Trong kí ức của hầu hết người lớn, chắc hẳn đã có những lần mày mò làm lồng đèn, nghe kể và nghĩ về chị Hằng, chú Cuội… Nhưng vui nhất, vẫn là được cùng đám bạn trong xóm ăn bánh trung thu, bánh dẻo, xem múa lân, múa rồng, rước đèn đi khắp khu phố, vừa đi vừa hát “Tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…”
Tết trung thu vẫn thường được gọi là tết thiếu nhi. Và cũng thật đặc biệt khi trung thu cũng được coi là tết đoàn viên, là dịp để cả gia đình cùng ngồi lại với nhau, nhấm nháp một miếng bánh, một tách trà, ôn lại kỷ niệm, gắn kết tình thân. Giữa bộn bề của cuộc sống, đâu đó, chúng ta vô tình bắt gặp được những nụ cười trẻ thơ. Những nụ cười trong trẻo thấy lạ. Không lạ làm sao khi chúng ta là những người lớn trong một thế giới quay cuồng với cuộc sống, giá trị đồng tiền khẳng định con người, cách sống… mà vô tình đã mất đi sự tưới tắn của nụ cười, bỏ quên đi gia đình, bạn bè, hàng xóm, người thân…
Khi chúng ta dừng lại vài giây, gạt bỏ trên đôi vai những gánh vác trong cuộc sống. Đó cũng là lúc, chúng ta quay trở về với một tuổi thơ mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng là một trẻ thơ.
Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mà mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của tết trung thu. Mâm cỗ trung thu là để cúng trăng và tế trời đất cùng cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình. Trăng có một ý nghĩa rất to lớn đối với một đất nước có nền văn hóa lúa nước. Ngày rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời. Bên cạnh đó, chiếc đèn lồng Việt Nam được làm bằng thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.
Những ý nghĩa linh thiêng đã nói lên ý nghĩa của tết trung thu là biểu hiện sự đoàn viên, quây quần, ấm no của gia đình thuần Việt.
Nhà thờ Thánh Tâm, tọa lạc trên đường Trần Phú, đã có một đêm trung thu diễn ra trong cảnh thanh bình giữa nhịp sống của thành phố ngàn thông. Các bé cũng như gia đình, những người lớn, khách du lịch… đã có cơ hội được chung vui với các em trong đêm diễn ra chương trình “Ánh Trăng Tuổi Thơ”.
Bài hát mở đầu chương trình với tựa đề “Chung Sống” của tác giả Ý Vũ đã nói lên trong cuộc sống luôn có những niềm vui, những giấc mơ… tất cả chúng ta cùng nhau góp về. Chính những sự đóng góp nhỏ bé và đôi khi rất thầm lặng cũng đã tạo nên một đêm rực rỡ ánh trăng sáng đời Ki-tô hữu. Hình ảnh những chiếc bánh trung thu được trao tặng cho nhau trong đêm tết cổ truyền cũng đã nói lên ý nghĩa của một nhân vị trong sự tương quan với xã hội và tha nhân.
Trong đêm nay, chính những người lớn đã tìm lại được nụ cười thật tươi của trẻ thơ, trong chính mỗi người đã cảm thấy lớn quá nhanh. Không chỉ là dành riêng cho các em sân vui chơi, nhưng chính chúng ta là những người lớn đã có một thời trẻ thơ với những tiếng trống múa lân, với những bài hát, anh đèn cầy cháy trong những chiếc đèn bằng giấy… những hình ảnh đó lại gợi lên một đêm trung thu chạy quanh khắp xóm làng dưới ánh sáng trăng, ngồi nghe lại những câu chuyện chị Hằng – chú Cuội…
Dừng lại để ngắm nhìn ánh trăng và thấy được sự kỳ diệu vĩ đại của Thiên Chúa. “Yêu” là bản tính của Thiên Chúa, ánh trăng cũng là lời nói của thiên nhiên về sự vĩ đại và những kỳ công của Thiên Chúa. Thiên nhiên là một ngôi nhà mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta là những con người vào đó. Chúng ta cũng chỉ là những người tiếp tục công trình sáng tạo, không phải là người sở hữu. Chính khi việc hiểu sai địa vị của ta trong tương quan với thiên nhiên đã dẫn đến những hậu quả của ngày nay. Trong thông điệp Laudato Si của Đức Giáo Hoàng Fanxicô, số 53 có nói: “Những tình trạng này đã làm cho người chị trái đất, cùng với tất cả những thứ bị bỏ rơi trên thế giới của chúng ta than khóc, khẩn xin chúng ta hãy thay đổi hành động. Chưa bao giờ chúng ta lại làm tổn thương nặng nề và đối xử tệ hại với ngôi nhà chung của chúng ta như trong suốt hai trăm năm qua. Chúng ta được mời gọi trở thành những khí cụ của Thiên Chúa là Cha chúng ta, để hành tinh của chúng ta có thể được như Ngài mong muốn khi tạo dựng và đáp trả lại kế hoạch của Ngài cho hoà bình, vẻ đẹp và sự toàn vẹn…”
Đèn trung thu với ánh nến cháy như tâm hồn của mỗi người chúng ta. Được thắp sáng bởi ngọn đèn “tình yêu”. Kết thúc chương trình, ban tổ chức đã dành lại khoảng không gian trầm lặng ít phút, lời bài hát “Học Yêu Thánh Giá” được vang lên. “Thánh Giá là chữ Tờ, Người nằm giang tay chữ Y, là Tình Yêu, yêu đến tận cùng. Yêu nhân gian chiều ngang. Yêu đời mình chiều sâu. Yêu Chúa là chiều cao. Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu”. “Tình yêu” là một màu nhiệm mà trong đó chúng ta chẳng định nghĩa được một cách chính xác và cụ thể. Chỉ có hành động sẽ chứng minh được tình yêu là như thế nào. Tình yêu ấy luôn được đặt trên nền tảng vững chắc chính là Thiên Chúa. Vì nơi Ngài, ta kín múc được sức mạnh của tình yêu để bung mình vào thế giới.
“Tình yêu thương rộng lớn
Luôn đem tới niềm vui
Cùng sớt chia nỗi khổ
Dìu nhau về thảnh thơi.”
Minh Niệm
Chính người lớn chúng ta hãy trở nên ngọn đèn trong cuộc đời giữa lòng thế giới. Ánh đèn sẽ có lúc leo lét mỏng manh trước cơn gió nhưng vẫn cứ cháy, thắp sáng và sưởi ấm thế giới, xua đi sự lạnh lẽo trong tâm hồn, xua đi sự vô cảm của thế giới. Hãy cùng nhau kéo lên bản tình ca của “tình yêu”. Thiên Chúa sẽ là một nhạc sĩ tài ba với dàn hợp xướng nhân loại để cùng nhau trở nên tiếng nói tình yêu giữa lòng thế giới.
“Không phải ai cũng làm được điều lớn lao,
nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm
những điều nhỏ bé với tình yêu to lớn.”
Mẹ Tê-rê-sa
Jos Ngọc Vũ