Vài nét tương đồng tuyệt vời nơi thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh Phaolô tông đồ

0
2354

Giuse Nguyễn Đức Duy

Trong Giáo hội Công giáo, có vô số các vị thánh được tuyên phong. Các ngài như ngàn hoa muôn sắc trong vườn thiên quốc. Mỗi vị mang vẻ đẹp, sắc hương thánh thiện khác nhau: thánh can trường đổ máu để bảo vệ chân lý đức tin; thánh nhiệt tâm trong công cuộc truyền rao Tin Mừng; thánh âm thầm cầu nguyện kết hợp với Chúa trong những điều nhỏ mọn… Để là cánh hoa đáng yêu trong vườn Thiên Chúa, các ngài đã trải qua những chặng đường đầy chông gai, gian khổ. Cuộc đời nhiều vị thánh là sự biến đổi lớn qua các biến cố. Nói cách khác, từ biến cố, họ tìm ra con đường nên thánh cho riêng mình. Họ trở thành hoa xinh đẹp và mang hương thơm tuyệt vời. Trong vườn hoa các thánh, tôi nhận ra hai loại hoa được “biến đổi trong biến cố” và mang nhiều nét tương đồng thú vị: Hoa thứ nhất là thánh Phaolô Tông đồ, là “Người tù của Đức Kitô” (Pl 1,7), “Sứ giả của Tin Mừng” (Ep 6,20), “Người phục vụ Đức Giêsu Kitô” (Rm 15,16); Hoa thứ hai là thánh Vinh Sơn Phaolô, dẫu rằng khoe sắc muộn hơn, nhưng thánh nhân lại được nhiều người trong thế kỷ XXI này chiêm ngắm. Bằng chứng là qua các số liệu thống kê trên internet, thánh Vinh Sơn Phaolô được tìm kiếm nhiều nhất bởi thanh công cụ Google.[1] Sự phát hiện lý thú trên đã gợi hứng cho tôi ra công tìm hiểu và mong muốn giới thiệu đến bạn đọc Vài Nét Tương đồng Tuyệt Vời Nơi Thánh Vinh Sơn Phaolô và Thánh Phaolô Tông Đồ.

Nét tương đồng thứ nhất, tôi gọi là “sự biến đổi trong biến cố”

Phaolô, còn gọi là Saolô, sinh vào khoảng năm thứ 3 trước Công nguyên, dưới thời hoàng đế Nêrô trị vì, tại thủ phủ Tarsus, một thị trấn cách Galilê chừng 400 dặm về phía Bắc.[2] Trước biến cố đổi đời, Phaolô được xem là “kẻ bách hại” khi sống hết mình tinh thần một Pharisêu đến độ không hề dung tha bất cứ những gì đụng chạm đến lý tưởng này. Ông “quá hăng say bắt bớ và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa” (Gl 1,13). Phaolô không bỏ lỡ cơ hội nào để tố cáo những ai tự xưng thuộc về Đức Kitô. Ông không ngần ngại khai trừ những kẻ tin Đức Kitô ra khỏi Hội đường và tìm cách ngăn cản họ phổ biến thông điệp về Đức Kitô. Phaolô thật sự tìm cách tiêu diệt hay bứng ra khỏi Do Thái Giáo thứ trào lưu mới về Đức Kitô. Chính vì thế ông mới đi đến Hội đường Đamas, và rồi biến cố vĩ đại đã xảy ra.[3] Biến cố khởi đầu với luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời làm ông ngã xuống không còn nhìn thấy gì, kèm theo đó là tiếng nói: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 22,7); “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5). Không còn nghi ngờ gì, người xuất hiện trong ánh sáng chói lọi kia chính là Đức Kitô, kẻ mà Phaolô hết mực miệt thị khinh chê và đang tìm cách loại trừ ra khỏi cộng đoàn Kitô hữu. Phaolô đang đứng trước sự thật hiển nhiên là ông không chỉ bách hại những Kitô hữu, nhưng qua họ, chính Đức Giêsu đang bị ông đụng chạm đến. Đích thị là Giêsu Nazaret, Người bị đóng đinh, Người đã tự xưng là Con Thiên Chúa, giờ đây đang trước mặt ông. Phaolô sửng sốt trước khám phá này, ông đã không nhìn thấy về mặt thể lý lại thêm sự mù lòa về tinh thần, như thế, tính tự phụ của ông bị lấy đi.[4] Đức Kitô thật sự đã hiện ra với Phaolô, Người đã gọi đích danh ông, để rồi không còn một Phaolô bách hại nữa, thay vào đó sẽ là một vị thánh trong vườn Thiên quốc.

            Còn nơi Vinh Sơn Phaolô, ngài sinh 1581, mất 1660, xuất thân trong gia đình nông dân nghèo tại làng Pouy thuộc vùng Landes, phía nam nước Pháp, thế kỷ XVI – XVII, thời kỳ mà việc đi tu được xem như một cơ hội đổi đời, một nghề kiếm ra tiền. Bởi thế, mục đích đi tu của Vinh Sơn không gì khác hơn là tìm kiếm công danh bổng lộc. Gia đình Vinh Sơn dù nghèo nhưng vẫn cố gắng đầu tư cho con trai. Bản thân thầy Vinh Sơn cũng khôn khéo tự xoay sở, vừa học vừa mở lớp dạy kèm. Cuộc sống càng khó khăn đòi buộc thầy phải chịu chức linh mục càng sớm càng tốt. Khi gần 20 tuổi, thầy đến tận Perigueux để được thụ phong bởi Đức Cha Bourdeille đã 84 tuổi, vị giám mục này qua đời 1 tháng sau đó, ngày 24 tháng 10 năm 1600.[5] Việc lách léo tìm cách để được thụ phong linh mục khi chưa đủ tuổi theo Giáo luật phần nào phác họa nên bức chân dung không mấy tốt đẹp của cha Vinh Sơn. Ở tuổi 20, đối với cha Vinh Sơn, thiên chức linh mục không phải là sự dâng hiến trọn vẹn, nhưng là một phương tiện để mưu sinh. Cha đã dấn thân vào đó, tin mình bước vào một hoàn cảnh yên tĩnh và tìm kiếm sự nghỉ ngơi hơn là công việc. Một tác giả cùng thời cha Vinh Sơn là Mateo Aleman cho rằng, Vinh Sơn đã không tìm được ơn gọi về mặt tâm linh cũng như về mặt nhân loại, mặc dù chính Thiên Chúa là Đấng đã dẫn dắt cha đến ơn gọi đó. Cha “Vinh Sơn trẻ” đã có những kế hoạch tự soạn thảo đời mình theo cảm hứng riêng, không cần quan tâm chúng có tương hợp với kế hoạch của Thiên Chúa hay không. Trong giai đoạn tiếp theo, cha khăng khăng thực hiện chúng dù gặp nhiều thất bại liên tiếp. Dần dần và rất chậm chạp, cha khám phá ra một kế hoạch khác, kế hoạch Đức Kitô biến đổi đời cha.[6]

            Việc được biến đổi không phải lúc nào cũng là một hiện tượng phi thường đầy bất ngờ như Phaolô trên đường Đamas. Phaolô được diện đối diện và nghe tiếng Chúa trực tiếp gọi ông. Còn với cha Vinh Sơn, đó là cuộc biến đổi tiệm tiến mà sau này cha mới khám phá ra. Cha có những vị thầy linh hướng đầy ảnh hưởng trong nước Pháp bấy giờ: Đức Hồng Y De Bérulle, Cha André Duval tốt lành. Cha trải qua cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng hay còn gọi là đêm tối đức tin.[7] Sau 12 năm kể từ khi được làm linh mục, lần đầu tiên Vinh Sơn được làm cha sở trong một vùng thôn quê. Tại xứ Clichy, cha đã hăng hái lao mình vào việc chăm sóc tâm hồn các tín hữu. Cha giảng với niềm say mê, đi thăm bệnh nhân, an ủi người đau khổ, cứu giúp người nghèo, mang về những kẻ lầm đường lạc lối. Cha cảm thấy tự hào nói với Đức Hồng y de Retz rằng: ‘Đức Giáo Hoàng cũng không hạnh phúc bằng một cha sở giữa những giáo dân có tấm lòng tốt.[8] Rời xứ Clichy bé nhỏ thân thương, cha Vinh Sơn đến làm gia sư trong gia đình Gondi và làm tuyên úy các nhà thờ riêng trong vùng đất của họ. Trong lãnh thổ rộng lớn, cha làm việc càng ngày càng nhiều để dạy giáo lý cho các gia nhân và đầy tớ của ông bà chủ. Trong nhiệm vụ tuyên úy, cha đi khắp lãnh thổ và dạy giáo lý cho dân làng ở các vùng nông thôn, giảng đạo, khuyến khích họ xưng tội. Trái tim bác ái của cha phập phồng đau đớn trước nỗi thống khổ về thể xác lẫn tâm hồn của những con người đáng thương miền quê.[9] Cha khám phá ra sứ mạng mới mà Thiên Chúa gửi đến qua biến cố Gannes – Folleville như Người đã từng làm trên đường Đamas với thánh Phaolô. Vào một ngày tháng giêng năm 1617, cha Vinh Sơn đi cùng bà Gondi đến lâu đài Folleville trong lãnh thổ Picardie. Một nông dân đang hấp hối tại Gannes, cách Folleville khoảng 2 dặm, mong muốn gặp cha Vinh Sơn. Cha đã đến để nghe những lời thú tội của ông. Cha khuyến khích người bệnh này xưng thú hết mọi tội trong đời. Đó là một người được tiếng là tốt lành, nhưng thật không ngờ lương tâm ông hằng bị cắn rứt bởi sự che giấu những lỗi lầm nghiêm trọng nhất trong cuộc đời. Cha Vinh Sơn cảm nhận trong giờ phút cuối cùng của ân sủng đã lôi kéo một linh hồn ra khỏi nanh vuốt của con quỷ ranh ma. Cha vui mừng khôn tả, bởi nếu người nông dân này không thực hành việc xưng tội chung, ông sẽ bị kết án đời đời. Cha yêu cầu gia đình, bà con láng giềng của ông, cả bà Gondi đến và cha kể lại trường hợp của con người khốn khổ này. Ông đã xưng các tội một cách công khai, đến nỗi bà Gondi sợ hãi thốt lên: ‘Ôi, nếu như con người này từng được xem là tốt lành lại đang sống trong tình trạng bị kết án, thì những người khác đang sống cuộc sống tồi tệ hơn sẽ thế nào đây? Ôi, cha Vinh Sơn, có biết bao nhiêu linh hồn bị sa ngã! Có phương thuốc nào cho tình trạng đó không?’ Một tuần sau, nhằm ngày 25 tháng Giêng, lễ thánh Phaolô trở lại, cha Vinh Sơn giảng bài “chí tử” về việc xưng tội chung, cách thức thực hành xưng tội chung cho tốt tại nhà thờ Folleville. Những người nghèo nàn về vật chất lẫn tinh thần đã kéo đến xưng tội chung với cha Vinh Sơn rất đông.[10] Tới đây, khi được 36 tuổi, dường như cha Vinh Sơn đã khám phá ra kế hoạch của Đức Kitô trên cuộc đời mình. Cũng ở khoảng độ tuổi này, thánh Phaolô đã được biến đổi và nhận ra khuôn mặt mới nơi Đức Kitô.

Qua biến cố, Phaolô – “kẻ bách hại” và cha “Vinh Sơn trẻ” đã đi vào cuộc hành trình của Đức Kitô để trở thành những vị thánh thật sự biết về Đức Kitô, rao giảng về Đức Kitô, đây chính là nét tương đồng thứ hai nơi hai vị thánh:

“Sự say mê Đức Kitô”

Quả thật, cả hai vị thánh trước khi được biến đổi đều biết Đức Kitô, nhưng là cái biết chưa tới nơi. Phaolô chỉ biết Đức Kitô theo xác thịt (x. 2 Cr 5,16). Ông biết một Giêsu Nazaret với hình dáng bên ngoài, chứ không biết thật sự một Đấng Kitô và chân lý nơi Ngài. Phaolô chỉ xem Giêsu như “kẻ bị chúc dữ” chứ không thể là một Đấng Mêsia. Sau biến cố Đamas, Phaolô mới nhận ra sự thật, Giêsu mà ông nguyền rủa là người được Thiên Chúa chúc phúc và Ngài là Người Con duy nhất của Chúa Cha.[11] Phaolô được ánh sáng chân lý soi chiếu, được biến đổi và được chính Đức Kitô bước vào đời mình. Ông dần dần học biết thêm các chi tiết về Người, từ đó say mê Người, rao giảng về Người và sống chết cho Người. Còn với cha “Vinh Sơn trẻ”, cha chưa biết một Đức Kitô với khuôn mặt người nghèo. Cha được học thần học, được biết về Đức Kitô nhưng chỉ là Đức Kitô với những kiến thức thần học đòi buộc để trở thành linh mục. Sau nhiều biến cố, cách riêng với Gannes – Folleville, cha Vinh Sơn đã nhận ra một Đức Kitô hoàn toàn mới, Đức Kitô của người nghèo, cho người nghèo và vì người nghèo. Cha biết cần phải “làm cho người nghèo nhận biết Thiên Chúa, nói với họ rằng Nước Thiên Chúa trong tầm tay và Nước đó dành cho họ. Ôi, vĩ đại làm sao, cao vời khôn ví việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo là phận vụ trên hết của Con Thiên Chúa.[12] Đức Kitô được cha khám phá thật gần gũi, thật đơn sơ, Người là những đầy tớ, những nông dân nghèo, bệnh nhân, tù khổ sai, trẻ mồ côi, kẻ thiếu ăn thiếu mặc, những kẻ vô danh bị bỏ rơi trong sự dằn vặt lương tâm, … Giống như thánh Phaolô, cha Vinh Sơn được Đức Kitô bước vào cuộc đời. Đức Kitô đã quyến rũ cha bằng khuôn mặt hiền từ và đơn sơ của người nghèo, để rồi cha đã say mê Người.

Trước kia, Phaolô hăng say bắt đạo bao nhiêu, thì nay, sau ngưỡng cửa Đamas, thánh nhân say mê Đức Kitô hơn gấp bội. Ngài đã “dứt khoát không biết điều gì ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2). Phaolô ý thức rõ ràng sự thiếu sót của lề luật, ý niệm sự công chính xuất phát từ lề luật chẳng có thể đứng vững. Chúng ta được cứu rỗi là nhờ ân sủng, nhờ gắn bó vô điều kiện với Đức Kitô, trong Đức Kitô. Nhờ suy tư suốt bốn năm trường trong ngục tù, nhờ suy niệm các bản văn Kinh Thánh và qua cuộc khủng hoảng của Giáo đoàn Côlôxê, Phaolô đã nhận ra vai trò thực sự của Đức Kitô trong vũ trụ. Người không chỉ là Đấng Cứu Độ cộng đoàn, Người là Chúa của lịch sử, là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của mọi loài thọ tạo, là Đấng sáng tạo vụ trụ, nhờ Người và vì Người mà muôn vật được tạo thành. Trong Người, Thiên Chúa muốn quy tụ tất cả, Người là Đức Chúa vì vinh quang của Chúa Cha.[13]

Cũng thế, trước kia, cha Vinh Sơn chỉ lo tìm kiếm chức tước bổng lộc, thì nay, cha ra sức phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo cho đến hơi thở cuối cùng. Cha nhận ra rằng, Đức Kitô được sai đến để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Đức Kitô vẫn hằng làm việc và cha cố gắng bắt chước Người. Cha nói với các thừa sai: “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta là khuôn mẫu đích thật và là bức tranh vô hình mà tất cả hành động của chúng ta phải được họa theo; và những con người trọn hảo nhất còn đang sống trên thế gian này đây, chính là những bức tranh hữu hình có thể nhận thấy được, đáng làm khuôn mẫu cho chúng ta, đáng trở thành quy luật đúng đắn cho tất cả mọi hành động của chúng ta, giúp cho những hành động của chúng ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa.[14]  Cha Vinh Sơn đã tự nhận lấy sứ mạng của Đức Kitô, cha nói: “Trong ơn gọi này, chúng ta rất giống Chúa chúng ta là Đức Kitô, Đấng dường như khi xuống trần, đã chỉ làm công việc chính yếu là giúp đỡ những người nghèo và chăm sóc họ. Và nếu người ta hỏi Chúa chúng ta: Ngài đã xuống thế để làm gì? Giúp đỡ người nghèo! Công việc nào khác nữa? Giúp đỡ người nghèo!”[15]

Từ sự say mê Đức Kitô, hai vị thánh đã không ngần ngại quảng đại hiến dâng cả cuộc đời vì Đức Kitô. Phaolô – vị Tông đồ dân ngoại, lên đường tìm kiếm rất nhiều thính giả để truyền thông cho họ Lời có sức cứu độ.[16] Vinh Sơn – nhà thừa sai bác ái đã theo sát bước chân Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Các ngài trở thành nhà truyền giáo nhiệt thành của Đức Kitô, đây cũng là nét tương đồng thứ ba, tôi muốn nói về hai vị thánh.

Những nhà truyền giáo vĩ đại của Đức Kitô

Đamas không làm cho Phaolô trở thành nhà khôn ngoan tận hiến trong chiêm niệm, cũng không trở nên một nhà văn chỉ viết về Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là nhà truyền giáo vĩ đại của Đức Kitô. Phaolô dần nhận ra sứ mạng của mình, những gì nhận được nơi Đức Kitô Phục sinh phải được truyền thông cho mọi người. “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3,8). Phaolô đặt ơn gọi của ông trong ý định nhiệm màu của Thiên Chúa. Đối với Phaolô, “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Vâng, khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Sự mở ra cho các dân tộc xem ra là điều trái ngược với những gì con người Phaolô trước kia, người đã đem tất cả nhiệt tình để bảo vệ Giao ước, chống lại sự bất xứng của các dân tộc.[17] Nếu xưa kia, Phaolô hăng say bắt bớ các Kitô hữu bao nhiêu, thì nay ông lại nhiệt thành loan báo Lời Chúa, tìm kiếm Kitô hữu cho Nước Chúa bấy nhiêu. Chúng ta dễ dàng thấy Phaolô ở các Hội đường, quảng trường, cũng như nơi các cửa ra vào thành phố, khi ông ngỏ lời với anh em đồng hương Do Thái và nhất là với người Hy Lạp, với đàn ông cũng như đàn bà, với công dân tự do và ngay cả những kẻ nô lệ. Phaolô tìm tiếng nói, từ ngữ thích hợp với mỗi giới, cố làm cho tâm hồn họ rung cảm, hiểu biết về Đức Kitô Phục sinh và chân lý của Người.[18]

Còn với vị thừa sai Vinh Sơn, cha đã say mê Đức Kitô, được Người sai đến với những con chiên lạc và đưa chúng về với Giáo Hội. Cha được “sai đi không phải chỉ để yêu mến Thiên Chúa nhưng để làm cho Người được yêu mến.[19] Cha Vinh Sơn nhận ra khuôn mặt Đức Kitô, cha được Người thúc bách loan báo Tin Mừng cho những người khốn khổ. Việc loan báo này được cha thực hiện trước hết qua các cuộc đại phúc. Đó là việc Kitô hóa dân nghèo miền quê, nói cách khác là việc giúp cho người nghèo nhận biết Chúa, tái truyền giáo, dạy giáo lý, kêu gọi người ta ăn năn sám hối đến tòa giải tội, khuyến khích họ thực hành lối sống luân lý, tăng trưởng đời sống thiêng liêng. Kế đến, để công cuộc truyền giáo được lan rộng, để giúp cho phần rỗi người nghèo, đào tạo hàng giáo sĩ, cha Vinh Sơn trở thành vị sáng lập Tu Hội Truyền Giáo (1625), một Tu hội hiến dâng cho Chúa, sẵn sàng đi khắp thế gian để loan báo Tin Mừng thánh thiện của Người, một Tu Hội mà cha nói rằng, “Hỡi anh em! Chúng ta có sẵn sàng chịu đựng những khổ cực mà Thiên Chúa sẽ gửi đến và biết ngăn chặn những khuynh hướng tự nhiên để chỉ còn sống như Đức Giêsu Kitô không? Chúng ta có sẵn sàng ra đi…, hy sinh những sự thoải mái và đời sống chúng ta cho Chúa không? Nếu có, chúng ta hãy chúc tụng Chúa. Trái lại, nếu có những ai sợ phải từ bỏ những tiện nghi của mình, hoặc quá mềm yếu mà phàn nàn về những thiếu thốn nhỏ nhặt nhất, … thì họ phải biết rằng mình không xứng đáng với bậc Tông đồ mà Thiên Chúa đã kêu gọi họ.[20]

Suy cho cùng, động lực thúc đẩy Phaolô – vị Tông đồ dân ngoại và Vinh Sơn – nhà thừa sai bác ái lao mình vào công cuộc truyền giáo là lòng mến Chúa, yêu người. Thiên Chúa, qua Đức Kitô, đã chộp lấy Phaolô. Người đã chọn và giúp ông nhận ra tình yêu của Người đối với nhân loại. Phaolô đã đổi hướng đời mình, từ chỗ tự mãn tưởng mình toàn năng, có thể tự cứu rỗi qua những gì mình làm đến việc nhận ra mình tùy thuộc và tín thác hoàn toàn nơi Đức Kitô. Thánh Phaolô đã yêu Đức Kitô, say đắm và yêu những ai thuộc về Đức Kitô. Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, ngài viết: “Chúng tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính chúng tôi, vì anh em đã trở nên rất thân yêu đối với chúng tôi” (1 Tx 2,8). Đó cũng chính là tình yêu mà Chúa mong mỏi nơi những người rao giảng Tin Mừng, nơi mỗi người xây dựng Giáo Hội.

Quả thật, một khi yêu rồi, nhà truyền giáo sẵn sàng ra đi, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ vì người mình yêu. Mặc dù không có những hành trình truyền giáo lớn và trực tiếp ở các vùng đất xa xôi, không phải là nhà truyền giáo tiên phong thiết lập các giáo đoàn như thánh Phaolô Tông đồ, nhưng thánh Vinh Sơn đã làm việc không ngừng nghỉ trong cánh đồng truyền giáo ở miền quê nước Pháp. Thời gian đầu thành lập Tu Hội, cha Vinh Sơn đã rong ruổi trên khắp lãnh thổ gia đình Gondi để làm các cuộc đại phúc. Và rồi, người ta đã không thể nào thống kê nổi con số các cuộc đại phúc và những nơi mà thánh Vinh Sơn cùng con cái ngài thực hiện. Giữa năm 1625 và 1660, chỉ riêng Nhà Mẹ tại Paris thôi, cha Vinh Sơn và các cộng sự đã thực hiện trên dưới 840 cuộc đại phúc, trong suốt 35 năm đó, có khoảng 25 nhà đã tiến hành công việc này.[21] Là vị sáng lập, cũng là bề trên của Tu Hội Truyền Giáo, cha Vinh Sơn đương đầu với trăm công nghìn việc. Tuổi già sức yếu không cho phép cha trực tiếp thực hiện cuộc hành trình truyền giáo ở những lục địa xa xôi, nhưng điều đó không hề ngăn cản tinh thần truyền giáo mà Chúa ban. Cha biết rõ những khó khăn, thất bại, sự chống đối, sự mạo hiểm, thậm chí phải bỏ mạng mà chưa đến được vùng đất truyền giáo. Nhưng vì phần rỗi các linh hồn, vì tình yêu Đức Kitô, cha kiên trì gửi các nhà truyền giáo ra đi thực thi sứ vụ. Với Madagascar, cha Vinh Sơn xem như là vương miện của công cuộc truyền giáo, cha bảo vệ nó, chống lại những phong ba thủy triều, mặc dù cả chuỗi dài đau đớn và hy sinh.[22] Trong bài nói chuyện với những người phản đối việc truyền giáo ở Madagascar, cha nói: “Sao! Thưa quý vị và các anh em, sau khi chúng tôi biết điều đó, có thể nào chúng tôi tỏ ra hèn nhát và yếu đuối đến mức từ bỏ cây nho của Chúa ở nơi mà Thiên Chúa uy nghi đã mời gọi chúng tôi, chỉ vì có bốn hoặc năm hoặc sáu người đã chết hay sao! Đó sẽ là một đội quân thiện chiến, vì đã mất đi hai hoặc ba hoặc bốn hoặc năm ngàn người, đội quân ấy lại bỏ tất cả ư! Thật không thể tin được một đội quân như thế lại đào ngũ và hèn nhát! Tu Hội cũng vậy, Tu Hội tuyệt vời ấy chính là Tu Hội Truyền Giáo, nếu vì có năm hay sáu người chết, Tu Hội ấy lại bỏ công trình của Thiên Chúa ư! Ôi Tu Hội hèn nhát, gắn bó với xác thịt và máu huyết! Ồ không, tôi không tin rằng trong Tu Hội chỉ có một người duy nhất có ít can đảm như thế và không sẵn sàng đi thế chỗ cho những người đã chết.[23] Trong nhiều bài sai cũng như trong bất cứ kế hoạch khác, cha Vinh Sơn đã luôn biểu lộ sự bền bỉ, sự cố gắng và niềm cậy trông vào Chúa nhân lành. Mặc dù Madagascar không còn nhà truyền giáo nào từ khi cha Bourdaise qua đời cho đến ba năm sau khi cha Vinh Sơn từ trần, nhưng người kế vị cha là cha Alméras đã tiếp tục công trình cho đến khi nước Pháp rút khỏi đảo. Các nhà truyền giáo Vinh Sơn chỉ quay lại đó từ thế kỷ XIX đến nay.[24]

Xuyên suốt bài viết, chúng ta dễ dàng nhận thấy cuộc đời cả hai vị thánh như một hành trình được biến đổi để đạt đến Đức Kitô. Từ một kẻ bách hại đạo, Phaolô được biến đổi qua biến cố Đamas, trở thành vị Tông đồ sống chết vì Đức Kitô. Từ một con người chạy theo chức tước bổng lộc, Vinh Sơn Phaolô được Thiên Chúa bước vào cuộc đời qua các biến cố, nhất là Gannes – Folleville để trở thành một linh mục say mê Đức Kitô hiện thân trong người nghèo. Thiên Chúa đã có kế hoạch riêng và đầy bất ngờ dành cho hai vị thánh. Ngài dùng trăm phương nghìn kế để lôi kéo, biến đổi họ, giúp họ nhận ra tình yêu và ơn gọi đích thật. Cũng thế, trong cuộc sống, ắt hẳn mỗi người chúng ta đã từng cảm nghiệm ít nhiều những lần bàn tay can thiệp kỳ diệu của Thiên chúa. Ngài nâng đỡ ta khi ta ngã, Ngài gửi đến những biến cố giúp ta thức tỉnh mà nhiều khi ta không hay biết. Bởi thế, khi nhìn vào biến cố cuộc đời thánh Phaolô và thánh Vinh Sơn, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải nhìn vào các biến cố đời mình để nhận ra thánh ý Chúa.

Cuối cùng, đúc kết những nét tương đồng tuyệt vời nơi thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh Phaolô Tông đồ, chúng ta có thể nói rằng, đó là con đường nên thánh đặc biệt: Từ “sự biến đổi trong biến cố” đến “sự say mê Đức Kitô” và cuối cùng là sự khám phá sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Các ngài đã trở thành những vị thánh vĩ đại trong Giáo Hội Đức Kitô. Và chắc rằng, trong thời đại này, Giáo Hội luôn cần những vị thánh như thế, những con người nhận ra biến cố, yêu mến Đức Kitô và hăng say truyền rao Tin Mừng.

[1] x. Hdgmvietnam.com/chi-tiet/12-vi-thanh-duoc-tim-nhieu-nhat-tren-internet.

[2] x. Lm. Kevin O’Shea CSsR, Phaolô Vị Thánh Của Mọi Thời, Mai Tá dịch, 18.

[3] x. Ibid, 38.

[4] x. CHANTAL REYNIER, Để Đọc Thánh Phaolô, Thiên Hựu và Xuân Hùng chuyển ngữ, 45.

[5] x. José-Maria Roman, CM, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, bản dịch tập 1, 53-54.

[6] x. Ibid, 57-59.

[7] x. Ibid, 123.

[8] x. Ibid, 126-128.

[9] x. Ibid, 138.

[10]x. Ibid, 142-146.

[11] x. CHANTAL REYNIER, Để Đọc Thánh Phaolô, Thiên Hựu và Xuân Hùng chuyển ngữ, 60.

[12] SV. XII, 80.

[13] x. Giêrônimô Nguyễn văn Nội, Lãnh Đạo Theo Phong Cách Thánh Phaolô, 82.

[14] SV. XII, 102.

[15] SV. XI, 108.

[16] x. ÉDOUARD COTHENET, Tu Viện Rất Thánh Mân Côi, Thánh Phaolô Con Người Và Thời Đại, 43.

[17] x. CHANTAL REYNIER, Để Đọc Thánh Phaolô, Thiên Hựu và Xuân Hùng chuyển ngữ, 64-65.

[18] x. ÉDOUARD COTHENET, Tu Viện Rất Thánh Mân Côi, Thánh Phaolô Con Người Và Thời Đại, 43.

[19] SV. XII, 262.

[20] SV. XI, 411-412.

[21] x. Atilano G. Fajardo. C.M, Popular Mission in the Philppines, 32.

[22] x. José Maria Roman, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, bản dịch tập 1, 188.

[23] SV. XI, 422.

[24] x. José Maria Roman, Tiểu Sử Thánh Vinh Sơn, bản dịch tập 1,188-189.