Vượt qua thách đố của việc nguyện gẫm với năm nhân đức đặc trưng của nhà truyền giáo

0
1371

Giuse Bùi Đức Năng

Mỗi ngày trong đời sống ơn gọi Vinh Sơn, chúng ta được mời gọi dành một giờ để nguyện gẫm chung với nhau (LC X,7). Đây là một phương thế hữu ích mà thánh Vinh Sơn luôn mời gọi chúng ta thực hành trong đời sống hằng ngày, hầu nhờ đó có thể kết hiệp mật thiết với Chúa và kín múc được từ tận nguồn sâu thẳm của việc nguyện gẫm những ân sủng, là hành trang cho đời sống ơn gọi và sứ vụ của chúng ta. Chính khi sống trong kinh nghiệm này, thánh Vinh Sơn đã khích lệ chúng ta phải yêu mến việc nguyện gẫm. Ngài nói: “Hãy cho tôi một người cầu nguyện, người đó có thể làm được mọi sự” (SV XI,76). Tuy nhiên, trong thời đại hôm nay, thật khó để chúng ta có thể thực hành và chu toàn các giờ nguyện gẫm. Quả thật, chính đời sống và những não trạng của thời đại đã làm chúng ta xa lìa việc nguyện gẫm ngay cả trong việc thực hành lẫn ý thức. Chúng ta đang ở trong tình trạng muốn kết hiệp mật thiết với Chúa nhưng lại bị kiềm hãm bởi những thách đố đang đè nặng trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Vậy, qua lời mời gọi yêu mến việc nguyện gẫm của thánh Vinh Sơn và những thách đố của thời đại, trong bài viết này, tôi sẽ trình bày đề tài: “Vượt qua thách đố của việc nguyện gẫm với năm nhân đức đặc trưng của nhà truyền giáo.” Với đề tài này, trước hết, chúng ta cùng gặp gỡ thánh Vinh Sơn với những giáo huấn về tầm quan trọng của việc nguyện gẫm hầu nhờ đó chúng ta có thể xây dựng cho bản thân một cảm thức yêu mến việc nguyện gẫm hơn; thứ đến, chúng ta cùng tìm hiểu những thách đố đang ngự trị trong bản thân khiến cho việc nguyện gẫm không mang lại lợi ích, hay khiến chúng ta không thể nguyện gẫm; cuối cùng, nhờ những giáo huấn của thánh Vinh Sơn về năm nhân đức đặc trưng của nhà truyền giáo, chúng ta có thể tìm thấy những phương thế hữu ích để vượt qua những thách đố hầu qua đó, việc nguyện gẫm sinh ích cho ơn gọi và sứ vụ của chúng ta. 

1. Tầm quan trọng của việc nguyện gẫm theo thánh Vinh Sơn

Việc nguyện gẫm luôn mang một tầm quan trọng lớn trong đời sống của thánh Vinh Sơn. Chính vì vậy, ngài thường nói về nguyện gẫm trong các buổi huấn đức, như sau: “Nguyện gẫm như là đồ trang sức của linh hồn” (SV X,586); “nguyện gẫm như là của ăn nuôi linh hồn” (SV X,416); “nguyện gẫm cần thiết cho sự sống của linh hồn như là không khí cần thiết cho sự sống của thân xác” (SV X,604); “nguyện gẫm như những giọt sương sa êm dịu tẩm ướt linh hồn mỗi sáng ban mai” (SV IX,402); “nguyện gẫm cũng cần thiết như nước cần cho cá để bảo tồn sự sống” (SV X,604). Với những gì đã kinh nghiệm về tầm quan trọng của việc nguyện gẫm hằng ngày, trong các bài huấn đức, thánh Vinh Sơn đã chỉ ra cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc nguyện gẫm trong đời sống cá nhân, đời sống thánh hiến và sứ vụ của mỗi người.

Đời sống cá nhân

Đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta không riêng biệt, nhưng mỗi người là một hữu thể tương quan. Chúng ta tương quan với bản thân, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ và đặc biệt, chúng ta tương quan với Thiên Chúa. Chính trong tương quan với Thiên Chúa, mỗi cá nhân chúng ta luôn được mời gọi kết hiệp mật thiết với Người hầu nhận thấy những ánh sáng siêu nhiên xuất phát từ Thiên Chúa. Ánh sáng đó hướng dẫn cho đời sống của chúng ta và theo thánh Vinh Sơn, ánh sáng đó được thông ban cho chúng ta nhờ nguyện gẫm: “Trong nguyện gẫm Thiên Chúa thông ban cho các tôi tớ Người những ánh sáng tuyệt hảo. Chính ở đó Người soi sáng trí hiểu về biết bao chân lý không thể hiểu, và chỉ dành cho những ai chuyên cần nguyện gẫm chứ không phải dành cho những người khác; chính tại đó Người đốt cháy các ước muốn” (SV IX,421).

Trong nguyện gẫm, chúng ta được soi sáng, được mời gọi hướng nhìn về những chân lý vĩnh cửu chứ không phải là những điều chóng qua, hơn hết là chúng ta được xua đuổi đi những mây đen mù tối trong tâm trí của chúng ta.[1] Thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh đến những cảm nghiệm này về việc nguyện gẫm trong một buổi huấn đức cho các chị Nữ Tử Bác Ái: “Khi các con ở trong nguyện gẫm, các con nâng lòng trí lên trời cao, khiến cho nó xa lánh mặt đất. Ở đó các con nhìn thấy những ưu phẩm của Thiên Chúa, các con hiểu được những mầu nhiệm mà các con chưa bao giờ thấy nhưng hãy ngưỡng mộ điều này: Khi ta nhìn thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa và biết bao điều Người đã làm cho con người, và ngược lại, sự xấu xí của tật xấu, ta cảm thấy ghê tởm. Và như thế các con làm những động tác phù hợp với những tâm tình các con cảm nhận. Khi nhìn thấy vẻ đẹp của các nhân đức, các con nói: ‘A! Lạy Chúa! Điều đó đẹp làm sao; Ồ! Ước gì tôi có được nhân đức đó! Chị em thấy không? đó là nguyện gẫm, nguyện gẫm là thế đó. Khi các con bước vào nguyện gẫm, lòng trí các con tràn ngập tăm tối; nhưng khi các con ở trong đó, thì nguyện gẫm là ánh sáng xua đuổi hết mọi tăm tối, tựa như một ngọn đèn được thắp lên trong một căn phòng, và nhờ ánh sáng đó, chúng con nhận biết được mọi sự vật như nó là’” (SV X,602-603).

Cùng với ánh sáng siêu nhiên soi chiếu tâm trí chúng ta hướng về chân lý vĩnh cửu, nguyện gẫm cũng giúp chúng ta nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.[2] Thánh Vinh Sơn nói: “Chính trong nguyện gẫm mà Thiên Chúa tỏ cho ta biết điều gì Người muốn ta làm, và điều gì Người muốn ta tránh; và quả thật, các con thân mến; bởi lẽ không có hành động nào trong cuộc sống giúp chúng ta biết chính mình hay tỏ cho chúng ta cái rõ hơn những ý muốn của Thiên Chúa cho bằng nguyện gẫm” (Abelly III,6). Ngài cũng thường khuyên nhủ các bề trên của Tu hội phải cố gắng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa không phải nơi khả năng lý trí của mình nhưng phải nhờ nguyện gẫm. Trong một lá thư gửi cho cha bề trên cộng đoàn, thánh Vinh Sơn viết: “Một điều quan trọng mà cha phải cẩn thận chú tâm là có một sự thông giao lớn lao với Chúa chúng ta trong nguyện gẫm; đó là bể chứa trong đó cha tìm thấy mọi huấn thị cha cần để chu toàn nhiệm vụ cha sắp nhận được. Khi cha có điều gì nghi ngờ, hãy chạy đến với Chúa và thưa với Người: ‘Lạy Chúa là Cha của mọi nguồn ánh sáng, xin dạy cho con điều con phải làm trong trường hợp này.’”[3]

Nguyện gẫm cũng giúp cho mỗi cá nhân biết nhận ra và sửa những tật xấu trong đời sống hằng ngày của mình,[4] như lời thánh Vinh Sơn khuyến khích thánh nữ Louise de Marillac: “Còn những gì cô cho tôi biết về các thiếu nữ thôn quê, tôi không nghi ngờ họ giống như những gì cô mô tả với tôi, nhưng phải hy vọng rằng họ sẽ thay đổi và việc nguyện gẫm sẽ cho họ thấy những tật xấu của họ, và khuyến khích họ sửa đổi” (SV I,127-128). Ngài cũng nói thêm trong một buổi huấn đức: “Nguyện gẫm giống như một tấm gương trong đó linh hồn nhìn thấy tất cả những vết nhơ và sự xấu xí; linh hồn nhận thấy điều gì làm cho nó mất lòng Chúa; linh hồn nhìn thấy mình trong Chúa, thích ứng để trở nên phù hợp với Chúa trong mọi sự. Người thế gian sẽ không ra khỏi nhà mà trước đó đã không sửa soạn trước tấm gương, để xem có điều gì khiếm khuyết nơi mình, có điều gì gây sốc cho sự lịch sự. Thậm chí, có những người phù phiếm đến độ nhét gương vào thắt lưng để lâu lâu nhìn xem có gì xảy ra không để chỉnh trang lại. Thế mà, hỡi các con, điều mà người thế gian thực hiện để làm đẹp lòng thế gian lại không phải là điều hợp lý để những người phụng sự Chúa cũng làm đẹp lòng Chúa hay sao? Họ sẽ không rời nhà mà không nhìn ngắm mình trong tấm gương. Thiên Chúa muốn những kẻ phụng sự Người soi gương mình, nhưng trong việc nguyện gẫm thánh thiện, và ở đó, mọi ngày và nhiều lần trong ngày, qua những sự kiểm điểm bên trong và những ước vọng, họ nhìn thấy điều gì nơi họ có thể làm mất lòng Chúa, xin Chúa thứ tha và ban ân sủng để thoát khỏi” (SV IX,417).

Đời sống thánh hiến

Đời sống thánh hiến của chúng ta luôn phải đối mặt với những kẻ thù nguy hiểm luôn rình rập hòng lôi kéo chúng ta ra khỏi đời sống dấn thân phục vụ vì tình yêu Chúa và tha nhân. Chính vì ở trong tình trạng nguy hiểm đó, thánh Vinh Sơn nói với chúng ta về nguyện gẫm như là một phương thế hữu hiệu, như một thành lũy bất khả xâm phạm bảo vệ người sống đời thánh hiến khỏi mọi kẻ thù. Ngài nói với các nhà truyền giáo: “Nguyện gẫm giống như một tường lũy bất khả xâm phạm bảo vệ các nhà truyền giáo khỏi mọi cuộc tấn công; nó là một kho vũ khí bí nhiệm hay như tháp ngà Đa-vid, cung cấp cho nhà truyền giáo đủ mọi loại vũ khí, không những để tự vệ, nhưng còn để tấn công và đánh tan mọi kẻ thù của vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.”[5]

Nguyện gẫm là phương thế hữu hiệu giúp người sống đời thánh hiến kết hiệp với Chúa, nhờ đó đời sống dâng hiến không bị rơi vào tình trạng khó khăn, chán chường hay cô đơn, vì luôn có Chúa là người đồng hành và yêu thương từ sâu thẳm tâm hồn của người sống đời thánh hiến. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của việc nguyện gẫm trong việc kết hiệp với Chúa và tránh được những khó khăn, qua bài nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái: “Nếu chị em không nguyện gẫm, chị em rơi vào tình trạng thật đáng thương: Thiên Chúa bỏ rơi chị em vì chị em đã bỏ rơi Người. Hãy biết rằng, không nguyện gẫm, chị em có thể xúc phạm đến Thiên Chúa, hay ít ra chị em sẽ mất Chúa vinh quang mà Người lại luôn chờ đợi nơi các Nữ Tử Bác Ái đích thực. Lạy Chúa Cứu Thế, con cầu xin Chúa ban cho chúng con ơn này. Thưa chị em, hơn bao giờ hết, hãy cầu xin Chúa ơn yêu mến và nguyện gẫm” (SV X,586, ngày 17/11/1658).

Nguyện gẫm giúp người sống đời thánh hiến giữ vững ơn gọi mà Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng. Trong buổi huấn đức, thánh Vinh Sơn nói với các chị Nữ Tử Bác Ái: “Mọi người đều cho rằng nhờ nguyện gẫm mà ta giữ vững được ơn gọi. Thật vậy, một Nữ Tử Bác Ái không thể tồn tại được nếu chị ấy không nguyện gẫm. Chị không thể bền đỗ được. Chị chỉ ở trong Tu hội một thời gian, nhưng thế gian sẽ lôi cuốn chị. Chị sẽ thấy rằng việc hoàn thành bổn phận là quá nặng nề, vì chị không được bồi dưỡng bằng nguồn suối thánh thiện tươi mát này. Chị ấy trở nên uể oải và mất ơn gọi? Ôi! Vì những chị đó đã trễ nải trong việc nguyện gẫm” (SV X,416).

Đời sống sứ vụ

Thánh Vinh Sơn cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng, việc nguyện gẫm hằng ngày giúp chúng ta có hiệu quả cao trong việc thi hành các sứ vụ. Ngài nói với một chị Nữ Tử Bác Ái rằng: “Hỡi con! Con không thể tự mình làm được; con không đủ khả năng hay ánh sáng; nhưng Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta sẽ làm điều đó cho con mà chính Người sẽ là khả năng và ánh sáng của con. Con hãy trở nên một nữ tử nguyện gẫm tốt, Chúa chúng ta sẽ dạy cho con tất cả những điều con sẽ biết” (SV XIII,667). Chính khi cảm nghiệm được tầm quan trọng của việc nguyện gẫm đối với đời sống sứ vụ của các thành viên, thánh Vinh Sơn thường khuyên nhủ các nhà đào tạo về việc cần phải tập luyện việc nguyện gẫm cho những người mà mình phụ trách đào tạo. Ngài nói với thánh nữ Louise de Marillac rằng: “Sáng nay và hôm qua, dường như tôi đã có ý tưởng đáng mong ước là cô hãy đào tạo kĩ để những người phải lo cho những thiếu nữ mới đến biết nguyện gẫm” (SV IV,47). Ngài nhấn mạnh vấn đề này trong một buổi họp hội đồng ngày 22/03/1648 rằng: “Thưa chị, chị có trách nhiệm về các chị em mới vào. Chị hãy cho chị em hiểu rõ cách thức nguyện gẫm về đề tài của một bài nói chuyện, những lý do làm việc này việc nọ…” (SV XIII,667).

Nguyện gẫm cũng mang lại giá trị to lớn cho các nhà giảng thuyết. Chính trong nguyện gẫm các nhà giảng thuyết kín múc được nhiều ân sủng cho sứ vụ của mình, như thánh Vinh Sơn nói: “Nguyện gẫm là một quyển sách lớn cho một nhà giảng thuyết, chính nhờ nguyện gẫm mà đã kín múc được những chân lý thần linh trong Ngôi Lời Vĩnh Cửu là nguồn mạch và sau đó cha nói lại cho dân chúng. Đáng mong ước là tất cả các nhà truyền giáo yêu thích các nhân đức này; bởi lẽ nếu không có sự trợ giúp của nhân đức này, họ sẽ mang lại rất ít hay chẳng chút lợi ích nào, và với sự trợ giúp của nó, thì chắc chắn, họ sẽ đánh động các tâm hồn. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tinh thần nguyện gẫm” (SV VII,136).

Nguyện gẫm cũng giúp chúng ta kín múc được nguồn tri thức sâu thẳm và diễn đạt nó một cách đầy tràn tình yêu. Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh điều này trong một bài nói chuyện: “Một vị tiến sĩ mà chỉ có học thuyết của mình về Thiên Chúa, thì nó chỉ thực sự đúng theo cách mà tri thức của ông đã dạy cho ông biết; nhưng một con người nguyện gẫm nói một cách hoàn toàn khác. Hỡi các con, sự khác biệt giữa hai người này đến từ việc một người chỉ nói nhờ tri thức đã thủ đắc, còn người kia thì nói nhờ một tri thức được phú bẩm đầy tràn tình yêu. Thành thử vị tiến sĩ trong trường hợp này không phải là một người thông thái hơn cả; và người đó phải im lặng khi ở đâu có một người nguyện gẫm, bởi lẽ người này nói về Thiên Chúa một cách hoàn toàn khác mà người kia không thể làm” (SV IX,423). Lấy một gương mẫu cụ thể về việc kín múc nguồn tri thức từ nguyện gẫm, thánh Vinh Sơn nói: “Mười lời từ miệng thầy An-tôn đáng thương gây ấn tượng trên các tâm hồn hơn là bao nhiêu bài giảng thuyết mà tôi không thể nào nói hết được. Lời của thầy tràn ngập một thứ dầu xức truyền đạt thật êm ái cho các tâm hồn khiến người ta ưng thuận. Vậy thầy đã kín múc được ở đâu điều đó? Thầy đã học được từ một vài bài giảng đã nghe rồi sau đó suy niệm; và Thiên Chúa đã thông ban chính mình cho thầy một cách dồi dào đến độ chưa bao giờ người ta nói hay hơn; và điều đó là nhờ nguyện gẫm”(SV IX,423).

2. Những thách đố đối với việc nguyện gẫm hôm nay

Chúng ta đã cùng gặp gỡ những lời của thánh Vinh Sơn nói với chúng ta về tầm quan trọng của việc nguyện gẫm. Những lời đó khích lệ và mời gọi chúng ta phải yêu mến việc nguyện gẫm hơn, và thực hành việc nguyện gẫm với một tâm tình sốt mến hơn. Tuy nhiên, khi nhận thấy được tầm quan trọng của việc nguyện gẫm trong đời sống của chúng ta thì đồng thời, chúng ta cũng gặp thấy những thách đố của thời đại làm cho chúng ta dễ xa rời việc nguyện gẫm, hay ở trong giờ nguyện gẫm mà không có lòng sốt mến. Ở đây chúng ta sẽ cùng điểm qua những thách đố của thời đại mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ mỗi người phải cố gắng vượt qua trong Tông huấn Gaudete et Exsultate. Những thách đố đó là: duy lý trí và duy ý chí.

Duy lý trí

Lý trí thì quan trọng và cần thiết cho đời sống con người. Một lý trí lành mạnh giúp cho con người triển nở hơn trong đời sống tương quan của mình. Đặc biệt lý trí tốt lành cũng giúp chúng ta hướng đến việc nguyện gẫm tốt, như thánh Vinh Sơn nói: “Sau khi nghe đọc, tâm trí tỉnh thức trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chú tâm tìm hiểu mầu nhiệm được đề ra cho mình, tìm ra lời chỉ dạy riêng và phát sinh ra những tâm tình để chọn lựa sự thiện hay tránh xa sự dữ. Mặc dù ý chí phát sinh những tác động này, tuy nhiên việc nguyện gẫm này thuộc về lý trí bởi vì chức năng chính của lý trí là tìm kiếm, được thực hiện bởi những trí năng là những năng lực đầu tiên tập chú vào đề tài được trình bày. Đó là điều mà người ta thường gọi là suy niệm. Hết thảy mọi người đều có thể thực hiện, mỗi người tùy theo khả năng của mình và những ánh sáng mà Thiên Chúa ban cho” (SV IX,420).

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cảnh giác vì khi sử dụng lý trí quá nhiều, hay đúng hơn là duy lý trí, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bỏ quên hay bình thường hóa ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua nguyện gẫm, để rồi tự thỏa mãn với chính khả năng lý trí của mình. Đức thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác chúng ta trong Tông huấn Gaudete et Exsultate rằng: “Đây là một trong những ý thức hệ nham hiểm nhất vì, trong khi ca tụng tri thức hay một kinh nghiệm đặc biệt nào đó cách quá đáng, nó còn coi cái nhìn của nó về thực tại là hoàn hảo.”[6] Ngài nhấn mạnh thêm rằng: “Khi một ai đó có được giải đáp cho mọi thắc mắc, đó là dấu cho thấy người ấy không còn đi trên đường thiện lành nữa.”[7]

Nói về việc sử dụng lý trí trong nguyện gẫm, thánh Vinh Sơn cũng nhắc nhớ con cái mình về việc phải cẩn thận với việc rơi vào tình trạng duy lý trí, ngài nói: “Đó là sự nóng vội của lý trí, một sự chuyên cần quá đáng, tìm kiếm những phương thế mới mẻ để đạt được sự hiện diện này. Những phương thế này không tốt, phải tìm những cái khác; nếu tôi có thể thực hành điều này tôi sẽ có được; phải làm điều đó thôi; nhưng tôi còn phải thực hiện việc sùng mộ này; làm sao hòa hợp được với cái kia nhỉ? Bất kể phải làm cả hai, và khi đã chất lên mình thực hiện việc đạo đức mới này, người đó lại tìm kiếm những cái khác; tâm trí đáng thương này, ôm đồm mọi sự mà vẫn không thỏa mãn, nó vượt lên trên sức lực của bản thân, bị đè nặng và không bao giờ đủ…”.[8]

Duy ý chí

Sau tình trạng duy lý trí thì chúng ta rơi vào tình trạng thảm hại hơn đó là duy ý chí. Đức Thánh Cha nói trong Tông huấn rằng: “Khi thời gian trôi qua, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng không phải sự hiểu biết làm cho ta tốt hơn hay làm cho ta thành thánh, mà là nếp sống nào đó ta sống.”[9] Khi ở trong tình trạng này, chúng ta gán cho mọi thành quả mà chúng ta đạt được là bởi nỗ lực của chúng ta. Nay không còn là sự thông minh thay thế mầu nhiệm và ân sủng nữa, nhưng là ý chí của con người. Với tình trạng nguy hiểm này, Đức Thánh Cha nhắc nhớ chúng ta rằng: “Mọi sự không lệ thuộc ý chí hay cố gắng của con người mà lệ thuộc Thiên Chúa, Đấng luôn bày tỏ lòng thương xót, và Ngài đã yêu thương chúng ta trước.”[10]

Khi chúng ta ở trong nguyện gẫm với tình trạng duy ý chí thì những điều mà chúng ta được thông ban qua nguyện gẫm, dễ dàng chúng ta nghĩ rằng đó là bởi nỗ lực cố gắng của chúng ta chứ không phải bởi ân sủng Chúa. Và quả thật nguy hiểm nếu chúng ta cứ mãi ở lì trong tình trạng đáng thương này. Ở đây, thánh Vinh Sơn cũng chỉ cho chúng ta thấy, việc nguyện gẫm bằng ý chí, không phải bởi sức chúng ta để đạt được những thành quả, nhưng bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngài nói: “Loại nguyện gẫm kia được gọi là chiêm niệm. Đó là nguyện gẫm trong đó linh hồn hiện diện với Thiên Chúa, không làm gì khác là đón nhận điều Thiên Chúa ban tặng. Nguyện gẫm này không hành động và chính Thiên Chúa cảm hứng cho linh hồn mà linh hồn không vất vả tìm kiếm và còn hơn thế nữa. Các con thân mến, các con đã bao giờ trải nghiệm loại nguyện gẫm này chưa? Cha chắc chắn rằng, có rất nhiều khi, trong các cuộc tĩnh tâm của các con, trong đó các con sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, mặc dù các con đã không góp phần mình vào, nhưng chính Thiên Chúa đã đổ tràn tâm trí các con và ghi khắc trong đó những tri thức mà các con chưa bao giờ có” (SV IX,420-421).

Những thách đố về lý trí và ý chí của con người trong việc nguyện gẫm khiến chúng ta dễ dàng rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tức là luôn coi trọng bản thân hơn là quy hướng về ân sủng của Thiên Chúa. Chính những thách đố này luôn mời gọi chúng ta cố gắng tìm kiếm những phương thế hữu hiệu để nhờ đó việc nguyện gẫm của chúng ta luôn triển nở trong sự thân tình với Thiên Chúa. Vậy, ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau gặp gỡ những giáo huấn của thánh Vinh Sơn về năm nhân đức đặc trưng của nhà truyền giáo: khiêm nhường, đơn sơ, dịu hiền, hãm mình và nhiệt thành. Chính những nhân đức này sẽ nên như khí cụ hữu hiệu cho chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể vượt thắng được những thách đố về lý trí và ý chí trong việc nguyện gẫm của chúng ta.

3. Vượt qua những thách đố với năm nhân đức đặc trưng của nhà truyền giáo

Thánh Vinh Sơn thường nói với các nhà truyền giáo về năm nhân đức nền tảng và sự cần thiết phải thủ đắc được năm nhân đức này trong đời sống ơn gọi và sứ vụ của nhà truyền giáo. Ngài ví năm nhân đức như là “những viên đá mịn của vua Đa-vít mà chúng ta có thể dùng nó để chiến thắng sự hung dữ của Gô-li-át” (LC XII,12). Ngài cũng nói rõ hơn về các nhân đức: “Đức khiêm nhường như là nền tảng của sự trọn lành theo Tin Mừng, và là mối dây liên kết toàn bộ đời sống thiêng liêng” (LC II,7); “Đức đơn sơ hoán cải toàn thế giới… vạn tuế đức đơn sơ!” (SV XI,286); “Đức dịu hiền chinh phục các tâm hồn” (SV VII,241); “Đức hãm mình đền bù tội lỗi chúng ta” (SV X,61); “Đức nhiệt thành là linh hồn của mọi nhân đức” (SV II,71). Như vậy, với tầm quan trọng của năm nhân đức trong đời sống và sứ vụ của nhà truyền giáo, chúng ta sẽ cùng khám phá những lợi ích mà năm nhân đức nền tảng của nhà truyền giáo mang lại cho việc nguyện gẫm hằng ngày của chúng ta.

Khiêm nhường

Thánh Vinh Sơn nói về sự cần thiết phải khiêm nhường trong nguyện gẫm, và cho dù, có ai đó đã thủ đắc được một phương pháp hay một kiến thức tốt mà không có khiêm nhường thì trong nguyện gẫm, nó cũng trở nên vô ích: “Người nào trong các con không biết đọc biết viết sẽ nguyện gẫm tốt hơn, miễn là họ thật khiêm nhường hơn là những chị em đã học được phương pháp nguyện gẫm nhờ kiến thức nếu điều đó không đi kèm với khiêm nhường. Vậy hỡi các con, hãy tin tưởng rằng, cũng như Chúa chúng ta đã chọn những ngư phủ nghèo hèn làm tông đồ của Người, mặc dù các con là những người dốt nát, nghèo hèn, các con sẽ nguyện gẫm tốt” (SV X,577). Ngài cũng khuyên chúng ta phải khiêm nhường trong tư tưởng khi nguyện gẫm, và cũng phải thường xuyên nghi ngờ những tư tưởng cao siêu dễ làm cho chúng ta trở nên kiêu ngạo: “Chúng ta hãy luôn hạ mình xuống trong nguyện gẫm đến tận hư vô; và trong những cuộc lặp lại nguyện gẫm, chúng ta hãy khiêm tốn nói ra những tư tưởng của mình; và nếu có một vài tư tưởng đối với chúng ta xem ra hay, thì hãy hết sức ngờ vực chính mình, và e sợ rằng chính tinh thần kiêu ngạo phát sinh ra chúng hay ma quỷ cảm hứng chúng. Vậy nên, chúng ta phải luôn hạ mình cách sâu xa khi những tư tưởng hay đẹp này đến với chúng ta hoặc khi nguyện gẫm hoặc khi thuyết giảng, hay khi chuyện trò với người khác.”[11]

Đơn sơ

Đức đơn sơ là nhân đức mà thánh Vinh Sơn thường mời gọi con cái mình phải thủ đắc được trong đời sống, vì đức đơn sơ như là mắt xích quan trọng của sự tương quan. Ngài nói về đức đơn sơ rằng: “Thiên Chúa thích ngự trong một tâm hồn đơn sơ” (SV IX,400); “Mọi người cảm thấy một sự thu hút vì những người đơn sơ thật thà” (SV XII,171); hay ngài nói trong một buổi huấn đức với các Nữ Tử Bác Ái, “hỡi các chị em, chị em có biết Chúa chúng ta cư ngụ ở đâu không? Thưa, nơi những người đơn sơ” (SV X,96). Chính nhờ đức đơn sơ, các mối tương quan của chúng ta trong cuộc sống được thân tình và triển nở hơn. Đặc biệt, trong việc nguyện gẫm, đức đơn sơ giúp chúng ta nhận biết được thánh ý Thiên Chúa và đồng thời, cũng củng cố lý trí và ý chí của chúng ta quy hướng về Chúa. Vì như thánh Vinh Sơn nhắc nhớ chúng ta rằng: “Hãy nhớ rằng Thiên Chúa yêu thích người đơn sơ và Người che giấu những mầu nhiệm Nước Trời đối với kẻ khôn ngoan thông thái của thế gian, nhưng lại mặc khải chúng cho những người bé mọn” (LC II,4). Ở một nơi khác, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa thông ban ân huệ cho những tâm hồn đơn sơ mà chúng ta lầm tưởng đó là điều không thể, và điều đó chỉ có thể xảy ra đối với những người yêu thích cầu nguyện. Ngài nói: “Lời Chúa hứa mặc khải cho kẻ hèn mọn và bé nhỏ được kiểm chứng nơi họ, vì chúng ta kinh ngạc trước những linh hứng Chúa ban cho họ và chắc chắn chúng chỉ xuất phát từ Thiên Chúa bởi vì họ không được ăn học gì cả. Có thể đó là một người thợ giày nghèo khổ, một người thợ làm bánh, hay một người đánh xe bò, nhưng họ làm cho chúng ta phải sững sờ. Lòng nhân hậu của Chúa thật cao cả, không thể hiểu thấu, vì Chúa yêu thích tiếp cận với những người đơn sơ và dốt nát để cho chúng ta thấy rằng, mọi sự hiểu biết trên thế gian chỉ là sự ngu dốt so với những gì Chúa chia sẻ với những ai tha thiết tìm kiếm Chúa bằng con đường cầu nguyện thánh thiện” (SV IX,331-332).

Dịu hiền

Chúng ta có thể nói, dịu hiền là nhân đức “đắc nhân tâm” của thánh Vinh Sơn. Vì với ngài, nhân đức này giúp cho chúng ta có thể gặp gỡ, chịu đựng và chinh phục các linh hồn. Thánh Vinh Sơn thường nói: “Nếu một người không được chinh phục bằng sự dịu hiền và kiên nhẫn, thì khó tìm được cách nào khác để thuyết phục người ấy” (SV VII,226). Nơi khác ngài nói với các nhà truyền giáo: “Nhà truyền giáo cần phải dịu hiền để có thể chịu đựng sự chất phác, thô thiển của người nghèo” (SV XII,305). Khi đạt được đức dịu hiền, chúng ta không chỉ có một khuôn mặt dễ gần mà tâm hồn chúng ta cũng trở nên thanh thoát và nhẹ nhàng hơn vì không để tâm đến những sự khó khăn làm cho mình phải cau có hay bẳn gắt; chúng ta học biết tha thứ, đối xử nhẹ nhàng và yêu thương hơn những người gây khó khăn cho đời sống của chúng ta.

Qua những gì mà đức dịu hiền mang lại cho cuộc sống tương quan với tha nhân, chúng ta cũng cảm nghiệm được tầm quan trọng của đức dịu hiền khi chúng ta bước vào tương quan thân tình với Thiên Chúa trong nguyện gẫm. Chính khi ở trong nguyện gẫm với tâm hồn dịu hiền, chúng ta không bị chia trí vì những khó khăn mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta gặp gỡ Chúa với một tâm hồn vui tươi và bình an, một khuôn mặt dễ mến và thân thương nhờ đó, cuộc gặp gỡ thân tình của chúng ta với Thiên Chúa trong nguyện gẫm luôn tràn đầy bình an và ân sủng.

Hãm mình

Đức hãm mình thì vô cùng thiết yếu cho việc nguyện gẫm, và ngược lại, việc nguyện gẫm cũng cần thiết cho việc thực hành đức hãm mình. Với tầm quan trọng đó, thánh Vinh Sơn thường so sánh nguyện gẫm và hãm mình như là hai chị em không thể tách rời nhau được. Ngài nói với các chị Nữ Tử Bác Ái: “Thưa các chị, việc hãm mình là một phương thế khác sẽ giúp các chị trong việc nguyện gẫm. Nguyện gẫm và hãm mình là hai chị em ruột gắn bó mật thiết với nhau đến độ người ta sẽ không bao giờ gặp thấy nguyện gẫm mà không thấy hãm mình. Hãm mình đi trước và nguyện gẫm theo sau. Thưa các chị, nếu các chị muốn trở thành những con người nguyện gẫm thì hãy học biết hãm mình” (SV IX,427). Chính khi học biết hãm mình, thánh Vinh Sơn chỉ cho chúng ta thấy rằng: “Chúng ta học biết từ bỏ việc làm thỏa mãn các giác quan bên ngoài: thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác và xúc giác” (SV XII,215); “và chúng ta cũng học biết hãm dẹp các giác quan bên trong: trí hiểu, trí nhớ và ước muốn của chúng ta” (SV X,151). Như vậy, nhờ đức hãm mình, chúng ta không còn rơi vào tình trạng tôn sùng lý trí và ý chí của chính chúng ta nhưng trọn vẹn để cho tình yêu Thiên Chúa biến đổi và dẫn dắt đời sống của chúng ta. Và rồi, chúng ta có thể nói cùng thánh Vinh Sơn rằng: “Sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng tùy thuộc vào mức độ trong việc hãm mình” (SV XI,70).

Nhiệt thành

Nếu đức hãm mình thăng tiến chúng ta trong đời sống thiêng liêng, hay trong việc nguyện gẫm, thì đức nhiệt thành trở nên một yếu tố tinh tuyền nhất trong việc yêu mến Thiên Chúa của chúng ta. Đây chính là những điều mà thánh Vinh Sơn nói một cách nhiệt tâm về đức nhiệt thành với các nhà truyền giáo: “Nếu tình yêu Thiên Chúa là lửa thì lòng nhiệt thành là ngọn lửa; nếu tình yêu Thiên Chúa là mặt trời thì lòng nhiệt thành là tia sáng. Nhiệt thành là yếu tố tinh tuyền nhất trong việc yêu mến Thiên Chúa” (SV XII,307-308). Mặc dù thánh Vinh Sơn thường nói về đức nhiệt thành trong các sứ vụ bác ái của các thành viên của hai Tu hội, nhưng chúng ta cũng có thể kín múc từ những lời giáo huấn thân thương của ngài về đức nhiệt thành cho việc nguyện gẫm của chúng ta.

Đức nhiệt thành trong việc nguyện gẫm hướng chúng ta đến việc yêu mến Chúa hơn và nhờ đó, chúng ta luôn được thôi thúc kết hiệp mật thiết với Chúa. Đời sống thánh hiến của chúng ta không chỉ luôn chú tâm đến hoạt động bác ái mà bỏ quên đi chiều sâu của đời sống thiêng liêng. Nhưng đúng hơn, chúng ta phải luôn nhiệt thành trong cả hai mặt của đời sống hoạt động và thiêng liêng. Vì khi ở trong đời sống thiêng liêng chúng ta mới nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa; và khi hoạt động, chúng ta thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Ở trong những hoàn cảnh này, chính Chúa Giê-su là gương mẫu trọn hảo cho đời sống của chúng ta. Ngài luôn kết hiệp với Thiên Chúa để nhận biết thánh ý của Người, và Ngài cũng hằng hoạt động để thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Mẫu gương này đã được thánh Vinh Sơn thực hành và triển nở trong đời sống của mình, “ngài có hành động, thì trước hết và trên hết, ngài đã là một con người của cầu nguyện. Và nếu ngài có hành động, thì tất cả các hành động của ngài đều là hoa trái của cầu nguyện và được bao trùm trong đời sống cầu nguyện”.[12] Chính ở đây, chúng ta cùng gẫm lại lời mời gọi thân thương của thánh Vinh Sơn như là động lực thôi thúc chúng ta thực hành đức nhiệt thành để nên hoàn thiện trong đời sống thiêng liêng và sứ vụ của chúng ta: “Lòng nhiệt thành chất chứa một ước muốn tinh tuyền là trở nên đẹp lòng Thiên Chúa và hữu ích cho tha nhân. Nhiệt thành để mở mang Nước Chúa, nhiệt thành để mang lại ơn cứu độ cho tha nhân. Có điều gì hoàn hảo hơn thế trên đời không?” (SV XII,307-308)

Kết luận

Nguyện gẫm như một phương thế hữu hiệu mang lại nhiều lợi ích cho đời sống của mỗi chúng ta. Nguyện gẫm giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa và thân thưa thân tình với Ngài. Chính ở đó, chúng ta kín múc được nhiều ân sủng cho đời sống cá nhân, thánh hiến và sứ vụ của chúng ta. Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta qua nguyện gẫm, nhờ đó chúng ta biết nhận ra thánh ý Người và mau mắn thực thi thánh ý đó trong đời sống của chúng ta; Thiên Chúa thông ban tình yêu và sức mạnh của Người, nhờ đó chúng ta kiên vững trong ơn gọi và sứ vụ của chúng ta.

Nguyện gẫm thật quan trọng và cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta, đặc biệt đối với ơn gọi và sứ vụ của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta đã thực sự chú tâm đến việc nguyện gẫm của chúng ta mỗi ngày chưa? Việc nguyện gẫm của chúng ta mang tâm tình nào? Chúng ta thực hiện việc nguyện gẫm với tâm tình sốt mến hay chỉ là thói quen?

Ước mong sao việc nguyện gẫm của chúng ta luôn được thúc đẩy bởi tình yêu, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa thông ban, chúng ta biết yêu mến việc nguyện gẫm hơn mỗi ngày. Chúng ta hãy để việc nguyện gẫm là suối nguồn ân sủng, nơi mà chúng ta có thể kết hiệp thân tình với Thiên Chúa và kín múc được đầy tràn tình yêu Chúa cho đời sống của chúng ta.


[1] x.André Dodin, Cầu Nguyện Với Thánh Vinh Sơn, Nội chủng viện 2018-2019, tr 18.

[2] x.Ibid., 21-23.

[3] Ibid., 22.

[4] x.Ibid., 23-27.

[5] Ibid., 26.

[6] Gaudete Et Exsultate, số 40.

[7] Ibid., số 41.

[8] André Dodin, Cầu Nguyện Với Thánh Vinh Sơn, Nội chủng viện 2018-2019, tr 46.

[9] Gaudete Et Exsultate, số 47.

[10] Ibid., số 48.

[11] André Dodin, Cầu Nguyện Với Thánh Vinh Sơn, Nội chủng viện 2018-2019, tr 58.

[12] Phaolô Phạm Quang Hoàng, C.M, Một Chìa Khóa Để Hiểu Thánh Vinh Sơn, bài viết: Đời Sống Cầu Nguyện Của Thánh Vinh Sơn, Học viện Durando, Đà Lạt, 2019, tr 17.