Luigi Mezzadri
Vào một ngày thứ sáu, 25 tháng giêng năm 1617, lễ Thánh Phaolô tin theo Chúa Kitô. Vị linh mục chủ tế buổi lễ hôm đó tại nhà thờ Folleville, gần thành phố Amiens, rất đỗi ngạc nhiên trước số đông người tham dự. Chính ngài tự cảm thấy như đang bị chất vấn, bị dò xét trước những cặp mắt thâm quầng vì cơn đói và sự mệt mỏi, nhưng tràn đầy hy vọng.
Trước khi bắt đầu giảng, vị linh mục đã nhìn lại con người mình, xét về quá khứ của mình và ngài cảm thấy mình cũng xuất thân từ những người này. Ngài tự thấy ngài phải là tiếng nói của họ và phải làm sao diễn đạt được tư tưởng của họ. Ngài hết nhìn Nhà Tạm lại nhìn lên cây thập giá trên toà giảng, để rồi cảm thấy không đủ can đảm trút cơn giận Chúa xuống trên những con người này đã chịu đau khổ vì những ông chủ gay gắt và vì phải chịu đựng cơn giá rét mùa đông miền Picardie. Ngài quyết định đứng về phái những con người khốn khổ ấy, luôn đồng hành với họ và cùng với họ “nhập cuộc”. Đây là một thành ngữ của ông Lallemant, một con người được coi như là quá thần bí, đã dùng cách diễn tả này để chỉ thời điểm mà một người “quyết định” dâng hiến cuộc đời để phục vụ Chúa và anh em mình.
Vị linh mục đó chính là Vinh Sơn Phao-lô.
Vinh Sơn Phao-lô sinh ngày 24.04.1581 tại làng Pouy, gần thành Dax, trong miền Landes. Ngài là con thứ ba trong một gia đình gồm sáu anh chị em.
Cha mẹ ngài, ông Jean Depaul và bà Bertrande de Moras (hay Demoras), nhận thấy Vinh Sơn có khả năng học hành để sau này trở thành linh mục. Không phải Vinh Sơn giỏi hơn những người con khác. Tôn giáo không có gì để bàn cãi. Đối với nông dân miền Landes, đó là điều hiển nhiên, cũng như sự tăng trưởng nhanh của những cây sồi và sự ngập lụt vậy. Sau này Vinh Sơn đã nói: “Nếu còn tồn tại một tôn giáo đúng nghĩa, thì chỉ có nơi những dân quê chất phác này mà thôi”. Nhưng vào lúc này, không phải vấn đề đức tin hay ơn gọi, nhưng là một nghề nghiệp và là tương lai của gia đình. Nếu một người con trở thành linh mục, là có thể bảo đảm một địa vị đàng hoàng cho những người thân trong gia định.
Người ta có thể tự hỏi nguồn gốc xã hội của Vinh Sơn đã ảnh hưởng trên ngài về khía cạnh nào? Vinh Sơn bao giờ cũng có cái nhìn “của người dân quê” về thế giới và sự vật, ngay cả những thực tại thiêng liêng, đến nỗi khi đọc Thánh Kinh ngài cũng vẫn có cái nhìn tiêu biểu của người dân quê. Đoạn Kinh Thánh mà ngài chọn là của thánh Luca, tường thuật lại việc Chúa Kitô, trong hội đường Na-da-rét, công bố mình là người được Chúa Cha sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo (Lc 4,18); huy hiệu của Tu hội Truyền giáo đã dùng khung cảnh một miền quê làm nền cho cuộc hành trình của Chúa Kitô đi rao giảng cho người nghèo. Khác hẳn với những nhà cải cách Giáo hội Pháp lúc bấy giờ, là những người xuất thân từ giai cấp quý tộc, Vinh Sơn luôn đề cao công việc lao động chân tay. Nhãn quan tôn giáo của ngài không bao giờ là nhãn quan của những người trong các phòng khách bị Molière chỉ trính trong tác phẩm Tartufe. Riêng ngài, cha Vinh Sơn biết được giá trị của những bàn tay chai cứng vì lao tác và lời cầu nguyện thầm lặng của giọt mồ hôi và của sự mệt nhọc.
Ngài không muốn tập họp quanh mình những nhà trí thức thông thái, cũng chẳng muốn làm linh hướng cho các nữ đan sĩ quí phái. Là người nghèo, để loan báo Tin Mừng cho người nghèo, ngài chọn người nghèo.
Chính kỷ niệm về người mẹ và các chị em trong gia đình đã in đậm nét trên cái nhìn của ngài đối với các phụ nữ. Ít có người như ngài đã đề cao giá trị của sự hiện diện của phụ nữ trong xã hội và trong Giáo hội vào một thời điểm mà người đàn bà chỉ biết phục tùng hoặc bị gạt ra ngoài lề cuộc sống.
Ngay lúc 15 tuổi, Vinh Sơn được gởi đi học ở trường Récollets ở Dax. Và từ năm 1597, ngài theo học tại Đại học Toulouse.
Nếu Vinh Sơn thiếu tiền bạc, thì ngài thừa tinh thần tổ chức. Với bất cứ giá nào cũng phải trở thành linh mục.
Con đường tiến chức của ngài thật nhanh chóng. Ngày 13.09.1599, Vinh Sơn đã nhận các uỷ nhiệm thư từ tay vị Tổng Đại Diện của Dax, cho phép ngài được thụ phong linh mục. Vị Giám mục mới của Dax, Đức cha Jean-Jacques Dussault (được chọn năm 1598) đã sớm chứng tỏ là một giáo sĩ có đầu óc cải cách, cho dù các giám mục Pháp chưa buộc phải tuân theo các sắc lệnh của Công Đồng Trente, nhưng Đức cha muốn thi hành. Có lẽ Vinh Sơn muốn đề phòng những sự bất trắc có thể xảy ra và để bảo đảm sự thụ phong linh mục của mình, nên ngài đã đến xin một giám mục cao niên, Đức cha François de Bourdeilles, Giám mục Périgueux, đang sống tách biệt trong lâu đài của ngài ở Château-l’Évêque.
Cha không cần dùng mưu mẹo gì cả. Điều đáng bận tâm là sự kiện một chủng sinh mong muốn được lãnh chức linh mục, mà lại không có ơn gọi.
Vừa được thụ phong linh mục, ngài tìm cách đạt cho được một giáo xứ, nhưng lại bị người khác tranh chấp. Vì vậy cha đã đến Rôma (vào khoảng năm 1601). Và chuyến đi đó đã để lại cho cha một ấn tượng sâu xa.
Trở về quê hương, với sự nhiệt thành của con người vùng Gascogne, cha Vinh Sơn tìm cho được một địa vị, mà ở thế kỷ “chọn quyền cao chức trọng” này phải mang lại cho cha sự vẻ vang. Bằng tú tài thần học ở Toulouse cho phép cha mơ tưởng tới một dự định táo bạo là trở thành giám mục.
Nhưng muốn đạt tới mục đích quan trọng như vậy, dĩ nhiên phải có tiền và thật nhiều tiền. May mắn thay, Chúa Quan Phòng đã dành cho cha được thừa hưởng gia tài của một quả phụ, nhưng lấy lại được gia tài đó không phải là một chuyện dễ, vì một con nợ của bà ân nhân có gia tài đã bỏ trốn. Với ý định lấy lại cho được số nợ, Vinh Sơn lên đường và đã bắt gặp người trốn nợ tại Marseille. Sau khi lấy lại được số tiền cha trở về bằng đường biển.
Thuyền chở cha đi bị ba tàu hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ cướp phá. Trận đánh không cân bằng về lực lượng, và cha Vinh Sơn đã bị trúng tên, bị dẫn đi làm nô lệ ở Tunis, … Như vậy, ngài biết thế nào là một sự sỉ nhục, không phải chỉ trong việc bị trưng bày bán ở chợ nô lệ, nhưng cả trong sự lệ thuộc những ông chủ có mọi quyền hành trên các nô lệ cũng như trên mọi đồ vật. Trước tiên, một ngư phủ đã mua ngài, tiếp đó là một y sĩ cầu kỳ và sau cùng là một người bội giáo. Cuộc mạo hiểm tới đây rẽ sang một giai đoạn khác. Ông chủ mới của cha có ba bà vợ mà hai bà trong số đó đối xử với cha như bạn. Một bà là tín đồ Hồi giáo. Bà rất xúc động khi nghe cha hát thánh vịnh, nhất là kinh “Salve Regina”. Bà đã thuật lại cho chồng nghe và do đó làm bừng dậy trong lòng ông tình yêu quê hương và sự luyến tiếc đối với đức tin đã đánh mất.
Cùng với tên nô lệ, người bội giáo đã vượt biển, đi từ Nam lên Bắc và cập bến ở Aigues-Mortes. Một khi đã vào đất Pháp thì tình thế lại đảo ngược. Tên nô lệ trở thành ân nhân của ông chủ. Ông được hoà giải với Giáo hội. Nhờ vậy, cha Vinh Sơn lại được đặc ân tháp tùng Đức Phó Khâm sứ Pierre Montorio đi Rôma.
Có thể nói đây là giai đoạn khá đẹp và đáng nêu gương cho ta. Có lẽ hơi thái quá chăng? Vì vậy, có nhiều sử gia đã nghi ngờ tính có thực của nó. Họ đã tìm những lý do có thể làm cho Vinh Sơn muốn giấu một phần quá khứ của ngài. Những người khác lại bênh vực danh tiếng cha Vinh Sơn và cho rằng câu chuyện trên đây có thực.
Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, có thể sự khao khát tự do đã thúc đẩy cả hai người dám tin tưởng dùng một con thuyền nhỏ mỏng manh để đi tìm tự do, và với ông chủ bội giáo, là tìm lại phẩm giá đã mất.
Vinh Sơn vốn là một người tự tìm kiếm mình, một người dân vùng Gascogne, với bất cứ giá nào, muốn được người khác thán phục. Nếu sự việc bị bắt làm nô lệ đã làm mất uy tín của cha đối với vị ân nhân, thì bấy giờ cha cần phải bù lại thời giờ, nhất là thu hồi số tiền đã bị mất. Vì thế, vận dụng tài năng thiên phú của một tiểu thuyết gia, cha Vinh Sơn đã tô điểm cho thời gian vắng mặt những chi tiết vui và có vẻ lãng mạn, cha đã viết cho vị ân nhân của mình hai bức thư kể lại biến cố bị bán làm nô lệ, với những chi tiết biểu lộ sự thánh thiện của ngài.
Nhưng có lẽ sự việc đã không xảy ra như vậy. Đời sống của những kẻ nô lệ được làm thành bởi những qui ước: có thể làm cho con người trở thành anh hùng hay chỉ sống thích nghi tuỳ thời. Có lẽ cha Vinh Sơn đã chọn con đường thứ hai, chờ cơ hội thuận tiện để chạy trốn. Không có gì chứng tỏ cha đã sống cách anh hùng hoặc biểu lộ sự thánh thiện quá sớm nơi ngài.
Trong một bức thư viết cho mẹ ngày 17.02.1610, Vinh Sơn đã nói rõ hai mục tiêu cha theo đuổi : xây dựng một cơ ngơi cho gia đình và bản thân ngài.
“Những ngày mà con cần lưu lại nơi thành phố này là để tìm dịp thuận tiện cho việc “thăng quan tiến chức” (mà những cuộc mạo hiểm của con đã ngăn trở) làm con ân hận vì đã không thi hành bổn phận đối với mẹ, nhưng con hy vọng Chúa sẽ chúc lành cho công việc con làm và Người sẽ ban cho con phương tiện có được cuộc sống nghỉ hưu thoải mái và con sẽ dùng chuỗi ngày còn lại để sống gần mẹ hơn”. Đối với một vị linh mục, đó là lời thú nhận thất bại nặng nề.
Vinh Sơn cần thay đổi mục tiêu đang theo đuổi, suy nghĩ lại về cuộc sống của mình và tạo được động lực mạnh hơn.
Cha cũng cần phải “hoán cải”. Công việc đầu tiên của cha ở Paris , khi cha đến đó vào mùa thu năm 1608 là làm tuyên uý cho cựu hoàng hậu Marguerite de Valois, vợ thứ nhất của vua Henri IV. Cha nhận công tác bố thí tiền, bánh mì, thức ăn cho hàng trăm người nghèo đến gõ cửa lâu đài của “Hoàng hậu Margot”. Cha chỉ bố thí của cải, nhưng không ban phát tình yêu, chỉ lấp đầy những bàn tay chứ không phải những tâm hồn. Đó chỉ là một cử chỉ đơn thuần bên ngoài chứ chưa phải là một “cuộc hoán cải”.
Trong thời gian này, cha Pierre de Bérulle là cố vấn của cha Vinh Sơn. Vào tháng 11.1611, cha Bérulle qui tụ một nhóm các linh mục, gồm toàn những vị danh tiếng, tất cả đều là tiến sĩ ở đại học Sorbonne tình nguyện dấn thân sống trọn hảo chức vụ tư tế. Các ngài muốn thành lập một cộng đoàn các linh mục, nhưng không phải là tu sĩ. Lý tưởng của các ngài là cộng đoàn tông đồ của Chúa Giêsu xưa kia… Tuy nhiên, cha Bérulle và các bạn lại muốn là những thành viên của Hội dòng Chúa Giêsu, là nguyện đường của Người. Các ngài không màng đến thế giá và chức vụ, mà chỉ tìm kiếm sự thánh thiện. Điều này trái ngược với những gì mà cha Vinh Sơn theo đuổi.
Cha Vinh Sơn không hề gia nhập Dòng Oratoire. Tuy nhiên, ngài có những kinh nghiệm nội tâm khác nhau có tính quyết định đã thanh luyện và thay đổi con người bên trong của ngài.
Cha chia sẻ phòng trọ với một người đồng hương. Ngày kia, cha lâm bệnh và một nhân viên của nhà thuốc mang thuốc đến cho cha. Khi ra về, chàng thanh niên này đã ăn cắp túi tiền của người ở cùng phòng với cha. Khi trở về, chủ nhân hỏi cha về lý do túi tiền bị mất. Cha không tìm được lời giải thích nào có thể chấp nhận. Cuối cùng ngài bị vu khống là ăn cắp. Đây thật là một lời tố cáo kinh khủng đối với con người đầy tham vọng và đang tìm quyền thế để nương tựa. Nhưng cha có một biến đổi nào đó trong tâm hồn, nên ngài đã chọn thái độ im lặng. Sau này, vào năm 1656, ngài mới thuật lại sự việc này: “Có một thành viên của Tu hội bị tố cáo là lấy cắp tiền của bạn mình và tiếng xấu ấy đã công như vậy trong nhà, mặc dầu sự thật không phải như thế. Tuy nhiên người đó vẫn không bao giờ đính chính, và tự nghĩ thấy mình bị vu khống: ta sẽ biện minh chăng? Vì ta đã bị cáo gian. Nhưng không, người đó tự nhủ khi nâng tâm hồn lên với Chúa, ta sẽ chịu đựng điều đó một cách kiên nhẫn. Người đó đã làm như vậy”.
Câu chuyện đã kết thúc tốt đẹp. Thủ phạm đánh cắp đã bị lột mặt nạ. Đối với cha Vinh Sơn, cha đã có kinh nghiệm về thân phận của những người nghèo không có tiếng nói và cũng không được ai bênh vực. Lần thứ nhất trong đời, cha Vinh Sơn đã không chạy trốn.
Trong cuộc sống, những tai hoạ không bao giờ xảy đến riêng rẽ cả (“hoạ vô đơn chí”).
Cũng trong thời gian này, cha quen biết một nhà thần học và ông này kể cho ngài nghe về cơn cám dỗ kinh khủng về đức tin mà ông đang trải qua.
Cha Vinh Sơn kể lại rằng: “Vị tiến sĩ này rất khổ sở vì nhận ra được tình trạng tồi tệ đó, đã nói cho tôi nghe về những cơn cám dỗ kinh khủng về đức tin của ông, làm cho ông có những tư tưởng xấu xa là phỉ báng Chúa Giêsu Kitô, và rất tuyệt vọng đến nỗi ông đã nghĩ đến việc nhảy qua một cửa sổ để tự vẫn… Trí tưởng tượng của ông hầu như khô cạn, tinh thần kiệt quệ vì đã cố gắng quá nhiều để chống trả cơn cám dỗ, đến nỗi ông không thể làm gì hơn nữa. Nhận thấy tình trạng đáng thương đó, có người đã khuyên ông ta làm cử chỉ này là cứ mỗi lần giơ tay về phía thành Rôma hay về hướng bất cứ nhà thờ nào đó chứng tỏ là ông tin tất cả những gì Giáo hội Rôma tin. Sự gì đã xảy đến cho ông? Thiên Chúa đã đoái thương vị tiến sĩ tội nghiệp đó, ông bị ngã bệnh và chỉ trong chốc lát, ông được giải thoát khỏi những cơn cám dỗ, bức màn đen ta biến ngày chỉ trong chốc lát, ông bắt đầu thấy rõ những chân lý của đức tin cách sáng sủa, làm cho ông hiểu rất rõ các chân lý đó”.
Bấy giớ đến lượt cha Vinh Sơn, ngài cảm thấy như bị bao phủ bởi bức màn đen tối. Cha cầu nguyện, khổ chế, nhưng cha vẫn sống trong đêm tối. Cha đã viết từng đoạn kinh Tin Kính và may vào áo để trước ngực (như Pascal vậy). Mỗi lần cha cảm thấy bị cám dỗ, cha lại đặt tay trên ngực như để khẳng định đức tin của mình. Trong lần cám dỗ trước, cha Vinh Sơn đã cảm nhận được về thân phận của những người nghèo là không có được một sự che chở nào về phía con người, giờ đây cha lại thấy được tình trạng của cái nghèo thiêng liêng, cái nghèo tận căn, đó chính là thân phận của Đức Kitô trên thập giá, bị Chúa Cha bỏ rơi. Thần học cao siêu, đối diện với những thử thách về đức tin, cũng không hiểu được tiếng kêu của người bị cám dỗ. Cơn cám dỗ của cha kéo dài ba hay bốn năm. Từ đó, cha Vinh Sơn quyết định thăm viếng các bệnh nhân ở Bệnh viện Bác ái, do Hoàng hậu Marie de Médicis lập ra và từ năm 1601, bà đã mời các tu sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa đến làm việc nơi đây. Cơn cám dỗ biến mất. Chính những người nghèo dã chiến thắng và đã giải thoát cho cha. Kể từ đấy, cha luôn luôn đứng về phía người nghèo và ngài cũng hiểu được rằng muốn chữa những căn bệnh thiêng liêng thì phải dấn thân phục vụ.
Trong thời gian này, năm 1602, cha Vinh Sơn được giao phó trách nhiệm trông coi xứ các thánh Sauveur và Médard de Clichy, một làng nhỏ chỉ gồm 600 người, ở gần Paris.
Cha lấy làm phấn khởi lao vào kinh nghiệm mới này. Giáo dân trong xứ chưa bao giờ thấy được một vị linh mục như vậy. Điều đó làm giáo xứ thay đổi. Phụng vụ được cử hành rất chu đáo, và cả giáo lý nữa. Cha cho mởi một lớp như là lớp chuẩn bị tu sinh với mười hai thiếu niên, trong số đó có Antoine Portail sau này trở thành người bạn đầu tiên của ngài. Về sau ngài đã nói: “Tôi có tập thể giáo dân rất tốt và biết nghe lời khi tôi xin họ điều gì, nếu tôi nói với họ tới xưng tội ngày Chúa nhật đầu tháng, họ nghe theo ngay. Họ đã tới toà Hoà giải và tối thấy sự tiến tới hằng ngày của các tâm hồn này. Tôi được an ủi biết bao và tôi rất hài long để tự nói với mình: “Lạy Chúa, con thật sung sướng có được số tín hữu quá tốt! Và con có thể thêm rằng: ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng không sung sướng như một cha xứ được ở giữa một dân Chúa có long tốt như vậy”.
Hạnh phúc của đời sống mục vụ ở Clichy rất ngắn. Sau một năm, theo lời khuyên của cha Bérulle, cha Vinh Sơn nhận lời làm tuyên uý cho một gia đình quý tộc.
Gia đình Gondi là một trong những gia đình có thế giá. Đó là những vị chủ ngân hàng ở Florence, cùng gia đình Médicis đến ngụ tại Pháp. Họ đã làm giàu qua chiến thuật làm giàu nhờ hôn nhân, họ trở thành những người có nhiều thế lực. Họ được thừa hưởng hai chức vị quan trọng: chỉ huy các chiến hạm (chiến hạm Địa Trung Hải) và toà Giám mục Paris.
Philippe-Emmanuel, vị chủ gia đình, là thiếu tướng các chiến hạm và là người thay thế vua trong quân đoàn ở Trung Đông, ông còn là bá tước Joigny, hầu tước xứ Iles d’Or, nam tước xứ Montmirail, Dampierre và Villepreux. Phu nhân là bà Marguerite François de Silly, đã mang về như của hồi môn các lãnh địa vùng Enville, Commercy và Folleville.
Trong lâu đài này, Vinh Sơn vừa là giáo viên dạy trẻ vừa là cố vấn. Ảnh hưởng của cha trên cha mẹ còn lớn hơn cả trên con cái.
Một ngày kia, Philippe-Emmanuel đã nhận lời quyết đấu. Ông tham dự thánh lễ do cha Vinh Sơn cử hành và ông đã xin Chúa giúp ông trong việc làm thiếu suy xét này, thế mà ông không áy náy gì cả. Cha Vinh Sơn biết được điều đó, cha quì xuống dưới chân ông Philippe: “Tôi biết chắc chắn rằng ngài đã có ý định quyết đấu. Tôi nói với ngài nhân danh Đấng mà ngài thờ lạy, nếu ngài không từ bỏ ý định ác hiểm này, Đấng ấy sẽ xét xử ngài và gia đình ngài”. Đối với Philippe, ông coi việc quyết đấu liên hệ đến danh dự mà ông muốn bảo vệ. Nhưng những lời cha Vinh Sơn đã đánh thức nơi ông một sự hối hận đến nỗi làm ông từ chối không đánh kiếm nữa.
Trong thời gian cha sống tại gia đình Gondi, một sự thay đổi hoàn toàn đã xảy ra.