2. BỊ DỒN VÀO CHÂN TƯỜNG
Luigi Mezzadri
Nhiều vị thánh, trong những khúc quanh của cuộc đời, đã được nâng đỡ hay hướng dẫn do những biểu hiện siêu nhiên.
Thánh Phao-lô đã bị ngã ngựa và được nghe tiếng Chúa Kitô. Đối với thánh Phanxicô, tại nhà thờ thánh Đamianô, Chúa đã nói với ngài qua cây thập giá, thánh Ignace de Loyola, trên bờ sông Cardoner một sự thần hứng giúp ngài cảm thấy thấm nhập những mầu nhiệm đức tin. Thánh Phao-lô Thánh Giá lại được thấy Đức Trinh Nữ Maria dưới lớp áo choàng đen với một dấu hiệu hình trái tim mang hàng chữ “Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô”.
Với Vinh Sơn, kể từ năm 1617, cha xác tín là phải theo Chúa, không phải chỉ sẵn sàng mà còn cam chịu bằng lòng, không phải tiếng nói từ trời, nhưng với những dấu hiệu tầm thường mà chúng ta vẫn gặp trong đời sống: những biến cố. Cha không bị phân tâm nhưng luôn chờ cơ hội, sẵn sàng đón nhận ý Chúa trên cuộc đời mình.
Tháng giêng năm 1617, cha Vinh Sơn đang ở Picardie, không xa Amiens, trên vùng đất thuộc gia đình Gondi, ở Folleville. Cha được mời đến với một dân quê đang hấp hối, ông này được mọi người cho là lương thiện. Tuy nhiên, lần xưng tội chung này tỏ bày cho cha một sự khốn khổ thiêng liêng, thật khó tưởng tượng được. Các giáo dân không còn muốn xưng tội mà chỉ muốn giữ lấy mỗi khốn khổ của riêng mình không trút bỏ được, chỉ vì sự hổ thẹn. Đây không phải là một trường hợp riêng rẽ mà là tình trạng chung cho cả nước Pháp lúc bấy giờ. Những người nghèo không được giúp đỡ cũng không được nghe rao giảng Tin Mừng.
Cha Vinh Sơn hiểu rằng không phải vấn đề thiếu linh mục. Trái lại số linh mục vẫn có thừa. Nhưng các ngài chỉ muốn lo cho bản thân và những công việc riêng tư của mình. Gia nhập hàng giáo sĩ không có nghĩa là chấp nhận những sự mệt nhọc hay phiền toái, nhưng là được thuộc về “giai cấp thứ nhất trong Vương quốc”. Cha Vinh Sơn cũng làm đúng như vậy.
Người dân quê này cảm thấy được hiểu và được nâng đỡ, quyết định nói cho bà Gondi biết điều đó. Bà bang hoàng và hỏi cha Vinh Sơn có thể làm được điều gì. Bà còn gợi ý cho vị linh hướng nói với giáo dân trên toà giảng, đồng thời thúc đẩy họ đi xưng tội chung. Hôm đó là ngày 25 tháng giêng, lễ thánh Phao-lô tin theo Chúa Kitô. Bài giảng của cha rất được giáo dân cảm nhận và kết quả là toà giải tội đông nghẹt người, phải nhờ một linh mục khác và các cha Dòng Tên tới giúp.
Thời gian trôi qua, cha Vinh Sơn hiểu được rằng đây không phải là một sự việc tình cờ, nhưng là một cuộc gặp gỡ Chúa Quan Phòng, qua đó Thiên Chúa muốn bày tỏ dự định của Ngài trên cuộc đời cha Vinh Sơn. Vì thế bài giảng ngày hôm đó luôn được cha coi như bài giảng đâu tiên của Tu hội. Nhưng chỉ sau này, cha mới nhận ra như vậy. Cha dần dần nhận thức rằng mình được mời gọi ra giảng Tin Mừng cho người nghèo ở miền quê theo kiểu lưu động.
Hiện tại, điều duy nhất mà cha thấy rõ là không thể giam mình trong lâu đài của gia đình Gondi, nơi đây ngày càng trở nên chật hẹp và nghẹt thở đối với cha. Vinh Sơn hỏi ý kiến cha Bérulle, nhưng vị này không phản đối cũng không biết nói gì hơn. Ngài chỉ định cho cha Vinh Sơn một nơi mà cha có thể thực hiện được hai nguyện vọng của một vị chủ chăn tốt” Châtillon-les-Dombes, ngày nay là Châtillon-sur-Chalaronne, gần Lyon.
Đó là một ngôi làng vừa được sáp nhập vào nước Pháp. Ở đó có sáu linh mục, các ngài thích lui tới các quán rượu hơn là cầu nguyện. với những gương xấu đó, cộng đoàn giáo dân đã mất hết sức sống. Còn những người thuộc phái Calvin thì càng ngày càng phát triển.
Điều cha Vinh Sơn quan tâm trước tiên là phải sống gương mẫu để hoán cải các linh mục. Đó là điều khó khăn nhất. Cha đã cảm hoá được một tay đấu kiếm không hề biết hối hận, bá tước Rougemont. Ông này đã can đảm bẻ gãy cây kiếm từng giúp ông thắng hơn 100 trận đấu. Ông đã bán một phần đất đai để xây nhà thờ, giúp đỡ người nghèo. Ngay cả ông chủ nhà trọ của cha, một người phái Calvin đã trở lại Công giáo cùng với nhiều người trong gia đinh ông.
Nhưng một cuộc gặp gỡ khác đang được Chúa Quan Phòng chuẩn bị. Chính ngày 20.08. Người ta vừa báo cho cha Vinh Sơn biết là tất cả mọi người trong một gia đình kia đều lâm bệnh và họ không còn gì để ăn. Lập tức cha thay đổi đề tài bài giảng. Lời nói của cha có sức thuyết phục đến nỗi toàn thể dân chúng hưởng ứng. Ngay chiều hôm đó, giáo dân lũ lượt đến thăm gia đình lâm nạn như một cuộc rước kiệu.
Cha thấy rằng sự xúc cảm trong chốc lát đó chưa đủ. Khi tiếp xúc với mặt khác của nỗi khốn khổ, sự khó nghèo vật chất, cha xác tín rằng tình liên đới giữa dân quê chưa đủ, việc bố thí cũng không hơn gì. Cha nghĩ rằng Giáo hội có bổn phận dân thân trong cuộc đấu tranh chống lại sự khốn cùng. Cha qui tụ một vài giáo dân trong làng và đề nghị họ lập thành một nhóm để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo trong làng. Tất cả để hân hoan. Cha Vinh Sơn viết một bản Qui luật. Từ đó “các Hội Bác ái” ra đời. Đó là những nhóm giáo dân cơ bản trong xứ đạo, báo trước một hình thức mới mẻ nhìn Giáo hội như là một nơi thể hiện đức bác ái.
Năm 1617 đúng là năm quyết định, một năm của khúc quanh sáng tạo.
Cha phải trở về lại Paris với gia đình Gondi. Họ nài nỉ cha nhận lại công các cũ và tạo điều kiện thuận lợi để cha có thể thực hiện vai trò của một thừa tác vụ lưu động.
Cha Vinh Sơn rao giảng trên lãnh thổ của gia đình Gondi, cha giảng tuần đại phúc, thành lập các Hội Bác Ái mới. Năm1618, cha bắt đầu viếng thăm tù nhân khổ sai ở Paris. Cha rất xúc động trước thân phận đáng thương của họ. Cha nói: “Tôi đã thấy họ bị đối xử như những con vật”. Cha không chỉ dừng lại với một cử chỉ thương xót. Đức ái dạy ta phải chia sẻ hết mọi vấn đề của con người và tái lập những mối quan hệ. Những nhà viết tiểu sử trước đây, kể lại một câu chuyện thật có ý nghĩa. Trong một chuyến đi, cha Vinh Sơn đã chèo thuyền thay cho một tù nhân khổ sai bị kiệt sức vì những ngọn roi của viên cai tù. Sự kiện này chắc chắn chỉ là truyền thuyết tuy không nói được gì nhiều. Chắc hẳn cha Vinh Sơn làm được nhiều hơn thế. Nếu chỉ thay chỗ cho một tên tù chèo thuyền, cha đã chẳng làm thay đổi gì cả. Làm như vậy, cha chỉ có thể can thiệp cho một người thôi. Và một khi đã lên bờ, thân phần tù nhân vẫn không thay dổi, có thể còn bị sa sút hơn trước. Vì thế, cha quan tâm đến tù nhân khổ sai là để họ được đối xử nhân đạo hơn, được giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần, và tại Paris, cha muốn có một nhà tù mới cho họ, và một bệnh viện ở Marseille.
Cuối năm 1618, Đức Giám mục Genève, Đức cha François de Sales đến Paris. Ngài được các bậc danh giá vị vọng tiếp đón với sự tò mò và thích thú. Đức Giám mục không đến với tư cách đó. Ngài đến không phải để được người ta hoan hô và tán thưởng, nhưng đến để hoán cải. Đức cha kể lại cuộc đời của Thánh Martin, trong lúc mọi người hy vọng sẽ được nghe tài hùng biện nảy lửa của ngài như những pháo hoa ngày đại lễ. Đức Thánh Giám mục đã gặp cha Vinh Sơn và kể lại cho cha nghe câu chuyện đó. Đối với cha Vinh Sơn, đây là một lần gặp gỡ quan trọng, qua đó buộc cha phải đặt lại bậc thang giá trị. Cha hiểu rằng đức khiêm nhường có thể mang lại hạnh phúc một khi ta biết chấp nhận từ bỏ tính kiêu căng của mình. Cha đã chọn con đường khiêm nhường. Thay vào đó Chúa cho cha thấy những dấu hiệu đầu tiên để nhận biết. Vị Giám mục Genève và thánh nữ François de Chantal uỷ thác cho cha chức vụ linh hướng Đan việ Thăm viếng tại Paris. Cha cũng nhận được một bài học về đức dịu hiền, không phải như là một đức tính bẩm sinh nơi cha. Nhận thấy nhân đức đó nổi bật nơi François, cha Vinh Sơn không thể không thốt lên: “Lạy Chúa, Ngài thật tốt lành đến chừng nào, vì François de Sales, một thụ tạo của Ngài, hiền lành và dễ mến đến thế!”.
Cha nhớ lại những nhận xết của bà Gondi. Những nhận xét đó thật đúng. Cha không thể tự dối lòng mình khi bảo rằng tính tình bẩm sinh đã như vậy thì không thay đổi được. Mối quan hệ giữa François de Sales và François Frémiot de Chantal để lại cho cha Vinh Sơn một tấm gương trước mắt về sự dịu hiền và một tình bạn thánh thiện giữa một người nam và một người nữ. Cha đã đi tĩnh tâm, trước hết ở Đan viện Chartreuse de Valprofonde và sau đó tại Soissons.
Ở Đan viện Chartreuse, cha Vinh Sơn đã tâm sự với một đan sĩ chín chắn và thánh thiện về những khó khăn của cha trong cách cư xử với phái nữ. Thay vì trả lời, vị đan sĩ đã kể lại cho cha Vinh Sơn nghe một giai thoại. Có một vị giám mục kia không hề an tâm khi rửa tội cho các phụ nữ. Ông cầu xin Chúa giải thoát cơn cám dỗ đó. Vẫn không có gì thay đổi, ông vào sống trong sa mạc. Chúa chỉ cho ông thấy ba vương miện, mỗi cái có một vẻ quí giá khác nhau mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho ông. Nhưng vì sự cứng lòng tin của ông, ông chỉ nhận được vương miện ít quí hơn.
Ở Soissons, cha Vinh Sơn tự vấn về tính tình của mình: hay buồn phiền, nghiêm khắc và hay gây gỗ. Ngài cầu xin Chúa giúp ngài thay đổi.
Hai kỳ tĩnh tâm không làm thay đổi cha như là phép màu, nhưng giúp cha hiểu được ý nghĩa của chức linh mục và sự cao cả của việc phục vụ.
Thực sự Vinh Sơn đã trải qua 10 năm để đi tìm lại chính mình, không tìm thấy gì hơn là sự khinh chê mình. Đó là dấu hiệu cho thấy cha chưa tìm ra con người mình, chưa tìm được gì cả, chứng tỏ rằng cha chưa phải là một vị thánh.
Vì thế, sau khúc ngoặt năm 1617, cha Vinh Sơn còn phải vất vả, tìm kiếm và nhất là tìm hiểu về mình. Dần dần, sức cản bên trong đã phải nhượng bộ.