Sự Quan Phòng đã trở thành một trong những trụ cột của linh đạo Vinh Sơn trong suốt ba trăm năm trở lại đây. Rảo qua các lá thư và các bài nói chuyện của ngài, chúng ta bị ấn tượng bởi việc thánh Vinh Sơn thường xuyên nói về Sự Quan Phòng. Đó là một trong những nhân tố then chốt khuôn đúc nên con người Vinh Sơn, làm cho ngài trở thành một vị thánh như chúng ta đã biết. Con đường hoán cải của ngài không phải là một lộ trình dễ dàng, từ những năm tháng thơ ấu, thanh xuân và đầu đời linh mục cho đến khi bước theo Sự Quan Phòng và trở thành một vị thánh.

Vinh Sơn đã có những hiểu biết và kế hoạch riêng cho thiên chức linh mục cũng như các tham vọng và mục tiêu ích kỷ của mình. Tuy nhiên, ngài đã đi đến chỗ từ bỏ ý riêng, ưu tiên lựa chọn Đức Giêsu, đặt hết tin tưởng vào các dự định của Người chứ không phải vào các dự tính của riêng mình, và ngài thường hay “hát” “Bài ca về Sự Quan Phòng”. Thực ra, sự thay đổi tận căn này là một phép lạ. Khi đặt niềm tin tưởng trọn vẹn vào Chúa Quan Phòng, thánh Vinh Sơn đã làm cho mình trở nên chính sự Quan Phòng cho những người khác, cho người nghèo. Đó là đỉnh cao của sự hợp nhất thần bí, không phải một sự thần bí trừu tượng, nhưng là một sự hợp nhất thần bí mang lại lời đáp trả thiết thực và hữu hiệu.

Tôi muốn gợi lên trong suy nghĩ của anh em một phần sáng tác của thánh Vinh Sơn trong “Bài ca về sự Quan Phòng”. Đó là hoa trái những suy ngẫm của ngài về các kinh nghiệm đã trải qua trong đời.

“Có những kho báu thật to lớn ẩn giấu trong Sự Quan Phòng; và điều huyền diệu là Chúa chúng ta được tôn vinh bởi những người đi theo, chứ không phải những người tìm cách đi trước Chúa Quan Phòng” (CCD I,59)[1]

“Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Quan Phòng, Người biết rất rõ làm thế nào cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta cần.” (CCD I,346)

“Khi ôn lại những công việc chính yếu đã được thực hiện trong Tu Hội, tôi cảm thấy một cách rõ ràng rằng giả như chúng được thực hiện sớm hơn thì có lẽ chúng không mấy tốt đẹp. Tôi nói điều này về tất cả chứ không riêng một công việc nào. Chính vì thế tôi hết sức kính cẩn bước từng bước một theo Sự Quan Phòng đáng tôn thờ của Chúa. Và niềm an ủi duy nhất của tôi là thấy rằng chỉ một mình Chúa chúng ta đã và đang không ngừng thực hiện những công việc của Tu Hội nhỏ bẻ này.” (CCD II,237)

“Chúng ta hãy để mình đi theo sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Quan Phòng. Tôi có lòng sùng kính đặc biệt trong việc đi theo Sự Quan Phòng. Chính kinh nghiệm cho tôi cho thấy rằng Chúa Quan Phòng đã thực hiện mọi sự trong Tu Hội và những hành động đi bước trước của chúng ta chỉ làm cản trở Người mà thôi.” (CCD II, 462)

“Ân sủng có thời điểm của ân sủng. Chúng ta hãy phó thác cho Sự Quan Phòng của Thiên Chúa và rất thận trọng để không đi trước Sự Quan Phòng ấy. Nếu Chúa thương ban cho chúng ta một vài an ủi nào trong ơn gọi của mình, thì tôi thiết tưởng rằng niềm an ủi ấy hệ tại ở việc chúng ta cảm thấy mình đã cố gắng để chỉ đặt chân vào những nơi mà Chúa Quan Phòng đã ấn định cho chúng ta” (CCD II, 499)

“Niềm an ủi mà Chúa ban cho tôi đó là thấy rằng nhờ ơn Chúa, chúng ta đã luôn cố gắng bước theo chứ không đi trước Chúa Quan Phòng, Đấng biết cách dẫn đưa mọi sự đến cùng đích mà Người đã định một cách vô cùng khôn ngoan.” (CCD II, 502)

“Không gì đảm bảo cho hạnh phúc vĩnh cửu của chúng hơn hơn là sống và chết cho việc phục người nghèo, trong tay Chúa Quan Phòng và với sự từ bỏ chính mình để bước theo Chúa Giêsu Kitô.” (CCD III,384)

“Chúng ta hãy phục tùng Chúa Quan Phòng; Người sẽ lo liệu cho các công việc của chúng ta vào đúng thời điểm và theo cách thức của Người.” (CCD III,449)

“Ôi thưa anh em, chúng ta hãy khẩn khoản cầu xin Thiên Chúa ban cho Tu Hội có được tinh thần truyền giáo, tinh thần này đưa chúng ta đi khắp nơi, để khi người ta trông thấy một hoặc hai nhà truyền giáo, người ta có thể nói rằng: ‘Đó là những vị tông đồ sẵn sàng ra đi đem Lời Chúa đến mọi ngóc ngách của thế gian’. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm này. Một vài người trong chúng ta, nhờ ơn Chúa, đã có được tinh thần này, và tất cả họ là những tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Nhưng để can đảm ra đi mà không chùn bước thì thật không dễ dàng. Chúng ta phải có một lòng can đảm giống như thế, mỗi người phải có một lòng siêu thoát đối với mọi thứ, để chúng ta có thể tin tưởng trọn vẹn vào lòng thương xót của Chúa mà không băn khoăn, không lo lắng, không mất can đảm. ‘Liệu tôi sẽ có điều này ở đất nước đó không? Làm sao tôi có được nó?’ Ôi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ quên chúng ta! Thưa anh em, khi chúng ta nghe nói về cái chết vinh quang của những người ở đó, thì ôi Lạy Chúa, ai lại không ước muốn được ở vào vị trí của họ? Ai lại không ước ao được chết như họ, được đảm bảo phần thưởng vĩnh cửu như họ? Ôi, Lạy Đấng Cứu Thế, còn gì đáng khao khát hơn thế? Do đó, chúng ta đừng để mình bị trói buộc bởi điều này điều nọ. Hãy can đảm lên! Hãy đi đến bất cứ nơi đâu Thiên Chúa kêu gọi chúng ta! Người sẽ chu cấp cho chúng ta. Đừng sợ bất cứ điều gì. Hãy chúc tụng Thiên Chúa!” (CCD XI, 264-265)

Khi bước vào Mùa Vọng này, chúng ta hãy để Lời Kinh Phó Thác của chân phước Charles de Foucauld đánh động chúng ta. Đấng Sáng Lập thánh thiện của chúng ta là thánh Vinh Sơn Phaolô, và tất cả các thánh và các chân phước trong Gia đình Vinh Sơn – những hiện thân của lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu, trong đời sống cũng như trong thời đại và hoàn cảnh của họ – đã viết nên “Bài ca về Sự Quan Phòng”. Ước gì mỗi người chúng ta cũng tạo nên những “Bài ca về sự Quan Phòng” cho riêng mình.

Người anh em trong thánh Vinh Sơn!

Tomaž Mavrič, CM
Bề trên Tổng quyền


[1] CCD: Bộ sách 14 cuốn của Cha Pierre Coste, C.M, được biên dịch sang bản tiếng anh: Vincent de Paul: Correspondence, Conferences, Documents bởi Jacqueline Kilar, NTBA và Marie Poole, NTBA.