9. NẾU HẠT LÚA KHÔNG MỤC NÁT

0
834

Luigi Mezzadri

8. BÊN KIA ĐẠI DƯƠNG


Chúng ta có hai bức chân dung Thánh Vinh Sơn: chân dung thấy từ bên ngoài, đó là một khuôn mặt trầm tĩnh với một hàng râu thưa thớt điểm nhiều chấm trắng bạc, đôi mắt tuyệt vời chứa đầy sự dịu dàng, sáng chói và đồng thời như xuyên thấu tận tâm hồn.

Chúng ta còn biết được một chân dung bên trong của ngài qua những bút tích ngài để lại và qua cuộc sống của chính ngài. Vinh Sơn được tỏ hiện như một con người toàn hảo. Khiêm tốn nhưng không an phận, hiền lành nhưng không yếu đuối, đơn sơ và không thích những sự phức tạp rắc rối vô ích, nhưng không bao giờ nông cạn.

Cha là một con người hoạt động phi thường. Cha thích lặp đi lặp lại điệp khúc với chính mình: “Mi không đáng với miếng cơm mi ăn”. Nhịp độ làm việc của cha thật đáng sợ. Những bổn phận của một Bề trên Tổng quyền hai Tu hội, vai trò của cha đối với các Bà Hội Bác Ái, những việc ngài phải làm nơi triều đình, rồi những lời khuyên mà các nhà quyền thế yêu cầu nơi cha, nhu cầu của người nghèo, thư từ (hơn 30.000 lá thư ngài đã viết), những nhu cầu tổ chức công tác từ thiện… Tất cả công việc đó chiếm trọn thời giờ của cha, hay đúng hơn là thiêu huỷ thời giờ của cha. Vì thế, cha không cảm thấy mình già đi, vì cha đâu còn thời giờ để nghĩ đến điều đó để mà than phiền.

Mặc dù với nhịp độ sống như vậy, cha không là một con người bị căng thẳng, phản kháng hoặc dao động. Mặc dù có sẵn thiên tài về tổ chức, điều làm chúng ta ngạc nhiên không phải là phương pháp mà chính là tinh thần làm việc của ngài. Sự trầm tĩnh của cha đáng ngạc nhiên. Cha ý thức rằng mình đang thực thi công trình của Thiên Chúa: “Những công việc của Thiên Chúa thì tự nó thành hình và sự khôn ngoan đích thực cốt tại việc dõi theo sự quan phòng của Ngài từng bước một”. Cha đã đi theo sự quan phòng của Thiên Chúa cách ngoan ngoãn. Do đó, công việc khởi đầu thường chậm chạp, nhưng một khi cha đã nhận ra những dấu chỉ của ý muốn Thiên Chúa trong một công việc nào, cha trở nên gan lỳ, cương quyết, không lay chuyển được.

Đâu là bí quyết của cha? Chính là sự cầu nguyện. Đời sống thiêng liêng của cha Vinh Sơn không phải là sự thoát tục, cũng không nằm trong chỉ dự phóng thuần tuý chính trị, hay trong sự dấn thân chống nạn đói. Tư tưởng cho rằng “Có thực mới vực được đạo”, người ta không thể nói về Thiên Chúa cho một người đang đói, không phải là tư tưởng của cha. Tư tưởng ấy là của một người có ít cảm thức về Thiên Chúa và ít kính trọng con người bằng cha. Đối với cha Vinh Sơn, cả hai nhu cầu đó đều quan trọng ngang nhau. Ta không cần phải biết có nên nói về Thiên Chúa trước hay sau đó, trong lúc sự thiếu thốn vật chất hoặc tinh thần làm cho người nghèo lâm nguy.

Khi quảng diễn những vấn nạn do vị Thừa sai nào đó đã đưa ra cho là kỳ lạ việc đảm nhận các bệnh nhân ngoài việc truyền giáo, cha Vinh Sơn đặt câu hỏi này: “Nhưng vì sao lại nhận thêm trách nhiệm một bệnh viện nữa?… Có người sẽ nói với tôi như vậy. Các linh mục phải lo chăm sóc người nghèo, công việc đó không phải là công việc của Chúa Giêsu và của nhiều vị đại thánh sao? Và người nghèo không phải là những chi thể đau khổ của Chúa sao? Và nếu các linh mục bỏ rơi họ, thì ai sẽ giúp đỡ họ? Do đó, nếu có người nào trong chúng ta đây đã nghĩ tằng mình vào Tu hội Truyền giáo là để loan báo Tin Mừng cho người nghèo, chứ không phải để nâng đỡ họ, để đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của họ chứ không phải vật chất, tôi xin trả lời rằng chúng ta phải giúp đỡ và khuyến khích người khác cũng trợ giúp họ bằng đủ mọi cách. Làm như vậy là chúng ta rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và bằng việc làm”.

Sự liên kết thâm sâu giữ tư tưởng và hành động của cha thật sự được nảy sinh từ sự kết hợp giữa lòng bác ái và Phúc âm. Cha không bao giờ chấp nhận quan niệm sự thánh thiện chỉ là sự thăng tiến con người, vì trong trường hợp đó, bác ái không còn chỗ đứng.

Vậy cảm thức về Thiên Chúa của cha Vinh Sơn phát xuất từ đâu? Từ lòng khiêm nhường của cha. Tất cả chúng ta đều biết cha Vinh Sơn quý trọng sự khiêm nhường đó chừng nào. Cha dám đối đầu với Mazarin. Người ta nói Hoàng hậu Anne D’Autriche đã muốn xin cho cha làm Hồng y. cha được coi là ngang hàng với bậc quyền thế. Tuy nhiên, lòng khiêm nhường của cha thật khó mà hiểu nổi. Cha đã tự hạ mình, cha cho mình còn tệ hơn ma quỉ, là một tội nhân, là một người dốt nát, cha đã đi chăn heo. Năm 1642, cha xin từ chức Bề Trên Cả. Cha cũng muốn các tu sĩ  truyền giáo giống như cha. Nếu họ tham dự một buổi họp nào thì tốt nhất là họ ngồi vào chỗ sau hết. Còn đối với dòng tu khác, có nề nếp và lâu đời hơn, cha cũng như các anh em của cha tự coi mình như người phụ việc (xách hành lý).

Một sự khiêm nhường như vậy không phát sinh từ những suy tư siêu hình, nhưng là từ kinh nghiệm của một con người mà trong cuộc sống đã khám phá ra là Thiên Chúa đã tìm kiếm mình và Ngài đã bắt gặp được mình. Nếu Thiên Chúa đã bỏ lại 99 con chiên an toàn để đi tìm con chiên lạc, sống xa đàn, như vậy có nghĩa là Vinh Sơn thật quan trọng đối với Thiên Chúa. Điều đó làm cha xúc động, cha cảm thấy mình được yêu thương. Lòng nhiệt thành, sự say mê đối với các linh hồn vì thế mà ngày càng thêm mãnh liệt. Một ngày kia cha đã tự thú: “Như tôi đây, mặc dù đã già yếu, suy nhược, tôi vẫn không ngừng sống trong tình trạng đi đến Ấn Độ để đem các linh hồn về cho Chúa”.

Sự khiêm nhường dạy cha biết nhìn các sự kiện và con người với cái nhìn thực tiễn. Nơi cha cũng có sự hài hước. Không phải cha muốn chế nhạo người khác, nhưng đó là một cách tế nhị để lật mặt nạ của sự kiêu ngạo. Cha đã khen một vị thừa sai người Pháp, sau một thời gian lưu lại Ý, cha học nói được chữ “vâng, thưa ngài” (signor si). Cha kể lại cuộc mạo hiểm của các vị thừa sai bị đắm tàu, sau khi chịu đói, đã được cứu sống, vẫn khoẻ mạnh và ăn ngon miệng. Với một tu sĩ có tham vọng muốn làm giám mục, cha khuyên ông ta hãy để người khác đánh giá tài năng của ông ta, và cha còn thêm rằng một sự nghỉ ngơi sẽ có tác dụng để chống lại bệnh kiêu ngạo. Với một vị bề trên than phiền anh em của ngài bị đau ốm, cha đã trả lời: “Ba người làm được việc nhiều hơn mười người nếu Thiên Chúa ra tay”. Đó là một cách lịch sự để nhắc nhở rằng sự cứu rỗi đến từ Thiên Chúa, đó là công trình của Ngài chứ không phải của chúng ta. Một cha xứ hỏi thăm cha Vinh Sơn về một linh mục muốn làm cha phó. Cha này đã gia nhập Tu hội Truyền giáo một thời gian, đã xin xuất và sau đó lại xin vào nhà dòng lần nữa để rồi lại xin xuất một lần nữa. Cha Vinh Sơn trả lời là cha không biết rõ về vị linh mục đó “mặc dù ông này đã hai lần ra khỏi nhà dòng chúng tôi”.

Kết quả của nhân đức khiêm nhường nơi cha là sự dịu dàng của một lòng bác ái thật phi thường. Chính bởi vì cha khiêm tốn nên cha mới có thể nghiêng mình trên nỗi khốn cùng của con người để cứu vớt họ. Khi nói về các tù nhân khổ sai, cha đã phát biểu: “Khi tôi cúi xuống hôn những sợi dây xích của họ… lúc ấy họ mới nghe tôi”.

Cha Vinh Sơn không thích những vấn đề rắc rối và những người hay có vấn đề, ngài nói: “Càng chăm chú nhìn mặt trời thì càng ít thấy mặt trời”. Vì thế ngài không thể hoà hợp với những người thuộc phái Jansénius. Đây là những người thuộc trường phái Âu tinh đã chấp nhận quan điểm thần học của hai nhà khởi xướng lớn: Cornélius Jansen (cũng gọi là Jansénius, một giám mục người Hà Lan (1585-1638) và Jean Duverger de Hauranne (1581-1643) được biết nhiều hơn dưới tên gọi viện phụ Saint-Cyran. Tại Pháp, phái Jansénius qui tụ chung quanh Đan viện Port-Royal (nữ Xitô) và dự vào cách giải thích một chiều về tình trạng Giáo hội thời đó mà đòi một cuộc cải cách triệt để về mặt luân lý, phụng vụ và kỷ luật trong Giáo hội, một điều rất có thể bàn cãi.

Cha Vinh Sơn đã từng là bạn của Saint-Cyran, nên biết rõ con người ấy. Ngài không chấp nhận việc ông này liên tục phê bình Giáo hội và ngài không nghĩ rằng có thể loan báo Tin Mừng cho Âu châu cách mới mẻ bằng cách rao giảng một Đức Kitô đã không chết cho hết mọi người, ngài cũng không nghĩ là thân phận con người đã bị tội lỗi làm hư hỏng đến mức mỗi hành vi của con người mà không do ân sủng tác động có thể thêm một lý do khiến cho họ bị kết án.

Cha Vinh Sơn biết rằng Hồng y Richelieu (thủ tướng nước Pháp) có những lý do để bất đồng ý kiến với Sain-Cyran, Hồng y sợ ông này như là một đối thủ chính trị và vì giáo thuyết của ông có thể thêm ảnh hưởng về quyền lực. Vị hồng y đầy quyền lực này, năm 1638 đã bắt giam Saint-Cyran, và cho thẩm cứu một vụ án chống ông này. Nếu như Hồng y được những người như cha Vinh Sơn làm nhân chứng về giáo thuyết của bị can thì chắc chắn ông đã thắng thế. Thánh Vinh Sơn được mời làm nhân chứng. Một mặt, ngài biết rằng Saint-Cyran rất đáng trách, nhưng mặt khác, ngài không muốn làm lợi về mặt chính trị cho Hồng y. Vấn dề có liên quan lúc đó không phải là giáo lý của Giáo hội, mà là một cuộc tranh giành quyền lực. Vì thế ngài đưa ra một lời khai rất khôn ngoan, từ đó không thể rút ra điểm nào để buộc tội. Theo lời một người viết tiểu sử thánh Vinh Sơn, việc này của cha là một “kiệt tác của đức bác ái”. Không phải là vì sợ hãi. Khi vụ phái Jansénius bùng nổ, cha Vinh Sơn nhận lãnh trách nhiệm và ngài đứng vào hàng ngũ những người xin Đức Giáo Hoàng kết án cuốn sách sách chính yếu của Jansénius mang nhan đề Augustius. Sau đó, ngài ra sức giới hạn sự lây nhiễm của thuyết Jansénius và giữ cho cộng đoàn ngài khỏi bị nhiễm. Trong lãnh vực này, ngài hành động nhất trí với các giám mục và một số nhân vật tiêu biểu nhất trong Giáo hội Pháp, trong số đó có thể kể cha Condren, cha Olier (sáng lập Hội Xuân Bích) và thánh Jean Eudes. Khác với chủ chương chống phái Jansénius của các nhà chính trị (Richelieu, Mazarin, vua Louis XIV) và của các nhà thần học, sự chống đối của các vị “thiêng liêng” này không liên hệ đến học thuyết tín lý-luân lý hay đến mối ác cảm đối với chính trị quốc tế của hai hồng y thủ tướng. Các vị này chống lại vì lòng yêu mến Giáo hội, và vì ơn cứu độ của những người bé mọn. Cha Vinh Sơn cũng như cha Condren, cha Olier, cha Eudes, không thể chấp nhận là một nhà thần học lại có thể kiêu ngạo tự xưng mình là người cải cách Giáo hội.

Còn hơn thế nữa, cha không thể chấp nhận việc người ta không rao giảng cho dân chúng đau khổ của thế kỷ XVII khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa, mà lại nói về bộ mặt nghiêm khắc của một vị Thiên Chúa đã không đến thế gian chết cho mọi người ngõ hầu đem lại sự sống cho họ. Khi nghe một nhà thần học quả quyết rằng người nào không hiểu biết về Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể thì không được cứu rỗi, cha Vinh Sơn bình phẩm: “Tôi sợ phải bị luận phạt vì đã không liên tục chăm lo dạy dỗ giáo lý cho dân nghèo”. Đối với cha Vinh Sơn, khuôn mặt tốt lành và nhân từ của Thiên Chúa tạo nên niềm cậy trông của người nghèo. Cha không thể bỏ rơi họ được và cũng không muốn để họ nghe rao giảng về sự nghiêm khắc và sự xa cách của Thiên Chúa.

Cha Vinh Sơn đã sống đến tuổi già. Người ta có cảm tưởng là sự quyết tâm phục vụ đến cùng đã làm cho cha lâu già và luôn gắn bó với cuộc sống. Cho đến giờ phút cuối cùng, cha vẫn muốn có mặt ở nhiệm sở.

Từ năm 1659 trở đi, sức khoẻ của cha suy yếu dần. Cha không thể xuống nhà thờ và bắt buộc phải cử hành thánh lễ tại nhà nguyện của bệnh xá. Về sau, hai chân quá yếu của cha không cho phép cha đứng được để dâng thánh lễ, nên người ta phải biến phòng kế cận phòng cha làm thành nhà nguyện.

Những cơn đau đớn dữ dội làm cha tiêu hao dần dần. Lời than vãn duy nhất của cha chứa đựng trong những tiếng kêu đầy thánh thiện. Gương mặt luôn hiền từ và dễ mến của cha không để người khác đoán ra cơn đau cha đang trải qua. Cha đã nói với những người đến thăm: “Chúa Giêsu Kitô đã chịu đau khổ hơn tôi nhiều”. Hoặc là “tôi chưa đáng gì so với những gì mà tôi đáng phải chịu vì tội lỗi tôi đã gây ra”. Tuy không ra khỏi phòng, cha vẫn tiếp tục gặp gỡ, viết thư và khuyên bảo người khác.

Ban đêm, cha hay mất ngủ và ban ngày cha thường thiu thiu chợp mắt mơ màng. Và sau những lúc nghỉ ngơi như thế cha vẫn còn can đảm nói rằng: “Anh (giấc ngủ) đến trong lúc chờ đợi chị (chết).

Ngày Chúa nhật 26 tháng 9, giữa cộng đoàn đang hiện diện, cha lãnh Bí tích Xức dầu bệnh nhân, và sau đó cha chỉ lặp đi lặp lại: “Lạy Chúa, xin đến giúp con” “Giêsu”. Cha tuyên xưng Đức tin và chúc lành cho con cái ngài. Ngày 27, vào khoảng 4 giờ sáng, giờ mà cha quen thức dậy, cha lâm cơn hấp hối. “Cha đã chết trong chiếc ghế cha vẫn ngồi bên lò lửa, mặc áo dòng, không vật vã. Cơn hấp hối đã không làm biến đổi gương mặt cha, mà hình như còn làm cho khuôn mặt cha đẹp hơn, uy nghi hơn, khiến mọi người đều ngạc nhiên”.

Con người mà người nghèo tôn kính như người cha của họ, đã ra đi như thế đó, người đã đi vào huyền thoại nhờ những công tác phục vụ người nghèo, Giáo hội và nước Pháp. Một trong những người đồng thời với cha đã nói: “Tôi hân hạnh được biết cha Vinh Sơn từ hơn 30 năm nay. Tôi chỉ thấy nơi ngài những gì là rất thánh thiện và cao cả. Tôi luôn coi ngài như một vị tông đồ tràn đầy tinh thần Thiên Chúa, tắt một lời, như một vị thánh của thời đại chúng ta, nơi ngài là tụ điểm của những nhân đức ở mức độ siêu vời”.

Lời chứng này đã được Giáo hội công nhận khi Đức Giáo Hoàng Clement XII, ngày 16.6.1737 đã đưa ngài lên bậc Hiển thánh.

Trong một lần nói chuyện với các tu sĩ Truyền giáo, một năm trước khi qua đời (22.8.1659), cha Vinh Sơn đã định nghĩa thế nào là sự thánh thiện, chắc chắn dựa vào đời sống thiêng liêng của chính cha: “Sự thánh thiện là gì? Đó là sự dứt khoát và xa lánh các tạo vận trần gian, và đồng thời là yêu mến Thiên Chúa và gắn bó với ý muốn của Ngài… và điều gì làm cho chúng ta xa lánh trần gian và gắn bó với Thiên Chúa cho bằng các phương châm của Phúc âm? Và khi nói: “Đó là một con người tuân giữ châm ngôn Phúc âm, chính là nói: họ đang sống trong sự thánh thiện”.