Vinh Sơn Phaolô, Vị Thánh “Uống Nước Nhớ Nguồn”
“Uống nước nhớ nguồn,” câu ca dao tục ngữ chỉ vỏn vẹn với bốn từ đã dễ dàng nói lên được cả một đạo lý sống: mỗi khi uống nước phải nhớ đến nguồn phát sinh ra nước, con người phải có lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, với những người làm ơn cho mình. Thánh Vinh Sơn Phaolô, cha của người nghèo,[1] người đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới về người nghèo,[2] là vị đại ân nhân của nước Pháp. Thánh nhân được mọi người kính trọng và biết ơn bởi tất cả những gì ngài đã sống, đã làm. Không chỉ là người làm ơn cho người khác, thánh Vinh Sơn còn là người sống có lòng biết ơn. Nói theo ngôn từ Việt Nam: Vinh Sơn Phaolô, Vị Thánh “Uống Nước Nhớ Nguồn.” Trong bài viết này, tôi sẽ làm rõ khẳng định trên bằng những luận điểm sau:
1. Thánh Vinh Sơn Biết Ơn Những Vị Ân Nhân
2. Thánh Vinh Sơn Biết Ơn Những Thành Viên Lớn Tuổi Và Đau Ốm Trong Tu Hội
3. Thánh Vinh Sơn Biết Ơn “Người Nghèo Là Chủ Và Là Chúa”[3]
1. Thánh Vinh Sơn Biết Ơn Những Vị Ân Nhân
Nếu vẽ cuộc đời Vinh Sơn từ năm 1581 đến năm1660, trên trục hoành tọa độ, thì ở những mốc điểm quan trọng, chúng ta sẽ thấy đều có những vị ân nhân giúp đỡ cha. Nói như thế có nghĩa là bảng danh sách ân nhân sẽ rất dài, nên chúng ta chỉ cần nói đến một vài vị tiêu biểu và thái độ biết ơn của cha Vinh Sơn đối với họ.
Trước hết phải kể đến đại gia đình Gondi[4]: Bà Gondi[5] được cha Vinh Sơn khiêm nhường gán tặng công trạng là “nữ sáng lập viên đầu tiên”của Tu hội. Người phụ nữ này góp nên ý tưởng biến đổi công việc riêng của cha Vinh Sơn trở thành việc thiết lập một cộng đoàn các linh mục truyền giáo. Cha Vinh Sơn đã nói, Tu hội nợ bà, không những vì số vốn cho Tu Hội, nhưng còn vì sự gợi ý của bà giúp cho Tu Hội được sinh ra.[6]
Hoạt động trên lãnh thổ Gondi, cha Vinh Sơn không chỉ khám phá ra ơn gọi truyền giáo, canh tân hàng giáo sỹ, mà cả cách thức tổ chức hoạt động bác ái. Các Hội Bác ái ra đời và nhanh chóng lan rộng và bà Gondi là thành viên ưu tú đầu tiên đóng vai trò chính trong sự phát triển làn sóng bác ái này.
Với Emmanuel de Gondi, vị đô đốc các chiến thuyền hoàng gia, người nảy sinh ra việc sáng tạo chức vụ Tuyên úy trực thuộc nhà vua cho các người tù chèo thuyền ở Pháp và giao chức vụ này cho cha Vinh Sơn. Đó là tước hiệu đầu tiên có chiều kích quốc gia, được cấp cho Tu hội. Cha Vinh Sơn nắm giữ tước hiệu này suốt đời. Không lâu trước khi qua đời, cha quyết định trao lại vĩnh viễn chức vụ này, cho vị Bề trên Tổng quyền của Tu hội Truyền giáo.[7]
Tu hội của những nhà truyền giáo mới thành lập đã dễ dàng có được sự chứng nhận của Giáo phận. Đơn giản là vì Tổng Giám mục Paris Jean-Francois de Gondi là một người thuộc đại gia đình Gondi. Tổng Giám mục đã phê chuẩn cho cha Vinh Sơn, ngay cả trước khi cha chính thức tập hợp những hội viên đầu tiên của mình, vào ngày 24 tháng 04 năm 1626.[8]
Trước những ân tình mà gia đình Gondi ưu ái dành cho mình, cha Vinh Sơn đã luôn là một người có lòng biết ơn: Cha dạy dỗ những đứa con của ông bà chủ; dạy giáo lý cho các tôi trai, tớ gái trong gia đình; nhiệt thành làm đại phúc trên lãnh thổ Gondi; cha là vị hướng dẫn tâm hồn tuyệt vời đối với bà Gondi…
Năm 1652, theo lệnh của thủ tướng Mazarin, người ta bắt Giám mục de Retz[9] vì đã tham gia vào nhóm La Fronde, chống lại các chính sách cũng như chống lại chính vị thủ tướng này. Người ta giam giữ de Retz ở Vincennes, đồng thời mời ông de Gondi, là cựu chỉ huy các chiến thuyền, đi lưu đày ở Villepreux. Cha Vinh Sơn sớm cảm thông và luôn quan tâm đến hai cha con Gondi nên đã đi đến Villepreux, để an ủi ông Gondi. Cha tiếp tục liên lạc thư từ đều đặn với ông đến cuối đời như một cách thức đền ơn.
Tháng 8 năm 1654, Giám mục de Retz trốn khỏi Vincennes và vất vả đến được Roma. Đức Giáo Hoàng Innocent X đã chính thức trao mũ Hồng y cho ngài và thu xếp để ngài được ở tại nhà của Tu hội Truyền giáo. Điều này đã gây ra các khó khăn cho cha Vinh Sơn và Tu Hội, vì chứa chấp de Retz đồng nghĩa với chứa chấp kẻ thù của nhà vua. Trước hoàn cảnh này, cha Vinh Sơn chấp nhận những gì xảy ra với tinh thần đức tin như mọi khi của mình.
“Chúng ta có lý do để tạ ơn Chúa về những gì vừa xảy ra cho Đức Hồng y de Retz, mà nhà của Tu hội Truyền giáo ở Roma đã tiếp đón: 1) bởi vì nhờ cách này mà chúng ta bày tỏ được lòng biết ơn to lớn, đối với vị sáng lập cũng như với vị giám chức của chúng ta; 2) bởi vì chúng ta vâng phục Đức Giáo hoàng trong việc này, bởi vì ngài đã ra lệnh cho Bề trên của Tu hội Truyền giáo ở Roma, tiếp đón vị Hồng y đã nói đến đó, về nhà này; 3) khi thật sự nghe theo các mệnh lệnh của nhà vua, đã ra lệnh cho bề trên Tu hội ở Roma cũng như các linh mục người Pháp của Tu hội ở đây, phải rời khỏi Roma để trở về Pháp… Hãy xem các nhân đức này liên kết với nhau biết bao; một nhân đức dẫn đến môt nhân đức khác, rồi nhân đức này lại dẫn đến một nhân đức khác nữa.”[10]
Vị ân nhân tiếp theo là Tu viện trưởng Adrien Le Bon[11], người đã dâng tặng món quà Saint Lazare rộng lớn cho Tu hội Truyền giáo. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với Tu hội Truyền giáo, vì con thuyền nhỏ bé của Tu Hội được ném ra biển khơi.
Theo bản hợp đồng, vị ân nhân Adrien Le Bon sống ở Saint Lazare đã tỏ ra rất cởi mở và rộng rãi, nhưng không phải là người dễ sống. Tính khí quá nhạy cảm của ngài gần giống như cái gì có tính cách bệnh hoạn. Nhất là trong năm hay sáu năm đầu tiên, tất cả mọi sự kiện rất nhỏ nhặt cũng làm cho ngài hối tiếc về quyết định của mình, khiến cho ngài từ bỏ tài sản Saint Lazare. Chỉ cần người gác cổng chậm mở cửa cho ngài vào nhà, hay một người khách đến thăm, than phiền là họ không được gặp ngài, thì ngài mất bình tĩnh và bắt đầu than trách. Sự việc cũng sẽ diễn ra y như thế, nếu có một người giáo dân nào đó chỉ trích ngài đã quyết định để lại tài sản của mình cho một cộng đoàn khác, làm cho cộng đoàn của ngài bị thiệt hại. Trước những sự việc trên, cha Vinh Sơn vẫn luôn tỏ thái độ kính trọng và giữ lòng biết ơn đối với ân nhân của Tu hội. Cha Vinh Sơn đã nhiều lần quỳ xuống và xin lỗi cha Adrien Le Bon, vì những lời sỉ nhục có thật hay là tưởng tượng của cộng đoàn hay của các thành viên ở trong cộng đoàn đã nhắm vào ngài. Khi đó, cha Adrien sẽ dịu xuống và ngài lại tiếp tục yêu mến các cha truyền giáo. Cha Vinh Sơn nhớ lại việc cha đã quỳ xuống trước mặt vị Tu viện trưởng này tới hơn năm mươi lần.[12]
Cha Vinh Sơn đã đối xử với cha Adrien Le Bon như thể ngài vẫn là chủ nhân của Saint Lazare. Sau những chuyến hành trình trở về, khi viếng Thánh Thể xong, thì điều đầu tiên cha làm, đó là đi chào cha Adrien. Còn các ngày Chúa Nhật, cha Vinh Sơn cùng ăn tối với cha Adrien. Cha Vinh Sơn luôn xem cha Adrien như là người cha của cộng đoàn.
Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, 9 tháng 4 năm 1651, cha Adrien Le Bon đã trở về cùng Chúa. Cha Vinh Sơn bày tỏ lòng biết ơn của mình, qua các cử chỉ đặc biệt đối với vị ân nhân quảng đại này. Cha quy tụ tất cả cộng đoàn vào phòng của cha bề trên, để nhận phép lành cuối cùng của ngài. Chính cha đọc kinh cho người đang hấp hối. Ngay khi người hấp hối trút hơi thở cuối cùng, cha Vinh Sơn đứng lên và đến ngay bên giường người chết, đọc một bài điếu văn cảm động, ca tụng những nhân đức của cha bề trên và thúc giục những người hiện diện cầu nguyện cho cha được an giấc ngàn thu: “Hỡi các anh em, này đây người cha tốt lành của chúng ta đang đến trước mặt Thiên Chúa; chúng ta là con cái của ngài, một người cha đầy lòng nhân ái với chúng ta và hơn bất cứ người cha nào khác có thể có đối với con cái của mình […] Hỡi anh em, hãy coi chừng đừng để mình rơi vào tội vô ơn bội nghĩa với cha Adrien cũng như với các kinh sỹ Saint Lazare khác, là những vị tiền bối mà chúng ta là hậu duệ. Chúng ta phải hết sức biết ơn họ về những điều tốt đẹp mà họ đã làm cho chúng ta.”[13]
Lễ tang được cử hành hết sức long trọng, sau đó, cha Vinh Sơn viết một thư luân lưu cho tất cả các nhà trong Tu Hội, ra lệnh cầu nguyện cho linh hồn cha bề trên. Ngài còn quyết định đưa hài cốt của cha bề trên đáng kính về nhà thờ Saint Lazare và đặt ở giữa cung thánh.[14]
Hồng y Bérulle, Cha André Duval, Đức Cha Francois De Sales là những vị ân nhân hướng dẫn tâm hồn của cha Vinh Sơn.
Từ năm 1609, sau cuộc gặp gỡ Hồng y Bérulle, cha Vinh Sơn trải qua nhiều biến cố mang tính quyết định trong ơn gọi: ngày 2 tháng 3 năm 1612, Hồng y tín nhiệm trao cho cha Vinh Sơn cơ hội được làm cha xứ Clichy; Hồng y cắt cử cha đến làm gia sư trong gia đình Gondi và làm tuyên úy các nhà thờ riêng trong vùng đất của họ; Hồng y là người đánh thức cha Vinh Sơn ra khỏi những giấc mơ tầm thường có vẻ hào nhoáng bên ngoài và giúp cha vượt qua cơn khủng hoảng có tính cách quyết định của cuộc đời.
Cha Vinh Sơn nhận xét về ngài là: “một trong những người thánh thiện nhất mà tôi biết.”[15] Cuối buổi nguyện gẫm vào tháng 11 năm 1643, cha Vinh Sơn đã nêu gương sáng về hồng y Bérulle cho các chủng sinh: “Phải học hành làm sao để cho tình yêu tương ứng với sự hiểu biết, đặc biệt là đối với những ai học thần học, và theo cách của hồng y De Bérulle, người mà, ngay sau khi nắm bắt được một chân lý, thì liền phó mình cho Thiên Chúa để hoặc là thực hành một điều gì đó, hoặc là để đi vào những tâm tình nào đó, hoặc nữa để làm phát sinh những hành động; và bằng cách đó Hồng y đã có được cùng lúc sự thánh thiện và tri thức rất vững chãi đến nỗi người ta khó lòng tìm gặp được một trường hợp tương tự như thế.”[16] Cha Vinh Sơn chỉ giữ lại một vài kiểu nói đạo đức và một sự tôn kính chân thành đối với vị ân nhân đáng kính này.
Với Cha Duval tốt lành, dường như trong mọi việc quan trọng, cha Vinh Sơn đều đến hỏi ý ngài như thể đó là cách thức tìm ý Chúa. Từ việc quyết định thành lập Tu hội Truyền giáo, tổ chức các hoạt động bác ái đến việc chấp nhận Saint Lazare cũng như việc muốn từ bỏ nó.
Được vị tiến sĩ thánh thiện làm linh hướng, được học hỏi những nhân đức quý báu nơi ngài, Vinh Sơn sẽ rất tự hào để nêu lên mẫu gương này cho các học trò của mình. Trong buổi nói chuyện ngày 1 tháng 11 năm 1649, cha Vinh Sơn đã khen thầy Simon Busson tốt lành và thánh thiện dựa trên gương của cha Duval: “Theo như bản tra cứu về nhân sự trong nhà thì Simon Busson vào Tu hội Truyền giáo vào khoảng mùa chay năm 1648. Kìa nơi thầy có nhiều nhân đức tốt lành và thánh thiện! Ôi lạy Chúa! Xin chúc tụng Danh Chúa luôn mãi! Đó là một động lực lớn cho lòng can đảm của các anh em chúng ta, một đề tài lớn để xây dựng các giáo sĩ của chúng ta và cũng là một nguyên do khiến tôi phải bối rối, vì tôi là con người khốn nạn, một con người lắng nghe nhưng lại là tội nhân khốn nạn[…]Ôi lạy Chúa ![…]cha Duval là một tiến sĩ tầm cỡ của đại học Sorbonne, và lại còn tầm cỡ hơn nữa bởi đời sống thánh thiện của ngài, một ngày kia đã nói với tôi ‘thưa cha, cha thấy không, những con người tốt lành ấy tranh với chúng ta cửa thiên đàng và họ sẽ là ngưới thắng cuộc thôi.’”[17]
Còn với Đức cha Francois De Sales, cha Vinh Sơn đã khám phá nơi ngài điều mà cha đã không tìm thấy nơi Hồng y Bérulle, đó là một vị thánh. Ngoài chuỗi dài những lời khuyến khích vừa có tính cách riêng tư cho đến cái nhìn rộng lớn hơn cũng như cách tổ chức đời sống trọn lành và cuộc sống tông đồ, thì cha Vinh Sơn đã học được nơi vị ân nhân đặc biệt này tính khí dịu hiền, bình dị và dễ gần. Một ngày nọ, cha Vinh Sơn bị bệnh nằm liệt giường, cha nhớ đến cha Francois De Sales và thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa tốt lành biết bao, vì Francois De Sales là tạo vật của Ngài, mà còn tốt lành và đáng mến như thế.”[18] Cha Vinh Sơn đã bắt gặp nơi học thuyết của Đức cha De Sales một phương pháp đơn giản để đạt đến sự thánh thiện: Để đạt đến sự trọn lành thánh thiện, thì không cần phải nắm vững cái cấu trúc tri thức phức tạp như kiểu Hồng y Bérulle. Con đường khiêm nhường và dịu hiền mà Francois De Sales ca ngợi, cũng là đầy đủ rồi.[19]
Bởi tất cả những ảnh hưởng trên, chúng ta không lạ gì khi cha Vinh Sơn dành cho thánh Francois De Sales một vị trí đặc biệt trong tim. Cha Vinh Sơn yêu quý và biết ơn thánh nhân, người đã mở ra trước mặt cha chân trời to lớn về sự thánh thiện và giúp cha đạt tới chân trời đó. Cha Vinh Sơn tỏ bày sự kính mến đó khi nhờ người ta treo chân dung của thánh nhân, ngay trong căn phòng huấn đức ở Saint Lazare, là Nhà Mẹ của của Tu hội Truyền giáo.[20]
Ngoài những vị ân nhân được kể trên, chúng ta có thể chú ý thêm: Louise de Marillac (1591-1660);[21] Nữ công tước Aiguillon ngoan đạo là người nổi bật nhất trong số tất cả các nhà hảo tâm của Tu Hội;[22] Bà chủ tịch Goussault;[23] Hoàng hậu Anne d’Autriche;[24] Họ là những ân nhân quảng đại, là cánh tay nối dài của cha Vinh Sơn trong việc thực thi bác ái.
2. Thánh Vinh Sơn Biết Ơn Những Thành Viên Lớn Tuổi Và Đau Ốm Trong Tu Hội
Cha Vinh Sơn đã luôn kính trọng cũng như biết ơn những người cao tuổi trong Tu hội. Đối với cha, các thành viên lớn tuổi, đau yếu, họ ở trong bệnh xá hay nằm trên giường bệnh, không chỉ là để được chăm sóc và chữa lành, nhưng họ ở đó còn để làm chứng cách công khai giống như rao giảng trên tòa giảng về các nhân đức Kitô giáo, đặc biệt là sự kiên nhẫn và đón nhận thánh ý Chúa, ít nhất là bằng gương sáng của họ. Theo cách đó, họ có thể làm cho người chăm sóc họ và cả khách viếng thăm có thể nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô.[25] Cha nói rằng: “Nếu ai đó vì bệnh tật, tuổi tác hay vì cơ thể quá yếu nhược, cần một điều nào đó hơn những người khỏe, thì lòng bác ái đòi người ta phải chu cấp. Tu hội là người mẹ hiền đối xử với người tàn tật và họ là đứa con tàn tật. Giống như người mẹ đối xử dịu hiền và thương cảm đứa con ốm đau hơn đứa khỏe, thì Tu hội phải quan tâm đến những thành viên đau yếu hơn. Nếu không, đó sẽ là cuộc tàn sát. Đối xử với thành viên lớn tuổi và đau yếu lại giống thành viên bình thường mà không có luật trừ mà cũng không có sự kính trọng sao?”[26]
Sự kính trọng, biết ơn các cha lớn tuổi nơi cha Vinh Sơn được thấy rõ khi cha thường hay nói về họ như là sự chúc phúc của Thiên Chúa dành cho Tu hội và cha còn nêu gương sáng của họ trong các buổi đàm luận: “Chúng ta có cớ để mà chúc tụng Chúa nhờ lòng nhân từ và thương xót của Ngài, trong Tu hội có những người tàn tật và ốm đau, những người mà, qua sự ốm đau mòn mỏi và những đau khổ của họ, làm thành trường dạy tính nhẫn nại, trong đó chúng làm tỏ lộ các nhân đức của họ trong tình cảnh của họ. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những con người như thế.”[27]
Lòng biết ơn những thành viên cao tuổi, còn thể hiện qua việc cha Vinh Sơn thường hay bận tâm lo lắng cách thức chăm sóc tốt nhất cho họ. Cha nghĩ rằng thật bất công nếu sao lãng họ.[28] Cha mong muốn các thành viên Tu hội sẽ luôn tôn trọng, sẵn sàng chăm sóc, an ủi những thành viên lớn tuổi, đau yếu. Trong lá thư gửi cho cha Pierre Du Chesne, khoảng tháng 2 năm 1639, cha viết: “Tôi đã viết thư xin cha Dufestel cố gắng hết sức để được chữa trị. Cha Pierre ơi, tôi cũng xin cha giúp một tay để làm thế nào mà bác sỹ có thể thăm cha ấy mỗi ngày, để cha ấy không phải chịu thiếu thuốc và thiếu ăn uống. Ôi, tôi mong ước biết bao rằng cả Tu hội đều đầy dẫy thánh thiện về việc ấy! Tôi sẽ vui sướng nếu người ta báo cho tôi ở đâu đó, có người của Tu hội đã bán cả chén lễ để lo việc ấy.”[29]
3. Thánh Vinh Sơn Biết Ơn “Người Nghèo là Chủ Và Là Chúa.”[30]
Dường như, cả cuộc đời cha Vinh Sơn gắn bó với người nghèo: sinh ra trong một gia đình nông dân miền quê; lớn lên ăn học nhờ công ơn khó nhọc của bố mẹ; thời sinh viên bươn chải dạy kèm kiếm thêm thu nhập; làm linh mục với mong ước cải thiện kinh tế gia đình, nhưng lại được Chúa dẫn đi lối khác. Cha Vinh Sơn trở thành cha của người nghèo, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Tất cả những điều đó khiến ta dễ dàng kết luận: người nghèo biết ơn cha Vinh Sơn thì thuận chiều hơn khi nói cha Vinh Sơn biết ơn người nghèo.
Nếu chúng ta đi sâu đến tận gốc rễ của vấn đề người nghèo, chúng ta sẽ nhận ra rằng người nghèo thực sự là ân nhân của cha Vinh Sơn, ân nhân của Tu hội. Xét theo chiều thuận, cha Vinh Sơn là người cảm thấy mình bị sự đau khổ của những người nghèo dày vò. “Người nghèo không biết đi đâu và làm gì, họ chịu đau khổ từng ngày và họ càng ngày càng đông hơn.”[31] Sau khi họ ăn hết tất cả những đồ ăn ít ỏi mà họ đã kiếm được, họ “chỉ còn có một điều duy nhất để làm, đó là đào một cái huyệt để tự chôn sống mình ở đó.”[32] Chính họ là tâm điểm mà cha hằng quan tâm lo lắng. Vì chiến tranh, mà sự đau khổ của người nghèo ngày càng trở nên bi đát hơn.[33] Chính họ là tiêu điểm thu hút lòng thương xót và mọi hoạt động bác ái của cha. Xét theo chiều ngược lại: “Người giàu sống trên mồ hôi nước mắt của người nghèo; chính những người nghèo đã dùng sức lao động và công việc mệt nhọc của mình để nuôi sống họ.”[34] Người nghèo thực sự đáng là chủ, họ đáng được hưởng những sản phẩm vất vả làm ra.
Trong buổi nguyện gẫm ngày 24 tháng 7 năm 1655, cha Vinh Sơn nhắn nhủ các nhà truyền giáo: “Chúng ta sống nhờ gia sản của Đức Giêsu Kitô, nhờ mồ hôi nước mắt của những con người đáng thương. Mỗi khi đến nhà ăn, chúng ta phải luôn nghĩ thế này, lương thực mà tôi sắp dùng có phải do tôi làm ra không? […] Khốn thay, có phải bánh ngươi sắp ăn là do ngươi làm ra không, bánh này ngươi có là nhờ công việc của người nghèo? Ít nữa, nếu chúng ta không kiếm được bánh như họ đã kiếm, thì chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhu cầu của họ. Loài vật biết ơn những người nuôi chúng. Người nghèo nuôi chúng ta, vậy chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho họ và đừng để trôi qua ngày nào mà chúng ta không dâng họ cho Chúa.”[35]
Hơn thế nữa, với cái nhìn đức tin, cha Vinh Sơn nhận thấy người ta gặp được thứ tôn giáo đích thực nơi những người nghèo, bởi vì họ đã nhẫn nhục và kiên trì chấp nhận những đau khổ của họ, nên thái độ này giúp họ đến gần với niềm tin đơn sơ và sống động của các thánh,[36] cũng như có được một lòng tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.[37] Cha nói: “không nên đánh giá một anh nông dân hay một chị nông dân nghèo theo vẻ bề ngoài của họ, hay dựa vào mức độ hiểu biết của họ, bởi vì họ thường luôn tỏ ra thô tục và phàm tục đến nỗi, có vẻ như họ không có những đặc tính và trí tuệ của những con người sáng suốt. Thế nhưng, hãy lật ngược tấm huân chương lại, và với con mắt đức tin, anh em sẽ nhận ra rằng đối với chúng ta, những người nghèo đó, chính là Con Thiên Chúa, là Đấng đã muốn đứng về phía những người nghèo. Trong cuộc khổ nạn của mình, gần như Ngài không còn hình hài của một con người, và dân ngoại coi Ngài như một kẻ khờ dại, còn dân Do Thái coi Ngài như một vật cản trở. Vì tất cả những lý lẽ trên, mà Ngài tự xưng mình là “Người rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó”, Ôi lạy Chúa! Tuyệt vời biết bao, khi chúng ta nhìn thấy họ ở nơi Thiên Chúa, và khi chúng ta suy nghĩ về lòng quý mến của Chúa Kitô đối với họ. Ngược lại, nếu chúng ta đánh giá họ theo tiêu chuẩn người đời, và theo tinh thần thế tục, thì họ có vẻ như là những con người đáng khinh.”[38]
Nhận thức rõ người nghèo là Chúa là chủ, là ân nhân của Tu hôi, cha Vinh Sơn khuyên bảo các nhà truyền giáo: “Anh em thân mến, chúng ta hãy đi và làm việc với một tình yêu mới để phục vụ người nghèo, nhất là hãy tìm kiếm những người thiếu thốn nhất và bị bỏ rơi nhất trong số họ. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng trước mặt Chúa họ là chủ và là thầy của chúng ta và chúng ta không xứng đáng dâng cho họ những việc phục vụ nhỏ bé của mình.”[39]
Với cha Vinh Sơn, biết ơn người nghèo là biết ơn ông chủ của mình và việc Phục vụ người nghèo có nghĩa là phục vụ chính Đức Kitô.[40] Cha tự coi mình là người may mắn, bởi vì cả hai Tu hội mà cha thành lập, được Chúa dành riêng để phục vụ phần tinh thần và thể xác của những người nghèo.[41] Trong mắt cha, việc phục vụ người nghèo là một “Bí tích”, và khi nhu cầu xảy đến, việc phục vụ này có thể và có lẽ được thay thế không những việc tuân giữ luật lệ hay việc đạo đức trong cộng đoàn, mà nó còn có thể thay thế ngay cả việc tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, bởi vì việc bỏ nguyện ngắm hay bỏ bất cứ việc đạo đức nào nhằm phục vụ người nghèo, thì điều này có nghĩa là “rời bỏ Chúa để đến với Chúa.”[42]
Trong buổi nói chuyện với các Nữ tử Bác ái, ngày 13 tháng 2 năm 1646, cha Vinh Sơn đề cao vai trò người nghèo. Họ là những ân nhân đặc biệt không có tài sản để giúp các chị, nhưng họ hằng cầu bầu cho các chị trước tòa Thiên Chúa. Họ sẽ lũ lượt đến đón các chị và thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, đây là những người đã giúp chúng con vì tình yêu Chúa. Đây là những người dạy chúng con nhận biết Ngài.”[43]
Cuối cùng, chúng ta hãy học nơi cha Vinh Sơn cung cách phục vụ “ông chủ nghèo”. Ông chủ này đôi khi tỏ ra khó tính, đôi khi cáu ghắt và có nhiều đòi hỏi. Khi chúng ta phục vụ những người chủ đích thực này, chúng ta nên có thái độ vui vẻ, hăng hái và kiên trì, đồng thời cùng với một sự khiêm tốn, nhẫn nại và tôn trọng nữa.[44] Cha nhấn mạnh thêm lần nữa với các chị Nữ tử: “Các chị Nữ tử Bác ái khi phục vụ người nghèo, hãy phục vụ với lòng kính trọng như họ là Thầy và Chúa của mình; với lòng sùng mộ vì họ đại diện cho Đức Kitô, Đấng đã phán: điều các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là đã làm cho chính Ta.”[45]
Với những lập luận khai triển ở trên, tôi có thể kết luận: Vinh Sơn Phaolô, quả là vị thánh “uống nước nhớ nguồn.” Cha thánh sống “có tình có nghĩa,” luôn biết ơn và cố gắng “đền ơn đáp nghĩa” đối với những vị ân nhân của mình. Cha học hỏi và thủ đắc những đức tính tốt lành nơi các vị linh hướng. Cha kính trọng, yêu mến những thành viên lớn tuổi. Cha quan tâm, lo lắng đến các anh em ốm đau trong Tu hội. Cha nhận ra điều rất quan trọng đó là: Cả cha và Tu hội đều mang ơn người nghèo, họ là chủ và là Chúa của chúng ta.[46] Vì thế, cha dành cả cuộc đời để hiến mình cho họ, để đền ơn họ, cũng là đáp lại ân tình Chúa ban cho cha.
Trong lá thư cha Vinh Sơn gửi cha bề trên Bourdet, vào ngày 1 tháng 9 năm 1646, có đoạn chép: “vô ơn là cái tội nặng nhất trong số các tội.”[47]Mặc dù câu nói này trong mạch văn chỉ ngụ ý khuyên cha Bourdet an tâm làm theo chỉ dẫn của Giám mục thì không mắc tội vô ơn với ngài. Nhưng chúng ta cũng có thể suy hiểu ý nghĩa của câu nói trên bình diện rộng hơn. Nó sẽ như lời cảnh tỉnh cho những ai sống vô ơn. Bởi thế, hai câu hỏi đặt ra là: liệu rằng nhà truyền giáo ngày nay mỗi khi “uống nước” có phải “nhớ nguồn” nữa không? Nếu có, họ sẽ “nhớ nguồn” như thế nào?
Với tôi, trả câu hỏi thứ nhất luôn luôn là “có.” Để trả lời câu hỏi thứ hai, tôi nghĩ rằng, nhà truyền giáo thế kỷ XXI nên bắt chước cung cách bày tỏ lòng biết ơn nơi cha thánh Vinh Sơn.
Giuse Nguyễn Đức Duy.
[1] Cha André Dodin, C.M dùng từ này trong lời tựa của cuốn “Đàm Luận Thiêng Liêng Dành Cho Các Nhà Truyền Giáo.”
[2] Patrick Murphy, C.M, “Thánh Vinh Sơn” trong Một Chìa Khóa Để Hiểu Thánh Vinh Sơn, Phaolô Phạm Quang Hoàng C.M biên tập, 66.
[3] SV. X, 332.
[4] Vị tiền bối của dòng họ Gondi định cư tại Pháp, có tên là Antoine. Ông có hai con trai, một người là giáo sỹ, người thứ hai là Albert, tướng của quân đội hoàng gia. Albert có bốn con trai và các cô con gái. Hai con trai: Henri và Jean-Francois, liên tiếp nhau thừa kế chức Giám mục Paris. Hai con trai khác đều theo binh nghiệp: Charles và Philippe-Emmanuel. Vị đô đốc chiến thuyền Philippe-Emmanuel có ba người con trai: Pierre sau này can thiệp chính quyền chống lại Mazarin; Henri chết năm 12 tuổi; Jean-Francois-Paul, lịch sử nhận biết cậu như là Hồng y De Retz của cuộc nội chiến La Fronde.
[5] Marguerite de Silly, là một phụ nữ đáng kính ở Folleville, kết hôn với Philippe-Emmanuel (Emmanuel de Gondi) năm 1600.
[6] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 176-177.
[7] x. Ibid, 152-153.
[8] x. SV. XIII, 202-203.
[9] Là con trai út Jean-Francois-Paul của ông Gondi, đang là Tổng Giám mục phụ tá Paris
[10] SV. XI, 172.
[11] Tu viện trưởng cộng đoàn các kinh sỹ Saint Lazare
[12] x. SV. XIII, 638-639.
[13] St. Vincent de Paul, Lm. André Dodin sưu tập, Đàm Luận Thiêng Liêng Của Thánh Vinh Sơn, Lm. Hà Văn Báu C.M & Thérése Kim Nương chuyển ngữ, 93.
[14] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 304-305.
[15] SV. XI, 139.
[16] St. Vincent de Paul, Lm. André Dodin sưu tập, Đàm Luận Thiêng Liêng Của Thánh Vinh Sơn, Lm. Hà Văn Báu C.M & Thérése Kim Nương chuyển ngữ, 60.
[17] x. Ibid, 91-92.
[18] SV. XIII, 78.
[19] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 164.
[20] x. Ibid,163-166.
[21] Ibid, 186.
[22] Ibid, 329.
[23] Ibid, 279.
[24] Ibid, 618.
[25] x. CR, VI, 3.
[26] SV. X, 374.
[27] SV. XI, 73.
[28] SV. X, 375.
[29] SV. I, 530
[30] SV. X, 332.
[31] Collet, t.1,479.
[32] Abelly, I. 3, c.11, 120.
[33] SV. VIII, 73.
[34] SV. XI, 201-202.
[35] St. Vincent de Paul, Lm. André Dodin sưu tập, Đàm Luận Thiêng Liêng Của Thánh Vinh Sơn, Lm. Hà Văn Báu C.M & Thérése Kim Nương chuyển ngữ, 155.
[36] x. SV. XI, 200; SV. XII,170.
[37] x. SV. XI, 89.
[38] Abelly, I. 3, c.2, 9.
[39] SV. XI, 393.
[40] x. SV. IX, 59,
[41] x. SV. V, 60; SV. IX, 324; SV. X, 681.
[42] SV. IX, 5; X, 3.
[43] SV. IX, 252-253.
[44] x. SV. IX, 593; SV. X, 679-680.
[45] SV. X, 332.
[46] SV. X, 332.
[47] SV. III, 37.